NHỚ CHA VŨ KHỞI PHỤNG-MỘT CON NGƯỜI HIẾU HÒA VÀ ĐƯỢC VIỆC #2 (Linh mục Pherô Nguyễn Văn Khải)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of one or more people, people standing and outdoors

Cha Vũ Khởi Phụng là típ người trí thức hiếu hòa. Gần 30 năm sống với ngài trong Dòng, tôi chưa bao giờ thấy ngài nổi nóng và nặng lời với ai.
Nếu có ai lớn tiếng, ngài thường tránh đi hoặc im lặng lắng nghe, rồi nhỏ nhẹ hỏi thăm hoặc tham gia ý kiến và ý kiến của ngài rất quân bình, rất có tính cách xây dựng.
Ngài luôn tôn trọng mọi người, lắng nghe và tỏ lòng cảm thông với mọi người. Ngài có thể dung hòa khác khác biệt bằng một giải pháp tốt đẹp đến mức bất ngờ, hợp lý hợp tình mà hầu như ai cũng lấy làm hài lòng.
Vì vậy, ngài được mọi người chung quanh yêu mến, kính trọng và tin tưởng. Bởi vậy, từ năm 1975 đến năm 2015, ngài luôn được anh em trong Dòng bầu cử và bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng.
Căn cứ vào những lần phê chuẩn của các vị bề trên tổng quyền, tôi thấy:
– 4 nhiệm kỳ ngài được bầu cử làm thành viên của Tổng Công nghị trong 24 năm.
– 11 nhiệm kỳ tức 33 năm ngài được bầu làm cố vấn, thành viên hội đồng quản trị Tỉnh Dòng;
– 4 nhiệm kỳ, tức 12 năm được bầu làm Phó Giám Tỉnh;
– 2 nhiệm kỳ tức 6 năm được bổ nhiệm làm Bề trên tu viện DCCT và Chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ HCG, Sài Gòn;
– 2 nhiệm kỳ, trong 7 năm làm Bề trên Tu viện DCCT Thái Hà, trong đó có 3 năm kiêm Chính xứ Thái Hà, Hà Nội;
– 5 nhiệm kỳ rưỡi tức 16 năm làm Giám học Học viện;
– 2 nhiệm kỳ làm Phó Tập sư; 2 nhiệm kỳ làm Giám đốc Dự tập; 1 nhiệm kỳ làm Giám đốc Hậu Học viện;
– 2 nhiệm kỳ làm Trưởng Ban Truyền thông; 1 nhiệm kỳ làm Trưởng Ban Tông đồ Mục vụ.
Bên ngoài Nhà Dòng, ngài cũng tích cực tham gia phục vụ trong các công việc chung của Tổng Giáo phận Sài Gòn và của Giới Liên Tu sĩ tại Sài Gòn.
Từ năm 1975 cho đến năm 2008, ngài liên tục hoặc là thành viên trong Ban Đại diện, hoặc Ban Nghiên cứu Thần học của Hiệp hội Bề trên Thượng Cấp Việt Nam, hoặc là Chủ tịch Liên Tu sĩ TGP Sài Gòn, hoặc làm tổ trưởng tổ công tác, phụ trách các sinh hoạt thường kỳ của giới Liên Tu sĩ.
Sách Gương Chúa Giêsu nói người hiếu hòa được việc hơn người trí thức. Ngài có cả hai, cho nên cuộc đời ngài từ khi làm linh mục, luôn ngập tràn trong trách nhiệm và bổn phận phục vụ ở các vai trò và vị trí khác nhau giữa lòng Giáo Hội.
MỘT VỊ BỀ TRÊN KHÔNG ĐAM MÊ QUYỀN LỰC
Là người trí thức, sống với những giá trị cốt yếu của đức tin, của đời tu, ngài không ham mê quyền lực. Những ai sống ở gần ngài đều thấy ngài là một trong số ít người không muốn quyền lực.
Năm 1989 anh em trong Dòng tính bầu ngài làm Giám Tỉnh. Tuy nhiên, trước ngày bầu cử ít hôm, thầy Giuse Thuyết, một người cùng lớp Tập viện với ngài, nhưng là bậc niên trưởng trong Dòng và là người rất có uy tín đối với các anh em, than rằng:
“Bét mẹ cái anh Phụng anh ấy nhờ mình việc khó quá mà không làm thì cũng tội cho anh ấy. Anh ấy nói với tôi là xin thầy đi nói với anh em đừng bầu con làm Giám Tỉnh, nếu không thì con bị cầm chân không còn đi giảng dạy đây đó được nữa, trong khi Nhà Dòng còn có những anh em khác làm bề trên tốt hơn.”
Thế mà năm ấy, tôi thấy kết quả phiếu bầu, ngài chỉ kém cha Giám tỉnh Trần Ngọc Thao có vài phiếu. Tôi nghĩ nếu thầy Thuyết không đi nói với anh em thì năm đấy chắc ngài đã phải làm Bề trên Giám Tỉnh.
