NGỒI NHỚ LẠI MỘT CÂU CHUYỆN KHÔNG ĐẦU KHÔNG ĐUÔI (Quan Dương)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 2 people, people standing and outdoors

Hình tôi ( áo thun sẫm) và sư phụ Hạc ( áo thun trắng) trong những ngày còn trong quân trường Quang Trung tháng 12/69

Tết Mậu Thân năm 1968 vì cộng sản miền Bắc mở một cuộc tổng tấn công vào các thanh thị của miền Nam nên lệnh tổng động viên được ban hành . Năm đó tôi 18 tuổi đang theo học năm cuối tại Trường Trung học Võ Tánh Nha Trang . Sang năm tôi 19, cũng vừa vặn dính vào lứa tuổi tài nguyên nhân lực để lên đường nhập ngũ theo lệnh. Chiến sự bùng nổ khắp nơi, thanh niên mới lớn cỡ chúng tôi sớm già trước tuổi chưa kịp qua buổi dậy thì đã bị chín héo vì thời cuộc . Chúng tôi thường ngồi với ly cà phê và điếu thuốc để suy tư . Ông nào ông nấy như cụ non .
Trong khi bạn bè cùng lứa tuổi ưu tư vì thời cuộc thì tôi lại ưu tư vì những bài thơ tình. Nghĩ cũng lạ tôi chưa có bồ (dù rất muốn) nhưng lại có những câu thơ đầy đau khổ, ví dụ
Ru em từng giọt đau này
từng cơn mưa rớt phiến cây trĩu sầu
trái tình chín đỏ cuộc đau
anh ru em tự thuở nào đó em
hoặc báo hiệu con đường tương lai là con đường binh nghiệp:
thân anh gió cát sông hồ
tiếng ru ứa lệ trên bờ quan san
vai gầy trĩu nặng hành trang
kiếp chinh nhân đã trót mang vào đời
Sở dĩ tôi nhớ bài thơ đó dai nhách cho mãi đến bây giờ là tại vì nhờ nó mà tôi quen được một người bạn dễ thương. Sau khi bài thơ đầy ưu tư khắc khoải hết biết trên được chọn đăng trong đặc san của trường,thì có một anh chàng tướng tá cao ráo trông rất nghệ sĩ học cùng lớp lân la tìm đến làm quen.
Sau này khi tôi với Hạc thân nhau, hắn mới thú thật là vô cùng thất vọng khi phải quen với tôi vì trước đó qua thơ hắn tưởng tượng vóc dáng khuôn mặt hay hình hài của tôi phải có nét dáng dấp nghệ sĩ hoặc phong sương, ai dè quen trúng tên học trò quận lỵ nhà quê lên tỉnh cù lần và nhút nhát chỉ có giỏi trốn học để theo Khương Đại Vệ, Địch Long với những màn đấm đá ác liệt diệt bạo trừ gian. Hạc hỏi tôi có bồ chưa, khi nghe tôi trả lời chưa thì hắn há mồm ra ngạc nhiên. Khi tôi hỏi ngược lại muốn cua một đứa con gái để được “nó” coi là bồ, thì phải làm sao, có bí quyết gì không, Hạc trả lời liền:
“ Có, có chứ. Bí quyết cua gái theo kinh nghiệm từ ngàn xưa để lại cuối cùng thì chung qui tập trung vào ba yếu tố, đó là: can đảm, tươi cười và da mặt thật dày “
Hình như được tôi điểm trúng huyệt hay sao đó, Hạc thao thao bất tuyệt giảng giải với tôi về chứng bệnh kỳ lạ mà bổn phận gã con trai nào khi lớn lên cũng đều mắc phải. Đó là bệnh yêu đương.
“Bệnh yêu đương giống như bệnh thương hàn, bởi vì triệu chứng để đưa đến bệnh thực thụ của hai thứ giống nhau. Ví dụ như nếu mày mắc bệnh thương hàn, trước khi khởi bệnh mày sẽ thấy hơi thở mình thoi thóp, sau đó sắc mặt chuyễn đỏ để rồi toàn thân nóng ran. Khi nào mày thấy mày muốn nóng ran với ai đó có nghĩa là mày đang mắc bệnh “ thương hàn”.
