MARCELINO TRƯƠNG LỰC VÀ NỖI ÁM ẢNH QUÊ CHA

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Marcelino Trương Lực

Marcelino có dáng dấp một diễn viên điện ảnh người Pháp, với mái tóc nghệ sĩ và vóc dáng cân đối, mảnh dẻ. Anh có phân nửa dòng máu Việt trong người, mẹ anh là một phụ nữ người Pháp tóc vàng, gặp gỡ cha anh tại khu Xóm học Paris khi họ còn là sinh viên Đại học Sorbonne năm 1949.

Tên anh có một phần tiếng Việt là Trương Lực, thừa hưởng họ Trương từ người cha tài giỏi là một nhà ngoại giao lâu năm, từng làm thông dịch viên cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, còn tên Marcelino được lấy từ tên một con đường ở Manila, Philippines, nơi anh sinh ra năm 1957.

Gia đình ông Trương Bửu Khánh tại Sài Gòn năm 1963. Marcelino Trương Lực đứng cạnh cha giữa tấm ảnh. (ảnh: Marcelino Trương Lực/FB)

Anh sống ở Việt Nam, chính xác hơn là ở Sài Gòn vỏn vẹn có hai năm và chỉ quay trở lại khi đã hơn ba mươi tuổi. Hình ảnh quê cha xa xôi nhìn từ nước Pháp, dù những tháng ngày tuổi thơ êm đềm ngắn ngủi sống ở nơi ấy, nhưng lại như một vết thương giằng kéo, hay một cái dằm gỗ chìm sâu trong ngón tay, nhỏ mà gây nhói. Quê hương của tuổi lên bốn, lên năm, là những ngày sống trong ngôi nhà số 42 Nguyễn Huệ, giữa trung tâm Sài Gòn. Đó còn là những ngày vui khi được đến thăm căn nhà ngói rộng rãi của ông bà nội ở xã Bình Hòa, Gia Định.

Vì cha làm công việc ngoại giao nên Marcelino theo gia đình rời quê hương ở tuổi lên sáu, sang Anh và sau đó qua Pháp sống. Nhưng quê hương vẫn tiếp tục hiển hiện suốt tuổi ấu thơ và niên thiếu của anh những khi cùng gia đình ưu tư về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Anh kể: “Gia đình tôi có rất nhiều nỗi âu lo và xúc cảm với cuộc chiến tuy xa mà gần ấy, vì nơi đó còn có ông bà Nội và những người trong gia đình. Chúng tôi luôn theo dõi tin tức truyền hình và báo chí. Ba tôi thường xuyên nhận được thư quê nhà và dịch lại cho chúng tôi nghe những phần chính”.

Mireille, Dominique và Marcelino trên ban công nhà 42, đại lộ Nguyễn Huệ, Sài Gòn, 1962. (ảnh: Marcelino Trương Lực/FB)

Ở tuổi 25, sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học – Chính trị Paris, ngành Luật công, và trường Sư phạm với bằng thạc sĩ tiếng Anh tại Sorbonne, Marcelino Trương chọn con đường nghệ thuật bằng cách tự học. Tranh minh họa của anh xuất hiện đều trên nhật báo Libération và tuần báo Elle ở Pháp. Và như một điều tự nhiên, quê hương Việt Nam, thành phố Sài Gòn của những ngày xưa đã xuất hiện trong tranh của anh. Những bức tranh, những câu chuyện bằng tranh, đầy cảm xúc, da diết.

Những bức tranh của anh khiến tôi nhớ Sài Gòn tuổi thơ của tôi quá đỗi. Sao mà nó gợi cảm và thân thuộc đến như vậy?

Anh vẽ đường phố Sài Gòn và những người qua lại, bên trong căn nhà có cửa sổ lá sách với những vật dụng cũ kỹ như cái quạt mo cau, cái võng, bình tích trà đựng trong vỏ tre, nền gạch bông hai tấc vuông, cái táp-lô điện bằng gỗ gắn lộ trên tường… Và không chỉ thế, còn dáng đi trên phố, dáng mẹ nằm với con trên giường, cảnh ông bà ra cửa đứng đón con cháu đến thăm ngôi nhà ngói ở Gia Định. Tất cả quen thuộc đến nao lòng, gợi lại cuộc sống của miền Nam, Sài Gòn thập niên 1960.

Đường Catinat 1962, các cửa tiệm trang trí theo phong cách Spirou, mực tàu và bột màu trên giấy, 2011. (tranh: Marcelino Trương Lực)

Marcelino Trương chỉ có hai năm sống ở Việt Nam nhưng với tố chất và tâm hồn nghệ sĩ bẩm sinh, đôi mắt của chú bé ngày xưa đã thu nhận và khắc sâu một cách tài tình, để rồi thể hiện trên tranh không cường điệu, không cần phải đẩy đôi mắt người Việt thành xếch hay cái miệng với hàm trên nhô ra như những họa sĩ nước ngoài thường vẽ người Việt. Anh vẽ hình ảnh quê hương một cách tự nhiên chân thật vì cảm xúc và tình yêu như tràn ra từ trong máu.

