VIỆT DŨNG, TIẾNG HÁT HOẠN NẠN (Phan Ni Tấn)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Có lần Việt Dzũng qua Toronto làm Mc Hội Chợ Tết, gặp tôi ở hậu trường Dzũng vồn vã: “anh Ba, khoẻ không?”, rồi không đợi tôi trả lời Dzũng cười cười tiếp ngay: “Trở lại với anh em Hưng Ca đi chớ, cha nội!”. Xưa nay Việt Dzũng vẫn vậy. Hiền hòa, giản dị, hiếu khách, rất vui tánh. Lúc chuẩn bị ra sân khấu, Dzũng ngỏ ý muốn giới thiệu một bài nhạc miền núi của tôi trên Trung tâm Asia, tôi gật đầu nói sẽ email bản nhạc cho Dzũng.  Xiết chặt tay tôi, Việt Dzũng dở giọng miền Nam hào hứng: “Nhớ nghen, anh Ba?”.

Mấy ngày gần đây, người Việt trên toàn cầu đều hết lòng bày tỏ nỗi thương tiếc trước sự ra đi đột ngột của Việt Dzũng, cũng như đã hết lòng ca ngợi, vinh danh người nghệ sĩ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền này. Vì thế tôi có nói thêm những lời buồn bã hay thán phục tài năng và lòng yêu nước của người bạn cũng bằng thừa. Cho nên ở đây tôi chỉ muốn kể lại chút kỷ niệm với Việt Dzũng trong những năm tháng sinh hoạt cùng phong trào Hưng Ca mà thôi. Lời lẽ của tôi giản dị như thế này:
Năm 1985, Phong Trào Hưng Ca Việt Nam được thành lập bởi một số anh em ca nhạc sĩ có lòng yêu nước, muốn quang phục quê hương, đất nước bằng những bài hùng ca. Một hôm, sau vài chuyến lưu diễn về, để cho thân mật hơn, anh em Hưng Ca từ bốn phương ngồi lại vui vẻ “phân chia ngôi thứ”. Kết quả: Hà Thúc Sinh, anh cả. Huỳnh Công Ánh, anh hai. Phan Ni Tấn, anh Ba…, Việt Dzũng là út. Đó là lý do tại sao sau nhiều năm gặp lại, chú út Việt Dzũng vẫn thân mật gọi tôi là “anh Ba”.
  

Phan Ni Tấn (trái), Hà Thúc Sinh, J. Bông, Nguyệt Ánh, Việt Dzũng, Bùi Bảo Trúc, Nguyễn Hữu Hiệu & Nguyễn Xuân Hoàng (Washington, D.C 1985)

“Nhớ nghen, anh Ba?”. Tôi cười nói “nhớ” nhưng rồì cuộc sống xô bồ, đầy những đổi thay làm tôi vô tình quên luôn lời hứa của mình.
Trong thời gian xách đàn đi lưu diễn với anh em trong Phong trào Hưng Ca, tôi có viết loạt bài về những khuôn mặt Hưng Ca, trong đó tôi gọi chú út Việt Dzũng là Tiếng Hát Hoạn Nạn. Hoạn nạn trên đôi nạn gỗ; hoạn nạn trên lời ca tiếng hát và trên quê hương khốn khổ của mình.
Tháng 7/2006 tôi bay qua Houston, Texas, hát cho một chương trình gây quỷ ung thư, chủ đề “Đêm Tình Ca và Cuộc Sống” với Khánh Ly, Lệ Thu và Anh Dũng. Lần này Việt Dzũng lại làm Mc. Vừa gặp tôi, chú út “quạt” liền: “Nhạc đâu, anh Ba? Hứa lèo wá dzậy, cha nội”. Nghe cái giọng Bắc pha Nam của chú út làm tôi bật cười, nói lần này về gởi liền. Lần nữa tôi lại… quên.
 

