THỬ NHÌN LẠI Ý NGHĨA EXODUS CỦA MAYFLOWER (1607) VÀ EXODUS CỦA BOAT PEOPLE (1975)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nguyễn Anh Tuấn
(The Vietnamese American Political Study Group in America.)

THỬ NHÌN LẠI Ý NGHĨA EXODUS CỦA MAYFLOWER (1607) VÀ EXODUS CỦA BOAT PEOPLE (1975)

Kể từ ngày 30-4-1975 cho đến hôm nay đã gần 30 năm. Tôi vẫn còn nhớ những ngày ấy, ngày tôi dắt díu vợ và đứa con thơ dại xuống tàu HQ 402, bỏ Saigon ra đi tỵ nạn cộng sản. Trên sông Nhà Bè tôi đứng trên boong tàu nhìn thành phố thân yêu trong cơn hấp hối mà đớn đau nước mắt tuôn rơi. Nhìn những đám khói bốc lên trên thành phố tội tình, tôi có cảm giác Saigon đang run rẩy trong sợ hãi kinh hoàng. Trước nỗi uất nghẹn và tủi nhục của Saigon, tôi bỗng ý thức được tất cả sự bé nhỏ trong thân phận của người dân Việt trước bom đạn của những kẻ chiếm đóng. Họ quá dữ dằn và thô bạo – thô bạo đến nỗi man rợ mà chẳng ai làm gì được họ. Thế là độc tài đã chiến thắng tự do!

Tất cả thế giới im lặng để cho cái “tiền đồn của thế giới tự do” chết trong ngậm ngùi, chết trong sợ hãi và cô đơn! Tôi đã bỏ nước, bỏ Saigon ra đi từ ngày đó, mang theo trang sử u ám và buồn bã của một quốc gia tự do dân chủ vừa mới phôi thai đã bị làn sóng vô thần và duy vật vây hãm rồi dìm chết! Trong âm thầm và uất nghẹn, tôi đã nói với Saigon lời từ giã và hứùa một ngày sẽ trở về như dân Do Thái lúc lưu đày, hứa trở về để xây dựng đền thờ Jesusalem của họ. Khát vọng tự do và khát vọng chân lý xô đẩy tôi và đoàn người tỵ nạn cộng sản vô thần ra biển Thái Bình Dương để mở đầu một trang sử mới. Đó là HÀNH TRÌNH TÌM TỰ DOLẼ SỐNG của bao triệu người Việt Nam. Từ đó cả một bầu trời văn minh của nhân loại đã mở ra để cho đoàn người tỵ nạn bước vào.

Đứng trước những ức chế, đàn áp và hành hạ con người nắm giữ quyền thế và quyền lực chính trị quốc gia trên dòng lịch sử mấy ngàn năm của nhân loại, có lần Jean Jacques Rousseau đã than thở: “Con người sinh ra đều tự do và bình đẳng, nhưng khắp nơi con người luôn luôn phải sống trong xiềng xích nô lệ!” Nhưng cũng trong một dòng lịch sử từ gần 3,000 năm qua, kể từ ngày Moses dẫn dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, băng qua Biển Đỏ, tức Hồng Hải, rồi băng qua sa mạc 40 năm để tìm về Đất Hứa (promised land) ở Canaan- những cuộc tranh đấu cho quyền sống, quyền tự nhiên (natural rights) và quyền tư hữu cũng luôn luôn diễn ra khốc liệt và bền bỉ trong suốt dòng lịch sử. Tại Hoa Kỳ, có lần một học sinh đã nói: “Cho tôi tự do hay cho tôi cái chết!” (Give me liberty or give me death). Sự khao khát tự do thật là bức thiết đối với con người!

Theo Leroy Curry, “Kể từ ngày đầu tiên tiếng nói của tự do đã vang lên trong rừng vắng tại Hoa Kỳ, chúng ta đã từng thuyết giảng về tình anh em; và chúng ta đã từng được dạy dỗ rằng phục vụ là nhiệm vụ cao cả; bởi vì đó là một lý tưởng của Hoa Kỳ và cái lý tưởng đó đã đem đi khắp nơi trên thế giới. Chúng ta đã có 6,000 năm lich sử được ghi lại – Đó là một thế giới cũ (Old World) và thế giới đó đã chẳng bao giờ biết đến hòa bình. Sự thật này đưa chúng ta đến chủ điểm là phải liên tục có một bảo đảm về quyền uy chính trị và phải dùng quyền uy này để tạo những lý tưởng cho hòa bình của thế giới. Một lý tưởng của Hoa Kỳ mà phần lớn người dân đã được thuyết minh ngay từ những ngày quốc gia này mới được khai sinh ra” (Leroy Curry,p. 179).