Tất cả bắt đầu, nói đúng hơn là sợi dây ký vãng được nối lại vào năm 1991, khi Marcelino Trương quay trở về Việt Nam sau gần ba mươi năm xa cách. Thật ra, mọi thứ chỉ là hình tượng hóa những gì anh đọc, nghĩ, chiêm nghiệm về quê cha từ những ngày anh vùi đầu vào thư viện của ông Trương Bửu Khánh, người cha trí thức Tây học của anh.

Chợ Lớn, thiếu nữ đi xe đạp, bột màu trên giấy Arches, 2002. (tranh: Marcelino Trương Lực)

Anh kể: “Ba tôi là một người uyên bác. Học hỏi là điều ông thích hơn hết trên mọi thứ. Ông có một thư viện riêng chứa đầy những quyển sách nói về Việt Nam mọi thời đại. Người ta có thể tìm thấy ở đấy hồi ký của những nhân vật lịch sử hay chính trị, hoặc là các nhà báo có vai trò quan trọng tại Việt Nam, cũng như tiểu thuyết, thơ văn hoặc tài liệu về văn hóa văn minh Việt Nam. Tôi đã từng xem qua và đôi khi đọc đôi ba đoạn. Thường tôi xem hình ảnh. Những quyển sách ấy viết bằng tiếng Việt, tiếng Trung Hoa, tiếng Pháp, hoặc tiếng Anh,… bởi các tác giả rất có tên tuổi. Ba tôi còn hay mua những bưu thiếp và sách cổ về Việt Nam. Tại Luân Đôn, ít người quan tâm đến chủ đề này, vì vậy ông luôn tìm được những sách rất hay các tại nhà sách xưa. Đôi khi chúng tôi cũng được nghe nhạc Việt. Ba tôi học trường Khoa học – Chính trị cùng với nhà nhạc học Trần Văn Khê. Ông rất thích các điệu ru hò Việt Nam, nghe nhạc cụ cổ truyền nhưng cũng yêu nhạc Trịnh Công Sơn. Ba tôi truyền cho chúng tôi những khái niệm tổng quát về đạo Khổng, ít nhất là những gì ông đã học được”.

Taxi ở Sài Gòn, acrylique trên bố, 60x80cm, 2016. (tranh Marcelino Trương Lực)

Anh hồi tưởng: “Mỗi khi nhắc nhớ đến Việt Nam thời thanh xuân, ba tôi rất xúc động vì đối với ông đó là một thiên đường tỏa đầy hương sắc”. Tất cả những điều đó giúp anh hiểu biết sâu sắc và tràn đầy cảm hứng về quê hương, trước cả khi có chuyến trở lại Việt Nam vào Tháng Sáu năm 1991 và cũng là lần đầu tiên về thăm quê cha ở đồng bằng sông Cửu Long. Ở đó, anh ngập tràn xúc động. Anh được đón tiếp nồng hậu, được giới thiệu với tất cả các bà con cô bác trong dòng họ gia đình. Anh được đến thăm mộ bà nội tại Trà Vinh. Anh cũng quay lại ngôi nhà xưa tại Sài Gòn, thành phố của tuổi thơ hạnh phúc. Bước chân anh lại quay về Sở Thú hay chợ Bến Thành… để bắt gặp lần nữa những màu sắc, âm thanh, hương vị thân thiết của Sài Gòn đọng lại từ những ngày tháng ngây thơ. Trong tim anh có một niềm cảm mến sâu sắc với thành phố này dù chỉ sống một thời gian rất ngắn thời tuổi nhỏ, khi đang có chiến tranh. Niềm cảm mến đó vẫn tiếp nối và lớn lên, khi tìm về chốn cũ và thấy rằng thành phố này đến năm 1991 gần như vẫn không thay đổi từ khi anh ra đi.

Bao nhiêu đó chưa đủ, mỗi khi về Sài Gòn anh đều ghi lại rất nhiều ký họa. Và từ đó, những bức vẽ lớn bằng màu nước hay sơn dầu trên bố được hình thành khi anh trở lại Paris. Anh khám phá rằng anh chỉ có thể vẽ về Sài Gòn hay Việt Nam khi thật sự nồng nàn cảm hứng. Rất hiếm khi làm được việc này với những yêu cầu đặt hàng từ khách yêu hội họa. Hầu như tất cả những hình họa liên quan đến Việt Nam đều xuất phát từ tình cảm và tấm lòng riêng tư.

Khỏa thân trong một ngôi nhà ở Vũng Tàu, màu nước và bột màu trên giấy, 1993. (tranh: Marcelino Trương Lực)

Đến giờ, anh vẫn có nhiều dự định về Sài Gòn. Anh đã bắt đầu loạt tranh trên vải bố, vẽ về Sài Gòn xưa, thuở anh còn bé tí, nơi mà hiện giờ nhiều thứ xưa cũ đang dần dần biến mất. Việt Nam giờ đã chiếm một vị trí rất quan trọng trong cuộc sống của anh. Anh cảm thấy mình có hai chân, một chân bước trên đất Pháp, chân còn lại dành cho nước Việt. Nếu mất một trong hai, sẽ là một tật nguyền thương tổn rất lớn đối với anh. Quê hương còn được nhắc nhớ thường xuyên qua hương vị những món ăn Việt, như phở hay thịt kho, do chính tay anh nấu. Quê cha ngày càng gần gũi hơn trong tâm tưởng của anh.

(Trích sách Sài Gòn, chuyện đời của phố tập 4, do công ty sách Phương Nam xuất bản 2017)