CÁI CHẾT CỦA NGHỊ SĨ TRẦN ÐIỀN TẾT MẬU THÂN (1968) TẠI HUẾ (Nguyễn Lý Tưởng)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Năm 1998, nhân kỷ niệm 30 năm vụ “Thảm Sát Mậu Thân ở Huế” (1968-1998), Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại có xuất bản một tuyển tập tài liệu nói về biến cố nầy, trong đó cá nhân chúng tôi cũng như một số bạn bè, với tư cách nhân chứng, đã thuật lại phần nào những điều mắt thấy tai nghe về Tết Mậu Thân ở Huế. Rất tiếc, vì có nhiều vấn đề cần phải được trình bày ưu tiên nên chúng tôi chưa có dịp đề cập đến cái chết của Nghị Sĩ Trần Điền. Chúng tôi cũng có đọc một vài bài báo có đề cập đến trường hợp nầy, nhưng so với những điều chúng tôi thu nhặt được, có chỗ khác nhau. Vì thế, sau một thời gian tìm hiểu qua các nhân chứng trực tiếp, trong đó có Anh Trần Tiễn San là trưởng nam của nạn nhân, kể lại. Thể theo yêu cầu của một số bạn bè, nhân dịp Tết Nhâm Ngọ (2002), 34 năm sau biến cố Mậu Thân 1968, chúng tôi xin được phép nhắc lại chuyện xưa để tưởng nhớ một bậc đàn anh, một bậc thầy mà chúng tôi hằng quý mến.

1.VÀI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI CỦA NGHỊ SĨ TRẦN ĐIỀN:
Theo gia phả họ Trần, ông Trần Điền sinh ngày 19 tháng 3 năm Tân Hợi, giờ Dần tức 17 tháng 4 năm 1911, nhưng giấy khai sinh lại ghi ngày 01-01-1912. Ông bị Việt Cộng thảm sát trong Tết Mậu Thân 1968, lúc đó vào khoảng 67 tuổi.
Tổ tiên vốn là người tỉnh Phước Kiến, nhân việc người Mãn Thanh đánh chiếm Trung Quốc (đời nhà Minh), nên đã bỏ nước ra đi, đến lập nghiệp tại Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Đời tổ thứ sáu có Ông Trần Bá Lượng, thi đỗ cử nhân khoa Canh Thìn (1820) đầu đời Minh Mạng, được bổ nhiệm Tri Phủ Tân Bình (Gia Định). Tổ đời thứ bảy (con trưởng của Ông Trần Bá Lượng) tên húy là Dưỡng Độn, tự Thời Mẫn, hiệu Tồn Trai, thi đỗ tiến sĩ năm Mậu Tuất (1838) dưới thời Minh Mạng, sau vì kỵ húy vua Tự Đức (tên là Thời) nên được vua Tự Đức cho đổi tên là Trần Tiễn Thành, làm đến Thượng Thư Bộ Công, Bộ Hộ, Bộ Binh, Cơ Mật Viện Đại Thần, Phụ Chính Đại Thần, tước Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ, đứng đầu triều. Sau khi vua Tự Đức mất, hai vị đồng Phụ Chính là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phế vua Dục Đức (con nuôi vua Tự Đức), lập vua Hiệp Hòa (em vua Tự Đức) lên ngôi, rồi lại phế vua Hiệp Hòa lập vua Kiến Phước.
Lúc bấy giờ, Ông Trần Tiễn Thành đã ngoài 70 tuổi, từ chức về nhà nhưng hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết vẫn sai người mang bản thảo đề nghị truất phế vua Hiệp Hòa đến nhà ông, xin ông phải ký vào “đồng ý”. Ông từ chối.
Trưa ngày 30 tháng 10 Quý Mùi (tức 29-11-1883), vua Hiệp Hòa bị hai ông Nguyễn Văn Tường và Tốn Thất Thuyết ép phải uống thuốc độc chết. Quá nửa đêm hôm đó, hai ông Tường và Thuyết đã sai bộ hạ đến nhà ám sát ông Trần Tiễn Thành (bắt đầu ngày 01 tháng 11 Quý Mùi, giờ Tý tức 30-11-1883). Sử sách đời sau gọi vụ nầy là “Tứ Nguyệt Tam Vương” (trong 4 tháng có đến ba người được lập lên làm vua) đó là Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phước.
Trong số các con của ông Trần Tiễn Thành có ông Trần Tiễn Huấn (cử nhân, làm Tri Huyện Hậu Lộc) và Trần Tiễn Hối (đậu giải nguyên tức đậu đầu cử nhân, làm Án Sát tỉnh Bình Định), ông Trần Dương, hiệu Quế Lâm làm nghề thuốc Bắc, không ra làm quan. Sau khi Ông Trần Tiễn Thành bị mưu sát, con cháu bỏ quê, trốn tránh đi xa, bỏ chữ lót “Tiễn”, chỉ lấy họ Trần. Đời thứ 8 là ông Trần Dương (hiệu Quế Lâm) sinh ra Ông Trần Chánh (đời thứ 9) là thân phụ của ông Trần Điền (đời thứ 10).