Bài thuyết giảng phản khoa học đó lại đưọc tôi chăm chú lắng nghe với tấm lòng đầy khâm phục. Giá như sự chăm chỉ này tôi đem áp dụng vào việc học thì đâu đến nỗi nào là một học sinh học tệ. Từ đó tôi nhín bớt thời giờ trốn học đi xem ci nê theo Hạc la cà khắp mọi quán cà phê vỉa hè, đầu đường xó chợ để được sư phụ chỉ dạy thêm vài chiêu cua gái. Tôi tập tành để tóc tai bờm xờm và râu không thèm cạo. Gọi là râu cho nó có vẻ người lớn, chứ thực ra chỉ là mấy sợi lông măng mọc trên mép không giống ai.
Tôi tập đăm chiêu, dù chẳng hiểu đăm chiêu như vậy có ích lợi gì? Tôi dị hợm khác người đến nỗi sư phụ Hạc phải thốt:
” Sao mày sáng chế ra nhiều kiểu mới lạ không giống ai hết vậy? “
Con đường theo Hạc tầm sư học đạo không gặp chông gai trắc trở mãi cho đến một hôm tôi gặp Lành, khi hai đứa lủi vào quán cà phê “ Nhớ “ trên đường Nguyễn Hoàng Chợ Mới. Nàng đang ngồi ở quày thu ngân:
“ Hai anh uống gì?”
Nghe tiếng hỏi tôi ngước lên thì đụng phải hai đôi lông mi nhè nhẹ uốn cong. Tròng con ngươi ở đôi mắt nàng dường như giãn nở lớn ra làm toàn thân tôi ngầy ngật nóng ran. Không cần soi gương tôi biết mình đang nhuốm bệnh thương hàn (thương nàng có lẽ chính xác hơn). Tôi hởi nhỏ Hạc:
“ Ủa con nhỏ thu ngân này mới hả mày? Nó nhìn tao làm tao thấy hình như mình mắc phải triệu chứng thương hàn như mày đã chỉ dạy”
“Thế thì tốt. Thời buổi giặc giã chiến tranh mau áp dụng gấp ba yếu tố tạo thành bí quyết mà mày đã học. Còn nhớ ba bí quyết đó không cha nội? “
“ Can đảm, tươi cười và da mặt thật dày”
“ Giỏi. Nếu mày muốn hạ san cú này tao cho phép“
Được sư phụ hổ trợ xúi giục, tôi hăng hái ra chiêu bằng cách một ngày uống cà phê ba cữ trừ cơm. Uống thét đến nỗi Lành ngứa mắt chịu không nổi phải lên tiếng:
“ Hình như anh đến đây cốt ý cua tôi nhiều hơn là uống cà phê phải không?”
Câu hỏi trực khởi điểm trúng tim đen khiến tôi ấp a ấp úng quên lửng bài học sư phụ dặn đi dặn lại là yếu tố quan trọng nhất cua gái là da mặt phải thật dày. Tôi chối bai bải:
“ Đâu có”
“ Đâu có tại sao phải uống cà phê một ngày ba bốn cữ? “
Lành hỏi y như chất vấn làm tôi đã lúng túng lại càng thêm lúng túng.
“ Tôi đến để nghe nhạc”
“ Anh thích nhạc như vậy chắc là anh hát hay lắm?”
Tôi vớt vát:
“ Tôi không biết hát, nhưng tôi biết đàn”
“ Anh biết đàn? Hay là hôm nào anh dến nhà đệm đàn cho Lành hát nha? “
Áp dụng bí quyết thứ nhất là can đảm, tôi gật đầu bừa. Thế là tôi có một cái hẹn. Đương nhiên để bày binh bố trận cho cái hẹn đó tôi phải tìm sư phụ Hạc cầu cứu vì tôi không biết… đàn. Nhưng trước khi cầu cứu sư phụ tôi cũng còn đủ dư thông minh để hỏi Lành một câu:
“ Lành thích hát bản gì nhất? “
“ Biển nhớ của Trịnh Công Sơn. Biển nhớ tên em gọi về. Gọi hồn là…lá…la…la… “”
