MEKONG SÓNG CUỘN PHÙ SA: (Nguyễn Vĩnh Long Hồ)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

longho-mekong7

Chương 1
QUÁN NHẬU BÊN DÒNG SÔNG VÀM CỎ TÂY.

Con sông Vàm Cỏ Tây phát nguồn từ phía đông nam lãnh thổ Campuchia. Đồng bào Miên gọi là Stưng Svay Riêng. Nó phân làm hai nhánh, chảy song song dọc theo biên giới Việt – Miên. Nhánh chảy vào lãnh thổ Việt Nam qua con rạch Long Khốt, hai nhánh sông nầy hợp lưu tại địa phận cách thị xã Mộc Hóa khoảng 12 cây số – vùng Đồng Tháp Mười – để cùng chảy vào sông Vàm Cỏ Tây.

Con sông Vàm Cỏ Đông – bắt nguồn từ Kâm Chây Méa – chảy ngang qua Tây Ninh, Gò Dầu Hạ. Hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây hợp lưu tại địa phận Cần Đước để cùng chảy vào sông mẹ Vàm Cỏ, đổ ra biển Đông qua cửa sông Soai Rạp.

Vào khoảng giữa thập niên năm 30. Lúc bấy giờ, chưa có đường bộ đi vào Đồng Tháp Mười mà phải dùng đường sông Vàm Cỏ Tây. Mỗi ngày, có hai chuyến tàu đò khứ hồi chở hành khách, hàng hóa thư tín…từ Tân An vào Mộc Hóa, một quận hành chánh của vùng Đồng Tháp (dưới thời Đệ nhất VNCH, Đồng Tháp Mười có tên là Kiến Tường và Mộc Hóa là quận Châu Thành của tỉnh nầy).

° ° °

Tàu chạy ngược dòng sông Vàm Cỏ Tây vô Mộc Hóa, một vùng đất rộng người thưa; thỉnh thoảng, người ta bắt gặp những khu rừng tràm ngút ngàn. Rừng tràm Đồng Tháp Mười là một tài nguyên bao la và phong phú của Miền Tây Nam Việt mà đất bỏ hoang không có người canh tác cũng rất nhiều nên cảnh vật hai bên bờ sông hoang dã, tiêu sơ, cây bần, mù u, dừa nước, lau sậy, cốc kèn…mọc chen lẫn nhau thành rừng. Một vài thôn xóm lẽ loi với với vài căn nhà lá xác xơ trên bờ. Cứ mỗi lần nghe tiếng máy tàu nổ xìn xịt trên sông là bọn trẻ con trong nhà chạy ùa ra bờ sông, chăm chú nhìn theo con tàu.

Khi tàu chạy được một phần ba sông là tới vàm Kinh Ngang và con kinh Trà Cú tiếp nối với Kinh Ngang làm thành một con kinh dài, nối liền hai con sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông. Trước đây lúc chưa có kinh đào nầy, dân thương hồ muốn chuyển hàng tuế nhuyển, cá khô, đường thốt lốt, kể cả hàng quốc cấm như thuốc phiện …từ miệt Kâm Pong Chàm vào vùng Đồng Tháp Mười để buôn bán, họ phải dùng đường sông Vàm Cỏ Đông, xuôi dòng xuống Tây Ninh, Gò Dầu Hạ rồi đến Tây Ninh. Và từ đây, họ vào con sông Vàm Cỏ Tây chèo ngược lên Mộc Hóa. Nay nhờ có Kinh Ngang – Trà Cú đã rút ngắn được thủy trình từ Vàm Cỏ Đông chèo tắt qua sông Vàm Cỏ Tây để vào vùng Đồng Tháp Mười dễ dàng hơn, rút ngắn được thời gian cũng vài ba ngày. Nhờ vậy, vùng vàm Kinh Ngang bỗng trở nên trù phú vì đồng bào địa phương ở các vùng lân cận, tụ tập về đây hợp thành một cái chợ nhỏ để buôn bán và trao đổi hàng hóa với dân thương hồ. Một vài quán nhậu và tiệm chạp phô được lên để dân thương hồ tiêu tiền, mua thực phẩm, rượu đế hoặc những vật dụng cần thiết để chuẩn bị cho cuộc hành trình kế tiếp.

Đời sống của dân thương hồ đều tùy thuộc vào con nước lớn, nước ròng. Khi con nước bắt đầu lớn, có người cắm sào chờ con nước sau, ngược lại có kẻ nhổ sào ra đi về bến khác. Có người cất hàng lên ghe hoặc hay xuống hàng ở bến. Ghe xuồng khá tấp nập, ngược xuôi tại vàm Kinh Ngang.

Buổi chiều, khi mặt trời lặn là sinh hoạt về đêm bắt đầu. Các quán nhậu thắp đèn “măng song” sáng trưng. Những món đặc biệt địa phương như rùa, rắn, lươn ếch, cua đinh, chim cò…được chế biến thành món nhậu được dân thương hồ ưa thích. Những người già và thanh niên quanh vùng cũng thường hay tụ tập về đây, say sưa nghe họ kể cho nhau nghe kiếp sống thương hồ lênh đênh đầy sóng gió và nói cho nhau nghe những kinh nghiệm mà họ đã từng trải qua để tránh né hiểm nguy.

° ° °

MÙA XUÂN NĂM CANH THÌN 1940.

Một nhóm bạn thương hồ trên mười người, đủ mọi lứa tuổi, ngồi những cái ghế đẩu thấp lè tè, chung quanh mấy cái bàn gỗ ọp ẹp kê sát vào nhau, vừa nhâm nhi mấy lít đế, nhậu với một dĩa ếch xào lăng và chuột ướp sả nướng lửa than. Mồi nhậu thật đơn giãn chỉ có thế, nhưng không khí trên bàn tiệc thật ồn ào, vui vẻ, rượu vào lời ra. Bỗng bác Năm Hứa, người lớn tuổi nhứt ngoài lục tuần, nhưng dóc dáng còn khỏe mạnh, tay chân gân guốc, mân mê ly rượu đế, hỏi bâng quơ:

– “Tụi bây là dân thương hồ tứ xứ, xuôi ngược sông Tiền, sông Hậu như đi chợ. Vậy, tao đố tụi bây, khúc sông nào nguy hiểm nhứt nè?”

Chú Ba Khị cười, nói:

– “Tía má tui sống bằng nghề buôn bán trên sông, thương hồ là cái nghề cha truyền con nối. Tui ra đời cũng ở trên chiếc ghe cà dom nầy tại một vùng giáp nước, nơi gặp gở của ba dòng sông: Gành Hào, Đầm Dơi và Bảy Háp. Lên 10 tuổi là tôi biết phụ chèo với tía má. Đời sống dân thương hồ lênh đênh trên sông nước, gạo chợ nước sông, buồn thấy mẹ! Hễ cập bến nào là nhậu “quắt cần câu” mới thôi, nhứt là khi tía má tui qua đời, tui còn nhậu bạo hơn nữa. Cách đây hai năm, tui neo ghe dưới chưn cầu tàu lục tỉnh bên hông nhà lồng chợ CầnThơ ngủ qua đêm. Quá nửa đêm, chiếc ghe bị sóng nhồi làm đứt dây neo; không may, gặp con nước ròng, chiếc ghe trôi dạt ra vàm sông Cần Thơ. Vùng nước xoáy tại ngã ba sông vô cùng nguy hiểm, nước xoáy cuộn vòng nghe ào ào như lấy một cái dầm quậy ở trong một cái chão đụn đầy nước, nó đã nhận không biết bao nhiêu ghe tàu xuống đáy sông sâu,” chú Ba Khị ực một hớp rượu đế, rồi khà một cái thật sảng khoái, kể tiếp. “Bà con bên xóm chài kể lại rằng, dân chài lưới dùng dao khắc dấu ngày, giờ và địa điểm trên hai trái dừa khô, quăng ra vùng nước xoáy, nó bị cuốn hút xuống đáy sông mất dạng. Vài tiếng đồng hồ sau đó, một trái trôi tấp vào ấp Đông Bình ở cù lao Cát. Còn trái kia được một người thợ câu vớt được ở miệt Bò Hút gần xã Tân Lược, thuộc tĩnh Vĩnh Long, cách vàm sông Cần Thơ khoảng 20 đến 30 cây số lận, chớ không gần đâu. Thời may, lúc chiếc ghe cà dom của tôi sắp trôi vào vùng nước xoáy thì anh Năm Dậu, cũng là dân thương hồ từ miệt Cái Côn chở hàng lên chợ tỉnh CầnThơ. Thấy nguy, ảnh liều mạng chèo ghe, phăng ra gần giữa dòng sông, chận chiếc ghe của tui lại, đồng thời đánh thức tui dậy, may mà còn kịp chèo ghe tấp vô bờ. Thiệt hú hồn, hú vía!”

– “Thằng Ba Khị nói đúng đó!” bác Năm Hứa góp lời. “Sau khi mấy chiếc ca nô của thành hải quân Tây bị nhận chìm, sở Trường Tiền Cần Thơ liền huy động khoảng mười chiếc xa lan từ núi Sam chở đá núi về, đổ xuống giữa dòng nước xoáy, nhờ vậy mới đở nguy hiểm cho ghe tàu khi qua lại trên khúc sông nầy.”

Chú Ba Khị nói:

– “Dòng họ mấy đời của anh Năm Dậu ở làng Phú Nhơn, gần rạch Cái Đôi, ngang đầu cù lao Mây, anh kể cho tôi nghe nhiều chuyện huyền bí, linh thiêng về khúc sông Hậu nầy. Tui muốn kể ra đây cho bà con nghe chơi. Ai không tin thì thôi!”

Một thanh niên dân địa phương, sốt ruột nói:

– “Thì chú cứ kể đại mẹ cho tụi nầy nghe đi! Nói úp mở hoài vậy cha nội!”

Chú Ba Khị kể tiếp:

– “Theo lời anh Năm Dậu nói, căn cứ Hải quân của Tây tại vàm sông Cần Thơ đã phái nhiều toán thợ lặn mang bình hơi, xuống thám hiểm dưới đáy sông, nhưng tất cả đều chết mất xác. Nhiều bậc trưởng thượng bên Xóm Chài cho rằng đó long mạch của sông Cửu Long. Nhưng, dân sống về nghề hạ bạc thì cho rằng đó là hang của cặp cá “hồng vện” khổng lồ ăn thịt người. Người ta đồn rằng, cha con một người thợ lặn ở rạch Cái Cui sống về nghề thả lưới, giăng câu ở đầu cù lao Mây, cách vàm sông Cần Thơ khoảng 8 cây số. Họ thả một dàn lưới chì vào lúc trời vừa rạng đông trên sông Hậu, vì đó là thời gian cá “nhập đất” lội từng đàn dưới dáy sông. Chờ khoảng hai tiếng đồng hồ sau, cha con kéo giàn lưới lên để bắt cá, nhưng lưới bị vướn một vật gì đó dưới đáy sông, không kéo lên được. Người con trai bèn lặn xuống nước, coi lưới vướn vật gì để gỡ lưới ra. Nhưng, vừa lặn xuống nước chưa đầy 30 giây, người con vội vã trồi đầu lên, hối hả trèo lên ghe, nói: “Cái lưới vướn phải cái kỳ của một con cá khổng lồ, cặp mắt nó đỏ ngầu, bự bằng trái dừa khô.” Người cha không tin, nói: “Mầy sợ lạnh, không muốn lặn gỡ lưới thì để tao lặn cho mầy coi.” Người con khóc, nói: “Thôi, tía không tin để con lặn trở xuống. Nếu tía có bề gì, lấy ai lo cho má và mấy em con.” Nói xong, người con nhảy ùm xuống sông, không đầy một phút sau, máu đỏ ùng ục trào lên mặt nước. Bấy giờ người cha mới tin thì đã muộn, người con đã chui vào bụng cá hồng vện rồi!”

Một cậu thanh niên tuổi ngoài 30, nói:

– “Tôi là Út Cưa. Gia đình tôi theo nghề đóng ghe, xuồng cho bà con sống dọc theo sông Hậu. Ai ở miệt Trà Ôn đều biết tiếng trại ghe của ông Mười Lườn là trại ghe của tía tôi, nổi tiếng ngang hàng với trại ghe chú Sáu Danh, Năm Bản ở Trà Ôn, trại ghe ấp Thanh Vân ở xã Thanh Bình, quận Vũng Liêm, và các trại ghe nổi tiếng khác của tỉnh Vĩnh Long. Tôi nghe ông nội tôi kể lại một vài câu chuyện rất huyền bí về cù lao Mây, ” Út Cưa vấn một điếu thuốc rê to bằng ngón tay cái, liếm ướt tờ giấy quyến rồi vo tròn lại đưa lên môi, bật diêm quẹt đốt, phì phèo một vài hơi, kể tiếp. “Cù lao Mây vào thời ông cố nội của tôi cũng nhỏ thôi, bề dài khoảng 4, 5 cây số. Đầu cù lao Mây ngang ấp Phú Nhơn, đuôi cù lao mấp mé ngang quận Trà Ôn, chớ không rộng lớn như bây giờ đâu. Vào thời đó, cù lao Mây được bao bọc bởi cây bần, mù u, dừa nước để giữ phù sa… vì ngập nước quanh năm nên lau sậy, năn, lác… đua nhau mọc tràn bờ. Cá, cua đinh, rùa, rắn… sinh sản từ đời nầy sang đời khác nhiều vô số kể. Dưới nước cá sặc rằn to bằng bàn tay, lội xanh cả nước. Trên trời đủ loại chim muôn như gà nước, cò, vạc, le le, trích, diều, quạ… tụ tập về đây xây tổ. Nhưng, dân địa phương không dám bén mảng đến cù lao Mây để giăng câu, đặt lờ, hoặc săn bắt chim trời vì cá sấu tập trung về cù lao nhiều lắm và trở thành mối ám ảnh kinh hoàng của dân thương hồ. Vào mùa nước nổi, từng bầy cá sấu theo con nước, trườn lên bờ bắt cả trâu bò, heo và cả người nữa. Vậy mà, chỉ sau một đêm mưa đầu mùa, sấm chớp nổi dậy đùng đùng, rồi một phần đất đuôi cù lao Mây, dài cả cây số bị sạt lở rồi chìm xuống đáy sông Hậu biến mất hẳn, thiệt là kinh dị! Đêm đó, bà con theo nghề đóng đáy ở cửa sông Trần Đề và Định An trông thấy một cuộn mây đen hình dáng con rồng uốn khúc từ trong đất liền bay ra biển Đông. Thiên hạ đồn ầm rằng “cù dậy” ở phần đuôi cù lao Mây, biến thành rồng bay ra biển. Khoảng 10 năm sau đó, phần đuôi cù lao Mây mới nổi lên lần nữa, được phù sa sông Cửu Long bồi đấp dần, cho đến đời tôi chiều dài tròm trèm gần 16. 17 cây số và bề ngang chỗ phình ra rộng nhứt gần 2 cây số. Tuy vậy, không có ai dám cất nhà, lập ấp trên cù lao Mây, chỉ có vài bà con ở ấp Phước Thuận, Khánh Hội bên miệt Cần Thơ, còn bên miệt Trà Ôn thì có ấp Trà Môn, Trà Kiết là dám mò đến cù lao Mây khẩn hoang làm ray. Sáng chèo ghe đến, tối chèo ghe về, không có dám ai ở qua đêm.”

Một người dân địa phương hỏi:

– “Con cù là con gì vậy? Hình dáng của nó ra làm sao hả, chú Út Cưa?”

– “Con cù cũng như con rồng chỉ là truyền thuyết mà thôi! Thật sự, có ai thấy nó tận mặt bao giờ đâu nà,” Út Cưa nói. “Sau khi một phần đất dưới đuôi cù lao Mây đột ngột biến mất dưới lòng sông Hậu. Cậu Trạng ở xóm “Chùa Móp” đạp đồng lên nói rằng: Ở dưới cù lao Mây, có một con “giao long” tu luyện ngàn năm. Nay tới giờ thiêng, nó hóa thành rồng bay ra biển đông nên mối xảy ra hiện đất sụp ở cù lao Mây. Qua chỉ biết có vậy mà thôi!”

– “Chuyện nầy thiệt là huyền bí hả, chú Út!” anh ta hỏi tiếp. “Trại ghe của gia đình chú chuyên đóng loại ghe gì vậy?”

– “Trại ghe của tía tôi chuyên đóng đủ các loại ghe xuồng từ xuồng ba lá, năm lá, ghe tam bản có thể chở đến 20 giạ lúa cho đến ghe chài loại lớn chuyên chở trên 15 tấn lúa, loại trung chở khoảng 5, 10 tấn hàng hóa rất thích hợp cho dân thương hồ buôn bán trên sông nước. Đồng bào sống gần miệt duyên hải rất thích loại nầy. Năm rồi, bà con trong xóm Rạch Già và Bà Keo trên cù lao Dung đặt đóng trên 10 chiếc ghe,” Út Cưa nhìn ra bờ sông chỉ chiếc ghe của mình, khoe. “Chiếc ghe chài đang cắm sào gần cây cầu ván là của tía tôi cho, đóng toàn bằng gỗ sao, chịu nước hết sẩy à nghen, mấy cha!”

Ông Năm Hứa hỏi:

– “Làm nghề đóng nghe khắm khá như vậy, sao chú mầy không ở nhà cho sướng cái thân? Cái nghề thương hồ sống lênh đênh trên sóng nước, rày đây mai đó, gạo chợ nước sông có cái gì hấp dẫn đâu chớ?”

Út Cưa cười, nói:

– “Sướng cái gì chú Năm ơi! Gia đình tôi có bốn anh em, tôi là con út độc thân chửa vợ, được ông già tía giao cho nhiệm vụ cưa cây. Ngày nào chí những ngày nấy, từ sáng đến chiều đứng trên giàn cưa vừa mệt, vừa chán. Đã vậy mà còn bị mấy em trong xóm, chọc quê nữa chớ!”

– “Tụi nó chọc quê chú làm sao? Nói nghe thử coi!”

– “Tụi nó chọc quê tui như vậy nè: “Ai ơi chớ lấy Út Cưa / Kéo lên, đẩy xuống dái đưa lòng thòng” Vì vậy, tôi chọn nghề thương hồ, có dịp đi đây, đi đó cho thỏa chí tang bồng. Ông già tôi chấp thuận với điều kiện là khi nào tôi mà kiếm được cô gái nào ưng ý, trở về trại đóng ghe, tiếp tục nghề cưa cây giúp gia đình.”

– “Tao chỉ sợ chú mầy cưới vợ rồi, dái thòng tới đầu gối, còn sức đâu mà kéo cưa cho ông già tía của chú chớ!” ông Năm Hứa nói.

Một thanh niên còn trẻ vóc dáng lực lưỡng, nước da ngâm đen, hình như là đồng bào Việt gốc Miên thì phải. Anh ta lên tiếng:

– “Nhà tôi ở xóm Vàm, ngay đầu con kinh Trà Vinh chảy ngang qua thị xã. Cù lao Bàn nằm vắt ngang qua đầu vàm. Xóm Sông Cái có một cái miếu “Thủy thần” ở đầu cù lao Bàn rất linh thiêng. Không biết dân ở vàm sông Láng Thé thuộc xã Long Đức, tỉnh Trà Vinh lập miếu thờ thủy thần lúc nào thì tôi không được rõ. Nhưng, tôi biết khúc sông Tiền khoảng giữa cù lao Quới Thiện và cù lao Bàn. Và từ vàm sông Láng Thé chèo ghe băng ngang qua sông Tiền tại khúc sông nay, có chỗ rộng gần 3 cây số lận. Khúc sông nầy có một cặp “ngỗng thần” lông trắng như tuyết, lâu lâu nó mới xuất hiện một lần. Có duyên lắm mới thấy nó bơi lội, vỗ cánh đùa giỡn trên mặt sông. Tôi thấy nó xuất hiện một lần hồi còn nhỏ, đến bây giờ vẫn còn sợ. Sau khi đùa giỡn, vỗ cánh trên sông khoảng vài ba phút, cặp “ngỗng thần” lặn mất. Nhưng, không đầy nửa tiếng sau đó, những đợt sóng thần cuồn cuộn nổi lên, cao bằng nhà lầu hai, ba từng nhận chìm tất cả ghe tàu đang di chuyển khúc sông nầy,” anh ta nhìn mọi người, cảnh báo. “Khi nào các chú, bác có dịp buôn bán trên khúc sông, nếu thấy cặp “ngỗng thần” bất chợt xuất hiện, phải chèo ghe tấp vô bờ hoặc cù lao Bàn liền nghe! Nếu không thì dễ đi chầu hà bá lắm đó!”

– “Bây giờ muốn thấy cặp ngỗng thần nầy cũng hơi khó đó nghen,” chú Ba Khị cười, nói. “Mấy năm về trước, có lần tui ghé lại ấp Long Trị bên vàm sông Láng Thé, gia đình cậu Hai Sướng – anh ruột của bà già – có kể câu chuyện như vầy: Số là gia đình ông Hội Đồng Hào ở cù lao Quới Thiện, có một cậu con trai duy nhứt tên Hưng bị tật bẩm sinh, vừa câm, vừa điếc. Ông Hội Đồng Hào là vua keo kiệt, ăn ở thất đức; ngược lại, bà Hội Đồng rất rộng rải, hiền hậu, rất mực nhân từ, ân cần giúp đở mọi người. Một hôm, bà chở con đến chùa Âng là một trong những ngôi chùa cổ nhứt của người Việt gốc Miên ở tỉnh Trà Vinh để cúng Phật. Trên đường trở về nhà, khi chiếc ghe hầu chèo qua khỏi vàm Láng Thé, bà Hội Đồng thấy một ngư phủ đang bủa lưới trên đoạn sông nầy, bắt được một con cá chép vàng “khổng lồ” nặng trên 100 kí lô, thân mình phủ đầy vảy màu vàng óng ánh như vảy rồng. Bà Hội Đồng nghĩ con cá chép nầy sắp “hóa long” , nên bỏ tiền ra mua lại với giá 100 đồng, rồi bảo người ngư phủ nầy thả nó xuống sông. Con cá chép lượn vòng quanh ghe hầu của bà Hội Đồng ba vòng, rồi lặn mất. Tối đêm đó, bà nằm mơ thấy con rồng vàng cuộn mình từ dưới sông Tiền bay vào nhà. Nó há miệng nhả một hột châu màu đỏ như huyết vào miệng cậu Hưng, rồi biến mất. Sáng hôm sau, cả nhà ông Hội Đồng Hào vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng thấy cậu con trai bỗng dưng nghe và nói được. Bà bèn kể lại cho ông nghe lại câu chuyện “cá chép hóa long” và giấc chiêm bao kỳ lạ tối qua cho chồng nghe. Và từ đó, ông Hội Đồng Hào thay đổi cả tánh tình. Ông bán hết một phần gia sản để giúp đở những người nghèo. Còn cặp ngỗng thần tác oai, tác quái trên khúc sông nầy, vĩnh viễn không còn xuất hiện nữa. Thế mới là ngộ chớ!”

Lắng tai nghe những bạn thương hồ kể cho nhau nghe những kinh nghiệm khi di chuyển trên sóng nước Cửu Long. Hai người đàn ông, một già một trẻ, đang ngồi bên

bàn kế cận cảm thấy hứng thú, cầm chai rượu đế qua tham gia. Ông bác già tự giới thiệu:

– “Qua là Tám Cao. Cha con chúng tôi theo nghề hạ bạc, gốc gác ở xã Tân Huê trên cù lao Tây. Nhưng, sau một tai nạn khủng khiếp trên dòng sông Vàm Nao cách đây 7, 8 năm trước, tôi phải bỏ nghề “đâm hà bá” , xoay qua làm nghề buôn bè.” Tám Cao vén tay áo bà ba đang mặc, chìa ra cánh tay trái bị tàn phế cho mọi người xem rồi nói. “Tôi đã bị con cháu của ông “Năm Chèo” táp, làm một phần của cánh tay trái bị phế tật đây nè!”

Một người dân địa phương hỏi:

– “Bác Tám nè, con sông Vàm Nao ở đâu vậy bác mà ghê gớm vậy cà?”

– “Con sông Vàm Nao dài khoảng 7 cây số, nối liền sông Tiền với sông Hậu. Từ quận Tân Châu xuôi dòng sông Tiền, chèo ghe qua khỏi làng Phú Bình, ngang đầu cù lao Tây khoảng 8 cây số là đến sông Vàm Nao, rồi theo con sông nầy để băng qua sông Hậu để xuống miệt Long Xuyên hoặc lên Châu Đốc. Dòng sông nầy tuy ngắn mà nước xoáy ngầm rất mạnh, làm sạt lở đất hai bên bờ sông nên mỗi năm rộng thêm ra. Hồi đó tía tôi có kể lại rằng, tại cửa sông Vàm Nao có một con sấu lửa to lớn dị thường, da màu đỏ như lửa, lốm đốm bông hoa, có đến năm chân. Vì nó ăn thịt quá nhiều người nên thành tinh. Đồng bào quanh vùng gọi kiêng là ông “Năm Chèo” ! Những bậc tiền bối ở miệt Chợ Mới truyền khẩu với nhau rằng, con quái vật nầy do ông Đình Văn nuôi lúc nó mới nở, bự bằng con kỳ đà. Mười mấy năm sau đó, khi ông Đình Văn qua đời. Nó bứt đứt xiềng xích, thoát ra sông Tiền trong một đêm mưa dông.”

Một thằng bé ngồi chồm hỗm dưới đất, đang lắng tai nghe kể chuyện, hỏi:

– “Ông “Năm Chèo” còn ở dưới sông Vàm Nao hay đã bỏ đi nơi khác rồi hả, ông Tám?”

– “Vì con thủy quái nầy ăn thịt quá nhiều người tại khúc sông nầy nên ông Bá hộ Giàu ở gần miệt Chợ Mới treo giải thưởng: Ai mà giết được ông “Năm Chèo” sẽ được trọng thưởng 20 lượng vàng ròng.”

– “Chỉ có 20 lượng vàng thôi sao?” thằng bé nhún vai, nói. “Dầu có thưởng 50 lượng vàng, con cũng không dám đụng tới ông “Năm Chèo” , sợ không còn cái mạng để xài số vàng nầy à nghen, ông Tám!”

– “Tại cháu không biết đó thôi! Thời giá bây giờ, một mẫu ruộng chưa đáng giá 3, 4 lượng vàng,” Tám Cao kể tiếp. ” Tin ông bá Hộ Giàu treo giải thưởng được đồn ra nhanh chóng khắp miền lục tỉnh. Độ nửa tháng sau, có một tay săn cá sấu chuyên nghiệp ở rạch Cà Bơ He (rạch sấu lội) miệt Tân Bằng hay Cán Gáo gì đó, chèo ghe lên tìm giết Năm Chèo. Bà con nói rằng: chính tay nầy đã giết một con cá sấu khổng lồ cụt đuôi, đồng bào miệt sợ quá nên gọi kiêng là “Ông Cụt” , nỗi tiếng hung ác ở rạch Ba Đình gần miệt Chắc Băng và Cạnh Đền.”

– “Ông ta là ai mà tài quá vậy, ông Tám?” thằng bé hỏi.

– “Không ai biết tên thật của ông là gì. Chỉ nghe người ta gọi là Chín Rái, có lẽ tài lặn hụp dưới sông không thua gì rái cá miệt U Minh.”

– “À, ông Chín Rái thì tôi biết!” cậu Hưng, một người dân thương hồ còn rất trẻ, nói. “Dân miệt sông Ông Đốc không còn ai lạ gì danh tiếng của ổng. Chín Rái là biệt danh mà thôi, còn tên thật là Mạc văn Ngư, có họ hàng với bên ngoại tôi. Nhà của ông ở làng Đất Cháy. Gia đình ông ngoại của tôi ở Xóm Giáp Nước, đều là dân ở gần miệt “Đầm Đồng Cùng” là một vùng nê địa, ngập nước quanh năm rất nguy hiểm, kinh rạch đan nhau chằng chịt như mạng lưới, rừng rậm mịt mù đủ mọi động vật hoang dã như rắn hổ mang, mái gầm và trăn rừng bự bằng cái cột nhà, nhiều nhứt là cá sấu lội lội lềnh như bánh canh thì phải biết. Người dân địa phương có câu: “Đầm Đồng Cùng hoang vắng lạ lùng / Dưới đầm sấu nghé, trên rừngcọp um ” . Người ta đã chứng kiến nhiều trận đụng độ kinh hồn giữa sấu và cọp, hoặc cọp và trăn rừng khổng lồ.”

Một người dân địa phương đứng tuổi, nói:

– “Cả đời của qua sống gắn bó với vùng đất trũng Đồng Tháp Mười, chưa hề chèo ghe ra khỏi khu rừng tràm bạt ngàn nầy. Vậy, chú em nói cho qua nghe cái “Đầm Đồng Cùng” ở miệt nào vậy?”

– “Có hai ngã vào “Đầm Đồng Cùng” : từ Ngã Ba Đình phải chèo ghe theo con kinh xáng Thọ Mai lên, sẽ gặp con sông Đầm Cùng. Còn ngã thứ hai là từ ngoài biển đi vô cũng theo con sông Đầm Cùng và vào sâu trong đất liền khoảng 9 cây sẽ gặp đầu con kinh Thọ Mai và vượt qua khỏi vàm con kinh nầy trên một cây số là tới Đầm Đồng Cùng: chiều dài trên 8 cây số và nơi phình ra rộng nhứt trên 3 cây số. Phía trên đầm là làng Đất Cháy, phía dưới là xóm Giáp Nước. Đầm rộng mênh mông như cái Biển Hồ ở bên Cao Miên được thu hẹp lại là quê hương của cá sấu. Tưởng chừng mực nước sâu lắm, nhưng mực nước không nơi nào sâu quá hai thước khi thủy triều lên. Chung quanh đầm là những rặng dừa nước xanh ngắt, cây mù u, tràm, bần và cỏ lát… mọc tràn bờ. Khi nước thủy triều rút xuống, cá sấu nằm phơi mình, sắp lớp trên bãi sình đông như bầy cá thòi lòi. Về đêm, nghe cá sấu quậy nước đùng đùng, gọi bầy như đàn nghé, nghe thật rùng rợn. Chú Chín Rái là thế hệ thứ hai của di dân đầu tiên đến Đầm Cùng hoang vu để bắt cá sấu chuyên nghiệp. Con kinh Lung Cấm ngoằn ngoèo chảy từ đầm nầy vào kinh Thọ Mai gần Ngã Ba Đình dài khoảng 10 cây số là do dân bắt cá sấu mở đường mà thành.”

