GIÔNG TỐ SẼ QUA (Bông Lau)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Sau hơn một tuần biểu tình có bạo động cướp phá đốt nhà đốt xe ở thủ đô Washington. Tình hình bỗng lắng dịu một cách khó hiểu. Như một cơn giông tố thổi qua, bầu trời bỗng le lói ánh dương. Bà Thị Trưởng Muriel Bowser thuộc đảng Dân Chủ, đã hủy bỏ lịnh giới nghiêm từ 7 giờ chiều đến 6 giờ sáng. Cuộc sống và nền kinh tế sẽ trở lại sau hoang tàn.
Để có một cái nhìn trung thực về những người biểu tình “Black Lives Matter”, tôi quyết định tham gia xuống đường vào ngày thứ Bảy 07/06. Nhiều cuộc biểu tình khác cũng diễn ra rầm rộ ở Mỹ và Âu Châu.
Trung tâm thành phố Washington tạm thời bị cấm không cho xe chạy nhưng khách bộ hành thì được phép. Một hàng rào sắt được dựng lên chung quanh khu vực Tòa Bạch Ốc để không cho người biểu tình tiến lại gần. Tuy nhiên lần này cảnh sát dã chiến với khiêng và dùi cui đã biến mất.
Tại sao họ biết trước là hổng có bạo động ta?
Thành phố Washington có ba đại học lớn nổi tiếng là George Washington University, Georgetown University, American University quy tụ nhiều con nhà giàu vì học phí rất là mắc. Ngoài ra còn có trường đại học Howard University mà sinh viên hầu hết là da đen.
Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ở những đại học nơi khác thì đổ xô về thủ đô xin làm thực tập sinh trong quốc hội hay các cơ quan chính phủ với giấc mơ tiến thân trong lãnh vực chính trị. Về khuynh hướng chính trị thì Washington là thành phố của người cấp tiến “Liberal”.
Người biểu tình đông nghẹt. Có đài nói 10 ngàn người, có đài nói 35 ngàn. Một điều lý thú là 70 hay 80% người biểu tình là da trắng trẻ tuổi. Họ có vẻ như là sinh viên hay đã đi làm. Hầu hết mọi người đeo khẩu trang. Phe cấp tiến có vẻ cảnh giác về sự đe dọa của coronavirus hơn phe bảo thủ.
Nói chung người biểu tình ôn hòa không gây gổ hung hăng đập phá như tuần trước. Mà còn gì nữa để mà phá vì các cửa kiếng đã bị đập bể giờ được che tạm bằng ván ép. Các đồ quý giá bên trong chắc không còn.
Có nhiều tốp anh chị trẻ tuổi chắc là sinh viên, phát nước và kẹo bánh miễn phí cho người biểu tình. Chắc là có sự yểm trợ tài chánh của tổ chức nào đó.
Đa số các biểu ngữ có văn hóa. Ngoại trừ một số biểu ngữ đặc thù của cánh tả cực đoan như “FUCK TRUMP”, “FUCK 12”. 12 là tiếng lóng “Cảnh Sát”. Nhưng hoa Kỳ là xứ tự do mọi người có quyền bày tỏ quan điểm bằng ngôn ngữ lịch sự cho đến vô giáo dục. Miễn sao không bạo động là được.
Có một cô Mỹ cặp cẳng rất dài cầm biểu ngữ xoay ngược ra sau lưng ghi “Mày mà kỳ thị thì hun cái mông của tao” (racists kiss my ass). Một sự đe dọa rất đáng yêu theo kiểu Mỹ.
Khi đi vào đám đông, có chỗ người biểu tình gần như vai kề vai. Tôi quan sát tìm kiếm những người mặc áo đen có cái bao che đầu “hood” kéo xuống trùm kín đầu. Họ bị tình nghi là những phần tử của phong trào bạo động Antifa, hoặc những người da đen ăn mặc xốc xếch lất cất là dấu hiệu của bọn thổ phỉ trà trộn. Nghe nói chúng thường hoạt động ban đêm, như những con gián chỉ chui ra lúc đêm khuya. Rất may không thấy nhóm nào cả.
Ở một khoảng đường thấy có hai anh trẻ dáng dấp khỏe mạnh hớt tóc ngắn đi trong đoàn biểu tình. Mắt đăm chiêu nhíu lại nhìn qua lại. Hai anh không giơ tay giơ chưn hò hét như những người khác. Trên tay có hình xăm. Không phải hình xăm rồng bay phượng múa hippy đầy tay mà một hình nhỏ giống huy hiệu quân đội. Chắc đó là hai ông cớm chìm.
Cái đe dọa lớn nhứt khi tham gia xuống đường là bị lây coronavirus. Nghe nói một số đông người biểu tình có thể đã bị lây và các chuyên gia đề nghị những người đi biểu tình về tránh không tiếp xúc vời người già. Như để tự trấn an tôi mang thêm một cái khẩu trang bằng vải chồng lên cái khẩu trang y tế mỏng dánh. Hy vọng thời tiết nóng trên 90 độ F (32 độ C) và rất ẩm sẽ làm những em coronavirus đang bay lơ lửng từ phổi người bên cạnh sẽ đứt gánh rớt cái bịch xuống đất chết tốt.
