Luật Sư Robert Lighthizer: Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ
Mỗi một tổng thống Hoa Kỳ khi muốn xoay chuyển tình hình thế giới thì có một quân sư đứng sau lưng, muốn nhìn hướng đi của Mỹ thì hãy nghiên cứu quân sư đó là ai? thuộc trường phái nào? Lý tưởng và lập trường ra sao? Con người có bản chất và hành động cương quyết không? v.v.. Như trong cuộc chiến Việt Nam, những chính khách nắm vận mệnh Việt Nam Cộng Hòa phải nghiên cứu, tìm hiểu và chú ý đường đi nước bước về nhân vật Henry Kissinger, bởi vì ông ta là “kiến trúc sư” về việc giải quyết chiến tranh Việt Nam, từ đó chúng ta dự đoán ra hướng đi của cuộc chiến mà xoay xở trước khi quá muộn… Điều này nói ra đây là chuyện đã rồi, nhưng là một bài học rút kinh nghiệm. Nay, ông Trump đánh kinh tế Tàu Cộng, chắc chắn sau lưng ông phải có một quân sư, người đó là Luật Sư (LS) Robert Lighthizer trong chức vụ Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ… Nếu không hiểu được Lighthizer chẳng khác gì dự đoán cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Tàu như “người mù rờ đuôi voi”.
Robert Lighthizer sinh ngày 11 tháng 10 năm 1947, năm nay 71 tuổi. Năm 1973, tốt nghiệp ngành Luật tại Georgetown University, sau đó làm việc cho công ty Covington & Burling LLC tại Washington DC. Năm 1978, LS Lighthizer rời công ty trở thành giám đốc của Ủy Ban Thượng Viện Hoa Kỳ về Tài Chánh làm việc dưới quyền Thượng Nghị Sĩ Bob Dole. Vào năm 1983, Robert Lighthizer được Thượng Viện Hoa Kỳ chuẩn nhận là Phó Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ cho Tổng Thống Ronald Reagan. Năm 1985, Robert Lighthizer gia nhập văn phòng công ty Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom LLP của Washington với tư cách lãnh đạo nhóm Thương Mại Quốc Tế của Công Ty. Ngày 3/1/2017, Tổng thống Donald Trump đề cử LS Lighthizer vào nhiệm vụ Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ và đã được Thượng Viện Mỹ chấp thuận đại đa số 82/100 vào ngày 11/5/2017.
Những thành tích của LS Robert Lighthizer đem về cho nước Mỹ
1) Đàm phán thương mại giữa ba nước bắc Mỹ Canada-Mỹ-Mexcico: Robert Lighthizer là “kiến trúc sư” của Hiệp Định Luật Thương Mại USMCA (United State-Mexcico-Canada Agreement) giữa ba nước Mỹ-Canada-Mexcico thay thế đạo luật NAFTA (North America Free Trade Agreement) đã lỗi thời sau gần phần tư thế kỷ (1994-2018). Ở đó có nhiều lỗ hổng cho kinh tế “gian tà” của Tàu Cộng lợi dụng “tariff free” của NAFTA để bán hàng không thuế vào thị trường Mỹ qua Mexico và Canada.
Chỉ 7 ngày sau được Thượng Viện Hoa Kỳ phê chuẩn vào chức vụ Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ, ngày 18/5/2017 ông Lighthizer báo cho Quốc Hội biết rằng Tổng Thống Trump có ý định tái đàm phán về NAFTA mà ông là người đại diện cho Hoa Kỳ trong cuộc đàm phán này. Sau 18 tháng đàm phán, đến cuối tháng tháng 10 năm 2018, Hiệp Định NAFTA được thay bằng USMCA, đây là chiến thắng thương mại của Lighthizer đối với Tàu Cộng chứ không phải với Canada và Mexcico.
