Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và thời đại của chúng ta-Giáo sư Trần Huy Bích

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Xin thành thật cám ơn Quý Bác, Quý Anh Chị trong Ban Tổ chức đã có nhã ý cho tôi góp ít lời về nhà thơ Nguyễn Chí Thiện trong buổi tưởng niệm nhân kỳ giỗ đầu của ông. Tôi cũng rất vinh dự –và may mắn — được tới đây cùng Ts. Bùi Hạnh Nghi vả Gs. Nguyễn Ngọc Bích, hai vị có thẩm quyền thật cao để nói cho chúng ta nghe về thơ NC Thiện. Gs. NN Bích đã “đồng hành” với nhà thơ NCT trên 30 năm, bỏ ra bao nhiêu tâm huyết và thời gian để dịch thơ NCT sang tiếng Anh, và đã giới thiệu thơ NCT trên tạp chí Asiaweek từ năm 1982. Từ đó ông dịch thêm rất nhiều: gần trọn tập Hoa Địa Ngục I và gần 100 bài trong Hoa Địa Ngục II. Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ của ông đã xuất bản thơ cùng tập truyện Hỏa Lò của NCT nữa. Trong khi ấy, Ts. Bùi Hạnh Nghi say mê đọc thơ NCT từ năm 1987 (cũng đã 26 năm, trên ¼ thế kỷ), dốc tâm huyết dịch thơ NCT sang tiếng Đức, tích cực trong việc phổ biến thơ NCT trên đất Đức và đất Áo (cũng dùng tiếng Đức), khiến thơ NCT được đưa vào chương trình “Đọc sách hay” tại nhiều trường Trung học bên Đức. Ông đã hi sinh rất nhiều (kể cả về phương diện tài chánh) để thơ NCT được thế giới biết tới. Muốn dịch thơ, nhất là dịch với niềm chân thành và say mê, để đem tâm tình và tư tưởng NCT tới với độc giả quốc tế, hai vị đã đọc thơ NCT rất kỹ. Ta có thể nói: trừ tác giả, nhà thơ đã khuất bóng, ít ai đủ “thẩm quyền” để có thể nói về thơ NCT, có thể phân tích thơ NCT thấu đáo được như hai ông.

Hôm nay, vì chúng ta đã có bài tham luận của hai vị nên công việc của tôi nhẹ hơn. Xin được trình bày một khía cạnh khác: “cốt cách” của NCT, cùng tìm nguyên nhân “tại sao NCT đã sáng tác.” Tôi cũng xin điểm qua lý do sáng tác của một số thi nhân tiền bối trong văn học VN, và đối chiếu hoàn cảnh các vị ấy với hoàn cảnh nhà thơ NCT. Tôi cũng xin nêu một câu hỏi: Đa số chúng ta coi NCT là “một nhà thơ tranh đấu,” một “chiến sĩ.” Nhưng thực ra, bản tâm NCT có muốn là “một nhà tranh đấu,” có muốn sinh ra để thành một “chiến sĩ” hay không?

Kính thưa toàn thể Quý vị,

Tôi hoàn toàn tán đồng với nhà văn Trần Phong Vũ khi ông dành ra nguyên một chương (Chương 2) trong tập sách vừa được Tiếng Quê Hương xuất bản, Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Hồng, để nói về tinh thần nhân ái, bao dung của nhà thơ NCT. Qua nhận xét của cá nhân tôi cũng như của nhiều thân nhân, thân hữu của tôi (có người bị giam chung với nhà thơ NCT trong nhiều năm, có người biết ông từ thuở còn là học sinh Trung học trước 1954 ở Hà Nội), đối với nhà thơ NCT, nhận thức của tôi không khác nhận thức của nhà văn TPV.

Trước hết, xin được đọc một nhận xét sơ bộ của nhà văn TPV:

1 (TPV, trang 57)

