PHI VỤ RA BẮC TÌM CÁCH LẤY VÀNG ĐỔI MẠNG MỘT TƯỚNG KHÔNG QUÂN MỸ (Thu Phạm)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Theo lời yêu cầu của một số thân hữu, tôi xin viết lại câu chuyện chưa hề được tiết lộ trong cuộc chiến VN: phi vụ ra Bắc tìm cách lấy vàng đổi mạng một Tướng Không Quân Mỹ.
* Thiếu tướng Tham mưu phó Hành quân của Đệ nhất Không lực trong một phi vụ ra Bắc, phi cơ của ông bị bắn hạ gần Vinh. Ông nhảy dù ra và bị dân chúng bắt giữ. Phi vụ của một phi công VNCH cùng các phi công Mỹ bay ra Bắc, kêu gọi đổi 1,000 lạng vàng lấy mạng ông Tướng phi công Mỹ ra sao? Có thành công không?
* Cảm giác của phi công phản lực Việt Nam đầu tiên bay trên cao độ 50,000 bộ, vượt tốc độ hai lần của âm thanh (Mach 2).
Trung tá Trần Trung Chính, phi công A-37 của Không Lực VNCH, từng tham dự nhiều phi vụ ra Bắc trước đây trong cuộc chiến Việt Nam. Chức vụ cuối cùng của ông là Phụ tá an phi cho Sư Đoàn 1 Không Quân VNCH. 
Phần 1
Khi tôi mãn khoá phi hành đầu năm 1960, được gắn đôi cánh bạc, huấn luyện viên đã bắt tay tôi thật chặt và nói: “Mừng anh và chúc anh ngày càng bay cao, bay xa, và bay nhanh.”
Mộng ước bay cao, bay xa và bay nhanh là một giấc mơ lớn của người phi công mới chập chững bước chân vào thế giới mênh mông, bầu trời cao rộng của những cánh chim bằng.
Giấc mơ này phải đến 8 năm sau tôi mới thực hiện được nghĩa là bay cao (50,000 bộ) và nhanh ( Mach 2). Còn bay xa thì tôi không dám tranh phần của anh em vận tải.
Câu chuyện bắt đầu vào một ngày cuối Đông năm 1967 tại căn cứ Không Quân Đà Nẳng.

 

