THÁNG TƯ THÙ HẬN (Huy Phương)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Mới đọc qua nhan đề bài tạp ghi hôm nay, xin quý vị bình tĩnh, chớ có la lên: “Bây giờ mà nói chuyện thù hận, hãy xóa bỏ hận thù, quên đi quá khứ và cùng nhau hướng về tương lai, bắt tay cùng nhau xây dựng đất nước!” Câu nói này do bên “thắng trận”, nói đi nói lại đã nhiều lần, trở thành một câu nói sáo mòn, nghe như vô nghĩa. Ngày 30 tháng 4 lại đến, những người “thua trận” đã chịu bao nhiêu cảnh nghiệt ngã, đau xót, tha thứ mà không quên, khó quên thì dễ gì một sớm một chiều mà tha thứ.
                                                             
                                                                                              Giết người buông súng
 
  Loài sói lang trên rừng mà biết nói chuyện nhân nghĩa, tay còn dính máu mà nói chuyện hãy bỏ qua hận thù. Mỗi năm, đến ngày 30 tháng 4, những kẻ thắng trận lại khua chiêng, đánh trống, duyệt binh, bắn pháo bông ăn mừng, và nói những điều nhân nghĩa khó nghe. “Lòng nhân ái làm nên 30 tháng 4, 1975!” Đó là câu nói của Tướng Lê Đức Anh, người đã từng là bộ trưởng Quốc Phòng và chủ tịch nước CSVN. Tuyên bố với báo chí, y đã giải thích thêm:
 
 ”Không hề có cuộc trả thù ‘tắm máu’ nào, đội quân và bộ máy chính quyền Sài Gòn tan rã tại chỗ nên các đô thị của miền Nam hầu như nguyên vẹn, không bị tàn phá. Kết thúc chiến tranh có người thắng kẻ thua nhưng không hề có sự trả thù và phục thù gay gắt.” Và:” Việt Nam (Cộng Sản) là một dân tộc hiền hậu và vị tha…”
 
Tôi có một người anh họ là Đại Tá Lê Khắc Duyệt, nguyên giám đốc Công An Trung Nguyên và Cao Nguyên Trung Phần dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Sau năm 1963, ông được thuyên chuyền về Tổng Nha Cảnh Sát, và những ngày cuối cùng ông đặc trách công việc của cơ quan Interpol tại Việt Nam. Trước ngày 30 tháng 4, ông cũng như bao người khác nghe lời đường mật qua thông cáo của Chính Phủ Cộng Hòa Lâm thời miền Nam Việt Nam: “Quân đội bỏ súng về quê!” có xe đến nhà rước lên phi trường, nhưng ông không đi. Sau đó, ông đi trình diện “học tập” đúng ngày như bao nhiêu công chức cao cấp khác của miền Nam.
 
Trong thời gian ông đang ở trong trại cải tạo, một người bà con đi tập kết từ năm 1954 trở về, tốt bụng đã nói chuyện với gia đình ông Duyệt:
 
– Những công chức cao cấp miền Nam giữ những chức vụ như anh, trước sau gì bọn chúng cũng giết. Nghe nói chúng sẽ đưa một số sĩ quan và viên chức cao cấp, nhất là giới tình báo ra Bắc. Vậy gia đình nên tìm cách vận động, chạy chọt để anh khỏi phải ra Bắc. Đằng nào cũng chết, nhưng nếu anh ở lại trong Nam, chị và các cháu còn có thể đem xác về chôn cất hương khói, còn như ra Bắc, thì chết xong, bọn nó vùi dập đâu đó, không biết đâu mà tìm.
 
 Gia đình ông Duyệt nghe lời chỉ dẫn của người bà con, đã tìm đủ mọi cách “trải vàng” cho ông khỏi có tên trong danh sách những người được chở ra Bắc bằng máy bay C.130
 
vào một đêm cuối năm 1976. Nhưng ba tháng sau, ở trại Long Thành, ông bị một cơn cảm nhẹ, trại có nhã ý chích cho ông một mũi thuốc. Sau mũi thuốc này, ông bất tỉnh, không thở được, trại “khoan hồng” chuyển cho ông về bệnh viện Hồng Bàng, và ông qua đời một hôm sau đó. Gia đình đời đời nhớ ơn ông “cách mạng” này, đúng như lời chỉ dẫn thân nhân “có xác” của ông để mang về chôn cất. Thật ra mấy ai hiểu biết gì về Cộng Sản, ngay cả những người ở trong ngành tình báo, phản gián!
 
Những viên chức tình báo cao cấp sau đây đưa ra Bắc đã bị Việt Cộng giết trong tù:
 
1.Chuẩn Tướng Bùi Văn Nhu, phó tư lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, người thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình làm tư lệnh.
 
2.Đại Tá Dương Quang Tiếp, thuộc BTL Cảnh Sát Quốc Gia, phụ tá An Ninh Tình Báo Ban Liên Hợp Quân Sự 4 Bên và 2 Bên.
 
3.Đại Tá Nguyễn Xuân Học, trưởng Khối Phản Tình Báo đặc trách An Ninh Tình Báo – Phản Gián Nha An Ninh Quân Đội.
 
4.Đốc Sự Nguyễn Phát Lộc, giám đốc Nha Nghiên Cứu, người thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình làm đặc ủy trưởng Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo.
 
5.Ông Nguyễn Kim Thúy, giám đốc Nha Nghiên Cứu Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo.
 
 Những viên chức tình báo cao cấp này khi đưa ra Bắc, đã bị đưa đi nhiều trại tù khác nhau, nhưng cái chết của họ giống nhau: được gọi đi “làm việc,” khai báo tội lỗi, và sau đó được trại “bồi dưỡng” một tô phở, ăn xong tô phở về đến trại, bị hộc máu chết ngay trong đêm đó.
 
Cộng Sản ở đâu cũng vậy, chữa bệnh thì không giỏi, nhưng đầu độc là “nghề chuyên môn của chàng.”
 
Ở trong Nam, Việt Cộng “không đánh người chạy đi, nhưng giết người chạy lại!” Họ xử bắn những người lính đã buông súng đầu hàng, xử tử ngay cả những viên chức Xã, Ấp, trung đội trưởng Nghĩa Quân, trong đó Hậu Nghĩa (Nam) và Quảng Ngãi (Trung) là hai tỉnh chịu sự trả thù tàn khốc nhất. Ở Quảng Ngãi, Thiếu Tá Hai, một tiểu đoàn trưởng địa phương Quân, bị treo ngược lên ở chợ Tịnh Châu, quận Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, và mọi người dân đi qua đều bị Việt Công bắt cầm dao đâm vào người ông cho đến khi chết, chết rồi còn bị đâm tiếp. Nhiều nhân viên đảng phái, như Quốc Dân Đảng được gọi riêng đi “học tập” trong đêm cuối cùng tất cả đều bị chôn sống. 
 
Toàn bộ nhân viên cảnh sát xã Trung Lập, Củ Chi, tỉnh Hậu Nghĩa đều bị xử tử. Nhiều viên chức cấp thấp ở tỉnh này như Trung Sĩ Cảnh Sát Tạ Văn Phúc, Cuộc Tân An Hội bị chặt đầu tại Phú Hòa Đông, Trung Sĩ Cảnh Sát Đặc Biệt Củ Chi Nguyễn Văn Chấp, bị tra tấn bằng cách dội nước sôi cho đến chết.
                                                              
Ở Kiến Hòa, Đại Úy” Nguyễn Xuân Thìn, phó trưởng Ty An Ninh Quân Đội ngày 30 tháng 4 cũng đã bị bắn và thả trôi sông.
 
Hầu hết những sĩ quan đặc trách tình báo, hay “Trưởng F đặc biệt” đều bị trả thù triệt để. Trung Tá Trương Văn Tỷ, Thiếu Tá Hồ Văn Còn, Thiếu Tá Phan Tấn Ngưu (Tây Ninh) Đại Úy Lữ Kim Ba (Ba Xuyên) chuyên viên Tình Báo Phạm Gia Đại (Tòa Đại Sứ Mỹ)… đều nhận bản án thù hận 17 năm trời ròng rã.
 
Đây chỉ là những tin tức hạn chế trong trăm nghìn trường hợp “hiền hậu, vị tha” mà những người Cộng Sản Việt Nam đã dành cho “anh em” miền Nam thất trận, còn bao nhiêu tội ác có nhân chứng trong nước, nhưng dưới chế độ này, họ đành câm nín mang theo cho đến khi chết.
 
 Trong một cuộc chiến, khi hai bên coi nhau như kẻ thù, đều muốn tìm hết khả năng và dùng mọi phương tiện để tiêu diệt nhau, nhưng khi đã ngưng tiếng súng, có bên thắng bên thua, trong tinh thần mã thượng, không thể dùng sức mạnh để truy lùng, tiêu diệt những kẻ yếu thế như trường hợp đảng Cộng Sản Việt Nam đã làm. Như vậy, có thể dùng những danh từ hoa mỹ như “nhân ái,” “ hiền hậu,” “ vị tha” để mô tả những hành động ghê tởm này không?
 
“Không hề có sự trả thù và phục thù gay gắt” thì làm sao trong một trại tù như Ba Sao, Nam Hà, từ 1975 cho đến 1988 lại có 626 người tù từ miền Nam ra, đã chết vì đói, bệnh và làm việc kiệt lực. 
 
 Một chế độ không dạy con người thù hận, làm sao có thể có những sự trả thù ghê gớm đến mức như vậy? Một cuộc chiến đã ngưng tiếng súng rồi, sao còn gọi nhau “máu kêu trả máu – đầu kêu trả đầu!”(Tố Hữu)
 
 Những người sống bằng nhân nghĩa lại có “đức tính” mau quên, và những bài học hận thù viết bằng chữ máu, thì chẳng bao giờ thuộc.
 
 (*)Theo lời vị trụ trì thuật lại với cô Phạm Thanh Nghiên, cách đây vài năm có một Phật tử đưa một cựu giám thị trại tù Ba Sao đến chùa. Người giám thị này trao cho sư một danh sách gồm 626 người tù từ miền Nam chết trong trại, ngỏ ý muốn làm một tấm bia đặt trong chùa để 626 vong linh này được hương khói tử tế. Danh sách này sau đó đã bị ông thầy thiêu hủy!
 
Huy Phương