Tôi không hiểu có người Mỹ nào đã nhìn cuộc hành trình tìm tự do của người Hoa Kỳ từ gần 400 năm qua là exodus thứ hai của lịch sử nhân loại chưa? Riêng tôi, sau gần 30 năm tìm kiếm những sự thật của lịch sử nhân loại, đặc biệt là thánh sử và lịch sử chính trị và ngoại giao Hoa Kỳ, kể từ ngày chiếc Mayflower và Speedwell đến Tân Thế Giới (New World) vào 1607. Tôi bỗng nhận ra trong suốt gần 3,000 năm lịch sử đã qua, nhân loại có 3 chuyến exodus:

  1. Chuyến exodus đầu tiên la øhành trình tìm tự do của dân Do Thái, do Moses với sự dẫn đường của Thiên Chúa để đưa dắt dân Người ra khỏi Ai Cập, băng qua Biển Đỏ để đi trong sa mạc 40 năm để về Đất Hứa.
  2. Chuyến exodus thứ hai thuộc nhóm người Puritan và Pilgrim ở Anh đã vượt Đại Tây Dương để vào Tân Thế Giới năm 1607 và đặt những viên đá đầu tiên để xây nên cái mà họ nói là một nền văn minh mới (new civilization), xây nên một quốc gia và xã hội Hoa Kỳ mà người ta thường gọi là Tân Thế Giới.
  3. Chuyến exodus thứ ba thuộc nhóm người Việt Nam. Kể từ 30-4-1975, có gần 2 triệu người Việt Nam đã băng qua Thái Bình Dương để tứ tán trên khắp thế giới. Chính hàng ngũ Boat People và Walk People này đã làm rung chuyển lương tâm của Thế giời vào cuối Thế kỷ XX.

Nhưng ý nghĩa thâm sâu của những chuyến vượt biển, vượt biên nằm ở chỗ nào?
Ngày nay nhìn vào cả 3 chuyến Exodus, chúng ta nhận thấy cả 3 chuyến vượt biển: một băng qua Biển Đỏ, hai là băng qua Đại Tây Dương, và ba là băng qua Thái Bình Dương đều là hành trình đi tìm tự do và đi tìm đất sống của những kẻ đau khổ. Họ thường bị sống trong ức chế, trong đàn áp, trong kỳ thị và trong xiềng xích nô lệ. Như vậy hai chữ tự do không thể mang một ý nghĩa hời hợt và tầm thường khi con người quyết tâm liều chết ra đi! Vì thế đã đến lúc chúng ta cùng nhau duyệt xét lại ý nghĩa thâm sâu nơi ba cuộc hành trình đi tìm tự do trong suốt gần 3,000 năm của lịch sử nhân loại.

Bởi vì cả ba cuộc hành trình đi tìm tự do đó đều đã thể hiện trọn vẹn niềm khao khát chân chính nhất của con người và nhân loại. Và nếu cứu cánh tối hậu của các cuộc tìm kiếm của con người là hạnh phúc của họ, thì xã hội và quốc gia không thể quay lưng với niềm khát vọng chân chính của con người. Quốc gia và xã hội được xây dựng nên bởi con người, của con người và cho con người. Để có đuợc một xã hội lý tưởng như thế, quốc gia và xã hội phải tôn trọng tự do của con người (human liberty), và công lý của con người (human justice). Nhưng tự do của con người là gì? Nhân quyền cần thiết như thế nào cho đời sống cá thể và tập thể? Làm sao để xây dựng công lý? Giữa tôn giáo và chính trị liên quan với nhau như thế nào? Và quan trọng hơn hết là cả ba chuyến Exodus sẽ cho con người những ý nghĩa và giá trị lịch sử gì? Tại sao lịch sử con ngưởi lại chỉ có máu, nước mắt, sự đau khổ và sự chết? Làm sao để thay đổi những trang sử đen tối đó? Nếu hành trình tìm tự do của đoàn người vượt biển, vượt biên của người Việt Nam đã 30 năm, những con người đó học được bài học gì nơi các nền văn minh trên thế giới?

Ý NGHĨA CỦA CÁC CHUYẾN EXODUS


Nếu văn minh của Thiên Chúa Giáo (Christian civilization) bắt nguồn từ Cựu Ước và Tân Ước thì văn minh đó có những điểm gì khác với văn minh Tam Giáo: Lão – Phật – Khổng của Đông phương? Sự xuất hiện của Moses trong Cựu Ước đã nổi bật trong hành trình tìm về Đất Hứa. Chính trên hành trình này Chúa đã làm tất cả phép lạ để cho con người thấy quyền năng và thiên ý của Thiên Chúa. Biển đã mở ra cho đoàn người Do Thái bước qua, trong rừng vắng và sa mạc. Những đám mây và ánh sáng chỉ đường đã hiện lên để giúp cho đoàn người tiến bước đi về Đất Mới mà Thiên Chúa đã hòa với Abraham, tức tổ phụ của họ. Bánh Manna đã từ trời rơi xuống, và nước trong mát đã chảy ra từ tảng đá để nuôi sống đoàn người đi trong sa mạc 40 năm.