Nàng hát không ngọt ngào cho lắm đó là điều đáng mừng, bởi vì thông thường con gái hát dở đều chung thủy. Thế là suốt tuần lễ trước ngày hẹn với Lành, sư phụ Hạc nhốt kín tôi trong nhà để tập luyện khảy bài Biển Nhớ. Hạc đàn dễ hơn tôi uống cà phê, còn tôi thì ngược lại. Tiếng đàn guitar, âm thanh của nó vốn thánh thoát réo rắt, nhưng qua mười ngón tay cục mịch của tôi chỉ nghe được tạch tạch tạch như tiếng nghẹt mũi thiệt là khó nghe. Trong giờ thực hành, Hạc để tôi tự đàn, còn hắn ngồi xem như đang xem một con khỉ trong gánh hát xiệc. Vì muốn giữ sĩ diện với Lành nên tôi không thèm chấp, chỉ biết cố công gò mấy ngón tay làm sao cho nhuần nhuyễn để khỏi bị quê cho lần hẹn đầu vào cuối tuần. Hạc, trong tư cách là sư phụ, hắn cũng đã nể tình lắm rồi vì đã không phì cười vì tiếng đàn nghèn nghẹt như người viêm cổ họng. Chắc hắn rất nản, nhưng trước quyết tâm chăm chỉ học hành của đệ tử nên cũng bấm bụng hết lòng chỉ dạy. Sau một tuần đổ không biết bao nhiêu mồ hôi vì gồng mình bậm môi nhịn đau, ngón tay giữa bầm chai vì sáu sợi dây chết tiệt, tiếng đàn của tôi nghe như có vẻ nhẹ nhàng thơ thới hơn nhiều. Kết quả không đến nỗi nào khi đệm theo tiếng hát của Lành. Kể ra tiếng đàn và tiếng hát của hai đứa rất tương xứng, rất ngọt ngào cho những tâm hồn cùng chủ quan nhìn về một phía. Nhờ nàng tôi biết đàn guitar dù chỉ một bản duy nhất, nhưng điều đó ăn nhằm gì vì hình như nàng cũng có một bản ruột để đối phó với tài năng của tôi.. Ai bảo khi quen nhau chân thật thì tình yêu mới đến, chứ riêng tôi thấy hình như không chính xác lắm. “ Em ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở “ Hai chúng tôi chân thật cảm mến tài nghệ của nhau như vậy mà tình yêu dường như chưa hề đến. Hạc thấy thế xài xể:
“ Đánh đàn cũng như dụ dỗ con gái mà dụ dỗ con gái thì cũng giống như đánh bài sì phé, phải nắm vững con tẩy của địch thủ là con gì, cũng như phải nắm vững con gái cần thứ gì mình gãi ngay chổ ngứa đó là mọi việc đều được thành công”
Đánh đàn có một bản mà mấy đầu ngón tay bầm tơi tớt. Hạ mình làm đệ tử bị sai biểu như con cái trong nhà mà vẫn chưa ra thể thống gì, nay hắn bảo đánh đàn dễ dàng như đi cua gái nghe mà ứa máu. Còn phải nắm vững con tẩy của địch thủ để gãi ngứa nữa? Lỡ nàng ngứa miệng đòi một chiếc đồng hồ citizen nữ thì tôi lấy gì mà gãi đây, trong khi mỗi cuối tuần phải bám theo chiếc xe đò về Ninh Hòa để xin tiếp tế? Sạp vải má tôi nhỏ xíu trong khi má có đến chín đứa con thì làm sao dư dả để nuôi tôi trở thành công tử? Má chỉ cho đủ tiền hai vòng xe và một ít phòng khi trái gió trở trời. Số tiền phòng thân này tôi dùng cà phê thuốc lá hết trơn. Đã học dốt, cù lần mà lại nghèo nữa, tôi mắc một lần ba cái tội tày trời nói trên. Vì thế lúc Hạc xài xể ngon lành như vậy tôi định bụng rướng gân cổ lên cãi, nhưng chợt nhớ mình còn phải nhờ cậy hắn dài dài nên bèn câm miệng bằng cái gật đầu đồng tình. Cuối năm đó tôi thi rớt tú tài toàn phần, điều này chẳng có gì ngạc nhiên. Khi tôi báo tin với Lành, nàng bảo:
“ Học hành kiểu như anh thì làm sao mà đậu?”
“ Không đậu rồi thì sao?”
“ Thì sao là thì sao?”
Lành hỏi ngược lại. Tôi ngọng không tìm ra câu trả lời chỉ biết đưa đôi mắt buồn rầu ngớ ngẩn tuyệt vọng nhìn nàng.
“ Anh đừng nhìn Lành bằng ánh măt như thế, dễ sợ quá “
“Sao lại dễ sợ ? “
“ Đôi mắt khiến cho cảm giác người ta trào ra như sông Hồng Hà vỡ đê. Ánh mắt dễ sợ đến nỗi Lành buộc nói với anh là đừng nhìn Lành như thế để khiến cho Lành hiểu không lầm ý anh mà mắc công từ chối “
Có lần sư phụ hỏi tôi:
“ Mày biết tình yêu là cái gì không?”
“ Là gì?”