Tôi có hoàn cảnh tiếp xúc với nhà thơ NCT khá nhiều trong 12 năm cuối của đời ông, nhất là từ khi ông tin cậy, giao cho tôi việc đọc và giới thiệu tập truyện Hỏa Lò của ông năm 2001 (cùng với nhà văn TPV). Sau đó, mỗi lần tới thăm ông, tôi thường đi với nhà tôi, cháu gọi cụ Vũ Thế Hùng, bạn đồng tù của ông trong nhiều năm, bằng cậu ruột. Biết nhà tôi là cháu của cụ Hùng, ông tỏ ra thân, và “cởi mở” với chúng tôi hơn. Sau khi cụ Hùng qua đời, mỗi lần thân nhân ở Hoa Kỳ làm giỗ, tôi thường được giao nhiệm vụ gọi điện thoại mời ông tới dự lễ giỗ, nhiệm vụ lái xe tới đón, và sau đó đưa ông về. Mỗi lần ngồi với nhau như thế, chúng tôi có dịp chuyện trò, trao đổi riêng, và tôi hiểu ông hơn. Chúng tôi thân nhau thêm vì mỗi khi các con của cụ Hùng (tức những người em họ rất gần của nhà tôi) tới Nam California, có người là Linh mục từ VN qua, có người là một nhà thơ từ Bắc California xuống, bao giờ cũng yêu cầu tôi chở đến thăm ông. Chúng tôi cùng đi ăn trưa với nhau, rồi về nhà tôi ngồi nói chuyện cho tự do, thoải mái. Giao thiệp giữa ông với nhà tôi và tôi mang tính cách “gia đình” như thế. Sau khi nhà tôi qua đời, tôi về hưu, về sống ở Orange County, không xa chỗ ông, chúng tôi có dịp gặp nhau thường xuyên hơn. Một người bạn cùng dạy với tôi ở Văn Hóa Vụ trường VBQGĐL lại là bạn thân từ những ngày cùng đi học với ông ở trường Dũng Lạc, Hà Nội trước 1954. Vì những lẽ ấy, nhất là qua những điều được nghe từ ông cậu và các em con ông cậu của nhà tôi nói về ông, tôi thiết nghĩ có hoàn cảnh “hiểu” ông hơn là chỉ qua những phát hiện bên ngoài.

Nhận xét đầu tiên của tôi (và của cả gia đình), là nhà thơ NCT rất hiền hòa, và luôn luôn quan tâm đến người khác, luôn luôn nghĩ đến người khác. Tôi không ngạc nhiên khi được nhà văn TPV cho biết là Lm NV Lý đã nói về NCT như sau: “Trong những lần được thân nhân hay giáo dân tiếp tế, thăm nuôi, tôi thường đem ra chia cho anh em bạn tù … Khi chia tới NCT, rất ít khi anh nhận. Anh thường từ tốn tìm cách thoái thác, hoặc chỉ nhận một phần nhỏ. Anh nói: ‘Con ăn ít lắm. Xin cha giữ lại, chia cho những anh em cần hơn’. ” (trg. 81).

Trong cuốn NCT : TTH, nhà văn TPV cho biết ông từng chứng kiến cảnh nhà thơ NCT móc ví vét đồng bạc cuối cùng nhờ chuyển về VN, tiếp tế cho thân nhân những nhà tranh đấu cho dân chủ đang bị tù tội, khi qua người này, khi qua người khác. Nhà văn TPV cũng nhắc một trường hợp cụ thể: khi một blogger tranh đấu cho dân chủ tới được Orange County tháng 6-2011, nhà thơ NCT đã tặng blogger ấy 200 MK, và gửi 500 MK nhờ anh đem về biếu 5 nhà tranh đấu cho dân chủ khác ở quốc nội. Nhà thơ NCT không giàu. Ông sống bằng tiền trợ cấp an sinh khoảng 800 MK mỗi tháng. Ông có một ngân khoản nhuận bút không quá lớn từ hai tác phẩm Hoa Địa NgụcHỏa Lò. Với tư cách một người gần nhà thơ NCT trong những năm gần đây, tôi xin xác nhận: điều ông TPV viết ra là đúng.

Tôi cũng thấy nhà thơ NCT tỏ ra thông cảm, khoan dung, khi đưa ra những lý lẽ gần như bênh vực, bào chữa cho những người xuyên tạc, mạt sát ông. Chúng ta cùng nhớ có một thời gian trong cộng đồng sôi nổi với phong trào bôi bác NCT. Có một nhóm, một tờ báo, nói liên tiếp trong nhiều tháng: “Mấy trăm bài thơ in trong các tập TVTĐV, BCT của MNVN , hay Vô Đề … là của lãnh tụ đảng ĐV Duy Dân, nhà cách mạng tiền bối LĐA,” và “NCT đến từ VN là một tên mạo danh, rất nguy hiểm và đáng phỉ nhổ.” Chuyện ấy khiến NCT buồn. Nhưng ông nói: “Xét cho cùng, những người kia chỉ vì quá thương kính lãnh tụ đã khuất bóng, muốn uy danh của tổ chức được hồi sinh … nên đã hiểu sai và đả kích tôi, chứ thật ra họ cũng chằng có ý ghét bỏ, bôi nhọ một người không quen biết.” Ông không thù oán họ. Nhà văn TPV cho biết: Mỗi lần có người hỏi nhà thơ NCT “nghĩ sao” khi bị xúc phạm, ông thường từ tốn trả lời là “không quan tâm,”“cá nhân tôi chẳng là gì.” (trang 84). Tôi xin xác nhận: ông TPV viết đúng, vì chính tôi cũng từng được nghe nhà thơ NCT nói như thế.

