LỜI SÁM HỐI MUỘN MÀNG (Đỗ Trường)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

(Văn Biển là nhà văn tôi yêu mến. Ông đã có nhiều năm tháng sống và làm việc ở Đức cùng chúng tôi. Có 17 năm chung sống với chú ruột cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhưng Văn Biển có suy nghĩ độc lập, tư tưởng tự do, hào phóng. Ông cũng là người bạn của nhà thơ Việt Phương thư ký của TT Phạm Văn Đồng. Hôm nay, nhà văn Văn Biển gửi cho tôi bài viết của ông về nhà thơ Việt Phương. Hay quá, tôi xin phép nhà văn Văn Biển treo lên để mọi người cùng đọc. Cảm ơn chú Văn Biển. Ảnh Việt Phương và Văn Biển)

LỜI SÁM HỐI MUỘN MÀNG
(Viết về Việt Phương, một người tài hoa) 
Việt Phương là một người tài hoa. Tài hoa và uyên bác trong nhiều lĩnh vực: triết học, chính trị, khoa học xã hội tự nhiên. Do đó gần như cả cuộc đời Anh (cả sau lúc nghỉ hưu) vẫn gắn bó với các vị lãnh đạo Chính phủ và Đảng. Ngay từ năm 19 tuổi đã là thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng suốt 53 năm cho tới lúc cụ Đồng mất. Sau này Anh còn giúp việc cho Tổng Bí thư Lê Duẩn. Trong Ban cố vấn kinh tế của các Thủ tướng Phan Văn Khải, Võ Văn Kiệt.
Trong suốt cả cuộc đời gắn bó với chính trị, với cách mạng, Anh vẫn luôn dành cho mình một khoảng trời riêng, không ai xâm phạm. Đó là thơ.
Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau, chủ yếu nói chuyện về thơ. Một lần Anh đọc cho tôi, còn nhớ mấy câu:
Ta giàu tình như khu rừng giàu lá
Đời lấy đi lấy nữa vẫn còn đây
Dâng hết rồi ta vẫn còn tất cả
Tới mùa sau hoa quả lại dâng đầy.
Anh phối hợp cuộc sống giữa “công” “tư” một cách suôn sẻ, hoàn hảo. Không ai ngờ con người tài hoa uyên bác ấy lại mang nặng trong lòng một “khối sầu riêng”. Cho tới năm 1970 Anh bất ngờ cho ra mắt tập thơ “Cửa mở” như một trái bom nổ ngay giữa trung tâm Chính phủ. Tố Hữu nói: Thằng điên trong Phủ Thủ tướng làm thơ. Thời đó gọi là bom, vì nó nổ ngay ở chỗ bất ngờ nhất. Chứ trước đó mấy năm đã có vụ Nhân văn giai phẩm rồi.
Cả một thời gian dài gần suốt cuộc đời (trên dưới 70 năm) Anh đã bơi thuận theo dòng sông lịch sử. (Gọi là dòng sông lịch sử đó là đối với Việt Nam. Chứ thật ra Việt Nam đang bơi ngược chiều dòng sông thời đại của nhân loại). Tập “Cửa mở” chỉ là một sự bùng nổ bất ngờ, một thúc ép của con tim. Sau đó Anh lại tiếp tục bơi xuôi dòng cho tới lúc qua đời.
Người ta có thể hỏi, tại sao sau “Cửa mở” Anh không dấn thân thêm một bước nữa. Đâu phải vì cái ghế, cái vị trí Anh đang ngồi ngáng chân Anh lại. Đối với Việt Phương những cái đó gần như vô nghĩa. Người ta nghĩ có lẽ vì ân, nghĩa… Anh không thể làm khác được. Còn một lẽ nữa, Anh không thể “phản bội” cái lý tưởng mình đã tôn thờ ngay từ buổi đầu. Từ tuổi thanh xuân hăm hở.
Hãy đọc vài câu trong bài thơ “Nỗi đau trái đất”:
… Một vì sao tỏ hay mờ cũng làm ta thao thức
Mặc kệ được sao một nỗi đau người.
(huống hồ nỗi đau lớn của một Dân tộc Đất nước) (V.B)
Hãy nghe Anh nói tiếp:
Ta phá tung mỗi định kiến sai lầm chiều dọc với chiều ngang
Bay, bay lên. Ôi vô cùng sảng khoái
Vươn hết mình trong vũ trụ hồng hoang
Nhưng rồi cuối cùng Anh vẫn đứng nguyên một chỗ.
Và đây nữa:
Trái đất của ta hạt bụi li ti mà ta yêu quý thế
Ôi cuộc đời người vui đến cả khi đau.
Chỉ miễn là chẳng bao giờ: Mặc kệ
Ta sống say mê mỗi bình minh như thể sớm mai đầu
Buồn thay đó chỉ là những ý nghĩ trong thơ.
Anh luôn sống trong một tâm trạng không lúc nào yên tĩnh, luôn rối bời.
Dầu sao “Cửa mở” cũng là một phút đột phá bất ngờ trong lúc xuôi dòng sông lịch sử.
*
Nhưng nếu chỉ có vậy thì sẽ không có bài biết này. Tôi nghĩ những năm tháng tiếp sau này lòng Anh không lúc nào yên. Để đến nỗi cuối đời phải thốt lên một lời đau đớn:
Tôi đã đủ thời gian làm hỏng cuộc đời mình.
Xưa nay chưa có một lời xám hối nào đau và chân thật đến thế.
Xin Anh coi đây như một nén tâm nhang kính viếng hương hồn Anh, lúc Anh lâm chung tôi không có mặt.
ĐỖ TRƯỜNG