TRUNG UÝ PHẠM VĂN HẬU (1949 – 2022) (Quan Dương)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be a closeup of 1 person

Hôm qua trên timeline của Nguyễn Trần Vương Thơ tôi đọc được tin trung uý Phạm Văn Hậu khoá 6/69 vừa mất tại Đà Lạt kèm theo hình, trong tôi bỗng xúc động nghẹn ngào . Hậu chính là người bạn cùng khoá ra đơn vị cùng ngày với tôi . Hai đứa tôi mất tin tức về nhau từ năm 75 đến giờ
Cách đây vài tháng tôi có post lên một status “ kể chuyện lần đầu đụng trận “ trong đó tôi viết về ba thằng chuẩn uý khoá 6/69 vừa mới ra trường được đưa về cùng đại đội 398 biệt lập thuộc tiểu khu Darlac . Ba tên đó là tôi , chuẩn uý Phạm văn Hậu và chuẩn uý Lê Huy Yết . Hậu làm trung đội trưởng trung đội 1 , tôi làm trung đội trưởng trung đội 2 và Yết làm trung đội trưởng trung đội 4 . Đại đội trưởng là trung uý Đỗ Hoàng Phúc . Vì là đại đội mới thành lập với ba tên chuẩn uý mặt còn búng ra sữa không có một tí gì kinh nghiệm chiến trận nên được đưa về Buôn M ‘ Rê cách Ban Mê Thuột 12 cây số về hướng nam là một nơi tương đối an toàn để đóng đồn . Cách đại đội 2 cây số là cầu 14 với một đơn vị bạn lót lưng . Đại đội tôi lọt vô giữa chung quanh được bao bọc bởi những khẩu pháo 105 ly của tiểu khu sẳn sàng yểm trợ . Tính ra thì buôn M ‘ Rê là nơi tương đối nếu đem so với những nơi khác trong lúc tình hình chiến sự xảy ra khốc liệt hàng ngày .
Ngày 17/07/70 sau khi trình diện đại tá Châu Văn Tiên tiểu khu trưởng Darlac ba thằng tôi đi theo đại đội để tập làm quen với lính . Vậy mà chỉ mới ba ngày sau vào đêm 20/07/70 chúng tôi bị địch tấn công . Tôi thủ một góc buôn hướng ra quốc lộ còn Hậu thì phía sau lưng . Yết làm trung đội trưởng trung đội 4 có một súng cối 60 ly và hai cây đại liên M60 thủ ở giữa
. Đại đội được bố trí theo đội hình tam giác
Ba con chim mới ra ràng biết chi chiến trận mà đánh đấm . Lẫn trong tiếng súng nổ của lần đầu qua máy PRC 25 tiếng Huế trọ trẹ của Hậu la ỏm tỏi . Hắn đang lo lắng cho tôi vì mặt rào tôi thủ trực diện với làn tấn công của việt cộng . Cũng nhờ trực thăng lên kịp thời yểm trợ nên trận đánh đâm ra nhẹ nhàng , vậy mà sáng hôm sau khi ra khỏi buôn lục soát thì phía việt cộng bỏ lại năm cái xác không kịp kéo đi . Trung đội 1 của chuẩn uý Hậu tử trận hai người vì ngày hôm đó trung đội của Hậu trực nên có nhiệm vụ cử một tiểu đội làm tổ báo động nằm ngay bờ suối . Khi
địch mở cuộc tấn công đụng phải tổ báo động này và hai binh sĩ đã hy sinh
. Ba tên chuẩn uý mặt mày tèm nhem vì bụi đỏ nhìn nhau cười chỉ thấy lòi mấy cái răng. Tôi nhớ khuôn mặt của chuẩn uý Hậu đất bám đầy vậy mà hắn cũng ráng chọc quê nói tôi nhờ ốm nhom mõng như lá lúa nên đạn không có thịt để ghim vào
Có một lần đại đội tôi mở đường dọc theo quốc lộ 14 thuộc địa phận Buôn Hô . Hôm đó trung đội tôi trực nên đi đầu , trung đội Hậu đi sau . Khi tôi đi qua khỏi khúc quanh trên quốc lộ thì nghe tiếng B40 phía sau lưng . Giọng Hậu la oai oái trong máy “ Quang Trung ( là ký hiệu tên tôi dùng trong máy truyền tin còn Hậu là Hồng Hà ) Quang Trung đây Hồng Hà gọi
. Mi có nghe rõ không . Đụ mạ nó chận khúc của tau mi quay lại chận bìa rừng không cho nó thoát để tau cho mấy thằng con rượt nó “ Tôi cho trung đội bọc vô bìa rừng và nhìn xuống phía hắn . Súng nổ dồn dập chừng 30 phút sau thì im . Chỉ còn nghe cối 60 ly của Lê Huy Yết bắn chận đầu vô rừng . Không biết Yết bắn kiểu gì mà mấy tên du kích bỏ lại 2 xác không kịp kéo đi . Khi ba thằng tôi bắt được tay nhau thì lần này tôi chọc quê Hậu .” mày cũng mõng như lá lúa nên mảnh B40 không biết trúng vào đâu “ . Lần này trung đội Hậu có một binh sĩ bị B40 cắt mất hai chân .