Dù chưa bao giờ làm Giám Tỉnh, nhưng ngài cũng phải làm bề trên những tu viện lớn và đông anh em và quan trọng nhất của Tỉnh Dòng tại Sài Gòn và Hà Nội.
Trong tư cách là bề dưới của ngài trong nhiều năm, từ khi là dự tập sinh cho đến khi đã làm linh mục cả chục năm, không khi nào tôi thấy ngài có ý thể hiện quyền của ngài trên các cá nhân hay trên cộng đoàn.
Tôi thấy ngài rất tôn trọng anh em dưới quyền, dù hầu hết đều là học trò của ngài. Là bề trên, nhưng khi ngài muốn điều gì thì thực ra là ngài đi xin bề dưới hơn là truyền lệnh cho bề dưới.
Ngài cho người ta một cảm nhận đích thực rằng chức vụ và quyền hạn để phục vụ chứ không phải là để cai trị, càng không phải để thống trị và thỏa mãn tham vọng cá nhân của mình.
Ngài đối xử với những người cộng tác rất tế nhị. Nếu có sáng kiến mục vụ nào hay, thì ngài tìm lúc thích hợp để chia sẻ với các anh em và mời gọi anh em cộng tác. Nếu anh em thực hiện tốt, thì ngài khen ngợi; nếu không được như ý thì ngài cũng quảng đại chấp nhận và từ từ tìm giải pháp.
Ở Sài Gòn cũng như ở Hà Nội, khi làm Bề trên-Chính xứ ngài thường nói: tôi là bề trên nhưng thực ra tôi chẳng làm gì cả. Tất cả những thành quả tốt đẹp thực ra đều do anh em và quý ông bà anh chị em giáo dân thực hiện cả.
Ngài đối xử với các cộng tác viên rất nhân hậu và phải đạo. Lúc ở Hà Nội tôi thấy mỗi khi có thể được ngài thường đến thăm những gia đình những người phục vụ trong giáo xứ.
Tu viện và giáo xứ Thái Hà nhờ Soeur Trần Thị Thơm, Fmsr, làm văn phòng giáo xứ. Thấy Soeur làm việc tích cực, chu đáo, vượt mức yêu cầu, làm hài lòng mọi người, dịp Tết ngài đích thân xuống Bùi Chu chúc tết Dòng Mân Côi Trung Linh và ngài nói với Soeur Bề trên Tổng quyền của Dòng rằng “Tôi cám ơn Nhà Dòng các dì đã cho tôi một “cha phó xứ” rất đắc lực!”
MỘT TU SĨ CÓ TINH THẦN VÂNG PHỤC
Dù là người rất có uy tín, nhưng ngài rất khiêm nhường, luôn tế nhị và mau mắn đón nhận ý muốn của các vị bề trên. Ngài không tìm ý riêng mình. Không tìm cách để thay đổi ý định của bề trên. Nếu bề trên có ý muốn việc này thì ngài cố gắng thực hiện. Nếu bề trên có ý không muốn việc kia, thì ngài mau mắn chấm dứt.
Ngài không muốn làm Bề trên-Chính xứ ở Sài Gòn, nhưng khi cha Giám Tỉnh Cao Đình Trị muốn, thì ngài chấp nhận.
Thời gian đấy, ngài đặc biệt quan tâm phục vụ sinh viên, bởi vậy ngài dành cho sinh viên một phòng hội lớn tại lầu 1 của Nhà Hiệp Nhất B, các bạn coi đấy như là nhà của mình, là thế giới riêng của mình, có cả một hệ thống tủ sách riêng và tủ đựng đồ đoàn riêng của các bạn.
Các bạn có thể tổ chức sinh hoạt thường xuyên định kỳ ở đó. Lâu lâu cũng có cuộc hội lớn. Nhất là khi những dịp sinh viên Công Giáo ở các thành phố hội lại với nhau. Có lần đến 500 sinh viên. Thời đầu thập niên 1990 mà tụ họp sinh viên như vậy là lớn lắm.
Sau đó, sợ ảnh hưởng của phong trào sinh viên, nhà nước đã làm áp lực lên Tỉnh Dòng và lên Tòa Giám Mục. Mặc dù ngài chẳng e ngại áp lực của công an, nhưng vì lợi ích chung của toàn Giáo phận và Nhà Dòng, ngài đã vâng lời bề trên tạm ngưng các cuộc tập hợp kia của sinh viên.
Cũng trong tinh thần tuân phục ấy, tôi biết điều này: mặc dù ông bà cố của ngài ở tại Hà Nội, nhưng ngài rất gắn bó với môi trường mục vụ ở Sài Gòn; ngài không muốn ra Hà Nội. Tuy nhiên, anh em muốn và Cha Giám Tỉnh cũng muốn, thế là ngài đã vâng lời làm Bề trên-Chính xứ Thái Hà vào những năm khó khăn nhất trong lịch sử của Tu viện này.
Ngài đã cùng với Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt và các cha, các thầy, các soeurs và quý ông bà anh chị em giáo dân làm chứng cho công lý và sự thật trong vụ Thái Hà-Tòa Khâm Sứ như thế nào thì nhiều người đã thấy.
(Còn tiếp)
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT