TẾT TÂN SỬU (2021) & TRUYỆN CON TRÂU (Hải Bằng.HDB & Bạch Cúc.NTN)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

chan trau

Trâu ơi, ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta
Cấy, cày vốn nghiệp nông gia
Trâu đây, ta đấy ai mà quản công?
(Ca dao)
Nhân Xuân của Trâu về và để cho tâm hồn ấm lại với tình tự quê hương ngày trước, xin cùng nhau tản mạn về những truyện xưa, tích cũ liên quan đến Trâu:
Ðinh Bộ Lĩnh giết trâu khao quân và cuộc Cách Mạng Cờ Lau.
Ðào Duy Từ đắp Lũy Trường Dục chống quân Trịnh.
Sào Phủ dẫn trâu lên nguồn uống nước sạch.
Tuồng cổ Lục Súc Tranh Công.
*
Năm nay là năm Tân Sửu lấy Trâu làm biểu tượng.
Theo lịch ta, Sửu hay Trâu là con vật thứ nhì trong thập nhị chi: Tí (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Mão (mèo), Thìn (rồng), Tị (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó), Hợi (Heo). Còn Ðinh thuộc về thập can gồm: Giáp, Ất, Bính, Ðinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Kết hợp Can và Chi sẽ có tên của một năm.
Theo lịch Á Ðông, mỗi thế kỷ Á Ðông có 60 năm gọi là lục giáp; mỗi giáp là 10 năm khởi đầu là năm Giáp Tí. Năm khai nguyên của Lịch Ðại Á Ðông cổ truyền là Giáp Tí tức năm 2637 Trước Công Nguyên, tính đến năm 2021 được: 2637 + 2021 = 4658 năm và chúng ta đang ở vào thế kỷ Á Ðông thứ 78:
(4658: 60 = 77 + 1 = 78)
Trâu to xác nhưng hiền lành, dễ nuôi, dễ dạy, giúp nhà nông cày bừa, kéo lúa, và chuyên chở. Ở thôn quê ta, nhà nông khởi đầu sự nghiệp bằng con trâu nên có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Trẻ con thích làm mục đồng, giúp việc sáng đưa trâu ra đồng cho ăn cỏ; chiều cưỡi trâu hát nghêu ngao, thong thả dẫn trâu về nhà. Nhiều người vẫn còn nhớ những câu dân ca:
Ai bảo chăn trâu là khổ?
Chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau
Và, miệng hát nghêu ngao
Em bé không quên học đâu.
Trên con đường ngàn dặm vào kinh đô Huế nhậm chức Phụ Ðạo, bà Huyện Thanh Quan làm bài thơ “Chiều Hôm Nhớ Nhà” như một bức tranh vẽ cảnh đồng quê Việt ta thật linh động và đầy cảm xúc trong đó, bà cũng không thể quên nói tới mục đồng dẫn trâu về nhà:
Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai lác đác chim bay mỏi
Dặm liễu sương xa khách bước chồn
Kẻ chốn trang đài, người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.
*
Trong dân gian còn lưu truyền vài truyện về trâu đáng nhớ để kể lại cho trẻ em nghe như truyện Ðinh Bộ Lĩnh; truyện Ðào Duy Từ; truyện Sào Phủ và Hứa Do; và vở tuồng Lục Súc Tranh Công như sau đây.
Ðinh Bộ Lĩnh (924 – 979, Hoa Lư, Ninh Bình) Giết Trâu Khao Quân và Cuộc Cách Mạng Cờ Lau
*
Ngày xuân nhàn tản, có gì thanh tao và thú vị bằng cùng với gia đình và bằng hữu ôn lại những truyện xưa, tích cũ trong các trang Việt Sử oai hùng?
Trước thời đại Ðinh Tiên Hoàng là thời đại Ngô Vương Quyền với chiến thắng hiển hách Trận Bạch Ðằng Giang năm 938.
Vào cuối năm 938, đất nước ta, sau hơn 1000 năm Bắc thuộc (179 Trước Tây Lịch – 938 Sau Tây Lịch), đã giành lại chủ quyền bằng cuộc Chiến Thắng Bạch Ðằng: Ngô Quyền (897 – 944, Ba Vì, Hà Nội) đã đánh tan đại quân Nam Hán cho chính thái tử Hoằng Tháo thống lĩnh một đoàn thuyền hùng hậu tiến từ biển vào đất nước ta qua ngả sông Bạch Ðằng trong khi đó chính Chúa Nam Hán là Lưu Cung dẫn bộ binh chuẩn bị tiến vào nước ta từ tỉnh Quảng Tây. Bộ Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi:
Trận Bạch Ðằng năm ấy [Mậu Tuất, tháng Chạp (938)] quân giặc chết quá nửa, máu chảy loang đỏ khúc sông. Tướng Hoằng Tháo bị đâm chết tại trận.
