QUỐC CA VIỆT NAM CỘNG HÒA (VIETNAM’S NATIONAL ANTHEM)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of text

May be an image of text

Tuy ở ngoài đời tui sẵn sàng tranh luận về nhiều chủ đề chánh trị hoặc tôn giáo (chỉ trừ khi đang bên bàn nhậu thì tui không bao giờ), thế nhưng trên FB thì tui thường lảng tránh hoặc tỏ ra… ngu ngơ cho lành. Bạn bè trên FB có lẽ cũng để ý thấy vậy.
Một người anh có bài viết (lan man) về những chuyện góp nhặt bên ly cà phê vỉa hè VN. Vô tình trong bài của ảnh có nhắc đến câu đầu tiên trong Quốc ca (VNCH) mà đối với tui thì có trên 1/2 nhầm lẫn qua lời bài Quốc ca gốc. (Phần nhạc của ông Lưu Hữu Phước với phần lời hầu hết cũng của ổng).
Trước khi đi vào câu chuyện thì tui xin phép quý bà con để được nói về mình một tí xíu (le moi est haïssable!).
Vào cuối tháng Tư 1975 tui chỉ là đứa nhóc đang học lớp Đệ thất (trung học đệ nhứt cấp) trong hệ thống giáo dục VNCH. Mỗi thứ Hai đầu tuần có lễ chào Quốc kỳ, đương nhiên là có hát Quốc ca. Nhưng không chỉ phải đến năm đó thì tui mới thuộc lời bài Quốc ca, mà thực sự thì tui đã thuộc lòng nó từ hồi còn ngồi bậc tiểu học lận kìa.
Hệ thống giáo dục VNCH được giữ lại như của Pháp. Sau Mẫu giáo thì lên Tiểu học (lớp Năm, Tư, Ba, Nhì và Nhứt). Hết năm lớp Nhứt thì thi vào Trung học Đệ nhứt cấp (lớp Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ và Đệ Tứ). Rồi tiếp đến còn phải thi để được lên Trung học Đệ nhị cấp (gồm Đệ Tam, Đệ Nhị và Đệ Nhứt). Tui ngừng ở đây thôi, không cần ‘bày biện’ thêm chi.
Ở bậc tiểu học tui trải qua trường Nam Tiểu học Nha Trang (đường Hàn Thuyên, đấu lưng với trường Nữ Tiểu học mà ranh giới là cái chiếc giếng nước có hàng cây tra luôn xum xuê trái… chát). Trường này có bốn lớp Nhứt, được đếm danh Nhứt A – B – C và D. Tui học lớp Nhứt A, gần cổng trường nhứt. Học sinh lớp Nhứt A được đeo khăn quàng xanh biển. Nhiệm vụ của lớp này là giúp nhà trường giữ gìn vệ sinh và trật tự vào giờ ra chơi (hoàn toàn không có chuyện láu cá, lên vẻ… mất dạy như lũ ‘cờ đỏ’ bây giờ đâu nha). Ngoài các nhiệm vụ đó ra, mỗi buổi sáng chào cờ đầu tuần thì thầy cô chọn lấy hai học sinh lớp Nhứt A để thượng kỳ. Các nhóc khăn quàng xanh còn lại được đứng gần cột cờ nhứt so với toàn trường. Dĩ nhiên tất cả các học sinh học lớp Nhứt A phải thuộc lòng bài Quốc ca và phải ‘to mồm’ nhứt so với số học sinh còn lại. Đó là lý do vì sao cho mãi đến ngày nay, gần nửa thế kỷ đã trôi qua, mà tui vẫn không bao giờ quên được từng từ ngữ trong bài Quốc ca hào hùng đó.
Kể từ sau biến cố đau thương vào tháng Tư 1975, hàng triệu người đành phải bỏ xứ ra đi, từ đó hình thành một cộng đồng người Việt Nam tị nạn cộng sản rất đông đảo ở hải ngoại. Để giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc, các hội đoàn (tôn giáo, văn hóa, chánh trị v.v…) ở hải ngoại thường xuyên tổ chức chào cờ hàng tuần hoặc hàng tháng tuỳ thuộc vào cách sanh hoạt của họ. Điều đặc biệt là mỗi khi có các buổi sanh hoạt chánh trị thì luôn luôn phải có chào cờ chánh nghĩa và hát Quốc ca. Có lẽ vì mang ác cảm hoặc (hình như) vì không hiểu thấu đáo về hai từ GIẢI PHÓNG, mà đa số người VN ở hải ngoại đã tự ý sửa đổi lời Quốc ca chánh thức bằng một nửa câu đầu trong bài “Tiếng gọi thanh niên” (của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước) là “Này công dân ơi ĐỨNG LÊN ĐÁP LỜI SÔNG NÚI…” thay vì “Này công dân ơi QUỐC GIA ĐẾN NGÀY GIẢI PHÓNG…”. Họ còn ‘bắt chước’ để tay phải lên ngực trái khi hát nữa (điều này còn có thể chấp nhận vì hàm ý trân trọng, không hề xấu).