 Tôi quên. Nhưng chú út Việt Dzũng không quên. Nghĩa là từ ngày tôi và cây đàn trở về từ Houston đến nay cũng đã ngót bảy nằm ròng, không thấy tôi “giữ lời hứa”, Việt Dzũng lại gọi điện thoại giục giã đòi nhạc. Những năm tháng gần đây sức khoẻ của Việt Dzũng ngày càng hư hao nhưng trí nhớ còn minh mẫn lạ  lùng. Lần này tôi mò trong máy comp. lôi ra bản nhạc email cho Việt Dzũng ngay.

Vậy đó. Vậy mà vừa nhấn chữ “Send”, ngay lập tức email của tôi bị trả về. Tôi gởi lại vẫn bị; kiên nhẫn đến lần thứ ba cũng cứ “hoàn cố chủ”. Tánh tôi trầm ngâm ít nói, không thích kể lể dong dài với chú út về tình trạng này nên tôi… bỏ Việt Dzũng luôn.
 

Phan Ni Tấn (trái), Khánh Ly & Việt Dzũng
Tôi nói “bỏ” cho đỡ bực cái Yahoo “cà chớn”. Nhưng không ngờ, chưa bao lâu đã nghe tin Việt Dzũng sớm bỏ cuộc đời đầy khổ đau này mà đi. Nhà Phật nói ở đời cái gì cũng tùy duyên. Quả là chúng tôi vô duyên thật.
Ở hải ngoại, ngoài các Trung tâm Vân Sơn, Trung tâm Tình…, còn có hai trung tâm âm nhạc lớn là Asia và Thúy Nga. Khoảng vài năm trở về trước, tôi nhận thấy thỉnh thoảng trong các chương trình văn nghệ Paris By Night của TT Thúy Nga có trình diễn vài ca khúc cải biên về các dân tộc thiểu số miền Thượng du. Tuy nhiên, cách phục sức và những điệu múa đã không thể hiện đúng với truyền thống lâu đời của nguời miền cao. Đành là thời buổi hiện đại cần phải thực hiện cho phù hợp với phong cách trên sân khấu nhưng tôi vẫn lấy làm tiếc.
Riêng TT Asia hầu như không lưu tâm đến những loại nhạc này, kể cả những ca khúc mang âm hưởng miền Nam. Đây cũng là một thiếu sót đáng tiếc.
Bây giờ Việt Dzũng đã đi rồi. Việt Dzũng ra đi không mang theo được bài thơ Người Khiêng Theo Những Cục Đá của Bút Sáng, thương tiếc Việt Dzũng thật chí tình: 
những ngày xa lắm
của ngã ba ông tạ
con xe đỗ đầu xóm
bác tài dìu anh vào thăm bố làm việc
tuổi trẻ xanh biếc
anh cùng trường
chúng ta thấy nhau mà chưa gặp
những đắng cay sau này
tôi chia với anh rất nhiều mà vẫn chưa gặp
anh đã cắm vào tôi
như gieo mạ
xin cám ơn
đã cho tôi đôi nạng 
anh mãi mãi còn nặng nợ
Người đi xa
vẫn cố khiêng theo những cục đá khổ thân
để người ở lại không còn gì để ném nhau
như Jesus đã dặn
như Phật đã nghiệm
Dzũng ơi, anh để lại những mùa Noel có thật 
anh mãi mãi một trái tim
như trái phá xóa bỏ bạo quyền
như vú mẹ ngày nâng dậy quê ta 
tôi nghe  từ quê hương lời nguyền
Tuổi Trẻ hôm nay
bước chân chú Dzũng
Tổ quốc ghi công Việt Dzũng
Phan Ni Tấn 
Nhưng Việt Dzũng ở bên kia thế giới có thể nghe được ca khúc này, ca khúc mà trước kia chú út có ý muốn giới thiệu trên Trung tâm Asia:
  
Đứa Con Của Mẹ Núi – Phan Ni Tấn 
http://phailentieng.blogspot.com/2022/12/viet-dzung-tieng-hat-hoan-nan-phan-ni.html