MỘT NĂM SAU NGÀY RA ĐI CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN CHÍ THIỆN-Trần viết Đại Hưng

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail


Đầu tháng 10 năm 2012 nhà thơ Nguyễn chí Thiện qua đời. Nay cũng vừa tròn 1 năm nhà thơ yêu quý rời xa chúng ta. Là một ngươì liên lac với nhà thơ từ khi ông còn ở Việt Nam, tôi cũng xin ghi vài cảm tưởng về nhà thơ bất khuất đáng trọng này.
Chuyện ra đi của anh Thiện không bất ngờ nhưng cũng khá đột ngột. Trưóc khi từ trần vài tuần, anh có gọi điện thoại cho tôi, nói là bác sĩ cho biết bệnh phổi của anh đã đến giai đoạn cuối, anh chỉ còn sống được vài tháng. Anh nói anh sẽ nhờ người chở xe lên thăm tôi lần cuối. Anh tỏ ra không sợ hãi gì về cái chết sắp đến với anh mà còn bông đùa rằng chuyến đi chơi xa này sẽ có nhiều điều kỳ thú mà anh hy vọng về kể lại cho bạn bè nghe ! Nhưng rồi tử thần đã đến sớm hơn dự tính, anh ra đi mà không có cơ hội đến thăm tôi lần cuối để nói lời chia tay.
Khác với những người bạn quen biết anh từ khi anh đến định cư ở Mỹ, tôi liên lạc với anh từ khi anh ở Việt Nam. Chuyện tôi đến với anh cũng do một chữ “ duyên”
Tôi định cư ở Mỹ vào năm 1980. Một thời gian không lâu sau đó, tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong cho xuất bản tập thơ được mang tên “ Bản chúc thư của một người Việt Nam”, Tập thơ gây chấn động ngay vì nội dung chống cộng mãnh liệt và được viết bởi một lời thơ, khi thì đanh thép, khi thì đau thưong chất ngất. Tập thơ có tính nghệ thuật cao làm lay động lòng người đoc khắp bốn phương. Tác giả được ghi là khuyết danh vì khi tập thơ được đưa vào một toà đại sứ Tây phương ở Hà Nội để chuyển ra ngoài, tên tác giả được xoá đi để bảo vệ sự an nguy của tác giả.
Tôi cũng như những đồng bào Việt Nam khác ở hải ngoại đều quan tâm lo lắng cho số phận nhà thơ tác giả. Chỉ một chuyện ông gọi Hồ chí Minh là “ con chó nhỏ” trong bài thơ “ Không có gì quý hơn độc lập tư do “ cũng đủ mường tượng được chế độ Công sản Việt Nam sẽ trừng phạt ông nặng nề như thế nào vì dám phỉ báng thần tượng Hồ chí Minh thiêng liêng của họ. Chưa ai quên chuyện nhà văn Phùng Cung chỉ vì viết truyện “ Con ngựa già của chuá Trịnh “ để bóng gió mỉa mai bọn người khuyển mã làm tay sai cho chế độ, đã bị đi tù nhiều năm.
Tập thơ có khoảng 4000 câu, nhưng có một bài thơ làm tôi xúc động mãnh liệt
Đó là bài “ Nếu có trời”.. Xin ghi lại như sau
Nếu có trời đời tôi phải khác
Đâu bị đói nghèo tù lao tan tác !
Vì tôi chưa làm việc gì độc ác
Và luôn sống với tâm tình chát phác
Dù toàn gặp những điều bội bạc
Và lòng buồn như đêm sa mạc
Tôi hiểi nỗi đau đớn uất nghẹn của ông là dù chưa làm điều gì xấu xa , độc ác , sao toàn gặp khổ đau, bất hạnh. Nó cũng giống như thân phận bầm dập của nàng Kiều. Dù là con gái lớn lên , chưa làm điều gì tội lỗi xấu xa, Kiều đã phải hứng chiụ bao oan trái , khổ sở trong suốt 15 năm trời. Đến khi sóng gió qua đi thì cuộc đời cũng đã tan nát thành trăm ngàn mảnh vỡ rồi. Nói theo nhà Phật cái oan trái mà người không may gặp phải dó,là do tiền kiếp tạo nên . Phải trả nợ những gì mình đã gây ra trong kiếp trước.Nếu không hiểu chữ “ Nghiệp “ của nhà Phật thì cứ đau khổ, buồn giận cho số kiếp hẩm hiu của mình hoài.
Tình cờ được một ngươì bạn cho tôi điạ chỉ của bà Nguyễn thị Hảo , chị ruột anh Thiện, sống ở Hà Nôị. Chuyện đầu tiên tôi tức tốc làm là gửi ngay một số tiền về cho bà Hảo, nói là phụ với bà mua quà thăm nuôi anh Thiện vì anh đang ở tù sau khi vào Đại sứ quán Anh giao tập thơ. Vaò thời điểm này ở Mỹ chưa có những hãng chuyển tiền công khai và rầm rộ như bây giờ, Tôi phải gửi tiền qua một hãng chuyển tiền ở Canada để gừi tiền về cho bà Hảo chị anh Thiện.