Ông Trần Điền tự Nghênh Hòe, hiệu Hà Trì, con thứ tư của ông Trần Chánh.
Sau khi đậu Cao Đẳng Tiểu Học Pháp Việt tại Huế (1931), Ông Trần Điền ra học trường Bưởi ở Hà Nội. Chương trình Tú Tài phải học 3 năm, nhưng ông chỉ học trong 2 năm và thi đậu Tú Tài Triết học Pháp (1933). Ông trở về Huế làm giáo sư Trung học tư thục Thiên Hựu (Institut de la Providence). Sau đó, ông qua ngành Hành Chánh, làm công chức tại Thanh Hóa (1-7-1936) và hoạt động cho Hội Hướng Đạo. Năm 1941, ông được thuyên chuyển về Huế làm Kiểm Sự tại Bộ Tài Chánh rồi lên tới Ngự Tiền Văn Phòng và Văn Hóa Viện. Năm 1944, ông thi đỗ Tri Huyện đứng hàng thứ 4 trong 5 thí sinh được trúng tuyển mà đa số đã có bằng cử nhân Luật. Từ 01-02-1944 đến 9-1945, ông làm tri huyện Tiên Phước rồi Đại Lộc (Quảng Nam). Sau khi Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội, ông về Huế làm Thẩm Phán tại quận Hương Trà cho đến 19-12-1946. Khi cụ Trần Văn Lý ra làm Hội Đồng Chấp Chánh Trung Phần (tương đương Thủ Hiến), ông được cử làm Chủ Sự Phòng Thông Tin Trung Phần (từ 15-4-1947 đến 15-4-1948). Sau đó ông xin nghỉ giả hạn không lương vì không chịu hợp tác với Thủ Hiến Phan Văn Giáo (từ 16-4-1948 đến 5-10-1949). Từ 06-10-1949 đến 06-08-1951, ông làm Giám Đốc Thông Tin Trung Phần (dưới thời cụ Trần Văn Lý làm Thủ Hiến). Sau đó, ông làm Phủ Trưởng Triệu Phong (1952) rồi Tỉnh Trưởng Quảng Trị (1954-1955). Ông có công tái lập an ninh trật tự, lập các đồn hương vệ, kiểm soát được các đường giao thông trong quận. Sau Hiệp Định đình chiến 20-7-1954, thường gọi là hiệp định Genève, ông lo đón tiếp đồng bào Quảng Trị từ phía Bắc vĩ tuyến 17 di cư vào Nam. Tết năm 1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đến thăm tỉnh Quảng Trị, đã ban tặng cho ông Bảo Quốc Huân Chương.


Mùa Xuân năm 1955, nhân vụ đảng Đại Việt lập chiến khu Ba Lòng, ly khai chống chế độ của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, ông bị mất chức Tỉnh Trưởng và bị bắt giam tại Huế 3 tháng, sau đó được tại ngoại hầu cứu. Trước ngày Lễ Quốc Khánh 26-10-1957 (Đệ I Cộng Hòa), Tòa án quân sự tại Huế họp phiên đại hình do Ông Nguyễn Tri Chỉ ngồi ghế Chánh Án, Thiếu Tá Nguyễn Văn Chuân (sau nầy là Thiếu Tướng, Nghị Sĩ…) ngồi ghế Công Tố, xử vụ Ba Lòng. Ông Trần Điền tự biện hộ, không cần đến luật sư . Ông bị kết án 6 năm tù nhưng theo lệnh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông được miễn thụ hình (không bị ở tù).
Từ 1957-1964, ông dạy học tại Huế và làm Hiệu Trưởng trường Bình Minh (do LM Nguyễn Văn Lập để lại). Mùa Hè 1964, theo lệnh của Thiếu Tướng Tôn Thất Xứng, Tư Lệnh Quân Đoàn I kiêm Đại Biểu Chính Phủ tại Vùng I, trường Bình Minh bị nhà nước tịch thu vì đó là tài sản của ông Ngô Đình Cẩn. Sau đó, ông Trần Điền rời trường Bình Minh qua làm Giám Đốc Viện Hán Học Huế (từ 17-6-1964 đến 15-8- 1966) thay thế Ông Võ Như Nguyện từ chức.
Từ 1964, ông và một số nhân sĩ Công Giáo tại Huế được mời vào Ủy Ban Đặc Biệt đại diện cho Giáo Dân bên cạnh Hội Đồng Linh Mục để cố vấn cho Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền về các vấn đề văn hóa, xã hội, chính trị…
Tháng 9-1966, ông ứng cử vào Quốc Hội Lập Hiến tại đơn vị Thừa Thiên. Liên danh Nguyễn Văn Ngải-Trần Điền đắc cử, dẫn đầu phiếu. Ông có ra ứng cử Chủ Tịch Quốc Hội Lập Hiến nhưng thua ông Phan Khắc Sửu 3 phiếu ở vòng đầu.
