NHẠC SĨ ANH BẰNG : “NAY KHÓC TƠ DUYÊN LÌA TAN ” ( Hoàng Cương )

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Với gia tài hơn 650 ca khúc để lại cho hậu thế, ông nổi tiếng là một người có sức sáng tạo không giới hạn.

Hơn 8 năm chống chọi với căn bệnh ung thư gan, sau khi trải qua một giai đoạn hôn mê sâu, nhạc sĩ Anh Bằng đã từ giã cõi tạm ở tuổi 88, trong vòng tay người thân và bè bạn tại tư gia ở Mỹ.

Tên thật là Trần An Bường, sinh năm 1927 (nhưng theo giấy tờ là năm 1926) tại làng Điền Hộ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nhạc sĩ Anh Bằng đã làm quen với âm nhạc từ khi còn cắp sách đến trường, nhưng ông chỉ thực sự gắn bó với nghề sau khi sinh sống ở Sài Gòn từ sau năm 1954.

Chọn tình yêu dang dở làm chủ đề chính trong hầu hết các tác phẩm của mình, thế giới âm nhạc Anh Bằng luôn phảng phất những nỗi buồn không tên. Ở đó, cảm giác tiếc nuối, ngậm ngùi lại chính là chất xúc tác để người nghe thẩm thấu được nhiều hơn sự nồng nàn của những mối tình Việt.

Giống như một số đồng nghiệp tên tuổi khác là Phạm Duy, Lam Phương, Quốc Dũng, nhạc sĩ Anh Bằng không bị trói buộc trong bất kỳ dòng nhạc cụ thể nào.

Ông là một ngôi sao của dòng bolero với rất nhiều ca khúc đã được biểu diễn bởi nhiều thế hệ ca sĩ tài danh, từ Hà Thanh, Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Phương Dung, Hoàng Oanh, Duy Quang, Thái Châu, Vũ Khanh, tới lớp hậu thế Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Lê, Lệ Quyên… Nổi bật trong các sáng tác đó phải kể đến Sầu lẻ bóng, Hoa học trò, Chuyện giàn thiên lý, Chuyện tình Lan và Điệp, Hồi chuông xóm đạo, Hai mùa mưa, Cho kỷ niệm mùa đông, Căn nhà ngoại ô... Cho đến giờ, người ta vẫn nghe, vẫn hát những ca khúc này nhưng chắc chắn không phải ai cũng biết hoặc nhớ đến tác giả là nhạc sĩ Anh Bằng.

Các bài nhạc tình lãng mạn của ông cũng chẳng hề thua sút về sức hấp dẫn và mức độ nổi tiếng. Nỗi lòng người đi ra đời năm 1967 đã gắn chặt với tên tuổi Anh Bằng, chinh phục người nghe không chỉ bằng nét giai điệu tinh tế đậm “màu” tiền chiến mà còn bằng ca từ đẹp đẽ nhưng bình dị, trìu mến thiết tha, vương một chút sầu thương mà không than thở, bi lụy.

Nhạc sĩ Anh Bằng: 'Nay khóc tơ duyên lìa tan'
Khúc thuỵ du là ca khúc phổ thơ thành công nhất của Anh Bằng.

Cũng ở dòng nhạc này, Anh Bằng đã rất thành công khi phổ nhạc cho nhiều bài thơ hay, mà đỉnh cao chắc chắn phải là Khúc thụy du của nhà thơ Du Tử Lê. Giai điệu chậm buồn khắc khoải như mô tả một kiếp người,một cuộc tình đang ở đoạn cuối đường mà vẫn không muốn lìa xa. Các nhà phê bình đã không hề quá lời khi nhận xét Khúc thụy du chính là một trong những bài tình ca hay nhất của nền tân nhạc Việt Nam, và Tuấn Ngọc chính là người ca sĩ đã thể hiện Khúc thụy du hay nhất.

Bên cạnh Khúc thụy du, nhạc sĩ Anh Bằng còn có nhiều sáng tác xuất chúng nhưAnh còn nợ em và Anh còn yêu em phổ thơ Phan Thành Tài, Mai tôi đi và Nếu vắng anh phổ thơ Nguyên Sa, Anh biết em đi chẳng trở về phổ thơ Thái Can, Ai bảo em là giai nhân phổ thơ Lưu Trọng Lư.

Dù không quá chuyên chú vào mảng nhạc trẻ, ông vẫn cho ra đời được những bản nhạc lôi cuốn với tiết tấu rộn ràng, như Tình là sợi tơ, Những tâm hồn hoang lạnh hay Người thợ săn và đàn chim nhỏ.

Sau khi ra hải ngoại, nhạc sĩ Anh Bằng vẫn giữ nguyên sức sáng tác mạnh mẽ cho tới những năm tháng cuối đời cho dù thính giác đã không còn vẹn toàn và bị căn bệnh ung thư gan hành hạ. Các tác phẩm của ông dù cũ dù mới vẫn luôn được công chúng đón nhận nhiệt tình bởi đơn giản, chúng luôn đậm đà nhân tình, luôn chất chứa yêu thương qua những thăm trầm của thời gian.

Xin vĩnh biệt ông, người nhạc sĩ tài hoa đã dùng cung đàn để vẽ nên cho cuộc đời này những giọt sầu rơi…
Hoàng Cương