RÙNG MÌNH NHỚ THỜI NGĂN SÔNG CẮM CHỢ! (Peter Nguyên Thanh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 4 people and people standing

Chuyện đã qua cũng mấy chục năm rồi. Cụm từ “ngăn sông cấm chợ” được lan truyền sau năm 1975, đầu tiên phổ biến ở miền Nam, rồi lan ra cả nước. Miền Bắc trước đó cũng có ngăn cấm lưu thông hàng hóa nhưng người ta không gọi vậy, mà dùng chữ khéo léo hơn, là “quản lý thị trường”. Tôi đã cố công tìm hiểu, thấy có lẽ tình trạng ngăn sông cấm chợ hình như chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Cũng may nó chỉ tác oai tác quái gần 2 chục năm, nếu kéo dài thêm chút nữa, chả biết dân mình và cả dân tộc sẽ đi đến đâu.
Thời còn Liên Xô, cứ Liên Xô làm cái gì là cộng sản Bắc Việt bê nguyên xi về, nhất là tư duy kinh tế. Một nền kinh tế bao cấp, nhất cử nhất động theo chỉ đạo máy móc từ trung ương đã giết chết sản xuất hàng hóa và thị trường. Sống chủ yếu dựa vào “bầu sữa” viện trợ của Liên Xô và Trung cộng, đến khi bị cắt, giật mình nhìn lại, dường như chả tự làm được thứ gì ra hồn.
Chết ở chỗ, những kẻ tự cho là “chiến thắng” trong cuộc chiến tranh lại rất kiêu ngạo, chủ quan. Nghĩ mình đã đánh thắng được cả hai đế quốc to thì việc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội chỉ là chuyện nhỏ, một sớm một chiều. Năm 1976, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn trong bài diễn văn kỷ niệm 1 năm đại thắng mùa xuân đã nói câu thể hiện cái ý ấy, giống hệt câu thơ của tên thi sĩ “bưng bô” Tố Hữu, “đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Hầu hết bọn cán bộ và người dân thiếu hiểu biết đã say sưa, lạc quan trước viễn cảnh tươi đẹp, chủ nghĩa cộng sản qua những lời “MỊ TỪ” về đến ngõ rồi, chỉ cần long trọng ra rước vào nhà thôi.
Say quá nên làm tới luôn, bất chấp tất cả quy luật. Không chịu nghe những lời phải trái, cứ quyết là làm. Tất cả chỉ có đúng, chúng ta không bao giờ sai. Nền kinh tế miền Nam đang huy hoàng, phát triển là vậy, nhưng chỉ vài nhát quét bằng chủ trương “CẢI TẠO KINH TẾ”, đã mau chóng về tầm ngang bằng miền Bắc vốn “NGHÈO ĐÓI” ì ạch, lệ thuộc vào nước ngoài. Tôi còn nhớ như in ở miền bắc trước 1975 đi đâu cũng thấy những vỏ thùng gỗ thông đựng hàng viện trợ của Liên Xô, đề chữ CCCP (viết tắt của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết). Người ta tếu táo đùa nhau đọc chệch thành “các chú cứ phá” hoặc “càng cho càng phá”. Kinh tế bao cấp và chính sách ngăn sông cấm chợ đã kìm hãm đất nước và dân tộc gần hơn hai chục năm, nhưng tại hại nhất là nó kéo lùi Việt Nam chậm cả mấy chục năm so với nước khác, để không biết đến khi nào mới đuổi kịp.
Bọn trẻ bây giờ không biết ngăn sông cấm chợ là như thế nào. Đại khái, nôm na vậy cho dễ hiểu: Kinh tế, sản xuất ngày càng khó khăn. Mỹ cấm vận, bầu sữa Liên Xô, Trung cộng ngày càng teo tóp, tâm lý sống dựa dẫm đã ăn sâu vào cả bọn cán bộ lẫn dân chúng, bộ máy đảng và nhà cầm quyền sống nhờ vào ngân sách ngày càng phình to, nhiều thiết chế chính trị, xã hội, kinh tế siết người dân đến ngạt thở…, tất cả khiến cuộc sống lao dốc không phanh. Không những không nhận ra sự thực ấy, bộ máy điều hành còn gây ra biết bao phiền toái, vô lý. Vì quá máy móc về mô hình phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa, những người cầm trịch cho rằng tất cả phải quy về sự quản lý, điều hành của nhà nước. Sản xuất và buôn bán mang tính tư nhân, cá thể bị triệt tiêu. Họ dựng lên những rào cản kìm hãm sức sản xuất, phá hoại thị trường. Họ cấm tiệt sự tự do lưu thông phân phối. Tất cả mọi sản phẩm đều được coi là hàng hóa và phải quy về sự điều tiết, phân phối theo kế hoạch của nhà nước, kể từ hạt lúa, mét vải, cái kim sợi chỉ, cuốn tập học trò, chiếc xe đạp, điếu thuốc lá, cái bát ăn cơm, con gà con lợn… Ai tự động lưu thông những thứ do mình sản xuất được hoặc mua được đều vi phạm luật của nhà nước. Nơi trồng lúa gạo không biết bán cho ai, bán đi đâu; còn nơi thiếu gạo đói ăn cứ ráng chịu đựng, dù có thể chết đói. Mọi thứ đều thành hàng cấm, mọi hành vi lưu thông phân phối ngoài quy định của nhà nước đều là buôn lậu. Nơi thừa, nơi thiếu, dân kêu nhưng cán bộ mặc kệ. Cứ cấm cái đã, rồi tính sau.
