TIỂU SỬ VĨ NHÂN TRẦN LỤC (1825-1899)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Khi nền Đệ I Cộng Hòa do Tổng Thống Ngô Đình Diệm thành lập, dân miền nam Việt Nam thấy ngay một hệ thống công lập Trung Tiểu học xuất hiện, mang tên các vị anh hùng và vĩ nhân của Việt Nam. Trần Lục là tên của một trường trung học công lập nam sinh.

Quê quán vĩ nhân Trần Lục

Trần Lục tên thực là Trần Hữu, quê quán ở làng Đạo Đức, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tục gọi là Cụ Sáu. Xuất thân trong một gia đình theo Ki-tô giáo, ông đi tu để trở thành linh mục Công Giáo vào giữa lúc các Vua triều Nguyễn cấm đạo và bắt bớ những người theo đạo. Ông và em trai bị bắt đi tù ở Lạng Sơn. Là một tù nhân tinh thông Hán học, Trần Lục được quan chức địa phương thu dùng làm thư ký, chuyên soạn thảo công văn, trao đổi với triều đình. Nhờ thế, Trần Lục mới có cơ hội  hòa giải sự xung đột giữa Giáo dân bị nghi oan là theo Pháp bán nước và triều đình Nguyễn.

Cơ hội ấy đã đến khi giặc Tạ Văn Phụng nổi loạn, hô hào Giáo dân chống lại triều đình, ông không theo nhưng hết lòng giúp quan quân triều Nguyễn dẹp loạn. Giặc tan vỡ năm 1865, nhờ công lao rất lớn của Trần Lục. Từ đó, ông được thả tự do. Ông đã tìm tới Kẻ Sở, gặp Giám Mục, và được phong làm Linh Mục. Trở về quê quán, ông được Giáo Hội giao cho quản trị giáo xứ Phát Diệm.    

Sự nghiệp vĩ nhân Trần Lục

Năm 1885, Vua Đồng Khánh cất Linh Mục lên chức Khâm Sai và giao cho nhiệm vụ bình định ba tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh vì phong trào Văn Thân lúc ấy đang nổi dậy đốt giết các làng Công Giáo. Phong trào Văn Thân mượn cớ “Bình Tây sát tả” đánh Pháp thì ít mà giết giáo dân thì nhiều, nên đã gây ra cảnh chia rẽ trầm trọng. Nhờ công lao của Trần Lục, tình hình ba tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh ổn định trở lại.

Năm 1899, vua Thành Thái phong cho ông làm Lễ Bộ Thượng Thư. Ông nhận được Sắc vua ban vài ngày thì qua đời. Linh Mục Trần Lục mất đi để lại ngôi nhà thờ lớn, xây theo kiến trúc Á đông tại Phát Diệm năm 1875 và khánh thành năm 1891. Ngoài ra, một trường tư thục trung tiểu học bao quanh mộ Trần Lục được thành lập để hậu thế ghi nhớ công ơn và đời sống tu đức của linh mục Trần Lục. Sau thế chiến thứ hai, tình hình chính trị trong nước thay đổi và trường tư thục trung tiểu học Trần Lục đã được đổi thành trường công lập. Những giáo sư đầu tiên của trung học Trần Lục gồm Nguyễn Quý An, Tạ Văn Hanh, Tạ Văn Bằng, Nguyễn Gia Hiến, Trần Văn Mẫn, Trần Văn Kiệm (Linh Mục). Đó là những vị đỗ Tú Tài toàn phần chương trình Pháp. 

Trường Trần Lục trong cơn khói lửa

Ra đời trong cơn khói lửa nhưng trường Trần Lục có những sinh hoạt lành mạnh đầy tình thương của Ki-tô giáo và một chương trình học có phẩm chất do các ông Tú Tây đảm trách. Trong khi những vùng chung quanh khói lửa ngút trời, thì cuối niên học hàng năm, trường Trần Lục vẫn có phát phần thưởng cho học sinh ưu tú và tiết mục văn nghệ xuất sắc do nhóm học sinh trung học đầu tiên của Trần Lục đảm trách. Nhạc cụ chỉ là những cây sáo thô sơ làm bằng trúc, chặt từ các bụi tre, trúc dọc theo lối đi ở miền quê ngoài bắc. Hai học sinh Nguyễn Mộng Hùng và Nguyễn Xuân Điền nổi tiếng vì những màn trình diễn hòa tấu bằng sáo do chính hai anh chế tạo. Học sinh tốt nghiệp Trần Lục những khóa đầu tiên, khi ra đời, đã trở thành những nhân vật quan trọng và nổi tiếng trong xã hội như: Đại tá Nghìn và Hùng, là hai sĩ quan trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Anh Hùng còn kiêm chức vụ tỉnh trưởng phụ trách an ninh cho địa điểm quân sự Ba Ngòi và Cam Ranh. Tiến Sĩ Nguyễn Tấn Hưng, Luật Sư Tạ Văn Tài, Luật Sư kiêm nghị sĩ Nguyễn Văn Chức, v.v. …

Em gái Trần Lục

Cựu học sinh Trần Lục kính mến, bây giờ quý anh đang ở đâu? Có bao giờ nhớ về trường Trần Lục và ngạc nhiên về những chi tiết mà tôi, vừa là một nhi nữ thường tình, vừa không phải là cựu học sinh Trần Lục kể lại?

Trong cuộc di cư vĩ đại năm 1954, người dân Phát Diệm không mang theo được cơ sở Trần Lục nên đã để lại Phát Diệm. Vào nam trong những năm đầu, học sinh di cư Trần Lục phải học nhờ cơ sở trường Hồ Ngọc Cẩn. Nói về trường Trần Lục thì tôi chỉ biết ngần ấy, còn những gì khác, xin quý anh Trần Lục, thêm vào cho trọn.

Tôi gọi mình là em gái Trần Lục, vì sau khi mất bố, sáu anh em tôi trở thành trẻ mồ côi. Chỉ chăm ăn cho đàn con, tuổi từ một tới mười một, ăn như tằm ăn rỗi thôi, cũng đủ làm cho mẹ tôi còm cõi, nói chi tới những chuyện khác. Vì thế, mẹ tôi ra lệnh tất cả phải chăm học để thi đậu vào đệ thất trung học công lập. Mỗi đứa con được mẹ tôi chọn cho một trường, tên trường đó, sẽ trở thành biệt danh cho chúng tôi. Tính từ

trên xuống dưới, chúng tôi có Trần Lục, Pétrus Trương Vĩnh Ký, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Chu Văn An. Chúng tôi còn lại năm anh em vì người em út qua đời, hai năm sau khi bố mất. Anh cả tôi, năm 1959 đỗ thủ khoa vào Trần Lục, vì vậy, tôi mới dám gọi mình là em gái Trần Lục mà không biết ngượng.

Viết đến dòng cuối cùng, tôi cảm ơn nền giáo dục thời Đệ I và Đệ II Cộng Hòa đã đào tạo nên những con người có đạo đức, có tư cách và bản lĩnh khi bước vào đời. Những tinh hoa của nền văn hóa nhân bản đã đâm rễ và luân lưu trong máu chúng ta, xin đừng để mai một, nhưng trao gửi cho thế hệ kế tiếp, để dù ở bất cứ nơi đâu, hậu duệ của chúng ta sẽ làm thành những trang sử mới, tiếp nối dòng lịch sử oai linh bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Chúc mừng 60 năm Hội Ngộ Trần Lục.

Trịnh Kim Dung, Trưng Vương 64-71

Cao Học Cố Vấn Giáo Dục.

Tháng 05- 2018