ĐI TÌM XÁC CHỒNG (t.t) (Bảo Định-Nguyễn Hữu Chế)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: one or more people and closeup

Image may contain: outdoor

Người cán bộ trẻ ăn nói nhỏ nhẹ, giọng thương cảm, không có cái vẻ hằn học căm thù như tên cán bộ già, một thứ răng đen mã tấu, tập kết ra Bắc, mới hồi kết theo đoàn quân chiến thắng, làm Chủ tịch Xã, rất hiếu sát, và hiếu sắc.
Tuyết vội vàng rời trụ sở Ủy ban, vừa đi vừa chạy như sợ tên cán bộ già ra lấy lại tờ giấy. Tờ giấy bây giờ là tấm bùa hộ mệnh của nàng.
Về đến nhà trọ, nàng đã thấy Élain và Thu đang lóng ngóng chờ. Ngay cả bà già cũng đưa đôi mắt hỏi thăm kết quả.
– Chúng ta lên đường, chị đã xin được giấy phép.
Cả ba từ giã người chủ nhà tốt bụng, hấp tấp đi vào rừng.
Nắng đã lên cao. Bây giờ mới là đầu mùa hè, nhưng tiết trời đã oi ả. Con đường mòn dẫn vào khu rừng núi cỏ hai bên đường cao đến đầu gối, lan ra cả lối đi. Mùi khói lửa chiến tranh vẫn còn đượm nét. Cây cối gãy đổ, núi đồi lở loét. Mùi tử khí xông lên nồng nặc. Ðó đây nằm rải rác các bộ xương khô, lính có, thường dân có. Ðó là những xác người vô thừa nhận. Quê quán họ ở đâu? Thân nhân họ có biết? Những thân xác này đang trở về với cát bụi, đang đợi chờ để được lùa vào một hố chôn tập thể. Ôi! Chiến tranh sao mà buồn vậy.
Nàng đi như vậy giữa vùng đồi núi hoang vu còn mang nặng dấu vết của trận chiến đẩm máu. Ðâu đâu nàng cũng nhìn thấy những xác chết và cảnh hoang tàn của chiến tranh. Cứ mỗi lần nhìn thấy một thây người bên đường hay trong bụi cây, nàng vội chạy đến lật xác lên nhìn mặt. Ngay cả những xác dân thường, nàng cũng làm vậy mặc dù biết rằng chồng nàng khi chết đang bận bộ quân phục. Với đôi bàn chân đất từng quen mang dày dép, sỏi đá và cỏ gai tha hồ cứa da thịt nàng rướm máu. Nhưng nàng vẫn không cảm thấy đau. Vết cắt trong lòng, trong quả tim rướm máu mới làm nàng nhứt nhối ngộp thở. Ðã mấy tiếng đồng hồ, nàng như người mộng du. Nàng im lặng, chân bước đi như người vô hồn.
