LỐI XƯA XE NGỰA (Phan Văn Thân)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 2 people and outdoors

May be an image of 4 people and outdoors

May be an image of 3 people and outdoors

May be an image of 4 people, horse and road

Chẳng biết bây giờ có ai còn nhớ đến chiếc xe “thổ mộ” (xe ngựa) nữa không! Riêng tôi, mỗi lần nghe ai nhắc đến xe ngựa thì đâu đây trong tâm tưởng như vẫn còn nghe rõ tiếng vó ngựa lóc cóc gõ nhịp trên đường, vẫn bâng khuâng thích thú với tiếng leng keng, cái âm thanh từ chiếc lục lạc vàng trên cổ chú ngựa ô đen bóng…
Hình bóng chiếc xe ngựa thồ đã in sâu trong tâm trí tôi từ những ngày đầu tiên nơi mái trường tiểu học. Cô giáo đã khai tâm bằng bài thơ “Tôi yêu” của thi sĩ Bàng Bá Lân.
Tôi yêu tiếng việt miền Nam
Yêu con sông rộng, yêu hàng dừa cao
Yêu xe thổ mộ xôn xao
Trên đường khúc khuỷu đi vào miền quê
Tôi yêu đồng cỏ nắng se
Nhà rơm trống trải, chiếc ghe dập dềnh
Tôi yêu nắng lóa châu thành
Trận mưa ngắn ngủi gió lành hiu hiu
Nơi đây tôi mến thương nhiều
Miền Nam nước Việt mỹ miều làm sao!
Cứ mỗi khi gà gáy canh tư, người “xà ích” lại trở dậy, lặng lẽ đánh xe ra chỗ hẹn với bạn hàng để cùng nhau tất tả cuộc sống mưu sinh. Những chuyến xe ngựa nối đuôi nhau chở hàng bông từ ngoại ô đưa vào bán ở những buổi chợ sớm. Hàng ngày, những chiếc xe có mui khum khum như “nấm mồ” chở các bà, các chị gồng gánh, rong ruổi trên những con đường đất đỏ, rồi đường được rải đá, trải nhựa để những chú ngựa gầy gò vẫn đều đặn ngày hai buổi cần mẫn tung vó gõ móng lóc cóc đi về.
Trước kia, xe ngựa được xem như là một trong những phương tiện di chuyển công cộng rất quan trọng, vì các phương tiện giao thông đường bộ chưa phát triển. Người dân nội ô Sài Gòn vài chục năm trước vẫn quen nghe tiếng vó ngựa lóc cóc nhịp đều trên những con đường nội ô như báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Đây còn là phương tiện vận chuyển thông dụng một thời của cư dân vùng Sài Gòn – Gia Định. Phương tiện vận chuyển ấy vừa rẻ, vừa tiện lợi, nó có thể dừng bất cứ đâu để khách lên, xuống mà chỉ tốn chừng vài xu lẻ.
Xe thổ mộ di chuyển bởi lực kéo của những con tuấn mã. Tùy số lượng người và hàng hóa chuyên chở mà chủ xe thắng độc mã hoặc song mã. Tùy chặng đường dài ngắn, tùy số lượng gà vịt, rau quả, cây trái… mà các bác “xà ích” lấy giá tiền khác nhau.
Nhớ ngày xưa còn bé được bà nội cho đi ăn giỗ.Từ nhà, phải cuốc bộ băng qua cánh rừng cao su mới ra tới con đường đất đỏ. Trên chuyến xe ngựa chật cứng với những người dân buôn gánh bán bưng, họ cứ rôm rả những chuyện rau cỏ, thịt cá, ngô khoai… Con đường vắng vẻ bỗng dài hun hút với hai bên là những cánh rừng cao su xanh rì, thẳng tắp như hàng quân. Tôi ngồi chăm chú nhìn ông đánh xe một tay cầm cương, một tay lăm lăm chiếc roi ngựa, thỉnh thoảng chiếc roi lại rít lên trong gió quất vào lưng ngựa, trái tim bé nhỏ của tôi cứ nao nao, xót xa theo nhịp chiếc roi vì thương con ngựa già có cái đuôi dài cong cong, đôi mắt buồn buồn rồi… bỗng dưng thấy tức tưởi, ghét ông đánh xe quá sức.
