BÀI GIẢNG LỄ GIỖ CỐ THI SĨ THOMAS MORE NGUYỄN CHÍ THIỆN

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Bài Phúc Âm Lc 24, 13-35.

 

Trọng kính Đức Cha, Quý Cha

Kính thưa Quý Thân Hào Nhân Sĩ và Quý Khách,

Kính thưa cộng đoàn dân Chúa,

 

         Bài Tin Mừng hai môn đệ đi đường Emmaus có một khởi đầu buồn nhưng có một kết thúc vui.

         Khởi đầu cuộc hành trình Emmaus là một con đường làng bé nhỏ, gồ ghề, lầy lội. Người lữ khách mang tâm trạng buồn nản, thất vọng, thất thểu bước đi trong bóng trời chiều buồn bã. Nhưng trên đường trở về, Emmaus đã trở thành con đường hy vọng vì đã gặp Đức Kito. Đi xa về gần. Đi buồn về vui. Đi u ám về rạng rỡ. Đi thất vọng, về tràn trề hy vọng.

         Cuộc đời và cuộc hành trình đức tin của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện cũng là một hành trình Emmaus mới. Có những bước đi rất gian nan, thống khổ, nhưng với niềm tin và hy vọng, sau cùng đã gặp gỡ Đức Kito, người lữ khách ấy thấy con đường về sáng lên ơn cứu độ.

         Tục ngữ Việt Nam có câu: “Cây nghiêng chiều nào sẽ đổ theo chiều ấy.” Quả thật, giữa cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện và Trung Tâm Công Giáo có một liên hệ đặc biệt:

         -Năm 1996, chỉ một năm sau khi đến Hoa Kỳ vào năm 1995, cố thi sĩ đã chọn TTCG để giới thiệu thi phẩm Hoa Địa Ngục 2, tức là tác phầm Hạt Máu Thơ để nói lên lòng yêu nước và thương yêu đồng bào của mình.

         -Năm 2001, cố thi sĩ lại chọn TTCG để giới thiệu tác phẩm “Hoả Lò” với sự hiện diện và giới thiệu của giáo sư Trần Huy Bích và nhà văn Trần Phong Vũ, hiện cũng có mặt hôm nay.

 

         -Năm 2005, cố thi sĩ đã giới thiệu tác phẩm “Giáo Hoàng Gioan Phaolo II Vĩ Nhân Thời Đại” của nhà văn Trần Phong Vũ cũng tại TTCG nữa.

         Đây là lần thứ ba cố thi sĩ xuất hiện long trọng tại Hội Trường của TTCG, không kể những buổi sinh hoạt ra mắt sách khác nữa tại TTCG. Nhưng hôm nay thì khác, cố thi sĩ đã từ Hội Trường của TTCG để hân hoan bước lên Đền Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của TTCG với danh xưng mới, cố thi sĩ Thomas More Nguyễn Chí Thiện.

         Trong danh xưng mới này, thì con người vốn thinh lặng và trầm ngâm ngày xưa ngồi ở Hội Trường TTCG, nay trở thành cởi mở, công bố và loan báo Tin Mừng của Đức Kito. Cố thi sĩ đã trở nên gần gũi và thân thương với tất cả mọi người chúng ta hiện diện trong Thánh Lễ hôm nay, vì có cùng một lý tưởng quốc gia dân tộc, có cùng một đức tin vào Đức Kito, Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta.

         Bởi thế, đại diện cho TTCG, con cảm thấy được vinh dự chia sẻ đôi điều về cố thi sĩ, cho dù nhà thơ quá lớn đối với con xét về tài ba, danh tiếng, phong cách và kinh nghiệm. Con xin khiêm tốn chia sẻ trong tâm tình ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa như Đức Maria đã dâng lời ngợi khen Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ca ngợi Chúa và thần trí tôi mừng vui trong Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi”. Phải, đây cũng chính là tâm tình cuối đời của cố thi sĩ sau bao nhiêu năm lao tù cùng cực trên dương thế.

 

         1-Trước hết, chúng ta ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa vì cố thi sĩ đã có một lựa chọn khôn ngoan nhất.  Khôn ngoan trong việc lựa chọn cho mình một quyết định đúng nhất trong giây phút định mệnh quan trọng nhất của cuộc đời. Đó là chọn làm Kito hữu, làm con cái Thiên Chúa, bước theo gương của thánh Thomas More, bổn mạng của các chính trị gia luôn bảo vệ công lý và sự thật.

