Tại sao thi sĩ không làm thơ nữa?-Chu Tất Tiến

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Thưa quý vị,

Trước hết, thư này không phải là một lá thư “nổ” về cá nhân mình, mà chỉ muốn trả lời cho những nghi vấn về Nhà Thơ Quá Cố Nguyễn Chí Thiện về câu hỏi: “Tại sao thi sĩ không làm thơ nữa?” Mong quý vị thông cảm và bỏ qua ý nghĩ về tôi đang .. “nổ” để lấy tiếng. Theo tôi, việc dành giật  tiếng tăm là một chuyện quá đỗi tầm thường, vì “hữu xạ, tự nhiên hương”, nếu hoa không tự phát ra hương thơm, thì dù cố xịt nước thơm vào cũng chỉ vài giây là hương giả bay mất. Mỗi con người có giá trị của riêng mình mà người đánh giá lại là công chúng, chứ không phải chính mình. Không thể leo lên ngồi ghế cao rồi tuyên bố: “Tôi là.. Tôi xứng đáng.. Tôi đã làm…” để mong thiên hạ vỗ tay. Thực tế, càng tự đưa mình lên, càng bị thiên hạ dìm xuống! Nguyễn Chí Thiện không bao giờ cố dành lấy danh dự cho mình, mà chính vì ông khiêm nhượng, không thèm làm việc đó, mà những người có lòng với quê hương đều khâm phục ông.,không chỉ ở quốc ngoại, không chỉ ở cộng đồng người Việt Tị Nạn, mà cả quốc tế nữa. Giả như ông cố biên minh, biện giải, chứng minh mình là anh hùng, thì có lẽ lại chẳng có ai ưa. Trừ có 1 lần duy nhất, bà Hoàng Dược Thảo thách thức công khai, và bởi sự thúc đẩy của chính chúng tôi, những người đã hiểu ông như hiểu một người bạn thân, ông mới miễn cưỡng nhận lời ra trước công chúng. Đó là sự thật. Chúng tôi đã họp nhiều lần, yêu cầu ông chấp nhận trả lời bà Hoàng Dược Thảo, vì chúng tôi tin rằng sự thật sẽ được phơi bầy. Mãi, ông mới nhận lời, vì, như đã nói trên, bản tính ông rất khiêm nhượng, không muốn tranh cãi. Do đó, mà anh em Cựu Tù Biệt Kích, những người đã sống chung với ông nhiều năm tại các trại giam khổ sai, mới yêu kính ông và mỗi năm cứ đến kỳ gặp mặt Biệt Kích Cựu Tù, thì ông lại được mời đến với những tấm lòng quý mến ông cách đặc biệt. Cá nhân tôi đã phỏng vấn Biệt Kích Lương trên đài SBTN, và nghe Biệt Kích Lương kể chuyện về NCT, về cách ông đọc thơ cho họ nghe, về những lần ông bị cùm, bị cột vào cọc, phơi nắng chỉ vì đọc thơ chống Cộng sang sảng. Chính Biệt Kích Lương đã là người tháo giây trói ông ra khỏi cọc, vào một buổi chiều, khi bọn cai tù chịu thả ông về, và cõng ông vào lại trong nhà. Biệt Kích Lương kể:

-Buổi sáng hôm ấy, anh em chúng tôi đi làm rừng, ngang qua chỗ anh bị trói vào cọc, mà mắt người nào cũng đỏ hoe, vì thương anh quá. Anh gầy guộc, trơ xương ra, tay bị trói quặt ra sau, nhưng vẫn mìm nụ cười…

Vì tư cách dũng cảm như thế, bọn Cộng Sản, sau khi phải thả anh ra, và buộc anh qua Mỹ, chúng đã dùng những tên nằm vùng ở hải ngoại chửi bới anh, mạ lị anh liên tục theo  kiểu “Tăng Sâm giết người”, làm cho một số người hải ngoại cũng tin rằng anh chính là Trùm đĩ ở động Cà Mâu! Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa. Một số anh em chúng ta cũng nữa tin nửa ngờ…

Từ đó mới có vấn nạn: Tại sao thi sĩ không làm thơ nữa?