Xe thổ mộ như một nét đẹp mộc mạc, dung dị vốn đã có từ bao đời của vùng đất phương Nam nắng gió ngày xa xưa. Cái thú ngồi trên xe ngựa là được nghe tiếng nhạc leng keng từ chú ngựa gầy gò, nhỏ con vẫn đều đặn ngày hai buổi cần mẫn nện cái móng sắt lọc cọc đóng dưới chân cùng chiếc xe lắc lư theo nhịp ngựa phi, chậm rãi ngang qua những cánh rừng vắng còn thơm mùi đất, mùi lá mới, qua những con dốc nhỏ đi vào phố chợ, rồi chợt nghe thấy tiếng “họ! họ!” lạ lẫm và tiếng thở phì phò của chú ngựa sau chặng đường dài. Một chút tình quê rộn rã nhưng yên lành, mộc mạc mà thú vị.
Nhớ Ngựa Thồ Ngoại Ô Xa Vắng
Đầu thế kỷ 20, Sài Gòn mới bắt đầu du nhập xe thổ mộ từ Mã Lai. Loại xe này có hai bánh và dùng một ngựa nên rất phù hợp với đường sá Sài Gòn. Lúc mới du nhập, các chủ xe và xà ích đều là người Mã Lai và Indonesia. Mỗi xe chở được từ 6 – 8 người, ngồi bó gối co ro đối diện nhau. Trên mui và hai bên hông xe dùng để buộc thêm hàng hóa. Xà ích ngồi toòng teng ngoài càng xe, nhạc ngựa leng keng suốt dọc đường.
Nếu như trước đây, con trâu là đầu cơ nghiệp của người nông dân, thì con ngựa cũng là cả một gia tài với người nghèo. Người ta ước lượng sự giàu có của một người bằng số lượng đàn ngựa mà anh ta sở hữu. Mấy mươi năm trước, tại các quận ven đô Sài Gòn có rất nhiều người nuôi ngựa, không chỉ cung cấp cho người hành nghề đánh xe thổ mộ, mà còn cung cấp những con chiến mã cho trường đua Phú Thọ. Hồi ấy gia đình nào sở hữu một chiếc xe ngựa được xếp vào hàng giàu có.
Khi trời còn mờ sáng, nghe tiếng vó ngựa của những chiếc xe thổ mộ, hay của những đàn ngựa được mã phu lùa ra đồng gặm cỏ gõ dồn dập trên mặt đường là biết một ngày mới bắt đầu. Ông Hoàng, một mã phu đã 72 tuổi có thâm niên “múa liềm” nuôi ngựa hơn nửa thế kỷ ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn nhớ lại: “Ngày ấy đâu đâu cũng thấy xe thổ mộ và những lò nuôi ngựa. Từ 18 Thôn Vườn Trầu đến khu vực chợ Ba Bầu rồi ngã năm Chuồng Chó… Bóng dáng và tiếng vó ngựa lốc cốc đã gắn bó như hình với bóng trong cuộc sống mưu sinh của bao gia đình bà con nghèo.
Để tìm hiểu căn nguyên của nghề nuôi ngựa ở đất Sài Gòn – Gia Định ngày trước, hãy nghe ông Ngô Gia Tịnh, một nhà phong thủy, một mưu sĩ của vua Gia Long nhận xét:
Đất Sài Gòn – Gia Định là vùng đất Thiềm Thừ Vọng Nguyệt (ếch ăn no nằm ngắm mặt trăng), là phát tích của sự sung sướng, giàu có. Nhận thấy Sài Gòn – Gia Định có thổ nhưỡng thích hợp với nghề chăn nuôi ngựa nên người dân phát triển nghề này (lấy thịt, sức kéo, cung cấp cho các trường đua). Khu vực phát triển nghề nuôi ngựa thịnh nhất lúc bấy giờ là địa phận quận Phú Nhuận ngày nay, từng được các khanh hầu triều Nguyễn gọi là vùng “mã hầu” – nơi an táng các quan đại thần, hoàng thân của vua Gia Long như Lê Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu, Hoàng Tử Cảnh…
Giã Từ Dĩ Vãng
Hết thịnh rồi suy, quy luật của muôn đời là thế. Nghề nuôi ngựa ở đất Sài Gòn – Gia Định ngày xưa cũng không thể nằm ngoài qui luật ấy. Thế nên sau những hồi ức về một thời vang bóng, ông Hoàng và nhiều mã phu cao tuổi khác băn khoăn lẫn lo âu trước sự mai một của nghề. “Tôi giã từ nghề nuôi ngựa từ vài năm trước vì không tìm được lối ra. Bây giờ xe buýt, xe máy nhiều quá nên đâu còn ai đi xe ngựa nữa”.