No automatic alt text available.
Phần 2: Phi vụ ra Bắc tìm cách lấy vàng đổi mạng một Tướng Không Quân Mỹ”.
Tôi vừa thi hành một phi vụ oanh kích gần giới tuyến về, mới bước chân vào phi đoàn cất dù thì được Trung sĩ văn thư cho biết Trung tá Không Đoàn Trưởng gọi lên trình diện gấp.
Tôi vội vàng lấy xe chạy lên Không Đoàn. Vị Không Đoàn Trưởng khả kính của chúng tôi là Trung tá Nguyễn Đức Khánh, một phi công khu trục kỳ cựu, xuất thân từ lò khu trục Biên Hoà ra nắm quyền chỉ huy Không Đoàn 41 Chiến Thuật, thay thế Trung tá Dương Thiệu Hùng về Không Đoàn 23.
Tôi gõ cửa bước vào, chào tay và được Trung tá mời ngồi. Ông nói: “Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 366 của Hoa Kỳ vừa mới gặp tôi và nhờ mình giúp ông một việc khá tế nhị. Hồi sáng nay, Thiếu Tướng Tham Mưu Phó hành quân của Đệ Thất Không Lực từ Saigon ra bay một phi vụ gần Vinh với Không Đoàn 366, chẳng may phi cơ bị trúng đạn phòng không và phi tuần viên thấy ông nhảy dù ra nhưng đã bị dân chúng ở dưới đất bắt ngay.
Toán cấp cứu SAR của Không Quân Hoa Kỳ đã được huy động đến nơi nhưng không thể vào được vì hỏa lực phòng không của Bắc Việt tại vùng mục tiêu quá mạnh. Phi cơ của Không Đoàn 366 không dám tiếp tục oanh kích vì sợ trúng ông tướng.
Vô kế khả thi, Đệ Thất Không Lực chỉ thị cho Không Đoàn 366 sang nhờ mình cho họ mượn một phi công để thi hành một giải pháp cấp cứu khác.
Tôi nghĩ đến anh vì anh thường hay giao tiếp với Không Đoàn 366 như là sĩ quan liên lạc của Không Đoàn nên bây giờ anh sang Không Đoàn 366 gặp Đại tá Maloy để biết rõ sự tình.”
Tôi đứng dậy vừa chào tay vừa nói “Tuân lệnh” và lái xe sang gặp Đại tá Robert W. Malloy, Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 366 Chiến Thuật.
Ai đã từng bay đến phi trường Đà Nẳng đều không thể không nhìn thấy một huy hiệu khổng lồ, đường kính gần 200 bộ, chiếm trọn cả nóc nhà chứa phi cơ, nằm ngay cạnh phòng khánh tiết của Không Đoàn 41.
Huy hiệu này của Không Đoàn 366 mệnh danh là The Gunfighters. Trên huy hiệu vẽ hình một con ma, tên Phantom của F-4, đầu đội mũ rộng vành, mình khoát áo choàng đen, chân đi giầy tennis trắng, tay cầm một bình SUU-16 Gatling gun 6 nòng, tựa súng vào đùi như muốn xịt đạn đại bác 20 ly ra khắp mọi nơi.
(Các bạn có muốn biết tại sao Không Đoàn 366, The Gunfighters lại có phù hiệu bóng ma ác liệt như thế, và những diễn tiến của phi vụ lấy vàng đổi mạng Tướng phi công xin hãy theo dõi tiếp vào nửa đêm nay nếu tôi không bận “bứt sao trời cho nhức nhối tim ai…”

 