Anh Thiện có 3 anh chị em, Bà chị đầu tên Hoàn, mới qua đời trong năm nay ( 2013), bà Hảo qua đời sau khi anh Thiện rời Việt Nam được vài năm. Anh Thiện qua đòi năm 2012. Coi như 4 anh chị em còn lại duy nhất anh Giân là anh kế của anh Thiện , sống ở Virginia. Anh Giân hiện cũng đang đau bệnh
Cha tôi cũng thuộc loại tù cải tạo. Tôi hiểu những gia đình có thân nhân cải tạo đều gặp khó khăn trong cuộc sống, lại phải cưu mang gửi quà hay thăm nuôi người thân trong trại tù cải tạo là một chuyện rất khổ cực. Cho nên chuyện thực tế muốn giúp một ngươì đang bị tù cải tạo là gưỉ tiền ngay để giúp gia đình họ có phương tiện đi thăm và tiếp tế quà cho người thân trong traị. Sau anh Thiện, tôi còn gửi tiền giúp kôảng 5, 7 người đấu tranh khác vướng vòng tù tội ở Việt Nam. Phải tiếp sức, tiếp máu cho họ chứ cứ viết bài ca tụng hay vinh danh họ thì không ích lợi gì nhiều
Hiện nay tôi biết Mạng lưới nhân quyền của tiến sĩ Nguyễn bá Tùng và tổ chức Hưng Việt ( www.hung-viet.org) đang đẩy mạnh chuyện giúp những người đấu tranh bị tù tội ở Việt Nam. Đó là chuyện làm rất thiết thực cần được sự hưởng ứng nồng nhiệt của người hải ngoại.
Một thời gian sau, anh Thiện ra tù. Anh có viêt cho tôi một thư ngắn kèm một tấm hình anh mới chụp.
Lá thư nguyên văn như sau
Hà Nội 15- 1—93
Thân gưỉ anh Hưng
Thỉnh thoảng vẫn nhận được thư và ảnh của Hưng, cả ảnh của người yêu của Hưng nữa. Bao giờ thì cưới ? Cầu chúc đó sẽ là một tổ ấm hạnh phúc. Tôi và chị Hảo vẫn viết thư cho Hưng, cho các bạn khác nữa.Chắc bên ấy ít nhận được
Tôi về nhà đã hơn một năm, nhưng còn yếu lắm, đã quá kiệt rôì, hồi fục lại khó lắm. Mỗi bữa chỉ ăn được một bát cơm, nửa lạng thịt. Mỗi đêm chỉ ngủ được độ 3 tiếng, ngày không bao giờ ngủ. Thuờng ăn trái cây cho đỡ . Bệnh trĩ và sa trực tràng ( Rectal prolapous) đã chưã khỏi.
Không biết bao giờ chúng ta mới hội ngộ. Nghe nói Hưng rất hăng hái, rất nhiệt tình trong mọi việc. Khi nào gặp Hưng fải nhờ Hưng dạy cho tiếng Anh. Chắc bây giờ Hưng đã thạo lắm. Nghĩ tới ngày gặp nhau là đã vui rồi, nhưng cứ fải chờ mãi, sốt ruột lắm
Nhờ Hưng chuyển hộ lá thư của tôi cho chị Sara
Tết sắp tới, chúc Hưng và các bạn fương xa một năm tràn đầy hạnh phúc
Bạn của Hưng
Nguyễn chí Thiện
Chuyện đầu tiên tôi làm khi nhận thư anh Thiện là lấy nét chữ trong thư của anh để so sánh với nét chữ của bài thơ Đồng Lấy và bức thư tiếng Pháp kèm theo tập thơ đăng trong tập thơ “ Bản chúc thư của một người Việt Nam “ do Văn Nghệ Tiền Phong xuất bản , xem có giống nhau hay không. Quả thật hai nét chữ giống nhau, có nghĩ là cùng một người viết. Sở dĩ tôi làm thế vì vào thời điểm đó đã có dư lụân bàn tán về tác giả tập thơ. Sau này tôi lên tiếng phản bác rất mạnh bọn lưu manh mất dạy đặt vấn đề “ Thiện thât Thiện giả” vì tôi biết chắc Nguyễn chí Thiện là tác giả đích thực của tập thơ
Năm 1995 anh Thiện đến định cư ở Mỹ. Anh sau này dọn về định cư ở California và ở đây cho đến khi qua đời . Anh thường xuyên nhờ người chở xe đến thăm tôi. Tôi và anh nói chuyện bằng điện thoại hầu như mỗi tuần. Anh coi tôi như đưá em trong nhà và tâm sự những chuyện riêng tư nhất. Chẳng hạn có hôm anh điện thoại cho biết anh vừa ho ra một cục máu. Những người gặp anh trên đất Mỹ đề thấy anh khoẻ mạnh, ăn nói hùng hồn, đi đứng bình thường. Nhưng chuyện anh ho ra máu cho thấy anh thuộc loại “ trong héo ngoài tươi “ , bề ngoài trông lành mạnh nhưng bên trong lục phủ ngũ tạng đã nát bét sau 27 năm tù tội khắc nghiệt. Tôi lo âu cho viễn cảnh sức khoẻ đen tối của anh trong những ngày sắp tới mà chuyện ho ra máu là dấu hiệu mở đầu.
Anh cũng như tôi, dều tán thành chuyện phải tiếp sức, tiếp máu cho những người đấu tranh bị tù tội trong nước. Anh có phối hợp với thầy Nguyên Trí của chuà Bát Nhã để gửi tiền cho những nhà đấu tranh. Tôi còn nhớ có lần anh gửi tiền cho gia đình Đỗ thị Minh Hạnh và Nguyễn hoàng Quốc Hùng ( bạn chiến đấu của Đỗ thị Minh Hạnh).. Chính vì sự gần gũi thầy Nguyên Trí mà anh đã có lần xin thầy làm lễ quy y cho anh. Tiếc rằng có lẽ vì bận rộn chuyện Phật sự đa đoan hay vì cái tính tình hời hợt, không sốt sắng mau mắn của thầy Nguyên Trí mà chuyện làm lễ quy y cho anh Thiện đã không xảy ra. Sau ngày anh Thiện qua đời, các thân hữu va ngay chính thầy Nguyên Trí đã xác nhận anh Thiện có đến yêu cầu thầy làm lễ quy y . Người Phật tử Nguyễn chí Thiện đã không hoàn thành nguyện ước quy y vì cửa chùa không rộng mở , lòng dạ sư trụ trì quá vô tâm, vô tình. Thật là đáng tiếc cho anh Thiện và đáng trách cho vị thầy mà anh nhờ cậy làm lễ quy y cho anh.
Có hôm anh đến chơi nhà. Tôi hỏi anh là đọc bài thơ “ Mẹ tôi “ trong tập thơ “ Hoa điạ ngục “ tôi không biết đuợc bà cụ thân sinh của anh Thiện theo đạo gì.?Anh trả lời là theo đạo Phật
Bài thơ mở đầu như sau
Mẹ tôi trong những ngày giỗ chạp
Thường ngồi chắp tay cầu khấn giờ lâu
Chiếc áo hoa hiên cũ đã bạc màu
Tôi chỉ thấy mẹ dùng khi lễ bái
Thật ra tôi không để ý kỹ câu thơ đầu. Chữ “ giỗ chạp “ đã cho thấy đây là chuyện cúng tế của người Phật tử vì ngươì Thiên chuá giáo không làm lễ giỗ chạp cho ngươì thân trong nhà.
Có một chuyện rất cảm động của ông bà cụ thân sinh anh Thiện làm cho anh . Đó là ông bà cụ đã may sẵn áo quần cho anh Thiện trước khi anh ra tù. Ông bà cụ làm chuyện này trước khi qua đời vì ở tù Cộng sản như anh Thiện không có án, không biết bao giờ mới được thả. Chuyện cha mẹ thương con là chuyện thường tình trong mọi gia đình . Nhưng cái cách thương con của bố mẹ anh Thiện dành cho anh thật hiếm có và cảm động, Anh có làm một bài thơ nói về chuyện này trong đó có hai câu kết như sau:
Tình mẹ thầy mênh mông như thế đó
Thế gian này không có thứ đem so
Có quen biết anh Thiện mới thấy anh là người thân mật, tế nhị , khả ái. Hôm tang lễ anh ở quận Cam, có nhiều thân hữu ở San Jose đã đi mấy trăm dặm đường xuống dể dự tang lễ anh . Điều đó cho thấy những người bạn này thương mến anh như thế nào. Nói chung những ngươì quen biết anh đều yêu mến anh sâu đậm. Chỉ có bọn tay sai Cộng sản là đánh đấm bôi nhọ anh không nương tay. Với thời gian thì mọi chuyện đã sáng tỏ, minh bạch. Bọn tiểu nhân đánh phá anh chẳng ai nghe chúng và chúng coi như bị cô lập trong cộng đồng tỵ nận
Để chấm dứt bài viết, xin trích mấy câu thơ của Nguyễn chí Thiện nói về chính ông
Sống đã đành sống nhục
Chết cũng là chết nhục , khác chi
Nếu đời tôi không nên nỗi chuyện gì
Nó chỉ đáng giã từ bằng một câu chửi tục !
( Ghi chép vụn vặt số 123)
Không ! Trăm lần không, ngàn lần không, triệu lần không
Cuộc đời Nguyễn chí Thiện không bao giờ đáng giã từ bằng một câu chửi tục! Tên ông là biểu tượng đấu tranh, những vần thơ bất hủ của ông sẽ tồn tại dài lâu trong văn học sử. Người đời sẽ còn ngưỡng mộ anh như một chiến sĩ đấu tranh anh hùng. bất khuất trong lịch sử.
Los Angeles, một chiều chủ nhật hiu quạnh, buồn tênh đầu tháng 10- 2013
TRẦN VIẾT ĐẠI HƯNG