CẢM NHẬN “NGƯỜI LÍNH LÀM THƠ NHƯ VIẾT SỬ” (Vương Trùng Dương)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Sáng Thứ Tư, ngày 9 tháng Tư, 2025 nhà thơ Trạch Gầm và cô Tâm An hẹn tôi ở cà phê Gypsy giới thiệu Donry Nguyen (Nguyễn Đình Chiến) từ Los Angeles xuống để “ra mắt” tập thơ đầu tay vừa ấn hành.

Vừa xem tựa đề tôi liên tưởng đến bài viết Người Lính Làm Thơ Mang Bút Hiệu Trạch Gầm của Đinh Lâm Thanh từ Pháp sang, cùng ngồi uống cà phê với nhau năm 2014.

Tác giả cho biết tập thơ nầy gồm 50 bài để đánh dấu 50 năm mất nước, ngẫu nhiên nhưng trùng hợp vì thời gian qua tôi liên lạc với các bạn văn để thực hiện trong số báo tháng Ba, Tư và Năm.

Liếc vào Mục Lục, tập thơ dày 146 trang với 50 bài thơ: 1 Tạ Ơn Trời Tạ Ơn Người – 2 Ngày Sinh Của Ngọ – 3 Câu Chuyện Một Que Kem – 4 Lính Chịu Chơi – 5 Qui Nhơn Và Người Lính Trẻ – 6 Khóc Người Ở Lại Phù Ly – 7 Lính Pháo Binh – 8 Biên Giới Ca – 9 Lời Người Ra Trận -10 Kỷ Niệm Tam Quan – 11 Uống Rượu Với Kẻ Thù – 12 Những Ngày Ở Mang Yang – 13 Trận Giải Toả Plei-Djereng – 14 Thanh An Và Ly Cà Phê Còn Nợ – 15 Chiếc Giày Sault Trên Đồi Plei-Djareng – 16 Chiếc Nón Của Mẹ – 17 Kon-Tum Và Quán Cà Phê Cây Ổi – 18 Gia Tài Của Lính – 19 Bài Thơ Ngày Giáng Sinh – 20 Nửa Thế Kỷ Một Tấm Hình – 21 Cô Hàng Xóm – 22 Tù Binh Chiến Tranh – 23 Kỷ Niệm Không Quên Trên Căn Cứ Hoả Lực Chư Xang – 24 Cho Những Người Nằm Xuống Và Những Người Còn Lại – 25 Kiêu Hùng Người Lính Pháo Binh QLVNCH – 26 Người Yêu Của Lính – 27 Gặp Bạn Cũ Than Nghèo Rủ Ra Quán Ngồi Tâm Sự – 28 Ra Đi Bỏ Lại Kon-Tum – 29 Tạ Lỗi Với Kon-Tum – 30 Tháng Ba Từ Biệt Pleiku – 31 Người Pháo Đội Trưởng Của Tôi – 32 Tuy Hoà Ngày Thất Thủ – 33 Món Nợ Đôi Bàn Tay – 34 Tấm Ảnh Cũ – 35 Gặp Gỡ Một Sĩ Quan Pháo Binh – 36 Chiếc Vỏ Ốc – 37 Bài Thơ Định Mệnh – 38 Huynh Đệ Chi Binh – 39 Chiều Qua Đèo Đá Lửa – 40 Tiếc Thương Một Tài Hoa Mệnh Bạc! – 41 Những Giòng Chữ Nhỏ – 42 Giao Thừa Khúc – 43 Khoảng Cách – 44 Ước Mơ Trở Lại Quê Nhà – 45 Đọc Ức Trai Nghĩ Chuyện Thời Nay – 46 Đêm Ba Mươi – 47 Nửa Thế Kỷ Một Cuộc Tình – 48 Chén Rượu Tương Phùng – 49 Tờ Lịch Cũ – 50 Viết Trong Ngày Giỗ Cha.

So với Nguyễn Thanh Huy, Trạch Gầm và tôi thì tác giả trẻ hơn một con giáp và cuộc đời dấn thân vào binh nghiệp như bài thơ: Ngày Sinh Của Ngọ:

“Tôi chào đời

Ngày chia đôi đất nước

Cha lấy ngày đình chiến đặt tên con”

Ngày trước đọc bài thơ Nhà Tôi của Yên Thao về người lính pháo binh “Anh rót cho khéo nhé! Không lại nhầm nhà tôi” (Bài thơ này đã được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc thành bài hát Chuyện Giàn Thiên Lý).