– “Chú em nói nghe lạ chưa? Hồi nào đến giờ qua chỉ nghe người ta nói, chỉ có voi đàn đi kiếm ăn lâu ngày thành đường mòn, thành lung; chẳng hạn như ở Rạch Giá có lung “Tắc Ráng” do voi bầy đi lại trên cánh đồng ráng mà thành đường mòn, “Láng Tượng” là nơi voi ở thành bầy hoặc “Giục Tượng” nơi voi thường đến phá hoại mùa màng. Chớ làm gì có sấu lội thành lung bao giờ.”

– “Ậy, nói ra thì không ai tin, nhưng thiệt là như vậy đó, mấy bác già ơi! Cư dân ở miệt “Đầm Cùng” không còn ai xa lạ gì nghề săn bắt cá sấu. Sau khi bắt được cá sấu, họ trói quặt hai chân sau của qua lưng theo kiểu trói thúc ké, lấy dây luộc khớp mỏ của nó lại rồi dùng dây mây rừng xỏ ngang mũi. Họ dẫn từng đàn cá sấu lội theo bè gỗ hoặc tràm, sấu lội bì bõm bằng hai chân trước theo người dắt, con đường nước cứ thế mà rộng dần ra thành con kinh Lung Cấm.”

– “Thịt cá sấu ăn được không? Tôi nghe thịt cá sấu nhậu cũng bắt lắm đó!” một bơm nhậu nói.

– “Người ta bắt cá sấu để bán bộ da của nó để làm giầy, làm bóp xách tay cho mấy ông Tây, mụ đầm ở Sài Gòn. Cá sấu có hai món quý là “nhứt bì, nhì đuôi” . Cá sấu mạnh nhứt tập trung ở phần đuôi, nó dùng đuôi để quật bể ghe xuồng để bắt người ăn thịt nên mấy bợm nhậu miệt vườn cho rằng: ăn thịt đuôi cá sấu sẽ tăng cường sinh lực. Tôi đã từng nhậu thịt cá sấu rồi, ngon khỏi chỗ chê,” anh ta ực một miếng rượu đế, rồi khà một cái thật thoải mái, nói. “Thịt sấu ngon hơn thịt gà là cái chắc, xương sụn rất dòn, có thể làm đủ món nhậu như nấu cà ri, xào lăng, đặc biệt là “thịt sấu nướng lửa than” , ông nhậu mà bà khen đó nghen, mấy cha!”

Bỗng bác Năm Hứa cắt ngang câu chuyện, nói:

– “Thôi, tụi bây giữ yên lặng để anh Tám Cao kể tiếp câu chuyện Chín Rái bắt ông Năm Chèo như thế nào cho bà con nghe!”

Tám Cao nhìn mọi người, kể tiếp:

– “Vừa tới Vàm Nao là Chín Rái bắt tay vào việc săn đuổi Nam Chèo ráo riết. Đêm cắm sào bên bờ lao sậy rình con mồi. Ông buộc một cái móc sắt vào đầu một sợi dây câu lớn bằng ngón chưn cái, móc sắt nầy được bó vào mình con vịt xiêm, thả nó bơi lội trên mặt sông. Con vịt kêu suốt đêm vì lạnh suốt ba đêm liền, nhưng không thấy Năm Chèo xuất hiện; có lẽ, mấy oan hồn nạn nhơn bị nó ăn thịt, báo động cho nó tránh cũng không chừng. Cuối cùng, Chín Rái phải chèo ghe dọc bờ sông Vàm Nao từ xã Kiến An đến ấp Mỹ Hòa miệt bên sông Hậu. Ông Chín Rái phát hiện một cái đầm sen bạt ngàn, nhưng thật hoang vắng tại cửa sông Vàm Nao, nằm bên miệt sông Hậu, ăn sâu đến ấp Trung trong đất liền khoảng 4, 5 cây số. Chín Rái thấy trên một bãi đất hoang vắng gần ấp Trung, một rừng đế sậy, cỏ lát, phi lau, cây cà xăng…bị ngã rạp xuống như bị trâu bò giẵm nát. Chín Rái sinh nghi, tắp ghe vô bãi sông, xăn quần lội vô bờ quan sát, thấy trên bãi bùn, vết sấu trườn ngang dọc, xương người, xương thú vật rải rác khắp nơi, còn phảng phất mùi hôi thúi xông lên, vì vậy mà dân cư vùng nầy không dám léo hánh đến khu vực đầm sen. Chín Rái đoan chắc đây là nơi trú ẩn của Năm Chèo liền vội vã nhảy xuống ghe, chống ra khỏi vùng đầm sen, hối hả chèo ra đầu vàm, đi vô xã Kiến An nằm bên hữu ngạn sông Vàm Nao, tìm mua một con chó mực khá lớn. Mua được chó rồi, Chín Rái tìm đến lò rèn ven bờ sông Tiền, nhờ chú Ba Sửu rèn một cây sắt tròn dài 6, 7 tấc thành một cây chĩa, mài giũa cả hai đầu thiệt bén, có ngạnh như mũi tên. Tìm đủ đồ nghề rồi, chờ đến xế chiều hôm sau, Chín Rái vác con chó mực vứt lên ghe, chèo trở lại chỗ cũ thì trời cũng chạng vạng tối. Ông ta dùng cây chĩa thọc huyết con chó mực, kéo lê xác nó lên một khoảng khá xa lên bờ; sau đó dùng cuốc đào một cái hố vừa đủ để cho mình ngồi xuống núp, xác con chó được đặt nằm vắt ngang trên miệng hố. Chín Rái ngồi thụp xuống hố, chỉ ló cái đầu nhìn ra khu đầm lầy. Chuẩn bị xong đâu đó thì mặt trời cũng vừa lặn, con trăng hạ tuần treo vắt vẻo trên bầu trời đầy sao, đang tỏa ánh trăng mơ hồ trên vùng đầm sen. Chín Rái bỗng nghe sóng gió nỗi lên ầm ầm trên mặt đầm, gió vi vút thổi làm những ngọn mù u, dừa nước…ngả nghiêng; hình như, có tiếng trẻ con cười the thé xen lẫn tiếng khóc tỉ tê, ai oán của đàn bà như tiếng cô hồn réo gọi văng vẳng trong gió…thì Năm Chèo xuất hiện, nó trườn thật nhanh lên bờ theo vết máu của con chó mực. Chín Rái ước chừng nội cái mình, không kể phần đuôi của Năm Chèo bự hơn cái xuồng ba lá, bất ngờ gió ngừng thổi, bốn bề yên lặng một cách ma quái, chỉ còn nghe tiếng sóng vỗ lao xao dưới mé đầm…”

Kể đến đây, Tám Cao bỗng đột ngột đứng dậy ra ao cá vồ đằng sau quán nhậu, làm mấy cậu thanh niên đang ngồi chòm hổm dưới đất, há hốc mồm theo dõi câu chuyện, bất bình, nói:

– “Câu chuyện kể đến hồi gây cấn mà bỏ đi đâu vậy, cha nội?”

– “Tao đi cầu một chút thôi mà,” Tám Cao quay đầu lại, nói. “Tụi bây muốn tao kể tiếp thì kêu cho tao một xị đế nữa đi, để tao còn lai rai chờ con nước lớn à nghen, tụi bây!”

Một lát sau, Tám Cao trở lại chỗ ngồi, thấy một xị rượu đế và một con khô sặc rằn bự bàn bàn tay để sẵn trên bàn. Tám Cao ngồi xuống ghế, xé một miếng khô bỏ vào miệng nhai nhóp nhép, rồi cầm xị rượu đế đưa lên miệng, tu một hơi hết một phần năm xị, rồi khề khà, kể tiếp:

– “Có lẽ máu chó mực ô uế làm cho những cô hồn nạn nhân của Năm Chèo tránh xa nó cũng không chừng? Có thể lắm! Con sấu to lớn dị thường bỗng chần chừ, cất cái đầu lên khỏi bãi đất bùn, quay cái mõm sang bên trái, bên phải, quan sát cẩn thận trước khi tiến đến xác con chó mực đang nằm chình ình phía trước mặt. Bất ngờ, nó trườn thiệt lẹ tới con mồi. Chín Rái ngồi dưới hố, thủ sẵn cây chĩa nhọn hai đầu, bình tỉnh chờ đợi. Và giây phút quyết liệt sống chết với Năm Chèo đã tới. Vừa lúc há mõm toang hoát, đỏ lồm, mùi hôi thúi bốc ra nực nồng, táp con chó mực. Chín Rái nhanh như chim cắt, tay trái kéo con chó mực qua một bên, tay phải cầm cây chĩa nhọn hai đầu, thọc thẳng đứng vào miệng của nó. Năm Chèo táp hụt con mồi, bị cây chĩa nhọn hai đầu đâm thủng cái mõm ngọt xớt. Chín Rái rút cánh tay phải ra kịp thời, ôm cây cuốc lăn ra khỏi miệng hố, đứng nhìn Năm Chèo nằm lăn lộn trên bãi cát bùn, gầm thét vang động trong buổi hoàng hôn, rồi nhanh chóng vung cây cuốc lên khỏi đầu, giáng mạnh xuống giữa đỉnh đầu của Năm Chèo. Lưỡi cuốc ngập hơn phân nửa và kẹt cứng trong cái sọ đầu của nó. Chín Rái cố giựt cán cuốc ra khỏi cái sọ đầu của nó và bị Năm Chèo hất tung lên, té nằm sóng sượt trên mặt đất. Năm Chèo mang cây cuốc trên đầu định chuồn xuống dưới đầm sen chạy trốn thì bị Chín Rái đứng dậy, chạy tới nắm cái đuôi kéo ngược lên bờ…”

Tám Cao là một người có năng khiếu kể chuyện; hễ kể tới đoạn gây cấn là đột ngột ngưng lại làm mọi người nôn nóng chơi. Ông chậm rãi thò tay trong túi áo bà ba, lấy ra một gói thuốc rê, đưa cho Hai Công – cậu con trai – vấn lại thành điếu cho cha. Tám Công vừa đưa lên môi, một câu thanh niên chạy ngay vô nhà bếp, gấp một cục than hồng cho ông đốt điếu thuốc, phì phà vài hơi để “câu giờ” , rồi kể tiếp:

– “Chín Rái cỡi lên mình Năm Chèo, một tay nắm chặt cán cuốc, một tay lấy con dao găm, giắt ở lưng quần, đâm vào hai con mắt của Năm Chèo làm nó bị mù, trườn bò lung tung trên bãi cát bùn cho đến khi kiệt quệ, cát bùn nhuộm máu của Năm Chèo làm nhầy nhụa cả một vùng rộng lớn trên đầm sen. Chín Rái chờ cho nó chết hẵn rồi mới leo lên ghe, chèo ra cửa sông Vàm Nao. Ông nói cho chú Ba Sửu biết địa điểm của Năm Chèo chết, để chở xác về cho đồng bào coi mãn nhãn.”

