GIÁO SƯ NGUYỄN XUÂN VINH – CHÂN DUNG TỪ MỘT NHÀ VĂN (Đỗ Trường)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Ist möglicherweise ein Bild von 1 Person

Hè năm nay đến thật sớm. Tháng bảy, có những lúc nhiệt độ ngoài trời đã đẩy cái nóng ở châu Âu lên đến gần 40 độ. Vì vậy, buộc tôi phải tìm về với biển Sint Philipsland – Holand. Nắng gió nơi đây thêm phần hứng khởi cho việc câu cua, nhặt hào. Đang rung rinh, phấn khích chợt có tin nhắn từ Cali của một bác nhà văn già: Giáo sư, nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã qua đời. Tôi lặng đi vài giây. Dẫu biết rằng, cái qui luật tự nhiên đó không ai có thể tránh khỏi, nhất là GS Nguyễn Xuân Vinh đã ở tuổi 92. Tuy nhiên, một thiên tài khoa học không gian mất đi để lại sự luyến tiếc trong lòng người. Nhất là nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh gốc gác có cùng quê ngoại Nam Định. Do vậy, tôi liền tìm đọc sâu về ông.
Và từ đó tôi nhận ra: Sự tưởng tượng và liên tưởng của nhà văn dường như có mối quan hệ đặc biệt, mang tính logic với tư duy toán học. Và mối quan hệ, tính logic này đã làm nên chân dung bác học, nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Thật vậy, với ông, nếu toán học gói ghém cái cụ thể nhất, thì văn thơ mở cái trừu tượng của không gian vũ trụ. Hay nói một cách khác, văn thơ Toàn Phong đã vạch ra chân trời, buộc toán học Nguyễn Xuân Vinh mở ra con đường đi đến. Và cái đích ấy, chính là sự phát minh phương pháp quỹ đạo tối ưu từ toán học Nguyễn Xuân Vinh để đưa các Phi thuyền Apollo lên được mặt trăng, rồi thu hồi các Phi thuyền con thoi trở về trái đất an toàn. Vâng, có thể nói, ông đã trộn văn vào toán, trộn tình vào lý, trộn trừu tượng vào cái cụ thể để làm nên những điều kỳ diệu nhất cho khoa học, và cuộc sống: “Đời tổng hợp bởi muôn làn sóng cuộn/ Mà tình anh là quỹ tích của không gian/ Kiếp nhân sinh là hàm số tuần hoàn/ Nên quanh quẩn trên vòng tròn lượng giác.“ (Sóng Nước).
Nguyễn Xuân Vinh đã từng tham gia giảng dạy, thuyết trình nhiều năm ở các trường đại học lớn, và hội nghị quốc tế khắp nơi trên thế giới. Với nhiều công trình nghiên cứu không gian, và về toán học như vậy, tài năng, tên tuổi ông nổi bật trong giới khoa học vũ trụ thế giới. Và với tôi, ông là một nhà khoa học lớn nhất của Việt Nam kể từ trước đến nay.
Song song viết sách, báo khoa học, Nguyễn Xuân Vinh làm thơ, viết truyện, bút lực thật mạnh mẽ tài hoa, với thể loại văn học đa dạng. Tác phẩm nào của ông cũng để lại những trang văn đẹp, sâu sắc với tư tưởng mới, và truyền cái sinh khí đó đến người đọc một cách sinh động. Những tác phẩm: Đời phi công, Theo ánh tinh cầu, Tìm nhau từ thuở, và Đời vui toán học…là góc cạnh, cho từng giai đoạn gắn liền với cuộc sống của Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Nhưng nếu buộc phải đưa ra một lời nhận định, lời bình thì với tôi, Đời phi công là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông, xét về cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Và đây cũng là tác phẩm viết về không quân hay, lãng mạn nhất mà tôi đã được đọc. Đọc nó, tôi hiểu thêm được phần nào về sự hình thành, củng cố Không lực VNCH (giai đoạn 1955-1962). Và không dừng lại ở đó, tác phẩm Đời phi công còn làm người đọc thấy được phẩm chất, tâm hồn nhà khoa học Nguyễn Xuân Vinh dưới khía cạnh một nhà văn.
