Tại Sao Hồi Giáo Làm Cho Người Pháp Hoảng Sợ?

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tại Sao Hồi Giáo Làm Cho Người Pháp Hoảng Sợ?

Du Sinh

‘Tại sao Hồi giáo làm cho người Pháp hoảng sợ?’ (Pourquoi l’Islam fait peur aux Français ?’), là đầu đề của bài viết trong tuần báo Valeurs actuelles (Jeudi, 20-26 Janvier 2011, p. 9-18).

Bài báo được coi là quan trọng vì tiêu đề được in chữ lớn ngay trên mặt bìa thứ nhất và trên nhiều tờ quảng cáo dán khắp nơi. Đây cũng là một vấn đề mà những người sống trên đất Pháp như chúng ta phải biết. Vì thế chúng tôi hân hạnh lược ý và gửi đến quý độc giả,  với hy vọng giải đáp phần nào bảy câu hỏi: 1) Người pháp nhận định thế nào về người hồi giáo đang sống trên đất pháp? 2) Tại sao người hồi giáo làm cho người pháp hoảng sợ? 3) tại sao 68% người pháp cho rằng người hồi giáo khó hội nhập vào xã hội Âu châu?. 4) Nhận định về Hội Đồng Pháp về Phụng Tự Hồi Giáo (Conseil Français du Culte Musulman). 5) Liệu người hồi giáo có hội nhập được ‘chế độ thế tục’ hiện nay của Pháp không?. 6) Chống hay chấp nhận luật ‘cấm trùm khăn toàn thân’ (voile intégral)? . – 7) Còn chuyện ‘hồi giáo cầu nguyện ngoài phố’ thì sao?

1. Người Pháp nhận định thế nào về Hồi giáo đang sống trên đất Pháp?

Hiện nay người hồi giáo chiếm 8-9% dân pháp. Nói về hội nhập vào xã hội pháp thì họ ‘rất dè dặt trên nền tảng’, ‘rất phê phán về hình thức’ và ‘rất xao xuyến cho tương lai’. Vì thế, theo cuộc thăm dò của hãng Ifop thực hiện cho báo Le Monde, thì đa số người pháp mỗi ngày thêm thù nghịch với hồi giáo, cách riêng từ năm 1990 tới nay. Những điểm thăm dò dư luận của dân pháp đối với hồi giáo về bốn điểm tiêu cực và bốn điểm tích cực, kết quả như sau:

Bạn nghĩ gì về hồi giáo? Bạn có thể trả lời từng câu hay trả lời chung cả 8 câu. Trả lời riêng từng câu. Trả lời chung cả 8 câu
Hồi giáo từ chối các giá trị tây phương (tiêu cực) 31% 62%
Hồi giáo là ‘cuồng tín’ (tiêu cực) 18% 57%
Hồi giáo chủ trương ‘quy phục’ (tiêu cực) 17% 49%
Hồi giáo có nhiều ‘bạo động’ (tiêu cực) 6% 34%
Hồi giáo ‘bảo vệ nữ giới’ (tích cực) 3% 7%
Hồi giáo trọng ‘công lý’ (tích cực) 3% 6%
Hồi giáo đề cao ‘tự do’ (tích cực) 2% 5%
Hồi giáo có tính cách ‘dân chủ’ (tích cực) 1% 4%
Không biết để trả lời 19% 20%
Tổng cộng 100% (*)

* Tổng thể vượt trên 100%, vì có người trả lời một lúc nhiều câu hỏi đặt ra.
Theo bảng trên đây, chúng ta thấy ‘phán đoán của người pháp rất nghiêm khắc: 72% người pháp cho hồi gíáo là ‘từ chối tây phương’ (31%), ‘cuồng tín’  (18%), ‘quy phục’ (17%) và bạo động’ (6%). Riêng câu đầu tiên ‘Từ chối Tây phương’ hiện nay dư luận lên gần gấp đôi sánh với năm 2001 (17%). Bốn câu hỏi tiếp theo: hồi giáo có ‘bảo vệ nữ giới’ không? có ‘Công bằng’ không?, có ‘dân chủ’ không? Và có ‘tự do’ không? cũng bị phán đoán ‘rất tiêu cực’!

