TÔI VIẾT CHO ANH “Ngục Sĩ Nguyễn Chí Thiện” KỶ NIỆM LẦN GIỖ ĐẦU-DƯ THỊ DIỄM BUỒN

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

     Gia đình tôi rời bỏ nước Cộng sản Việt Nam, nơi sanh ra và lớn hơn nửa đời bên đó! Chúng tôi bôn đào bằng thuyền chài để tìm tự do như bao nhiêu dân Việt sau 30 tháng 4 năm 1975, ngày Cộng sản và Việt cộng cưỡng chiếm miền Nam.

Cùng số phận những người chung chuyến hải hành, chúng tôi ra đi có hai vợ chồng và hai đứa con, gái lớn 6 tuổi, trai kế 5 tuổi. Nửa tháng lênh lênh trên biển cả, nhờ Ơn Trên cuối cùng rồi cũng tấp được vào đất liền của nước Mã Lai.

Những tưởng đã được cứu, nhưng hai ngày sau tàu chúng tôi bị kéo bỏ ngoài hải phận… Nhưng họ cũng còn có lòng cho một ít lương khô, và chỉ đường để đi đến một nước khác! Chuyến hải hành gian nan nối tiếp nầy thiệt thừa chết, thiếu sống cho một chiếc tàu sắp hết xăng dầu, sức người đã cạn, và niềm hy vọng cũng gần vỡ tan!

Đêm bị kéo bỏ ngoài hải phận, trên trời cao mây đen che phủ không thấy một ánh sao. Sóng gió dập dồn, mưa như thác đổ và biển gầm gừ cuồng nộ như muốn nuốt trọn con tàu. Lúc bấy giờ những thuyền nhân chúng tôi hồn ai nấy giữ, con Chúa cầu Chúa cứu, con Phật xin Phật hộ độ cho trận cuồng phong bảo biển lắng xuống… Thuyền lao đao nghiêng trèo trẹo, nước rỉ vào! Ôm hai con vào lòng tôi nguyện cầu và phú số mạng cho Trời cao!

Từ thuở ấu thơ, tôi được sống trong gia đình theo đạo Khổng, tin có Thượng Đế, tin vào thuyết nhà Phật, ở hiền gặp lành, làm ác gặp dữ, có sự trả vay. Cho nên tôi tin rằng mọi thứ trên cõi đời nầy đều do sự sắp xếp và an bài của Ơn Trên! Trong cơn mưa gió, con tàu chúng tôi đang đi ngất ngư, xập xình, lừ đừ nương theo sóng, như mấy bà bầu nặng nề sắp tới ngày sanh. Nhưng tôi nghĩ như vậy cũng còn đỡ hơn nằm ì một chỗ chờ chết trong khi giông bão dập dồn!

Tôi giựt mình sau cơn chập chờn thiếp đi hồi nào không hay biết, vì lo sợ, vì mệt mỏi… Một vài người bên cạnh vẫn còn ngồi đó, có bà đang lần chuỗi thánh giá, có bà lần chuỗi bồ đề, và ông kia chắp tay trước ngực miệng đang khấn nguyện lâm râm. Tôi chép miệng khổ sầu lẫn đắng cay nhìn hai con chúi vào nhau ngủ, chúng thở thoi thóp mệt nhọc, và mặt mày xanh xao như hai xác chết! Gia đình đang lâm vào thảm cảnh não nùng, gần như mất hết hy vọng vào được bến bờ… Nhưng tôi không cảm thấy hối hận, hay tiếc nuối một chút nào về việc trốn chạy khỏi nước Cộng sản của mình, cho dù toàn gia có bị dìm sâu trong lòng đại dương là nguyệt mộ!

Tôi chập choạng đứng lên, đi lần đến cầu thang ngắn, bước từng bước khập khễnh, mệt mỏi leo lên bon-tàu. Thuyền nhân mệt mỏi, mặt mày xác xơ, áo quần xốc xếch kẻ nằm ngang, người nằm dọc la liệt! Mọi người chung chuyến tàu vượt biên không còn hy vọng gì, chỉ nguyện cầu và phú mạng cho Đất Trời trong cơn bão biển đêm qua!

