LỄ HỘI VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG “ÁO DÀI” KỲ 2 TẠI SAN JOSE (ngày 15-9-2012)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Lễ hội nầy được tổ chứchàng năm, do Nữ Luật sư kiêm Họa Sĩ và Thi sĩ JENNY ĐỖ chủ trương và dàn dựng, được Hội Thân Hữu HUẾ bảo trợ. Chương trình nầy gọi là Lễ Hội Áo Dài (Áo Dài Festival).

Nhiều người Việt hải ngoại âu lo cho số phận dân tộc Việt Nam nếu bị Tàu cưỡng chiếm và đô hộ thì nền văn hóa trên 4,000 năm do tổ tiên, ông cha truyền lại sẽ bị mai một, đồng hóa hay biến mất. Không thể ngồi yên, mà phải hành động! Nữ Luật sư kiêm Họa Sĩ và Thi sĩ Jenny Đỗ nói rằng mỗi người phải có một cách hy sinh để bảo vệ văn hóa và truyền thống cổ truyền đặc trưng của dân tộc Việt.

Ls Jenny Đỗ nói rằng: “Đời chúng ta rất ngắn ngủi, thế nên tôi muốn trước khi nhắm mắt, tôi phải truyền lại cho các con tôi, lớp tuổi của con tôi, những người trẻ Việt Nam dù ở nơi nào trên Thế Giới phải biết về cội nguồn Việt Nam, biết về Lịch sử bất khuất chống ngoại xâm, biết bảo vệ truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam”. Với tâm tình nầy và với tài năng, nghị lực cùng khả năng về phương tiện, nữ Luật sư Jenny Đỗ đã dàn dựng, sáng tạo các bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống cho Lễ Hội Áo Dài theo kịch bản của Luật sư Đỗ Quý Dân. 

 image

Nhà Tổ Chức: Nữ Luật Sư Jenny Đỗ,  Họa sĩ kiêm Thi Sĩ, cư dân San Jose 

Trong chương trình Lễ Hội kỳ II nầy, khách tham dự sẽ như sống lại thời xa xưa của giòng sử Việt. Câu chuyện Lạc Long Quân gặp bà Âu Cơ được tái dựng lại. Jenny Đỗ viết rằng: “Chiếc áo dài một lần nữa lại được lên ngôi. Tuy chính thức ra đời vào thế kỷ 18 dưới thời Chúa Nguyễn Phước Khoát, đối với người Việt thì tinh thần chiếc áo dài đã khởi sinh từ thủa Vua Hùng lập nước. Qua bao thăng trầm của lịch sử, như số phận người phụ nữ Việt Nam, với sự chịu đựng kiên trì bền bỉ, chiếc áo dài lại tung bay kiêu hãnh nhưng duyên dáng trên đất Hoa Kỳ. Chiếc áo dài là một di sản văn hóa mà người Việt hôm nay được thừa hưởng từ những thế hệ trước. Và người Việt hôm nay có trách nhiệm truyền lại tài sản văn hóa đó cho các thế hệ tiếp nối.”

 image

 Áo Dài do Debbie Nghiêm thiết kế với
  Người Mẫu của www.GGConnections.com

Lễ Hội Áo Dài lần thứ hai được tổ chức nhằm tôn vinh tất cả những gì đẹp nhất, tinh túy nhất của văn hóa nghệ thuật Việt Nam hầu chia sẻ với cộng đồng Việt cũng như các cộng đồng bạn và nhất là với các thế hệ trẻ của người Việt hải ngoại. Văn hóa Việt có được nét phong phú ngày nay một phần lớn là nhờ vào tinh thần dân tộc của ông cha trải qua bao năm tranh đấu để bảo vệ đất nước. Vì thế, để giúp thế hệ trẻ tìm hiểu thêm về di sản của dân tộc Việt, Lễ Hội Áo Dài II sẽ mang chủ đề “Cội Nguồn”. Đề tài nầy dựa trên bài hát “Tìm Về Cội Nguồn” do nữ ca nhạc sĩ Tú Minh sáng tác (phổ thơ của Lưu Nguyễn Từ Thức), được nhạc sĩ Trần Quảng Nam hòa âm, và sẽ có những tiết mục văn hóa nghệ thuật lồng trong bối cảnh lịch sử.

