PHAN THÀNH TRÍ PHỎNG VẤN NHÀ VĂN NGUYỄN ĐÌNH TOÀN

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 1 person and text

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn sanh năm 1936 tại Hà Nội, Bắc Việt. Ông khởi sự viết văn từ năm 1954. Tác phẩm đầu tay của ông là một truyện dài nhan đề Chị Em Hải xuất bản năm 1961. Ông cộng tác thường xuyên với các tạp chí Văn, Văn Học… Ông hiện là công chức Đài Phát Thanh. Tác phẩm đã xuất bản: Chị Em Hải, Những Kẻ Đứng Bên Lề, Con Đường, Ngày Tháng, Giờ Ra Chơi, Đêm Hè, Đám Cháy, Đêm Lãng Quên, Không Một Ai, Thành Phố, Tro Than, Áo Mơ Phai…
PHAN THÀNH TRÍ: Nhà văn Nguyễn Đình Toàn, xin ông cho biết tác phẩm mới nhất của ông, Áo Mơ Phai, vừa do nhà Nguyễn Đình Vượng xuất bản, là cuốn sách thứ mấy của ông cho tới bây giờ?
NGUYỄN ĐÌNH TOÀN: Đó là cuốn sách thứ 12 của tôi đã được xuất bản.
PTT: Ông đã xuất hiện khá lâu trên văn đàn, với Chị Em Hải, Những Kẻ Đứng Bên Lề, Con Đường… nhưng nếu tôi không lầm thì có một khoảng thời gian ông sáng tác rất ít (dường như là sau Con Đường) để chỉ khởi sự lại một cách đều đặn trong khoảng 2, 3 năm trở lại đây. Tại sao thế ông?
N.Đ.T.: Thời gian đó tôi bị bệnh. Vả lại tôi cũng đã có quá nhiều kinh nghiệm để sợ viết.
PTT: Ông bắt đầu viết từ lúc nào, và từ lúc nào ông quyết tâm theo đuổi nghề viết? Trong cả hai trường hợp, động lực nào đã thúc đẩy ông?
N.Đ.T: Tôi đã viết rất sớm từ khi còn là một học sinh năm thứ nhất trung học. Động lực nào đã thúc đẩy tôi theo đuổi nghề viết? Đã có lúc tôi tưởng như nó có ý nghĩa buồn thảm thế này: tôi cố gắng sửa chữa một cái gì đó không thể sửa chữa được.
PTT: Chị Em Hải, cuốn truyện dài đầu tay của ông đã từng được đón nhận khá nồng nhiệt, đã từng được tái bản. Bây giờ nhìn lại sự thành công đó, có một sự thay đổi nào ở ông không? Mai đây, đâu là địa vị của Chị Em Hải trong tác phẩm ông (theo quan điểm của ông)?
N.Đ.T.: Chắc chắn là tôi đã thay đổi. Tôi chưa lúc nào kiếm được một cái tủ sách đựng tử tế nên tôi vất chúng bừa bãi. Nếu có được cái tủ, tôi sẽ xếp chúng theo thứ tự đã được in ra (và tôi còn giữ được).
PTT: Trong bài trả lời cho cuộc phỏng vấn của tuần báo Tuổi Ngọc mới đây, ông cho biết ông là người hay thay đổi về quan niệm viết văn. Người đọc có thể nhận ra điều đó ngay ở tác phẩm của ông, thí dụ Con Đường đã đánh dấu một chặng đường mới trong việc tìm kiếm kỹ thuật và ngôn ngữ của ông. Xin hỏi ông, ông có thể cho biết khi viết Con Đường sự thay đổi quan trọng nào đã xảy ra trong ông? Điều ông không tin nữa? Điều ông bắt đầu tin? Tóm lại: ông quan niệm văn chương ra sao?