Mùa thu năm 72 tôi rời đơn vị để biệt phái qua cảnh sát . Tôi không còn ở Darlac nữa nhưng vẫn thường dõi theo tin tức của Hậu và Yết vì ba thằng tôi có nhiều điều để nhớ . Ngày 30/04/75 vô tù tôi nghe được là trung uý Phúc đại đội trưởng đầu đời binh nghiệp của tôi đã lên đại uý và tử trận tại Quảng Nhiêu được vinh thăng cố thiếu tá. Yết thì nghe nói không còn ở Ban Mê Thuột cả gia đình dọn vô Châu Sơn sau khi ở tù ra . Bà xã của Lê Huy Yết ngày xưa có quán tạp hoá ở Buôn Hô hiền như cục bột do tôi và Hậu “ xúi” Yết cưới khi đại đội đóng tại chi khu Yết thường la cà xuống quán cô này để cua
Năm ngoái có một người ở Đà Lạt sau khi đọc bài tôi viết và tôi có ý tìm tin tức của Hậu thì hứa sẽ tìm giùm tôi . Tôi cho người đó biết trước 75 nhà Hậu ở đầu đường Thi Sách giờ thì không biết tên đường có thay đổi hay không . Người dó hứa và tôi chờ . Thú thật thời gian cũng đã lâu không biết Hậu còn ở đó hay không hay đã ra nước ngoài như tôi . Tôi chờ nhưng không dám hy vọng gì . Vậy mà bỗng nhiên hôm qua đọc được tin của Hậu kèm với tấm hình hắn mang lon trung uý trên trang phân ưu . Dù đã 50 năm nhưng khuôn mặt đó làm sao tôi quên được .
Biết nói gì hơn đây ngoài một nỗi buồn trĩu nặng . Biết tin nhau trong khung cảnh như vầy thật là sốc . Đã thế Hậu lại chọn tháng tư là tháng đau thương của miền Nam để chết . Buồn càng thêm buồn . Cái tên này khi chết mà cũng chọn tháng nghiệt để bạn bè rúng động chơi . Ngày xưa hai đứa tôi cùng trang lứa nên nói chuyện với nhau gọi mày xưng tao
Thôi thì mày đi trước bình an về miền miên viễn . Nhớ cho lính của mày lục soát kỷ hai bên đường để cho trung đội tao tiến vào . Hai thằng mình lại bắt tay nhau giống như hôm bơi qua sông Krongbut Darlac . Trung đội mày qua trước làm đầu cầu để giữ an toàn cho trung đội tao bơi qua sau . Hai thằng trung đội trưởng tuổi vừa quá đôi mươi ướt như chuột lột quay điểm danh những người lính của mình đang lóp ngóp ôm những chiếc poncho túm chặt biến thành phao giữa giòng nước xem quân số có còn đầy đủ hay không . Tuổi trẻ của bọn mình trong chiến tranh gian lao nhưng không kém bi hùng . Hẹn gặp lại vào một ngày nào đó
Quan Dương
New Orleans 14/04/22