Từ ngọn núi Sinai, Thiên Chúa đã trao cho Moses 10 Điều Răn của Thiên Chúa (Ten Commandements) như một Giao Ước giữa dân được chọn và Thiên Chúa. Bốn (4) Đều Răn đầu tiên Thiên Chúa buộc con người phải hướng thượng để thờ lạy Thiên Chúa, và Sáu (6) Điều Răn còn lại là đặt ra mối tương quan giữa Người với Người. Đạo lý của người đối với trời gọi là Thiên Đạo, và đạo lý giữa người và người gọi là Nhân Đạo. Nhưng khi Moses từ núi Sinai đi xuống để trao cho dân Do Thái giao ước giữa Thiên Chúa và dân được chọn thì đoàn người đang đúc bò vàng để thờ lạy và tung hô. Moses đã giận dữ quăng tấm bia đá có 10 Điều Răn của Thiên Chúa xuống vỡ ra tan tành. Moses đã cảnh cáo đoàn người đừng phản bội Thiên Chúa của họ và đừng tôn thờ của cải vật chất của thế gian. Thiên Chúa đã không cho Moses vào Đất Hứa nên ông phải dặn Joshua, người kế vị Moses rằng: “Ta đã quá già và sẽ nằm xuống tại đây, nhưng còn ngươi – ngươi hãy nói với giống dân này rằng: hãy thanh tẩy (purify) và hãy giữ lấy những lời Giao Ước, hay Lề Luật của Thiên Chúa. Rồi đây chúng sẽ được sống trong tự do và hạnh phúc trên Đất Hứa; còn bây giờ chúng vẫn chỉ là những tên nô lệ!

Theo ngôn ngữ thông thường của các dòng đạo lý tại Đông phương thì Thanh tẩy (purify) mang ý nghĩa của tu tâm dưỡng tánh.
Vào thời Tân Ước, chính Chúa Jesus để nói với các tông đồ của Chúa rằng: “Ta đến đây không phải để xóa bỏ các lề luật cũ, tức các giao ước cũ mà ta chỉ tiếp nối và hoàn thiện nó mà thôi. Giao ước của ta thật đơn giản: “các ngươi hãy yêu Thiên Chúa của các ngươi hết linh hồn, hết trái tim, hết sức lực các ngươi và hãy yêu anh em như chính mình.” Đó là Giao Ước giữa Thiên Chúa đối với tất cả nhân loại; trong khi ấy Cựu Ước chỉ là một Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái mà thôi.

NHỮNG TIẾN HÓA CỦA 3,000 NĂM LICH SỬ VÀ THÀNH QUẢ CỦA MAYFLOWER.


Trong cuốn The Roots of American Order, xuất bản năm 2003 tại Wilmington DE, giáo sư Russel Kirk cho rằng: “Trật tự của xã hội Hoa Kỳ và toàn thể thế giới Tây Phương là sản phẩm tiến hóa của gần 3,000 năm lịch sử.” Kirk nhận thấy trật tự của xã hội Hoa Kỳ là kết tinh của kinh nghiệm lịch sử phát xuất ra từ Athens, Roma và London. Như vậy tất cả những tinh hoa của bao ngàn năm văn minh đã được đoàn người băng qua Đại Tây Dương bằng chiếc Mayflower chuyên chở tới một vùng Đất Mới với tất cả những tư tưởng mới, những định hướng mới đế xây dựng nên một quốc gia mới, và một xã hội mới dưới ánh sáng chỉ đường của một nền văn minh mới. Đó là TẤT CẢ Ý NGHĨA SÂU THẲM NHẤT CỦA CHUYẾN EXODUS THỨ HAI TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI.

  1. Tinh hoa đầu tiên mà Mayflower đón nhận là Jesusalem, tức những lời Giao Ước mà Thiên Chúa đã trao cho Moses trong chuyến exodus đầu tiên từ Ai Cập vượt biển về miền Đất Hứa từ gần 3,000 năm qua, những người Pilgrim và Puritan đã nhận được từ chiếc nôi văn minh của Cựu Ước mà ra.
  2. Tinh hoa thứ hai mà Mayflower thừa hưởng là tinh thần Cộng hòa và Dân chủ của Athens, và Roma cùng với những bộ luật của Do Thái và La Mã. Vì vậy tất cả triết lý và luật pháp của Hy lạp và La mã sau này trở thành gia sản cao quý cho hệ thống chính trị và luật pháp của Hoa Kỳ.
  3. Tinh hoa thứ ba đến từ London, Mayflower đã thừa hưởng một gia sản tinh thần lớn lao của Tuyên Ngôn Tự Do, tức Magna Carta (1215) là tiếng vọng sâu xa về khát vọng tự do dân chủ của những người dân thường dưới chế độ quân chủ. Đấy là lúc chính quyền được định nghĩa như một tổ chức được lập nên bởi một thỏa ước giữa quyền tối thượng của quốc gia và những kẻ nắm quyền cai trị. Tuyên ngôn này lần đầu tiên đã đặt vương quyền của vua dưới ánh sáng chỉ đường của luật pháp quốc gia. Đây là giai đoạn phôi thai của nền dân chủ pháp trị (legal democracy) sau này. Kết quả, Nghị Viện Anh đã ra đời, mà ở đó quyền tối thượng của quốc gia, tức là quyền làm luật thuộc về Hạ Nghị Viện (House of Common), và từ đó những quyền tự do căn bản của toàn dân đã được bảo đảm để chống lại những quyền hành độc đoán của các ông hoàng bà chúa.
  4. Tinh hoa thứ tư: Tiếp theo Magna Carta, vào năm 1628 Quyền Thỉnh Nguyện (The Petition of Rights) lại được công bố với những quyền tự do dân sự của người dân (Civil Liberties). Vào năm 1689 thì Dự luật Nhân Quyền, tức Bill of Rights đã được Hạ Nghị Viện thông qua để bảo đảm cho tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do hội họp của mọi công dân.

