CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG: MỸ TĂNG CƯỜNG HỎA TIỄN ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI TRUNG CỘNG

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Ảnh minh họa : Quân đội Mỹ bắn thử hỏa tiễn chận tên lửa THAAD. © Reuters/File Photo. Ảnh do bộ Quốc Phòng Mỹ cung cấp.

Thời báo Nhật Bản Nikkei Asia ngày 05/03/2021 tiết lộ về kế hoạch Hoa Kỳ khai triển hệ thống hỏa tiễn tấn công, trị giá hơn 27 tỷ đô la, nhằm đối phó với Trung Cộng tại Ấn Độ – Thái Bình Dương trong 6 năm sắp tới.

 

Tài liệu được báo Nikkei Asia trích dẫn nhấn mạnh “mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ trong tương lai vẫn là sự suy yếu của hệ thống vũ khí quy ước mang tính răn đe. (…) Việc thiếu đi các vũ khí răn đe quy ước đủ vững chắc và đáng tin cậy khiến Trung Cộng sẽ có những hành động táo bạo hơn tại khu vực và trên toàn cầu, nhằm lấn át các quyền lợi của Mỹ”.

Bộ Chỉ Huy Ấn Độ -Thái Bình Dương kêu gọi khai triển một lực lượng liên quân, với mạng lưới hỏa tiễn tấn công có độ chính xác cao được bố trí “dọc theo chuỗi đảo thứ nhất”, phối hợp với hệ thống hỏa tiễn phòng không trên “chuỗi đảo thứ nhì”,  việc phân bố lực lượng cần chú trọng khả năng “duy trì các hoạt động tác chiến trong thời gian kéo dài”.

Báo Nikkei Asia cho biết cụ thể là “chuỗi đảo thứ nhất” trong khu vực Thái Bình Dương bao gồm từ Đài Loan đến đảo Okinawa (Nhật Bản) và quần đảo Philippines, tức khu vực mà Trung Cộng xem là tuyến phòng thủ thứ nhất. “Chuỗi đảo thứ nhì” ở bờ phía Tây Thái Bình Dương, trải dài từ khu vực miền đông nam Nhật Bản đến đảo Guam và miền nam Indonesia, là nơi Bắc Kinh đang tìm cách ngăn cản quân đội Mỹ tiếp cận. 

Phát biểu trước viện tư vấn American Enterprise Institute, tại thủ đô Washington, đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Chỉ Huy Ấn Độ -Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định “sáu năm sắp tới” là giai đoạn Bắc Kinh muốn làm “thay đổi tình thế nguyên trạng trong vùng”, đặc biệt có nguy cơ Trung Cộng tấn công Đài Loan. 

Báo Nikkei Asia nhắc lại Trung Cộng hiện đang nắm giữ 1,250 hỏa tiễn tầm trung, có tầm bắn từ 500 km đến 5,500 km, được phóng đi từ đất liền. Trước đây Mỹ không thể khai triển loại hỏa tiễn này, do bị trói tay vì Hiệp ước về hỏa tiễn hạt nhân tầm trung (INF), ký kết với Nga. Tuy nhiên, Hiệp ước INF đã hết hạn năm 2019 và ngày ngày cuốn năm 2018 (20/10/2018), tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ hủy bỏ INF (Intermediate Nuclear Forces Treaty), hiệp định cấm sử dụng hỏa tiễn tầm trung trang bị đầu đạn nguyên tử mà tổng thống Mỹ Reagan và chủ tịch Liên Xô Gorbatchev đã ký vào năm 1987. 

Theo Nikkei Asia