N.Đ.T.: Tôi không phải là một lý thuyết gia về tiểu thuyết. Mỗi cuốn sách của tôi đã buộc tôi phải kiếm ra được một cách nào đó để viết chúng. Tôi không đủ sức tin một điều gì lại cũng chẳng đủ sức để không tin một điều gì. Trước cuốn Con Đường tôi thường bận tâm về vấn đề của cuốn tiểu thuyết sẽ viết, kể từ cuốn Con Đường tôi bận tâm về vấn đề viết chính cuốn tiểu thuyết đó nhiều hơn.
PTT: Và vì là người hay thay đổi quan niệm, ông có phải là người hay phủ nhận một hay một số tác phẩm nào đó của chính mình hay không?
N.Đ.T.: Theo ông, một tác giả có cách gì phủ nhận tác phẩm của mình chăng?
PTT: Tôi nghĩ rằng có. Và điều này không nhất thiết là một trò kiểm thảo. Người ta có thể sẽ nghĩ một cách đơn giản thế nầy: tại sao cuốn sách đó? tại sao những trang sách đó? hoặc: lẽ ra thế này, lẽ ra thế nọ… Có lẽ ông không quan niệm việc đó?
N.Đ.T.: Tôi thiết nghĩ, đối với một tác giả, một cuốn sách được xuất bản sau, không ít thì nhiều, phải chứa đựng trong nó cái ý nghĩa dùng để sửa chữa cuốn trước. Tôi cũng thích cái định nghĩa này của Grillet: tôi viết để thử tìm hiểu xem tại sao mình viết.
P.T.T: Ông hài lòng với tác phẩm nào của ông nhất? Tại sao?
N.Đ.T.: Xin được miễn trả lời câu hỏi này.
P.T.T: Ông có nghĩ một ngày nào đó, ngồi viết lại những tác phẩm của mình? Nếu có đại khái ông bỏ đi những gì, thêm vào những gì? Nếu không thì theo ông, nhà văn sẽ sửa đổi tác phẩm mình bằng cách nào?
N.Đ.T.: Tôi rất mong được như vậy, để có dịp sửa chữa một vài cuốn, bỏ đi một vài đoạn, nhất là những lỗi nhà in. Dù tôi vẫn luôn nghĩ rằng, cách sửa chữa tốt nhất đối với một cuốn sách đã được in ra là viết một cuốn khác.
PTT: Dường như ông không đặt nặng vấn đề luân lý trong tác phẩm ông, có phải thế không ông? Tại sao?
N.Đ.T.: Vâng, đúng như vậy. Bởi vì dường như các nhân vật của tôi thường không chú ý gì đến vấn đề luân lý cả, nên tôi cũng chẳng bận tâm. Vả chăng, tiểu thuyết, có luân lý riêng của nó, có thể chẳng liên quan gì đến luân lý ngoài đời.
P.T.T: Mới đây dường như ông có viết một truyện dài nhan đề Truyện Tình. Tại sao ông chọn một tên truyện trùng hợp với Love Story? Ông có đọc nó? Theo ông tại sao quá nhiều người đọc nó? vì phủ nhận nó hay vì chấp nhận nó mà ông viết Truyện Tình?
N.Đ.T.: Không, cuốn sách của tôi không liên quan gì tới cuốn Love Story cả. Tôi đặt tên nó là Truyện Tình vì đòi hỏi của tờ báo tôi cộng tác. Người ta nhờ tôi viết cho một truyện tình. Cách đặt tên đỡ mất công nhất cho một truyện tình là gọi luôn nó là “Truyện Tình”. Tại sao nhiều người đọc cuốn truyện đó của Segal? Có lẽ vì người ta đang muốn lãng mạn trở lại.
PTT: Tình yêu luôn có một địa vị quan trọng trong tác phẩm ông. Ông tin ở tình yêu. Nếu không viết về tình yêu nữa, ông sẽ viết về cái gì?
N.Đ.T.: Dầu sao tôi cũng tin đó là một điều tốt đẹp. Nhưng trả lời như thế có phải tôi đã mâu thuẫn với lời tôi vừa nói với ông lúc nãy? Tôi đang viết dở một cái truyện nói về một thứ tình ở giữa tình yêu và tình bạn. Nhưng luôn luôn tôi thấy cái bóng của cái nọ che rợp cái kia.
PTT: Nhiều nhân vật xưng “tôi” của ông là nhân vật nữ. Ông có thể giải thích điều đó cho độc giả của ông không?
N.Đ.T.: Thỉnh thoảng tôi lại được nghe nhắc lại câu hỏi đó. Tôi đành thú nhận là tôi không trả lời được. Một nhân vật xưng tôi là đàn ông hay đàn bà thực ra có gì khác nhau? Trước đây để trả lời câu hỏi này đã có lần tôi nói rằng, có lẽ điều đó có thể giải thích như là, tôi chỉ yêu được những nhân vật đàn bà. Khi nói như vậy, tôi chỉ định nói đùa một câu. Nhưng sau đó tôi nhận ra đó không phải chỉ hoàn toàn là một câu nói đùa.
PTT: Hầu hết tiểu thuyết của ông đều đã đăng báo. Nghĩa là được viết trong sự thôi thúc của tòa soạn. Với ông viết trong hoàn cảnh đó có lợi và hại gì? Và cũng với ông, ngồi viết ở quán nước, tòa soạn hay trong phòng làm việc của mình có khác gì nhau không?
N.Đ.T.: Có cái lợi là mình bắt buộc phải làm việc. (Tôi vốn lười biếng, công việc vất vả nhất của tôi là chống trả với sự lười biếng). Dĩ nhiên cũng có cái hại của nó là viết như vậy không thể tránh được sự cẩu thả. Thói quen cả, tôi viết ở đâu cũng thế thôi.
PTT: Ông đã từng làm thơ. Tại sao ông không làm thơ nữa? Bao giờ ông làm thơ trở lại?
N.Đ.T.: Tôi vẫn muốn được làm thơ và làm được thơ trở lại. Tôi mong ước tác phẩm sau cùng của tôi sẽ là một tập thơ. Tôi cũng mong sẽ dành được năm, mười năm cuối cùng của đời mình để viết tập thơ này.
P.TT.. Người ta nói ngôn ngữ tiểu thuyết của ông luôn mang nặng chất thơ. Ông nghĩ sao về ý kiến đó?
N.Đ.T.: Tôi đã cố gắng để thực hiện điều đó. Đây cũng là lời hẹn của tôi với cuốn sách sau cùng của đời mình. Tôi cũng nghĩ chất thơ có thể ví như khí hậu của những câu văn. Không có cái “khí hậu” đó một cuốn tiểu thuyết dễ trở nên ngột ngạt.
PTT: Hiện ông đang viết cái gì đó?
N.Đ.T.: Một truyện dài, có lẽ khá dài, một chuyện tình nếu muốn nói rõ thêm một chút, nó sẽ có một hình thức mới mẻ so với những cuốn trước của tôi, nhưng hiện thời tôi gặp phải vài trở ngại chẳng biết có viết xong được chăng.
P.T.T: Ông nói ông có thể cắt một truyện dài ra thành nhiều truyện ngắn. Vậy thì bằng cách nào ông phân biệt truyện ngắn và truyện dài?
N.Đ.T.: Tôi theo nguyên tắc phóng đại và thu nhỏ.
P.T.T: Ông có đọc ai không? Ông thích ai?
N.Đ.T.: Tôi đọc tất cả những gì có được trong tay. Hiện tại tôi mê thơ Đường.
PTT: Một nhân vật nào chưa xuất hiện trong tiểu thuyết của ông và hứa hẹn sẽ xuất hiện (hoặc ông ao ước dựng lên trong tiểu thuyết của ông)?
N.Đ.T.: Tôi không phác hoạ trước những nhân vật. Nhưng tôi ao ước sẽ có lúc viết được một cuốn tiểu thuyết gồm những nhân vật bình thường, một vài nhân vật bình thường sống với những câu chuyện tầm thường hàng ngày của họ.