Vì thế Mayflower đã hưởng tất cả gia sản đó, và trong chiến tranh giành được độc lập từ tay đế quốc Anh, những người quốc phụ (Founding Fathers) của Hoa Kỳ đã nắm trong tay những vũ khí cách mạng vô vùng lợi hại để hoàn thành cuộc cách mạng giành độc lập. Những tư tưởng mạnh mẽ đó chính là Magna Carta, The Petition of Rights và Bill of Rights. Sau 70 năm khi Tân Quốc Gia Hoa Kỳ được thành lập, có lần Tổng Thống Abraham Lincoln đã nói: “Quốc gia này dưới ánh sáng chỉ đường của Thiên Chúa đã sản sinh ra một nền tự do, để từ đó thành lập nên một chính quyền của dân, do dân và vì dân. Quốc gia này sẽ không bao giờ bị tan rã trên mặt đất này” (Erik Braun and Robin Getzen p. 146). Vì thế đối với tất cả người Hoa kỳ, niềm tin tưởng vào Thiên Chúa hay Đấng Tạo Hóa (Creator or God) của họ là một niềm tin vô biên và mãnh liệt (In God We Trust).

Từ tinh thần HƯỚNG THƯỢNG đó với tất cả tâm hồn, tất cả trí tuệ và tất cả sức lực của con người, nhân loại đã thực hiện và chu toàn được một nửa Giao Ước giữa con người và Thiên Chúa hay Đấng Tạo Hóa của họ. Điều quan trọng thứ nhì trong Cựu Ước và Tân Ước chính là nền móng TƯƠNG QUAN GIỮA CON NGƯỜI và CON NGƯỜI. Mối tương quan này đặt trên nền tảng nào? Đối với Tân Ước thì Chúa Jesus đã nói nhiều lần: <spanstyle=”color:blue”>”Hãy yêu thương anh em họ như chính mình. Khi con biết yêu thương lẫn nhau thì nửa sau của Giao Ước cũng được hoàn tất giữa Con Người và Thiên Chúa.”

Tuy nhiên Giao Ước này không chỉ giới hạn ở mức độ cá nhân đối với cá nhân, cá nhân đối với gia đình, mà quan trọng hơn hêÙt là lời Giao Ước của một Dân tộc và một Quốc gia đối với Toàn Dân đang sống dưới lá cờ của quốc gia đó. Đây là mục tiêu tối hậu của những Giao Ước giữa Thiên Chúa và các Quốc gia và các Dân tộc trên toàn thế giới. Đặc biệt là những ai đứng đầu và lãnh đạo con thuyền quốc gia đó, họ phải là biểu tượng của quốc gia và đang nắm trong tay sinh mệnh của bao triệu con người. Họ phải giữ lấy Giao Ước và thực hiện Giao Ước đó nếu họ muốn được lòng người và được lòng Trời. Vì quá ưu tư đến mọi người dân trong các quốc gia nên Chúa Jesus từ 2,000 năm qua đã phán rằng: “Ai trong các ngươi muốn đứng đầu các ngươi thì hãy lo lắng cho các ngươi. Ai trong các ngươi muốn dẫn đạo các ngươi, thì hãy phục vụ các ngươi; cũng như Ta xuống dưới trần gian này để phục vụ con người, chứ không phải đến để được phục vụ!”

Thật quá rõ ràng, nếu Cựu Ước và Tân Ước rút cục chỉ còn hai điều: HƯỚNG THƯỢNG HƯỚNG THA – hướng đến Thiên Chúa, Trời Đất hay Đấng Tạo Hóa và hướng đến Tha Nhân. Giao Ước giữa Thiên Chúa và Con Người cực kỳ đơn giản và rõ ràng, nhưng trong suốt bao ngàn năm lịch sử con người chỉ thật đau khổ, đầy nước mắt và sự chết. Những trang sử này do các quốc gia tạo thành. Đây là những trang sử của chính những cá nhân con người không tuân lời Chúa viết ra. Vì thế tất cả những kẻ nào đứng đầu lãnh đạo các quốc gia đó phải chịu trách nhiệm trực tiếp về sự đau khổ của con người nói chung trong các quốc gia đó.