Trời đã quá trưa, nàng ngồi nghỉ dưới bóng mát của một bụi cây bên đường sau khi lật thêm một cái xác nằm bên cạnh: vẫn không phải là xác của Huệ, không phải xác chồng. Élain và Thu vẫn lẻo đẻo theo nàng. Mặc dù chỉ mới hơn một tháng trước đây, người lính trẻ và Huệ cùng đồng đội quần thảo với cộng quân mấy ngày đêm trên các ngọn đồi này. Nhưng giờ đây cỏ mọc um tùm, một số ngọn đồi bị ủi trọc, Élain không xác định được đâu là vị trí Huệ nằm xuống. Mệt mỏi, ngồi tựa lưng vào một gốc cây, nhắm mắt khấn nguyện thì thầm, hai tay nàng vẫn xoa xoa những vết xước trên đôi bàn chân rướm máu một cách vô thức: “Anh Huệ, anh là một sĩ quan trẻ, đẹp trai, hào hùng. Lúc còn sống đã có biết bao là cô gái mê anh, đeo đuổi anh, muốn làm người tình của anh, dù chỉ là người tình trong chốc lát. Chính em cũng bị đôi mắt đa tình của anh thu hút, dù biết rằng trước em, anh cũng đã có nhiều mối tình. Nhưng em không ghen, bởi vì em biết kể từ ngày chúng ta quen nhau, thương nhau để rồi yêu nhau, trong anh chỉ có em, và trong em chỉ có anh. Nhưng Élain cho em biết, cái tính bay bướm của anh đã trải dài trên bước đường hành quân của anh. Em đã nói không ghen bởi vì em yêu anh, em tin anh. Nhưng nếu em có ghen thì cũng chỉ là thường tình, phải không anh? Hoạn Thư, người đàn bà ghen đã hành hạ Kiều rất tàn nhẫn. Ðến khi được dịp trả thù, những tưởng Kiều sẽ vằm bà ta ra trăm mảnh, nhưng chỉ một câu nói, Kiều đã tha bổng cho bà ta:
“Rằng tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuôn thì cũng người ta thường tình”
(Kiều – Nguyễn Du)
Em không ghen, nhưng thử hỏi có người tình nào của anh vượt muôn ngàn nguy hiểm, lặn lội đi tìm anh như em. Nhưng đã quá nửa ngày, em đã lật hằng bao nhiêu xác chết vẫn không tìm thấy anh. Bây giờ em sẽ đi thêm một tiếng đồng hồ nữa để tìm xác anh. Nếu anh ở trên trời có linh thiêng thì hãy mau mau dẫn dắt em tìm gặp xác anh. Em đã mỏi mệt quá rồi. Có lẻ em phải bỏ cuộc để quay trở về với con của chúng ta đang chờ ở nhà. Chúng đang khát sữa. Em phải nuôi con bằng sữa mẹ, bởi vì em không đủ tiền để mua sữa bò cho con. Những ngày này mẹ ở nhà phải nấu cháo lỏng cho con ăn thay sữa”.
Lầm rầm khấn nguyện xong, nàng gượng đứng lên tiếp tục đi. Hai ba lần cố gượng đứng lên, nàng vẫn không thể nào đứng lên được. Nàng đứng lên rồi lại ngả xuống. Cái nóng oi bức của mùa hè nơi vùng rừng núi nồng nặc mùi tử khí, cùng mấy đêm liền mất ngủ làm cho nàng choáng váng, ngất ngưởng và kiệt sức. Thêm vào đó tinh thần sa sút, tuyệt vọng làm cho nàng ngã quỵ. Élain và Thu phải đở nàng đứng dậy. Họ cố gượng tiếp tục đi mệt mỏi, thân xác rã rời. Mọi hy vọng đã tiêu tan. Ði qua những ngọn đồi đã bị ủi trọc, mặc dù xe ủi đã làm việc, nhưng xác người còn vương vãi. Những thân xác vô thừa nhận đó không những chỉ xác lính, xác lính cộng hòa và xác lính cộng sản, mà còn cả xác thường dân. Họ phân biệt được là nhờ những bộ quân phục còn mặt trên người, hay những bộ áo quần dân dã. Xác người đã bị lùa xuống hố. Càng về chiều, hy vọng càng tiêu tan. Nhưng họ vẫn cố tìm kiếm trong vô vọng. Họ đi đến chân một ngọn đồi chưa bị ủi, định bụng đây là ngọn đồi chót, nếu không tìm thấy thì cũng đành phải bỏ cuộc. Bỏ cuộc vì không tìm thấy xác biết đâu lại là điều hay. Tuyết lại có thể nuôi thêm hy vọng hão. Sống là phải hy vọng. Lắm lúc hy vọng không thực tế. Nhưng vẫn còn hơn là sống trong tuyệt vọng triền miên. Nàng đã tự nhủ thầm là nếu chưa tìm thấy xác chồng thì chồng nàng vẫn còn sống. Có thể Élain lầm, đơn vị báo cáo lầm. Trong chiến tranh chuyện lầm lẫn là bình thường. Hồi ở mặt trận An Lộc, khi Huệ còn làm Ðại đội trưởng, trong một trận đánh, một người Hạ sĩ của Ðại đôi Huệ tử thương, nhưng khi gửi báo cáo tổn thất về Hậu cứ, người lính truyền tin đánh mật mã thế nào lại ra tên người Hạ sĩ khác, để rồi hai người vợ lính an ủi qua lại rất là trớ trêu. Cũng có trường hợp người lính được ghi nhận là chết, là mất tích, đã được làm lễ truy thăng truy tặng. Rồi đột ngột, người lính trở về nhà đã nhìn thấy hình ảnh mình trên bàn thờ và được thăng một cấp!