Hiện hữu trước mặt tôi giờ đây biển thật hiền dịu êm đềm, nước trong xanh ở gần và trở màu xanh sậm đen ở xa tầm mắt. Trên mặt biển sóng gợn lăn tăn loang loáng chấp chóa những tia ngủ sắc, bởi chói rọi bởi ánh sáng của vầng thái dương, ngạo nghễ nhú lên dần dần ở phương đông. Tôi hít dài không khí trong lành vào buồng phổi, rồi thở ra… nghe lòng khoan khoái ấm nồng và niềm hy vọng đang nhen nhúm trong tâm hồn.

Thuyền chúng tôi bảy ngày sau được ghé Nam Dương quần đảo. Rồi vài tháng chuyển từ đảo nầy qua đảo khác như: Terampa. Kuku… đến Ga-Lăng là trạm chót trước khi được định cư ở Mỹ! Thời gian sống ở đảo có mấy chục ngàn người (đảo Galăng) vượt biên tị nạn Cộng sản đó, chúng tôi thấu hiểu thêm tình người, tình đời… và có cảm tưởng như một lần nữa được tái sanh trên thế gian nầy!

Đến đựợc lãnh thổ của nước thứ hai, thì trước sau gì đại đa số những thuyền nhân, rồi cũng được đi định cư ở một đệ tam Quốc Gia Tự Do khác! Gia đình bốn người chúng tôi được vào Hoa Kỳ, và tạm cư ở tiểu bang Illinois (ngoại ô thành phố Gió Chicago). Tiểu bang nầy có thời tiết khắc nghiệt lạnh nổi tiếng là một trong những tiểu bang lạnh nhứt nước Mỹ…

Rồi vợ chồng tôi cũng xin được vào làm “cu-li” để nuôi năm miệng ăn. Bởi một năm sau ngày đến Mỹ, chúng tôi có thêm một bé trai nữa.
Ngày lại ngày qua ở xứ người có bốn mùa rõ rệt: xuân, hạ, thu, đông. Mỗi ngày như mọi ngày và dài theo tháng, theo năm: Cứ tám giờ đi làm việc, chiều về an vui với con cái. Hai đứa lớn đã được vào trường học, và lớn dần theo thời gian. Hai vợ chồng tôi chịu khó chịu cực, an phận sống khiêm nhường chắt mót với lương phạn mình làm ra, trong một nước tiền rừng bạc biển, vật chất có thừa và thật sự tự do! Lương lãnh sau hai tuần một lần, nhập lại của hai vợ chồng: Một tháng đóng tiền nhà, hai mươi ngày ăn hà tiện. Mười ngày tiêu xài linh tinh mọi thứ, và dành dụm gởi về cho người thân còn kẹt bên kia bức màng tre!

Sang xứ người gần mười năm sau tôi mới được xem sách báo Việt Nam (in ra ở xứ người). Lâu lâu vớ đâu đó được xem một tờ báo xuân cũ ra cũ rích trước năm 1975 ở miền Nam, của ai đó mang theo… cho nên hiếm và quý như vàng! Nhạc trong băng cassette vùng tôi phải mua bảy đô-la/1 băng, nhưng chỉ nghe được chừng một băng, còn mấy băng kia hụt hẫng, cà-lăm không nghe được… Nhưng thèm quá cũng phải mua nghe, để hồi tưởng và để thương để nhớ thời đã qua nơi cố quốc.

Hôm đó tình cờ có duyên, một đồng hương gặp tôi anh cười hề hề:

– Tôi đi thăm bà con ở tiểu bang khác, thấy tập thơ nầy để trong chồng sách báo cũ, tôi chớp về tặng chị. Truyện, tiểu thuyết thì tôi còn đọc lai rai, chớ tôi không thích thơ chị ơi…

Cảm ơn anh ta, đỡ lấy tập thơ, tôi chợt giựt mình và mừng rỡ trong lòng mau lẹ cẩn thận để sâu vào xách tay. Tôi sợ ai thấy sẽ mượn xem, hoặc anh ta đổi ý lấy lại thì tôi sẽ buồn lòng lắm lắm! Vì đó là tập thơ “Hoa Địa Ngục” bằng bản sao (copy) trên giấy trắng mực đen! Tập thơ “Hoa Địa Ngục” với anh bạn tôi thì hết sức dửng dưng, nhưng với tôi đây món quà quý vô cùng, vì thuở đó có tiền muốn cũng chưa chắc mua được!