Ngô Quyền chỉ làm Vua được 6 năm rồi mất. Sau đó xẩy ra tranh giành quyền lực trong gia tộc khiến đất nước lại lâm vào cảnh “Loạn 12 Sứ Quân” trong đó có lực lượng của Ðinh Bộ Lĩnh.
Học sử ai cũng biết truyện Ðinh Bộ Lĩnh, gốc Mường, người động Hoa Lư, huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Lúc còn nhỏ, cậu đi chăn trâu, nhưng rất thông minh và có khí phách hơn người. Cha mất sớm, nhà gặp hoàn cảnh khó khăn, cậu phải đi chăn trâu cho nhà người chú. Cậu thường cùng đám trẻ chăn trâu lập trận giả đánh nhau và lấy cỏ lau làm cờ. Theo truyền thuyết, có một lần hứng chí, cậu giết một con trâu khao quân. Chú biết chuyện, đuổi đánh. Bộ Lĩnh chạy tới một con sông thì có con rồng vàng hiện lên cho cưỡi chạy qua sông.
Nhờ huyền thoại đó và cũng nhờ tiếng của cha cậu là Ðinh Công Trứ vốn là nha tướng của Dương Ðình Nghệ và được cử giữ chức Thứ Sử Châu Hoan, danh của cậu được nhiều người biết đến. Dương Ðình Nghệ nguyên là vị anh hùng nổi dậy đánh đuổi quân Nam Hán, chiếm thành Ðại La (Hà Nội) năm 931 và là bố vợ của Ngô Quyền. Nhờ những tiếng tăm đó, Ðinh Bộ Lĩnh đã được nhiều người tài giỏi tìm tới phò giúp như Ðinh Ðiền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Lê Hoàn, và đặc biệt là Sứ Quân Phạm Bạch Hổ và Trần Lãm.
Ðinh Bộ Lĩnh đánh đâu thắng đó và được tôn làm Vạn Thắng Vương. Sau khi khuất phục được 12 sứ quân, Ðinh Bộ Lĩnh lên làm Vua lấy hiệu là Ðinh Tiên Hoàng Ðế, đặt tên nước ta là Ðại Cồ Việt, chọn Hoa Lư là Kinh Ðô, và mở đầu trang sử Việt tự chủ sau hơn 1000 năm Bắc thuộc.
Nhà cách mạng Thái Dịch Lý Ðông A, cảm thông với cuộc Cách Mạng Cờ Lau của Vạn Thắng Vương, đã viết những câu trong cuốn Ðạo Trường Ngâm và Huyết Hoa (tr.106) như sau:
Ðường Vua Ðinh, tre già, măng lại mọc
Máu sống còn, nòi Việt tiếp muôn xưa
Hồn Vạn Thắng tràn lan tờ gấm vóc
Mỗi cung còn ghi mỗi nắng và mưa
. . .
Cờ Lau là Viêm hồn, hồn dân tộc muôn năm của Trăm Việt.
Cờ Lau là cờ Cách Mạng và quân hồn của Việt
Cờ Lau là lý tưởng của Sử Vinh Quang và Tái Sinh
Truyền thuyết Ðinh Bộ Lĩnh (ÐBL) giết trâu khao quân có thể là chuyện có thật; nhưng chuyện rồng nổi lên để đưa ÐBL qua sông có thể chỉ là huyền thoại được một vị quân sư nào đó tung ra nhằm thu phục lòng người cũng như huyền thoại “Gươm Thần” trao cho Lê Lợi và chuyện lá cây có khắc “Lê Lợi Vi Quân; Nguyễn Trãi Vi Thần” vậy.
*
Ðào Duy Từ (1572- 1634) Một Ngọa Long của Ðất Việt
Phất ngọn cờ đào, bày mưu chống Bắc,
đắp Trường Dục Lũy, ngăn Quân Trịnh
Thảo thiên quốc sách, tỏ chí hưng Nam,
Dâng Ngọa Lọng Cương, giúp Chúa Tiên
(Hải Bằng.HDB)
*
Thuở hàn vi, Ðào Duy Từ xuất thân từ một kẻ chăn trâu. Ông là người làng Hoa Trai, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Cha là Ðào Tá Hán và mẹ là Kim Chi, làm quản giáp trong đội Nữ Nhạc Triều Lê. Luật lệ thời đó cấm con cái gia đình làm nghề hát xướng dự thí, nên gia đình phải đổi tên ông ra Vũ Duy Từ để đi thi. Ông đậu Á Nguyên năm 21 tuổi, năm Quý Tị 1593, đời Lê Thế Tông. Nhưng liền sau đó, có người hiểm độc biết chuyện, đi tố cáo ông tội mạo danh nên bị mất bằng Á Nguyên và bị đoạt lại áo mão.
Nghe tin mình bị xóa tên, ông buồn bã mà lâm bệnh nặng nằm tại nhà trọ ở Thanh Hóa. May thay lúc đó Trấn Thủ Thuận Hóa là Nguyễn Hoàng, vâng lịnh Chúa Trịnh Tùng ra Thanh Hóa kiểm tra. Nguyễn Hoàng được quan Thái Phó Nguyễn Hữu Liêu cho xem bài luận án rất đặc sắc của Ðào Duy Từ bày tỏ tài kinh luân, tế thế và sánh mình với Khổng Minh. Nguyễn Hoàng bèn đến thăm họ Ðào, giúp đỡ tiền bạc và ngỏ ý muốn vời Ðào Duy Từ vào Nam giúp Chúa Nguyễn. Trong dịp này, Ðào Duy Từ và Chúa Nguyễn Hoàng có dịp xướng họa thơ để cùng tỏ tâm chí khi hai người cùng ngắm bức họa cảnh Lưu Bị, Quan Vân Trường, và Trương Phi đội tuyết vào Long Trung tìm Gia Cát Lượng vấn kế chống Tào, phục Hán.
Nguyễn Hoàng xướng:
Vó ngựa sườn non đá chập chùng
Cầu hiền lặn lội biết bao công
Từ tiếp đọc hai câu giải thích:
Ðem câu phò Hán ra dò ý
Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng
Nguyễn Hoàng chêm hai câu luận:
Lãnh thổ đoán chia ba xứ sở
Biên thùy vạch sẵn một dòng sông
Duy Từ kết lại:
Ví chăng không có lời Nguyên Trực
Thì biết đâu mà đón Khổng Minh?
Qua các cuộc luận bàn, Chúa nhận biết ý Ðào Duy Từ khuyên Chúa dựa vào sườn núi Trường Sơn đào hào, đắp lũy, tính kế lâu dài chống Trịnh và thấy rất hợp ý Chúa. Chúa Tiên trước khi từ biệt có căn dặn với Từ: “Lão phu về trước đắp sẵn đàn bái tướng chờ đợi tiên sinh. Nay lão phu đã 70, nếu chẳng may lão phu thất lộc, thì cũng phải kịp thời dặn dò con cháu đón tiên sinh về để nghe lời dạy bảo.”
Vài năm sau, Từ vào Ðàng Trong tìm yết kiến Chúa Nguyễn nhưng gặp lúc Chúa đi xa nên Từ phải tạm dừng chân ở làng Tùng Châu, Bình Ðịnh và xin làm kẻ chăn trâu cho phú hộ Chúc Trịnh Long.
Học giả Thái Văn Kiểm viết về sự kiện này trong Việt Nam Gấm Hoa (tr. 48):
Việc rời bỏ Ðàng Ngoài của Ðào Duy Từ còn được ghi trong câu ca dao:
Trong làng chẳng có ai vì
Vậy nên ta phải ra đi nước ngoài
Ít lâu, con trai của nhà phú hộ tên là Chúc Hữu Minh lập Thi Xã Tùng Châu và dùng Duy Từ làm thư đồng hầu hạ khách văn chương. Duy Từ thường làm hộ cho hội viên thi xã nhiều bài thơ rất hay. Tiếng đồn đến tai Khám Lý Trần Ðức Hòa. Khám Lý T. Ð. Hòa bèn đến chơi nhà họ Chúc nhằm mục đích thử tài họ Ðào. Quả nhiên, ông ta nhận xét họ Ðào là bậc thiên tài. Ông bèn rước về nhà dạy học và gả con gái cho. [đây có thể là sự sắp xếp trước để tránh tai mắt của Chúa Trịnh].
Quả thật người thời xưa biết chọn nhân tài, phân biệt chân giả và tri nhân thiện dụng. Tổ tiên chúng ta chắc chắn là thông minh hơn chúng ta bây giờ. Buồn thay cho chúng ta thời nay chỉ biết khôn vặt mà thôi.
Rồi Chúa Tiên mất (1613). Lúc lâm chung, Chúa dặn con là Phúc Nguyên rằng: ngày trước Chúa có ước hẹn với Ðào Duy Từ vào Nam giúp Chúa. Vậy khi nghe tin người đó vào thì phải rước về trọng dụng ngay. Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên dời đô ở Quảng Bình (Cát Dinh) vào Quảng Trị (Ái Tử) để xa biên giới Sông Gianh và bố cáo tuyển chọn nhân tài. Quan Khám Lý Trần Ðức Hòa bèn đưa Ðào Duy Từ ra Quảng Trị dâng bài Ngọa Long Cương để ra mắt Chúa. Chúa nhớ ra lời cha dặn bèn tính đến quán trọ đón Từ nhưng Trần Ðức Hòa xin để đưa Từ đến theo đúng nghi lễ.
Ðúng ngày hẹn, Hòa và Từ tới Phủ Chúa. Từ thấy Chúa Sãi ăn mặc sơ sài, áo trắng, giầy xanh, ra đón, bèn nói nhỏ với nhạc gia xin lui về vì cho thế là không đúng cách đối với hiền tài. Chúa hiểu ý, tỏ ý nhận lỗi, và lui vào trong mặc áo mão triều phục, ra nghênh tiếp. Sau cuộc đàm luận, Chúa nhận được chân tài hiếm có của họ Ðào bèn phong cho Từ làm Nha Úy Nội Tán, tước Lộc Khê Hầu, Quan Quản Nội Ngoại Quân Cơ, Tham Lý Quốc Chánh. Ðó chính là chúc vụ Tể Tướng.
Có danh chính, ngôn thuận rồi, Ðào Duy Từ khởi công đắp Lũy Trường Dục và Lũy Nhật Lệ (Lũy Thầy, Ðồng Hới). Ðể hoàn tất việc đắp những lũy này, Ðào Duy Từ đã huy động rất nhiều trâu bò vận tải vật liệu nặng như cây rừng, cát, và đá. Hai lũy kiên cố đã giúp ngăm chặn đường tiến quân của họ Trịnh trong cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh kèo dài gần nửa thế kỷ (1627 – 1672). Ðào Duy Từ quả là một bậc tài danh của Ðất Việt.
Hứa Do Rửa Tai và Sào Phủ Không Cho Trâu Uống Nước Dơ
Truyện này có viết trong Cổ Học Tinh Hoa của Nguyễn Văn Ngọc & Trần Văn Nhân (tr. 206). Ðời xưa ở Trung Quốc, Hứa Do là một bậc hiền (tài và đức) nổi tiếng đến nỗi vua Nghiêu muốn nhường ngôi. Hứa Do xuống núi gặp vua Nghiêu. Sau khi đàm luận, Hứa Do từ chối không nhận làm vua. Trên đường về, Hứa Do ghé vào một dòng suối để rửa tai vì đã cho rằng đã nghe những lời không trong sạch. Sao Phủ lúc đó tính dẫn trâu xuống suối uống nước, thấy vậy bèn hỏi tại sao Hứa Do rửa tai. Hứa Do đáp: “Tôi nghe vua Nghiêu nói tôi có tài đức nên muốn nhường ngôi. Tôi trót nghe và sợ dơ tai nên xuống đây rửa”. Nghe xong, Sao Phủ đánh trâu lên nguồn nước trên cho trâu uống, ý muốn nói: “Nghe rồi, mới rửa; chi bằng đừng nghe.” Ở đời, vẫn có những người thường nói ra không màng danh lợi nhưng lại vẫn thích nghe người ta ca tụng về mình. Nghĩ cũng nực cười.
Lục Súc Tranh Công
Ðây là một vở tuồng cổ không biết tác giả là ai. Nhưng căn cứ theo cách sử dụng từ ngữ thì tác giả là người ở Miền Trong tức từ miền Nghệ Tĩnh trở vào Nam và thuộc thời Lê Mạt hay Nguyễn Sơ. Vở tuồng thuộc loại “văn dĩ tải đạo”: mọi người, mọi vật đều có ích cho cuộc sống; phận ai nấy giữ; và đừng tị nạnh, khoe tài với nhau.
