Ô TRẦU CỦA NỘI / NGOẠI (Nguyệt Trinh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

No photo description available.

Bà nội & bà ngoại của Trinh là hai bà già trầu thứ thiệt, tức là lúc nào cũng nhai trầu bỏm bẻm, môi miệng quanh năm đỏ lòm nước cốt trầu. Càng lớn, mình càng hiểu, càng thương, chứ lúc nhỏ Trinh rất gớm và rất sợ. Ngoại ở gần, cho nên qua lại thường xuyên như cơm bữa. Chứ mỗi lần về thăm nội hoặc nội ở chơi 1-2 tháng, ba mẹ của Trinh cứ dí con cái vào bà nội để bà hôn và hôn bà “Hun nội đi con.” Khiến con nhỏ này vừa gớm, vừa sợ, tránh né, dãy dụa, sợ mùi trầu hăng hắc đã đành, gớm nhất là cổ trầu đỏ chạch quanh môi và trong miệng bà mặc dù bà nội & bà ngoại của Trinh luôn nhổ cổ trầu hoặc đưa hai ngón tay lên quệt vành môi khoé miệng cho thật sạch màu đỏ lòm ấy. Cụ nào cũng có một Ô Trầu kinh điển chứa đầy trầu tươi, cau tươi, cau khô, xác giấy, thuốc sỉa, bình vôi, chìa trét vôi, dao bổ cau, ống ngoáy, chày giã trầu, ống nhổ trầu, v.v… Lúc nhỏ, Trinh thường lấy dao bổ cau của hai cụ để xắt đồ chơi như lá trầu ông, lá trầu bà, vỏ chuối, vỏ bưởi, vỏ cam, v.v… làm nhân bánh cuốn chẳng hạn; Khi lớn, chỉ để cắt vụn vằn cho đã tay. Mỗi lần như vậy hai cụ đều la oai oái vì lúc cần bổ cau ăn trầu lại tìm chẳng thấy dao đâu. Riết rồi hai cụ cũng biết thủ phạm là ai. Khi ấy, Trinh mê con dao bổ cau của hai cụ vô cùng vì nó bén tàn khốc, lại là phiên bản nho nhỏ xinh xắn vừa vặn bàn tay đứa bé gái. Đến bây giờ, già đầu mà sở thích mua bán đồ hàng vẫn như xưa, cho nên Trinh luôn mê cắt mê gọt. Nhảy vào bếp, ta liền chiếm hữu một con dao, và rau củ quả gì ta đều ôm đồm giành cắt, giành gọt. Dao nhà ta bén vô biên, 1-2 tuần ta mài một lần vì dao cùn ta chịu không nổi. Đến nhà ai, gặp dao cùn ta mài giùm (ta quởn lắm).
Về sau, bỗng dưng Trinh nhung nhớ, và muốn giữ Ô Trầu của bà nội & bà ngoại mình làm kỷ niệm, nhưng bên nhà đâu còn giữ Ô Trầu nào vì cả hai cụ đều quy tiên lâu lắm rồi, thậm chí bà nội mất khi Trinh chừng 19-20. Thế là, Trinh nhờ mẹ mình đi xin Ô Trầu của một bà cụ nào đó, dù cụ ấy đã “trở về cát bụi” cũng được vì Trinh nghĩ đơn giản, mấy bà già trầu đều quý Ô Trầu của họ như báu vật, hơn nữa bửu bối đang dùng ai mà cho. Chỉ có những cụ đã qua đời, may ra con cháu còn giữ lại. Mẹ tui sợ ma còn hơn tui, nên la oai oái “Đừng đem đồ của người chết về nhà, để mẹ xin mấy bà già còn sống.” Các cụ già móm mém thương con cháu không nỡ nhát ai đâu, sao lại sợ?