Theo báo chí tôi xem trước đây, và biết được tác giả là người miền Bắc, đã bị mấy mươi năm tù, và còn đang kẹt ở trong nước! Tôi về xem đi xem lại tập thơ “Hoa Địa Ngục” và cẩn thận cất kỹ trong tủ vì sợ có người muợn rồi vì lý do gì đó không trả… Tôi trân quý đọc đi đọc lại nhiều bài tôi thích… cảm thấy xót xa, xao xác cõi lòng… thương cho một kiếp người bất hạnh sanh nhầm thế kỷ dưới một chế độ vô nhân!

Rồi thời gian lặng lẽ trôi, người Việt trên đất Mỹ ngày càng đông. Văn học nghệ thuật của người Việt lưu vong ngày theo đà tiến triển. Ở các thành phố lớn có báo tuần, bán nguyệt san, còn nguyệt san gần như đều có ở các tiểu bang nhiều người Việt cư trú… Các đoàn thể, đảng phái… chống Cộng mỗi lúc một rầm rộ hơn, sau khi cựu tù nhân Chánh trị (tù cải tạo) được vào Mỹ theo diện H.O, con lai được sang Mỹ… Tin tác giả của tập thơ “Hoa Địa Ngục” đã đến Mỹ…

Ngày đó cựu tù nhân Chánh trị, và các đoàn thể chống Cộng vùng Chicago mời Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, và tác giả tập thơ “Hoa Địa Ngục” Nguyễn Chí Thiện qua thanh phố Gió Chicago nói chuyện, nhân dịp ngày Quân lực 19 tháng 6 của Việt Nam Cộng Hòa.
Trong dịp nầy tôi hân hạnh được diện kiến ông Nguyễn Chí Thiện. Trong hội trường, ông ngồi trên bàn diễn giả cách tôi khoảng bốn hàng ghế. Hội trường là một nhà hàng chứa khoảng 400 khách, mà hôm đó số người đến tham dự quá đông (khoảng 600, 700 người) Bên trong hết chỗ, khách đến tham dự phải đứng tràn ra ngoài cửa trước, và hai bên cửa hông…

Trong tôi, ông nguyễn Chí Thiện dáng người cao ráo, gầy, khuôn mặt xương hơi dài, mũi cao. Ông có hàm răng hơi nhô lên mà vùng quê chúng tôi, chòm xóm thường gọi là hô nứu.

Tôi vẫn nhớ ông chồng của em gái má tôi (dượng rể tôi) người miền Bắc, thuở thiếu thời khoảng chín, mười tuổi có lần cả gia đình ngồi ăn giỗ ở nhà ngoại, tôi khều ông dượng rể hỏi:

– Dượng Tư à, sao ở miền Bắc nhiều người có răng hô quá vậy?

Ông dượng tôi đang ăn khựng lại, còn má lườm tôi khẽ bảo:

– Ăn đi, nhiều chuyện, đừng có hỗn…

Ông dượng cởi mở, cười cởi mở nhìn tôi:

– Cháu có biết tại sao không? Tại vì ngoài đó ăn rau muống nhiều quá nên người ta dễ bị răng hô…

Tôi không vừa ý với câu trả lời của dượng, nhưng cũng im lặng gật đầu, vì má đang nhìn tôi với đôi mắt nghiêm khắc! Bây giờ thì má tôi và ông dượng rể đã ra người thiên cỗ! Ngoài ra, ông Nguyễn Chí Thiện trong tôi còn có đôi mắt buồn hắt hiu! Cho dù có mỉm cười đi nữa, cũng không làm sao khỏa lấp được nỗi buồn sâu kín ẩn tiềm trong đôi mắt của ông!

Sau lần nghe buổi nói chuyện của Linh Mục Lễ, và ông Nguyễn Chí Thiện, tôi cảm thấy thán phục nhiều hơn về sự chịu đựng, kiên nhẫn và bất khuất của hai ông.

Bẵng đi thời gian dài, lại có những tin đồn không được tốt về tập thơ “Hoa Địa Ngục” về Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện. Những tin đồn lớn dần với những bài viết của các tác giả khác nhau liên tục chỉ mũi dùi về ông. Có lẻ vì thế đã khiến cho một số người không còn có thiện cảm với ông, như thuở còn kẹt ở Việt Nam và mới đến Mỹ!

Cho mãi đến năm 2007, nhà văn Hồ Trường An ở Pháp qua dự buổi Văn Học Nghệ Thuật ở Washington, ghé thăm San Jose mệnh danh là Thung Lũng Hoa Vàng. Tiện dịp chúng tôi (về phần tôi thì sai vặt) tổ chức ra mắt cuốn bút khảo “Quê Nam Một Cõi” của ông vừa in xong.

Mèn ơi, thư mời gởi đi chưa được ba bữa thì ông Hồ Trường An bị đánh phá trên Internet tưng bừng hoa lá! Những văn nhân thi sĩ tài hoa ở Thung Lũng Hoa Vàng có người đã thành danh, quen biết ông Ông Hồ Trường An từ còn trong nước, và một số ở hải ngoại. Họ đã hứa với ban tổ chức: Kẻ sẽ giới thiệu tác giả, người hứa giới thiệu tác phẩm, phát biểu ý kiến v.v và v.v… Nhưng ngày mai ra mắt sách, thì chiều đến, nhiều người gọi điện thoại lại từ chối bằng cách: có người bị nhức răng, kẻ đau đầu, nóng lạnh, người đau bụng, cảm cúm, bất ngờ phải đi xuyên bang…

Từ ngàn xưa đã có câu: “Tào Tháo còn có bạn/ Quan Công vẫn có kẻ thù” mà! Vả lại Hồ Trường An là một nhà văn có tầm vóc trong văn giới từ còn trong nước và mấy chục năm nay ở hải ngoại. Độc giả của ông rải rác gần như ở khắp mọi nơi… Cho nên buổi ra mắt sách hôm đó thành công ngoài sức tưởng tượng của ban tổ chức! Riêng tôi vừa mừng, vừa hú hồn hú vía lạy tạ ơn Trời Phật!

Trong buổi ra mắt sách của nhà văn Hồ Trường An, tôi gặp lại tác giả tập thơ “Hoa Địa Ngục” Thiệt là sự vui mừng bất ngờ, một người khách không mời mà đến (vì chúng tôi không biết ông ở đâu để mời) Anh cho biết có nghe báo chí và trên các đài địa phương thông báo. Anh đến dự với tư cách là một một độc giả, là một đồng điệu với tác giả. Anh Hồ Trường An, cùng anh Nguyễn Chí Thiện gặp nhau tay bắt mặt mừng, và ngồi nói chuyện đến tàn buổi ra mắt sách mới chia tay.

Anh Nguyễn Chí Thiện trong tôi hôm nay vẫn dáng cao, thâm trầm, ít nói, mặc dù hơi tròn hơn một chút. Và đôi mắt anh lúc nào cũng buồn vời vợi sâu thâm thẩm như lần đầu tôi gặp!

Nhà văn Hồ Trường An ở Pháp, tôi ở Mỹ. Chúng tôi cách xa nhau hơn nửa vòng trái đất. Trong dịp điện đàm, có lần anh vui miệng hỏi tôi:

– Chị thấy ông Nguyễn Chí Thiện Thế nào?

Tôi ngạc nhiên:

– Thế nào là sao, tôi chưa hiểu ý anh?

– Thiên hạ bảo ảnh ăn cắp thơ… và…

– Ờ, tui cũng có nghe nhưng không để ý, và thật sự tui cũng không biết gì về chuyện đó nên không trả lời anh được! Còn anh thì sao, anh có nghĩ và thấy gì từ lúc ra ngoại quốc đến giờ ông Nguyễn Chí Thiện có viết lời nào, nói câu gì, hoặc hành động gì có lợi cho Việt cộng chưa? Hay ông đã làm gì có hại cho người Quốc Gia ở hải ngoại không?

Đầu dây bên kia anh Hồ Trường An cười hề hề:

– Bí Thư Cộng Sản Nam Tư đã nói: “Hai mươi (20) tuổi theo Cộng sản thì không có trái tim/ Bốn mươi (40) tuổi không bỏ Cộng sản là không có cái đầu” Tổng Thống Nga Vladimir Putin cũng đã nói: “Kẻ nào tin những lời Cộng sản nói là không có cái đầu/ Kẻ nào làm theo Cộng sản là không có trái tim” Tôi cũng không tin anh Nguyễn Chí Thiện có chuyện đó!