Bây giờ nhiều loại dịch vụ giải trí ra đời có đua chó, đua heo, đua đà điểu… nên đua ngựa không còn giữ ngôi vị độc tôn, nghề nài chiến mã ngày một tàn lụi. Một mã phu thở dài: “Vó ngựa vắng bóng còn do những đồng cỏ bị nhà cửa, các khu dân cư, cao ốc, biệt thự xóa sổ”.
Theo tôi biết thì nhiều quốc gia, nhiều địa phương, ngựa được dùng trong du lịch, dùng trong chế tạo huyết thanh, dùng nấu cao phục vụ sức khoẻ con người… vì vậy, dẫu có muốn giữ lại nghề cũng chẳng ai dám. Đó chính là nỗi niềm trăn trở của những mã phu một thời rong ruổi cùng vó ngựa trên khắp nẻo đường làng quê nơi ngoại ô. Khi vó ngựa vắng dần, hình bóng chiếc xe thổ mộ cũng không còn khiến cư dân hoài cổ nhớ về một hình ảnh xưa cũ, vốn dĩ làm nên bản sắc của xứ sở Sài Gòn – Gia Định xưa.
Nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng
Nhớ xôn xao hàng quán đêm đêm
Cái thời vàng son của xe ngựa chỉ kéo dài đôi ba năm. Những chiếc xa mã vang bóng một thời dần được thay bằng những chiếc xe lam, xe lôi, rồi xích lô… Xe ngựa xuống dốc nên đành lui về quy ẩn.
Sau biến cố 1975, xe ngựa một lần nữa lại lọc cọc gõ nhịp trên đường bởi xăng dầu khan hiếm, hầu hết người dân đi xe đạp. Bấy giờ Hóc Môn còn giữ được hàng trăm chiếc xe ngựa. Và một chiếc xe ngựa khi ấy được định giá tương đương với một chiếc xe hơi! Song, cũng chẳng được bao lâu, thị trường nhiên liệu khai thông, xe gắn máy chạy đầy ắp trên đường, xe chạy bằng cỏ đầu tư cực hơn xe chạy bằng xăng nên một lần nữa tiếng vó ngựa lại chùng xuống.
Sáng nào ông Sáu Tài cũng chở trầu cau từ ấp Đông Lân ra chợ Bà Điểm, Hóc Môn ông nói cả cái Sài Gòn này chỉ còn lại mỗi mình ông đánh xe ngựa.
“Nhiều lần định bán nhưng nhiều người bà con, chòm xóm muốn ông giữ lại, coi như còn lưu giữ chút hồn quê của vùng Bà Điểm, Hóc Môn. Hơn nữa, đây là chiếc xe do cha tui để lại, cũng là nhân chứng lịch sử” – ông Sáu Tài trăn trở.
Thế rồi, chuyện gì đến cũng sẽ đến, ông Sáu Tài cũng đã bán nốt con ngựa kéo cuối cùng của mình, cũng là hình bóng cuối cùng về xe ngựa ở Sài Gòn cho một lái ngựa ở Bình Tuy, Bình Thuận. Đó cũng là dấu chấm hết một thời vàng son của chiếc xe thổ mộ. Rồi đây, Sài Gòn sẽ chẳng còn ai nhắc đến xe ngựa, bất chợt tôi lại nhớ đến câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Sao nghe như có chút cay cay nơi khóe mắt, và ngậm ngùi như một khúc tình buồn!
Tìm Lại Dấu Tích Xưa
Tôi ghé vào nhà bà “Năm trầu” ở ấp Hậu Lân. Tưởng tôi đi sưu tầm xe ngựa, bà Năm nói: “Cha chả, tiếc quá! Tôi bán nó rồi chú ơi. Chú thử lên vùng Lái Thiêu, Thủ Dầu Một hỏi xem còn không”. Bà Năm cho biết, ngày trước nhà bà cũng có một chiếc xe thổ mộ (xe hai bánh, một ngựa, thùng chở 4 người) như mấy nhà quanh đây. Ông cụ nhà vẫn thường chở trầu cau ra chợ Bà Điểm bán cho thương lái. Từ khi ông mất, không người cầm cương, bà bấm bụng bán con ngựa già cho một nhà hàng mua về làm… thịt rừng.