Nay mới gặp người lính Pháo Binh viết về binh chủng nầy.

 “Đến Qui Nhơn sau mùa hè đỏ lửa,

Tôi chỉ là người lính nhỏ, pháo binh!

Tiểu đoàn tôi đóng quân vùng Núi Bé

Giữa bốn bề bát ngát mía lên xanh…

Theo pháo đội quân hành qua khắp nẻo

Vượt Đèo Nhông ra Bồng Sơn, Đệ Đức

Về Tam Quan, Chợ Bộng hắt hiu buồn”

(Qui Nhơn & Người Lính Trẻ)

Khi đọc những bài thơ của anh viết về đời lính phảnh phát ghọng thơ của Tô Thùy Yên, Hà Thúc Sinh, Trạch Gầm, Nguyễn Bắc Sơn, Lâm Hảo Dũng, Triều Hoa Đại…

“Núi cao chớn chở mồ uổng tử

Rừng xanh bát ngát hồn ma thiêng

Chiến địa máu trào như là suối

Biên giới hề, âm u dị thường!

Biên giới ngày, nắng nung chảy mỡ

Biên giới đêm, lạnh như cắt da

Xác chết rủ nhau ngồi ngay dậy

Đốt lửa rừng lên mà hát ca…

Ngày mai xuống núi ta tìm rượu

Quyết chí tiêu pha hết nỗi buồn

Những lòng lính trận thèm say quá,

Men nồng chống lạnh gió biên cương!…

Vỗ tay ta hát hề, biên giới

Súng đạn người đi chẳng trở về!”

(Biên Giới Ca)

“Ta học trò, vừa vướng nghiệp đao binh

Theo đơn vị hành quân qua quận lỵ.

Mang áo lính nhưng tâm hồn thi sĩ.

Chưa bao giờ thù vặt kẻ thù ta”

(Kỷ Niệm Tam Quan)

Đơn vị Pháo Binh của anh khi trấn đóng thuộc tiểu khu Bình Định thuộc Vùng II Chiến Thuật nên Những Ngày Ở Mang Yang:

“Căn cứ 95 nằm dưới chân đèo,

Hai khẩu đội về đây nằm trấn giữ.

Hai nòng súng chỉa về hai hướng núi

Trước mặt con đường 19 giăng ngang!

Ngày nóng hầm nhìn mây trắng lang thang

Quán xa xôi khó tìm mua gói thuốc,

Đêm trăng sáng lạnh tràn không ngủ được

Đốt thuốc bồi, ngồi sưởi ấm chân tay!…

Đèo Mang Yang buổi nắng sớm mưa chiều

Đường cua dốc xe đò qua chậm rải

Trong lòng ta cũng hắt hiu niềm đợi

Ngày thanh bình đâu đó vẫn xa lơ…”

Là đơn vị lưu động nên lên tha chiến ở tỉnh Plei-Ku trong trận giải tỏa Plei Djereng (lệ Minh):

“Plei Djereng, Plei Djereng!

Một tiền đồn hiu quạnh

Dân thị thành chưa biết mặt nghe tên.

Cách Pleiku 30 cây số tây nam…

Pháo đội C, 221 pháo binh

Được điều động lên tăng cường tái chiếm.

Từ Lệ Trung, xe thẳng đường tây tiến

Trời cao nguyên bụi đỏ vẫy tay chào!

Rừng bạt ngàn che ánh nắng trên cao,

Xe kéo súng chạy dưới vòm cổ thụ.

Pháo rượt đuổi tung ầm bùn đất nhão

Nón sắt che đầu và áo giáp che thân…

Bảy ngày đêm, lính mất ngủ quên ăn

Đan lưới lửa bủa vây trùm trận địa…

Phút sau cùng, trực thăng vận ào lên,

Toán trinh sát nhảy cắm cờ đỉnh chốt,

Tin thắng trận… nhưng ta buồn muốn khóc

Xót phận người vừa nằm xuống đôi bên!…

Về dưỡng quân, đêm ngủ trạm Hàm Rồng,

Hơi thuốc súng, còn khét mùi áo trận.

Bất đắc dĩ phải trở thành người lính,

Tận đáy lòng ta chán ghét chiến tranh!”

Ai bày trò gây nên cảnh đao binh,

Ăn thua đủ chỉ khiến đau lòng mẹ?

Mẹ Việt Nam đã sinh lầm đẻ lỡ…

Lũ con nhà bôi mặt đá nhau chơi!