         Cố thi sĩ đã được chính thức rửa tội vào sáng Chúa Nhật ngày 30/9/2013 do Lm Giuse Cao Phương Kỷ. Nhưng trước đó, tôi thiết nghĩ cố thi sĩ đã chịu rửa tội trong đau khổ, trong máu và nước mắt vì công lý và sự thật trong suốt 27 năm tù.

 

         Thật đúng như lời Thánh Vịnh 1: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân. Chẳng bước vào đường quân tội lỗi.” Trong cuộc đời, cố thi sĩ đã có rất nhiều những lựa chọn độc đáo. Ông đã có lựa chọn can đảm nhất khi kiên định lập trường chống lại bạo quyền cộng sản trong 27 năm tù. Ông đã có lựa chọn liều lĩnh nhất khi đột nhập vào toà đại sứ Anh chuyển giao 400 bài thơ Hoa Địa Ngục. Ông đã có chọn lựa thẳng thắn nhất khi không ngừng đấu tranh chống lại sự dữ dù ở tù hay ở hải ngoại.  Những lựa chọn này đã làm cho cuộc đời ông lao đao nhất, lận đận nhất với cùm gông trong xà lim của đêm tối, hay bị nghi ngờ miệt thị ở hải ngoại. Riêng chỉ có lựa chọn khôn ngoan nhất này, đó là lựa chọn làm con cái Thiên Chúa đã giải thoát ông vào “Trời mới đất mới”, nơi không còn đau khổ và nước mắt như lời sách Giáo Lý Công Giáo số 1215 đã dạy: “Phép Rửa Tội là hồng ân đẹp nhất và tuyệt vời nhất trong các hồng ân của Thiên Chúa.” Chúng ta ngợi khen và tạ ơn Chúa vì ông đã có lựa chọn khôn ngoan nhất này đã mang lại cho ông sự may mắn duy nhất trong đời giữa bao nhiêu điều không may trong cuộc đời ông!

 

         2-Điểm thứ hai chúng ta ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa vì quyết định khôn ngoan này là hoa trái của cả một cuộc hành trình đức tin dài trong thao thức và tìm kiếm qua nhiều thập niên.

         Có thể chia hành trình đức tin của ông thành hai giai đoạn. Giai đoạn gặp gỡ những giáo dân, tu sĩ, ngoài đời và trong tù khi bị tống ngục lần thứ nhất năm 1961 đã nhen nhúm hạt giống đức tin trong lòng ông. Những chứng nhân đức tin sống động ông đã gặp gỡ như ông cụ Vũ Thế Hùng, thân phụ Lm Vũ Khởi Phụng, ông Nguyễn Ký, cựu đại uý Kiều Duy Vĩnh, các anh em biệt kích Công Giáo, quý tu sĩ, chủng sinh và linh mục ở trại Phong Quang. Và có thể kể thêm những ảnh hưởng sau này ở hải ngoại qua sự gặp gỡ kết tình thân thiết với các anh em nhóm Gioan Tiền Hô, ban biên tập Diễn Đàn Giáo Dân, và đặc biệt là tình bạn gắn bó với nhà văn Trần Phong Vũ. Kế đến là giai đoạn quyết định xảy ra vào cuối đợt tù thứ ba (1990) ông đã may mắn gặp cha Tadeo Nguyễn Văn Lý ở trại tù Ba Sao. Tại đậy hai cha con đã có dịp cùng sống chung trong một phòng để trao đổi và học hỏi giáo lý hơn một năm trời với nhau.

         Trong các giai đoạn ngục tù trên, cố thi sĩ đã thể hiện niềm tin của mình nơi Ông Trời, Thượng Đế qua các vần thơ trong Hoa Địa Ngục. Niềm tin đó đã mang lại sức mạnh cho ông trong nghịch cảnh lao tù để cất lên những lời cầu xin tha thiết:

 

         “Nén quằn quại nổi chìm, đớn đau là thế,

         Bạc cả tóc râu dưới đáy vực dầu,

         Ta chỉ ngẩng đầu, cầu xin Thượng Đế” (Dù Đời Ta 1973).

 

         “Cộng sản đầy ta sống trong chết dở,

         Muốn ta tàn tắt cùng thơ.

         Song ta tin có Trời kia cứu trợ,

         Tất cả dần dà ta sẽ vượt qua.” (Tù Tội 1986)

 

         Khi sinh ra, sức khoẻ của ông đã yếu đuối. Tuy người cao ráo, nhưng lúc 17 tuổi đã bị bệnh lao, nên ông cầu xin thống thiết vào lòng nhân từ của Thượng Đế:

 

         “Thượng Đế kia nổi tiếng nhân từ,

         Sao với tôi người chẳng vô tư.