Thật ra, mình có thể đi mua từng món để sắp xếp thành một Ô Trầu, nhưng Trinh hoàn toàn không thích như thế và chẳng đời nào thực hiện bởi vì cách ấy rất ư giả tạo, vô ý nghĩa và vô hồn. Điều Trinh mong muốn là Ô Trầu cũ kỹ, cáu bẩn, thậm chí sứt mẻ, banh càng gãy gọng có hình ảnh và hơi hướm thật sự của một bà nội, bà ngoại miệng mồm quanh năm đỏ lòm vì cổ trầu, từng lui cui bên các báu vật bất ly thân, từng bổ cau, nhai trầu bỏm bẻm, v.v… Thương con, chìu con, nên mẹ Trinh về quê xin được Ô Trầu của một bà cụ ở Bến Tre. Nghe một kẻ xa xứ xin Ô Trầu, vừa thấy lạ lùng, vừa thấy thương nên bà cụ cho liền nguyên complet mà cụ đang dùng. Đẹp tuyệt vời. Trinh cảm thấy mình vô cùng may mắn và hạnh phúc ngập tràn khi còn giữ được một giá trị tập quán vừa hữu hình, vừa đầy ý nghĩa sâu sắc trong văn hoá Việt.
Trinh bầy Ô Trầu ấy ở nhà cũ suốt mười mấy năm, đặt chễm chệ trên chiếc rương gỗ Thông dùng làm bàn tại phòng khách, để lưu niệm tục lệ ăn trầu của người Việt, và để nhớ chút kỷ niệm với bà nội & bà ngoại của mình. Trinh mua thêm bộ bài Tứ Sắc bỏ vào Ô Trầu ấy cho đủ complet vì bà nội & bà ngoại của Trinh ngoài nghiện trầu kinh niên, còn là hai cao thủ Tứ Sắc thứ thiệt.
Đến khi về nhà này vì con gái của Trinh chưng bầy theo phong cách hiện đại, cho nên Ô Trầu Xưa giờ đây hoàn toàn chẳng phù hợp với cảnh trí tân thời. Lâu lâu nhung nhớ, Trinh bèn lôi ra ngắm nghía cho đỡ nhớ nhung. Chắc sẽ tìm một gian nào đó, rồi trang trí thuần túy Á Đông theo kiểu cổ thì mới bầy Ô Trầu ra được. Nói vậy, nhưng đã đến tuổi này, cần gói ghém dần là vừa, đừng nên bầy binh bố trận nữa. Không dọn cho gọn thì chớ bầy vẽ lỉnh kỉnh thêm.
— Hạ Thủ Bất Hườn —
Đã nói, bà nội & bà ngoại của Trinh ngoài nghiện trầu kinh niên, còn là hai cao thủ Tứ Sắc thứ thiệt, tức là Đậu Chến quanh năm. Tất nhiên, Đứt Chến cũng quanh năm. Lắm lúc bà ngoại của Trinh đánh Tứ Sắc ở nhà, và mỗi khi thiếu tay, mấy cụ chiến hữu đậu chến với ngoại luôn năn nỉ Trinh đánh hộ cho đủ bốn tay. Chìu lòng các cụ, Trinh chơi cho vui chứ đâu màng ăn thua. Nếu Trinh có thắng nổi cao thủ, phần lớn đều do mình Hên chứ chẳng phải Hay (By Chance, Not by Choice). Trinh cũng chẳng hề biết đánh cao, đánh thấp là gì, nhưng các cụ lại sát phạt vô cùng căng thẳng. Chẳng hạn, Trinh ẩu tả đánh ra con bài quá ư vội vàng, nhưng trong tích tắc biết mình hớ, cho nên Trinh liền thu tay lại. Tuy nhiên, các cao thủ đang lâm trận bèn nhao nhao “Ê, Hạ Thủ Bất Hườn. Bỏ xuống nha!!!” Toàn là cao thủ mà các cụ chơi hơi xấu tính. Trinh lỡ đánh sai một cây, ví dụ Bỏ Đôi, ham ăn Lệnh nên Xé Chốt ẩu, chờ ăn Đứt Đầu nên chậm xé rác, v.v… liền bị các cụ mắng tới tấp, và tất nhiên còn bị Đền. Ai tới thì tới, nhưng Trinh là kẻ luôn bị xét bài, bị hoạnh hoẹ đủ điều “Tại sao không đánh cây này ra? Tới bây giờ bài 30, 40 rồi, còn giữ con này làm gì? Bỏ Đôi sao không chào?” Đánh Tứ Sắc mà, Not One Size Fits All. Đánh sao miễn mau hết rác, và không đánh bậy thôi chứ. Cầm trên tay cả đống Đứt Đầu, nhưng đến tết Congo, Trinh cũng chẳng được ăn hòng mau hết rác vì cao thủ ở ngay tay trên không bao giờ chịu nhả cho mình nhờ (Cao cờ lắm, biết rõ mình đang chờ con gì mà, còn lâu mới nhả.). Cụ nào mấy cây liền tù tì không tới, lại đổ thừa tại Trinh ngồi thế này, gác chân kiểu nọ ám chướng, chiếu tướng, v.v… Bị mắng hoài, bị Đền hoài, Trinh nãn không chơi nữa. Được gì đâu, ngồi lâu đau lưng mỏi cổ, nhưng Trinh vẫn chơi cho các cụ vui. Thế mà, còn bị bắt bẻ kêu ca, thậm chí bị làm khó dễ. Thấy thiếu tay đánh Tứ Sắc, các cụ liền năn nỉ ỉ ôi rất ư ngọt ngào thống thiết. Thật ra, ba tay có thể đánh Sệp, và Sệp có cái hay riêng lại đơn giản hơn Tứ Sắc rất nhiều. Song, các cụ cứ nằng nặc đòi đánh Tứ Sắc. Sau này, bà ngoại của Trinh phải giao hẹn “Cháu tui đánh lơ mơ lắm, mấy bà đừng có rầy, đừng có Đền thì nó mới dám chơi.”
Bây giờ nhớ lại thấy thương rất nhiều những ký ức vui vui, buồn buồn ở quê nhà. Bà nội của Trinh bị mù lúc ba của Trinh khoảng 14-15 tuổi, cho nên từ đó cụ chẳng đánh Tứ Sắc nữa. Nếu giờ đây còn có ngoại, biết đâu thỉnh thoảng Trinh sẽ phụ thêm tiền để bà ngoại đậu chến “chúc chúc” cho vui. Xưa kia Trinh rất ghét vì bảo rằng Cờ Bạc, nhưng giờ đây nghĩ lại, con người có những đam mê khó bỏ, muốn giã từ thật sự chẳng hề dễ dàng. Hơn nữa, ngoại đã già, sao mình không mắt nhắm, mắt mở cho ngoại vui được lúc nào thì vui. Thật ra, ngoại cũng chẳng có tiền để đánh lớn đâu. Sigh. Qua bên này, mỗi năm Trinh vẫn đánh Tứ Sắc hoặc đánh Sệp vài lần ở nhà Tùng em trai của Trinh, chẳng hạn Tết, Giáng Sinh, Lễ Tạ Ơn, Sinh Nhật, v.v… Đánh cho vui, tới trơn $3, tới Quan $5 (xưa xửa xưa xưa thì $2, $3).
Hôm nay dọn dẹp nhà cửa, bỗng dưng nhớ đến Ô Trầu xưa, và ký ức ùa về, cho nên Trinh lại lôi Ô Trầu ra ngắm nghía, suy tư, rồi chụp vài tấm hình. Thật sự, chẳng biết để làm gì xác đáng hơn là do cảm ứng và tâm tư đầy lãng mạn của một kẻ luôn mộng mơ và hoài cổ.
Nguyệt Trinh