Và vẫn trên ngọn đồi nầy với hình ảnh người lính đã hy sinh:

“Chiếc giày sault người lính trận năm nào,

Còn bỏ lại trên tiền đồn hoang vắng.

Bốn chín năm từ khi thôi lửa đạn

Dưới mặt trời nằm dãi nắng dầm mưa!…

Đóng quân đây đã mấy mùa trấn thủ

Chiếc giày này, sao để lại không mang?

Phải năm xưa khi trận đánh vừa tan,

Một chân trúng mảnh mìn cưa bỏ lại…

Gió biên cương bốn mùa hiu hắt thổi,

Điệu nhạc buồn trên đỉnh Plei Djereng”

Hết Plei-Ku rồi đến Kon-Tum:

“Ta tiếc máu xương đời trai trẻ,

Đã từng đổ xuống giữ biên cương.

“Chư Pao ai oán hờn trong gió

Mỗi chiếc khăn tang một tấc đường”*

Ta nuốt vào trong dòng lệ ứa

Như nước Dakbla chảy ngược triền

Dakpha bất lực chìm trong lửa

Đôi mắt em thơ hớt hãi nhìn!

Ra đi… chắc sẽ, ra đi mãi

Quán xá đìu hiu lạnh chỗ ngồi

Xoay vai áo giáp ta nhìn lại,

Nón sắt che ngang nỗi ngậm ngùi!”

(Ra Đi Bỏ Lại Kon-Tum)

(*) Hai câu thơ của Lâm Hảo Dũng

Lui binh, bỏ cuộc chiến nên Tạ Lỗi Với Kon-Tum:

 

“Tháng Ba đóng quân đồi Eo Gió

Đại bác chỉa nòng hướng Ngô Trang

Chờ giặc xung phong là trực xạ

Giữa cảnh sơn lâm gió bạt ngàn…

Bỗng nghe có lệnh quân triệt thoái

Xếp càng móc súng, đạn lên xe

Pháo binh cản hậu đi sau chót

Nhắm hướng Pleiku kéo rốc về”

Nhiều tác phẩm đã vinh danh binh chủng Pháo Binh, nay bắt gặp trong bài thơ:

“Anh mãi kiêu hùng lính pháo binh,

Mỗi lần khai hỏa đất rung rinh.

Hết phen đuổi giặc miền duyên hải,

Lại quét tàn quân khỏi núi rừng!

Từ bữa sa cơ, đành gãy súng

Thẹn mình có lỗi trước muôn dân.

Thép đã trui rèn hun ý chí

Sá gì tù ngục với gian truân!..

Anh hùng không luận câu thành bại

Chỉ trọn tấm lòng với núi sông!

(Người Lính Pháo Binh QLVNCH)

Cuộc đời lính trận nay đây mai đó nên Gia Tài Của Lính:

“Tiền lính, tính liền, em biết đấy,

Huống hồ ta lại lính hào hoa

Quán xá luôn mời cho ký sổ,

Sá gì, ta lại chẳng tiêu pha!

Gặp nhau, chiến hữu, nâng ly cụng

Say quắc cần câu mới tản hàng

Tan hàng cố gắng, mai còn sống

Ta sẽ trở về ghé quán em.

Chủ nợ canh ngày coi giỏi lắm

Tới giờ Tài Chánh vác bao lương

Bà năm, chú bảy, cô tư móm…

Đợi sẵn chia nhau bợ hết tiền”.

Người lính nay sống mai chết nên chỉ có niềm vui khi gặp nhau:

“Buổi Xuân Thu chưa gặp được thời,

Thế Chiến Quốc lui về bảo trọng.

Đâu có lẽ tham lam thèm khanh tướng

Mộng công hầu mà tắm máu lê dân!

Mày cũng từng chiến đấu giữ non sông,

Chuyện thành bại thường tình trong binh pháp!…

Đừng buồn nữa, tao với mày đi nhậu,

Uống một chầu để tưởng nhớ quê hương”

(Gặp Bạn Cũ Than Nghè Rủ Ra Quán Ngồi Tâm Sự)

Sau khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, thời thế đổi thay, lòng người thay đổi, ngay cả hình ảnh Cô Hàng Xóm:

“Ngày ta thua trận về quê cũ,

Em báo tin em sắp lấy chồng!

Lấy chồng thì mặc… chồng em chứ

Mắc gì em hỏi ta buồn không?