Có lần tôi được Đại tá Maloy kể cho nghe tại sao lại đặt tên Không Đoàn của ông là The Gunfighters giống như những cowboys đấu súng miền Viễn Tây thuở nào?
Ông nói: “Từ lâu tôi vẫn nghĩ rằng Không Quân Hoa Kỳ đã đi sai nước cờ và cho rằng súng trên phi cơ không còn cần thiết nữa cho nên những phi cơ khu trục được sản xuất sau trận chiến Triều Tiên đều không có súng. Bây giờ là thời đại hỏa tiễn mà ! Nhưng hỏa tiễn có giới hạn của nó. Chẳng hạn như khi đang quần thảo với phi cơ địch, vừa kéo G cao, vừa quẹo gắt thì trường hợp này không lấy gì lý tưởng cho lắm để phóng hỏa tiễn cả. Nếu có súng thì vẫn hơn.
Không Đoàn tôi, vẫn theo lời Đại tá Maloy, được trang bị toàn F-4C tuy rằng không có súng trên phi cơ nhưng chúng tôi đã thử nghiệm lắp bình SUU-16 Galting gun 20 ly dưới bụng và cánh.
Sau một thời gian bắn thử, chúng tôi đem súng xuất trận. Trong một phi vụ gần Hà Nội, chúng tôi đã hạ 3 chiếc Mig. Một chiếc bằng AIM-7 còn hai chiếc kia bằng súng.
Chiến công hạ MIG bằng súng của chúng tôi được Đại Tướng William Momyer, Tư Lệnh Đệ Thất Không Lực nhiệt liệt khen ngợi và có người trong Không Đoàn đề nghị nên đặt tên cho Không Đoàn là The Gunfighters of Da Nang.
Thấy súng trên phi cơ quả thật hữu hiệu, Không Quân Hoa Kỳ đã chỉ thị cho hãng McDonnell sửa đổi kiểu vẽ, lắp thêm súng vào phi cơ nên đến loạt F-4E đều có trang bị súng Vulcan 6 nòng ngay dưới mũi.”
Tôi quen biết Đại Tá Maloy qua những lần đại diện Không Đoàn sang họp nên khi tôi đến gặp ông tại văn phòng, ông niềm nở bắt tay và mời tôi ngồi:
“As Colonel Khanh told you, we lost an F-4 this morning. The pilot, Major General Thomas Vaughn, 7th Air Force DO punched out and was captured by the North Vietnamese.”
Chắc Trung Tá Khánh đã nói cho ông biết, sáng nay chúng tôi vừa mất một phi cơ F-4. Phi công là Thiếu Tướng Thomas Vaughn, Tham Mưu Phó Hành Quân của Đệ Thất Không Lực đã nhảy dù ra và bị mấy người Bắc Việt bắt giữ.
Bây giờ Đệ Thất Không Lực chỉ thị cho tôi phái một phi tuần lên vùng mục tiêu chở theo một phi công Việt Nam, dùng tần số guard để kêu gọi dân chúng dưới đất thả Tướng Vaughn đổi lấy vàng.”
Tôi nghĩ thầm trong đầu: “Sức mấy bọn cộng sản Bắc Việt chịu đổi.”
Không Quân Hoa Kỳ thích đổi chác như đã từng đổi tiền lấy phi cơ bây giờ lại đổi vàng lấy người.
Tôi chợt nhớ đến chuyện đổi tiền lấy MIG -15 trong trận chiến Triều Tiên vào đầu thập niên 50.
Năm 1953 Không Quân Hoa Kỳ treo giải thưởng 100,000 đô la cho phi công Bắc Hàn nào đào thoát đem theo một phi cơ MIG-15. Đến năm 1954 quả thật có một Trung Uý tên Kim Sok Ho đã bay một chiếc MIG-15 sang đáp ở Okinawa để lãnh thưởng.
Tôi hơi bỡ ngỡ trước lời nói của Đại Tá Maloy nên hỏi lại: “Thưa Đại Tá đổi vàng lấy người thì đổi bao nhiêu vàng để chuộc lại Tướng Vaughn đây? Chuyện này sao giống trường hợp Trung Uý Kim Sok Ho quá.”
Đại Tá Malloy từng tham chiến ở Triều Tiên nên khi nghe tôi nhắc đến tên Kim Sok Ho ông ngạc nhiên quá đỗi, không ngờ tôi lại biết đến vụ đào thoát xảy ra hơn 10 năm về trước.

Image may contain: airplane
Kỷ niệm với chiếc MIG-15 năm xưa.