Vì sao? Bởi vì NAFTA là một Hiệp Định Thương Mại Tự Do Thuế Quan giữa 3 nước Mỹ-Canada-Mexcico trong khối Bắc Mỹ mỗi năm giao dịch lên đến 12 ngàn tỉ USD. Tàu Cộng lấy cơ hội đó mở những công ty ở Mexcico và Canada sản xuất hàng trăm mặt hàng bán qua Mỹ không đóng thuế dựa trên hiệp ước NAFTA. Nay USMCA không cho phép trường hợp “lạm dụng” đó xẩy ra nữa mà bắt buộc: Hàng hóa phải từ các quốc gia thành viên USMCA làm ra, nghĩa là những bộ phận phụ tùng xe hơi, động cơ điện v.v.. phải là Made in Canada, USA hay Mexcico chứ không phải từ nước ngoài (nói cách khác không là Made In China) mới được ưu đãi thuế quan qua biên giới. Ba nước thành viên muốn làm ăn với quốc gia chưa phải “kinh tế thị trường” (nói cách khác là China, Việt Nam….) phải báo cho các thành viên của USMCA 3 tháng để duyệt xét. Canada phải mua thực phẩm nông sản và thịt nông trại của Mỹ (trước đây Canada né không mua). Đàm phán USMCA kết thúc vào đầu tháng 11 và chính thức ký kết giữa ba nước vào ngày 1/12/2018 ở Hội Nghị Thượng Đỉnh G20, Argentina. TT Trump hứa nhanh chóng thực hiện USMCA. Đó là lưỡi kiếm cắt đứt vòi bạch tuộc của Tàu Cộng thò vào Bắc Mỹ hút đô-la từ mấy chục năm nay! Khi USMCA thực hành, đời sống của người dân ba nước này sẽ có lợi tức cao hơn và khá hơn (lương tối thiểu cho công nhân những nhà máy có liên hệ giao thương là $16/giờ).
2) Đàm phán thương mại giữa Mỹ – Liên Xô: Khi nhận nhiệm vụ Phó Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Ronald Reagan năm 1983, Robert Lighthizer từng tiến hành các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Liên Xô về việc chấm dứt lệnh cấm vận bán ngũ cốc của Mỹ sang Liên Xô.
Trong thời gian đàm phán lúc đó, hàng tin Bloomberg tiết lộ một câu chuyện khôi hài nhưng khá thú vị, Lighthizer được các đối thủ phía Liên Xô tặng một hộp thuốc lá Cigar Cuba, ông đã hút nó liên tục trong căn phòng không cửa sổ trong suốt thời gian đàm phán “để các nhà đàm phán thương mại của Liên Xô mất cảnh giác” và hộp Cigar trống rỗng khi thời gian đàm phán căng thẳng. Kết thúc ông ném hộp Cigar rỗng xuống đất với thắng lợi thuộc về Mỹ.
3) Đàm phán hạn chế xuất khẩu tự nguyện: Một trong những điểm nổi bật trong sự nghiệp làm cố vấn thương mại của Lighthizer là ông đã tham gia thảo luận rất nhiều thỏa thuận thương mại về “Hạn chế xuất khẩu tự nguyện”. Lợi dụng sự đe dọa áp thuế trừng phạt, Mỹ đã thuyết phục các quốc gia khác “tình nguyện” hạn chế xuất khẩu sang Mỹ các sản phẩm có nguy cơ đe dọa đến các ngành công nghiệp nước Mỹ vì sự cạnh tranh.
4) Đàm phán thương mại với Nhật: Dưới thời của cựu Tổng thống Reagan, Đại diện Lighthizer giúp chính phủ Hoa Kỳ đạt được những thỏa thuận thương lượng với hơn chục quốc gia về ngành thép, trong đó lớn nhất là Nhật. Tiến trình đó đã cho Lighthizer một kinh nghiệm quý báu rằng nước Mỹ có thể thành công trên thương trường quốc tế với quan điểm “diều hâu” cứng rắn.