Đó là chưa kể 55% người pháp cho rằng ‘ảnh hưởng và hiện diện của hồi giáo là quá đáng’ (trop importantes). Do đó cách thực hành tôn giáo của họ mang tính cách ‘chinh phục quá đáng’ (trop conquérante), và 68% người pháp phán đoán rất tiêu cực rằng: người hồi giáo không có ý muốn hay không có khả năng hội nhập vào xã hội tây phương. Theo nhận định của ông Jérôme Fourquet, ‘người pháp ý thức rằng cộng đồng hồi giáo không có ‘ơn gọi đi tới’ (vocation de partir), họ đòi hỏi chỗ đứng của họ và người ta phải ‘đồng cư’ (cohabiter) với họ’. Bởi vậy, không lạ gì, chỉ 22% người pháp cho rằng ‘hồi giáo là nguồn phong phú về văn hóa’ đang khi 42% (tức gần gấp đôi) người pháp cho rằng ‘hồi giáo là một sự đe dọa’ (une menace).

Từ những những kết quả thăm dò ở trên, hãng Ifop tiên đoán rằng: Hồi giáo là một trong những đề tài sôi nổi trong cuộc tranh cử tổng thống sắp tới’.

2. Tại sao người Hồi giáo làm cho người Pháp hoảng sợ?
Theo kết quả của nhiều cuộc thăm dò thì hiện nay 42% người pháp coi sự hiện diện của hồi giáo trên đất pháp là ‘một mối đe dọa’. Cuộc tranh luận (débat) diện đối diện giữa ông Xavier Lemoine (XL), thuộc đảng UMP, làm xã trưởng Montfermeil và ông Abdelhak Eddouk (AE), tuyên uý hồi giáo và đã viết nhiều bài báo về hồi giáo, mà chúng tôi tóm lược dưới đây, sẽ cho chúng thấy một số nguyên nhân.

AE. – Không thể coi thường kết quả thăm dò này, con số đã quan trọng (42%) lời lẽ lại mạnh mẽ (mối đe dọa). Tôi không chối tính cách hợp pháp của cuộc thăm dò, nhưng tôi muốn nêu lên hai cách cắt nghĩa: 1) Thành quả này gắn liền với những thực tế mới xảy ra qua các cuộc tranh luận ‘căn tính quốc gia’,  ‘luật cấm trùm khăn toàn thân’, ‘vấn đề đa thê’, ‘các vụ khủng bố ở ngoại quốc’, và ‘truyền thông chỉ nói đến hồi giáo qua các thảm cảnh, nhiều người chỉ biết hồi giáo qua truyền thông’… Vì thế, tôi không ngỡ ngàng về sự xao xuyến của dân pháp. – 2) Người ta chỉ trình bày hồi giáo qua các luận đề của một thiểu số không đại diện gì cho toàn bộ tập thể hồi giáo. Tại sao lại quá trân trọng ‘nhóm thiểu số này’, đang khi hầu như toàn thể người hồi giáo sống tại pháp ghét bỏ những hành động quá khích ấy?  Họ là những người đầu tiên khổ tâm về những hành động như vậy!

XL. – Việc thăm dò luôn là việc lượng giá một nhận định. Nhưng đây không phải là một nhận định chốc lát, mà là nhận định đã có từ chục năm nay. Nhận định này cho thấy ‘sự đe dọa của hồi giáo’ mỗi ngày một gia tăng. Phải chăng vì những biến cố Afghanistan, ở Pakistan hay ở Aicập? Đã từ 25 năm, tôi thấy nhiều ông chồng không muốn nam bác sĩ khám bệnh cho vợ của họ, những trẻ em bài bác một số môn học của nhà trường, một số hội đoàn đòi phải có giờ riêng cho người nam, người nữ đến hồ tắm… Đó là chưa nói đến những đàn bà trùm khăn mỗi ngày một đông ở ngoài phố, một số người hồi giáo lại có những phù hiệu riêng để tách biệt với người pháp. Những người hồi giáo chính thống (fondamentalisme) không phải là đại diện cho cộng đồng hồi giáo, nhưng họ là thành phần của cộng đồng. Cách sống của họ về ‘thực chất’ không khác với những người hồi giáo khác mà chỉ khác về cường độ thôi (degré). Tôi khẳng định rằng ‘những người hồi giáo chính thống’ đang lấn chiếm dần dần. Hơn thế,  muốn có sự bình an, người hồi giáo đã hùa theo lối sống của họ. Tôi đưa ra một thí dụ: với tư cách một nghị sĩ, tôi hay tổ chức những cuộc xuất du (excursion) cho các bà hồi giáo. Ngay khi ra khỏi Montfermeil, phân nửa các bà bỏ khăn trùm ra. Rồi khi trở về, họ trùm đầu lại ‘để người ta khỏi nguyền rủa họ hay để không ai đến nhà dụ họ vào đạo’. Họ cho tôi biết như vậy. Những người thủ cựu đã nắm trong tay khối đa số những người hồi giáo quá thinh lặng. Đó là tôi không chấp nhận.