Những năm từ 1977 đến khoảng 1992-1994 có 2 trạm kiểm soát cực kỳ nổi tiếng về sự ghê gớm của nó: Trạm Tân Hương trên quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1) từ Sài Gòn về miền Tây Nam Bộ, đặt ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Tiền Giang; trạm kia là trạm Suối Sâu trên quốc lộ 21 từ Sài Gòn đi Tây Ninh, đặt ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Không biết bao nhiêu oan ức, đau khổ, bi kịch của người dân đã sinh ra từ 2 trạm này. Lúc ấy lực lượng kiểm soát là những ông trời con, bất cứ thứ gì của người dân đưa qua trạm cũng bị lục soát, khám xét, tịch thu, kể cả gạo, đường tán, cá thịt, thuốc lá, trái cây, vải vóc… Dưới danh nghĩa chống buôn lậu, đội quản lý thị trường tịch thu hết. Mỗi tỉnh, mỗi vùng là một địa giới lảnh địa riêng. Người có thể qua lại nhưng hàng thì dứt khoát phải “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Các cơ sở giáo dục hay y tế nói chung nhiều lần tìm cách tổ chức về miền Tây (gọi là cải thiện đời sống) mua gạo cứu đói, mỗi người chỉ dám mua 15-20kg, vậy mà qua trạm Tân Hương vẫn bị tịch thu hết, có lần còn bị đám nhân viên trạm vác AR15 ra bắn đoành đoành đuổi theo.
Có một thời, làm quan chức cũng không quyền hành, quan trọng bằng làm nhân viên thương nghiệp nhà nước, mậu dịch quốc doanh. Còn trong thời ngăn sông cấm chợ, nhân viên quản lý thị trường oai to bằng ông trời. Hồi ấy người ta vẫn truyền tai nhau chuyện (chả biết giai thoại thực hay bịa nhưng nghe rất có lý): Một tên phó thủ tướng đặc trách về cải tạo kinh tế ở miền Nam đi công tác qua trạm Tân Hương, mấy “ông trời con” vác AR15 ra chặn lại đòi khám xét hàng hóa. Chú lại xe thò đầu ra thông báo, rằng đây là xe của ông ấy ông ấy. “Trời con” gắt, ông nào cũng kệ, dù có là “ông Đỗ Mười” cũng phải chấp hành luật ngăn sông cấm chợ. Sực nhớ chuyện Thương Ưởng nước Tần bên Tàu thời Xuân Thu chiến quốc, đặt ra quy định quản lý bằng hộ khẩu, đến khi tai vạ thì chính cái định luật của ông ta lại hại ông ta trước.
Bây giờ, cứ nhắc lại thời kinh hoàng ấy, ai người đã trải qua cũng phải rùng mình. Đất nước rừng vàng biển bạc, tài nguyên phong phú, khí hậu tốt tươi, con người cần cù, lịch sử oai hùng, lại thêm khí thế ngất trời sau cuộc chiến thắng thù trong giặc ngoài, cứ tưởng chỉ còn mỗi việc cùng nhau bước lên con đường hạnh phúc, vậy mà những quyết sách, chủ trương sai lầm, trong đó có ngăn sông cấm chợ, đã ngăn cản thật tai hại. Cũng may mà đến nửa cuối thập niên 80 người ta đã nhận ra và sửa chữa, loại bỏ dần những rào cản, đời sống mới đỡ ngột ngạt, căng thẳng, dễ thở hơn.
Nhớ lại một thời ngăn sông cấm chợ mà rùng mình, để thấy thương cho dân chúng và thương những người Vợ mà chồng đang trong vòng lao lý phải gánh chịu cảnh này nuôi đàn con dại.
Một Thoáng Rùng Mình!