KHI NGƯỜI LÍNH THUA CUỘC (KHÔNG PHẢI… THUA TRẬN) (tùy bút TÌNH HOÀI HƯƠNG)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of monument


Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc.
Nợ tang bồng vay trả, trả vay.
Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh. 
(Nguyễn Công Trứ)
Vậy mà sau ngày 30/4 “đổi đời” tối đen (như khuya 30 Tết Nguyên Đán) đầy tang thương dẫn tới tháng 5… trở đi, là những chuỗi ngày đoạ đày. Lòng tôi trĩu nặng nỗi ray rứt muộn phiền sầu đắng theo từng cơn lắc léo luồng chảy trên dòng đời chập chùng bóng tối hoang vu. Người ta ồn ào lăng xăng náo nhiệt buôn bán đổi chác bao nhiêu thứ, thì tôi càng lo lắng bồn chồn ray rứt bấy nhiêu.
“Thanh niên phụ nữ 30” từ đâu mọc lên chẳng biết, ồn ào hí hửng đeo băng đỏ mang súng AK đi đầy đường. Họ là những tay “sừng sỏ” của chế độ mới, là những “ông Trời Con” uy quyền nhứt trong buổi giao thời lộn xộn kinh khủng nầy. Chúng náo nhiệt la ó cười reo ngồi trên xe lam phóng loa kêu quân nhân, công chức đi trình diện. “Hòa-bình” đến, nhiều kẻ hắc ám xu thời xu thế hí hửng hân hoan cứ tưởng bở, chúng reo vui mừng rỡ phất cờ nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng ở chính giữa, chúng ùn ùn đi đón khách lạ phương xa không mời mà tới đây xâm lăng, gian trá tước đoạt giành dân giựt đất… Chẳng biết đám 30 nầy có đọc qua thuyết của Mạnh Tử chưa?
– “Vua là thuyền, dân là nước. Nước bồng bềnh trôi có thể nâng thuyền lên cao. Mà khi trái gió trở trời giông bão, nước cũng có thể lật úp, để nhận chìm thuyền xuống đáy sông”.
Cuộc sống dày vò tôi suốt đoạn đường ly hương trên quê cha đất tổ, kể từ khi chồng tôi cầm tờ giấy trình diện đi học tập “cải tạo” mười bốn ngày, (than ôi 14 ngày) được ghi thêm câu thòng-lọng:
– … sau nầy nếu cần, phải trình diện theo đường lối khoan hồng.
Sau thông cáo ấy chưa tới một tuần, các bạn, Luật đứng xớ rớ ngoài gốc cây sao, ở trung tâm trình diện nghe cán bộ phóng loa: thông cáo khác ra đời:
– Quân nhân cấp: Úy, Tá, Tướng… Trưởng phòng, Trưởng ty, Sở, đi học một tháng!
Một ông thượng úy dõng dạc thòng câu:
– Các anh có biết: Jean De Lattre De Tassigny không? Ông ta là Tư-lệnh quân đội viễn chinh Pháp đấy. Ông ta có cậu con trai là trung úy Bernard De Lattre, vào tháng 5 năm 1951 tên Bernard đã bị đàn anh của chúng tôi (mà hồi xưa thường gọi các đồng chí ấy là Việt Minh đấy),… Bernard bị chặt đầu tại Ninh Bình. Các đồng chí ấy cột cái xác không đầu vào thân con trâu, họ phát một cái rõ mạnh vào mông con trâu, thế là con trâu ù té chạy xộc vào trong đơn vị trú đóng của Bernard. Khiến quân đội viễn chinh hoảng loạng, chúng lo đầu hàng gấp, cút xéo về Tây, chạy có cờ! Bọn thực dân mà còn sợ kinh như thế, huống hồ ai… Hử?
Rợn người! … Dẫu Luật thì-thầm bên tai, nhưng tôi chẳng thể nghe gì. Tôi chỉ thấy tiềm ẩn trong tâm tư: hình ảnh diễm kiều của đường chiều trong dáng hoàng hôn ve vuốt… nâng niu bao ước vọng thanh bình, an ấm của con người thuở xưa, nay bay bổng lên cao vút. Lý tưởng phũ phàng rơi cái độp xuống vực thẳm mênh mông không đáy. Rồi sẽ ra sao đây khi (chồng tôi cù lần, dại… dột nghe người ta ngọt ngào phỉnh nịnh)… Luật dứt khoát rũ bỏ tất cả, để rứt áo ra đi… tiến tới ngày mai, anh cương quyết dấn thân tới vùng tương lai mù mờ, sâu hoắm, mịt mùng trong “Trại tập trung…” , mà tôi không thể, không làm sao ngăn cản anh nỗi)!?
Mọi quân cán chính nhân (Quân-lực Việt Nam Cộng Hoà) tuân phục thông báo mới của phe “giải phóng miền Nam” sau 30/4. Tôi chua xót mãi suy nghĩ về: “quyền lực” trong buổi giao thời vô cùng cay đắng đớn đau!!! Quyền lực có hai mặt: -Có điều đúng và có điều sai- ; Quyền lực mà ai đang nắm trong tay (cho dù đó là “kẻ chiến thắng” khi đi xâm chiếm vùng đất của người khác do tước đoạt) thì -quyền lực cần dung hòa, thông cảm, độ lượng, chia sẻ lẫn nhau, có lẽ phải và có điều trái-. Để bảo đảm mọi điều ta hoài bão về lý tưởng hằng ước ao: Không vinh quang nào mà không trả giá bằng gian khổ, mồ hôi, nước mắt, máu; ngỏ hầu duy trì sự trường tồn cho một dân tộc vĩnh thịnh. Mới phải.
Vậy thì, muốn có sự sinh tồn của một đất nước phục-hưng vĩnh-thịnh trong hoà bình, một dân tộc giàu mạnh phú cường, hạnh phúc… điều ấy sẽ tùy thuộc ở các cấp (chấp chính) lãnh đạo đất nước đương nhiệm. Tôi khẳng định: nếu anh minh thì chính thể ấy có cả thiên hạ, dân tộc ấy sẽ trù phú, đất nước ấy thái bình, tự do, nhân quyền, độc lập, bình đẳng, hạnh phúc trường tồn thật sự! (nếu “Việt+ cách-mạng lâm-thời” muốn có tất cả, thì họ phải chiếm được lòng dân, phải được dân tôn trọng).
Từ kinh nghiệm: suốt thời trai tráng ngang dọc nhiều phong sương, vinh nhục sang hèn, buồn vui đau khổ, sung sướng: Luật (và những tù nhân chính trị “cải tạo”) đều có đủ… tranh đã tranh, cười đã cười với bao lần khóc thầm. Đời mỗi người có nhiều lý tưởng, đam mê, hoài bão, ước ao, hy vọng và hối tiếc; ngày nay ít nhiều chi cũng đã làm họ bị tổn thương! Trái tim những người tù đau, (thì tôi và Luật càng đau ghê lắm: khi gia đình mình hầu như bị tước đoạt mất sạch hết mọi thứ).
Họ đã thất vọng tột cùng vì những điều họ làm, đã hy sinh và sống chính trực trong bổn phận, danh dự, trách nhiệm làm trai phải trả nợ non sông. Sự thịnh hưng tồn vong của quốc gia dân tộc. Bạn & Luật chọn con đường phụng sự tổ quốc, đưa thân ra gánh lấy trọng trách mà quên thân, quên tình riêng, họ vắt cạn bầu tâm huyết, dũng cảm chiến đấu vì dân tộc: họ đã làm hết sức với khả năng có thể. Bởi chính họ là “quan”… của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa: do quan VĂN: lấy trí & dùng lời để luận người, sống chết vì lời nói, cây bút, công tâm vi thượng. Quan VÕ: lấy sức dùng tài sống chết ở sa trường, xã thân ngoài chiến địa, da ngựa bọc thây là chuyện thường.
Hai loại QUAN cộng với Binh… đều tương-đồng: trọng NHÂN, trọng chữ TÍN, trọng NGHĨA, bảo vệ lãnh cư và dân tộc. Họ lấy trách nhiệm và danh dự làm gốc để lập thân, cùng nhau ôn hòa chung vai nếm mật, chia sẻ với DÂN mà cộng khổ; ngỏ hầu trải qua: “Chua. Cay. Mặn. Ngọt. Bùi. Đắng. Lạt. Trong”. Cuộc đời như một trò chơi, một ván cờ… cho đến lúc nào đó ta phải có sự chọn lựa, cân nhắc, dứt khoát quyết định, đặt hết nhiệt tình tin tưởng vào trò chơi đó.
“Ai kia” may mắn “thắng” chưa chắc là do mình có tài trí hoàn hảo. Hoặc người “bại” sau cuộc “đổi đời” không hẳn người đó thất đắc chí, yếu kém. Trớ trêu thay, “người thua cuộc” (không phải quân nhân Việt Nam Cộng Hoà là người “thua trận chiến, mà là người thua cuộc cờ, trên bàn cờ quốc tế”), thì chắc chắn sẽ bị kẻ thắng lừa, hại cho thê thảm về sự thanh trừng và trả thù hèn hạ… Biết, nhưng họ ôn nhu cả tin đơn giản nghĩ: (“không đến nỗi nào… vì “người ta” đã có “hứa” là sẽ… “khoan hồng & độ lượng”).
Vô cùng khó khi QLVNCH đã u trầm, chua xót, đắng cay, nghẹn ngào lặng thinh, ẩn nhẫn trong cách đối nhân xử thế! Tôi nghiêng mình ngả mũ cung kính chào qúy vị Tù “Cải Tạo” (chữ tù “cải tạo” được riêng tôi và thế nhân trang-trọng, tôn vinh trong hai cái “ngoặc kép”). Đáng trân-trọng và khâm-phục lắm thay! Nay không còn gì… khiến cho anh có thể THUA. Chẳng còn gì để anh có thể HƠN nữa! Anh trầm ngâm lặng lẽ “ngắm đời”, và dĩ nhiên anh không vui vì luôn dày vò, hối tiếc và ân hận.

