Tập 17, 18, 19, & 20/40: Bút Ký NGUYỄN CHÍ THIỆN,TRÁI TIM HỒNG- Tác giả TRẦN PHONG VŨ- Diễn đọc TÂM AN

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Phụ lục : ÂM VANG TỪ MỌI GIỚI (tt):

               – NGUYỄN CHÍ THIỆN TUỔI 20 (Đỗ Mạnh Tri)

               – NHÀ TRUYỀN THÔNG ĐỖ VĂN & TÁC GIẢ HOA ĐỊA NGỤC

 

               – NGUYỄN CHÍ THIỆN VÀ HOA ĐỊA NGỤC (Thụy Khê)

               – HOA ĐỊA NGỤC (Mặc Lâm)

               – “HOA ĐỊA NGỤC”  & ĐẢNG, BÁC, MÁC-LÊ (Phạm Hồng Sơn)  

“HOA ĐỊA NGỤC” VÀ ĐẢNG, BÁC, MÁC LÊ

…” Có thể nói, so với tuổi đời của bản thân, Hoa địa ngục đã nhận thức được rất sớm và cũng dám phê phán bác bỏ rất sớm, mặc dù không hệ thống, về ba trụ cột chính của quyền lực cộng sản tại Việt Nam: Đảng, Bác, Marx-Lenin.

Nếu nhìn lại “Nhân văn-Giai phẩm” và “Xét lại chống Đảng”, những hoạt động và biến cố xảy ra gần trước và sau so với Hoa địa ngục, trong ánh sáng nhận thức về ba trụ cột đó thì lại thấy nhận thức của Hoa địa ngục còn sớm cả so với thời đại nữa. Trong “Nhân văn-Giai phẩm” đã có những tiếng nói, bài viết và thái độ bất ưng, phê phán sâu sắc về sự chà đạp nhân quyền cơ bản hay vấn đề pháp trị của Đảng và có thể có cả những phê phán ẩn dụ về lãnh tụ nữa nhưng tất cả vẫn còn hoàn toàn trên tinh thần chấp nhận Đảng, tránh xa vấn đề “Bác” và không hề đề cập đến Marx-Lenin. Ở “Xét lại chống Đảng” cũng tương tự, chỉ là không đồng ý với chính sách của Đảng lúc đó, còn về chủ nghĩa Marx-Lenin, Hồ Chí Minh và Đảng đều vẫn được tôn trọng – tinh thần này gần như vẫn được các cựu thành viên của các biến cố đó giữ nguyên cho đến tận gần cuối những năm 1990.

Nhìn lại bối cảnh khắc nghiệt, tăm tối của Hoa địa ngục cách đây gần nửa thế kỷ và thực trạng hôm nay còn rất nhiều bậc trí giả vẫn tự coi Đảng, Bác là những thứ húy kỵ, lại càng thấy cái ghê gớm nhất, đáng kính phục nhất của Hoa địa ngục: không phải là bản lĩnh tù đày, kiên gan trong cô đơn hay trường thơ tố cáo in trong trí nhớ, mà là sự nhìn ra sớm, nhìn thấy triệt để nhưng lại không giấu mọi người về cái Ác rất to lớn – cái Ác ở tầm quốc gia, dân tộc.

Hoa địa ngục đương nhiên phải chia tay trần thế nhưng chắc chắn không bao giờ phải đi về địa ngục…”

 (Phạm Hồng Sơn)

—————————————

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-10-06

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện người nổi tiếng với tập thơ Hoa Địa Ngục vừa qua đời ngày 2 tháng 10 năm 2012 tại miền Nam tiểu bang California hưởng thọ 73 tuổi. Cuộc đời nhà thơ là một gương đấu tranh không mệt mỏi của một người dám đối diện với những tàn bạo mà chế độ dùng để trấn áp người bất đồng chính kiến.

Mặc Lâm tuyển chọn một vài bài thơ tiêu biểu trong tập Hoa Địa Ngục gửi tới quý thính giả trong chương trình Văn hóa Nghệ thuật tuần này.

Nếu ai hỏi nhà tù của chế độ cộng sản của Việt Nam có gì đặc biệt so với thế giới, câu trả lời nhanh nhất có thể đưa ra: bạn hãy đọc Hoa Địa Ngục của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.