Nhưng lạ thay Hoa Kỳ lại là một quốc gia đã giữ được, đã và đang thực hành được lời Giao Ước trong Thánh sử – đối với Thiên Chúa và đối với cả con người Quốc gia này đã Hướng Thượng và Hướng Tha đúng như Cựu Ước và Tân Ước đã rao giảng từ gần 3,000 năm qua. Vì thế, trên thực tế của lịch sử Hoa Kỳ là một mảnh đất tiêu biểu cho chuyến Exodus thứ hai của nhân loại. Và Mayflower đã gieo trồng những hạt giống tinh hoa nhất của lịch sử văn minh của Tây Phương và Trung Đông đã có từ 3,000 năm qua. Từ trong rừng vắng hoang vu, tiếng vọng của Mayflower Compact vang lên bản tình ca của Tự do: “Với ánh hào quang của Thiên Chúa, và với một niềm tin thúc đẩy lên đường để thành lập nên một thuộc địa đầu tiên tại Virginia; vì lẽ đó tất cả chúng ta hiện diện nơi đây, tất cả đều thành khẩn trước sự hiện hữu của Thiên Chúa, có trong tay Giao Ước (covenant) chúng ta quần tụ bên nhau thành một khối keo sơn chúng ta làm nên những luật công chính và luật bình đẳng… vì hạnh phúc chung của cộng đồng – mà trên đó tất cả chúng ta sẽ dâng hiến và tuân phục.” (Erik Braun and Robin Getzen, p. 9)

Trên tinh thần của Mayflower Compact, năm 1630 John Winthrop đã nhắc nhở đoàn ly hương rằng: “Chúng ta là một đoàn người tự xưng là tín hữu của Chúa Jesus để thể hiện đức tin cao cả ấy. Chúng ta phải đối xử với nhau trong tình anh em … chúng ta tạo dựng hạnh phúc cho chính mình và tạo dựng hạnh phúc cho người khác nữa, vui sướng có nhau, khóc lóc cũng chia sớt cho nhau, làm việc cực khổ cùng kề vai nhau, và đau khổ cũng cùng nhau nắm chặt tay nhau!”

Phải chăng Tân Thế Giới đã được trời chọn để gieo trồng những hạt giống kỳ diệu của Giao Ước giữa Người với Người, gieo trồng những tư tưởng tự do, tư tưởng bình đẳng, tư tưởng đạo đức chính trị, tư tưởng công lý cho xã hội quá tăm tối và đau khổ của con người? Bởi vì những tư tưởng đó đã đem lại những lợi ích phi thường cho lẽ sống và hạnh phúc của con người nói chung, nhất là những kẻ thiếu may mắn trong cộng đồng nhân loại (Ideas for the benefit of the ‘lower classes’ of mankind). Nhờ tư tưởng của Mayflower và Pilgrim mà thời đại hoàng kim của tự do tôn giáo đã bùng dậy như một đóa hoa của niềm tin tôn giáo mãnh liệt trong đời sống con người. Đây là đoàn người bị áp bức mãnh liệt, kỳ thị tôn giáo tại quê hương mình gồm 56 người lớn, 31 trẻ em và 14 thợ thuyền và giúp việc trên chiếc tàu định mệnh Mayflower ra khơi tìm tự do. Mayflower Compact đã đưa ra một Giao Ước như một căn bản pháp lý tạm thời để thiết lập trật tự cộng đồng và nó đã làm thành một tiền lệ cho việc thành lập những chính quyền dân chủ trên căn bản của một khế ước thành văn với sự đồng ý và chấp nhận của tất cả người dân trong Tân Thế Giới.

Nền dân chủ pháp trị (legal democracy) của Hoa Kỳ đã thành công rực rỡ mấy thế kỷ nay bắt nguồn từ niềm tin tôn giáo mãnh liệt nhất, sâu xa nhất và minh triết nhất của những người Puritan, Pilgrim, và sau đó là George Washington, Thomas Jefferson, James Madison, Alexander Hamilton, John Jay hay Abraham Lincoln – họ đều là các bậc Quốc phụ của Hoa Kỳ. Từ ánh sáng chỉ đường của Cựu Uớc, Tân Ước và giá trị tiến hóa của 3,000 năm lịch sử văn minh Tây phương, những kẻ đau khổ vì mất tự do tôn giáo, và tự do chính trị, họ đã vận dụng được tất cả sức mạnh của tư tưởng trong sáng nhất và tinh hoa nhất để viết lên Tuyên Ngôn Độc Lập (1776) và viết lên bản Hiến pháp tuyệt vời (1787) như một thứ Thánh kinh của chính trị dân chủ (democratic political bible). Tất cả nền móng và trật tự của quốc gia và xã hội dù được xây trên những viên đá mầu nhiệm của ý thức tự do, ý thức đạo đức, ý thức bình đẳng và ý thức công lý. Đây là một cuộc cách mạng vĩ đại nhất, minh triết nhất trong lịch sử nhân loại. Ở đó đời sống của con người, những quyền tự nhiên của con người, và quyền tìm kiếm hạnh phúc của con người, cũng như quyền tư hữu của họ là chủ đề chính của Tuyên Ngôn Độc Lập, và là chủ đề chính của Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Biết bao quốc gia đã sao chép bản Hiến Pháp đầu tiên trong lịch sử nhân loại này, nhưng ở đó hiến pháp họ sao chép chỉ là một trò mỵ dân của các nhà lãnh đạo các quốc gia sao chép để che dấu biết bao tham vọng thấp hèn của giới cầm quyền độc tài. Người xưa có nói: nước có luật pháp hay mà nước loạn là tại sao – tại vì người cầm quyền độc tài đã đứng trên cả luật pháp.