Tháng 9-1967, ông đắc cử Nghị sĩ trong liên danh “Nông Công Binh” do Trung Tướng Trần Văn Đôn làm thụ ủy và được bầu làm Chủ Tịch Ủy Ban Canh Nông Thượng Nghị Viện.
Ông đã bị Cộng Sản sát hại trong Tết Mậu Thân tại Huế tháng 2-1968.

2.HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI:
Ngoài các hoạt động trong lãnh vực hành chánh, chính trị, giáo dục như đã nói trên, ông còn là một nhà hoạt động thanh niên và xã hội nổi tiếng từ 1934 cùng thời với Tạ Quang Bửu, Hoàng Đạo Thúy, v.v…trong Phong Trào Hướng Đạo Việt Nam. Ông là một trong những người đầu tiên lập tráng đoàn Hướng Đạo tại Huế và tổ chức trại huấn luyện trung ương ở Bạch Mã (Thừa Thiên). Năm 1934, ông chủ trương tạp chí “Bạn Đường” tại Thanh Hóa, ngoài mục đích huấn luyện Hướng đạo sinh, còn thêm phần nghị luận về văn chương và xã hội. Ông cũng đã thành lập một Ban Văn Nghệ của Hướng Đạo để đi trình diễn nhiều nơi, rất thành công. Ông là một trong những trưởng Hướng Đạo đầu tiên được lãnh “Bằng Rừng” và đã tham dự trại họp bạn quốc tế của tổ chức Hướng Đạo tại Úc (1952), được bầu chức Tổng ủy viên Hướng Đạo toàn quốc năm 1966. Ông được anh em Hướng Đạo quý mến như là bậc đàn anh đạo đức, gương mẫu và có tài hùng biện, xứng đáng với truyền thống của tổ chức nầy.

3.ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH:
Năm 1936, ông lập gia đình với bà Hà Thị Việt Nga, một nữ Hướng Đạo tại Huế (con Ông Hà Thúc Huyên – Thượng Thư Bộ Lễ – và bà Tôn Nữ Thị Hiệp). Qua tổ chức Hướng Đạo, ông bà Trần Điền đã gặp được Thiên Chúa và đã trở lại đạo Công Giáo năm 1937 mặc dầu cả hai ông bà đều xuất thân trong một gia đình danh gia, vọng tộc với truyền thống Nho học. Đặc biệt, hai cụ thân sinh của bà Trần Điền đã lập chùa Phổ Tế và đã quy y theo Phật. Ông bà sinh hạ được 10 người con, 4 trai và 6 gái. Ngoài thú đọc sách, nghiên cứu và bơi thuyền, ông không có một đam mê nào khác như hút thuốc lá, rượu chè, cờ bạc.
4.TẾT MẬU THÂN VÀ NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA NGHỊ SĨ TRẦN ĐIỀN.
Ông sống với gia đình tại Huế nhưng từ tháng 10-1966, ông vào Sài Gòn họp Quốc Hội Lập Hiến (1966-1967) rồi Thượng Nghị Viện (10-1967…), thỉnh thoảng ông về thăm gia đình vào những dịp Quốc Hội hưu khóa. Tháng 01-1968, ông về Huế ăn Tết với gia đình tại số 19 B đường Lý Thường Kiệt, Quận 3, Huế.
Từ tháng 08-1967, trong thời gian có cuộc vận động bầu cử Quốc Hội và Tổng Thống, Việt Cộng gia tăng các hoạt động phá hoại tại nông thôn Thừa Thiên, gây áp lực quân sự nặng nề toàn vùng I và đặc biệt tại hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên.
Tại quận Phú Lộc, phía Nam tỉnh Thừa Thiên, Việt Cộng xuất hiện quấy phá nhiều nơi, thỉnh thoảng pháo kích vào các đồn và căn cứ của quân đội VNCH trong quận, đánh các trụ sở xã, v.v…Sư Đoàn I Bộ Binh do Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ huy đã điều động chiến đoàn Dù của Thiếu Tá Đào Văn Hùng mở cuộc hành quân trong vùng Phú Lộc nhưng vì VC khéo giấu quân nên không phát hiện được gì. Trong lúc đó, tin tình báo cho biết khu rừng thuộc quận Hương Trà (Bắc Thừa Thiên) xuất hiện nhiều điện đài. Sư Đoàn 1 cũng cho hành quân vùng sông Bồ, nhưng cũng không có đụng độ. Tuy nhiên trong các cuộc hành quân trong vùng nầy, quân đội ta đã bắt được một số súng ống và dụng cụ giải phẩu chôn giấu của VC. Những dụng cụ nầy hoàn toàn mới. Ngoài ra còn bắt được những mô hình để nghiên cứu hành quân trong đó VC đã phác họa địa thế gồm thành lũy, hào sâu và chuẩn bị thang leo vô thành. Các dụng cụ y khoa đó, theo nhận xét của bên quân y thì có thể phục vụ cho cấp quân đoàn. Do những dữ kiện đó, nhiều người nghĩ rằng Việt Cộng có thể đánh Huế. Nhưng Tướng Ngô Quang Trưởng thì nhận đinh rằng VC có thể đánh quận Hương Trà hoặc có thể đánh vào một vị trí quân sự nào đó thuộc Bắc Thừa Thiên. Tướng Trưởng không ước tính rằng VC có thể đánh Huế.
Trước Tết Mậu Thân, Sư Đoàn 101 của Hoa Kỳ hành quân bắt được một chuẩn úy Việt Cộng, y khai dang thực tập đánh Huế. Tin Phòng Nhì và An Ninh Quân Đội cũng cho biết Việt Cộng có thể đánh Huế. Hai ngày trước Tết, ông Đoàn Công Lập, Trưởng Ty Cảnh Sát Thừa Thiên báo cáo có đặc công Việt Cộng xâm nhập vào thành phố trong dịp Tết. Một số sinh viên, học sinh tham gia vụ tranh đấu chống chính quyền trung ương năm 1966, bị đàn áp, đã chạy theo Việt Cộng vào rừng, nay trở lại hoạt động nội thành, hướng dẫn cho bọn đặc công CS vào thành phố Huế…

 

Khoảng 20 tháng 12 năm 1967, trước lễ Giáng Sinh mấy hôm, Việt Cộng đã tấn công vào xã Thủy Phước (làng Công Giáo Phủ Cam) thuộc quận Hương Thủy, bên cạnh TP Huế. Chúng đã xâm nhập từ nghĩa địa phía sau núi Ngự Bình và phía lầu Jerard, bắn B.40 vào làm một số người chết và bị thương, một số nhà dân bị cháy. Với tư cách Dân Biểu tỉnh Thừa Thiên, ngay lúc đó, tôi có gởi một văn thư cho Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng đề nghi tăng cường hỏa lực cho Nghĩa Quân xã Thủy Phước với súng cối 60 ly và đại liên… để có khả năng ngăn chận sự xâm nhập của địch từ hướng Nam Giao, Ngự Bình… vào thành phố.
Trước tình hình như thế, Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 BB và Trung Tá Phan Văn Khoa, Tỉnh Trưởng Thừa Thiên-Huế, vẫn đinh ninh rằng Việt Cộng không thể đánh Huế được. Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Quân Đoàn I kiêm Đại Biểu Chính Phủ tại Vùng I cho chúng tôi biết ông đã tăng cường phòng thủ Huế hai đơn vị lính nhảy dù thiện chiến. Hai tiểu đoàn này đã được Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng bố trí ở quận Quảng Điền (Bắc Thừa Thiên) cách Huế 15 cây số và phía Nam phi trường Phù Bài, cách Huế 17 cây số về phía Nam. Do đó, khi Việt Cộng tấn công vào thị xã Huế thì hai đơn vị nầy đều ở ngoài thành phố, không làm nhiệm vụ bảo vệ Huế được…
Trước Tết, tôi có đến thăm Nghị Sĩ Trần Điền tại tư thất của ông, 19 B Lý Thường Kiệt, Quận Ba, Huế. Sau đó, tôi đi ra Quảng Trị và có đến thăm Nghị Sĩ Hoàng Xuân Tửu tại tư thất, đường Phan Thanh Giản, thị xã Quảng Trị vào sáng 30 tháng Chạp…Tôi có bày tỏ sự lo lắng của tôi về tình hình trong vùng. Cả hai vị đều tỏ ra quan tâm.
Tổng hợp các tin tức và tài liệu sách vở, báo chí của Việt Cộng cũng như của VNCH, nói về Tết Mậu Thân 1968 tại Huế, chúng tôi được biết:
Việt Cộng đã tấn công Huế vào đêm Giao Thừa Tết Mậu Thân (đêm 30 tháng 01-1968 bước qua sáng 01 tháng 2 năm 1968). Sáng mồng một Tết (01 tháng 2 năm 1968) người ta đã thấy Việt Cộng xuất hiện trên đường phố rồi.
Tại Cửa Chánh Tây, phía VNCH lúc đó có một Tiểu đội thuộc Đại Đội “Hắc Báo” (lính thám báo) trấn giữ. Phía Việt Cộng do Phan Nam (tức Lương) cán bộ Thành ủy nằm vùng phụ trách “đặc công”. Theo lời Nam, chất nổ và vũ khí đã được đưa vào Thành nội trước 10 tiếng đồng hồ. Bọn đặc công CS đã hạ được vọng gác của Lực Lượng Thám Báo VNCH và dùng chất nổ phá cổng cho lực lượng chính quy CS từ bờ đối diện sông đào tràn vào thành nội. Rạng sáng mồng một Tết, đơn vị Hắc Báo chống không nổi phải rút lui. Việt Cộng đã đóng chốt, cố thủ trên thành kiên cố. Do đó, việc đánh đuổi chúng ra khỏi thành nội phải kéo dài nhiều ngày…
Tại khu vực An Hòa, một tiểu đoàn của Trung Đoàn E.9 (SĐ 309 Bắc Việt) có nhiệm vụ tấn công cầm chân Tiểu Đoàn 2 Dù của Thiếu Tá Thạch từ phía Bắc Thừa Thiên tiến vào làng An Hòa. Khoảng 2 giờ 30 sáng, một mũi đặc công VC đã vượt sông đột nhập cổng An Hòa và cùng với cánh quân của E.9 tràn vào làng An Hòa. Tuy nhiên từ chiều mồng một Tết, Tiểu Đoàn 2 Dù đã không còn ở làng An Hòa nữa. Cộng Quân chiếm cầu Bạch Hổ và phá hủy một nhịp cầu bên tả ngạn để chặn viện binh Mỹ.
Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 do Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ huy đóng tại đồn Mang Cá bị một Dại Đội của Tiểu Đoàn 12 đặc công VC do Nguyễn Trọng Tấu chỉ huy tấn công. Đại đội nầy được chia làm 4 mũi từ thôn Triều Sơn Tây (thuộc quận Hương Trà, Bắc Huế) dùng phao ny-lông vượt sông rồi men theo bờ thành tiến vào Mang Cá. VC đã mở nhiều đợt tấn công vào đồn nầy nhưng không chiếm được vì quân VNCH trú đóng bên trong đã chống trả quyết liệt và bên ngoài Mang cá, có Thiếu Tá Nguyễn Hữu Đệ, Quận Trưởng Hương Trà và đơn vị Hải Quân Mỹ đóng ở Bao Vinh yểm trợ.
Tại phi trường nhỏ Tây Lộc (trong thành nội), một cán bộ nằm vùng VC đã cắt giây kẽm gai ở miệng cống Thủy Quang để cho đặc công VC chui qua cống vào bên trong, đốt kho đạn, kho xăng và khu nhân viên kỹ thuật. Tuy nhiên, lực lượng chủ lực của CS bị lạc đường qua trại Quân Cụ. Lính quân cụ ở đây chiến đấu rất hăng say, suốt mấy tuần, VC không chiếm được đồn nầy. Nhờ vậy, lực lượng phòng thủ bên phi trường, kịp thời bố trí, bảo vệ được sân bay.
Dũng, con trai hãng gỗ Lê Hữu Tý ở cửa Thượng Tứ, đang học ở Sài Gon, được bố gọi về đưa vào mật khu huấn luyện một tuần lễ, vừa mãn lớp huấn luyện, Dũng nhận công tác đưa đơn vị E.6 từ cửa Hữu vào Kỳ đài (cột cờ) để treo cờ “Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình” một tổ chức trá hình của CS Bắc Việt. Cờ rộng 94 mét vuông, gồm hai vạt xanh kèm lấy một vạt đỏ có sao vàng ở giữa (đây cũng là cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam). Đơn vị chiếm cột cờ thành nội nầy tiến ra cửa Thượng Tứ, rạp Hưng Đạo, đồn Cảnh sát Đông Ba. Các cơ sở khác như Ty Chiêu Hồi, Ty Thông Tin, Tòa Thượng Thẩm, v.v. đều bị chiếm…
Phía Nam Huế do Đại Tá Thân Trọng Một của VC, người Thừa Thiên, biết rõ địa hình địa vật vùng nầy. Lực lượng của Một có “Đoàn 5” gồm 4 tiểu đoàn bộ, Trung đoàn 9 của SĐ 309 Bắc Việt, một tiểu đoàn ĐKB và 4 đội đặc công. Lực lượng của Thân Trọng Một đánh căn cứ thiết giáp VNCH ở đồn Tam Thai (An Cựu), nhưng không thành công vì hệ thống phòng thủ ở đây rất kiên cố. Cộng quân đã vượt sông An Cựu tiến vào thị xã Huế, 7 giờ sáng mồng một Tết người ta đã thấy Cộng quân ở ngoài đường phố. Chúng đã chiếm Đại đội quân cụ ở đường Nguyễn Huệ gần cầu Phủ Cam, Bưu điện, Ty Ngân khố, Tòa Đại Biểu Chính Phủ Trung Nguyên Trung Phần, Tòa Hành Chanh Thừa Thiên, Lao Xá Thừa Phủ và giải thoát hàng ngàn tù nhân. Phía VNCH còn giữ Đài Phát Thanh gần cầu Trường Tiền, Tiểu Khu, Ty Cảnh sát, trụ sở MACV (tức Khách sạn Thuận Hóa) và bến tàu hải quân. Những căn cứ nầy ở gần nhau nên hỗ trợ nhau khiến cho Cộng quân không chiếm được.
Bộ Chỉ Huy chiến dịch của Việt Cộng đóng tại làng La Chữ (Hương Trà, Thừa Thiên) và tại đây đã xảy ra một trận đánh rất ác liệt với Sư Đoàn Không Kỵ Hoa Kỳ do trực thăng chuyển quân đến. Phía Hoa Kỳ có 9 trực thăng bị bắn hạ và khảong 100 binh sĩ tử trận. Theo hồi ký của Văn Tiến Dũng thì phía Việt Cộng có hai tướng lãnh tử trận.
Sau khi chiếm toàn bộ quận Ba (Hữu Ngạn) thành phố Huế, Việt Cộng chia nhau đi kiểm soát từng nhà, bắt người. Chúng cho xe chạy đi khắp nơi kêu gọi các thành phần quân nhân, công chức trình diện. Chúng đã bắt được ông Nguyễn Văn Đãi, Phụ Tá Hành Chánh tại Tòa Đại Biểu Chính Phủ Vùng I, lúc đó đang có mặt tại Huế. Ông Bảo Lộc, Phó Tỉnh Trưởng Thừa Thiên đang có mặt tại tư thất (đường Lý Thường Kiệt) đối diện với Tòa Lãnh Sự Mỹ, cũng bị bắt đem tạm giam tại trường Thiên Hữu (đường Nguyễn Huệ). Những người nầy được giải lên núi và đưa thẳng ra Bắc trước khi Cộng quân rút lui khỏi thành phố nên không bị giết tập thể.
Tại Huế, Việt Cộng đã lập ra “Liên Minh Dân Tộc, Dân Chủ, Hòa Bình” và đưa Lê Văn Hảo (GS Đại Học Văn Khoa), lên làm Chủ Tịch và Thượng Tọa Thích Đôn Hậu (chùa Thiên Mụ) và Bà Nguyễn Đình Chi (cựu Hiệu Trưởng trường Đồng Khánh) làm Phó Chủ Tịch và Hoàng Phủ Ngọc Tường (GS trường Quốc Học, thoát ly theo Việt Cộng mùa Hè 1966) làm Tổng Thư Ký…Chúng lập tòa án nhân dân tại thành nội và Gia Hội (khu vực bị chúng kiểm soát lâu ngày) để xét xử thành phần quân nhân, cảnh sát, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Cách Mạng, v.v…Một số thường dân thuộc thành phần buôn bán cũng bị bắt đem ra xét xử…Một số người bị giết một cách dã man như Thiếu Tá Từ Tôn Kháng (Tỉnh Đoàn Trưởng Xây Dựng Nông Thôn Thừa Thiên) bị giết trước mặt vợ con tại 176 đường Bạch Đằng (gần cầu Đông Ba, Huế), ông Lê Đình Thương (Phó Thị Trưởng Huế), ông Lê Ngọc Kỳ (Việt Nam Quốc Dân Đảng), Phạm Đức Phác (Việt Nam Quốc Dân Đảng), vợ chồng ông Trần Ngọc Lộ (Đại Việt Cách Mạng), ông Trần Mậu Tý (sinh viên, Đại Việt Cách Mạng)…ông Võ Thành Minh (nhân vật Hướng Đạo nổi tiếng) bị bắt tại từ đường cụ Phan Bội Châu (Bến Ngự Huế) và bị giết…
Những sinh viên trong các Phong Trào Tranh Đấu chống chính phủ tại Sài Gòn thoát ly theo Việt Cộng vào mùa Hè 1966 như Nguyễn Đắc Xuân, Trần Quang Long, Hoàng Phủ Ngọc Phan...cũng xuất hiện tại Huế trong Tết Mậu Thân. Phan Chánh Dinh (tức Phan Duy Nhân) xuất hiện ở Đà Nẵng…hướng dẫn Việt Cộng đi bắt bạn bè (trước đây đã tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng hay Đại Việt Cách Mạng…) và những ai có tinh thần chống Cộng mà chúng biết.
Việt Cộng cũng đã vào nhà thờ Phủ Cam bắt đi ba, bốn trăm thanh niên, đàn ông trong đó có anh em Lê Hữu Bôi, Lê Hữu Bá (từ Bến Ngự chạy đến Phủ Cam ẩn núp)…Số người nầy đã bị giết tập thể một cách dã man tại Khe Đá Mài (vùng núi thuộc quận Nam Hòa, Thừa Thiên). Hàng trăm, hàng ngàn người bị chôn sống tại vùng Gia Hội, Tiểu Chủng Viện, khu lăng Đồng Khánh, chùa Therevada Gia Hội, An Ninh Thượng, Chợ Thông, Lang Xá Cồn…Phú Vang, Phú Thứ…Những nạn nhân gồm đủ mọi thành phần từ các nhà tu hành như Linh Mục Bửu Đồng, Linh Mục Hoàng Ngọc Bang, Linh Mục Urbain (Dòng Thiên An) LM Guy (Dòng Thiên An), LM Lê Văn Hộ (Quảng Trị), các Thầy Dòng La San ở Phú Vang…cho đến học sinh, sinh viên, thường dân buôn bán…Đặc biệt chúng đã giết các bác sĩ người Đức đến giúp giảng dạy tại Đại Học Y Khoa và giúp bệnh viện Huế như BS Alterkoster, BS Discher, Ông và Bà BS Krainick…đem chôn sống tại chùa Tuyền Vân. Tổng số nạn nhân tại Huế, Thừa Thiên lên đến trên 4.000 người. (Chúng tôi đã có dịp trình bày chi tiết về Tết Mậu Thân trong tuyển tập tài liệu “Thảm Sát Mậu Thân ở Huế” tái bản 1999 có bổ túc và hiệu đính).