PTT: Ông dựng nhân vật từ đâu (tưởng tượng, kinh nghiệm…)?
N.Đ.T: Tôi chắc người viết tiểu thuyết nào cũng cần phải có một số lượng tưởng tượng nào đó thêm vào sự thật, hay kinh nghiệm. Khi nhân vật xuất hiện trên trang giấy hắn sẽ hút lấy cả tưởng tượng lẫn kinh nghiệm của người viết như một thứ nam châm, và hắn bắt đầu thành hình, sinh hoạt.
PTT: Ông có đọc những điều người ta viết về ông không? Phê bình có giúp gì cho ông hay cho độc giả ông không? Những cây bút phê bình nào ở đây được ông theo dõi nhiều nhất?
N.Đ.T: Có. Nhưng luôn luôn tôi có cảm tưởng đang được nghe nói về một người nào khác. Chúng ta có quá ít tác phẩm phê bình văn chương.
P.T.T: Một cuốn sách của ông in được mấy ngàn?
N.Đ.T.: Từ ba ngàn tới năm ngàn trong mỗi lần xuất bản.
PTT: Đọc giả của ông gồm những ai, ông có biết không?
N.Đ.T.: Tôi không biết chắc số độc giả của mình, nhưng căn cứ vào cuộc phỏng vấn độc giả của tuần báo Nghệ Thuật trước đây và tuần báo Khởi Hành mới đây, thì phần lớn là các sinh viên, học sinh, và thanh niên.
PTT: Nếu tôi không lầm thì ông đã từng có một thời đi dạy học, phải không ông?
N.Đ.T.: Vâng.
PTT: Tại sao ông không tiếp tục cái nghề đó nữa?
N.Đ.T.: Phải nói đi, nói lại mãi một điều làm tôi chán.
PTT: Nhưng chắc chắn ông sẽ không bỏ nghề viết chứ?
N.Đ.T.: Chắc thế. Nhưng có điều, mỗi ngày vào những lúc không phải viết, những ngày được nghỉ viết, tôi sung sướng lắm.
PTT: Ông có viết trong một ám ảnh của một tác phẩm lớn không? Nếu có, theo ông, thế nào là một tác phẩm lớn?
N.Đ.T.: Tôi đã quên mối ám ảnh này từ lâu rồi. Tôi viết những gì tôi thích. Có vậy thôi.
PTT: Ông có bị ảnh hưởng bởi thời thế, nếp sống vật chất không?
N.Đ.T.: Chắc chắn cả hai điều đó đã ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp đến công việc viết lách của tôi.
PTT: Ông có thể định nghĩa công việc (viết văn) của ông? (đó là một cái nghề, một việc làm theo cảm hứng hay một niềm bí ẩn không giải thoát nổi)?
N.Đ.T.: Đó là một cái nghề tôi không dám khai vào thẻ căn cước của mình. Nhưng đó là một cái nghề tôi đã tập dượt và làm gần hết tuổi trẻ của mình, gần hết luôn cả tuổi thanh niên của mình. Vâng cũng có lúc tôi nghĩ rằng, mỗi cuốn sách của tôi, giống như tôi đã gõ vào một cánh cửa của một niềm bí ẩn, cánh cửa mở ra và bên trong chẳng có gì cả. Tôi vẫn còn tiếp tục trò chơi này mãi. Cho đến bao giờ đây?
PTT: Và một câu hỏi sau cùng, nhà văn Nguyễn Đình Toàn, ông có nghĩ đến tác phẩm sau cùng của ông không? Ông mường tượng nó là cái gì?
N.Đ.T.: Tôi vẫn mong nó sẽ là một tập thơ. Tôi sẽ lọt hẳn được vào cuộc chơi đó, như lọt vào khu vườn, chấm dứt cuộc lang thang đi gõ những cánh cửa ảo tưởng.
Phan Thành Trí
(Văn số 207, ngày 1-8-1972)