“KHÓC CƯỜI THEO VẬN NƯỚC NỔI TRÔI”, TẤM GƯƠNG SÁNG CỦA CÁC VỊ “CHA CHUNG” (Nguyễn văn Thành)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Bạn thân mến, 

Chắc bạn nhớ đã nghe câu hát “khóc cười theo vận Nước nổi trôi” ở đâu đó rồi phải không? Câu hát này đã trở thành quen thuộc với người dân miền Nam từ những năm tháng chiến tranh trước năm 1975, và vẫn còn mang ý nghĩa “khóc, cười” đau xót đó cho đến bây giờ. 

 Nhưng hôm nay, giữa Mùa Vọng Giáng Sinh 2022, trong nỗi buồn mất mát khi nhận được tin về sự ra đi của hai linh mục công giáo, tôi muốn kể cho bạn những trường hợp “khóc cười theo vận nước” mà ít khi chúng ta thấy được từ những bậc tu hành. Tôi muốn nói đến hai vị “Cha Chung” vừa từ giã chúng ta trong Mùa Vọng năm 2022 này, và hai Cha đã có một điểm chung, là đã sống cuộc đời mình “khóc cười theo vận Nước” như thế. Việc làm này của các vị linh mục, bên cạnh trách nhiệm đối với giáo hội, là tấm gương sáng cho những thế hệ sau, để khi nhìn “vận nước nổi trôi”, mình không thể lấy lý do gì mà không làm được điều nhỏ bé nhất cho đồng bào mình, dù có khi chỉ là khóc hay cười với họ. 

 Linh mục Giuse Đinh Châu Trân, từ giã chúng ta ngày 6 tháng 12, năm 2022. 

 Cha Đinh Châu Trân được tu học về giáo dục (chuyên khoa nghành toán), nên Cha có kiến thức và khả năng cao về nghành này, khi Cha được cử về làm hiệu trưởng trường trung học Chân Phước Liêm (CPL) ở Gò Vấp, từ những năm đầu 1970. Cùng với cha Hà Viễn Lự, cũng là một linh mục có trình độ cao về chuyên khoa giáo dục (education), hai Cha đã thực hiện những thay đổi lớn, biến trường trung học CPL nhỏ bé, không tên tuổi ngày nào trở thành một trường trung học với đội ngũ giáo sư hùng hậu có tiếng ở Sài-Gòn lúc bấy giờ. Thời đó, trường nào có giáo sư giỏi thì chỉ có con nhà giàu mới vào học được. Điều này không đúng với trường CPL dưới sự dẫn dắt của cha hiệu trưởng Đinh Châu Trân. Dù là một trường đạo, nhưng học sinh dù theo bất kỳ tôn giáo nào, và hoàn cảnh gia đình túng thiếu đến đâu, cũng có thể vào học trường CPL, nếu có quyết tâm đi học. Sự quan tâm và lòng yêu thương đặc biệt đến các em học sinh nghèo, nhưng hiếu học, của cha Đinh Châu Trân, đã đem lại kết quả rõ ràng nhất qua những kỳ thi tú tài sau đó, với số học sinh nghèo đậu điểm hạng cao đã trở thành thường xuyên. Đáng tiếc là “giấc mơ phát triển nghành giáo dục” của cha hiệu trưởng Đinh Châu Trân và cha Hà Viễn Lự đã bị cắt ngắn bởi biến cố 30/4/75.  

