50 NĂM QUỐC HẬN: NHÌN LẠI LỊCH SỬ VIỆT NAM (VietLife TV_ May. 25th.2025)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Có những khoảnh khắc lịch sử như vết khắc sâu vào tâm khảm dân tộc – Ngày 30 tháng 4 năm 1975 – Nửa thế kỷ bụi thời gian phủ mờ, nhưng trong tim hàng triệu người Việt tha hương, mỗi độ tháng Tư về, ký ức lại ùa về như ngọn sóng xô bờ, mang theo nỗi quặn thắt một vết thương chưa lành. Đó không chỉ là ngày mất nước, mà còn là ngày Quốc Hận – Một ngày đen tối mà lịch sử không thể xóa, một nỗi niềm uất nghẹn mà người Việt không thể quên.

“50 Năm Quốc Hận: Nhìn Lại Lịch Sử Việt Nam” là một đề tài thấm đẫm ký ức với những nỗi ray rứt khôn nguôi trong lòng bao người Việt tị nạn trên khắp thế giới – Từ California nắng ấm đến trời Âu se lạnh, từ Úc châu xa xôi đến những ngôi nhà thờ và mái chùa nhỏ nơi xứ lạ – Tháng Tư hàng năm là tháng của cờ vàng, của tưởng niệm, của nước mắt, và của lời thầm nhủ: “Không bao giờ từ bỏ quê hương.”

Cuộc nội chiến Nam, Bắc kéo dài suốt 21 năm, không chỉ là chiến tranh ý thức hệ mà còn là bi kịch của một dân tộc – máu người Việt đổ xuống đất Việt. Để rồi khi tiếng súng ngừng nổ, chiến thắng thật sự không thuộc về ai – chỉ có “ nỗi đau” là còn đó. Cuộc nội chiến Việt Nam là cuộc xung đột giữa hai mô hình đối nghịch: một bên là Việt Nam Cộng Hòa – đại diện cho lý tưởng dân chủ, tự do; bên kia là miền Bắc cộng sản – theo chủ nghĩa Marx-Lenin, được hậu thuẫn mạnh mẽ từ khối cộng sản quốc tế.

Nhưng đây không chỉ là cuộc chiến trong lòng dân tộc, mà còn là chiến trường của “Chiến Tranh Lạnh”; nơi mà số phận Việt Nam bị cuốn vào những toan tính chính trị thâm độc toàn cầu. Chính trị, như một bàn cờ lớn, đã đẩy hàng triệu con người Việt vào vòng lửa đạn – và đến ngày định mệnh ấy, miền Nam sụp đổ không chỉ vì quân sự, mà còn vì những toan tính ngoại giao, những thay đổi ‎‎chính trị bất ngờ và sự phản bội của đồng minh, và cả những sai lầm chiến lược bên trong chính quyền miền Nam, Việt Nam.

Khi bước sang đầu thập niên 1970, cục diện toàn cầu thay đổi nhanh chóng. Sau nhiều năm sa lầy tại Việt Nam, Mỹ bắt đầu có kế hoạch rút lui qua chính sách “Việt Nam Hóa Chiến Tranh”. Sau Hiệp định Paris 1973, Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Việt Nam, bỏ lại miền Nam trong tình thế cô độc giữa vòng vây cộng sản. Cùng thời điểm đó, Tổng thống Nixon bắt tay với Trung Cộng, Liên Xô để bước vào giai đoạn hòa dịu; còn Việt Nam – vốn từng là ưu tiên chiến lược – giờ trở thành con chốt hy sinh trên bàn cờ thế giới. Sự im lặng của cộng đồng quốc tế khi miền Bắc vi phạm Hiệp định Paris (hiệp định chấm dứt chiến tranh, k‎ý tại Paris ngày 27/1/1973) đã cho thấy một điều cay đắng: Việt Nam Cộng Hòa bị bỏ rơi, không phải vì không chiến đấu, mà vì thế cờ chính trị toàn cầu đã đổi chiều.