Chúng ta cùng biết một trí thức tương đối có danh tiếng trong cộng đồng, từng là giáo sư Đại học, Tổng trưởng VHGD của VNCH, cũng viết trong tờ báo nói trên rằng những bài thơ đó “đúng là của nhà cách mạng LĐA,” và “nhân vật NCT từ VN tới là một kẻ mạo danh.” Sau khi tới HK một thời gian, nhà thơ NCT điện thoại tới nhà trí thức, chỉ cho ông một chỗ sai quan trọng trong bài viết của ông. Vị giáo sư cám ơn, xin lỗi, và mong nhà thơ NCT “bỏ qua mọi chuyện.” Nhà thơ NCT trả lời, “Tôi không để ý. Trong việc nghiên cứu, lầm là thường.” Có một người quen hỏi nhà thơ, “Khi viết để bôi nhọ, đả kích anh, thì ông ấy công khai trên báo. Nay thấy sai và nhận lỗi, ông ấy cũng nên nhận một cách công khai. Chỉ nói riêng với anh như thế đã đủ chưa?” Nhà thơ NCT trả lời, “Thôi, chuyện đã qua rồi. Người ta đã biết là mình sai.” Với ông, như thế là đủ. Tôi tin rằng sự kiện NCT là một người bao dung, hiền hòa, không riêng gì nhà văn TPV, không riêng gì cá nhân tôi cùng toàn thể gia đình tôi, không riêng gì hầu hết các bạn của tôi, mà rất nhiều người trong chúng ta ở đây cũng nhận thấy như thế.

NCT có nếp sống tình cảm rất sâu đậm. Trong bài “Có người mẹ,” ông đã nghĩ tới cha mẹ qua những câu như:

Có người mẹ gầy nhom mắt lóa, gần lòa

Có người cha quá già, quá yếu

Có người con bất hiếu là tôi

Hêt tù lại tội

Bệnh ốm không nuôi nổi thân mình.

Ôi người mẹ nặng tình yêu dấu

Ôi người cha hiểu thấu lòng con!

2 (TPV, trang 192)

Ông nghĩ tới anh chị em qua những câu như:

Ruột thịt chia lìa đớn đau

Gặp nhau, anh chị em mình sẽ khóc

Chìm đắm giữa tù đầy, chết chóc

Em vẫn cầu trời cho bốn anh chị em mình có ngày được ăn bữa cơm đoàn tụ bên nhau.

Ông nghĩ tới chị:

Trong những năm dài tù tội

Chị hiền thay mẹ nuôi em

Đời chị nghèo, nuôi thân còn chẳng đủ

Mỗi miếng chị cho là mỗi miếng thương tâm!

Nghĩ tới người anh ruột vào Nam, không được gặp từ 1954:

Ba chục năm trời không thấy mặt nhau

Non nước chia đôi, rồi tù lao thăm thẳm

Em vẫn mơ ngày tay anh, em nắm

Nước mắt sẽ trào ra, sung sướng, thương đau!

Lòng yêu thương của tác giả Hoa Địa Ngục không chỉ dừng nơi con người. Tâm hồn ông mở rộng tới con chim non vì tai nạn, sớm phải rời xa cánh mẹ:

Chim ơi chim, chim còn non dại lắm

Lông còn tơ chưa đủ che thân

Mỏ nhỏ xinh còn đượm ướt ân tình

Sao sớm vội xa rời đôi cánh mẹ?

Ta ve vuốt cho chim đừng lạnh nhé

Chiều đi rổi, sương giá xuống nơi nơi …

Với một tâm hồn như thế, khi thấy những cảnh tượng như cảnh sau đây, ông ngồi yên sao được:

Bà kia tuổi sáu mươi rồi

Mà sao không được phép ngồi bán khoai?

Ông phải lên tiếng. Và lên tiếng thì đi tù, tổng cộng là 27 năm, trong “thiên đường” XHCN, như chúng ta đã thấy.

.

. .

Chúng ta cùng thử nhìn lại lý do sáng tác của một số thi nhân tiền bối trong văn học VN.

ĐTC viết CPNK bằng chữ Hán (rồi sau ĐTĐ, PHI, và một số nhà thơ khác dịch sang quốc âm) vì trong thời chúa Trịnh Giang, vừa bất tài, vừa tàn bạo và xa xỉ, nhiều đám loạn ở mặt đông nam (HD, QY, ở đông nam của kinh đô Thăng Long) nổi lên chống lại triều đình, binh sĩ phải đi đánh rất gian lao, cực khổ. Tác giả “nhìn những cảnh biệt ly của người đi chinh thú” cảm xúc mà viết ra. Những câu then chốt là “Chàng từ sang đông nam khơi nẻo” (nguyên văn: Tự tòng biệt hậu đông nam khiếu, Đông nam tri quân chiến hà đạo) và “Trên trướng gấm có hay chăng nhẽ?” (Cẩm trướng quân vương tri dã vô?).