Lập trường kinh tế:
Với những thành tích đem về cho nước Mỹ nổi trội, nghệ thuật đàm phán thương mại lão luyện, hiện đang có quyền hạn bậc nhất trong những vấn đề thương thuyết thương trường trên thế giới, nhưng Robert Lighthizer là một người thầm lặng trong Tòa Bạch Ốc. Đã từ mấy chục năm qua, ông Lighthizer rất bất mãn về việc Mỹ bị thua lỗ trên cán cân thương mại thế giới đặc biệt là với Tàu Cộng, điều này chẳng khác gì nước Mỹ bị chảy máu từ từ đến lúc như một con voi bị khô máu. Ông Lighthizer có cùng quan điểm về thương mại tự do giống TT Trump, nên hai người rất tâm đắc xem nhau như “đồng chí”, và ông luôn là một trong những trợ thủ đắc lực của TT Trump mỗi khi vấn đề kinh tế được đem ra bàn thảo tại Tòa Bạch Ốc.
Cả hai, Lighthizer và Trump đều cho rằng kinh tế Tàu Cộng là mối đe dọa nguy hiểm với nền kinh tế Hoa Kỳ. Họ tin tưởng rằng Mỹ là nạn nhân của các thỏa thuận thương mại tự do không công bằng và Mỹ nên cân nhắc áp dụng các biện pháp mạnh hơn như “áp thuế” lên mặt hàng nhập khẩu để bảo vệ các ngành kỹ nghệ, giới sản xuất và quyền lợi cho công nhân Hoa Kỳ.
Chủ thuyết của Robert Lighthizer (Lighthizerism)
Về cá tính, dù âm thầm nhưng dứt khoát, không ỡm ờ như các nhà thương thuyết khác, Robert Lighthizer thể hiện sự hiên ngang cứng cỏi như bức tranh lớn của mình bằng người thật treo sừng sững trong nhà. Ông chưa bao giờ tỏ ra thiếu tự tin vì ông biết rõ ông sẽ làm gì và làm như thế nào để đạt mục đích ông đã đề ra.
LS Lighthizer thường quyết định dứt khoát về vấn đề giao thương giữa Mỹ và các nước trên thế giới như một học thuyết mà Giáo Sư môn lịch sử Quinn Slobodian ở trường đại học Wellesley, thành phố Boston, Massachusetts, cho là một học thuyết mới nổi lên “Lighthizerism” (chủ nghĩa Lighthizer), đó là một “triết lý kinh tế dẫn dắt chính quyền Tổng Thống Trump” và dự đoán chủ nghĩa này sẽ còn kéo dài đối với nền kinh tế nước Mỹ.
Chủ nghĩa kinh tế của Robert Lighthizer là gì?
“Muốn có được vị thế thì Mỹ cạnh tranh kinh tế với các quốc gia khác phải đặt trên cơ sở tự do thương mại, hai bên bình đẳng, không có rào cản, hãy để cho các nguyên lý kinh tế quyết định mọi thứ”. Đây chính là những điểm bao hàm trong nội dung bài diễn văn mà TT Trump đọc tại Diển Đàn APEC tại Đà nẵng tháng 11 năm 2017.
Mặc dù vậy, “tự do thương mại” của Lighthizer không nằm ở mục tiêu mở cửa thị trường tự do không kiểm soát, mà là cam kết sử dụng những “vũ khí” công khai về giao thương để đạt được chúng.
Robert Lighthizer cũng không chủ trương bảo hộ là “đắp lũy xây thành” để biến nước Mỹ thành một ốc đảo, mà mục đích là lấy lại những lợi thế của Mỹ cho các nhà sản xuất Hoa Kỳ đang bị thua thiệt trên thương trường quốc tế (chủ nghĩa tư bản lành mạnh).