Họ chầm chậm leo lên ngọn đồi một cách mệt nhọc, và cầu may. Nhưng như một phép lạ, trước mặt họ, một khối đen nằm bất động trong tư thế nghiêng nghiêng. Cỏ non mọc che lấp cả thân người. Chung quanh cũng có nhiều bộ xương trắng hếu rải rác. Như một linh tính, nàng chạy vội đến. Huệ, đúng là Huệ của nàng rồi. Huệ nằm trong tư thế của người nằm ngủ, dáng suy tư, cô đơn. May mà đây là ngọn đồi duy nhất còn sót lại chưa bị ủi. Những tiếng khóc, những tiếng kêu gào thảm thiết. Élain và Thu cũng không ngăn được những giòng nước mắt như giòng suối cứ tuôn chảy. Ðôi mắt chàng, đôi mắt đa tình đã từng làm chết mê chết mệt biết bao cô gái, dĩ nhiên, có nàng; giờ chỉ còn là hai hố sâu đen ngòm. Chiếc đồng hồ đeo tay của Huệ không còn. Chiếc đồng hồ kỹ niệm của một thời ân ái. Trước khi trở lại đơn vị sau tuần trăng mật tại thành phố mù sương Ðàlạt, nàng đã chọn mua cho chồng chiếc đồng hồ ưng ý nhất. Và chiếc đồng hồ đó đã không bao giờ rời tay Huệ, nó khắn khít keo sơn, theo chàng trên những nẻo đường hành quân. Nhưng lạ thay, sợi dây chuyền vàng với cây Thánh giá đeo nơi cổ vẫn còn nguyên vẹn. Túi quần sau của chàng với chiếc ví đựng tiền vẫn còn. Nhưng không có đồng nào. “Tiền lính tính liền” mà! Hôm Huệ chết là sáng sớm ngày 19. Theo thông lệ, ngày 21 mới là ngày phát lương, nên ví chàng không còn đồng nào là phải. Nhưng chiếc ảnh bán thân của nàng được Huệ bọc plastic cẩn thận vẫn còn đó. Ảnh nàng đang âu yếm mĩm cười nhìn chàng! Nó đã theo sát chàng như hình với bóng.
Sau một lúc xúc động, sau những tiếng kêu gào thảm thiết của người vợ mất chồng, người em mất anh, người lính đệ tử mất ông thầy khả kính, họ không khóc nữa, vài phút im lặng trôi qua. Lấy tay lau khô nước mắt, nhưng nước mắt vẫn tuôn chảy, Tuyết ngẩng mặt nhìn Thu và Élain, móc ví đưa họ 20 ngàn đồng bảo ra thị trấn tìm mua chiếc hòm, và mướn xe bò vào kéo ra. Nhưng hai người lính trẻ không dám để Tuyết ở lại một mình, sợ nguy hiểm. Trời đã về chiều. Từ đây ra thị trấn rồi đi vào cũng mất mấy tiếng đồng hồ, chưa nói đến chuyện đi tìm mua hòm và thuê xe bò. Không còn cách nào khác, họ cùng nhau trở ra thị trấn. Nàng rời xác chàng với một tâm trạng rối bời. Sợ mưa gió làm thấm ướt, làm lạnh xác chàng. Sợ đêm đến thú rừng ra mang xác chàng đi. Nàng sợ mất xác chàng! Ðã bao nhiêu ngày trằn trọc không ngủ được, chỉ mong được phút giây này. Nàng không nỡ đành đoạn bỏ lại xác chàng một mình. Nàng muốn ở lại bên xác chàng cho đến ngày hôm sau. Nhưng trời đã nhá nhem tối, họ không thể ở lại trong khu rừng, lại càng không thể để cho nàng ở lại một mình. Họ phải ra thị trấn, họ phải mua được hòm, họ phải mướn xe bò vào đưa xác ra. Cuối cùng, đành phải để Huệ một mình nằm cô đơn lạnh lẻo thêm một đêm nữa.