         Sai bà mụ nặn tôi trong bụng,

         Một thân hình bệnh hoạn, tàn hư” (Thượng Đế 1978)

 

         Khi nỗi bất hạnh gia tăng dồn dập với chán nản, buồn phiền thì lời van xin của ông càng da diết khẩn cầu:

 

         “Nếu cuộc đời không có những ngày mưa,

         Trời nắng ấm sẽ hoá thành nắng cháy.

         Nhưng Thượng Đế, đời con mưa quá nửa,

         Dột nát lắm rồi, Người ban nắng cho con”

       (Những Ghi Chép Vụn Vặt)

 

         Đây là những lời cầu khấn liên lỉ, van xin tha thiết phát xuất từ một niềm tin tưởng cậy trông nơi Thượng Đế giống như tâm trạng của các ngôn sứ khi gặp nguy khốn, hay tâm trạng đau khổ của dân Israel như đã được diễn tả trong các Thánh Vịnh.

 

         Nhìn lại cuộc đời của cố thi sĩ, qua các vần thơ trong Hoa Địa Ngục và nhất là sau khi được rửa tội, tôi nhận ra hành trình đức tin của ông. Đó là một cuộc hành trình dài từ thời thơ ấu, vượt qua 27 năm tù tội, 17 năm ở hải ngoại. Đó là một sợi giây chuỗi nối kết nhau bằng các biến cố và được kết thúc đẹp đẽ bằng niềm tin nơi Thập Giá của Đức Kito.

 

         Nếu các biến cố thăng trầm trong lịch sử dân Do Thái được diễn tả trong các Thánh Vịnh với những lời van xin cầu khẩn tha thiết trông mong tình thương, ơn cứu độ, sức mạnh và ơn trợ giúp của Thiên Chúa, thì những lời ai oán, uất hận, van xin trong Hoa Địa Ngục đối với sự hoành hành của sự dữ cũng không phải chỉ là của cá nhân cố thi sĩ, mà là của cả dân tộc Việt Nam thương đau, quằn quại, rên xiết trong bóng tối của gian ác và sự dữ do chủ nghĩa cộng sản áp đặt. Bởi thế, có thể nói, tâm tình của cố thi sĩ trong Hoa Địa Ngục là lời van xin khẩn nguyện của cả dân tộc Việt Nam. Vì nỗi thống khổ của ông đại diện cho nỗi khổ đau của cả dân tộc trải dài khắp lịch sử Việt Nam thương đau. Và niềm tin của thi sĩ nơi Thượng Đế cũng là niềm tin và hy vọng của cả dân tộc Việt Nam chúng ta nữa.

 

         3-Điểm thứ ba, trong cách nhìn so sánh và đối chiếu như vậy, chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa lời ngợi khen và tạ ơn khác nữa. Đó là nhân cách của cố thi sĩ: một nhân cách và lối sống ngay thẳng, cương trực, và đáng kính trọng của một vị quân tử, một kẻ sĩ, một thi sĩ, một ngục sĩ, một chí sĩ, và một chiến sĩ. Nhân cách đó dường như là lối sống và phong độ của một vị Ngôn Sứ trong nghịch cảnh của khổ đau và thử thách vì chân lý và sự thật.

         -Sự cương trực và thẳng thắn: trong suốt 73 năm có mặt trên đời, ngoài những năm thơ ấu và những thời khoảng tự do nửa vời giữa ba lần nằm khám là 27 năm tù kèm thêm 17 năm như cánh chim trời phiêu bạt ở hải ngoại, cố thi sĩ luôn đứng thẳng cho dù nhiều phen sóng gió. Dù sống trong tù hay được tự do ở hải ngoại, con người, nhân cách, khí phách, và lối sống của ông vẫn không hề thay đổi. Cố thi sĩ vẫn giữ nguyên lối sống cũ, sống nghèo, sống đơn sơ. Ông không bị sức mạnh của tiền bạc giàu sang lôi cuốn với những quyến rũ của khoái lạc, sắc dục, mặc dù ông có rất nhiều cơ hội để thay đổi cuộc đời mình một cách chính đáng mà không phải hổ thẹn với lương tâm của mình.