NGHỊ SĨ TRẦN ĐIỀN ĐÃ BỊ VIỆT CỘNG BẮT VÀ SÁT HẠI TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO ?
Tất cả mọi người trong gia đình Nghị Sĩ Trần Điền đều có mặt đông đủ vào dịp Tết , kể cả người con trai trưởng là anh Trần Tiễn San (Sĩ Quan Biệt Động Quân). Thấy Việt Cộng xuất hiện, anh San liền cởi bỏ bộ đồ quân nhân, mặc quần đùi chạy trốn. Để tránh bom đạn, dân cư ngụ chung quanh khu Dòng Chúa Cứu Thế Huế trong đó có gia đình Nghị Sĩ Trần Điền, kéo nhau chạy vào ẩn núp trong nhà Dòng. Tất cả mọi người chạy vào phòng sinh hoạt của nhà Dòng, riêng Nghị Sĩ Trần Điền và mấy người con trai vì quen biết với các Linh Mục nên được đưa vào trong khu nội viện của Dòng, nơi dành riêng cho các tu sĩ ở. Nghị Sĩ Trần Điền ẩn trốn trong một căn phòng kín bên trong nhà Dòng.
Được hơn một tuần, đến ngày mồng mười tháng Giêng âm lịch (tức 8 tháng 2-1968) Việt Cộng đến Dòng Chúa Cứu Thế, kiểm soát và lùa tất cả mọi người ra ngồi ngoài sân, bắt công chức, quân nhân, thanh niên, sinh viên học sinh ngồi riêng theo thành phần của mình và bắt kê khai lý lịch từng người. Khi chúng đến trước mặt Nghị Sĩ Trần Điền và hỏi ông là ai ? Ông trả lời “Tôi là Nghị Sĩ Trần Điền”. Bọn chúng không hiểu “nghị sĩ” là gì thì ông giải thích cho chúng hiểu ông là người được dân bàu vào làm đại diện dân tại Quốc Hội.
Ông và hai người con trai của ông bị tách riêng ra khỏi đám đông dân chúng và bị dẫn qua bên sân nhà thờ cũ, quay mặt ra đường Quỳnh Lưu. (Đường nầy nay đã đổi tên mới). Mọi người đều bị trói tay lại phía sau lưng. Anh Trần Tiễn Hà, con trai thứ của Nghị Sĩ Trần Điền thừa lúc lộn xộn đã bỏ trốn khỏi Dòng Chúa Cứu Thế, chạy đi ẩn núp ở chỗ khác. Còn anh Trần Tiễn San vẫn đi chung với ông cụ.
Tại sân nhà thờ cũ phía sau lưng nhà thờ lớn (thường gọi là nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp hay nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Huế), anh Trần Tiễn San đang ngồi trước liền đổi chỗ ra ngồi cuối cùng, rồi tự cỡi trói và bỏ trốn. Anh San trốn thoát được còn Nghị Sĩ Trần Điền cùng những người còn lại thì bị dẫn đi về phía chợ An Cựu. Người ta thấy đoàn người đi dọc theo bờ sông An Cựu về ngã Lang Xá Cồn. Lúc đó trong người ông chỉ mặc một bộ áo quần ngủ, bên ngoài khoác thêm một áo choàng bằng vải nỉ. Trong mười ngày đầu tháng 2 năm 1968, quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đã tái chiếm khu vực Hữu Ngạn (Quận Ba) Huế, do đó Việt Cộng chưa kịp lập Tòa Án Nhân Dân tại đây như đã làm ở Thành Nội và Gia Hội (phía Bắc sông Hương). Mãi đến tuần cuối tháng 2-1968, toàn bộ Thành Nội Huế mới được giải tỏa, quân đội VNCH kiểm soát hoàn toàn thành phố Huế. Những nạn nhân bị giết chết cá nhân hay bị chôn sống tập thể hoặc bị bom rơi đạn lạc được chôn trong thành phố Huế, trong cuối tháng 2 và tháng 3/68 đã được cải táng. Riêng các nạn nhân bị bắt đi mất tích, chưa ai biết chết sống ở đâu, mãi đến tháng 4 năm 1968, nhờ các cuộc hành quân của quân đội VNCH mở rộng để bình định các vùng nông thôn nên người ta đã phát hiện ra nhiều mồ chôn tập thể tại Phú Vang, Phú Thứ, Hương Thủy, Nam Hòa,v.v…

 

Ngày 09 tháng 4 năm 1968, Quân Đội và Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn đã khám phá ra nhiều mồ chôn tập thể tại Lang Xá Cồn, cách An Cựu chừng 5 cây số thuộc quận Hương Thủy. Một người con nuôi trong gia đình Nghị Sĩ Trần Điền đã đi theo đoàn người đi tìm thân nhân, đến tại Lang Xá Cồn và nhận ra xác của Nghị Sĩ trong một mồ chôn tập thể. Ông bị chôn chung với một số người khác, áo quần còn nguyên vẹn, trong người vẫn còn giấy tờ tùy thân như thẻ căn cước bọc nhựa. Mặt của ông nằm úp xuống, dính với lớp đất sét ướt. Vì là mùa Đông, mưa lạnh, nên xác của nạn nhân vẫn còn nguyên vẹn, chưa bị thối rữa.