Đại Tá Maloy phát họa phi vụ tối nay là tôi sẽ bay trên F-4 theo một phi tuần ra vùng Tướng Vaughn nhảy dù ban sáng. Tôi sẽ dùng tần số guard 243 MHZ để kêu gọi dân chúng dưới đất trao Tướng Vaughn đổi lấy 1,000 lạng vàng với hy vọng nhỏ nhoi là họ sẽ nghe tôi trên tầng số máy vô tuyến cấp cứu cá nhân của Tướng Vaughn.
Đại Tá Maloy dẫn tôi đến phòng trang bị cá nhân để tôi thực tập sơ qua những phương thức thoát hiểm bằng ghế tự động, lấy dù, mặt nạ dưỡng khí, G suit rồi lên xe van ra phi đạo.
Mặt trời mùa Đông ở Đà Nẳng thường hay đi ngủ sớm.
Trưởng phi cơ của tôi, Trung Tá John Armstrong và cũng là Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 389 làm tiền phi bên ngoài. Tôi leo lên ngồi vào ghế sau. Cơ khí viên giúp tôi buộc dù, gắn ống dưỡng khí và G suit.
Tôi ngồi yên, lặng nhìn những phi cụ trước mặt, cố tìm một chút thân quen trong phòng lái khác lạ, lòng không khỏi lo âu, hồi hộp. Đã từng phạt Bắc nhiều lần trên A-1 nhưng chưa bao giờ tôi bay ra Bắc ban đêm cả. Hơn nữa tự tôi điều khiển phi cơ, chính tôi nắm lấy vận mạng mình trong tay. Lần này tôi đành nhắm mắt đưa chân, giao phó tính mạng cho ông A/C (Aircraft Commander) ngồi ghế trước, trong nhờ, đục chịu.
Trung Tá Armstrong làm xong tiền phi bên ngoài, leo lên buộc dây an toàn, thử vô tuyến với tôi nghe xem tôi nghe ông có rõ không?
Tôi trả lời: “năm trên năm.”
Sau khi kiểm soát phòng lái theo checklist, ông bắt đầu mở máy, liên lạc với đài kiểm soát Đà Nẳng xin di chuyển rồi giơ tay làm hiệu cho cơ khí viên rút chèn bánh. Phi cơ từ từ rời bến đậu ra khu tháo ráp vũ khí ngày đầu phi đạo 35 phải, ngừng lại trên lằn sơn dành riêng cho từng chiếc một, ông để cả hay tay lên kính chắn gió trong khi chuyên viên vũ khí tháo gỡ chốt an toàn trên mỗi trái bom. Toán vũ khí giơ cao chốt an toàn lên, ra dấu thi hành xong nhiệm vụ.
Ông đóng nắp phòng lái, liên lạc với đài kiểm soát xin ra cất cánh.
“Da Nang, Gunfighters Red ready for take off.”
Tất cả phi cơ của ta và đồng minh đều dùng chung tần số UHF để liên lạc với nhau, với đài kiểm soát và đài kiểm báo.
Cách xa Đà Nẳng 20 dặm ngoài hải phận quốc tế, một đoàn tầu của Nga trang bị đủ loại ăng ten, ngược xuôi dọc theo bờ biển với nhiệm vụ nghe lén và phân tích những liên lạc vô tuyến. Trên tầu có hệ thống truyền tin trực tiếp với Trung tâm Quân báo Nga tại Hà Nội.
Người sĩ quan liên lạc Nga sẽ thông báo Bộ Tư Lệnh Phòng Không Bắc Việt biết danh hiệu từng phi tuần vừa cất cánh khỏi Đà Nẳng. Với kinh nghiệm giải đoán, họ có thể biết phi cơ loại gì, làm việc với FAC ở đâu, hay oanh kích khu vực nào và báo cho đơn vị phòng không ở đó biết ít nhất 20 phút trước khi phi cơ đến vùng.
Không Quân Bắc Việt thường hay chơi trò đánh trộm và chỉ thích đánh lén với những phi cơ F-105 vừa mang bom nặng nề vừa không xoay trở lẹ làng như F-4, cho nên họ chờ khi nào bắt được tần số liên lạc và danh hiệu của những phi tuần F-105 là chuẩn bị bay lên không chiến.
Đại Tá Robin Olds, Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 8 Chiến Thuật đồn trú tại căn cứ Ubon bên Thái Lan thường bay F-4 làm MiG cap cho những phi tuần F-105. Ông bèn tương kế tựu kế nhất quyết chơi Không Quân Bắc Việt một vố thật đau, để đời bằng cách giả vờ làm phi tuần F-105, dùng danh hiệu, tần số liên lạc, hợp đoàn, tốc độ y chang để dụ mấy chú MiG lên đánh lén.
D day là ngày 2 tháng 1 năm 1967, khí tượng tiên đoán ngoài Bắc bị lớp mây dày bao phủ.
Những phi tuần của Đại Tá Olds bay gần đến ổ MiG ở phi trường Phúc Yên thì quả nhiên MiG-21 ở dưới chui mây bay lên thật. Thế là một trận không chiến ác liệt xảy ra. Kết quả phi công dưới quyền Đại Tá Olds bắn rơi 6 MiG-21 mà không bị một tổn thất nào. Riêng Đại Tá Olds đã hạ được một tay “ace” của Bắc Việt là Khổng Văn Tuyết, nghe nói có trên 10 chiến công.
Tôi đem chuyện này hỏi Tướng Olds nhân dịp chúng tôi ghé thăm US Air Force Academy trên đường về nước vào giữa năm 1969. Ông được thăng cấp Chuẩn Tướng, chỉ huy đoàn sinh viên sĩ quan.
Tôi nói cho ông biết là ông đã hạ được Khổng Văn Tuyết, tay “ace” số một của Bắc Việt. Ông chỉ cười, không thừa nhận mà cũng không phủ nhận.
Xin tạm ngưng nơi đây. Sẽ viết tiếp vào đêm mai.
* Theo lời kể của Trung Tá Trần Trung Chính và lời kể của Thiếu Tá Phạm Huấn trong “Một Ngày Tại Hà Nội – Những Cánh Đại Bàng” kèm theo những nghi vấn cho mãi đến khi tôi gặp và hỏi trực tiếp phi công anh hùng của Quân Chủng Phòng Không Không Quân VN là Nguyễn Văn Bảy thì được ông xác nhận là ngoài Bắc không có phi công nào tên Khổng Văn Tuyết.