Cuốn sách mỏng này có một lịch sử cũng lạ lùng không kém nội dung nó cưu mang. Thay vì in lén lút và chuyền tay nhau trong nước như thường thấy đối với những tác phẩm mà chế độ gọi là văn hóa phẩm phản động thì nó lại tìm đường vượt biên qua ngã tòa đại sứ Anh tại Hà Nội để từ đó bay sang tận Mỹ và phô bày cho cả thế giới xem những hình ảnh kinh hoàng được viết lại bởi 

chính nạn nhân của nó. Người tù này nhanh chóng được vinh danh bằng một cái tên lạ lùng nhất thế giới: “ngục sĩ” Nguyễn Chí Thiện.

Lý lịch tù tội của ông cho thấy tư duy của những người cầm quyền lệch lạc và độc đoán tới mức không ai có thể tưởng tượng nổi. Nhà thơ bị bắt giam vì một cái tội là nói đúng sự thật lịch sử khi sách giáo khoa của chế độ tuyên truyền xuyên tạc những dữ kiện đã được cả thế giới công nhận. Trong một lần phỏng vấn trước đây, nhà thơ kể cho chúng tôi câu chuyện ông bị bắt giam và phải ở tù ba năm rưỡi vì một tội danh không hề hiện diện trong bất cứ hiến pháp của một quốc gia nào:

“Khi bị bắt sự thực mà nói thì tôi không làm gì cả. Hôm ấy một ông bạn, ông ấy là giáo viên dạy sử. Ông ấy ốm nhờ tôi dạy hộ một lớp bổ túc văn hóa mà lớp ấy ở trước nhà tôi ở phố Ga Hải Phòng. Tôi cũng tình cờ vào dạy giúp ông ấy có hai tiếng thôi. Tôi giảng về đại chiến thứ hai rằng sở dĩ Nhật đầu hàng là do hai quả bom nguyên tử của Mỹ nó bỏ xuống Hiroshima và Nagasaki.

Thế nhưng bài giảng đó nó sai với sách giáo khoa. Sách giáo khoa nói do Liên Sô đánh tan quân Nhật ở Mãn Châu thì Nhật phải đầu hàng chứ không phải do Mỹ. Tôi chỉ giảng như thế thôi. Mình cũng vô tình nhưng nó theo dõi mãi đến đầu năm 1961 nó bắt tôi ra tòa với tội là phản tuyên truyền. Khi ra tòa thì tôi cũng nói tôi giảng theo đúng lịch sử thôi. Lúc bấy giờ họ xử tôi hai năm tù nhưng tôi phải ở 3 năm rưỡi.”

Người ta không thể tìm thấy bất cứ lời hoa mỹ, khó hiểu hay cách dùng một thủ thuật ước lệ, ẩn dụ hay tự trào nào trong cả tập thơ Hoa Địa Ngục. Với Nguyễn Chí Thiện ông làm thơ với một mục đích duy nhất: tố cáo sự tàn ác của các nhà tù cộng sản mà ông là nhân chứng sống. Bài thơ mang tên “Thơ của tôi” được sáng tác vào năm 1970 khẳng định thơ của ông không phải là thơ theo định nghĩa thông thường:

Bìa tập thơ ‘Hoa Địa Ngục’ Photo: RFA

THƠ CỦA TÔI

Thơ của tôi không phải là thơ
Mà là tiếng cuộc đời nức nở
Tiếng cửa nhà giam ngòm đen khép mở
Tiếng khò khè hai lá phổi hang sơ
Tiếng đất vùi đổ xuống lấp niềm mơ
Tiếng khai quật cuốc đào lên nỗi nhớ
Tiếng răng lạnh đập vào nhau khổ sở
Tiếng dạ dày đói lả bóp bâng quơ
Tiếng tim buồn thoi thóp đập bơ vơ
Tiếng bất lực trước muôn ngàn sụp lở
Toàn tiếng của cuộc đời sống dở
Và chết thời cũng dở, phải đâu thơ!
(1970)

Vẫn cảm thấy chưa đủ, năm năm sau ông viết tiếp một bài thơ thứ hai cũng có tựa như bài thơ ông viết năm 1970, lần này ông cho biết nguồn cội làm những bài thơ bật lên tiếng nói:

THƠ CỦA TÔI

Thơ của tôi không có gì là đẹp
Như cướp vồ, cùm kẹp, máu ho lao
Thơ của tôi không có gì cao
Như chết chóc, mồ hôi, báng súng
Thơ của tôi là những gì kinh khủng
Như Đảng, Đoàn, như lãnh tụ, như trung ương
Thơ của tôi kém phần tưởng tượng
Nó thật như tù, như đói, như đau thương
Thơ của tôi chỉ để đám dân thường
Nhìn thấu suốt tim đen phường quỉ đỏ
(1975)

Hai bài thơ cùng một tựa đề có thể được dẫn dắt từ hai lần bị bắt giữ. Bài thơ lần đi tù thứ nhất đã dẫn nhà thơ Nguyễn Chí Thiện vào nhà giam lần thứ hai, ông kể:

“Lần thứ hai sau khi tôi được thả về thì bom đạn chiến tranh ở miền Bắc tôi hết đường sống. Đành phải bỏ cái lớp dạy tư Anh, Pháp văn do một anh bạn có giấy phép mở tôi ké vào dạy kiếm sống và làm nghề dịch sách nữa.
Trong lần đi tù lần thứ nhất tôi có làm được khoảng 100 bài thơ đọc cho bạn bè nghe, nhiều bài được lưu truyền không may đến tai công an. Công an bắt tôi thì tôi không nhận là thơ do tôi làm. Công an không xử nữa mà nó bắt tôi tập trung cải tạo, lần này mất 11 năm rưỡi nữa mãi đến tháng 7 năm 1977 tôi mới được về, vì nó cần chỗ để nhốt người miền Nam. Trong giấy tha của tôi nó đề tội danh của tôi là tội làm thơ phản động dù tôi không nhận nó cũng để như thế.”

Bài thơ “Anh có biết” được ông sáng tác vào năm 1966 có thể xem là tiếng rống thống thiết của một con thú chứ không phải là con người khi sự đau khổ đã trở thành viên đá nằm câm nghẹn trong lồng ngực.

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện tại buổi ra mắt tập thơ Hoa Địa Ngục. Photo by Nguyễn An/RFA. Photo: RFA

ANH CÓ BIẾT

Anh có biết giữa lao tù cay đắng
Rét không quần, không áo, đập hàm răng
Đói xương sườn, xương sống chồi căng
Ốm không thuốc thân tàn xem khó thắng
Tôi vẫn có những đêm dài thức trắng
Tạo vần thơ câm lặng, anh ơi!
(1966)

Khi mà Trung Quốc đánh miền Bắc vào tháng 2 năm 79 thì công an bắt đầu gọi tôi lên sở lên đồn liên tục, viết kiểm điểm đe dọa bắt bớ đủ thứ. Đến nước này tôi thấy nguy cơ nếu mà nó bắt lần nữa thì khó sống. Thế nên tôi quyết định phải gửi tất cả thơ tôi làm được trong vòng 15 năm ra ngoại quốc.

Tôi vào tòa đại sứ Anh ngày 16 tháng 7 năm 1979 lúc 9 giờ sáng để gửi tập thơ ra ngoài. Sự thực tôi làm thơ để mong gửi vào miền Nam cho dân chúng biết chế độ miền Bắc để thêm tinh thần chiến đấu. Có ai làm thơ để gửi ra ngoại quốc bao giờ?”

Bài thơ “Trong bóng đêm” là một chuỗi âm thanh khác của sự áp bức khốc liệt của nhà giam mà chủ nhân của những nơi chứa đầy bóng tối này mang tên Đảng cộng sản.

TRONG BÓNG ĐÊM

Trong bóng đêm đè nghẹt
Phục sẵn một mặt trời
Trong đau khổ không lời
Phục sẵn toàn sấm sét
Trong lớp người đói rét
Phục sẵn những đoàn quân
Khi vận nước xoay vần
Tất cả thành nguyên tử
(1976)

Nhiều năm trời bị giam giữ, nhà thơ gặp rất nhiều hạng người và số phận của họ vẽ lên khuôn mặt của chế độ bằng những nét nhớp nhúa, cáu bẩn. Các chính sách duy ý chí cộng với lòng nhiệt tình trái khoáy sản sinh ra hệ lụy kéo dài nhiều thế hệ. Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của ông trong tập Hoa Địa Ngục là bài “Anh gặp em” được viết năm 1965 kể về số phận một người con gái bị nhốt và mất xác trong tù.