Tôi mỉm cười một mình, nhìn ra cửa số. Trời hôm nay trong như ngọc bích, cao vòi vọi và in những đám mây trắng như bong gòn nhè nhẹ trôi theo hướng gió. Tôi nói tiếp:

– Tôi thích thơ trong “Hoa Địa Ngục” nhưng không phải bài thơ nào của anh Nguyễn Chí Thiện tôi cũng thích! Và tôi quả quyết chắc chắn đúng 100% không sai ở một điều là ổng đã bị giam cầm trong tù Việt cộng! Thiệt ổng quả là một người bất hạnh đã sanh ra không đúng thời, và lọt trong chế độ Cộng sản! Tôi thật sự cảm phục một người sống chung với Cộng mà không theo Cộng. Ổng đã bị chúng giam cầm hai mươi bảy năm trời! Giam cầm người ta hai mươi bảy năm! Anh nghĩ xem, kiếp con người có bao nhiêu lần cái hai mươi bảy năm? Tội tình gì mà dập dùi người ta như thế, thiệt là một lũ quá ác độc nhẫn tâm và cay nghiệt, rồi đây trời sẽ không tha đất sẽ không dung bọn đó đâu…

Dòng đời cứ trôi mãi trôi, cả ba đứa con chúng tôi đều lớn và đã đi làm, không còn nhờ cha mẹ nữa. Theo thời gian con người không sao tránh khỏi sự đào thải của tạo hóa bởi bịnh tật, già nua… rồi chết. Chúng tôi nay cũng đã hai màu tóc, chân yếu, mắt mờ… có muốn giúp con cũng không làm nỗi để giúp chúng như lúc còn trẻ. Và sanh, lão, bịnh, tử của kiếp con người cứ lởn vởn chung quanh. Rồi đây kẻ trước người sau sẽ có một ngày ra đi… không một ai tránh khỏi!

Nhà văn, nhà biên khảo, nhà phê bình Hồ Trường An cũng đang dưỡng bịnh. Ông bị stroke mấy năm trước đến nay vẫn chưa đi đứng được! Và những người lớn tuổi đã lần lượt lìa bỏ cõi đời như cụ: Hà Thượng Nhơn, Sơn Điển Nguyễn Viết Khánh, nữ sĩ Trùng Quang… Và gần đây, nhạc sĩ Trần Trịnh cũng đã ra đi.

Hôm nay California trời đã vào thu, gió man mác, the the lành lạnh. Cái lạnh dễ chịu về mùa thu của miền Nam nước Mỹ đã ướp vàng sắc lá. Những chiếc lá lảo đảo rơi rớt lác đác trên mặt cỏ úa, trên mặt đường nhựa xám đen lạnh lùng! Sau nhà tôi trên không gian nặng màu mây xám, bầy chim trời rời ổ xoãi đôi cánh miệt mày bay, rồi mất hút trong sương mù dầy đặc, âm u, mờ mịt vân vê trên dãi đồi xa xa…

Tin trên Internet:

“Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện”
Đã vĩnh viễn ra đi
Ngày 2 tháng 10 năm 2012,
Hưởng thọ 73 tuổi

Tôi chợt nhớ đã nghe nói, hay đọc ở đâu đó: “Dù đã sẵn sàng hay còn chưa chuẩn bị, nhưng rồi một ngày kia, chúng ta cũng phải chia tay thế giới này! Tiền bạc, danh vọng, quyền lực… tất cả với ta cuối cùng cũng sẽ trở thành vô nghĩa. Còn ý nghĩa chăng là những gì ta tạo ra đối với thế giới này…” Thở dài và bùi ngùi xúc động tôi cảm thấy xót xa, nghiệt ngã cho một kiếp người! Tôi kính ngưỡng thương Ngục Sĩ Nguyễn Chí Thiện với chí kiêng cường, bất khuất suốt hai mươi bảy năm bị đọa đày cay đắng trong lao tù dưới chế độ Cộng Sản nơi ông sanh ra và lớn!

TÔI VIẾT CHO ANH

“NGỤC SĨ NGUYỄN CHÍ THIỆN”

Chi-ca-gô vào một chiều nhạt nắng
Lưu lạc xứ người có buồn không anh?
Hắt hiu gió lạnh, nhưng tình người ấm
Trời vàng thu lá phai sắc sa cành!

Đôi mắt anh ẩn nỗi niềm sâu thẳm!
Xót tình người, đau vận nước nổi trôi?
Tháng năm dài đọa đày trong trại cấm!
Tù ngục riêng mang uất hận ngút trời!

Phải anh trót sanh ra nhầm thế kỷ?
Trong một chế độ vô thánh, vô thần
Cả bọn cầm quyền vô tâm, nghịch lý
Đầu độc dân lành mất hết thiện, nhân

Cộng: đảng trị, độc tài, ham đánh đấu…
Không nghe, chúng sẽ trù dập khảo tra!
Phải theo chúng là con đường tối hậu!
Chống lại, đuổi tận giết tiệt… không tha

Nguyễn Chí Thiện, đã làm chi nên tội?
Mà dãi dầu hai mươi bảy năm tù?
Phải anh biết chúng diệt chủng, gian dối…
Nên bị gày án phản động thiên thu…

Hỏi Cao Xanh, bao nhiêu năm một kiếp?
Lấy quyền gì, lại bắt bớ cầm giam?
Đời nhân thế mong manh như giấc điệp
Sao nở đành? Cùng dòng giống Việt Nam!

Anh như đóa hoa sen vùng Đồng Tháp
Trong đìa ao chẳng vướng bợn mùi bùn
Không theo Cộng, dù sống trên đất Bắc
Thà tù, không luồn cúi để ung dung!

“Hoa Địa Ngục” những vầng thơ diễm tuyệt
Bên trời tự do bừng nở ngát hương…
Là gương soi cho những người dân Việt…
Cho những ai không Cộng sản tha phương

Tôi gặp anh hôm nào nơi phố Gió
Mười mấy năm sau, thung Lũng Hoa Vàng
Thơ, văn chương… thuyết minh trong lần đó
Đồng điệu Văn Nghệ Sĩ, Hồ Trường An…

Xin ngưỡng phục văn, thi nhân… chống Cộng
Dùng cây bút thép diệt ác, tà tâm…
Dù bị chụp mủ, hàm oan trầm thống…
Vẫn sáng trong như nhật, nguyệt đêm rằm

Kiếp nhân sinh, cõi đời nhiều hệ lụy!
Danh, tiền, tài … hủy diệt với thời gian
Văn chương đổi thay theo thời… tích lũy
Tấm lòng son mãi chói lọi huy hoàng

Cộng sản tàn độc xích xiềng, chém giết
Giàu, sang, phú quý… rồi cũng buông rơi
Nhân thế tị hiềm, ghét, ganh cay nghiệt…
Mong được bình an ơn phước Đất Trời

Xin tạ ơn người khai đường mở lối…
Không vì lợi riêng, quỳ lụy ác gian
Kẻ cầm bút vạch trần… vô tiếc hối
Nguyễn Chí Thiện, nêu cao ngọn bút vàng

Mây thu tím, nắng Ca-Li nhàn nhạt!
Tin đưa về anh vĩnh viễn ra đi!
Gió ướm lạnh lá vàng rơi lác đác
Mưa sụt sùi đẫm ướt cánh chim di!

Anh đi rồi, để buồn thương nuối tiếc…
Bất khuất, kiên cường… lưu mãi ngàn sau
“Ngục sĩ” ơi, nghẹn tâm tình tống biệt!
Cõi lòng tôi, lệ kính ngưỡng dâng trào!

Thật sự tôi chưa có khả năng thẩm định chuyện gì khác, ngoài cảm nhận của một độc giã về văn thơ Ngục Sĩ Nguyễn Chí Thiện. Tôi viết sau khi được tin anh qua đời, để tỏ lòng kính ngưỡng một văn nghệ sĩ 27 năm bị đọa đày trong ngục tù Cộng Sản! Mà kiếp con người trên thế gian nầy có được bao nhiêu lần 27 năm!

DƯ THỊ DIỄM BUỒN
Tuyển tâp văn “Niềm Thương Nỗi Nhớ”
ĐT: (530) 822 5622
Email: dtdbuon@hotmail.com