Đến mùa xuân năm 1975, khi quân Bắc Việt tràn xuống với khí thế áp đảo, miền Nam không còn chỗ dựa, không còn phương tiện chiến đấu ngang bằng. Nội bộ tan rã, tướng lĩnh bất hòa và niềm tin lung lay, khiến cả một thể chế sụp đổ chỉ trong vòng 55 ngày – kết thúc ngày 30/4/1975. Đó là lúc chính trị đi trước, quân sự theo sau, và dân chúng là người cuối cùng chịu hậu quả.

Những ai từng sống dưới hai nền Việt Nam Cộng Hòa, vẫn luôn tiếc nhớ một miền Nam tuy non trẻ nhưng đầy sức sống, tự do, nghệ thuật, học thuật, báo chí, văn chương nở rộ – như một đóa hoa nở tuy ngắn ngủi nhưng rực rỡ. Và ngày đó – ngày 30/4/75 – chính là lúc đóa hoa ấy bị dẫm nát. Bao gia đình tan tác…và rồi là từng đoàn người vượt biển Đông, rừng sâu, trại cải tạo, trại tị nạn và cuộc sống lưu vong. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 không chỉ là ngày một chính quyền sụp đổ; đó là lúc cả một nếp sống văn minh, một nền văn hóa nhân bản, một khát vọng tự do bị vùi dập dưới chế độ mới. Và từ khoảnh khắc ấy, hệ lụy không chỉ đến ngay giai đoạn đó mà còn kéo dài suốt nhiều thập niên– chảy âm ỉ trong dòng máu Việt, cả trong nước lẫn hải ngoại. Các tổ chức, các hội đoàn, các cộng đồng vẫn giữ lá cờ vàng, vẫn tổ chức tưởng niệm mỗi tháng Tư hàng năm– không phải để nuôi hận, mà để giữ ký ức.Vì nếu không nhớ, ta sẽ lạc mất chính mình.

“50 NĂM QUỐC HẬN”, để đánh thức tinh thần dân tộc – như tiếng chuông ngân giữa đêm dài, và để giữ vững ngọn lửa trái tim mình. Đã đến lúc ta không thể im lặng. Không thể để quá khứ bị chôn vùi dưới lớp bụi thời gian, không thể để tiếng nói của những người đã ngã xuống chìm trong quên lãng. Thế hệ hôm nay – dù sống ở quê hương hay lưu vong – đều đang đứng trước một ngã rẽ: hoặc cúi đầu chấp nhận một tương lai mù mịt; hoặc đứng lên khơi lại ngọn lửa dân tộc từng thắp sáng bao thế hệ. Đừng để cờ vàng ba sọc đỏ chỉ còn là biểu tượng cũ. Hãy để nó trở thành ngọn đuốc của chính nghĩa, của lòng tin vào một ngày mai tươi sáng cho quê hương – Một Việt Nam tự do thật sự, nơi mỗi người dân có quyền cất lên tiếng nói, có quyền mưu cầu hạnh phúc mà không bị kiểm soát bởi thế lực và nỗi sợ hãi của gông cùm, áp bức.

Để tìm hiểu vì sao ngày 30 tháng 4 năm 1975 lại trở thành một vết thương đớn đau trong lịch sử dân tộc. Những lời giải thích xác đáng cho sự kiện này sẽ dành cho ba vị khách mời quan trọng và đặc biệt trong buổi hội luận vào ngày chủ nhật 25 tháng năm 2025 tại VietLife TV, Nam California, gồm có:

CỰU CIA FRANK SCOTTON
PROFESSOR STEPHEN B. YOUNG
CỰU CIA FRANK SNEPP……

Kiều My_NVNT & TTG

https://www.facebook.com/taman.nguyen.130517CA/videos/4131408340474213

https://chinhnghiavietnamconghoa.com/hoi-thao-chinh-tri-50-nam-quoc-han_-nhin-lai-lich-su-viet-nam-huy-anh/​

https://chinhnghiavietnamconghoa.com/50-nam-quoc-han-nhin-lai-lich-su-viet-nam-kieu-my_nvnt-ttg/