Nhưng nỗi khổ của chinh phu, chinh phụ … trong CPNK cũng chỉ là nỗi khổ của một đất nước nhiều loạn lạc, vẫn có từ xưa và ở nhiều nơi, không thấm vào đâu so với nỗi khổ của người dân VN trong xã hội CS mà NCT vừa là người chứng kiến, vừa là nạn nhân.

ONH NGT viết CONK để nói lên nỗi buồn khổ của những người cung phi phải chôn vùi tuổi xuân trong thâm cung của những vua chúa ích kỷ. Những câu then chốt là “Khoảnh làm chi bấy chúa xuân, Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi” hay “Tay Tạo hóa cớ sao mà độc, Buộc người vào kim ốc mà chơi.”

Nhưng sự buồn khổ đó cũng chỉ của một lớp người, một số lượng cung phi tuy khá đông nhưng chưa quá lớn trong toàn thể xã hội. Nỗi buồn khổ của những cung phi bị bỏ rơi, phải chôn vùi tuổi xuân trong thâm cung, tuy quạnh hiu, vẫn không thấm vào đâu so với nỗi khổ ghê gớm của con người VN dưới chế độ CS mà NCT đã trải qua và chứng kiến.

ND viết VTTLCS (cũng gọi là “Bài Chiêu hồn”) để bày tỏ niềm cảm thông với những người ở thời ông, vừa trải qua một giai đoạn tao loạn, từ Lê Trịnh sang Tây sơn, rồi sang Nguyễn. Bên cạnh những người chết do nghèo nàn, tai hoạ, có những binh sĩ chết trận, nhưng cũng có những người quyền quý sa cơ thất thế:

Nào những kẻ màn loan trướng huệ

Những cậy mình cung quế Hằng Nga

Một phen thay đổi sơn hà

Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?

Nhưng các chúa Trịnh, các thủ lĩnh Tây sơn, hay nhà Nguyễn dựng nên về sau, tuy tranh giành chinh chiến với nhau khiến nhân dân cực khổ, không ai tàn bạo như các lãnh tụ CS ở thời của NCT.

Xin lấy một thí dụ nhỏ:

Ở thời của NCT, trong nước VN dưới chế độ CS:

— Hơi nghĩ khác là đi tù mục xác

Tiếng thở lời than họa chụp vào thân.

Thằng kia, sao dám thở dài?

— Thằng này sao mặt mày hớn hở?

(Hễ nghi là bắt, cứ chi tội tình).

Tóm lại, đúng như nhận xét của NCT:

Toàn dân lương thiện, tội tình gì đâu.

Chúng ta thử nhìn lại mối liên hệ giữa ND với các vua nhà Nguyễn:

Trong Truyện Kiều (ĐTTT), ND có những câu:

— Rõ ràng một lứa đôi ta

Làm ra con ở, chúa nhà đôi nơi …

— Bó thân về với triều đình

Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu …

(Không hề bị buộc tội, ND vẫn được vua GL tin cậy, thăng chức, vua MM cử đi sứ, vua TĐ đề cao tác phẩm)

Nhận xét: Chế độ CS đúng là chế độ tàn bạo nhất trong lịch sử VN từ trước đến nay.

Trách gì NCT không phải viết lên những câu như:

Tôi muốn kêu to trong câm lặng đen dày

Cho nhân loại trăm miền nghe thấy.

Xét cho kỹ, bản chất NCT là một người hiền hòa, giàu tình cảm, luôn luôn quan tâm tới người khác, luôn luôn khoan thứ, bao dung. Ông chỉ không bao dung được cái Đại Ác.

Người xưa có câu: “Bất bình tắc minh” (khi trong lòng có điều không yên thì phải thốt ra bằng thơ văn).

Kết luận: Tự xét không đủ trình độ, khả năng để “kết luận” về NCT.

Mượn lời VHC:

Hồng bay, để dấu bất bình

Tuyết non cao thoắt hiển linh ý thần

Nỗi đau ném chữ, gieo vần…

Mượn lời TPV:

“Tuy NCT đã vĩnh viễn ra đi, nhưng trong mắt và trong hồn tôi như vẫn hiển hiện hình ảnh cô đơn, cam đành, khiêm tốn và bất khuất của một con người mà khi sống cũng như khi chết đã để lại trong tâm hồn người quen biết ông những cảm tình quý mến không thể phai nhòa.”

(TPV, trang 56).