“ Là tìm cái sống trong cõi chết bỏ mặc tất cả cái nghĩ của thiên hạ. Mày hãy nhớ điều này sẽ có lúc hữu dụng “
Bao giờ tôi cũng tin tưởng tuyệt đối vào sư phụ, nhưng lần này thì tôi có quyền nghi ngờ. Tôi đang ở giữa cõi chết, sẳn sàng tự tử vì tình. Tôi đang bỏ mặc tất cả cái nghĩ của thiên hạ, nhưng những điều thảm thiết đó hình như chẳng mảy may đánh động được lòng nhân đạo của Lành.
Buồn thi rớt thì ít, buồn bị cự tuyệt thì nhiều. May phước cũng vừa lúc tôi đọc báo thấy lệnh gọi nhập ngũ tập thể . Tôi vừa vặn nằm trong lứa tuổi phải ra trình diện. Thế là tôi có lý do xa nàng môt cách vô cùng danh dự. Hôm đám học sinh được chất đầy trên chiếc GMC của Trung tâm 2 tuyển mộ nhập ngũ, tôi gặp lại Hạc. Sư phụ cũng ra trình diện theo học khóa 6/69 sĩ quan trừ bị Thủ Đức như tôi. Sư phụ hỏi:
“ Chuyện tình của mày với em ra sao rồi”
“ Chưa kịp tỏ tình thì bị em cự tuyệt”
“ Mày có buồn không?”
“ Buồn chứ”
“ Thôi đừng buồn nữa. Đời là như vậy, đàn ông con trai không sự nghiệp không tương lai lại sống giữa thời buổi đất nước loạn ly thì con gái ai mà thèm”
Hạc từng dạy tôi nhiều bài học, nhưng có lẽ đây là bài học đầu tiên sư phụ thực tế nhất làm tôi thấm thía. Chiếc xe nhà binh trước khi trực chỉ lên Thành, đảo qua một vòng bùng binh ngã sáu nhà thờ. Gặp vào giờ tan học, đám nữ sinh Thánh Tâm, Đăng Khoa, Nữ Trung Học, Lê Quí Đôn túa ra trắng đường. Nhiều tên đứng trên xe vẫy tay reo hò, đám nữ sinh không quen cũng rối rít đưa tay vẫy lại. Không khí náo nhiệt y như là đang tiễn nhau đi picnic. Bỗng dưng tôi buồn vô cớ. Mãi cho đến lúc đó, tôi mới giật mình phát giác ra rằng mình đang thiếu một nàng thơ thứ thiệt, mà ở lứa tuổi tôi cần phải có để vẫy tay tiễn nhau.
Buổi sáng, gió từ biển gờn gợn gãi lên da khiến Nha Trang man mác trong lòng kẻ sắp phải đi xa. Tôi vẫn biết dẫu có chúng tôi hay không có chúng tôi Nha Trang vẫn thế, vẫn bình lặng. Nhưng biết để gọi là biết vậy thôi. Không hiểu sao, khi không còn có dịp trở lại, bỗng dưng trong lòng tôi dâng dâng muộn màng buồn nhớ đến hình ảnh nào. Tôi đâm hối hận vì trong khoảng thời gian ngắn ngủi vừa qua mãi lo cắm đầu cắm cổ xâm nhập một mục tiêu duy nhất là Lành, không chịu chấm vài ba mục tiêu se cua, để khi thất bại vì Lành, tôi không còn ai để dùng đưa tiễn lúc ra đi. Khi chiếc xe GMC chạy qua khỏi Mã Vòng, xa dần những tà áo trắng còn lay lắt trên đường tan học, tôi buồn thúi ruột. Tôi tự hứa mai này nếu còn sống sót trở về tôi phải trở lại Nha Trang, phải làm quen một cô nào dân Nha Trang thứ thiệt, để kể lại cho cô ta nghe cảm giác của sự thất bại nàỵ Nữ sinh cũng được, thợ may cũng không sao, buôn bán hàng xén cũng được luôn, miễn là dân Nha Trang. Bởi phải là dân Nha Trang mới xác nhận được địa danh và những tuôn trào từ cảm xúc này là những tuôn trào ngàn năm một thuở là dấu đánh mốc của không gian thời gian vào thời khắc duy nhất trong đời: giờ khắc phải từ giã kiếp thư sinh dù có muốn hay là không muốn.