Xin thưa: Là thi sĩ nghĩa là ru với gió. Mơ theo trăng và vơ vẩn củng mây…(XD)  Thi sĩ là người bất chợt thấy hứng khởi trước một sự kiện, một hình ảnh, một câu nói, một lời thơ khác, rồi đột nhiên, trong đầu trào ra những tư tưởng để phải viết xuống thành thơ. Và chỉ trong Trường Hợp nào đó, giây phút nào đó mà thôi nhé. Nếu cũng cùng sự kiện đó mà xẩy ra ở môt thời điểm khác, chưa chắc nhà thơ đã nẩy sinh ra được một câu thơ. Cho nên, rất nhiều nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng khi trước, sau khi sang Mỹ, đã không làm được tác phẩm nào ác liệt như xưa nữa. Một số gác bút luôn. Số nhỏ khác thì thỉnh thoảng mới sáng tác được đôi bải. Ngay cả Trịnh Công Sơn, vết nhạc như máy, mà sau 75, thì . .tịt ngòi! Viết được vài bài vớ vẩn, chẳng ra ngô ra khoai.

Tệ nhất cho một người viết chuyên nghiệp như TCS đã cho ra đời bản Tôi ơi, đừng tuyệt vọng và Tiến Thoái Lưỡng Nan, nghe như khúc nhạc cầu hồn cho chính mình. Còn Nguyễn Chí Thiện, không phải là nhà thơ chuyên nghiệp, ông không sống bằng tiền làm thơ! Ông chỉ xúc cảm, chỉ đau đớn, chỉ phẫn nộ với chế độ mà bật lên lời thơ. Sau này, sang Mỹ, thoát khỏi cảnh khổ đó rồi, ông không còn rung động nào để viết thêm thơ nữa. Thật ra, cũng có vài bài, nhưng không hay. VÀ ông đã đổi thành viết truyện! Ý Thơ không còn khi ở xứ sở Tự do thì ông chuyển thành ý Văn. Đó là chuyện đương nhiên. Những ai cứ  xoáy quanh câu hỏi: “Tại sao nhà thơ cách mạng như ông lại không làm thơ cách mạng nữa?” chỉ chứng tỏ là mình chưa hề hiểu Thơ là Gì?

Cá nhân tôi, đã làm thơ từ tuổi 11, học lớp Đệ Thất Trường Lê Bảo Tịnh. Tôi nhớ bài thơ đầu đời của tôi như sau:

Hôm nay trời trở gió
Con Vện vàng co ro
Chui trong bao bố rách
Vẻ mặt nó buồn xo.

Chú sẻ bên hiên nhà
Cũng rùng mình mong đợi
Cô bướm trắng bay qua:
Thu đến rồi! Bạn ơi! …
Ngày nay, chỉ nhớ được đến thế, và nếu ai hỏi tôi làm sao mà viết lại những dòng chữ như vậy, tôi chịu thua. Cũng như hàng trăm bài thơ khác, như Trường Thi dài vài trăm câu: Gửi Nguyễn Tấn Dũng, Đau Quá Việt Nam, 1001 Câu Hỏi… nếu ai bảo tôi xóa đi rồi viết lại, tôi chảo thua ngay, vì không hiểu tại sao tôi lại viết được dài hơi như thế.

Văn chương cũng thế, tôi viết văn từ năm 1968. Truyện ngắn đầu tay của tôi đăng trên Nguyệt San Bộ Binh rồi sau đó, ở báo Đời của Chu Tử dưới nhiều biệt hiệu khác nhau.. Tới nay là khoảng 600, 700 truyện và xã luận, 9 cuốn sách.. mà viết xong thì quên ngay, nếu có lệnh nào dí súng vào tôi bảo viết lại y hệt như thế, tôi thà bị bắn…
Viết những lời dài giòng như trên, một lần nữa, không có ý muốn “Nổ”, nhưng chỉ để minh danh cho người bạn chiến sĩ của công đồng đã bị bao tiếng Oan khuất, bị mạ lị, bị chửi bới nặng nề, ngay cả sau khi đã chết vì đất nước.
Kinh bút,

Chu Tất Tiến.