– “Thế ông bá hộ Giàu có thưởng 20 lượng vàng cho chú Chín Rái không vậy, chú Tám?” một thanh niên hỏi.

– “Có chớ sao không! Nhưng, Chín Rái nhờ Ba Sửu dùng 20 lượng vàng tiền thưởng giúp cho các nạn nhân bị Năm Chèo ăn thịt. Và sau đó, Chín Rái âm thầm xuống ghe chèo về miệt Rạch Giá ngay trong đêm khuya, không một lời từ giã bà con!”

– “Chú Chín Rái ngon thiệt! Không biết loại cá sấu ác ôn nầy từ đâu kéo về miệt dưới nhiều quá vậy hả, chú Tám?”

– “Theo chỗ qua biết, loài sấu thường sống trong những vùng đầm lầy chung quanh Biển Hồ và những vùng đất trũng dọc theo hai bên bờ sông Mekong, phía bên Cao Miên. Chúng lội theo con nước nổi hàng năm tràn về vùng nầy, ẩn núp trong những bờ lau sậy, cỏ lát, bần, gừa, dừa nước…mọc un tùm chung quanh cù lao Tây, cù lao Giêng…hoặc các vùng đất trũng, đầm lầy ẩm thấp vùng Đồng Tháp Mười, rừng tràm hoang vu ở rừng U Minh miệt Rạch Giá, Cà Mau,” Tám Cao nhìn cái tay trái từ cùi chỏ trở xuống khỉu tay, bị giập xương làm cho cánh tay bị cong vẹo, tàn phế, mấy ngón tay không còn cử động được, rồi buồn bả, nói. “Mấy tía con qua sống bằng nghề “hạ bạc” , còn gọi là cái nghề “xuống bến” . Khi con sông Tiền xuôi về đồng bằng để chảy ra biển Đông, lúc chảy qua Tân Châu chia làm ba nhánh ôm lấy cùa lao Tân Khánh và cù lao Cái Vừng. Và khi chảy gần đến Chợ Vàm, nó lại tách cù lao Tây ra làm đôi: phần đất cồn nằm bên quận Chợ Mới, bự hơn phần đất nằm bên quận Thanh Bình chút đỉnh. Có một thời, qua vang danh là “Tám Kình Ngư” ở cù lao Tây. Ngay từ lúc lên 10 tuổi, qua quyết định theo tía má, gắn bó cuộc đời mình với sóng nước Cửu Long Giang đầy sức quyến rũ và huyền bí.”

– “Theo như sự hiểu biết của tụi cháu. Nghề hạ bạc là đánh bắt cá, gồm có bốn nghề chánh là câu bằng cần tre, đánh bắt cá bằng cách thả lưới, chài lưới, đánh bắt cá bằng đăng, đó, lọp, lờ…và cách thường dùng nhứt là “thả chà” . Theo kinh nghiệm của chú Tám đánh bắt cá bằng cách nào dễ kiếm sống nhứt?” một cậu nhỏ hỏi.

– “Theo kinh nghiệm của qua, có nhiều cách đánh bắt cá, đó là những cách đánh bắt cá căn bản. Đa số là tùy theo kinh nghiệm dân từng vùng rồi “tùy cơ ứng biến” . Chẳng hạn như dân ở cánh đồng Ba Dầu miệt chợ Vàm Cống, có cách đánh bắt cá bằng phương pháp “đắp tàu bắt cá” , gọi nôm na gọi là bắt cá nhảy tàu.”

– “Bắt cá nhảy tàu là đánh bắt cá như thế nào vậy? Lần đầu tiên cháu mới nghe chú Tám nói đó nghe!” một cậu nhỏ hỏi.

– “Ừ, phương pháp “đấp tàu bắt cá” mới nghe rất lạ tai,” chú Tám Cao hớp một ngụm nước trà, rồi mới giải thích. “Nhưng, đối với nông dân ở cánh đồng Ba Dầu, việc đắp tàu bắt cá thì rất thường tình đâu có lạ lùng gì! Họ chỉ cần kéo rơm đấp ngang qua một cái lạch nước giống như đấp một cái đập nước bằng rơm, nhưng phải khéo tấn rơm cho thật khéo, thành hình một chiếc tàu, có lòng khoan, có be bờ bốn phía hẳn hòi. Đang mùa “cá đồng rộ” hay còn gọi là mùa “cá chạy” thì cá lóc, cá trê, cá bông… lội lềnh theo mương lung, khi nó đụng phải cái đập bằng rơm là nó quẩy đuôi, phóng ngang qua đập, thế là cá lọt vô khoang tàu nằm chình ình ở đó chịu trận. Chừng đó, chỉ có việc rọi đèn bắt cá đem về nướng trui nhậu, đó là cách làm chơi ăn thiệt. Nhưng theo qua, những ngư dân có năng khiếu lặn hụp dưới sông chuyên ngiệp như qua nên theo nghề đánh bắt cá bằng cách “thả chà” là dễ kiếm tiền nhất. Lúc “run chà cá nhảy” thấy mà ham! Mỗi vụ dở một đám chà có thể bắt được khoảng cần xé đầy nhóc cá he, cá mè vinh, cá chài, tôm càng xanh… như chơi! Sau đó, thả thêm mấy nhánh cây vào cho chà rậm đám rồi chờ một tháng sau thì dở chà vụ thứ hai, rồi thứ ba…”

– “Nghề thả chà bắt cá ngon lành như vậy, tại sao chú Tám bỏ nghề?”

Chú Tám Cao nhìn cánh tay bị phế tật của mình, buồn rầu kể lại nguyên nhân xảy ra tai nạn:

– “Trước khi xảy ra tai nạn nghề nghiệp, qua có nghe dân thương hồ cảnh báo rằng: đàn trâu cày ở anh Năm Phuông ở Ấp Tây trên Cồn Gòn, phía dưới Cù lao Giêng, đối diện bên kia sông Tiền là thị xã Cao Lãnh. Trong lúc con trâu đầu đàn đang đứng nhởn nhơ uống nước trên bờ Cồn Gòn; bất ngờ, một con sấu khổng lồ từ dưới nước phóng lên một cái ào nhanh như gió cuốn, nó hả mõm ngoạm vào cổ con trâu dìm xuống nước biến mất dạng. Qua nghe tin nầy, nhưng bỏ ngoài tai vì từ địa điểm nầy cách chỗ qua thả chà giăng câu dọc theo cù lao Tây, xa gần 45 cây số; vả lại, qua tin vào tài lặn hụp dưới nước mới ra nông nổi nầy,” Tám Cao cầm xị rượu đế, đưa lên miệng, ực thêm hớp nữa, rồi khà ra một cách sảng khoái, kể tiếp. “Theo kinh nghiệm của dân hạ bạc, khi ghe xuồng di chuyển trên sông sâu, hoặc giữa dòng, nó dùng cái đuôi, quật cho cái ghe lật úp xuống để bắt người. Còn chèo ghe gần bờ, nó từ dưới nước phóng mình lên, dùng sức nặng của nó nhận chìm ghe. Thông thường, khi nó gấp được người hoặc thú là nó dìm xuống nước cho con mồi chết ngộp trước, rồi mới tha lên bờ, xé xác ra để ăn.”

Một cậu thiếu niên cầm cánh tay phế tật của Tám Cao, hỏi:

– “Cháu đoán không lầm thì cánh tay nầy bị sấu táp gãy xương thành tật, phải không bác Tám?”

– “Cháu đoán không sai!” Tám Cao gật đầu, nói. “Đêm đó trời không trăng khoảng cuối tháng 3 Âm lịch, qua đi giăng câu cá bông lau. Khúc sông đầu nguồn sông Cửu Long thuộc địa phận hai tỉnh Long Xuyên và Đồng Tháp Mười vào mùa “nước trong” từ trước Tết Nguyên Đán kéo dài đến tháng 3, tháng 4 Âm lịch là nơi cá bông lau hàng năm theo nước lũ từ Biển Hồ bên Miên kéo về dòng sông Tiền, sông Hậu tập trung về đây kiếm mồi nhiều hằng hà sa số. Nhiều xóm lưới ven dòng sông Vàm Nao, cù lao Tây, cù lao Giêng… hoạt động rất mạnh trong thời điểm nầy. Mỗi xuồng trang bị dàn lưới dài 300 đến 400 thước. Mỗi chiều, ghe thương hồ chạy dọc theo cù lao thu mua về bán lại cho các vựa cá ở Cầu Ông Lãnh trên Sài Gòn, vì cá bông lau trên khúc nầy mới thật sự ngon nhứt xứ Nam Bộ…”

– “Chưa chắc à nghen, chú Tám! Theo qua, cá bông lau tập trung tại khúc sông Hậu, từ cồn Mỹ Phước đến ngã ba Vàm Tấn ở Sóc Trăng mới là ngon nhứt, thịt cá trắng hồng, mở béo ngậy! Qua đã từng thưởng thức món canh chua cá bông lau Vàm Tấn rất độc đáo, ngon hết sẩy!” bác Năm Hứa nói tiếp. “Thôi, kể tiếp cho tụi nầy nghe coi, lý do tại làm sao cánh tay trái của chú bị giập xương vậy hả, chú Tám?”

– “Tui là thợ câu, chớ không phải thả lưới. Thợ câu phải kiên nhẫn và khổ cực hơn nhiều, nhứt là câu cá bông lau. Loại cá nầy chỉ ăn mồi vào ban đêm. Đêm nào trời mưa lâm râm, có sương mù, cá lại ăn mồi càng nhiều. Có khi suốt đêm, tôi ngồi bó gối, ngủ gục trên chiếc xuồng ba lá đang thả neo, nhảy sóng bập bềnh trên sông, chờ cá táp mồi. Tôi không bao giờ quên cái đêm hôm đó. Vào khoảng nửa đêm, tui đang ngủ gà, ngủ gật thì cá đớp mồi, làm sợi dây cước căng lên, khiến tôi giựt mình; có lẽ, con cá bông lau nầy bự lắm thì phải, nên tôi phải đứng dậy, gò lưng giựt cái cần câu một cái thiệt mạnh cho chắc ăn. Nhưng mà, tui bị nó ghì lại một cái thiệt mạnh làm tui muốn té chúi nhủi. Theo kinh nghiệm nghề câu cá bông lau, tui phải thả dây câu thiệt dài, để cho nó mệt lã mới dòng nó vô be xuồng được; bất ngờ, một một sấu khổng lồ từ dưới nước phóng lên một cái ào, táp trúng cánh tay trái, kéo tôi xuống nước làm chiếc xuồng lật úp. Nó định dìm cho tui chết ngộp trước khi lôi vô bờ ăn thịt. Nhưng, nhờ trời Phật độ, nên tui mới còn sống sót đến ngày hôm nay.”

– “Chú Tám chắc có rất nhiều kinh nghiệm đối phó với cá sấu mới sống còn,” bác Năm Hứa nói. “Vậy, chú Tám làm ơn chỉ vẽ cho tụi nầy! Biết đâu, có khi phải dùng tới nó để thoát hiểm cũng không chừng đó nghen, chú Tám!”

– “Tui nói đây, không phải khoe tài với các anh em đâu nghen! Bất cứ người nào sống từ trên cù lao Tây từ ấp Tân Bình, ấp Hạ cho đến Doi Lửa, mà không nghe danh “Tám Kình Ngư” nầy! Tui có biệt tài lặn và đi dưới đáy sông khoảng nửa tiếng đồng hồ như chơi và nhờ vậy mà tui thoát nạn, chớ có kinh nghiệm con khỉ gì đâu nà!” Tám Cao kể tiếp. “Tui bị con sấu dìm xuống nước độ nửa tiếng đống hồ, tưởng tui đã bị chết ngộp, nó bèn tha tui về một bãi cồn hoang vu để xẻ thịt con mồi. Tui giả chết, chờ nó vừa hả mõm ra gọi đồng loại đến chia thịt, tiếng ghé gọi bầy của nó làm vang động cả một khúc sông vắng nghe thiệt rùng rợn, tui bèn vội vàng ba chưn bốn cẳng chạy một cái ào ra bờ sông, leo tuốt lên ngọn cây mù u, nhờ vậy mà thoát nạn. Sáng hôm sau, tui hú ơi ới gọi ghe thương hồ, nhờ chở tui vô nhà thương ở quận Chợ Mới cứu cấp.”

– “Cái cồn đó ở miệt nào mà ghê gớm vậy hả, chú Tám?” bác Năm Hứa hỏi.

– “Đó là “cồn Ma” mới nổi lên, ở khoảng giữa cuối cù lao Cái Vừng và đầu cù lao Tây, nó làm cho khúc sông Tiền nầy đở mênh mông. Nhưng cũng rất nguy hiểm, vì đó là quê hương của đủ loại cá sấu từ bên Cao Miên trôi dạt về đó theo từng mùa nước nổi, rồi tiếp tục sinh sôi nẩy nở. Anh em phải cẩn thận khi chèo ghe ngang qua vùng nầy vào lúc chạng vạng tối nghe!”

– “Qua đại diện anh em thương hồ, cám ơn chú Tám mầy nghen,” bác Năm Hứa quay sang chị Hai bán cháo lòng heo, đang ngồi trên cái sạp ván thấp lè tè bên cạnh đó, nói. “Thím Hai cho qua xin thêm một dĩa lòng heo để tụi nầy đãi chú Tám coi nè!”

Dì Hai bèn lấy vá dạo một vòng trong cái nồi cháo lòng heo, đặt trên cái cà ràng đỏ rực than hồng đang bốc khói nghi ngút, vớt nào phèo, phổi, tim, gan…để trên cái thớt gỗ, chặt ra từng miếng nhỏ sắp ra dĩa, rồi bưng ra bàn mời mọi người. Dì Hai nhìn bác Năm Hứa, tự giới thiệu:

– “Tui không phải dân vùng nầy! Trước đây, vợ chồng tui cũng là dân thương hồ như mấy anh em ở đây. Sau khi ổng chết, tui mới bán ghe làm vốn lên bờ, rồi trôi dạt về vùng nầy lấy nghề bán cháo lòng làm kế sanh nhai.” Dì Hai đưa cánh tay áo bà ba, quẹt nước mắt, nói. “Nhìn mấy chiếc ghe thương hồ xuôi ngược trên khúc sông nầy làm tui nhớ ổng quá trời!”

– “Không phải tui tò mò nghe dì Hai,” bác Năm Hứa nói. “Ảnh chết vì bệnh hay tai nạn vậy?”

– “Dạ, chết vì tai nạn bất ngờ! Âu cũng là số trời nghe anh Năm,” dì Hai ngậm ngùi kể cho mọi người nghe để rút kinh nghiệm. “Cách đây ba năm, vào khoảng trung tuần tháng 4. Lúc đó vợ chồng chèo ghe xuống Giồng Cà Hom – Bến Bạ thuộc quận Trà Cú, tỉnh Trà Vinh để mua chiếu chở về sông Ngã Bảy Phụng Hiệp bán cho bà con. Nói thiệt nghe, cái nghề đan chiếu là cái nghề “một vốn mà bốn năm công” , còn mua đi bán lại thì “một vốn, một lời” vì những hoa văn dệt trên chiếu sản xuất ở Giồng Cà Hom rất đẹp dùng để trang điểm chốn loan phòng trong đêm tân hôn thêm phần trang trọng và tươi mát.”

Bác Năm Hứa nói:

– “Tui thấy đồng bào mình ở Cần Thơ rất chuộng chiếu của đồng bào Miên dệt, sản xuất tại làng chiếu Trà Bông thuộc quận Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Một chiếc chiếu dệt nhẹ tưng chưa đầy 2 kí mà nằm bền đến cả chục năm mà chưa rách. Có một dạo tôi bán chiếu lác do họ dệt cho đồng bào Cần Thơ.”

– “Chiếu lác sản xuất ở Giồng Cà Hom – Bến Bạ và làng Trà Bồng đều đẹp và độ bền như nhau, tùy theo ý thích mỗi người,” dì Hai cháo lòng kể. “Chiều hôm đó, sau khi lấy hàng xong, vợ chồng tui chèo ghe về ngã bảy Phụng Hiệp. Lúc chèo ghe đến đầu cù lao Cồn Cộc – chạy cặp song song theo cù lao Dung – nơi con sông Hậu đổ ra biển theo cửa Định An thì trời vừa chạng vạng tối. Vợ chồng tui bèn cắm sào ngủ qua đêm. Sau bữa cơm chiều, ổng thèm rượu đế bèn nhảy xuống chiếc xuồng ba lá dòng theo đằng sau lái ghe, bơi tuốt qua sông vô ấp Chợ mua rượu, còn tui nằm tòn ten trên võng, nhai trầu bỏm bẻm chờ ổng về. Vào khoảng nửa đêm, tui giựt mình thức giấc mà chưa thấy ổng về tới. Tui chỉ lo cho ổng say xỉn rồi té bờ, té bụi nhập thổ bỏ mạng, chớ ai có ngờ đâu rằng…” Dì Hai cháo lòng nói đến đây rồi hai hàng nước mắt chảy ràn rụa trên má. Dì đưa cánh tay áo bà ba quẹt nước mắt.

Tám Cao nóng ruột, hỏi:

– “Chuyện gì xảy ra vậy, chị Hai? Sao chị lại khóc?”

Dì Hai cháo lòng thổn thức, nói:

– “Tui mới nhổ sào, định chèo ghe qua bên kia sông, lên bờ đi tìm ổng; bất thình lình, tui thấy đèn đuốt cháy sáng rực, tiếng gõ mõ, thùng thiết, tiếng khua nồi niêu, xoong chảo vang lên ầm ỷ, chen lẫn tiếng chưn đồng bào chạy rầm rập trên bờ, gọi nhau chạy loạn dậy một gốc trời, nghe thiệt khiếp đảm: “Thổ dậy bà con ơi! Thổ dậy bà con ơi! Chạy lẹ lên kẻo chúng nó “cáp duồn” , chết cả làng bây giờ!…” Tôi hồn phi, phách tán, ngồi bẹp xuống khoang ghe, vái trời, vái phật cầu nguyện cho ổng tai qua, nạn khỏi. Chờ khi trời vừa hừng đông sáng là tui nhổ sào, chèo ghe một hơi qua sông, vừa mới leo lên bờ thì một cảnh tượng hải hùng, đập vào mắt tui; bây giờ mỗi lần nhớ tới, tui còn rùng mình…”

Bác Năm Hứa ngắt lời, hỏi:

– “Đồng bào mình bị Thổ cáp duồn nhiều lắm phải không?”

Dì Hai cháo lòng, nói:

– “Anh Năm còn phải hỏi,” dì Hai chậc lưỡi, nói. “Xác dân làng gồm toàn đàn bà chân yếu tay mền, người già, con nít…chạy loạn không kịp bị bọn Thổ cáp duồn, chết nằm rãi rác dọc theo bờ sông Hậu từ xóm Ấp Vàm chạy dài xuống đầu con rạch Trà Cú, kẻ mất đầu, người thì bị đâm lòi ruột, máu me còn đọng vũng trên mặt đất. Tui nghe đồng bào sống sót, kể lại rằng: Không biết nguyên nhân nào thúc đẩy mà đêm hôm đó, đồng bào người Việt gốc Miên đang sống hiền lành trong vùng sâu ở sóc Cây Đa, bất thần đồng loạt nổi dậy, mặt của họ đỏ như tôm luộc, tay cầm chai rượu đế “phất xạ” , tay kia cầm lưỡi hái, phảng dùng để gặt lúa, chĩa nhọn hoặc dao phay, chạy ùa vào trong ấp Chợ, rồi tràn vào ấp Vàm. Họ vừa chạy vừa hô to “Dơ cáp Duồn! Bòn ơi!” gặp ai giết nấy. Thật là kinh hoàng!”

– “Chị Hai có tìm gặp được ảnh không vậy?”

– “Dạ không! Có lẽ, xác của ổng bị người Miên liệng xuống sông cho cá ăn. Từ đó tới nay biệt vô âm tín!”

Bác Năm Hứa hỏi:

– “Tôi là dân thương hồ xuôi ngược trên dòng sông Cửu Long nầy gần đến quá nửa đời người rồi. Tôi qua lại, buôn bán nhiều lần qua các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Bình…trong cuộc sống chung đụng, giao tiếp hàng ngày. Mọi người đều phải công nhận rằng, bản chất của đồng bào thiểu số người Việt gốc Miên rất thật thà, chất phát và hiền lành. Được một cái là họ không có tinh thần dị biệt chủng tộc. Ở Sóc Trăng, người Tiều sống tụ tập rất đông, đông đến độ người dân địa có câu ví: “Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu” . Người Tiều Châu thích lấy vợ người Miên vì bản tính của họ làm ăn chăm chỉ, siêng năng không thua đàn bà Việt Nam mình. Đàn con của họ ra đời, được đồng bào gọi đùa là “đầu gà, đít vịt” . Đứa cháu dâu của tôi cũng là người Tiều lai Miên vừa đẹp, vừa ngoan, làm ăn chăm chỉ có kém ai đâu nà!”

Dì Hai cháo lòng hỏi:

– “Nói như anh Năm, đồng bào Việt gốc Miên đều hiền lành và thật thà mà sao họ ác độc quá vậy hả, anh Năm?”

– “Đúng vậy, người Miên có khuyết điểm là rất dễ bị kích động,” bác Năm Hứa lắc đầu, thở dài, nói. “Từ khi già Hồ khai sinh ra cái băng đảng kháng chiến cái con mẹ gì đó, lợi dụng cái danh nghĩa “chống thực dân Pháp” , tụ tập được một số tên du thủ, du thực mà thực chất của bọn nầy là những tên chuyên môn đi ăn trộm trâu của đồng bào người Việt gốc Miên làm cho họ nổi điên lên, trút tất cả tội lổi lên dân làng ở các vùng lân cận. Theo tôi, đó là một trong những nguyên nhân sâu dẫn đến hận thù sắc tộc. Cái bọn “bộ đội cụ Hồ” khốn kiếp chính là thủ phạm gây ra thảm họa làm người Miên nổi dậy “cáp Duồn” dân mình tại nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ.”

Út Cưa nghe nói, lên tiếng:

– “Cướp giật, bắt cóc, tống tiền…nói chung là chánh sách kinh tài của Bí Thư Tỉnh Ủy tỉnh Cần Thơ tên Quản Trọng Hoàng. Ông ta đảm nhiệm chức vụ nầy từ năm 1938 cho đến bây giờ.”

Bác Năm Hứa ngạc nhiên, hỏi:

– “Sao chú mầy biết rành cái lũ ác ôn nậy quá vậy, Út Cưa?”

– “Gia đình của tui cũng là nạn nhân của bọn thổ phỉ nầy mà,” Út Cưa hậm hực nói. “Tía tui bị bắt buộc phải ủng hộ cho “Kháng chiến” hết 8 cái ghe, nói là dùng để chở quân dân cách mạng. Ai biết chúng chở cái gì? Bọn láu cá nầy đểu thiệt!”

Tám Cao gật đầu, nói:

– “Nhận xét lời bác Năm Hứa quả không trật một chút nào hết! Quê ngoại của tôi ở miệt Cần Đen, thuộc xã Hưng Điền, nằm trên phần đất của ông Bá Hộ Bảnh. Nguyên một dãy đất dọc theo hai bên bờ kinh Cái Cơ, gần tới đầu con kinh Cái Bác – sát biên giới Việt Miên – có trên hàng ngàn mẫu ruộng đều thuộc gia đình của Bá Hộ Bảnh. Cách biên giới khoảng 10 cây số là sào huyệt của bọn thảo khấu do tên Thạch Sum lãnh đạo. Bọn cướp nầy nỗi tiếng khát máu và tàn bạo, thường xuyên vượt biên giới vào sâu trong đất của Hội đồng Bảnh cướp trâu bò của tá điền, còn bắt người, cướp của đồng bào mình, gọi là để trả thù bọn thổ phỉ nhơn danh “cách mạng” , nửa đêm băng đồng, vượt biên lên tận Svay Riêng, đốt nhà nông dân, rồi thừa cơ dân trong xóm lo chửa cháy, lùa từng đàn trâu bò của họ về phía biên giới. Có khi một đàn trâu bị lùa đi lùa về hai, ba lần vì những trận kịch chiến đẫm máu xảy ra trên những cánh đồng ruộng, giữa bọn thảo khấu Thạch Sum và bọn thổ phỉ nhơn danh “cách mạng” mà thực chất là bọn cướp sống ngoài vòng pháp luật.”

– “Còn chính quyền địa phương của Miên ở đâu mà không dẹp tan sào huyệt của bọn nầy?” bác Năm Hứa hỏi.

– “Tôi biết!” một người ngồi trên bàn bên cạnh trả lời.

Mọi người quay đầu lại, thấy một người, tuổi ngoài ngũ tuần tóc bạc hoa râm, búi thành tó, nhưng dáng còn quắc thước. Ông kéo ghế đứng dậy, cầm tách nước trà qua ngồi chung với bọn họ. Ông ta tự giới thiệu:

– “Tôi là Tư Long, quản gia của ông Bá hộ Bảnh,” ông Tư Long bắt đầu kể. “Hồi cuối năm ngoái, vùng kinh Cái Cơ và kinh Cái Bác, dọc theo biên giới Việt – Miên bỗng trở nên mất an ninh trầm trọng vì đảng cướp người Miên có trên 100 tên võ sĩ do tên Thạch Sum cầm đầu. Hắn tự xưng là Sana tức Nguyên soái, võ nghệ hắn cao cường, tinh thông cả võ Tàu, võ Thái; ngoài ra, hắn còn luyện được phép gồng “mình đồng da sắt” , dao búa, đao kiếm chém vào mình hắn đều dội trở lại không nhằm nhò gì cả. Cứ vài tháng là bọn nay vượt qua kinh Cái Cơ ở miệt Tân Thạnh để đánh cướp. Bọn cướp nầy rất dã man và khát máu. Sau khi lùa trâu bò qua biên giới, chúng đốt nhà, “Cáp Duồn” không gớm tay.”

Bác Năm Hứa hỏi:

– “Ông Bá hộ Bảnh không có biện pháp gì để tiêu diệt bọn cướp của Thạch Sum sao? Tụi tui nghe nói, ông Bá Hộ Bảnh là một tay thiện xạ súng săn mà!”

Tư Long rầu rĩ, nói:

– “Hai tháng trước, Bá hộ Bảnh và dân làng giao trọng trách cho tôi lên Chợ Lớn tìm một võ sư Tàu để trừ khử Thạch Sum. Cuối cùng, Lý võ sư đồng ý. Ông ta là người tỉnh Sơn Đông bên Tàu là cao thủ thượng thừa của hai trường phái võ thuật Thiếu Lâm và Võ Đang.”

Tám Cao hỏi:

– “Sao chú Tư biết Lý Võ Sư là một cao thủ thượng thừa?” Tám Cao nói. “Tôi thấy có nhiều võ sĩ hữu danh vô thực, có vài miếng nghề để lòe thiên hạ để kiếm cơm như bọn Sơn Đông mãi võ chẳng hạn.”

– “Không phải như vậy đâu, chú Tám!” Tư Long giọng quả quyết. “Chính mắt tôi và đồng bào đã nhìn thấy Lý Võ Sư biễu diễn quyền thuật mà!”

– “Vậy sao, chú Tư nói thử cho chúng tôi nghe, công phu của họ lý như thế nào?”

Tư Long nói:

– “Ngay khi tôi vừa dẫn Lý Võ Sư về đến làng là ông lập tức biễu diễn công phu cho ông Bá hộ Bảnh và các gia đình tá điền xem để lấy long tin của họ. Theo sự hiểu biết của tôi cũng biết ít nhiều võ thuật. Đó là những tuyệt kỹ công phu của pahái Thiếu Lâm. Chẳng hạn khi xuống tấn, mấy miếng gạch tàu trên sân, lún xuống đất. Ông ta chỉ dùng một ngón tay trỏ, đởû toàn bộ thân người lên mười phút mà gương mặt không hề đổi sắc. Một tay có thể bứng gốc moat cây so đũa và dùng gang bàn tay để đóng một cây đinh 3 phân vào thân cây xoài. Những bài quyền cước như hầu quyền, hổ quyền, xà quyền…biến hóa khôn lường. Nội lực cũng vô cùng thâm hậu, chỉ cần một quả đấm trông thật nhẹ nhàng vào cây chuối thiệt bự, cũng đủ làm cho nó ngã đổ xuống vì bên trong ruột bị dập nát. Sau khi thấy tận mặt ông ta biễu diễn võ công, ai nay đều phấn khởi và nghĩ rằng: Sana Thạch Sum không phải là đối thủ của ông ta.”

Mọi người trên bàn nhậu đều đồng ý với Tư Long là Lý Võ Sư đã đạt tới trình độ võ công thâm hậu và tuyệt kỹ của Thiếu Lâm. Bác Năm Hứa hỏi:

– “Chú Tư có xem trận đọ sức giữa Thạch Sum và Lý Võ Sư không?”