ĐÂU LÀ Ý NGHĨA SÂU THẲM CỦA EXODUS THỨ BA CỦA NHỮNG THUYỀN NHÂN VƯỢT QUA THÁI BÌNH DƯƠNG?

Hiển nhiên vì không thể sống dưới gông cùm xiềng xích của những kẻ vô sản độc tài coi tất cả mọi người dân đều là “kẻ thù giai cấp”, coi tôn giáo là thuốc phiện, và coi bạo lực và dối trá của chính trị cách mạng là lẽ sống của họ – bao triệu người Việt Nam đã lũ lượt liều chết ra đi trên những chiếc thuyền con mong manh để lao vào biển Thái Bình Dương đi tìm tự do và tìm đất sống. Đói khát, khổ đau, quằn quại dưới những đôi tay man rợ của hải tặc và cả trăm ngàn cái chết hãi hùng chờ chực sẵn trên biển cả chẳng ngăn dược khát vọng tìm quyền được sống như những con người đích thực trong một nước tự do. Hành trình tìm tự do này quá đắt giá bằng đổi mạng sống và quá bi thương bằng con đường vô định. Trên Biển Đỏ của chuyến Exodus thứ nhất, biển đã mở ra, nhưng trên Thái Bình Dương chuyến Exodus thứ ba, biển vẫn khép lại. Đoàn người không có ánh sáng và những đám mây của Thiên Chúa dẫn đường. Họ cũng chẳng có bánh Manna để ăn và cũng chẳng có nước trong mát chảy ra từ tảng đá mà uống. Điều thiếu sót đáng nói nhất là họ không có Moses để dẫn đắt và tạo cho những lề luật của Thượng Đế để họ khỏi phải mò mẫm trong đêm tối cuộc đời. Tự do là khát vọng của tất cả nhân loại, nhưng có mấy ai hiểu được ý nghĩa sâu thẳm của hai chữ TỰ DO trong lịch sử nhân loại.

Mặc dù cả ba chuyến Exodus đều thể hiện trọn vẹn khát vọng TỰ DO CỦA CON NGƯỜI. Nhưng quan niệm hay ý thức tự do của Exodus thứ nhất, tức của dân Do Thái, và Exodus thứ hai của Mayflower đều giống nhau. Cả hai đều rất chú trọng tới việc tu tâm dưỡng tánh (purify) và cả hai đều giữ lề luật của Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái, và giữa Thiên Chúa và Nhân loại, tức HƯỚNG THƯỢNGHƯỚNG THA. Đó là ĐẠO LÝ TỐI THƯỢNG của đời sống mà tất cả con người phải vươn tới, nếu con người muốn sống tự do và hạnh phúc bên nhau. Tất cả mọi xây dựng vững chắc và lâu dài phải có đạo lý, thứ đạo lý của Trời và thứ đạo lý của Người. Đòi hỏi này không có tính cách ngoại lệ trong Exodus thứ ba trong niềm khao khát tự do trong sinh hoạt chính trị và trong tôn thờ các tôn giáo. Hai bài học trọng đại của những chuyến Exodus, thứ nhất và thứ hai quá rõ ràng, quá hiển nhiên trong lịch sử nhân loại.

Nhiệm vụ của tất cả mọi tôn giáo là thắp lên ngọn đèn giữa những đêm tăm tối của lịch sử quốc gia, chủng tộc để dẫn đưa con người về với Trời Đất, Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, hay Thượng Đế, và nhất là dẫn dắt con người về lại với lương tâm trong sáng ngàn đời của họ (enlightened conscience), rồi họ sẽ được sống trong tự do và hạnh phúc như Moses đã hứa với Do Thái và như Mayflower Compact đã đưa đến cho gần 300 triệu người dân Hoa Kỳ, trong đó có gần 2 triệu người vượt biển của Exodus thứ ba, trong đó cả triệu người Việt Nam bất hạnh đã bỏ mình trên biển cả mênh mông. Số còn lại đã có được Tự do và Hạnh phúc thực sự.

Trong đời sống tỵ nạn cộng sản, con người vẫn nói đến đạo lý và cho rằng: thuận thiên thì giả tồn; nghịch thiên thì giả vong. Tuy nhiên sự thất bại của các quốc gia Đông phương về các phương diện chính trị, xã hội và kinh tế từ mấy thế kỷ qua thuộc trách nhiệm của những người cầm quyền chíùnh trị, xã hội và văn hóa Đông phương. Đâu là căn nguyên của sự thất bại này? Các nhà hiền triết Đông phương cho rằng thời đổi mà pháp không đổi thì loạn, cho nên thánh nhân trị dân tùy thời mà đổi pháp. Dù các quốc gia Đông phương đều có gia quyquốc pháp và có nghiêm đườngcông đường – nhưng Quản Tử chủ trương: “Tôn vua lên, hạ quan xuống, lấy cái uy thế mà thắng lướt”. Thế là đặt vua lên trên luật pháp để mở đường cho hai ngàn (2,000) năm chuyên chế! Sau đó thì mở màn cho thực dân và cộng sản tràn vào để đẩy xã hội con người Đông phương quằn quại trong đau khổ.