Image may contain: 1 person, smiling

Trung Tá Armstrong di chuyển phi cơ ra đậu một bên phi đạo. Số 2 vào vị trí của mình. Đồng hồ trong phòng lái chỉ 2009.
“Gunfighters Red, cleared for take off.” Tiếng kiểm soát viên đài vàng lên trong mũ bay.
“Gunfighters Red, cleared for take off.” Tiếng kiểm soát viên Đà Nẳng đài vang lên trong mũ bay.”
Tôi thấy ông tống hai tay ga hết về phía trước và gặc qua trái. Tiếng hậu thiêu nổ ầm ầm. Tôi bị lực đi tới đẩy người sát vào ghế. Hai hàng đèn phi đạo lướt qua thật nhanh. Với độ bơm bánh xe cao nên mặc dù mặc phi đạo phẳng lỳ, phi cơ vừa chạy vừa lắc qua lắc lại khá mạnh.
Tôi có cảm tưởng như phi cơ bốc lên khỏi phi đạo quá nhanh, phút chốc đã thấy cao kế chỉ 10,000 bộ. Nếu là phi vụ nghênh cản, thăng tốc của F-4 có thể đạt đến 50,000 bộ trong 1 phút.
Số 2 đeo dính bên cánh phải. Ra khỏi vùng kiểm soát phi trường, cả hai phi cơ đều tắt hết đèn không hành.
Chúng tôi bình phi ở 24,000 bộ với tốc độ 400 knots cứ thế bay dọc theo bờ biển ra Bắc. Nhìn tacan, Trung Tá Armstrong cho tôi hay đã bay qua Bến Hải và tiến sâu vào lãnh thổ Bắc Việt.
Khi đến ngang Vinh, ông làm vòng chờ ở ngoài biển và bảo tôi bắt đầu loan tin trao đổi. Tôi bấm micro và nói: “Sáng nay một phi công Mỹ nhảy dù ra và bị một nhóm người ở dưới đất bắt giữ. Chúng tôi sẵn sàng đổi 1,000 lạng vàng lấy viên phi công. Xin hãy liên lạc với chúng tôi trên tầng số này để biết thêm chi tiết.”
Cứ thế tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên tầng số guard.
Chắc hẳn nhân viên trực trên đài kiểm báo Panama ngạc nhiên hết sức khi nghe tôi dùng tầng số guard kêu gọi dân chúng Bắc Việt đổi người lấy vàng vô tiền khoáng hậu này.
Sau 20 phút bay vòng vòng không thấy có dấu hiệu gì đáp ứng từ dưới đất, Trung Tá Armstrong quyết định rời vùng.
Trên đường về phi tuần giải tỏa bom ở Hổ đảo ngoài khơi vĩ tuyến 17, Trung Tá Armstrong liên lạc với GCA xin hạ cánh bằng GCA. Ông hỏi tôi có muốn làm GCA không? Tôi trả lời là có. Ông nhường cần lái cho tôi.
Tôi phối kiểm phi cụ, nghe GCA hướng dẫn bay xuống thư thả. Khi còn ở quê nhà tôi luôn luôn tâm niệm rằng bay phi cụ là bão hiểm chữ thọ tốt nhất cho nên cố gắng trao dồi tuyệt chiêu này.