AE. – Xin nói một câu về tình hình quốc tế: Những chức sắc cao cấp của hồi giáo tại Ai Cập, Maghreb đã lên tiếng kết án những vụ bạo động mà nạn nhân là các Kitô hữu.
XL. – Nhưng còn quá dè dặt.
AE. – Không dè dặt. Tôi có thể chuyển đến cho ông những lời kết án cứng rắn, trong đó có bản cảnh báo của Hội Đồng Phụng Tự Hồi Giáo tại Pháp (CFCM) nữa. Tôi rất hài lòng vì ông đã phân biệt khối đa số hồi giáo quá thầm lặng và một nhóm nhỏ đôi khi gây hấn.
3. Tại sao 68% người pháp cho rằng người hồi giáo khó hội nhập (mal intégrés)?.
AE. – Trong số 68% người pháp ấy, chắc cũng có nhiều người pháp-hồi giáo. Nhiều người hồi giáo nói rằng: “Quả thật, chúng tôi không hội nhập. Chúng tôi tiếc lắm! Cách riêng những người trẻ: “Chúng tôi là người pháp, chúng tôi sinh ra ở pháp, đi học trường công, chúng tôi an cư lạc nghiệp… Người ta còn muốn chúng tôi phải làm gì nữa? Người ta mong chờ gì nữa nơi chúng tôi?. Này ông Lemoine, từ ‘hội nhập’ là một quan niệm mờ ảo, mỗi người hiểu theo một kiểu…
XL. – Làm sao cắt nghĩa được: mỗi ngày một nhiều cơ quan chính quyền và các xí nghiệp phải đương đầu với những đòi hỏi đặc biệt của cộng đồng hồi giáo?
AE. – Không ai chấp nhận việc một ông chồng tấn công một bác sĩ muốn giúp vợ ông sinh nở, vì ông chồng đã hành động không đúng với cách sống của hồi giáo, bởi vì hồi giáo dạy rõ ràng ‘sự sống quý trọng hơn hết’. Khi ông chồng bắt ép bà vợ trùm khăn mà bà không muốn. Ông chồng làm như vậy không đúng, vì sách Coran nhấn mạnh : ‘Trong phạm vi tôn giáo, không thể có ép buộc’.
AE. – Tôi chỉ nói rằng những người hồi giáo tại Pháp không chịu trách nhiệm về những vụ việc xảy ra ở ngoại quốc. Tại Pháp, hồi giáo không phải là tôn giáo ‘đi qua đường’ (religion de passage), nhưng là một trong những tôn giáo của quốc gia, vì đa số người hồi giáo sống tại Pháp là công dân của nước Pháp.
XL.- Đúng thế. Nhưng đó không phải là quan điểm của các imams (giảng sư hồi giáo). Còn  xa lắm. Đây cũng là một vấn đề rất quan trọng.
AE. – Tôi đồng ý với ông về điểm này, nhưng tôi muốn trở về vấn đề then chốn của chúng ta. Hầu hết người hồi giáo có thể đọc sách Coran và Sunna. Một thiểu số ‘gây chuyện’ (agissant). Có thật. Giống như trong mọi tôn giáo, chứ không riêng gì hồi giáo. Quả thật trong hồi giáo tại Pháp có những vấn đề đang xảy ra: vấn đề về tổ chức và vấn đề về ‘khác biệt’ (référent).  Người ta cho là ‘khác biệt’ khi thấy một người nam hồi giáo để râu (barbu), một người nữ hồi giáo trùm khăn! ..