Chiếc xe thổ mộ bằng gỗ mít, đã cũ nhưng còn chạy tốt bà giữ lại làm kỷ niệm.Thế nhưng, có người ở Sài Gòn lên nài nỉ hỏi mua, trả giá 5 triệu đồng. Xiêu lòng, bà bán nốt. “Cái ông đó đi xe hơi, tướng tá như thương gia, có vẻ giàu lắm, nhưng không biết mua cái xe cổ lỗ đó về làm gì”, bà Năm nói vậy.
Người cầm cương qua đời, con ngựa cũng đã hóa kiếp, căn nhà ngói của bà Năm như trống vắng hơn, giàn trầu sau nhà mất “bạn” cũng héo hon như bà cụ…
Nơi tôi ở có một ngôi chợ nhỏ được cha sở của một họ đạo dựng lên từ những năm mới di cư. Ngôi chợ lúc đó còn nền đất nhưng mái thì lợp Tole. Đa phần hàng hóa được cung cấp từ những chuyến xe ngựa thồ gõ nhịp trên đường trong buổi sáng tinh mơ dưới miệt vườn Hóc Môn, Bà Điểm. Ngày ấy, đoàn xe ngựa dừng chân tạm nghỉ ở quán “càfe” Tư Ký Trà Gia, ông Tạ để nhâm nhi cà phê đen, ăn cái bánh bao, Xíu mại (dò–chả–quải) giò cháo quẩy hoặc tô hủ tíu mì, Há cảo, hoành thánh…
Mà ngộ ghê! Hồi đó không có cà phê Ta mà chỉ có cà phê Tàu. Vì thế uống cà phê Tàu phải có một phong cách riêng. Cà phê được đem ra dân “sành điệu” hồi đó ngồi chân trên chân dưới, sau khi khuấy nhẹ cho chiếc ly càphe “xây chừng” đang bốc khói tan đường bèn đổ ly cà phê ra cái đĩa đặt phía dưới. Chưa uống vội, khách chậm rãi mồi điếu thuốc rít vài hơi để chờ cà phê nguội. Đó cũng là tập quán, là cái tính hào sảng, phóng khoáng một nét độc đáo của người dân miền Nam vậy. (người miền Nam ngày đó gọi cà phê là càphe)
Sau chầu cà phê sáng, những chuyến xe tiếp tục tỏa đi các chợ, chợ ông Tạ, Hòa Hưng và khắp các chợ nhỏ khác. Có lần tôi tận mắt chứng kiến tai nạn hiếm có của chiếc xe ngựa thồ ở ngôi chợ nhỏ lúc cả 4 chiếc xe đang đậu nối đuôi nhau chờ xuống hàng.
Khi chú ngựa ô gặp cô ngựa cái đứng phía trước, bất chợt nó cảm thấy rạo rực, cái bản năng “Trống mái, cái đực” bỗng trỗi dậy mãnh liệt, cứ thôi thúc réo gọi, nó hí lên từng hồi và nghiêng qua nghiêng lại như dò ý đối phương. Chắc nó đã nhận được tín hiệu của sự đồng tình qua cái mùi đặc trưng, (ấy là tôi đoán thế) chú ngựa ô lồng lộn khi cơn “khát tình” đã lên tới đỉnh điểm, chú ngựa vùng vẫy như điên cuồng cố thoát khỏi sự kềm tỏa của sợi dây cương, nó không cam lòng chịu đựng thêm một giây nào nữa, nó nhấc bổng hai chân trước, đứng thẳng rồi cứ thế hí vang cả một góc chợ…
Bỗng chiếc xe lật nhào, đổ dồn ra phía sau. Chú ngựa ô giơ cao 2 vó trước cào cào trên không, lồng lộn như muốn bứt ra khỏi chiếc xe già cỗi phía sau, miệng không ngừng hí và như có phần gấp gáp hơn. Tội nghiệp! mấy bà già còn đang bỏm bẻm nhai trầu bị tung hê, ngã lăn “cù chiêng” ra đường rồi đè cả lên nhau la í ới… những gánh hàng hoa thì văng tung tóe, dập dụi mọi người xúm lại giúp đỡ. Mấy bà già trầu tá hỏa, lóp ngóp ngồi dậy mà chưa hết bàng hoàng, hoảng hốt, mặt cứ nghệt ra vì ngơ ngác, chẳng hiểu… chuyện gì dzậy bay ơi!!!
Ông Năm Gò Công là một trong những chủ xe thổ mộ khởi nghiệp từ thời Pháp thuộc. Năm 1989, xe thổ mộ vùng Tân Bình – Bình Chánh cáo chung, ông Năm chuyển sang nuôi ngựa đua góp vui cho thiên hạ. Đã 50 năm qua, kiếp người – ngựa gắn chặt vào ông rồi, không bỏ được. Cuộc sống ông cứ vậy trôi đi mỗi ngày… Chiều về, cơn gió xào xạc, lá rụng êm đềm, đâu đó mùi nhang trầm thoang thoảng… Lời ông Năm nghe buồn buồn, tội nghiệp!
