TOKYO VÀ HÀ NỘI LO NGẠI BẮC KINH DỰ KIẾN CHO HẢI CẢNH “DÙNG VŨ KHÍ” CHỐNG NƯỚC TÀU

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tàu Tuần Duyên của Trung Cộng 

Một ngày sau khi Quốc Hội Trung Cộng thông báo chuẩn bị ra luật, cho phép lực lượng Hải cảnh sử dụng vũ khí chống lại tàu nước ngoài, ở những vùng biển tranh chấp. Hôm qua, 05/11/2020, nhà cầm quyền Việt Nam và Chính Phủ Nhật Bản đã có phản ứng quan ngại.

Theo Nikkei Asia Review, tại Tokyo, chánh văn phòng Chính Phủ Nhật Bản tuyên bố chính quyền Nhật « sẽ tiếp tục theo sát các diễn biến liên quan đến lực lượng tuần duyên Trung Cộng, và các cơ quan chính phủ liên quan sẽ tiếp tục thu thập tin  tức về vấn đề này ».

Theo báo chí Nhật, luật mới của Bắc Kinh sẽ để ngỏ cho các lực lượng tuần duyên quyền sử dụng vũ khí nhiều hơn so với lực lượng tuần duyên Nhật Bản. Luật Chính Phủ Nhật Bản giới hạn chặt chẽ việc sử dụng vũ khí của tuần duyên, gây nguy hiểm cho tính mạng của người trên tàu nước ngoài. Việc dùng vũ khí chỉ được phép trong một số điều kiện đặc biệt, ví dụ như đương sự đang chuẩn bị một hành động tội ác nguy hiểm.

Luật mới của Trung Cộng về cho phép lực lượng Hải cảnh sử dụng vũ khí chống lại tàu nước ngoài, ở những vùng biển tranh chấp, gây lo ngại không chỉ Chính Phủ Nhật Bản, do các tranh chấp tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Khả năng Hải cảnh Trung Cộng sử dụng vũ lực tại các khu vực mà Trung Cộng coi là thuộc chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng gây lo ngại với Việt Nam. Trả lời câu hỏi của báo giới về dự thảo luật của Trung Cộng, hôm qua, 05/11, trong cuộc họp báo thường kỳ, phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Dương Hoài Nam khẳng định : « Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam luôn ủng hộ giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 ».

Báo chí Việt Nam đặc biệt chú ý đến việc Quốc Hội Trung Cộng đưa ra dự luật này đúng một ngày sau khi bộ Ngoại Giao Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo trực tuyến ASEAN – Trung Cộng về « Thúc đẩy hợp tác đối xử công bằng và nhân đạo với ngư dân ». Đây mà một hội thảo do Việt Nam đề xuất trong khuôn khổ thực thi Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Theo báo chí Việt Nam, dự thảo luật liên quan đến Hải cảnh Trung Cộng đang trong giai đoạn thăm dò, lấy ý kiến của công chúng cho tới ngày 03/12/2020.

Theo RFI