Người Pháp và người Hồi Giáo Phe hữu Phe tả
Người hồi giáo không hội nhập được 82% 54%
Ng. hồi giáo là mối đe dọa cho căn tính tính của xứ sở 71% 24%
Người hồi giáo từ chối các giá trị tây phương 84% 50%
Người pháp chống việc xây cất mốt-kê 65% 23%
Người pháp chống việc trùm khăn ngoài phố 78% 45%
Người pháp chống việc bầu một xã trưởng hồi giáo 57% 20%
  1. Nhận định về Hội Đồng Pháp về Phụng Tự Hồi Giáo (Conseil Français du Culte Mulsuman: CFCM).
    Chúng ta biết ông Nicolas Sarkozy, lúc còn làm bộ trưởng bộ Nội Vụ, đã thiết lập Hội Đồng Pháp về Phụng Tự Hồi Giáo. Nhưng Hội đồng bị xoi mòn bởi những cạnh tranh, chia rẽ. Đâu là những nguyên do? Những cạnh tranh giữa các liên đoàn hồi giáo (fédérations mulsulmanes) có liên hệ gì với các nuớc ngoại bang không?. Sau đây là nhận định của hai ông Xavier Lemoine (XL) và Abdelhak Addouk (AE):AE. – Thiết lập CFCM là việc cần thiết. Mục đích lo điều hành việc phụng tự và đại diện giữa cộng đồng hồi giáo với các cấp chính quyền. Có những chia rẽ nội bộ, nhưng không đụng đến những vấn đề thần học. Phải nhìn nhận là có nhiều tiến triển, tuy nhiên điểm yếu của CFCM là không đạt được một cơ cấu có uy tín khả dĩ trả lời thỏa đáng cho người hồi giáo về giáo thuyết và về việc tổ chức phụng tự. Vì thế, theo tôi cần phải thiết lập lại cơ cấu này: nó không chỉ đại diện cho một liên đoàn (fédération) nhưng, cơ bản là cho cả tập thể các  liên đòan.

    XL. – CFCM sẽ không hoạt động tốt hơn nếu không giải quyết được ba điểm này:  1) chế độ giám hộ (tutelle) của các nước ngoài trên các liên đoàn. 2) Kiểm soát thuế vụ trong việc hạ sát tế vật theo nghi thức (những món tiền thật đáng kể). 3) Những khác biệt quan trọng về giáo thuyết. Tôi đã đến phòng triển lãm (salon) của Liên hiệp Hồi giáo tại Pháp ở Bourget, có cả vạn người hồi giáo tới dự. Nhưng đàn ông một bên, đàn bà một bên… Ông đừng bảo rằng ‘đó không phải là hồi giáo’. Một bối cảnh như vậy liệu có thể thực hiện ở Pháp không?.  Tôi, tôi nói là ‘không’!.

    AE. – Cơ cấu của cộng đồng hồi giáo tại Pháp còn mới mẻ, cần có thời gian để hoàn bị.  Giáo Hội Công Giáo đã không được thể hiện trong một ngày. Việc thiết lập Ban đại diện cộng đoàn Do Thái (Consistoire Israelite) có từ Napoléon I.  Thời gian là yếu tố cần thiết.

    XL. – Điểm khó là trong hồi giáo không có một người môi giới hay chuyển cầu (intécesseur) giữa Thiên Chúa và loài người. Tín hữu hồi giáo đi thẳng với Thiên Chúa trong tương quan quy phục. Hồi giáo không biết đến quan niệm trung gian, môi giới (mediation), vì thế rất khó thực hiện một thẩm cấp đại diện (instance représentative) bên cạnh công quyền và được mọi người hồi giáo nhìn nhận.

    AE. – Đời sống tinh thần là tương quan cơ bản giữa con người và Đấng Tạo Thành. Nhưng không có gì cản ngăn người hồi giáo ngồi lại với nhau dể cùng có một tiếng nói và cùng giải quyết những vấn đề đặt ra cho họ. Tôi muốn nói thêm rằng: ông thường phân tích hồi giáo theo lăng kính (prisme) của Kitô giáo, ông quên rằng mỗi tôn giáo có những điểm riêng đặc biệt về thần học và về tu đức. Tôi muốn đề nghị chúng ta tìm ra những điểm chung khả dĩ giúp chúng ta cùng sống tốt giữa lòng nước Cộng Hòa Pháp này.

    5. Liệu hồi giáo có hội nhập vào được ‘chế độ thế tục’ (laicité) của pháp hiện nay không?

    XL. – Đây là vấn đề quan trọng. Ý niệm về thế tục nằm ngay giữa lòng văn minh tây phương. Ý niệm này được nền Cộng Hòa lấy lại. Nó không có trong hồi giáo, vì hồi giáo không có sự phân biệt giữa quyền thế tục và quyền thiêng liêng. Trong hồi giáo, vấn đề chính trị và vấn đề thiêng liêng kết hợp với nhau. Vậy với điều kiện nào, người ta  có thể quan niệm một tổ chức không chỉ dựa trên các bản văn tôn giáo và cho phép nhìn nhận quyền tự do tôn giáo và quyền bình đẳng giữa người nam và ngưòi nữ ?