Người con nuôi nầy đã trở về nhà báo tin cho bà Trần Điền và các con. Gia đình liền báo tin đi khắp nơi cho bà con họ hàng biết. Đài Phát Thanh Huế cũng đã đọc tên các nạn nhân vừa tìm được xác…Chính Quyền tỉnh Thừa Thiên cũng như gia đình đã báo tin cho Quốc Hội (Thượng Nghị Viện) biết. Báo chí và các đài phát thanh tại Sài Gòn và khắp VNCH đều loan tin về cái chết của Nghị Sĩ Trần Điền.
Thi hài của nạn nhân được đưa về quàn tại tư gia và gia đình đã tổ chức lễ tẩm liệm, nhập quan. Hiện diện trong ngày hôm đó có Trung Tướng Trần Văn Đôn, Nghị Sĩ Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Nghị Viện cùng Bà Luật Sư Nguyễn Phước Đại (Phó Chủ Tịch Thượng Nghị Viện), Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân (Nghị Sĩ trong liên danh Nông Công Binh của Trung Tướng Trần Văn Đôn)…và phái đòan từ Sài Gòn ra thăm.
Lễ an táng được tổ chức một cách long trọng tại tư thất vào lúc 15 giờ 30 ngày 12 tháng 4 năm 1968 trước sự hiện diện của Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Vùng I Chiến Thuật đại diện Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Luật Sư Nguyễn Văn Huyền, Chủ Tịch Thượng Nghị Viện, Nghị Sĩ Hoàng Xuân Tửu, Phó Chủ Tịch Thượng Nghị Viện, Trung Tướng Trần Văn Đôn (Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng TNV) và đại diện chính quyền địa phương, đại diện các đoàn thể chính trị từ trung ương đến địa phương. Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm đã đọc bản Tuyên dương công trạng và gắn Bảo Quốc Huân Chương đệ tứ đẳng cho Cố Nghị Sĩ Trần Điền. Chủ Tịch Thượng Nghị Viện và Nghị Sĩ Trần Văn Đôn đã đọc điếu văn nói lên lòng thương tiếc một người bạn đồng viện xuất sắc, một chiến hữu có nhiều khả năng và tâm huyết đối với quốc gia, dân tộc. Quan tài được đưa đến an táng tại nghĩa trang Dòng Chúa Cứu Thế Huế. Lễ hạ huyệt vào lúc 17 giờ 30 chiều ngày 12-4-1968. Hôm đó bầu trời âm u, nhiều mây và có gió lạnh vào cuối mùa Đông còn sót lại, gây cho mọi người một hình ảnh vĩnh biệt đầy thương tiếc.
Tại Sài Gòn, lễ truy điệu cố Nghị Sĩ Trần Điền đã được tổ chức lúc 16 giờ 30 ngày 22 tháng 4 năm 1968 tại Hội Trường Diên Hồng (Thượng Nghị Viện VNCH) có mặt đầy đủ các Nghị Sĩ, Dân Biểu. Về phía chính phủ có Phó Tổng Thống VNCH, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Luật Sư Nguyễn Văn Lộc, Thủ Tướng Chính Phủ, các vị Tổng Bộ Trưởng, Ngoại Giao Đoàn. Vợ con, họ hàng, bạn bè của Cố Nghị Sĩ cũng có mặt đầy đủ trong buổi lễ ruy điệu nầy.
Một buổi lễ cầu nguyện cho Cố Nghị Sĩ Trần Điền cũng đã được tổ chức tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn do Thượng Nghị Viện và Hội HướngĐạo VN tổ chức.
Gia đình đã chọn ngày mồng mười tháng Giêng âm lịch hằng năm (là ngày ông bị Việt Cộng bắt) làm ngày húy nhật.

NẮM TRO TÀN:
Sau năm 1975, gia đình đã cải táng và gởi bình tro cốt của ông vào nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Huế. Khoảng 1990, trước khi qua định cư tại Hoa Kỳ theo diện Cựu tù nhân chính trị (HO), anh Trần Tiễn San (Thiếu Tá Biệt Động Quân) là con trai trưởng của Cố Nghị Sĩ Trần Điền, đã từ Sài Gòn ra Huế gặp Cha Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế xin nhận lại bình tro cốt của ông cụ để đưa vào để ở Sài Gòn vì ở Huế cũng không còn ai là họ hàng gần.
Gia đình cố Nghị Sĩ Trần Điền gồm có bà cụ và các con trai, một số con gái, cháu chắt…hiện đang định cư tại Hoa Kỳ. Xin cám ơn anh Trần Tiễn San đã giúp chúng tôi một số tài liệu về gia phả họ Trần và cố Nghị Sĩ Trần Điền. Nếu có điều gì sai sót, xin quý vị bổ túc cho.

Xin cám ơn.

NGUYỄN LÝ TƯỞNG