 Sau khi chiếm được miền Nam, các trường đạo bị buộc phải giao lại cho nhà cầm quyền cs kiểm soát. Công việc thường ngày của các tu sĩ bị ép buộc phải hạn chế trong phạm vi nhà dòng mà thôi, không được phép làm bất cứ điều gì khác bên ngoài nhà dòng. Riêng cha Đinh Châu Trân, Ngài luôn băn khoăn về gia cảnh các em học sinh nghèo, nên vẫn tiếp tục theo dõi và xót xa chứng kiến bao hoàn cảnh bi thảm, từ những ngày đầu tháng Tư năm 75, khi gia đình các em bị nhà nước cs xua đuổi đi vùng Kinh Tế Mới, hay cha mẹ bị bắt đưa đi “tù cải tạo”, vv. Ước muốn làm một điều gì đó để giúp những gia đình đang gặp nạn, đã thúc giục cha Trân đi đến một quyết định không ai ngờ! Nếu bạn đã sống qua thời gian khốn cùng của miền Nam sau 30/4/75, bạn đoán thử xem, một linh mục Hiệu Trưởng có thể làm được gì trước bao cảnh khổ như thế? Vậy mà, mỗi ngày sau các giờ phụng vụ tôn giáo, cha Đinh Châu Trân đã lặng lẽ rời nhà dòng trong bộ thường phục giản dị để đi đạp xích lô đó bạn. Không ai biết Ngài bắt đầu đạp xích lô chính xác từ lúc nào, và làm như thế bao lâu! Lý do dễ hiểu là, nếu nhà nước cs biết được việc làm này của Cha, họ sẽ phạt tù Ngài. Các bạn học kể lại là đã tình cờ nhận ra “cha Trân đi đạp xích lô” từ những năm đầu 80, và lần cuối họ nhìn thấy Cha làm như thế là vào năm 87. Có lẽ đọc đến đây, bạn sẽ quan tâm và muốn biết lúc bắt đầu công việc nặng nhọc ấy, Cha Hiệu Trưởng bao nhiêu tuổi? Cha Đinh Châu Trân sinh năm 1932. Cứ lấy năm 1982 làm mốc cho dễ, thì thời gian Ngài “đạp xích lô” là Ngài xấp xỉ 50 tuổi. Khỏi nói, chắc bạn cũng đoán được là, trong thời gian mấy năm đạp xích lô đó, Cha Hiệu Trưởng đã dành dụm, quyên góp tiền bạc để làm gì phải không? Ngài đã âm thầm đích thân đem tiền đến giúp cho những gia đình đang gặp nạn lúc đó. Cha Hiệu Trưởng đã “khóc” và chia sẻ với những đồng bào cùng khổ của mình bằng cách tốt nhất mà khả năng Cha có thể làm được đó bạn. 

 Linh mục Giuse Nguyễn Văn Lộc, từ giã chúng ta ngày 5 tháng 12 năm 2022. 

 Khác với sự âm thầm, lặng lẽ của cha Đinh Châu Trân, những ai có sinh hoạt xã hội, nhất là trong tổ chức Hướng Đạo VN trước năm 75, đều biết cha Nguyễn Văn Lộc qua cái tên thân thuộc, cha Tiến Lộc, tên Hướng Đạo của Cha là Voi Hoạt Bát. Với biệt tài tổ chức và sinh hoạt giới trẻ, cộng với khả năng nói chuyện lôi cuốn và óc khôi hài, cha Tiến Lộc là một huynh trưởng Hướng Đạo giỏi, và đã góp công lớn trong việc thành lập và phát triển các Tráng Đoàn ở khắp các địa phương từ cuối thập niên 60, và đến năm 1972, phong trào này đã trở thành lớn mạnh đáng ngạc nghiên. Đây là một điểm son của phong trào sinh hoạt Hướng Đạo VN lúc bấy giờ, chú trọng vào tinh thần công dân phục vụ xã hội và xây dựng cộng đồng. Rất tiếc là với tình hình chiến tranh leo thang của cộng sản Bắc Việt từ năm 1972, đã không cho phép sự tiếp tục lớn mạnh của các Tráng Đoàn Hướng Đạo như thế nữa. Cha Tiến Lộc còn là tác giả các bài hát Hướng Đạo quen thuộc như: Anh Em Ta Về, Con Voi, Giây Phút Chia Ly, Chúa Là Cây Đàn, . . . Tên Hướng Đạo Voi Hoạt Bát của Cha đủ để cho chúng ta biết, dù trong giai đoạn đất nước đang chiến tranh, sự có mặt của cha Tiến Lộc ở đâu là có tiếng cười, có niềm vui, có sức sống và niềm tin yêu ở đó. Niềm vui và tiếng cười mà cha Tiến Lộc đem đến cho mọi người đã bị dập tắt khi nhà cầm quyền cs chiếm được miền Nam năm 75. Họ đã liệt Hướng Đạo vào thành phần “tàn dư văn hóa chế độ cũ”, và phong trào Hướng Đạo bị cấm chỉ hoạt động từ đó. Chưa đủ, cha Tiến Lộc còn bị nhà cầm quyền cs tìm lý do phạt tù 4 năm. Với tinh thần Hướng Đạo, luôn an nhiên và lạc quan trong mọi tình huống gian khổ, những năm tháng trong tù của cha Tiến Lộc đã không trở thành phí phạm. Cha Tiến Lộc đã tự học thêm các sinh ngữ mới trong tù. Cha còn sinh hoạt với các bạn đồng tù, tập hát, làm trò chơi, giảng giải về ý nghĩa tôn chỉ và mục đích của phong trào Hướng Đạo, để giúp các bạn tù luôn lạc quan và giữ vững tinh thần. Cha Tiến Lộc còn đích thân làm Lễ Lên Đường, một nghi thức đơn giản cho người gia nhập Hướng Đạo, cho một số người tù chung với Cha, trong đó có linh mục Phạm Quang Hồng (hiện đang ở Úc). 

 Bạn thân mến, 

Viết về hai vị “Cha Chung” của chúng ta, tôi lại nhớ đến một linh mục khác người Ba-Lan, Cha Maximilian Kolbe thời Thế Chiến Thứ Hai. Lúc đó, Ngài bị bắt giam cùng với nhiều người Ba-Lan khác trong “trại tập trung” Auschwitz, và có một người tù trốn thoát. Như một cách trừng phạt và cảnh cáo những người tù còn lại, viên sĩ quan Đức ra lệnh bắt thăm 10 người trong trại phải chết. Trong số 10 người “trúng thăm” này, có ông Franciszek Gajowniczek. Tuy nhiên, khi ông này biết mình sắp phải chết, ông đã khóc nức nở và thốt lên: “ Vợ tôi! Con tôi!”, cha Kolbe đã động lòng và bước lên xin chết thế cho ông Franciszek Gajowniczek. Viên sĩ quan Đức đã ngạc nghiên nhìn cha Kolbe và hỏi: tại sao cha làm thế? Cha Kolbe đã bình thản trả lời ngắn gọn: “Vì tôi là một linh mục”! Cha Kolbe đã chết thay cho đồng bào của mình ngày 14 tháng 8 năm 1941. Việc làm này của cha Kolbe đã được Đức Giáo Hoàng John Paul II chứng nhận và phong thánh cho Ngài ngày 10/10/1982. 

 Bạn thân mến, 

Có lẽ giống như những người lính, khi làm những điều “khóc cười”, và ngay cả khi chết cho đồng bào mình, các vị linh mục cũng không bao giờ biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình sau đó. Tất cả chỉ bắt đầu bằng tấm lòng yêu thương tổ quốc, yêu thương đồng bào mình trước đã. Nói đến đây, tôi lại nghĩ đến lời một vị “Cha Chung” khác, Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, khi Ngài viết: “Con có một Tổ Quốc: Việt Nam. Quê hương yêu quý ngàn đời. Con hãnh diện. Con vui sướng. Con yêu non sông gấm vóc. Con yêu lịch sử vẻ vang.”(1) Vì tấm lòng yêu thương này, mà nhà cầm quyền csVN đối xử với Ngài như là một “kẻ thù nguy hiểm”, đã giam tù Ngài 13 năm, từ 1975 đến 1987 mà không hề kết án, không cho Ngài nhận bất kỳ một chức vụ nào do Tòa Thánh ủy nhiệm, thậm chí, họ còn cấm Ngài cử hành thánh lễ vì sợ uy tín của Ngài ảnh hưởng mạnh lên giáo dân. Cuối cùng, đến khi Tòa Thánh can thiệp và làm áp lực với nhà cầm quyền cs, họ đã phải nhượng bộ trả tự do cho Ngài, nhưng bắt buộc Ngài phải rời VN năm 1991, và cấm Ngài không được quay trở lại VN. Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận được Đức Giáo Hoàng John Paul II phong tước Hồng Y năm 2001. Ngay sau đó, nhiều tờ báo lớn như Los Angeles Times, New York Post, . . đã có những bài báo nói về Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là “một trong những hồng y sáng giá nhất để kế nhiệm Đức Giáo Hoàng John Paul II”. Đáng buồn cho dân tộc VN, ngày 16 tháng 9 năm 2002, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã từ giã chúng ta với những căn bệnh hậu quả từ 13 năm tù ngục. 

 Nếu “yêu quê hương, yêu tổ quốc, yêu đồng bào, yêu non sông gấm vóc, yêu lịch sử vẻ vang” là một cái TỘI đối với người cộng sản, chủ trương “tam vô”: vô gia đình – vô tổ quốc – vô thần, thì bạn nghĩ họ còn chỗ nào nữa để yêu ai, nếu không phải là HỌ CHỈ YÊU CHÍNH HỌ? Và những người được đào tạo trong cái chủ nghĩa cộng sản man rợ ấy sẽ trở thành những người như thế nào? Và tương lai của đất nước VN sẽ ra sao với những con người như thế? 

Nếu những người linh mục, ngoài tình yêu Thiên Chúa, còn có thể bày tỏ tình yêu tổ quốc, yêu đồng bào của mình bằng những việc làm vừa kể ở trên, thì bạn nghĩ việc làm nào của chúng ta là việc làm xứng đáng nhất? 

 Nguyễn Văn Thành (danchuca.org)

Giáng Sinh 2022 

  1. Trích sách “Năm Chiếc Bánh Và Hai Con Cá” của Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận bắt đầu viết từ tháng 8 năm 1975 trong lúc bị “quản chế”.