THẦY TÔI (Quan Dương)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 9 people, people standing, flower, outdoors and text that says 'LỄ ANTÁNG THẦY NGUYỄN KHOA THANH CHỢ LẦU, PHAN THIẾT 11-09-2016'

Được tin thầy Nguyễn Khoa Thanh mất vào ngày 07/09/2016 tại Chợ Lầu Phan Thiết Việt Nam . Thầy Thanh dạy tôi môn vạn vật và thể dục của những năm đầu thập niên 60 khi tôi còn theo học trung học đệ nhất cấp tại Trường trung học Trần Bình Trọng Ninh Hoà . Năm 1965 chiến tranh Việt Nam bắt đầu khốc liệt thầy theo lệnh động viên vào Thủ Đức . Còn tôi vài năm sau đó rời Ninh Hoà vào Trường Võ Tánh Nha Trang theo học năm cuối bậc trung học vì Ninh Hoà không có lớp đệ nhất . Đến mùa hè năm 1969 thì tôi cũng nhận lệnh nhập ngũ nối gót theo thầy . Trong khi tôi đinh ninh cả hai thầy trò cùng khoác áo chinh nhân thì thầy lại được biệt phái trở về dạy học sau bốn năm binh nghiệp . Đường đời của đứa học trò và ông thầy trái chiều như vậy cứ nghĩ rằng chẳng có dịp nào gặp nữa nhất là trong thời ly loạn chiến tranh hiện diện khắp nơi mà đời lính thì luôn di chuyển nay đây mai đó . Vậy mà hai thầy trò vẫn gặp nhau . Nơi gặp là trại Lam Sơn Dục Mỹ là nơi sau ngày 30/04/75 những kẻ thắng trận miền bắc tập trung các sĩ quan thua trận miền nam lại và nhốt ở đó . Thầy tôi cũng bị tập trung vào nhà tù núp sau mỹ từ cải tạo vì cấp bậc của thầy trong quân đội VNCH là trung uý
Thầy trò chung số phận giữa cơn đau đớn của lịch sử chỉ biết nhìn nhau cam chịu . Những ngày đầu của tháng 5/75 vì quá còn mới mẻ nên trên thực tế tôi cũng như đa số người dân miền Nam không biết gì nhiều về cộng sản . Dù hồ nghi nhưng tôi vẫn nghĩ rằng nay bọn họ đã chiếm thành công đất nước, quyền sinh sát nắm trong tay nhưng dù gì cũng máu đỏ da vàng chắc có lẽ không đến nổi nào truy cùng diệt tận . Nhưng tôi đã lầm . Ngay những ngày đầu chưa có đòn roi nhưng có nhiều sỉ nhục . Chúng tôi vẫn đinh ninh là đang được tập trung cải tạo chứ không phải ở tù nên đề cử thầy Thanh đại diện cho nhóm xin phép người lính bộ đội gác cổng để ra bìa rừng kiếm củi . Người lính của bên thắng trận đã không cho lại còn hỏi xấc :
” Anh lấy gì “ đảm bảo “ là số người anh dẫn đi như vầy khi trở về còn nguyên không có ai bỏ trốn “
Thầy Thanh đáp
” Báo cáo anh , tôi lấy danh dự bảo đảm”
Người lính đó đáp lại
” Bọn ngụy các anh làm gì còn danh dự”
Tôn chỉ của quân lực VNCH là Tổ quốc danh dự và trách nhiệm mà chúng tôi đã khắc ghi sâu vào tâm khảm khi quì dưới vũ đình trường tuyên thệ trước khi dấn thân vào bão lửa . Nay chỉ là một tên lính cắc ké của bọn họ vẫn có thể xúc phạm . Nhìn thầy ngậm đắng nuốt cay mà đau lòng . Đó là một sỉ nhục đầu tiên khởi bước cho nhiều sỉ nhục sau này mà những kẻ chiến thắng đã mạ lỵ thầy Thanh và cũng mạ lỵ những người sĩ quan thua trận học trò của thầy . Những ngày đầu vì chưa quen với cuộc sống tù tội ở Lam Sơn tôi chịu không nổi nên ngã quị không thuốc không men . Thầy Thanh lo lắng nửa đêm lén mò tới nơi tôi nằm nâng đầu tôi dậy và cho tôi uống một viên ký ninh mà thầy kiếm được ở đâu đó. Viên thuốc giúp tôi tước đươc mồ hôi và cho tôi sống đến bây giờ