 

Image may contain: 2 people

Theo thống kê an phi một số anh em trẻ thiếu kinh nghiệm bay phi cụ, vô tình bay vào mây hay gặp trời mù nên đã bị loạn hướng mà tử nạn giống như cậu công tử bột JFK Jr vừa chết thảm mới đây. Nếu cậu biết bay phi cụ thì đâu đến nổi uổng tử!
Gần đến cận tiến, tôi trả cần lái cho Trung Tá Armstrong. Ông hạ cánh an toàn, vô sự.
Sau này tôi nghe tin Tướng Vaughn bị trúng đạn quá nặng, không được săn sóc kịp thời nên đã tử thương.
Phi vụ khác thường trên chỉ có mình Trung Tá Khánh biết, ngoài ra không một ai trong Không Đoàn hay tôi đã bay F-4 với Không Đoàn 366 cho đến khi Seven Air Force News đăng ảnh tôi trong số ra ngày 1 tháng 5 năm 1968.
Một ngày giữa tháng 4 năm 1968 trong khi một nửa Phi Đoàn 516 và tôi chuẩn bị lên đường du học Hoa Kỳ xuyên huấn luyện trên phi cơ A-37. Đại Tá Maloy gọi điện thoại mời tôi sang tham dự một phi vụ bay thử trên F-4.
Tôi đến văn phòng gặp ông và được ông giới thiệu với người AC, Đại Uý Thomas Rowney. Hôm nay tôi sẽ là GIB (Guy In Back), tiếng lóng chỉ phi công ngồi ghế sau F-4. Chúng tôi ghé phòng dù lấy đồ trang bị cá nhân rồi lên xe ra bãi đậu. Trước khi lên phi cơ, Đại Uý Rowney cho biết mục đích của phi vụ hôm nay là bay thử chiếc F-4 vừa mới kiểm kỳ xong và cũng là dịp để tôi có thể vượt Mach 2 từ cao độ 50,000 bộ.
Muốn đạt đến cao độ và tốc độ này, phi cơ phải trống trơn, bao nhiêu giá gắn bom và hỏa tiễn đều được tháo ra hết.
Phương thức cất cánh cũng giống như lần tôi bay với Trung Tá Armstrong nên không cần phải kể lại.
Cho biết lần này vì không có bom đạn, phi cơ cất cánh nhanh hơn lần trước gấp bội. Đại Uý Rowney dùng hậu thiêu bay lên. Với lực đẩy của hai động cơ General Electric J- 79 tổng cộng 34,000 lbs, ngốn mỗi phút 100 gal. JP-4, chả mấy chốc phi cơ đã mon men gần đến tốc độ âm thanh. Tôi theo dõi kỹ Mach kế chỉ .97, .98, .99 rồi Mach 1.
Từ… đến giờ tôi vẫn đinh ninh rằng vượt bức tường âm thanh như mọi người gọi lầm vì thực sự trên đời này làm gì có bức tường nào đâu, chắc thế nào phi cơ cũng rung chuyển, cũng phải làm một cái gì ghê gớm lắm. Đó là chuyện ngày xửa ngày xưa khi Đại Uý Chuck Yeager chưa bay nhanh hơn tiếng động vào ngày 14 tháng 10 năm 1947.
Còn bây giờ động cơ quá mạnh nên nếu tôi không chăm chú nhìn Mach kế thì không biết mình đã bay siêu thanh.