    AE. – Nếu người ta đi từ định đề có sẵn thì không thể được. Và tranh luận thành vô ích. Trái lại, nếu  chủ đích là tìm những giải pháp chung, tôi chắc chúng ta có thể đạt tới.

    XL. – Tôi rất đồng ý chúng ta cố tìm cách xây dựng một cái gì chung. Nhưng phải hết sức kính trọng nhau. Bác ái và sự thật đòi hỏi gợi lên những vấn đề nóng bỏng mà thường tình người ta che dấu đi.

    AE. – Ông có lý. Bây giờ, cần giải quyết những điểm gai góc để con cái chúng ta sống chung hòa bình. Ông đặt vấn đề thế tục, cần tổ chức làm sao cho những người hồi giáo, mà không có vấn đề dựng nên một nước trong một nước. Người hồi giáo phải kính trọng luật pháp của xứ sở nơi họ sinh sống. Họ cũng có những quyền lợi như mọi công dân khác, quyền bày tỏ những bất đồng nhưng không gây chiến tranh hay đi trái pháp luật. Mọi tương quan phải được xây trên quyền công dân chứ không phải trên tôn giáo. Không phải tất cả, nhưng đa số người hồi giáo coi chế độ thế tục của Pháp là một sự may cho hồi giáo. Bởi vì chế độ thế tục cho phép mỗi người tự do sống đạo của mình. Nhưng quả thật có một số đòi hỏi của thế tục đi ngược với linh đạo của hồi giáo. Vì thế, hồi giáo phải tìm cách nào để thích ứng vào hoàn cảnh hiện nay. Còn về vấn đề bình đẳng giữa người nam và người nữ, cũng như vấn đề tự do tôn giáo, thì hồi giáo phải bảo đảm và chở che. Nhưng còn nhiều sự mơ hồ trong cách sống và trong cách phát biểu của một số người hồi giáo. Tôi đồng ý là phải đề cập vấn đề cách chân thực để tránh mọi hiểu,lầm.

    6. Còn ‘luật chống trùm khăn toàn thân (voile intégral) thì sao?
    A.E. –Đã có những tranh luận và mọi người đều phát biểu. Lập trường của tôi là lập trường của CFCM: Việc trùm khăn chỉ thuộc về một thiểu số, không can dự đến hồi giáo, nên luật cấm trùm khăn không phải là một hình phạt thóa mạ người hồi giáo. Bản luật đã có, và những ai có bổn phận sẽ áp dụng…
    XL. – Trong những lời ông vừa nói có những điểm mơ hồ: ông nói khăn trùm toàn thân không phải của hồi giáo, nhưng luật lại chĩa mũi dùi vào hồi giáo… Tôi nghĩ ‘khăn trùm toàn thân không phải của cả hồi giáo, nhưng nó cũng thuộc về hồi giáo’. Tuy chỉ là lối sống của một thiểu số, nhưng cách đây 10 năm không có, và năm vừa qua bộ nội vụ đã cho biết đã có 3.000 người trùm khăn toàn thân. Cần cản trước kẻo sẽ quá muộn.
    AE. – Không phải điều luật làm tổn thương người hồi giáo, nhưng là bao lời lẽ trong các cuộc tranh luận, trong các bài báo… Cộng đồng hồi giáo đau khổ vì bị cho ra rìa (marginé): người hồi giáo bị thất nghiệp nhiều nhất, gặp khó khăn nhất trong việc tìm nhà ở, tìm việc làm, con cái họ không tìm được việc làm vững chắc…
    Người pháp càng ngày càng chống việc trùm khăn hồi giáo ngoài phố

1989 1994 2003 2010
31% 34% 32% 59%
  1. Vài suy nghĩ về việc hồi giáo cầu nguyện ngoài đường phố.
    Đây không phải là những phát biểu hay nhận định có màu sắc chính trị như bà Martine Le Pen đã ‘so chiếu việc hồi giáo cầu nguyện ngoài phố giống như việc quân Đức chiếm đóng thành phố Paris’. Những nhận định hay cảm nghĩ dưới đây vừa đơn sơ, vừa đầy màu sắc tôn giáo.Trong khu phố Goutte-d’Or, Paris 18e, từ 15 năm nay, cứ mỗi thứ sáu lúc 13g00, một bể người hồi giáo từ nhiều quận Paris tập trung lại, trải nệm và ngồi cầu nguyện, từ phố Myrha đến phố Stéphenson và kéo dài hết phố Léon, kể cả từ phố Polonceau, phố Poisonniers đến đại lộ Barbes. Đây là những đường phố kế cận mốt-kê Myrha. Người ta ước luợng từ 5.000 đến 10.000 người. Hiện tượng này làm cho nhiều người không phải hồi giáo cư ngụ trong khu phố khó chịu và đôi khi ‘có những lời lẽ cứng cỏi giữa họ với người hồi giáo… Bà Marie-Thérèse kể: ‘Khi tôi len vào đám đông này, thì có người hỏi tôi ‘bà muốn đi qua đây à’. –’Phải, tôi phải tới bác sĩ ở trong phố này. Và chính tôi cũng ở trong khu phố gần đây. Đây là khu phố của tôi’ – ‘Bà phải đi lối khác, đừng đi qua đây. Đây là của chúng tôi’. – Dầu vậy, tôi cứ len đi vào phố Saint Luc, cách chừng 30 mét, dưới những tiếng xì xầm khó chịu… Thật khó sống trong khu phố như vậy!’

    Ông Philippe thợ làm kính sống trong khu phố phản ứng: “Tôi là kitô hữu Laban. Tại xứ tôi, Kitô giáo đang bi tiêu diệt. Ở đây, thưa đồng bào người Pháp, tôi không hiểu được quý vị. Quý vị không muốn nghe nói đến gốc rễ Kitô giáo của quý vị. Quý vị xác tín rằng việc chối bỏ này làm cho quý vị gần gũi với người ngoài kitô giáo hơn, cách riêng gần gũi người hồi giáo,. Quý vị cũng xác tín rằng sự quên lãng và chối bỏ gốc rễ Kitô giáo sẽ bênh đỡ quý vị trong khi có đụng độ. Thật quá sai lầm! Quý vị đã tự lừa dối chính mình cách lố bịch. Quý vị đừng quên rằng cái chỗ trống mà quý vị đã rẫy bỏ, thì người khác lấn chiếm!”.

    Bà Marie Thérèsekể thêm: “Tôi còn nhớ những phản ứng của bà Aicha, một người hồi giáo, hàng xóm của tôi trước kia. Khi bà thấy tôi đi ra khỏi nhà mỗi sáng chủ nhật, bà hỏi tôi: “Bà đi mua bán gì mà sớm thế, các cửa tiệm còn đang đóng?” Tôi trả lời : “Cháu không đi mua đồ, cháu đến nhà thờ dâng Thánh Lễ” – “Vui quá nhỉ, đi đi! Đừng đến trễ lễ!”. Năm sau, bà Aicha lại thổ lộ với tôi: “Tôi mới theo ông chồng đến nhà thờ, tôi hoảng hồn! Người Pháp không còn tin vào Thiên Chúa nữa! Họ không cầu nguyện nữa! Họ tìm mua đủ thứ đồ vô ích và chỉ biết giải trí với những tấm tranh quảng cáo dâm dật (publicitaires pornografiques). Thấy họ như vậy, tôi chỉ muốn khóc”… Cũng chính bà Aicha thường trải tấm thảm cầu bên cạnh giường ngủ. Bà tâm sự với tôi và mấy chị em bạn khác: “Tôi, tôi cầu nguyện mỗi ngày. Không cần ai biết đến. Còn mấy ông đàn ông này, tổ chức biểu tình hơn là cầu nguyện”.

    Thực tế, tại Algérie, những ‘chiến sĩ’ (militants) của Mặt trận hồi giáo cứu độ (Front islamique du salut, FIS) mời gọi dân chúng ra cầu nguyện trên đường phố và mót-kê phố Myrha trước kia do ông tộc trưởng Sahroui quản nhiệm. Ông là một sáng lập viên của nhóm FIS. Ông đã bị ám sát chết năm 1995 ngay trong mót-kê. Vụ ám sát này mở đầu một loạt những vụ khủng bố tại Pháp vào cùng năm. Và nhóm GIA Algerie đã tuyên bố ‘họ là tác nhân của những vụ khủng bố ấy’.

Du Sinh