Có thể nói, Đời phi công là cuốn sách độc đáo. Độc đáo bởi, Văn học sử Việt dường như chưa có cuốn truyện dài nào hay, sâu sắc được viết dưới hình thức, nghệ thuật thư từ. Và chín bức thư ấy, là chín chương sách gói gọn hồn vía, tự sự, với hành động, diễn biến tâm lý nhân vật. Nếu người viết không có tài thực sự, thì có sự trùng lặp hành động, tâm lý…dẫn đến chín chương tiểu thuyết ấy sẽ “lại gạo“ trở về chín trang thư sến, nhạt phèo. Do vậy, sử dụng hình thức, nghệ thuật thư từ để làm nên một tác phẩm văn học, ngoài tài năng, tìm tòi còn cần đến sự can đảm của tác giả nữa. Tuy nhiên, khi đi sâu vào nghiền ngẫm, chợt cho tôi một suy nghĩ, Đời phi công thật ra là những trang hồi ký về một giai đoạn của tác giả mà thôi. Và câu hỏi được đặt ra: Tại sao Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh phải sử dụng thủ pháp nghệ thuật thư từ để viết tác phẩm này. Đây là thể loại dường như chưa có ai thử bút và rất khó thành công cho tiểu thuyết, truyện dài. Nhưng để cái lãng mạn, hào hoa ấy của người phi công (hay nghề phi công) đến với giới trẻ một cách nhanh, sâu sắc nhất, buộc nhà văn phải dùng thể loại, thủ pháp này. Do vậy, không chỉ cô Phượng, mà nhà văn có thể tưởng tượng ra những cô Thu, Lan, hay Đào, Cúc… khác, nhằm xây dựng, thiết lập thành đối tượng, nhân vật giao tiếp. Và thông qua nhân vật này, nhà văn muốn cài cắm cái tư tưởng của mình đến người đọc. Và quả thực, với tác phẩm Đời phi công, nhà văn Nguyễn Xuân Vinh đã thành công. Ông đánh đúng vào tâm lý khát khao cái mới của giới trẻ, và hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước cho họ ở giai đoạn đó.
Đời phi công được viết, in ấn, phát hành năm 1959, khi tác giả Nguyễn Xuân Vinh đang là Tư lệnh Không quân, một lực lượng non trẻ, mới hình thành. Sự ra đời tác phẩm này mở ra cho thế hệ trẻ một ước mơ, một con đường bay về phía chân trời. Cho nên, tôi nghĩ, tính văn học cùng yếu tố chính trị đã làm nên tác phẩm Đời phi công. Và từ đó, ta có thể thấy, ngoài giá trị văn học, tác phẩm này còn mang lại cái giá trị lịch sử chân thực, sâu sắc về những ngày đầu chiến tranh.
Có thể nói, không chỉ trong thơ văn, mà cái tư tưởng canh tân, giải thoát cho đất nước bằng khoa học kỹ thuật đã có rất sớm trong Nguyễn Xuân Vinh. Bởi, ngay từ khi bước chân vào đời, ông đã nhận ra cái yếu kém, cũng như tư tưởng hủ lậu của con dân đất Việt, kể cả tầng lớp thanh niên: “Em chắc vẫn thường thấy, anh nói rằng, nước mình thiếu ngành chuyên môn và phần đông thanh niên mắc phải bệnh trọng văn khinh võ. Một ngày kia mình sẽ phải tiến kịp với mọi người. Một ngày kia mình phải có một quân đội hùng mạnh.“ (Đời phi công – chương 1). Cho nên, để thực hiện được những ước mơ, khát vọng đó, đối với Nguyễn Xuân Vinh văn thơ như một công cụ phá bỏ quan niệm cổ hủ ấy. Với biện pháp tu từ, hình ảnh so sánh hai người lính trước đây, và ngày nay, ông cho ta thấy cái giá trị của khoa học đối người lính trong chiến tranh, cũng như xây dựng, bảo vệ đất nước. Và chỉ có sự học hỏi để thay đổi nhận thức của con người, mới hy vọng mang lại tương lai tươi sáng, và cường thịnh. Do vậy, khoa học là con đường tất yếu để Nguyễn Xuân Vinh lựa chọn:
“Cũng vì thế mà anh muốn trở thành một phi công và hơn thế nữa một phi công quân sự. Em cũng đừng vội kêu lên anh là xếp bút nghiên để khoác chiến bào. Trong thời ly loạn này dĩ nhiên mang nhung phục là bổn phận tất cả các thanh niên, nhưng câu chuyện xếp bút nghiên chỉ là câu chuyện cổ khi mà người tráng sĩ chỉ biết độc có một chuyện mài gươm dưới trăng, hát Bài ca chính khí, để rồi sáng hôm sau nghe tiếng tì bà giục lên ngưa, cố uống cạn chén rượu bồ đào cho say túy lúy trước khi ra đi. Người quân nhân hiện nay hơn lúc nào hết phải học hỏi nhiều cho mình mỗi ngày một tiến.“ (Đời phi công chương 1)
Bằng lời văn nhẹ nhàng, lồng hình ảnh vào không gian lãng mạn như thổi hồn vào chiều thu Paris, Nguyễn Xuân Vinh đưa tuổi trẻ đến gần hơn với tình yêu ánh sáng của khoa học. Vâng, có thể nói, thủ pháp lấy thiên nhiên, cảnh vật để miêu tả tâm trạng của Nguyễn Xuân Vinh không mới, song đọc nó làm tôi nhớ đến những trang thơ tuyệt đẹp về Mùa thu Paris của Cung Trầm Tưởng. Âu đây cũng là tài năng của nhà văn Nguyễn Xuân Vinh vậy. Đoạn văn dưới đây, không chỉ chứng minh điều đó, mà còn gợi lại cuộc sống đầy hứng khởi, thi vị trong cái không gian tĩnh lặng của người học viên không quân, qua những hình ảnh ẩn dụ này:
“Anh viết thư này cho em trong một quán rượu giữa khu Latin, một buổi chiều thu buồn về chầm chậm. Có qua Ba lê và lạc vào khu sinh viên này em mới có thể hiểu được rằng tại sao người ta có thể ngồi viết thư trong một quán rượu. Dọc theo hai bên đại lộ St. Michel từ đầu sông Seine tới vườn Luxembourg người ta chỉ thấy quán rượu, hiệu sách và sạp bán báo. Nói là quán cà phê thì đúng hơn vì thường thì ai cũng chỉ gọi cà phê hơn là gọi rượu. Vào trong quán tìm một bàn trong một góc kín đáo nhất, gọi một tách cà phê rồi trầm ngâm nhìn thiên hạ là một trong những cái thú của người sinh viên ở Ba lê.
Trong quán được sưởi ấm, một cái ấm vừa đủ để khách không đến nỗi co ro vì cái hàn bao la bên ngoài, nhưng cũng chỉ ấm đến độ người ta còn thấy trống trải nếu ngồi cô quạnh một mình.“ (Đời phi công-chương 2)
Đến với khoa học không chỉ dừng lại ở việc học, mà còn là sự tìm tòi, khám phá. Do vậy, Nguyễn Xuân Vinh dường như đã thi vị hóa từng hành động trong mỗi chuyến bay, để truyền cảm hứng ấy đến với giới trẻ chăng? Có thể nói, Nguyễn Xuân Vinh là một nhà văn có cái nhìn và quan sát tỉ mỉ. Từ những đặc điểm ấy, đã giúp cho lời văn của ông gợi cảm, giàu chất thơ khi miêu tả cảnh vật thiên nhiên hay nội tâm nhân vật. Thật vậy, cái giọng văn tuyền cảm, mộc mạc ấy, bật lên những hình ảnh rất đẹp trên trang viết Nguyễn Xuân Vinh:
“Nắng chiều đã tắt hẳn, ánh đêm đã dâng lên. Dưới trăng dải mờ mờ, ánh đèn phi trường huyền ảo. Anh nhìn về phía chiếc xe vô tuyến cuối sân, đợi một ánh đèn xanh. Trong sương đêm mờ mờ một ánh đèn xanh chớp chớp gọi. Anh cho phi cơ từ từ ra sân. Hai hàng đèn chạy thẳng tắp. Địa bàn chỉ hai trăm tám mươi độ. Xa xôi là gió Đại Tây Dương đưa lại. Thêm một ánh đèn xanh chớp trong đêm. Anh nhìn một lần chót trong phòng lái. Mấy kim lân tinh chập chờn. Một đám mây đen lướt qua làm ánh trăng rằm mờ lại. Anh ấn tay ga. Thêm một lần nữa cánh gió quay tít lôi chiếc phi cơ chạy miết vào trong đêm. Thêm một lần nữa thân người phi công được giao cho nhịp máy. Chiếc phi cơ nhẹ nhàng cất cánh. Bóng trăng xuyên qua kẽ mây in hình phi cơ lên nền xi măng đang chạy miết.“ (Đời phi công-chương 3)