Kẻ chiến thắng sau khi thanh lọc ở Lam Sơn tống tụi tôi vào Trung tâm cải huấn ở phía sau chợ Đầm Nha Trang . Đó là nơi nhốt những tội phạm đầu trộm đuôi cướp nay họ nhốt những người sĩ quan của VNCH . Đêm xếp lớp nằm ngủ trên bệ xi măng chật chội dơ dáy và lạnh cóng , những con rệp nghe hơi người tha hồ cắn xé. Sáng ra nhờ sự phản chiếu ánh sáng mặt trời, thầy trò bắt ghẻ cho nhau . Những con ghẻ mà hậu quả của những vết cắn của rệp ai nấy đều ngứa gãi nên tróc cả da . Những ngày sau đó họ tống chúng tôi nhốt vào lao xá phía sau Ty công an gần bờ biển Nha Trang . một căn phòng nhỏ rộng chưa đến 20 mét vuông chia nhau cho 50 người với vỏn vẹn có một cầu tiêu hiện đại ngồi trên bồn cầu chứ không phải ngồi chồm hỗm theo kiểu nước lụt . Tôi còn nhớ họ có dán một tấm bảng thông báo cấm ” trại viên ” không được đổ nước xà phòng vô bồn cầu để bảo vệ những con giòi đang được nuôi dùng để tiêu hóa phân . Nhớ hàm răng hô của thầy Thanh lén cười hết cở khi đọc những dòng ngu ngu của bọn ỷ thắng từng vỗ ngực xưng danh là cái rún của vủ trụ này . Nhớ mãi nụ cười trẻ thơ trong hoàn cảnh lao tù của vị thầy khả kính lúc đó
Một tháng sau tụi tôi bị tống lên Đồng Găng lao nhục khổ sai và tiếp theo là A 30 . tôi tiếp tục sống trên đoạn đường đày ải . May mắn là những lần sau này không có thầy đi theo . chứ với vóc dáng nhỏ con ốm yếu như thế làm sao thầy có thể chịu đựng nổi chướng khí ở Đồng Găng hay nắng chát đầu ở A 30 mà sống sót đến bây giờ
Nhớ đến thầy là nhớ những giờ tập thể dục của những năm học đệ thất đệ lục . Ông thầy thì nhỏ xíu mà học trò còn nhỏ con hơn . Nhớ khi học môn đẩy xe cút kít , một đứa trước chống hai tay . đứa sau ôm hai cẳng đẩy tới . Hồi đó quần đùi đứa nào đứa nấy rộng thùng thình , tuổi 12,13 chưa có quần lót phía bên trong , chỉ sợ đám con gái ngồi trên bệ cửa sổ nhìn ra thấy nguyên con . May nhờ có hàng cây trứng cá sau trường che tầm nhìn bớt phần nào . Thuở còn thơ cứ tưởng chiến tranh chừng như đang đứng ngoài cỗng trường không dính dáng gì đến những mái tóc húi cua ngờ nghệch
Năm 93 tôi theo diện HO qua Mỹ . Thầy Thanh vì không ở tù đủ ba năm nên kẹt lại . Qua Mỹ một thời gian sau thì nghe tin thầy cũng được con bảo lãnh qua Boston . Khi nghe tin tôi có gọi phone vấn an . Và vì thầy ở tận miền Bắc còn tôi ở miền Nam nước Mỹ , địa lý xa xôi , bận sinh kế nên chưa có dịp bay lên đó thăm thầy . Khi tôi về hưu có thể đi được thì thầy đã trở lại VN vì tuổi già sức yếu không chịu nổi giá buốt khắc nghiệt của miền bắc nước Mỹ . Bạn bè đồng hương Ninh Hòa qua facebook của Phương Hiền tất cả mọi người đều có thể thấy thầy ốm yếu nằm trên giường bệnh . Thấy sức khoẻ thầy không được khả quan nhưng không ngờ thầy ra đi nhanh như vậy
Bây giờ thầy cũng đã yên nghỉ tại nơi thầy được sinh ra và lớn lên . Đứa học trò ở xa quá chẳng biết làm gì . Chỉ biết cầu mong thầy được thanh thản ta đi bình an trên đường về miền miên viễn . Em xin thắp một nén nhang tạ lỗi gửi về . Hẹn gặp lại thầy vào một ngày nào đó , ở một thế giới nào đó không còn phải trăn trở như ở thế giới này
Không dao to búa lớn
không khẩu hiệu xưng danh
bước ra ngoài ranh giới
Thầy về nơi bình yên
lội qua dòng nước đục
Nước dưới đôi bàn chân
tiễn đưa thành khúc nhạc
Trong một ngày tháng chín
Hiu hắt lời không lời
Quan Dương