Cuộc chiến đã tàn, đạn bom không còn nổ, không còn giờ giới nghiêm, nhưng người dân nơi thị trấn xa xôi hẻo lánh này vẫn quen đi ngủ sớm. Một vài nhà đã đóng cửa. Trong tình trạng tranh tối tranh sáng này không ai dám ra đường vào ban đêm. Chỉ có một vài quán tạp hóa nhỏ, quán cà phê, là còn có người lui tới. Thu và Élain đi tìm khắp thị trấn nhưng không có nơi nào bán hòm hay chịu đóng hòm. Thu đành phải để Tuyết và Élain ở lại, một mình leo chiếc xe lam ba bánh cuối cùng về Long Khánh rồi đón xe về Vũng Tàu để mua hòm và thuê xe.
Tuyết và Élain trở lại ngôi nhà trọ hôm trước xin xin tá túc. Một đêm khắc khoải lo âu. Bà già chủ nhà vẫn ân cần vui vẻ tiếp đón. Nỗi hân hoan của bà hiện rõ khi biết Tuyết đã tìm được xác chồng. Bà không ngớt cám ơn Chúa, cám ơn Ðức Mẹ Maria.
Lúc gần trưa ngày hôm sau, Thu và Dì Bảy đã trở lại Ðịnh Quán trên chiếc xe pick-up mướn ở Vũng Tàu. Họ mướn xe bò chở hòm vào rừng lấy xác. Khi quan tài của Huệ đã được đặt trên chiếc xe pick-up, Tuyết trả tiền người đánh xe bò. Nhưng người đánh xe bò tốt bụng đã kính lại 2 ngàn cho Tuyết để mua nhang đèn. Thế mới biết tình cảm của người dân đối người lính Cộng hòa vẫn chưa thay đổi, dù VC đã cố tình bôi nhọ những người thua trận.
Khi xe đưa quan tài Huệ về đến Vũng Tàu, Tuyết đã gặp một chuyện buồn nhỏ. Chuyện buồn này không phát xuất từ phía chính quyền mới, chính quyền cộng sản vô thần, mà từ phía gia đình. Bọn vô thần thì chẳng tin thần, tin thánh. Tượng Chúa chúng còn đập phá, tượng Phật bằng gỗ chúng chẻ ra thổi cơm. Chúng dùng sân chùa, sân nhà thờ làm sân phơi lúa. Những nơi thờ phượng chúng làm kho Hợp Tác Xã. Nhưng chúng có mê tín dị đoan không thì khó biết. Chúng cần phải che dấu để chứng tỏ là con người vô thần, con người cộng sản. Dầu sao là người Việt Nam, lớn lên trong một xã hội chậm tiến, văn minh khoa học chưa được phổ biến rộng rãi, nhất là bọn “răng đen mả tấu” sống nơi hoang dã, nơi rừng rú, thì lòng mê tín dị đoan lại càng sâu đậm. Từ ngàn xưa, người dân quê vẫn kiêng kỵ không mang xác của thân nhân chẳng may chết ở dọc đường hay tha phương vào nhà, vì sợ mang điều xui cho gia đình. Nếu có mang về thì cũng phải để ở bên ngoài ngỏ. Quyết định ban đầu của gia đình định đưa thẳng quan tài của Huệ đến Nhà Thờ làm lễ, rồi đưa ra Nghĩa Trang an táng. Nhưng mẹ của Huệ, một bà Mẹ Việt Nam tháo vát và rất cương quyết. Bà rất yêu thương Huệ. Huệ chính là niềm kiêu hãnh của bà. Bà không nỡ để thân xác đứa con trai cưng của bà bên ngoài nhà. Bà cũng có lòng mê tín dị đoan như mọi người Việt Nam bình thường khác, nhưng thương con, bà quyết định mang quan tài của Huệ về nhà làm lễ, dù gia đình có xảy đến điều gì xui xẻo. Tình thương con đã thắng lòng mê tín dị đoan, một hủ tục chưa loại bỏ được.
Tang lễ của Huệ, tang lễ của một “Anh Hùng vị Quốc vong thân”, đáng lý phải được làm rình rang cho mọi người đến chiêm ngưỡng. Nhưng vì tình thế không thuận lợi, đất nước đang bị kẻ xâm lăng Bắc Việt chiếm đóng, gia đình chỉ làm đơn sơ và gần như lén lút với chính quyền mới.
Ngày hôm sau, Cha xứ đếm làm lễ sớm, lời kinh cũng không dám đọc lớn, chỉ thì thầm vừa đủ nghe để tránh rắc rối với bọn “cách mạng 30”, với nhà cầm quyền cộng sản vô thần.
Thân xác Huệ, thân xác của một Anh Hùng vị Quốc vong thân, đã trải qua hơn 40 ngày dãi nắng dầm mưa, cô đơn trên một ngọn đồi hiu quạnh, dù hoàn cảnh có khắc nghiệt, dù gặp bao nhiêu trắc trở, cuối cùng cũng đã được an giấc ngàn thu trong Nghĩa Trang của xứ đạo quê nhà. Huệ đã đền xong nợ nước, nhưng nợ nhà chưa xong. Huệ ra đi để lại người vợ trẻ với hai đứa con thơ, và cha mẹ già cần chăm sóc. Nói an giấc ngàn thu chỉ là cách nói, Huệ không thể nào an giấc được khi quê hương đang hồi nghiêng ngã, đất nước đang rên xiết dưới đôi dép râu bẩn thỉu của bọn CSBV xâm lăng. Tương lai không có, tất cả đã bị chiếc nón tai bèo, bèo nhèo che lấp:
“Ðôi dép râu dẩm nát đời son trẻ,
Chiếc nón tai bèo che khuất tương lai”.
(lời của một cô giáo Thủ Thiêm thốt lên sau ngày bọn CSBV cưởng chiếm Miền Nam. Nghe đâu vì câu thơ này mà cô giáo bị bắt đi tù cải tạo).
Chính bản thân Huệ, dù đã nằm xuống, bọn cộng sản cũng không để cho chàng nằm yên. Mộ phần vừa mới làm xong, cỏ chưa kịp mọc, bọn cộng sản đã bắt phá mộ. chúng thù người sống chưa đủ, nay thù cả xác chết. Là kẻ chiến thắng, nhưng chúng vẫn sợ kẻ chiến bại, một kẻ chiến bại oai hùng! Chúng vẫn không tin vào sự chiến thắng của chúng, vì chúng chiến thắng quá dễ dàng trong giai đoạn cuối của cuộc chiến. Chỉ 55 ngày đêm, chúng đã nuốt trọn Miền Nam, đã đánh bại một kẻ thù có tầm vóc. Chúng vẫn không tin vào sự thật, chúng nghĩ có thể chúng đang bị sa vào bẫy sập như lời nhận định của ông Tướng độc nhãn, Bộ Trưởng Quốc Phòng của Do Thái khi đến thăm Sàigòn, báo chí hỏi vấn kế làm thế nào để thắng cộng sản, ông chỉ trả lời ngắn gọn: “Muốn thắng cộng sản, hãy để cho cộng sản thắng trước!”