Tất cả thực dân Anh – Pháp – Bỉ -Tây Ban Nha – Bồ Đào Nha v.v. .. đều tự hào về văn minh Thiên Chúa Giáo, nhưng tất cả đều xé bỏ Giao Ước giữa Thiên Chúa và các quốc gia của họ. Họ cho các dòng đạo lý của Đông phương là mê tín dị đoan và tìm mọi cách để xóa bỏ và phỉ báng. Họ chẳng Hướng Thuợng và lại càng chẳng Hướng Tha. Chỉ có quyền lợi! Khi làn sóng cộng sản vô thần tràn vào thì tôn giáo và đạo lý là những “kẻ thù giai cấp” của họ. Vì thế mà niềm tin tôn giáo và niềm tin đạo lý hướng thượng và hướng tha cứ mờ dần làm cho lương tâm con người và đời sống xã hội tăm tối và đau khổ không bút nào tả siết. Quan niệm muôn đời của Đông phương là dùng võ lực mà thu phục người là bá đạo, dùng đức độ mà thu phục người là vương đạo. Trong thiên Lễ Vận có viết: khi đạo lớn được thi hành thì thiên hạ là của chung mọi nhà. Tôn kính người hiền, trọng dụng người tài giỏi, đưa bậc anh tuấn, hào kiệt lên chức vụ xứng đáng. Đó là chủ trương của vương đạo.

Ngày nay tinh thần pháp trị của Tây phương có khác chi quan niệm của Hàn Phi Tử: “Quần Thần, thượng hạ, quý tiện giai tòng pháp” thì xã hội có kỷ cương trật tự. Nhưng Khổng Phu Tử cho rằng, từ vua quan đến thứ dân nhất nhất phải lấy việc tu thân làm gốc. Riêng Mạnh Tử thì quan niệm rằng, chỉ có đức nhân không đủ để trị. Chỉ có luật pháp tự nó cũng không thể thi hành được. Và vì thế Tuân Tử mới đưa đến chữ dung hòa: nếu có lễ cao và luật pháp lương hảo thì nước trước có phéùp tắc vững bền, chuộng người hiền đức, dùng người có tài năng thì dân biết khuôn phép. Bàn cãi công khai và kiểm soát cẩn thận thì dân còn đâu ngờ vực (Lương Kim Định, Cửa Khổng, trg 67). Nhưng khốn thay, nhân trị và lễ trị, vì thiếu luật pháp lương hảo nên xã hội có đạo lý vi diệu mà những người cai trị thường bất nhân, coi con người như tôi mọi và cỏ rác làm sao nước yên được! Đạo lý Hướng Thượng có thể có, những đạo lý Hướng Tha của các nhà cai trị thì hiếm vô cùng. Đôi khi xã hội may mắn có một vài bậc minh quân, nhưng khi nằm xuống thì toàn dân lại bơ vơ khốn khổ từ ngàn năm này qua ngàn năm khác.

EXODUS THỨ BA TRÊN ĐƯỜNG TÌM KIẾM GIÁ TRỊ TIẾN HÓA CỦA LỊCH SỬ NHÂN LÏOẠI


Ngày nay (tháng 10 – 2004) khối người vượt biển tìm tự do và lẽ sống từ 30-4-1975 hẳn đã rút tỉa được bao nhiêu giá trị cao quý trong các nền văn minh của các quốc gia Tây phương, nhất là tại Hoa Kỳ. Trong lúc ấy, bao nhiêu triệu đồng bào ruột thịt của chúng ta vẫn không có tự do. Tôn giáo vẫn bị đàn áp thô bạo. Quyền được sống, những quyền tự nhiên và quyền đi tìm kiếm hạnh phúc của những con người vẫn bị tước đoạt và chà đạp bởi những kẻ vô thần, độc tài đầy quyền lực của mũi súng. Tự do và hạnh phúc của một dân tộc không thể van xin mà có. Tự do và hạnh phúc của quốc gia cũng không thể thiếu niềm tin mãnh liệt của tôn giáo và đạo lý trong đời sống xã hội của con người. Chà đạp lên đạo lý và đàn áp tôn giáo là một đường lối cai trị tự sát – bởi vì từ một quốc gia cường thịnh và giàu có bậc nhất trên thế giới là Hoa Kỳ, Leroy Curry đã nói: “Tôi tán đồng và cổ súy cho việc tách tôn giáo ra khỏi chính trị (separation of church and state), nhưng tôn giáo và chính trị bước đi, không phải tay trong tay, mà bước song hành bên nhau. Chúng ta có thể tách tôn giáo ra khỏi chính trị, nhưng tôn giáo ly cách với đời sống quốc gia thì quốc gia sẽ rơi vào thảm họa”

Vì thế không có mọi thứ tự do… thì không bao giờ và sẽ không bao giờ có phát triển con người và phát triển Đất Nước được. Đó là một đòi hỏi tất yếu của đạo lý, tôn giáo và luật pháp quốc gia. Và tự do cho con người và cho quốc gia xuất phát từ nguyên tắc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ của Khổng Phu Tử, vì thế tự do trong khuôn khổ của đạo lý và trong khuôn khổ của dân chủ pháp trị là giá trị đích thực của tự do. Sự cường thịnh lừng lẫy của Hoa kỳ xuất phát từ nguyên tắc nền tảng ấy. Trong các quốc gia thuộc nền văn minh Thiên Chúa Giáo, Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên đã hoàn tất được một phần lớn Giao Ước giữa Con Người và Thiên Chúa. Vậy mà Leroy Curry vẫn nói: “Đây là những trận chiến còn đang dang dở để xây dựng quốc gia (unfinished battles)”

Tại sao lịch sử bao ngàn năm của nhân loại chỉ thấy máu, nước mắt và sự chết – bời vì các quốc gia đã không được Hướng Thượng và Hướng Tha để chu toàn đạo lý với Thiên Chúa, hay Đấng tạo Hóa và không chu toàn được đạo lý làm người. Ngày nay muốn thay đổi những trang sử đen tối đó, đã đến lúc các quốc gia và các chủng tộc phải biết hướng thượng và hướng tha. Hướng Thượng để kính sợ luật của Tạo Hóa và đem luật của Tạo Hóa để xây dựng nền móng trật tự cho quốc gia. Hướng Tha là đem quyền được sống, những quyền tự nhiên, và quyền tìm kiếm hạnh phúc trả lại cho con người. Nếu luật Tạo Hóa được tôn trọng, đó là tất cả quyền thiêng liêng của con người thì lãnh đạo các quốc gia không được tước đoạt những quyền đó của mọi công dân. Hành động tước đoạt đó là hành động vô luân trong đời sống của một quốc gia (immoral action).

Nói tóm lại, vì nắm được những giá trị tiến hóa của gần 3,000 năm lịch sư,û Hoa Kỳ đã đưa chuyến Exodus của Mayflower (1607) thành nền móng xây dựng tự do, dân chủ và nhân quyền ở Tân Thế Giới. Đó là tinh túy của văn minh Tây phương và trên bi kịch hãi hùng của dân tộc Việt, đoàn người vượt biển ngày nào đã thấy rằng, trên chóp đỉnh của đạo lý phải Hướng Thượng và Hướng Tha, Đông phương và Tây phương đã gặp nhau như các luồng ánh sáng gặp nhau. Tất cả Tân Ước và Cựu Ước đều dạy con người hướng thượng và hướng tha. Và tất cả các dòng đạo lý của Đông phương là Lão – Phật – Khổng cũng đều nhắc nhở con người phải hướùng thượng và hướng tha. Chính Lý Đông A và Việt Đạo cũng đã liên tiếp đề cập đến nguyên tắc tối thượng đó của đời sống cá thể, gia đình và quốc gia.

Ngày nay sau gần 30 năm sống kiếp lưu đày, khối người Việt vượt biển tỵ nạn cộng sản ngày nào bỗng nhận ra HÀNH TRÌNH TÌM TỰ DO của họ, ngoài việc đi tìm tự do và đất sống, phần đông vẫn hướng về quê hương và đau đớn thấy rằng 80 triệu con người Việt Nam tại quê nhà đang quằn quại đau khổ vì nhân quyền bị nhà nước độc tài vô sản chà đạp và tôn giáo bị đàn áp và bách hại mạnh mẽ.
Xưa khát vọng tự do của người Do Thái đã vang lên trong sa mạc 40 năm. Và khát vọng tự do tôn giáo và lý tưởng của đời sống tự do của Pilgrim và Puritan cũng vang lên trong rừng vắng với Mayflower Compact. Còn chúng ta – đoàn người Thuyền Nhân (Boat People) thuở nào, khát vọng tự do của chúng ta cũng đã vang lên khắp năm châu bốn biển từ gần 30 năm qua. Giờ đây là lúc tất cả chúng ta nương theo ánh sáng chỉ đường của các nền văn minh chân chính nhất của nhân loại để xóa tan bóng tối âm u của những trang sử buồn bã của giống nòi để cất lên tiếng nói tự do dân chủ và nhân quyền, với những kẻ đang cầm quyền quốc gia đau khổ ấy. Hãy trả những gì của Cesar về cho Cesar. Hãy trả những gì của Thiên Chúa về Cao Triều và hãy trả lại quyền sống, quyền tự nhiên và quyền tìm kiếm tự do và hạnh phúc cho 80 triệu người Việt Nam tại quốc nội trước khi quá trễ.

Nguyễn Anh Tuấn
Oklahoma, ngày 30- 9- 2004.