Kế hoạch đi bộ theo đoàn người “Black Lives Matter” của tôi khoảng hai tiếng để quan sát và chụp hình. 30 phút còn lại là thử phản ứng của người biểu tình khi lấy trong ba lô ra một bích chương có in hình cựu cảnh sát trưởng David Dorn, với hàng chữ “công lý cho Cảnh sát trưởng David Dorn” (justice for Capt David Dorn). Cái này thì hơi chơi dại, vì gặp đứa thông minh nó biết mình móc méo nó uýnh cho hộc xì dầu.
Đến một ngã tư đường có tiếng nhạc kích động bập bùng của rất đông người da đen. Tôi cẩn thận cất máy chụp hình vào ba lô. Đeo nó lên lưng rồi siết chặt hai dây nịt phụ trội trước ngực và bụng để phòng hờ trường hợp bị uýnh hội đồng sẽ không bị giựt mất ba lô. Không muốn mất cái máy chụp hình vì cái máy có thể sắm lại nhưng những tấm hình quý thì hổng thể mua được.
Cầm tấm hình Cảnh sát trưởng David Dorn bước vào đám đông đang giơ tay đá chưn nhịp nhàng theo điệu nhạc. Nhạc kích động khá hay. Mấy tay nghệ sỹ da đen rất lão luyện chơi nhạc dã chiến trên đường phố để động viên tinh thần người biểu tình. Tôi cũng bắt đầu giơ tay nhịp chưn và uốn éo qua lại. Nhưng mắt không ngừng cảnh giác bị uýnh hội đồng vì cầm hình David Dorn.
Bỗng có một cô da đen trẻ cao lớn rất quyến rũ đứng trước mặt tình cờ quay lại thấy cái hình của Cảnh sát trưởng David Dorn nên cười thân thiện xin phép được chụp hình tôi với tấm bích chương. OK, hỏi có biết người trong hình là ai không. Cổ nói hổng biết những sẽ google. Tôi giải thích vắn tắt ông David Dorn bị bon tội phạm bắn chết khi ông đang làm nhiệm vụ. Nhưng không nỡ nói chi tiết bọn tội phạm cũng là người da đen. Không muốn làm người bạn mới quen cụt hứng, vì mọi người đang rất vui và phấn khởi.
Một bà trung niên da đen khác chụp hình tôi với tấm bích chương. Những người thanh niên da màu chung quanh chỉ liếc thoáng qua rồi thôi. Không thấy ai có tia nhìn khó chịu gì cả. Họ tò mò và có thiện cảm vì tôi là người duy nhứt cầm tấm hình đòi công lý cho một cảnh sát già da đen. Hình như họ không biết David Dorn là ai, vì truyền thông chỉ muốn họ biết George Floyd. Một con cờ hữu ích của một khuynh hướng chính trị.
Tôi đi trên con đường 16 có sơn những chữ rất lớn màu vàng: Black Lives Matter. Tên đường đoạn này cũng được đổi thành Black Lives Matter Plaza. Những điều này làm nhiều người da đen cảm thấy được xoa dịu. Nhưng đó chỉ là sự xoa dịu mơn trớn bên ngoài và sẽ không chữa được căn bịnh nan y bên trong.
Sáng nay bà cựu Ngoại Trưởng da đen Condoleezza Rice trả lời cuộc phỏng vấn của đài CBS rằng bà lớn lên ở tiểu bang miền Nam là Alabama, nơi có một lịch sử lâu dài của nô lệ da màu. Bà nói muốn thoát khỏi chướng ngại của kỳ thị chủng tộc thì phải có một nền học vấn. Gia đình khuyến khích bà theo đuổi đại học. Condoleezza Rice có văn bằng Ph.D. Bà là người phụ nữ da đen đầu tiên giữ chức Ngoại Trưởng Hoa Kỳ. 
Hàng rào sắt mới được dựng lên đẩy người biểu tình ra ngoài vòng đai công viên Lafayette Square đối diện với Bạch Cung. Chú ý chữ “FUCK 12” được sơn xịt lên đế của những bức tượng bằng đá rất đẹp. Dấu tích phá hoại của cuộc biểu tình bạo động.
Nước lạnh, bánh kẹo, cam táo miễn phí cho người biểu tình.
Hai cô cẳng dài Black Lives Matter
Cô này nhìn man dại nên đổi qua hình trắng đen cho đẹp.
Số 12 là tiếng lóng “cảnh sát”. Đây là nhà thờ St John ông Trump đến thăm tuần rồi.
“Mày mà kỳ thị thì hun cái mông của tao” (racists kiss my ass).
Tòa Bạch Ốc phía xa dưới 200 mét.
Nếu coi tấm hình này mà lòng không gợn sóng tức là đã thấm nhuần tự do dân chủ.
Trang bị tối đa phòng ngừa coronavirus.
Hàng chữ lớn màu vàng “Black Lives Matter” sơn trên đường.
Khu sang trọng đã bị cướp phá tuần rồi. Các cửa kiếng bị bể nay tạm thay bằng ván ép.
BÔNG LAU (06/07/2020)