NGƯỜI CON YÊU QUÝ CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA (Dương Hoàng Mai)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

GS Nguyễn Ngọc Bích.

Người con yêu quý của Việt Nam Cộng Hòa.

( Đây là bài viết tổng hợp  một số các bài viết về GS Nguyễn Ngọc Bích.
Cũng là bài viết tưởng niệm Việt Nam Cộng Hòa I và Việt Nam Cộng Hòa II
trong những ngày bước vào Tháng Tư lịch sử.)

Dương Hoàng Mai.

Một tin buồn đã đến bất ngờ vào đầu tháng ba năm 2016 và lan tỏa nhanh chóng trong cộng đồng người Việt Hải ngoại, GS Nguyễn Ngọc Bích mất đột ngột trên chuyến bay từ Washington D.C. (Hoa Kỳ) đến Manila (Philippine) với dự định tham dự hội thảo về Biển Đông và Dân chủ. Những ngày tang đã diễn ra trong nỗi thương nhớ khôn nguôi dành cho người vừa mất, không chỉ ở cộng đồng người Việt hải ngoại mà cả ở Việt Nam, đặc biệt trong các hội đoàn đang đấu tranh cho tự do dân chủ.

Không khí tang lễ GS Nguyễn Ngọc Bích khiến nhắc nhớ lại những ngày tang anh Việt Dzũng, hai thế hệ, nhưng cùng chung một màu cờ, một lý tưởng, một ý chí tranh đấu. Và một nhân cách giống nhau, nhân cách đặc trưng thường thấy ở những người con yêu dấu của Việt Nam Cộng Hòa: nhân bản, yêu tự do, yêu quê hương và luôn chú trọng gìn giữ bản sắc dân tộc Việt trong cuộc sống nơi xứ người.

get

Sắc cờ Vàng trên khăn quàng, tấm áo họ khoác vào những buổi hoạt động sôi nổi qua bao năm tháng đã trở thành biểu tượng cho tự do, cho hy vọng và niềm tin vào tương lai tươi sáng của Việt Nam.

GS Nguyễn Ngọc Bích trưởng thành với chế độ VNCH đệ nhất, thuộc thế hệ của những người ngay từ thửo còn rất trẻ đã được tiếp xúc nền văn hóa Âu châu đầy triết lý thâm trầm. Trong thời VNCH đệ nhị ông lại có nhiều năm tháng làm việc cùng những người bạn đến từ nước Mỹ, một xứ sở tân tiến với phong cách làm việc „ kiểu Mỹ“ : nhanh nhẹn, hòa đồng, không kiểu cách.
Và rồi ông cũng đã theo „ vận nước nổi trôi“ cùng đồng bào hải ngoại sống cảnh đời tỵ nạn trên xứ người.

Một ngày nào đó, khi hoa dân chủ nở khắp quê hương, nở từ những hạt mầm ông đã tận tụy gieo cấy suốt cả cuộc đời, có thể Việt Nam được cầm quyền bởi một Đảng Cộng hòa, như mơ ước của nhiều người Việt Hải ngoại, nhưng chế độ VNCH đệ nhất, đệ nhị với những người con như GS Nguyễn Ngọc Bích thì đã qua đi, và chỉ còn lại những trang sử hào hùng, bi thương. Điều này khiến GS Nguyễn Ngọc Bích như một trong những „người Mohican cuối cùng“ của chế độ VNCH đệ nhất và đệ nhị. Những người con thân yêu của xã hội Miền Nam trước 75 , đầy nắng ấm tự do , với Sàigòn hoa lệ đã khiến cái tên „ Hòn ngọc viễn đông“   đọng lại như viên ngọc chiếu sáng mãi từ một thưở vàng son của
Lịch sử Việt Nam.

Hình ảnh bình dị, hiền hòa với mái đầu bạc trắng vẫn năng nổ, vẫn xông xáo cùng những người trẻ tuổi, đi khắp nơi, làm đủ mọi việc của GS Nguyễn Ngọc Bích khiến tôi nhớ đến câu phương châm của Đức:

Đức giãn dị chân chánh thật cao cả,

Những nhân cách cao cả lại thật giãn dị.
( „Wahre Einfachheit ist groß, wahre Größe ist einfach“)
Có lẽ với phong cách giãn dị khiến nhiều người đã gặp ông, được ông giúp đỡ đều không nhớ hay không hề nghĩ ông đã và đang giữ chức vị cao, mang trên vai nhiều trọng trách từ thưở xưa tại Việt Nam trước 75 và của cộng đồng người Việt Hải ngoại hiện nay.
Một bậc trí thức với kiến thức tổng quan như „ một cuốn tự điển sống“ đến nỗi khi ông mất, người ta phải thấy như „ một thư viện vừa cháy „ ! ( Từ Thức) nhưng vẫn không tiếc công để  đi làm những việc có tính cách “ bình dân học vụ”. Ở địa vị một bậc học giả nghiên cứu thâm sâu, công việc bề bộn, ông vẫn không tiếc thời gian để đi giúp kèm tiếng Anh cho những người hiếu học ở Việt Nam, hay những người còn khó khăn về ngôn ngữ mới trên đất Mỹ.
Một chữ cũng thầy, nữa chữ cũng thầy“, có lẽ những người đã có vài giờ được ông dạy kèm sẽ khó quên tấm chân tình của Thầy Nguyễn Ngọc Bích.

Cũng may một phần di sản tinh thần đồ sộ của ông đã được in thành sách, với nhiều thể loại như dịch thuật, biên khảo, mỹ thuật, âm nhạc vv.. Khiến chúng ta phải thốt lời thán phục khi đọc danh sách khá dài các tựa sách mang tên tác giả Nguyễn Ngọc Bích.

Nhiều nhà phân tích xã hội đã nhận xét, những người thông minh thường có năng khiếu về ngôn ngữ. Nhận xét này thật xác đáng qua khả năng ngôn ngữ của GS Nguyễn Ngọc Bích. Ông đã tạo nhiều thán phục bất ngờ với trình độ ngôn ngữ hiếm có ở nhiều thứ tiếng, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, chữ Hán, chữ Nôm, tiếng Tây ban nha, tiếng Nhật và cả tiếng Nga.
GS Nguyễn Ngọc Bích đã sử dụng vốn ngôn ngữ của mình để tạo nhiều cầu nối giữa nền văn hóa Việt và quốc tế. Ông đã đưa thơ văn Việt tiến vào nền văn hóa Âu Mỹ, nhưng cũng không quên dẫn ngôn ngữ xứ người quay về với tiếng mẹ đẻ qua cách dịch độc đáo như ghi Đồng Xuân, Bang Trinh Nữ, Hoa Kỳ Quốc để chỉ nơi ông đang cư ngụ,Springfield, Virginia, United States.

Thật thú vị khi bất ngờ bắt gặp tựa sách „ Finding the Dragon Lady „của bà Monique Brinson Demery đã được GS Nguyễn Ngọc Bích dịch là “Tìm ra „Long Nữ” Việt-nam” ..
“ Long nữ Việt Nam“ thật khác xa „ Rồng cái“, hai từ cay độc của nhóm báo chí lá cải đã dành cho bà Trần Lệ Xuân!
Chỉ có thật hiểu những uẩn khuất cuộc đời bà Trần Lệ Xuân mới có thể dịch thành tên „Long nữ Việt Nam“ để gọi bà như thế !

Một tấm lòng nhân hậu, bao dung, đầy tràn bao tình ý, luôn yêu đời, yêu công việc , yêu ca hát..văn nghệ..khiến nét tươi trẻ luôn hiện lên trong ánh mắt của ông.
Nhiều người sẽ nhớ ông với vẽ vui tươi, cất tiếng ca say sưa trong các buổi họp mặt. Ông hát vững nhịp điệu, phân rõ tiết tấu, nhiều ngân lái để dẫn người nghe về miền quê hương ông sinh trưởng, vùng dân ca quan họ Bắc Ninh, với những cánh đồng xanh mượt rập rờn theo điệu lý câu hò…“ Người ơi người hỡi đừng về,..„ Cò lã“.

Những cánh cò lã giờ đây như còn bay đâu đó theo câu ông hát trong các Video, riêng ông đã như „Cái hạc bay lên vút tận trời“ ( thơ Tản Đà) .  Ông thực sự đang bay cao trên bước đường quay về tiên cảnh, nhưng không để lại “ khoảng trần gian xa cách mãi“cho người ở lại.
Hình bóng ông đã và vẫn sẽ đi theo cạnh những người trẻ tuổi trên bước đường tranh đấu chông gai.
Một „ cánh chim đầu đàn“ như vẫn soãi cánh bay phía trước dẫn lối đàn chim Việt đang cùng tung bay trên bầu trời tự do dân chủ, vẽ lên đó một chữ V đậm nét.
Chữ V biểu tượng cho Việt Nam, chữ V biểu tượng cho chiến thắng,
vì „ nhân nghĩa sẽ thắng hung tàn“,
vì „ trí nhân sẽ thế bạo cường“
( Nguyễn Trãi).
Để con cháu sau này khi lần giở những trang lịch sử hào hùng của cha ông thưở trước
sẽ được đọc đến tên GS Nguyễn Ngọc Bích.
Để thế hệ đời sau vẫn mãi còn mơ ước, một ngày nào đó toàn dân Việt Nam
sẽ được sống dưới chế độ VIỆT NAM CỘNG HÒA.
Dương Hoàng Mai
Munich- Germany.
Ngày 24.03.2016
Trong niềm thương tiếc GS Nguyễn Ngọc Bích.