Về toàn cầu hóa, Robert Lightthizer tuyên bố ông không “chấm dứt toàn cầu hóa”, mà là thời kỳ cạnh tranh kinh tế khốc liệt hơn, dùng chiến tranh thương mại là “phương tiện” dẫn tới thương mại tự do. Từ đó đi đến “toàn cầu hóa” một cách công bằng, lành mạnh và lâu dài. Các đạo luật thương mại như WTO, một bên thì thi hành nghiêm chỉnh còn bên kia thì dối trá là tình trạng bấp bênh kinh tế trên thế giới dẫn đến bất an khu vực hay toàn cầu.
Robert Lightthier đối với kinh tế Tàu Cộng
Ông cho kinh tế Tàu Cộng hiện nay không còn Cộng Sản mà là “chủ nghĩa tư bản nhà nước” (chứ không phải kinh tế thị trường). Ở đó Đảng Cộng Sản cầm quyền sử dụng các công ty quốc doanh (vốn nhà nước) kết hợp và hỗ trợ những công ty tư nhân để tạo ra một ngành sản xuất nội địa khổng lồ thách thức các cường quốc kinh tế có nền kinh tế thị trường tự do lành mạnh. Không những thế, còn dùng những linh kiện điện tử cài đặt hệ thống sản xuất để “ăn cắp” kỹ thuật tối tân của các nước Tây phương, đặc biệt là tại Mỹ.
Trong một buổi họp tại Tòa Bạch Ốc vào tháng 8/2017, Robert Lighthizer là người thuyết trình chính sách cứng rắn giao thương với Tàu Cộng. Những luận cứ, những tài liệu, những biểu đồ kinh tế và những chiến lược thương mại của Lighthizer đã phát họa một lộ trình đánh vào thương mại Tàu Cộng. Buổi thuyết trình xuất sắc đã thuyết phục các quan chức cao cấp Tòa Bạch Ốc trong buổi họp kính nể. Qua buổi họp này, các bình luận gia trên thế giới đánh giá Tòa Bạch Ốc mất người chống Tàu Cộng quyết liệt nhất là Trưởng Cố Vấn Chiến Lược Steve Bannon, thì lại hiện lên một Steve Bannon khác chống Tàu Cộng cương quyết có sách lược nhất quán với một chủ thuyết rõ ràng đó là LS Lighthizer.
Robert Lighthizer là một người tỏ ra rất khá am tường chiến thuật “trì hoãn chiến” để câu giờ của Tàu Cộng nên ông đã dứt khoát ra đòn trừng phạt “áp thuế” sau một thời gian các chính trị gia đứng đầu Tòa Bạch Ốc ngành tài chánh và thương mại của Washington đến Bắc kinh đàm phán nhưng không có kết quả. Tháng 11/2017, TT Trump ra lệnh trong phái đoàn đàm phán đến Bắc Kinh, Robert Lighthizer là người duy nhất có quyền gặp những nhân viên cao cấp nhất của Tàu Cộng kể cả Tập Cận Bình. Vào thời đó, mặc dù Đại Sứ Mỹ tại Bắc Kinh là Terry Brandstad có đánh điện qua Mỹ yêu cầu xin cho Bắc Kinh thêm một vòng đám phán nữa, nhưng Lighthizer quyết định chấm dứt, đã đến lúc hành động và phải có biện pháp mạnh mẽ. Từ đó ra đời đợt “áp thuế” đầu tiên lên các mặt hàng Tàu Cộng 50 tỉ USD.
Về việc chống kinh tế Tàu Cộng, ngày 18/09/2017, tại Washington DC Robert Lighthizer nói về kinh tế Tàu Cộng như sau: “mô hình kinh tế của Tàu Cộng hiện nay là mối đe dọa chưa từng có đối với hệ thống thương mại thế giới mà không thể giải quyết bằng các quy tắc toàn cầu hiện hành”.
Ông giải thích thêm: “Có một thách thức nổi lên trong hoàn cảnh hiện tại, thực trạng này khó khăn hơn nhiều so với những gì đã xảy ra trong quá khứ, và mối đe dọa đó là China. Quy mô vượt trội của nỗ lực điều hành và phối trí của chế độ Bắc Kinh nhằm phát triển nền kinh tế quốc gia, tài trợ, tham vọng thắng lợi cho đất nước, ép buộc chuyển giao công nghệ và làm méo mó thị trường tại Tàu Cộng và trên toàn thế giới, chính là mối de dọa tới hệ thống thương mại toàn cầu và điều này là chưa từng có tiền lệ”.