Khách tham dự sẽ được chứng kiến Lễ Hội Trống khai mạc chương trình Lễ Hội ÁO DÀI bằng những hồi Trống thiêng liêng thúc giục từ lúc 3:00 giờ chiều tại công viên bên ngoài rạp hát. Với 25 chiếc trống cổ, gồng, chuông của sắc dân Thái Cổ; và 25 cây đàn tranh, 60 người nhạc sĩ sẽ làm sống lại những tiếng chuông trống năm xưa để gọi gió về tung bay 100 tà áo dài trắng của các thiếu niên nam nữ, vai kề vai diễn hành giữa thành phố San Jose.

image

Áo Dài thiết kế của Minh Hạnh

Một buổi hội thảo bàn luận về văn chương nghệ thuật của các văn sĩ, thi sĩ, và họa sĩ người Mỹ gốc Việt sẽ đươc tổ chức phía trong rạp từ 1 giờ chiều đến 3 giờ chiều (trước Lễ Hội Trống) do Hội Nghệ Sĩ Việt Hải Ngoại (DVAN – Diasporic Vietnamese Artist Network) tổ chức. Bên cạnh đó là Thư Họa Trên Áo, Triễn Lãm Nghệ Thuật và Các Trò Chơi Thiếu Nhi diễn ra ngay sau Lễ Hội Trống sẽ là những tiết mục mà cả gia đình đều có thể cùng tham dự vui chơi như: múa lân, các trò chơi thiếu nhi, chụp hình mặc áo vua hay áo hoàng hậu, thư họa trên áo dài (do Họa sĩ Đào Hải Triều đảm trách), v.v.

image

Kiểu Áo Dài cung đình quý tộc

Ngoài ra, khách dự Lễ Hội sẽ được thưởng thức nghệ thuật hội họa qua những tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng như An Phong, Cao Bá Minh, Thái Bùi, Trinh Ponce và Vũ Cương trong một chương trình triển lãm tranh rất đặc biệt do Họa Sĩ Trinh Mai đảm trách. Buổi triển lãm hội họa này sẽ bắt đầu vào lúc 4 giờ chiều. Về phần Ẩm Thực sẽ có các gian hàng ăn uống được bày ngay trong khuôn viên rạp hát từ 4 giờ chiều trở đi để phục vụ khách đi xem Lễ Hội được tận hưởng hương vị thực phẩm các miền trong lúc thưởng thức những màn trình diễn âm nhạc ngoài trời cũng như khi chương trình Cội Nguồn tạm ngưng để khán giả giải lao (intermission).

image

Chương Trình Thi Áo Dài Đẹp Nhất Ngày Hội nhằm biểu dương cái đẹp của chiếc Áo Dài sẽ do Tiệm Vàng Hưng Phát bảo trợ với giải thưởng hạng nhất là một món nữ trang hột xoàn trị giá US$2,150. Ngoài ra, công ty rượu mạnh Martell sẽ tặng những người thắng giải áo dài phái nam những chai rượu Cognac rất ngon. Tiệm thời trang L’amour Fashion cũng sẽ hỗ trợ chương trình với 5 chiếc áo dài đặc sắc cho những người trúng giải đồng hạng.

image

 Áo Dài thiết kế của Đức Hùng

Song song với các món quà từ nhiều công ty thương mại khác. Ban tổ chức kêu gọi khách dự Lễ Hội mặc áo dài để tuyên dương vẻ đẹp văn hóa của chúng ta đồng thời làm gương cho con em gốc Việt nhằm giúp các cháu làm quen với hình ảnh mềm mại quý phái của chiếc Áo Dài Việt Nam. Tất cả khách dự hội mặc áo dài đều có thể tham gia chương trình thi Áo Dài Đẹp.

Các áo dài do các nhà thiết kế danh tiếng tặng cho chương trình sẽ được đưa ra bán đấu giá trong chương trình “Đấu Giá Thầm Lặng”. Ngoài ra, các khách sạn rất đẹp tại Huế như La Residence và Ana Mandara cũng tặng cho Ban Tổ Chức những phiếu nghỉ dưỡng ở những phòng thật tốt để dùng bán đấu giá. Ước mong quý vị tham gia buổi bán đấu giá thầm lặng này để Ban Tổ Chức có thể gây quỹ thêm cho trại trẻ em mồ côi, khuyết tật do Hội Friends of Huế Foundation ở Cố Đô bảo trợ.

image

Nhà thiết kế Quang Chánh và các kiểu áo dài

Đặc biệt Chương Trình Văn Nghệ, Thời Trang Trên Sân Khấu lớn mang chủ đề “Lạc Long Quân gặp Âu Cơ” sẽ là tiết mục mở đầu cho chương trình văn nghệ, thời trang của Lễ Hội Áo Dài kỳ II nầy. Nhạc trưởng Võ Vân Ánh, người đã từng được trao giải Emmy Award về âm nhạc và cũng là nhạc sĩ Việt trình diễn trong chương trình Pre-Olympics ở thế vận hội Luân Đôn vừa qua, sẽ cùng với 13 nhạc sĩ khác đưa người nghe đi vào huyền thoại lập quốc của dân tộc Việt. Các cháu nhỏ sẽ được biết thêm về nguồn gốc rồng tiên của người Việt qua lời giới thiệu và qua giọng ca của nữ ca sĩ Ngọc Hạ trong nhạc phẩm “Cội Nguồn” của nữ nhạc sĩ Tú Minh.

Trang phục của mẹ Âu Cơ sẽ do Nhà Thiết Kế (NTK) kiêm nữ ca sĩ Nguyên Đán của San Jose sáng tạo. Vũ điệu “Khởi Nguồn” sẽ do các vũ sư Nguyễn Bảo và Nguyễn Mai của công ty “Let’s Dance” đạo diễn.

image

Thảm kịch Mỵ Châu Trọng Thủy, sự hy sinh của Huyền Trân Công Chúa, và nỗi cô đơn của người đàn bà quý phái Nam Phương sẽ là đề tài của những màn kế tiếp. Hình ảnh Mỵ Châu sẽ được thể hiện qua sự trình diễn của các người mẫu thuộc Công ty Người Mẩu Thời Trang trong Top 10 của Hoa Kỳ là GG Connections (www.GGConnections.com ) do nữ Thiết Kế tài ba người Mỹ gốc Việt là Debbie Nghiêm của Silicon Valley thể hiện. Trong mục nầy, các Hoa Hậu, Á Hậu Áo Dài thuộc tổ chức Hoa Hậu Áo Dài Bắc Cali sẽ rực rỡ trong những chiếc áo cài lông ngỗng do NTK Debbie Nghiêm sáng tạo. Đạo diễn sân khấu trình diễn thời trang sẽ do nữ Người Mẫu, Ca sĩ kiêm biên đạo múa quốc tế của Brazil là cô Cristina Ribeiro phụ trách. Cô Cristina Ribeiro trong hai năm 2011 và 2012 là Giám Đốc Nghệ Thuật và Chỉ đạo Catwalk cho Show Thời Trang Quốc Tế Melange tổ chức hằng năm tại San Francisco để xếp hạng các Công Ty Thời Trang Quốc Tế và Hoa Kỳ. GGConnections được xếp hạng Top 10 vào Show Melange năm 2011: (http://ggconnections.com/ggconnections/pages/Melange-Production.49245)

Câu chuyện tình diễm lệ của Huyền Trân Công Chúa hy sinh tình yêu với võ tướng Trần Khắc Chung để lấy Vua Chiêm Thành Chế Bồng Nga hầu đổi lấy hai Châu Ô, Lý nay là Quảng Trị, Thừa Thiên sẽ được tái dựng lại với phần y phục áo dài cách điệu do NTK Quang Chánh của San Jose vẽ kiểu.

Nhan sắc tuyệt vời và y phục áo dài lộng lẫy của Nam Phương Hoàng Hậu sẽ trình bày những kiểu áo dài do công ty Ella Việt thiết kế. Để hướng về miền Trung, nơi Nam Phương lên ngôi Hoàng Hậu, giọng ca vàng Ngọc Hạ sẽ đưa chương trình về đất Thần kinh qua bài “Tiếng Sông Hương”. Công ty Áo Dài Ella Việt của cố đô Huế sẽ đảm trách phần giới thiệu long trọng về vị Hoàng Hậu cuối cùng trong lịch sử Việt. Những hoa văn khảo cứu từ các bàn làm việc của các vua đời Nhà Nguyễn đã được chép lại và hai mươi nghệ nhân của công ty đã ngày đêm thêu dệt những chiếc áo thật đặc biệt để chuẩn bị cho phần trình diễn rất quy mô này.

image

Phần hai của chương trình là phần trình diễn của các nàng tiên trong những chiếc áo dài rực rỡ do NTK Đức Hùng sáng tạo. Đức Hùng đã từng thiết kế những bộ áo “Đất Rồng Thiêng” đem lại những ấn tượng sâu xa cho giới ái mộ Nhật Bản. Lần này anh giới thiệu bộ thiết kế “Dòng Tiên” để hoàn tất bộ thiết kế về nguồn cội dân tộc. Tiếp nối những chiếc áo “Dòng Tiên” là trang phục của những Hoàng Hậu uy nghi ở các đời Trần, Lê, Nguyễn thuở trước; nhìn thật sang quý nhưng vẫn mềm mại trong bộ thiết kế Vương Triều của NTK lừng danh thế giới Sĩ Hoàng. Gần đây, Sĩ Hoàng đã được vương quốc Đan Mạch nhờ sáng tác các áo dài cho Công Chúa, Hoàng Hậu và các vị trong hoàng tộc Đan Mạch.

Kết thúc chương trình thời trang sẽ là những sáng tác độc đáo của NTK Minh Hạnh, người đã được thế giới thời trang ở Âu Châu ngưỡng mộ. Minh Hạnh là người phụ nữ Việt duy nhất được chính phủ Pháp Quốc trao tặng tước hiệu “kỵ sĩ” (Chevalier, tiếng anh là Knight) về Văn Chương Nghệ Thuật. Chị đang là NTK gốc Việt duy nhất được mời tham dự biểu diễn tại cuộc Triển Lãm Tơ Lụa Thế Giới tại Paris do UNESCO yểm trợ. Chương trình kéo dài đến ngày 16 tháng 9, nhưng vì đáp ứng lời mời nhiệt tình của Ban Tổ Chức Lễ Hội Áo Dài 2012, chị đã cắt ngang hành trình ở Paris để đến tham dự Lễ Hội Áo Dài kỳ II tại San Jose.

image

MC chính của Lễ Hội Áo Dài là cô Vickie Nguyễn của Truyền Hình NBC Bay Area

Tiết mục cuối cùng có lẽ sẽ mang lại hình ảnh gây xúc động nhất cho mọi người Việt Nam yêu nước, chống ngoại xâm, đó là màn đồng ca nhạc phẩm “Việt Nam, Việt Nam” của nhạc sĩ Phạm Duy, do hơn 30 tình nguyện viên đồng ca dưới sự đạo diễn của nhạc sĩ Trần Quảng Nam. Mục nầy sẽ mời cả hội trường cùng hát vang với các anh chị em tình nguyện viên như một nhắn nhủ với giặc Tàu Cộng biết rằng “Việt Nam sẽ muôn đời trường tồn và phồn vinh nếu mọi người dân Việt luôn giữ vững bản sắc văn hóa Việt, chống bọn bán nước và quyết bảo vệ tổ quốc, dân tộc, văn hóa Việt Nam không thể bị đô hộ, không thể bị đồng hóa!  

St

https://phailentieng.blogspot.com/2022/08/le-hoi-van-hoa-truyen-thong-ao-dai-ky-2.html?fbclid=IwAR3tEkTocZn_uILs2wdN2d80M8jgrlnWGB9igiJLsPz3ULL2szkoXYZSEmU