Cố nhà thơ Nguyễn Chí Thiện (phải) và dịch giả Huỳnh Sanh Thông (trái) tại thành phố New Haven, Connecticut, hồi Tháng Tư 2005. Hình: Quang Phu Van – Vietnam Literature Project. Photo: RFA

ANH GẶP EM

Anh gặp em trong bốn bức rào dầy
Má gầy, mắt trũng
Phổi em lao, chân em phù thũng
Gió lạnh từng cơn rú qua thung lũng.
Em ngồi run, ôm ngực còm nhom
Y sĩ công an nhìn em, thôi nạt nộ om sòm.
Em ngồi lọt thỏm
Giữa bọn người vàng bủng co ro
Những tiếng ho
Những cục đờm mầu
Mớ tóc rối đầu em rũ xuống
Mình em, teo nhỏ, lõa lồ…
Em có gì đâu mà em xấu hổ!
Em là đau khổ hiện thân
Ngấn lệ đêm qua còn dấu hoen nhòa
Trên gò má tái
Trong lòng anh bấy lâu nay xám lại.
Nhìn em, lệ muốn chảy dài
Anh nắm chặt bàn tay em hơi rụt lại
Em nhìn anh, mắt đen, tròn, trẻ dại
Nước da xanh mái thoáng ửng mầu
Trong quãng đời tù phiêu dạt bấy lâu
Đau ốm một mình tội thân em quá!
Chắc đã nhiều đêm em khóc như đêm qua
Khóc mẹ, khóc nhà.
Khóc buổi rời miền Nam thơ ấu
Chân trời hun hút nay đâu?
Rồi đây, khi nằm dưới đất sâu.
Em sẽ hiểu một điều
Là đời em ở trên mặt đất
Đất nước đè em nặng chĩu hơn nhiều!
Nhưng nghĩ lúc thân mình bó trong manh chiếu
Anh biết lòng em kinh hãi hơn ai
Khi gió bấc ào qua vách ải
Những manh áo vải
Tả tơi
Vật vã
Vào thịt da..
Em có lạnh lắm không?
Mưa gió mênh mông
Thung lũng sũng nước bùn
Bệnh xá mối đùn,ẩm mốc
Những khuôn mặt xanh vàng gầy dộc
Nhìn nhau, đờ đẫn, không lời.
Nhát nhát em ho
Từng miếng phổi tung rời
Bọt sùi, đỏ thắm!
Em chắc oán đời em nhiều lắm.
Oán con tàu tập kết Ba Lan
Trên sóng năm nào
Đảo chao
Đưa em rời miền Nam chói nắng.
Sớm qua ngồi, tay em anh nắm
Muốn truyền cho nhau chút tình lửa ấm.
Mặc bao ngăn cấm đê hèn
Sáng nay em không trống không kèn
Giã từ cuộc sống
Xác em rấp trên đồi cao gió lộng.
Hồn anh trống rỗng, tả tơi…
(1965)

Hai năm sau khi bài thơ “Anh gặp em”, một bài thơ khác mang tên “Tôi là bạn” nói lên tâm trạng của nhà thơ khi gặp những mảnh đời khốn khổ khắp nơi trong khoảng thời gian hiếm hoi mà ông được tự do sau khi trở về từ nhà giam khép kín. Những con người ấy tuy đang sống và hít thở khí trời bên ngoài song sắt các nhà giam nhưng sự nghèo đói, lòng khinh bỉ của xã hội và gánh nặng của cuộc sống đè lên vai vẫn là hình ảnh của địa ngục bên trong cái được gọi là thiên đường cộng sản:

TÔI LÀ BẠN

Tôi là bạn của cô gái đĩ
Ế khách ngồi ngủ gật ở vườn hoa
Tôi chẳng có gì an ủi cô ta
Ngoài tình cảm chan hòa và không khinh bỉ
Tôi là anh của những em nhỏ tí
Xó chợ đầu đường, ăn cắp vặt nuôi thân
Bé tí hon mà tù tội bao lần
Miệng tục tĩu, hồn như trang giấy trắng!
Tôi là con lão ăn mày cay đắng
Không gia đình, tàn phế lắt lay
Mời lão xơi một bữa rượu thực say
Nghe lão khóc kể những ngày xa cũ
Tôi, tóm lại, là trái tim ủ rũ
Thông cảm với nhiều số phận bùn đen
Vì chính tôi, tôi là gã nhiều phen
Khổ đói, lao tù, nhục khinh nếm đủ!
(1967)

Ở tù quá lâu khiến Nguyễn Chí Thiện trở thành nạn nhân của thứ phản xạ có điều kiện. Nếu cái giật mình của Trần Tế Xương trong bài “Sông lấp” vì tưởng có người gọi đò khi con sông không còn nữa khiến người đọc bồi hồi thì ngược lại trong bài “Tôi nhắm mắt” nỗi ám ảnh của nhà tù ghê gớm đến mức không bao giờ chấm dứt đối với một người tù chính trị vì bản án treo lơ lửng suốt đời trong tiềm thức, cứ “mở mắt ra là sừng sững bóng trại tù”.

Cố nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. RFA files.Photo: RFA

TÔI NHẮM MẮT

Tôi nhắm mắt nằm yên, không ngủ
Kẻng báo rền vang, sáng tự bao giờ
Tôi nằm yên, không nghĩ ngợi, không mơ
Mà lịm chết trong bóng mờ ủ rũ
Bóng mẹ cha già đớn đau hóa mụ
Đêm tối mênh mông đốm lửa vật vờ
Bóng cuộc đời tôi lặng vắng như tờ
Thất thểu, bơ vơ, khóc cười lỡ dở
Bóng nhợt xám vài mối tình khổ sở
Lảo đảo đi về, tuyệt vọng, âm u
Bóng hình tôi ho ra máu, lưng gù
Mở mắt ra: sừng sững bóng trại tù
(1969)

Những ngày cuối cùng của nhà thơ tại Mỹ có thể là khoảng thời gian cô đơn nhất. Cô đơn giữa một cuộc sống sôi động thật khác xa với nỗi cô đơn giữa bốn bức vách nhà giam. Năm 1986, mười một năm trước khi qua Mỹ ông viết bài “Trái tim hồng” như một lời trăn trối trao lại cho ngàn sau khi hư vô trước sau gì cũng cập bến:

TRÁI TIM HỒNG

Ta có trái tim hồng
Không bao giờ ngừng đập
Căm giận, yêu thương tràn ngập xót xa
Ta đương móc nó ra
Làm quà cho các bạn
Mấy chục năm rồi
Ta ngồi đây
Sa lầy trong khổ nạn
Như con tàu vượt trùng dương mắc cạn
Mơ về sóng nước xa khơi
Khát biển, khát trời
Phơi thân xác trong mưa mòn, nắng gỉ
Thân thế tàn theo thế kỷ
Sương buồn nhuộm sắc hoàng hôn
Ký ức âm u vất vưởng những âm hồn
Xót xa tiếc nuối
Ta vẫn chìm trôi trong dòng sông đen tối
Lều bều rác rưởi tanh hôi
Hư vô ơi, cập bến tới nơi rồi
Cõi bụi chờ mong chi nữa!
Một trái tim hồng với bao chan chứa
Ta đặt lên bờ dương thế trước khi xa
(1986)

Trong bài viết thương tiếc sự ra đi của nhà thơ, nhà báo Ngô Nhân Dụng đã dùng một cụm từ rất đắt: “Ngọn lửa tâm can của Nguyễn Chí Thiện”. Thật không còn từ nào đắt hơn. Cái ngọn lửa tâm can ấy chừng như không bao giờ tắt trong Hoa Địa Ngục mặc dù người sáng tạo ra nó đã đi xa. Tâm can nhà thơ như lời nguyền vẫn thở hừng hực trên từng con chữ đã được đánh đổi bằng máu huyết, nhục hình lẫn yêu thương thống thiết của nhà thơ, người Việt Nam duy nhất mang tên ngục sĩ.

(Mặc Lâm -RFA)  

                                                           ****************************************

Tập 17, 18, 19,   & 20/40: