NGƯỜI Ở LẠI SÀI GÒN (Trực Đoàn)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tưởng nhớ  Luật sư Đoàn Thanh Liêm, người suốt đời hoạt động tích cực
phụng sự cho quê hương  Việt Nam. ( Mất ngày 09.06. 2018 – thọ 84 tuổi ) 

Trực Đoàn.

Cuối tháng Tư 1975, nhiều sư đoàn Bắc quân vây quanh Sài Gòn. Thủ đô Nam phần đang trên đà thất thủ.

Đùng!… Đoàng!… Đùng!… Tiếng đại bác khô khốc nổ rung chuyển nhà cửa.

“Việt Cộng pháo kích. Xuống nhà mau!” ông ngoại thét vang trong đêm khuya.

Cả nhà hoảng loạn chạy xuống tầng trệt.

“Mẹ ơi, con mất dép rồi!” tôi la hoảng khi chạy xuống thang. Ở tuổi lên bốn, tôi sợ dơ chân hơn sợ đại bác.

“Cho con đi Mỹ với bác Thụy,” tôi nài nỉ mẹ để theo bác Nguyễn Ngọc Thụy, người anh trai của mẹ. Lúc ấy, tôi sợ Việt cộng (VC) vì lời dọa của chị tôi, “VC vô sẽ cắt chân, cắt tay của bé.”

“Ở nhà, không đi đâu hết!” mẹ nói giọng quyết đoán.

Cả nhà tôi ở lại Sài Gòn vì bố quyết định như vậy.

“Vì theo dõi tình hình lẫn có nhiều mối quan hệ quốc tế, bố biết trước miền Nam sẽ sụp đổ,” bố trả lời khi tôi hỏi về sự kiện năm 1975. Hiệp định Paris 1973 là dấu hiệu cho thấy Mỹ bỏ miền Nam. Việc sở của bố, World Council of Churches (WCC), một tổ chức tôn giáo từ thiện, rút khỏi Việt Nam cuối năm 1974 là dấu hiệu báo trước sự sụp đổ của chính phủ Sài Gòn.

Tổ chức WCC có đề nghị một việc làm tại trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ, nhưng bố từ chối. Ông Nguyễn Văn Cảnh, người bạn cùng làm WCC, trước khi đi Thụy Sĩ đã gửi bố bức thiệp ghi:

Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, khó vì lòng người ngại núi e sông.

“Ở đời, dù các con có chọn con đường nào đi nữa, thì cũng sẽ gặp khó khăn,” bố giảng giải khi chúng tôi hỏi về ý nghĩa của câu thơ kể trên sau năm 1975.” Nhưng khó khăn nhất là vượt qua chính mình.”

Di cư vào Nam năm 1954, lúc 20 tuổi, bố tôi đủ trí khôn để nhận ra bản chất của người Cộng sản. Hơn nữa, cái chết của ông nội trong trại tù Đầm Đùm, Thanh Hóa của Việt Minh luôn nhắc nhở bố. Việc ở lại Việt Nam là quyết định sau khi suy nghĩ chín chắn và chấp nhận mọi hiểm nguy cho mình và gia đình.

Buổi giao thời, Sài Gòn hỗn loạn. Trong lúc nhiều người vội vã tìm đường di tản, bố bình thản quan sát thời cuộc.

Bên thắng cuộc không phí thời gian ra tay chứng tỏ quyền lực “chuyên chính vô sản” của mình: cải tạo, tiêu diệt văn hóa, đánh tư sản, kinh tế mới… Hệ quả là Sài Gòn tan tác.

Trong cơn say chiến thắng, ông Lê Duẫn, Tổng bí thư, mộng mơ vượt Nhật Bản thành cường quốc, nhưng vẫn không quên ra tay “cải tạo” các thành phần quân nhân, công chức, trí thức, văn nghệ sĩ, và tất cả nhưng ai bị tình nghi phản cách mạng. Các đợt bắt bớ xảy ra khắp miền Nam.

“Chú Thanh bị bắt rồi!” mẹ tôi hốt hoảng kể về chuyện người em rể Trần Ngọc Thanh tức nhà báo Sao Biển bị công an khám nhà bắt đi. Chú Thanh xộ khám, vợ bệnh sau khi sanh. Vậy là mẹ tôi đem em Trần Bình Minh về nuôi. Cả nhà tôi dỗ dành em Minh, 2 tháng tuổi, khóc cả đêm vì lạ nhà, nhớ hơi cha mẹ.

“Anh nên tìm đường đi ngay,” ông Nguyễn Xuân Hậu, sĩ quan bộ đội, chồng của người bạn thân của mẹ, kín đáo nói với mẹ. “Trước sau gì họ cũng bắt anh Liêm.”

“Cậu nên đi,” bác Đoàn Thị Sinh, chị ruột của bố, khuyên nhủ. “Tôi sẵn sàng bán hết gia sản để lo cho cậu vượt biên.”

“Tôi ở lại để chia xẻ đau khổ với bà con,” bố trả lời khi một người thân trong họ hàng hỏi.

Không ai hiểu Cộng sản bằng chính người cộng sản. Lời nói của ông Hậu, người theo Cộng sản năm 13 tuổi, ứng nghiệm sau đó. Bố tôi bị tù vì lên tiếng nói của lương tâm đòi tự do, dân chủ.

“Mình chia xẻ trong lúc nghèo mới đáng quí,” bố kể về việc giúp bạn tù ở trại tù Hàm Tân.

Quà thăm nuôi là sự chắt chiu của gia đình và bạn bè thân hữu. Bố dùng những món quà ân tình này để chia xẻ với những người tù khốn khó.

Được sự vận động của nhiều chính phủ, các tổ chức, cùng cá nhân, đặc biệt là chú Dick Hugh, người bạn thân của bố, chính quyền Hà Nội buộc phải nhân nhượng.

“Xin hỏi ông Liêm có muốn đi Mỹ không?” bà Virginia Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Mỹ, người đứng làm trung gian giữa hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam dàn xếp việc thả bố, hỏi bố tôi.

“Phần tranh đấu của bố vậy là đủ. Bố quyết định đi Mỹ,” bố nói tại trại tù Hàm Tân. “Hy vọng, giới trẻ sẽ tiếp tục tranh đấu.”

Qua Mỹ, bố đi khắp thế giới, thuyết giảng tại nhiều trường đại học, gặp nhiều chính trị gia danh tiếng.

“Chỉ là danh ảo,” bố ôn tồn trả lời khi tôi bình luận “bố nổi tiếng quá”.

Thế điều gì là thực danh?

Xây dựng gia đình, xã hội, nước Việt dân chủ, công bằng, thịnh vượng là điều bố tôi theo đuổi suốt cuộc đời.

Trực Đoàn