Lời tự hứa của tôi như cá trê chui ống, sau ngày ra trường lội rừng liên miên, Nha Trang trở thành chốn bồng lai tiên cảnh trong những giấc chiêm bao trên đèo cao núi thẳm, mà Từ Thức một lần lỡ dại bỏ đi không còn thấy lối về. Hơn 30 năm sau lây lất xứ người, nàng tiên tên Lành của tôi thướt tha yểu điệu ngày nào chắc đã trở thành bà ngoại. Dẫu có bắc lại thành công nhịp cầu nối liền nước Mỹ với Nha Trang thì phỏng có ích gì khi mà trong giấc mơ thấy tôi đôi lúc ngồi tò hó ở một góc trời thả hồn ngóng về một phương trời chỉ còn trong truyện cổ tích. Sống trong cổ tích chẳng phải êm ái thơ mộng hơn là phải sống thực với ngoài đời sao? Sau năm 75 đi tù tại Trại A.30 tôi có hỏi thăm về sư phụ Hạc, nhưng chẳng ai biết tông tích hắn ở đâu trong những năm chiến tranh ác liệt. Có thể chết mất xác trong một cánh rừng dọc biên giới nào đó, hoặc lanh tay lẹ chân chạy theo đoàn người di tản qua Mỹ đâu từ năm 1975. Lành thì đã có chồng, còn tôi thì buồn bã
Hôm qua trong lúc bà xã tôi dọn dẹp nhà cửa, tình cờ trong đống giấy vụn có một bức tranh mà tôi nghệch ngoạc vẽ một chiếc ghe tự khi nào tôi không đưọc nhớ. Bà xã tôi hỏi:
“ Ủa anh vẽ hồi nào vậy”
“ Anh không nhớ nữa”
Vẽ vốn là một bộ môn nghệ thuật rắc rối đầy công phu, đòi hỏi người thưởng thức phải có một trình độ thưởng thức siêu việt. Tôi chẳng biết một tí ti gì về bộ môn này ngoài vài nét nghệch ngoạc có tính cách giải trí hơn là phục vụ nghệ thuật. Bức tranh chiếc ghe đứng trơ trọi cô đơn. Bà xã lại thắc mắc:
“ Sao anh không cho thêm bão tố vào bức tranh để nói lên sự hào hùng của một dân tộc dám đem sinh mạng của mình để đánh đổi lấy hai chữ tự do?”
Khả năng tôi đâu có thể vẽ được bảo tố bởi vì bản chất tôi vốn hiền lương. Bão tố là do tham vọng của con người tạo nên. Tôi lại càng không đủ tư cách để nói lên sự hào hùng, bởi vì trách nhiệm tổ quốc giao phó bảo vệ non sông mà ngày nào tôi quì dưới sân vũ đình trường, tôi đã không chu toàn. Tôi đã để đất nước tôi lọt vào tay giặc.
“ Đây không phải là chiếc ghe bốn lốc mà là chiếc thuyền Bát Nhã”
Bà xã tôi theo đạo công giáo nên không hiểu gì mấy về đạo phật:
“ Thuyền bát nhã là thuyền gì?”
“ Bát Nhã nghĩa là phương tiện di chuyển trên sông hồ rạch biển, dịch từ chữ Phạn có nghĩa là trí tuệ thanh lịch. Con người sống trong trần thế bị chi phối bởi sự sống chết, chìm đắm trong ba nẻo: dục, sắc và vô sắc. Điểm căn bản luận rằng sắc tức thị không, không tức thị sắc “ thọ tưởng hành, tức diệc phục như thị “Việc thọ nhận tưởng nghĩ, hành động, sự phân biệt đúng sai cũng đều không, các giác quan tiếp xúc cảnh sắc bên ngoài cũng đều không có hình tướng“
Nhìn đôi môi há hốc vì thán phục của bà xã, tôi nổi hứng đem cây bút chì ra, chỉ cần 30 giây, cái bút chì trên tay tôi đã nghệch ngoạc vẽ thêm một người đứng trước mũi ghe:
“ Ai vậy? Anh hả ?”
“ Ông Tam Tạng.”
“ Ổng đứng đó làm gì? “
“ Ổng đứng đó để chờ đưa chúng sinh vượt qua bể khổ”
“ Có gia đình mình trong số đó không?”
“ Có đấy, đã là chúng sinh thì không thể nào thoát ra khỏi được vòng khổ lụy. Em đừng thấy bao nhiêu người có income cao nhà to cửa lớn rồi tưởng rằng họ là không khổ lụy. Mỗi một con người được sinh ra đời đều có một cõi buồn riêng dấu kín trong tâm tư “
“ À như vậy là anh còn nhiều điều giấu em lắm nè?”
Sợ bể mánh tôi đánh trống lãng:
“Em chỉ giỏi chận đầu, chận đuôi “
Quan Dương