Làng ta ở cạnh sân ga nhỏ

Những chuyến tàu qua ít lúc dừng.

Nửa đêm thức giấc nghe còi hú

Ta nhớ biên cương, nhớ núi rừng…

Thà ta chết quách ngoài quan ải

Còn mảnh chiến bào bọc lấy thây!

Đâu phải bây giờ cam giả dại,

Nuốt nhục vào trong chén rượu này…

Thưa em, từ bữa hờn sông núi

Mẹ già thôi nhắc chuyện trầu cau.

Đời ta vốn đã mang tù tội

Lỡ chuyện không may vướng lụy người”

Làm thân trong lao tù Cộng Sản, duy nhát chỉ có hình ảnh người mẹ với bài thơ Chiếc Nón Của Mẹ

“Đường thăm nuôi hun hút ngục tù,

Nón mẹ lại ngược xuôi rừng núi.

Ôi chiếc nón, sớm hôm dầu dãi…

Vẫn theo cùng bóng mẹ thân thương!

Mỗi một lần, nghĩ đến quê hương,

Hình dung mẹ đang cầm chiếc nón.

Chiếc nón đã nuôi con khôn lớn,

Qua mọi thời thống khổ gian truân.

Chẳng thể nào đền đáp được ơn,

Chiếc nón ấy mang tình nghĩa mẹ.

Khi phiêu bạt đầu non cuối bể

Nhớ mẹ già… lại nhớ nón thân yêu!”

Ở trại tù A-30, 1979 với bài thơ Những Dòng Chữ Nhỏ:

“Viết cho em từ trại tù heo hút

Nơi tận cùng sống chết lật bàn tay

Dòng chữ nhỏ chắc gì em nhận được

Lạy ơn trời anh chỉ gửi cầu may!

Nếu một ngày em chợt nghe tin báo

Anh lìa đời không manh chiếu vùi thân

Thì thôi nhé, em chớ buồn thương tiếc

Coi như là anh trả nợ non sông!

Viết cho em từ trại tù heo hút

Nơi tận cùng sống chết lật bàn tay

Dòng chữ nhỏ chắc gì em nhận được

Lạy ơn trời anh chỉ gửi cầu may!

Nếu một ngày em chợt nghe tin báo

Anh lìa đời không manh chiếu vùi thân

Thì thôi nhé, em chớ buồn thương tiếc

Coi như là anh trả nợ non sông!”

Sống ở hải ngoại, tác giả viết cho Cho Những Người Nằm Xuống & Những Người Còn Lại:

“Tháng Tư, từ giã mùa chinh chiến.

Ta về, đi giữa bóng hoàng hôn…

Tay mẹ gầy còm ôm ta khóc,

Cạnh đám em thơ nghẹn tủi hờn!

Bạn ta nhiều đứa không về nữa,

Đem máu xương mình hiến núi sông.

Để người sương phụ chia dòng lệ

Nửa chịu tang cha, nửa khóc chồng…

Trong tù ta có thêm bầu bạn,

Sáng chiều chia nửa củ khoai lang

Ngoài kia hợp tác toàn dân đói,

Xã nghĩa thiên đường ráng tiến lên!

Trong tù ta sống lòng thanh thản

Gánh rổ khoai mì đi rong chơi…

Cuốc đất đau lưng mà trí nhẹ

Không thành công, ta cũng thành người!

Nửa đêm tiếng hát từ song sắt,

Cao vút ngân lên đụng đỉnh trời.

Nhìn gã cai tù đang cúi mặt

Ta biết cuối cùng… ai thắng ai!”

*

Buổi trưa đợi đứa cháu nội trong thư viện, tôi đọc hết tập thơ nầy, thật không ngờ có rất nhiều bài thơ rất hay. Buổi sáng, Nguyễn Thanh Huy và Trạch Gầm phán rằng tôi viết như móc thuốc lá trong bao ra hút. Thật tình muốn viết cho trọn thì phải dẫn chứng những dòng thơ, nhưng với tôi, những điều đó tác giả đã bộc bạch, chia sẻ đã trọn ý nên nếu có nói thêm cũng thừa.

Được biết tập thơ Người Lính Làm Thơ Như Viết Sử của Donry Nguyen sẽ được ra mắt tại ViệtLife vào dịp cuối tuần trong tháng Tư nầy sẽ có tâm tình của tác giả và các diễn giả giới thiệu chi tiết hơn.

Little Saigon, April 09, 2025

Vương Trùng Dương