Để đối đầu thương mại với một đối thủ “chưa từng có tiền lệ”, Lighthizer phải đối đầu một cách sáng tạo chứ không thể theo kinh nghiệm cổ điển. TT Trump đã ra lệnh cho ông Robert Lighthizer một năm để nghiên cứu cách đối đầu với Tàu Cộng cho hữu hiệu. Bởi thế, giữa tháng 8/2017, Tổng thống Donald Trump đã ký quyết định điều tra hoạt động thương mại Tàu Cộng. Ông Lighthizer được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra ban đầu về Tàu Cộng vi phạm sở hữu trí tuệ theo Khoản 301 của Luật Thương Mại Hoa Kỳ. Và có thể áp thuế trên lãnh vực này, vì cho rằng hằng năm “sở hữu trí tuệ” bị Tàu Cộng đánh cắp tính đến hàng ngàn tỉ USD. Và dĩ nhiên trong những đợt “áp thuế” tăng lên 25% đều là đề nghị của Lighthizer.
Ông tiên đoán cuộc chiến tranh thương mại với Tàu Cộng là cuộc chiến trường kỳ, Một nước Tàu có thói quen làm ăn xảo trá với hệ thống kinh tế nghịch chiều với thế giới tự do trong nhiều thập niên qua, nay mà nhanh chóng đưa họ đi vào quỹ đạo của kinh tế thị trường phải cần thời gian và nhiều biện pháp chống trả hữu hiệu, không thể một sáng một chiều mà chiến thắng được. Ông Lightthizer lo sợ rằng cuộc chiến bị gãy cánh giữa đường vì thời gian chỉ còn một năm rưỡi nữa là có sự thay đổi chủ Tòa Bạch Ốc, khi vị Tổng Thống Mỹ mới có quan niệm hòa hoãn với Tàu Cộng thì Lighthizerism bị ngưng đọng.
Robert Lighthizer là người cầm đầu đàm phán thương mại với Tàu Cộng:
Hiện nay bộ tham mưu về thương mại của Tòa Bạch Ốc, Tiến Sĩ Navarro nhân vật diều hâu cho rằng ông Lighthiezer là người có khả năng dẫn dắt cuộc đàm phán 90 ngày của Hoa Kỳ đối đầu với Trung Cộng. Ông Larry Kudlow, Chủ Tịch Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia cũng đồng ý là ông Lighthizer là nhân vật xứng đáng trong cuộc đàm phán 90 với Trung Cộng… một cuộc “hưu chiến” ngắn hạn nhưng rất quan trọng.
Ra trận nhiều lần chưa bao giờ thua cuộc, một nhà đàm phán thượng thặng, có kinh nghiệm với Tàu Cộng và nhất là ý niệm hạ đối thủ thương mại để đem công bằng và quyền lợi cho nước Mỹ đã chất chứa trong tiềm thức mấy chục năm nay. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Tàu càng ngày càng lớn, càng phức tạp, ông Lighthizer là người có đủ quyết tâm, kinh nghiệm và bản lãnh để hạ con chồn cáo Tàu Cộng, hầu diệt hậu họa cho nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Tình hình chính trị tại Mỹ cho thấy Robert Lighthizer không phải là người cô đơn. Cả lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ, các cơ quan an ninh FBI, CIA, NSA đều quyết tâm chống Tàu Cộng trên mọi mặt.
Đây là quyền lợi nước Mỹ, dù đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa đều phải quyết liệt để đánh bại Tàu Cộng. Nếu không, để càng lâu thì Mỹ phải trả một giá rất đắc. Mất vị thế siêu cường!
28/04/2020
Lê Thành Nhân