Mỗi lần có dịp chào cờ và hát Quốc ca thì chỉ có một số ít người, kể cả tui, với tư thế đứng nghiêm trang, đầu ngẫng cao với cặp mắt nhìn thẳng về Quốc kỳ, ngực hơi ưỡn về phía trước, hai tay buông thẳng dọc theo thân người, bàn tay úp vào đùi, miệng hát to và ĐÚNG lời “Này công dân ơi quốc gia đến ngày giải phóng…”. Sự việc kể ra đó, tuy nhỏ mà không nhỏ này, làm tui suy tư mãi! Nhiều lúc khóe mắt ứa lệ (vì rất buồn hơn là vì “rưng rưng tự hào”). Bởi theo thiển ý của tui thì bài Quốc ca hoặc lời của nó chỉ có thể được thay thế hoặc sửa đổi sau khi đã trưng cầu dân ý toàn quốc và phải được chánh thức thông qua bởi Quốc hội (chánh danh) mà thôi! Việc làm này thì hoàn toàn nằm ngoài khả năng của cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại rồi! Mà sự thật ở đây thì, rất buồn, chẳng có mấy lúc mèo mỉu nào chịu nghe nhau. Tệ hại hơn là ‘cái Tôi’ của hầu hết các vị thì vĩ đại lắm. Hoặc giả may mắn hơn thì ráng chậc lưỡi “Thôi thì dĩ hòa vi quý để còn… đi (tạm) chung đường”.
Trở về nguyên nhân chánh vì sao tui phải viết bài này. Số là khi tui đọc bài trên FB của một ông anh (như đã nói ở đầu bài viết) có sự không chính xác về lời Quốc ca thì tui bèn xin phép góp ý. Ông anh (chủ tớt) này thì thông hiểu nhưng có một chị (sanh năm 1952, sống ở thp Lacey, Thurston County, Washington, USA) thì khăng khăng cho rằng tui sai lầm, rồi còn tỏ ra giận dữ nữa chớ! (xin coi màn hình chụp đính kèm). Vì nể trọng chị ấy lớn tuổi hơn mình, đồng thời rất không muốn tranh cãi với những ai mà tui đã xem là đồng chánh kiến (cùng lý tưởng chống lại CNCS), cho nên tui đã… kính nhi viễn chi. Người anh sau đó còn cung cấp giúp thêm như sau “Vũ Tuân, Theo tư liệu của Quốc hội VNCH : Ngày 31/7/1956, Quốc hội VNCH quyết định chọn “Tiếng gọi thanh niên” -Ban đầu được Tổng bộ sinh viên Hà Nội năm 1942 gọi là “Tiếng gọi sinh viên” là Quốc ca, có sửa lời, câu đầu tiên là : Này công dân ơi QUỐC GIA ĐẾN NGÀY GIẢI PHÓNG.”. Song song đó thì tui cũng đã tìm lại được bức hình chụp bài nhạc Quốc ca từ một thư khố nào đó mà vì lâu quá nên quên béng đi (Hình đính kèm đầu tiên).
Với bài viết này tui chỉ mong muốn sao cho các em, các cháu người Việt Nam ở trong và ngoài nước được tỏ tường thêm về lời của bài Quốc ca. Sau đó thì tha thiết xin một số người thuộc thế hệ trước tui mà đã ‘lỡ quên’ thì nhân cơ hội này để nhớ lại. Nếu đã nói “nghiêng vai vì công việc chung” thì thiết nghĩ cũng cần nên cất đi cái tự ái vậy.
Tui đã cố gắng hết sức tỏ rõ lương tâm của mình, kính mong được sự lượng thứ của quý bà con và xin phép được xóa bất cứ cái còm nào vô ý thức hoặc mạ lỵ cá nhân (cho dù đối với bất cứ cá nhân ai).
Strasbourg, 16/8/2023
▪︎Hoàng Hạc VT (aka Kỳ Văn Cục)