. Câu trả lời cỏ vẻ phi lý, và mâu thuẫn, nhưng ngẫm nghĩ thì rất là chí lý. Huệ đã chết, thân xác trở về với cát bụi, không còn một chút nguy hiểm hay đe dọa nào đối chính quyền mới, đối với kẻ chiến thắng, nhưng chúng vẫn sợ. Vũng Tàu nằm trong lãnh thổ Khu 33 Chiến Thuật, được sự bảo vệ của Sư Ðoàn 18BB của Tướng Lê minh Ðảo. Dù đã là kẻ chiến thắng, nhưng chúng không thể nào quên được sự thất bại nặng nề chua cay của Quân Ðoàn IV CSBV, dưới quyền chỉ huy của Tướng Hoàng Cầm, khi mở cuộc tấn công liên tục 12 ngày đêm vào thị xã Xuân Lộc, nơi đặt Ðại Bản Doanh của Sư Ðoàn 18BB. Và chúng cũng không thể nào quên được Trung Ðoàn 141 CSBV, dù chiếm được Ðịnh Quán, nhưng các đơn vị tinh nhuệ của chúng đã bị hy sinh gần hết khi cố tấn công, chiếm cho được các ngọn đồi do Tiểu Ðoàn 2/43 trấn đóng. Chúng không thể nào quên được những trái bom đánh táo bạo, những trái đạn pháo binh chống biễn người, và sự chiến đấu dũng mãnh của những tên lính mang khăn quàn màu tím dưới quyền chỉ huy của hai tên “ác ôn, chống phá điên cuồng quân Cách Mạng”. Một tên chỉ huy còn sống chạy thoát, và Huệ, đã nằm lại. Thù ghét “Mỹ – Ngụy” nói chung, nhưng thù ghét bọn lính Sư 18 ngoan cố là hơn cả. Không những thù mà còn sợ, sợ cả xác chết. Chúng bắt buộc gia đình phải phá tan, đập nát mộ phần. Không còn cách nào khác, nàng và Bố Mẹ của Huệ quyết định bốc mộ. Thân xác của Huệ được hõa thiêu vội vàng. Từ tro bụi, sau 30 năm làm người, chịu đựng tất cả vinh nhục của một kiếp người, bây giờ Huệ lại trở về với tro bụi:
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi,
Rồi một mai khi hình hài lớn dậy &”
Nhưng Huệ vẫn sống mãi trong trong tâm tư của Tuyết. Huệ là mối tình đầu, mối tình trọn vẹn của nàng, tuy giữa đường đã gãy gánh. Tình yêu của Huệ đối với nàng, tình yêu của nàng đối với Huệ là tình yêu bất diệt. Bắt chước cách nói của tên cáo già họ Hồ: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng tình yêu của nàng với Huệ thì không bao giờ phai lạt”. Dù Huệ đã trở về với tro bụi, nhưng hình ảnh Huệ, những việc làm của Huệ cho gia đình, cho đồng đội, cho đồng bào, cho Tổ Quốc sẽ còn lại mãi mãi. Quân sử QLVNCH sẽ ghi công ơn của Huệ. Những người bạn, những chiến hữu của Huệ sẽ không bao giờ quên được người lính oai hùng nơi Huệ.
Tro cốt của Huệ được gởi trong Nhà Thờ Tân Châu, Vũng Tàu. Bây giờ Huệ thật sự đã yên nghĩ trên mảnh đất quê hương. Huệ nằm đó bình yên, tháng ngày nghe tiếng sóng biển Ðông vổ rạt rào vào bờ, đón từng cơn gió từ ngoài khơi mang hơi mát, mang vị mặng của biển vào đất liền, tô thêm cái mặn mà của tình gia đình, nghĩa đồng bào ngàn đời bất diệt. Linh hồn của Huệ đã về nước Chúa, lên cỏi Thiên Ðàng Vĩnh Cữu.

Michigan
BẢO ĐINH
NGUYỄN HỮU CHẾ
Cựu Tiểu Đoàn Trưởng
Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 43/Sư Đoàn 18 BB