Vở tuồng viết theo thể thơ “cổ phong” song thất lục bát gồm 570 câu, chia làm nhiều đoạn; mỗi đoạn là lời kể công hay chê bai của một con vật nuôi trong nhà mà chữ nói là gia súc gồm: trâu (ngưu), chó (khuyển), lợn (thi), gà (ke), ngựa (mã), và dê (dương). Tác giả đã khéo léo đưa chúng lên diễn đàn phô diễn những đặc tính của mỗi loại; và dùng lời giảng giải của chủ nhà để thuyết phục chúng nhận ra lẽ “vạn vật trời sinh đều có ích” mà vui vẻ với nhau.
Nội dung thơ có chứa nhiều điển tích; lời thơ nhẹ nhàng dí dỏm, tao nhã, và ý vị, chứng tỏ tác giả cũng phải là bậc túc nho có nhiều quan tâm tới nỗ lực nâng cao nếp sống văn hóa của xã hội.
Mở đầu, tác giả viết:
Trời hóa sinh muôn vật
Ðất dong dưỡng mọi loài
Giống nào là giống chẳng có tài
Người đâu dễ không nhờ loại vật
Bài viết khởi đầu là lời Trâu đả kích Chó và tự cho mình có nhiều công nhiều với chủ.
Trâu chê chó:
Chưa rét đã phô rằng rét,
Xo-ro đuôi quít vào trôn,
Vấy bếp người, tro trấu chẳng còn,
Ba ông táo lộn đầu, lộn óc
Rồi, trâu tiếp tục kể công lao và than trách thân phận:
Trâu mệt mỏi, trâu liền năn nỉ
Một mình trâu ghê nỗi gian nan
Lóng canh gà mới gáy tan
Chủ đà gọi thằng chăn vội vã
Ðuổi trâu ra thảo dã
Cho nó ăn ba miếng đỡ lòng
Chưa bao lâu thoắt đã rạng đông
Vừa đến bữa cày bừa bua việc
Trước cổ đã mang hai cái mệt
Sau đuôi còn kéo một cái cày
Miệng đã dàm, mũi lại vòng dây
trên lưng ruồi bâu, dưới chân đỉa cắn
Trâu mệt đã, thở dài, thở ngắn
Người còn hầm hét, mắng ngược, mắng xuôi
Liệu vừa đứng bóng mới thôi…
Cảm thông thân phận vất vả của trâu, nhà thơ Minh Nông Tử làm bài thơ:
Vịnh Trâu Già
Trời đã sang thu, bóng đã tà
Trâu già nằm tựa gốc đa già
Mặt vêu, cổ ngỏng, gân cùng guốc
Bụng lép, mình gầy, xương với da
Vai mỏi chưa quên nương đất rắn
Chân chốn vẫn nhớ cánh đồng xa
Trúc mai món ấy đều xong chửa?
Móm mém nhai trầu mãi ấy a
*
Truyện nói về Trâu còn nhiều nữa chẳng hạn tích Lão Tử cỡi trâu xanh đi về Hàm Cốc, Ninh Thích chăn trâu chờ thời; tích “Kim Ngưu” tức Trâu Vàng có liên hệ đến Thiền Sư Khổng Minh Không và Hồ Tây ở đó có con nghé vàng và chuông đồng đen mà hễ nhà nào sinh được 10 con trai thì sẽ lấy được hai báu vật đó.
Cuối cùng, học giả Hương Giang Thái Văn Kiểm kê khảo thêm một câu lưu truyền trong dân gian rất ý nghĩa và có liên quan đến trâu: “Nước từ lỗ trâu chảy ra Khổng, Mạnh”. Nghĩa đen nói: nước từ lỗ chân trâu chảy ra không mạnh”; còn nghĩa bóng nói: Các bậc đại hiền triết Khổng Tử và Mạnh Tử sinh ra từ đồng ruộng nước Lỗ và nước Trâu mà thôi.
 
Hải Bằng.HDB & Bạch Cúc.NTN
(Tham khảo: Việt Nam Gấm Hoa của Hương Giang Thái Văn Kiểm, Làng Văn, Canada, 1997)