         -Một nhân cách đáng kính trọng. Các bạn tù chung đều tỏ sự kính trọng nhân cách của ông. Linh mục Tadeo Nguyễn Văn Lý đã chia sẽ với nhà văn Trần Phong Vũ qua điện thoại, được ghi nhận trong cuốn “Nguyễn Chí Thiện Trái Tim Hồng” như sau:

 

         “Qua những năm tháng ở tù cộng sản, tôi chưa thấy một tù nhân nào có được cái chí khí hiên ngang và tinh thần tự trọng như Nguyễn Chí Thiện. Như anh đã biết, trong cảnh tù, hầu hết tù nhân đều đói, đói triền miên, mà vì quá đói nên gặp thứ gì cũng ăn, bất kể sống, sượng hay độc hại có thể nguy hiểm tới sinh mạng… Riêng Nguyễn Chí Thiện, anh thường khảnh ăn và ăn uống rất chừng mực. Trong những lần được thân nhân hoặc giáo dân tiếp tế, thăm nuôi, tôi thường đem ra chia cho anh em bạn tù, kể cả đám tù hình sự. Khi chia cho Nguyễn Chí Thiện, rất ít khi anh nhận. Anh thường từ tốn tìm cách thoái thác, hoặc chỉ nhận một phần nhỏ. Anh nói: “Con ăn ít lắm. Xin cha giữ lại chia cho những anh em cần hơn.”

        

         Trọng kính Đức Cha, Quý Cha, và toàn thể Quý Khách,

 

         Trong đau khổ, tuyệt vọng, nhà thơ Phùng Quán đã tâm sự: “Có những giây phút ngã lòng, tôi đã vịn câu thơ mà đứng dậy.” Đối với cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, ông đã không chỉ “vịn câu thơ mà đứng dậy”, nhưng vịn vào linh hồn bất tử của thơ mà đứng dậy. Ông đã vịn vào sức mạnh của niềm tin nơi Đấng Tối Cao mà đứng dậy. Ông đã ở tù ròng rã 27 năm trường, nhưng nhờ sức mạnh của thơ, của niềm tin vào linh hồn bất tử, vào sự nâng đỡ của Thượng Đế, nên ông vẫn bền lòng vững chí, như tên của ông là Nguyễn Chí Thiện. Với bản chất hiền lương, trong sáng, luôn hướng về Chân Thiện Mỹ, hướng về Đấng Chí Thánh, Đấng Chí Thiện như lời ông tự nhủ trong thơ:

 

         “Nhà thơ ơi, phải biết,

         Giữ linh hồn cho tinh khiết…

         Nhà thơ còn phải biết,

         Sống trong cõi đời như không bao giờ chết.”

 

         Giống như hai môn đệ trên đường Emmaus, chính niềm tin vào Đức Kito Phục Sinh đã giúp họ trở về trong hy vọng, thì đối với cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, cho dù cuộc đời ông phải chịu quá nhiều bất hạnh như lời Thánh Vịnh 89 diễn tả: “Tính tuổi thọ trong ngoài bẩy chục… Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ…” Nhưng với niềm tin vào Đấng Tối Cao, cố thi sĩ đã chấp nhận tất cả gian lao khốn khó và xem đó là sứ mệnh của mình:

         “Nhưng số phận ta quá nhiều khắc nghiệt

         Có lẽ Trời bắt ta phải chịu nhiều rên xiết

         Để cho ta có thể hoàn thành công việc

         Dùng lời ca ngăn hoạ đỏ lan tràn”

 

         Phải, niềm tin vào Thiên Chúa, niềm tin vào ơn gọi của mình đã biến đổi tất cả những đau khổ, gian lao trở nên có ý nghĩa, có một định hướng chung cho toàn thể những khổ đau trong cuộc đời của ông. Cuộc đời của một quân tử, một thi sĩ, một ngục sĩ, một chí sĩ, và một chiến sĩ. Nói chung, đó là ơn gọi của một NGÔN SỨ!

 

         Đây chính là đích điểm cuối cùng ông đã thực hiện khi chịu phép Rửa Tội vào Năm Đức Tin này để hoàn tất ơn gọi của mình như một ngôn sứ trước khi từ giã cõi đời này trong tâm tình ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa cùng với Đức Maria: “Linh hồn tôi ca ngợi Chúa và thần trí tôi mừng vui trong Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi.” Amen.

 

Đền Các Thánh Tử Đạo Việt Nam,

Trung Tâm Công Giáo,

Santa Ana ngày 28 tháng 9 năm 2013

Lễ giỗ cố thi sĩ Thomas More Nguyễn Chí Thiên,

Lm Joseph Nguyễn Thái.