– “Dạ, có chớ,” Tư Long nói. “Sao khi nhận được được thơ thách đấu của Lý Võ Sư. Y hẹn, ba ngày sau, Thạch Sum dẫn vài thủ hạ có mặt tại bãi đất trống trên bờ kinh Cái Cơ, bên cạnh miếu Thổ Thần để thi đấu. Nhưng, thiệt không thể tin được: Trận Long tranh Hổ đấu chỉ kết thúc vài ba hiệp.”

Tám Cao nóng ruột, hỏi:

– “Ai thắng? Ai bại vậy, chú Tư?”

Tư Long thở dài, nói:

– “Qua đến hiệp thứ tư, Lý Võ sư bất ngờ bay người lên, tung ngọn “đảo phong cước” , sức mạnh ngàn cân của chân phải, tạt một cước vũ bão vào cổ Thạch Sum, định đá gẫy cổ địch thủ. Thạch Sum chẳng những không tránh đòn mà còn dùng đầu chận ngọn “đảo phong cước” của Lý Võ Sư. Tôi chỉ nghe một tiếng “bộp” khô khan như hai khối đá đập vào nhau. Có lẽ, xương ống quyển bị vỡ, nên khi chân vừa chạm đất, Lý Võ Sư thoái bộ ba bước, thân mình hơi chao đảo. Thạch Sum phóng tới như con bồ cắt, hai bàn tay túm lấy đầu, dùng đòn trán đập mạnh vào đầu của địch thủ. Lý Võ Sư bật ngữa ra phía sau. Và Thạch Sum chỉ chờ có thế, dùng “ngũ trảo” , năm ngón tay xòe ra, như năm cái móc sắt, bấu vào lồng ngực của họ Lý, chọc thủng trái tim của địch thủ. Lý Võ Sư chết không kịp trối!”

– “Thạch Sum quả nhiên lợi hại và xuất chiêu thiệt tàn độc,” bác Năm Hứa hỏi. “Sau khi Lý Võ Sư chết, Thạch Sum và đám thủ hạ có ra tay tàn sát đồng bào mình không?”

– “Không, hắn ra lệnh cho tất cả tá điền trên phần đất của Bá hộ Bảnh: Sau ngày 14 tháng 4 năm nay là ngày Lễ hội CHOL-CHNAM-THMEY, đón mừng năm mới theo phong tục truyền thống của dân tộc Khmer là phải dỡ nhà, lùi sâu vào trong nội địa qua khỏi con kinh Cái Cơ khoảng 2 cây số. Quá hạn nầy, nếu ai còn ngoan cố, nấn ná ở lại, Thạch Sum sẽ ra lệnh cho thuộc hạ đốt sạch, giết sạch không chừa một ai hết,” Tư Long giọng chán nản, buồn rầu, nói. “Hôm nay là gần cuối tháng 2 rồi. Chỉ còn hơn một tháng rưỡi nữa là Tết Miên mà tôi tìm chưa ra người đối địch với Thạch Sum! Ông bá hộ Bảnh và dân làng đang mong tôi trở về để quyết định đi hay ở lại!”

Tám Cao nói:

– “Theo chỗ tôi được biết, ông bá hộ Bảnh là người theo Tây học, có thế lực trong vùng. Tại sao ông không nhờ tên Tỉnh Trưởng Svay Riêng can thiệp?”

– “Tại chú không biết đó thôi! Tên Tỉnh Trưởng Svay Riêng có họ hàng gì với Thạch Sum, làm lơ cho hắn muốn làm gì làm. Cho nên, Thạch Sum tha hồ dọc ngang nào biết trên đầu có ai.”

Bác Năm Hứa ngẫm nghĩ hồi lâu, nói:

– “Tôi muốn giới thiệu chú Tư một người võ công thâm hậu; may ra, có thể giúp được việc cho ông bá hộ Bảnh và bà con nông dân ở kinh Cái Cơ.”

Tư Long nghe nói, mừng ra mặt, hỏi tới:

– “Người đó là ai? Hiện giờ ở đâu vậy, anh Năm?”

Bác Năm Hứa nói:

– “Chuyện mới vừa xảy ra hồi cuối năm ngoái. Đoàn ghe thương hồ của chúng tôi chạy hàng Tết, chở đầy ắp hàng hóa mua từ bên Cam Bốt về miền Tây. Sở dĩ, phải vầy đoàn mà đi để tự bảo vệ lẫn nhau vì khúc sông Vàm Cỏ Đông từ Kam Chay Méa đến Tây Ninh có rất nhiều bọn thảo khấu người Miên thường tấn công các ghe thương hồ đi lẻ tẻ. Bọn cướp đường sông nầ rất hung dữ giết người trước cướp của sau. Vào một đêm trăng sáng vằng vặt giữa tháng chạp, khi đoàn ghe thương hồ vừa lọt qua địa phận tỉnh Tây Ninh thì giữa đêm khuya thanh vắng, bỗng nghe có tiếng một người đàn bà la cầu cứu thất thanh ở khúc sông phía trước. Biết có biến, tất cả anh em chúng tôi nhứt tề leo lên mui ghe, tay thủ binh khí: dao, mác, tầm vong vạt nhọn…đứng thủ thế, sẵn sàng chiến đấu. Dưới ánh trăng sáng tỏ, chúng tôi thấy bốn tên cướp cầm mã tấu, chém túi bụi vào người đàn bà trên mui chiếc ghe cà dom, đang chạy ngược về phía chúng tôi. Một chiếc ghe khác xuất hiện đằng sau lái, đang ra sức đuổi theo để tiếp cứu nạn nhân. Khoảng cách rút ngắn dần và một người đàn ông xuất hiện trên mui ghe, tay cầm một cây tầm vông khá dài, chạy từ đằng sau lái ra phía trước để lấy trớn. Ông ta chống cây sào xuống mũi ghe, mượn sức bật của cây tầm vông, bắn người bay lên không trung thật đẹp mắt,” một người dân thương hồ, phải buộc miệng khen. “Tôi đã xem nhiều võ sĩ lừng danh thi đấu trên võ đài. Nhưng, chưa thấy một cao thủ võ lâm nào, có lối xuất thủ tuyệt kỹ như người nầy. Lúc còn lơ lững trên không, hai cánh tay dang rộng ra, hai vạt áo bà ba bay phần phật trong gió như chim phượng hoàng vỗ cánh. Hai chân vừa chạm mui ghe, ông đảo người phóng ra “liên hoàn cước” nhanh như cơn gió lốc vào cổ bốn tên cướp. Bị trúng đòn bất ngờ, cả bọn bị đá rớt xuống sông và không thấy tên nào trồi đầu lên mặt nước. Vừa lúc đó, bọn thảo khẩu từ hai bên bờ lau sậy, bơi xuồng túa ra như bay ông vỡ tổ. Đoàn ghe chúng tôi đốt đuốc sáng rực, gõ phèng la, thùng thiếc reo hò trợ chiến. Cả một khúc sông Vàm Cỏ Đông rực sáng ánh đuốc đêm và tiếng la hét ầm ỹ, náo động cả đêm khuya. Đồng bào sống dọc bên bờ sông, tay cầm cuốc, xẻng, dao, rựa chạy túa ra bờ sông, gọi nhau ơi ới: “Bà con ơi, bọn thảo khấu tới! Giết! Giết! Giết hết… đừng để cho một tên nào tẩu thoát.” . Đoàn ghe hương hồ cũng tăng tốc, chia làm hai cánh bảo vệ ghe nạn nhân. Bọn cướp biết bị động, tên đầu đảng rúc lên một hồi tù và, rồi thét to lên: “Đo toi! Đo toi! Đo toi…” (rút lui). Cả bọn bơi xuồng vào bờ, rồi luồn theo mấy con rạch nhỏ biến mất dạng trong bóng đêm.”

Một người bạn trẻ nôn nóng, hỏi:

– “Không biết ông võ sĩ đó là ai mà tài quá vậy, bác Năm?”

Tư Long nói:

– “Thôi được rồi, để bác Năm kể tiếp đi!”

Bác Năm Hứa tằng hắng lấy giọng, kể tiếp:

– “Lúc bấy giờ, chúng tôi cập ghe sát bên hông ghe của nạn nhân, rồi leo lên mui ghe. Một cảnh tượng vô cùng thương tâm, người thiếu phụ hấp hối trên vũng máu, thều thào trăn trối với ân nhân: “Xin hãy nuôi dưỡng dùm thằng Bền, con trai chúng tôi.” Người chồng cũng bị chém chết nằm trong khoang. Chỉ có đứa con trai khoảng 15 tuổi gì đó, nhờ trốn dưới hầâm ghe nên thoát chết.”

Lại cũng người bạn trẻ lúc nãy, sốt ruột, hỏi:

– “Người võ sĩ ấy là ai, mà tài giỏi quá vậy, bác Năm?”

Bác Năm Hứa gật gù, giọng đầy vẻ thán phục, nói:

– “Chú Hai Rồng: “Thần cước trên dòng sông Mekong!”

Tư Long vui mừng, nói:

– “Chú Hai Rồng, chính là người tôi muốn tìm đây! Nhưng, biết chú Hai Rồng bây giờ ở đâu mà tìm?”

Bác Năm Hứa cười, nói:

– “Cuộc đời của người dân thương hồ như đám lục bình trôi sông. Nay tấp bến nầy, mai tấp bến khác. Hai Rồng là tay giang hồ phiêu bạc, biết đâu mà tìm. Nhưng mà,” bác Năm Hứa bỗng vỗ vai Tư Long cười, nói. “Tôi mới gặp chú Hai Rồng hồi trưa tại chợ Thủ Thiêm. Nghe nói, chú Hai Rồng sắp hộ tống đoàn ghe thương hồ đi Sài Gòn vào sáng ngày mai. Chú Tư đi ngay bây giờ, may ra còn kịp. Con nước sắp bắt đầu ròng rồi. Cứ theo con nước nầy lên tới chợ Thủ, chắc trời vừa rạng đông.”

Tư Long mừng quá, nói:

– “Bữa nhậu tối nay do tôi đãi tất cả anh em!”

Trả tiền xong, Tư Long chào từ giã mọi người, hối hả đi ra bờ sông, bước xuống ghe tam bản, nhổ sào, nhắm hướng chợ Thủ chèo riết tới…