Với lời văn tự sự, Nguyễn Xuân Vinh từ thi vị hóa tình yêu đi đến lãng mạn hóa vùng trời bay. Rồi ông trộn tình yêu vào cái lãng mạn ấy, tạo một chất xúc tác dẫn đến phản ứng nội tâm sâu sắc cho người đọc, nhất là giới trẻ:
“Anh đã cất cánh lúc trăng rằm vừa mọc làm mờ ánh sao hôm. Phi cơ sẽ trở về phi trường khi trăng còn đương chếch trên đỉnh đầu. Tuy em không ở gần anh nhưng anh tin rằng em đã cùng anh bay trong ánh trăng rằm đêm nay dưới trời Bắc Phi. Còn thấy giận anh nữa không, em Phượng?“ (Đời phi công-chương 3)
Không có trí tưởng tưởng, và liên tưởng chắc chắn không thể trở thành nhà văn. Những đặc điểm này, không thể tìm, không thể học, mà dường như thiên bẩm vậy. Cho nên, đọc và nghiên cứu Nguyễn Xuân Vinh, ta có thể thấy, sự (bác học) thiên phú ấy không chỉ về khoa học tự nhiên, mà còn ở cả khía cạnh văn chương. Và tất nhiên, sự thiên phú ấy chưa đủ làm nên một Nguyễn Xuân Vinh, nếu không có sự học tập, và nỗ lực tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo đến tận cùng của ông.
Tôi không rõ, khi ngồi vào buồng lái, người phi công có được mộng mơ suy tưởng hay phải tập trung tuyệt đối? Nhưng đọc những trang văn, hình ảnh với thủ pháp nghệ thuật nhân cách hóa, thông qua sự tưởng tượng và liên tưởng đến nỗi đau, và tương lai mịt mù của đất nước và con người, được viết khi người Pilot, nhà văn Nguyễn Xuân Vinh bay qua những xóm làng sa mạc ở Phi Châu, làm cho tôi rất khoái cảm. Thật vậy, đoạn trích dưới đây, sẽ cho ta thấy rõ điều đó, và chứng minh thêm tài năng, trí tưởng tượng và liên tưởng phong phú của nhà văn Nguyễn Xuân Vinh:
“Trên trời có muôn vàn vì sao, biết vì sao nào dẫn lộ trong đêm sáng trăng mờ này? Bầu trời trong suốt như pha lê. Vài màn sương mỏng lượn lờ trên thôn xóm. Thấp thoáng còn vài ánh đèn. Mỗi ánh đèn nhỏ bé loãng trong không gian mơ hồ biểu hiệu cho cả một gia đình. Trong đánh đèn le lói kia anh nhìn thấy cả một người cha đang ngồi đọc sách bên khung cửa, một người mẹ đang tính đến những dự định ngày mai và vài đứa nhỏ đang say sưa giấc ngủ. Có những ánh đèn từ những mái nhà khác vắng bóng người cha. Bà mẹ goá ngồi rầu rĩ bên thềm nhìn vao đêm tối như để tìm lấy một chút ánh sáng cho tương lai. Và còn nhiều ánh đèn khác. Trên quảng đường bay này phi cơ đã lướt trên ngàn vạn gia đình. Người phi công theo dòng đời trên mây đường trường ngang dọc có bao giờ nghĩ đến dừng ở một gia đình nào đâu?“ (Đời phi công-chương 3)
Tuy là một nhà khoa học luôn tìm tòi, khám phá cái mới, song hồn vía Nguyễn Xuân Vinh đeo nặng cái nếp cũ hồn xưa. Cho nên, đọc thơ văn viết về lính của ông làm tôi nhớ đến hình ảnh người chinh phu xưa của Đặng Trần Côn. Trở về mái nhà xưa, cày bừa, trồng cấy sau chiến tranh, ước mơ giản dị ấy của Nguyễn Xuân Vinh cũng là ước vọng của hàng trăm, hàng ngàn những người lính từ xưa đến nay: “Anh tin rằng, anh sẽ là một trong những người lính chiến đấu đến cùng để giữ lại một phần đất. Anh không dám nghĩ nhiều đến một ngày kia, khi khắp ruộng đồng cùng vang ca những khúc hát thanh bình, anh rời bỏ quân ngũ để về dọn lại thềm nhà cũ, xới lại mảnh vườn xưa, và dựng lên một mái tranh nho nhỏ, trả lại một chút nào niềm vui đã mất của người mẹ hiền.“ (Đời phi công chương 😎.
Dù có xáo trộn thể loại, đổi mới thi pháp, song những thiên truyện Nguyễn Xuân Vinh vẫn mang hồn vía truyền thống cổ, với những cái kết có hậu. Văn ông giàu chất thơ, cùng những hình ảnh, lời văn rất đẹp. Có thể nói, Nguyễn Xuân Vinh là một trong những nhà văn tài năng hàng đầu của Việt Nam về sử dụng biện pháp tu từ. Đoạn kết thiên truyện Đời phi công dưới đây gói gọn toàn bộ đặc điểm ấy của thi ca Nguyễn Xuân Vinh:
“Anh ngồi viết cho em một buổi chiều nắng vàng chưa tắt. Ba năm về trước anh đã hứa những gì với em, chắc em còn nhớ. Chỉ độ hai tuần nữa anh sẽ gặp lại em. Nét cười có phác hồn tang hải, mái tóc có phai màu sương gió nhưng anh vẫn còn là anh của em như độ nào. Anh rời em một ngày đông lạnh lẽo ở Hà Thành và sẽ gặp lại em vào cuối một mùa xuân ở đô thị Sàigòn. Non nước kinh kỳ đà rời chỗ, còn em của anh có khác xưa không?“
Vâng, nhà văn Nguyễn Xuân Vinh không chỉ vẽ ra đường bay cho Phi thuyền Apollo lên mặt trăng, mà ông còn vẽ ra con đường ngắn nhất từ trái tim đến với trái con người bằng thơ văn của mình. Và Đời phi công dù là thể loại tiểu thuyết, hay bức thư dài, hoặc là những trang hồi ký… hoàn toàn không hề đổi thay giá trị đối với người đọc. Bởi, nó được tiết ra từ những cảm xúc chân thật nhất của nhà văn Nguyễn Xuân Vinh. Như một kinh nghiệm sống nhà văn muốn gửi đến những người phi công tương lai, hay thế hệ trẻ vậy. Và có thể nói, Nguyễn Xuân Vinh luôn luôn gắn liền văn thơ, khoa học với cuộc sống và tình yêu. Do vậy, sách của ông dù là khoa học, hay văn chương luôn gây cho người đọc cảm giác rung động nhẹ nhàng, thú vị. Và tôi xin mượn Tình Hư Ảo, một bài thơ điển hình như vậy của ông để kết thúc bài viết này. Bài thơ khá dài, song có bố cục lo gic chặt chẽ, hồn vía toán học rất thú vị, do vậy tôi không thể cắt, trích đoạn:
“Anh tìm em trên vòng tròn lượng giác,
Nét diễm kiều trong tọa độ không gian.
Đôi trái tim theo nhịp độ tuần hoàn,
Còn tất cả chỉ theo chiều hư ảo.
Bao mơ ưóc, phải chi là nghịch đảo,
Bóng thời gian, quy chiếu xuống giản đồ.
Nghiệm số tìm, giờ chỉ có hư vô,
Đường hội tụ, hay phân kỳ giải tích.
Anh chờ đợi một lời em giải thích,
Qua môi trường có vòng chuẩn chính phương.
Hệ số đo cường độ của tình thương,
Định lý đảo, tìm ra vì giao hoán.
Nếu mai đây tương quan thành gián đoạn,
Tính không ra phương chính của cấp thang.
Anh ra đi theo hàm số ẩn tàng,
Em trọn vẹn thành phương trình vô nghiệm.“
Leipzig ngày 29-8-2022
Đỗ Trường