Bỗng nhiên phòng lái hoàn toàn im lặng. Những tiếng động ầm ầm của hậu thiêu đã bị bỏ rơi lại đằng sau càng lúc càng xa. Tôi chỉ còn nghe thấy hơi thở của mình trong mũ bay tuy nhẹ mà rõ mồn một. Phi cơ tiếp tục bay lên với tốc độ siêu thanh cho đến khi cao kế chỉ 50,000 bộ. Tôi nhìn lên thì – ủa lạ chưa kìa – bầu trời trở nên xanh đậm khác hẳn với ở dưới đất trông lên. Từ 50,000 bộ, Đại Uý Rowney vẫn dùng hậu thiêu bay xuống cố đạt đến Mach 2. Từ Mach 1.5 trở lên tôi để ý thấy kim Mach kế nhích rất chậm nhưng cuối cùng chúng tôi đạt được Mach 2 ở cao độ 15,000 bộ. Đại Uý Rowney tắt hậu thiêu và bay thử phi cơ như đã dự liệu. Xong xuôi ông nhường cần lái cho tôi làm mấy vòng lăn ngang, mấy lần quẹo gắt để có cảm giác rồi chúng tôi về đáp.
Phòng điện ảnh Không Đoàn 366 đã phái người ra chờ sẳn chụp ảnh chúng tôi. Bức ảnh này đăng trên Seven Air Force News, số ra ngày 1 tháng 5 năm 1968.
Tôi theo Đại Uý Rowney về phòng hành quân Không Đoàn và được Đại Tá Maloy trao tặng huy hiệu Mach 2 Club làm kỷ niệm. Sở dĩ tôi có cơ may hi hữu được bay nhanh đến Mach 2 cũng là nhờ Trung Tá Nguyễn Đức Khánh và Đại Tá Maloy.
Trung Tá Nguyễn Đức Khánh sau được vinh thăng Chuẩn Tướng, Sư Đoàn Trưởng Sư Đoàn 1 Không Quân.
Còn Đại Tá Maloy trở thành Tư Lệnh Phó Bộ Chỉ Huy Không Huấn (Air Training Command) đồn trú tại Randolph AFB với cấp bực Thiếu Tướng.
Ông bà Thiếu Tướng Maloy đã bảo trợ cho gia đình Trung Tá Trần Trung Chính định cư tại San Antonio khi mới đến trại tạm cư tại căn cứ Không Quân Eglin.
Bao nhiêu năm trôi qua, Trung Tá Trần Trung Chính vẫn còn giữ huy hiệu Mach 2 Club làm kỷ vật một chuyến bay cao nhất, nhanh nhất và khó quên nhất trong đời.

Image may contain: one or more people, people standing and people sitting
Image may contain: 1 person, smiling
No automatic alt text available.
 Phụ Lục: 
 “Tiện thư này Bác gửi cho cháu mấy trang của tờ báo này. Thứ nhất là có bài viết của ông Kelly Johnson, người đã vẽ nhiều kiểu phi cơ từ U-2 đến SR-71. Ông ấy tốt nghiệp trường Bác dậy ở Michigan (vào năm 1931-1933) nên ở đây họ rất hãnh diện về thành tích của ông ta. Mặt trang báo bên kia có nói về công việc khảo cứu hiện nay của bác, trong bản tuyên dương một giải thưởng về khảo cứu bác nhận được năm 1991. Bác gửi cháu đọc để biết. Thật ra là các môn toán học không gian về lý thuyết chỉ các học trò của bác họ mới làm thực sự cho NASA mà thôi.”

* Trích thư Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, cựu Tư Lệnh Không Quân Việt Nam gửi tôi năm xưa.

No automatic alt text available.
Image may contain: 6 people, people smiling
Image may contain: 2 people
Image may contain: 1 person, smiling
 Thu Phạm