Họ, những quân, cán chính quả thật cả tin đã chấp hành, tuân phục điều “Việt+ mới thành hình” ban hành. Mọi người tuân phục đi trình diện “học tập cải tạo trong tù” 14 ngày (như cách-mạng lâm-thời ra rã rao trên những loa phóng thanh đặt khắp các nẻo đường). Cũng có nghĩa là quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa trọng chữ tín, tận trung muốn tìm con đường chính nghĩa, không lừa đảo và bội tín. Họ đi tìm hạnh phúc thực sự không tự đến (trong tương lai mù sương) mà ta phải quyết giành về cho tổ quốc, cho quê hương, cho gia đình và riêng bản thân.

Thế nên, trai tráng công dân ở miền Nam chân thật cả tin điều việt* hứa (lèo), họ đã răm rắp chấp hành quy phục theo lệnh lạc của “cách mạng” đưa ra. Họ nộp giấy tờ tùy thân, được phát một tấm giấy viết tay nguệch ngoạc chứng nhận đã trình diện với “ủy ban giải phóng”. Rồi ai nấy xin giấy phép chứng nhận đi đường, chen nhau ở các bến xe đông nghẹt người, họ ngủ lại đêm nầy qua đêm khác, tuần nầy qua tuần khác, ngỏ hầu mong có chuyến xe trở về nguyên quán trình diện Ủy-ban Giải-phóng địa phương. Người ta riu ríu tuân theo, không ai muốn động đến “cách mạng Việt+”.
Vã chăng chiến tranh tàn ác khiến mọi người thê thảm, rất đau khổ kiệt sức rồi sao! Ai ai cũng muốn đất nước thanh bình, thịnh trị, toàn dân an cư lạc nghiệp, đời sống ấm no & hạnh phúc (như thời vua Bảo Đại, và nền Đệ Nhứt của Việt Nam Cộng Hòa đã ấm no sung túc yên lành). Ngõ hầu khi đất nước Việt Nam thái bình, thì dân hai miền Nam Bắc không còn chính kiến, hy vọng lúc đó mọi người sẽ chung vai góp sức xây dựng quê hương, chí làm trai hào hùng tung hoành vẫy vùng qua bốn bể, thì sẽ có ngày quê hương rạng rỡ phú vinh như xưa.

Tôi trộm nghĩ: “khi người đàn bà (hoặc đàn ông) đã thành thật yêu ai, thì mình nhớ thương và chung thuỷ, cố bảo vệ duy trì hạnh phúc đến cùng. Ta đặt hết niềm tin tưởng yêu mến thiết tha, và ngưỡng vọng người ấy… Nhưng khi ta biết rõ mình đã bị lừa gạt (cả ba phương diện: tinh thần, vật chất và thể chất) thì mình cảm thấy rất tuyệt vọng, vì người yêu dấu đã phản bội trắng trợn, thần tượng ấy sụp đổ toàn diện, thế nên ta càng khinh ghét.

Điều đi “cải tạo” nầy cũng tương tự giống như thế: họ đã bị “cách mạng lâm thời 30 là việt+” phản bội lời hứa; thì trong lòng đa số anh em cảm thấy bị lừa một vố thiệt bẽ bàng rất tức giận, uất hận… Thế nhưng theo thiển ý riêng tôi thì: những người bị gọi đi “Tù” trên danh nghĩa: học tập “cải tạo”; khi biết mình đã bị trắng trợn “lừa vô rọ tù”, (tù vì tội yêu quê hương, yêu tổ quốc, yêu đồng bào, họ cần phải bảo vệ mọi thứ không bị “lâm chung”). Ôi họ phải đi học tập, có ngày đi mà không biết ngày về, chẳng có án tù:
Đó chính là một biến thể của cú bất nhẫn quay giò lái, đã minh định sự trả thù về hai ngã rẽ cuộc đời đối nghịch tất yếu vì chính kiến. Đó là hình phạt trắng trợn, dã man và ghê tởm của con người đối với con người. Ấy thế mà “người can trường trong chiến bại” vẫn ôn nhu, kiên trì, khoan dung, chịu đựng, nhẫn nhục, xót xa cam phận, ngõ hầu:

Ăn ở sao cho trải sự đời.
Vừa lòng cũng khó há rằng chơi.
Nghe như chọc ruột, tai làm điếc.
Giận đã căm gan, miệng mỉm cười.
Bởi số chạy đâu cho khỏi số.
Lụy người nên mới phải chiều người.
Mặc ai chớ để điều ân oán… (*)

Họ thành tâm muốn hòa mình với cỏ cây và nhân quần, níu lấy cơ duyên “làm lại cuộc đời”. Nếu buồn, có đau đớn đắng cay, khổ sở và cơ cực, (chắc chắn là khổ cực trăm bề rồi: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” mà. Một ngày trong tù bằng ngàn thu ở ngoài), thì họ cay đắng ngậm bồ hòn, xót xa tự trách thân:


Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Giữa trời, vách đá cheo leo.
Ai mà chịu rét thì trèo với thông (*)
Rồi sẽ ra sao nữa đây? Khi chồng tôi ở một nơi nào xa xăm biền biệt không tin tức, và tôi: bà vợ ngu ngơ cùng bầy con nhỏ xíu ngây thơ… thủng thỉnh dò dẫm từng bước thấp cao với mẹ già lum khum một nẽo rị mọ đớn hèn dắt díu nhau phiêu lãng lang bạt nơi nao? Bao tủi nhục làm thân cô thế khô, tôi sẽ biến dạng làm con rùa lọt tọt, con cò lẹt đẹt âm thầm lặn lội kiếm sống trong Mười Tám Thôn Vườn Trầu Bà Điểm, Hóc Môn? Chao ôi! Da diết buồn đau biết mấy!!!
Chẳng hiểu sao tôi dấy lên cảm khúc quặn lòng chua xót, đắng cay, nghèn nghẹn ứ nghẽn trong tùy bút viết vu vơ mà thiệt nhói lòng quặn thắt từng cơn đau điếng?! dường như mình hẫng hụt, chơ vơ lạc lõng khát khao từ mọi phía. Mắt còn ngái ngủ, bỗng chốc tôi bàng hoàng gặp giữa khuya trùng trùng lớp lớp, toàn những khuôn mặt xa lạ, lạnh lùng, thô thiển, tôi lo sợ những cuộc trả thù triền miên đột nhiên dội vô đời.
***
Tình Hoài Hương