Tiếc lắm thay! Hình bóng những chiếc xe thổ mộ ngày xưa nay đã không còn để lớp hậu sinh được nhìn và sống lại cái thời của cha ông mình từng rong ruổi với chiếc xe thổ mộ có ngựa kéo, xuôi ngược trên khắp nẻo đường quê hương thì… hay biết mấy.
Một Thời Vang Bóng
Bây giờ, mấy ai còn biết được hình dáng của chiếc xe thổ mộ ra sao, mấy người còn tìm lại được cái thú ngồi vắt vẻo bên thành xe mỗi khi chiều về cùng tiếng lục lạc leng keng thiết tha vang vọng trong gió với những quang gánh lủng lẳng hai bên thành xe và câu chuyện buôn may bán đắt của những bà già nhai trầu bỏm bẻm sau một ngày chạy chợ. Cứ thanh thản, nhẹ nhàng và thoang thoảng chút hương đồng gió nội.
Thời gian trôi qua, mọi hình bóng rồi cũng phôi pha. Người xà ích ngày xưa giờ cũng đã xếp roi, buông cương trở về với đất trời hoặc vì chuyện cơm áo, mưu sinh mà không còn nặng lòng với xe với ngựa nữa, đành lòng để gió cuốn mây trôi. Có còn chăng chỉ là khoảng lặng và nỗi nhớ nhung đến xao lòng, và chắc hẳn nhiều người có tuổi sẽ vẫn mãi bâng khuâng một nỗi niềm da diết, khôn nguôi.
Hôm nay đây, giữa vòng xoay của muôn vàn những phương tiện sang trọng tiện ích, thế nhưng, nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi vẫn cứ thèm thuồng khao khát được ngồi trên chiếc xe thổ mộ ngày xưa, được lắc lư theo nhịp bước của chú ngựa thồ và lắng nghe âm thanh leng keng từ chiếc lục lạc vàng trên những con đường đất đỏ làng quê, hoặc giữa lòng phố xá để háo hức, thương nhớ về một thời xa vắng của Sài Gòn – Gia Định. một vùng đất phương Nam đầy nắng gió…
Tiếng vó ngựa từ sâu thẳm nơi tâm hồn vẫn cứ man mác như cái điệu buồn phương Nam, da diết như lời bài hát “Dạ cổ hoài lang” vọng về trong đêm vắng từ cái thuở cha ông còn mang gươm đi mở cõi. Ôi! Buồn làm sao.
Đường dù xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Đêm luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu…
Cái thời hoàng kim đã xa rồi. Thế nhưng, tiếng vó ngựa đều đặn từ xa xăm cứ gõ vào lòng tôi chút buồn mênh mang không sao hiểu được. Giờ đây chỉ còn lại bóng dáng và thanh âm của sự nhọc nhằn mưu sinh. Gánh nặng cuộc sống đè nặng lên chiếc xe ngựa và cả đôi vai gầy của người xà ích già. Chờ mỏi mòn không còn khách, ông lên xe thúc ngựa về… Chiếc xe ngựa là hình ảnh của một quá khứ rêu phong gần như đã đi vào quên lãng nên tiếng nhạc ngựa cũng nghe buồn da diết như nỗi lòng của người xưa vọng về.
Chiếc xe ngựa đã quen thuộc với những rặng tre xanh rì rào trong xóm nhỏ, với những hàng dừa nghiêng mình soi bóng bên con sông quê, nó thuộc lòng từng con đường quanh co như hiểu rõ tấm lòng mộc mạc, dung dị của người nhà quê, nó chính là linh hồn của những thị trấn, phố huyện nhỏ bé, đìu hiu… là hình bóng xôn xao, một thứ không thể thiếu của cái thời xa lơ xa lắc….
Người viết góp nhặt những câu chuyện đời không phải để chúng ta ngồi nuối tiếc quá khứ nhưng để thương, để nhớ về một thời gian khổ đã qua. Chắc chắn những chiếc xe máy lịch lãm, xe hơi sang trọng ngày nay không bao giờ có được cái huyền thoại như những câu chuyện kể về chiếc xe lam, xe ngựa từng một thời vang bóng ở vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa.
Phan Văn Thanh