KHÔNG THỂ MẶC NHƯ TÙ (Kiến Hôi 344)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Trại 'cải tạo' của CSVN sau năm 1975

“Không thể mặc như tù”. Nó trợn đôi mắt một mí nói với tôi như vậy. Nhìn lại thân thể, quả nhiên tôi tả tơi y như người tù. Mà tôi chính là người tù. Tù như bao nhiêu chục ngàn sĩ quan khác. “Tù Cải Tạo”. Tù cưỡng ép bởi phải thả xuống khẩu súng, phải tháo ra lưỡi lê, phải chôn vùi cấp số đạn xuống cát. Lê tấm thân tàn cùng niềm bại liệt tinh thần đi dần vào ngõ hẹp cùng quê hương.

Quê hương tôi ngày càng thêm hẹp. Trảng Lớn. Tôi gặp nó. Mắt sáng và cương quyết. Nó trắng và có khuôn mặt đẹp rất thư sinh. Tôi không nghĩ nó là lính. Nhưng, nó là lính. Nó cũng chung trại tù với tôi. Tuy nhiên thần hồn nó không tan nát như tôi. Nó biết giữ lấy sự kiêu hùng của người sĩ quan trẻ. Nó biết mang sự kiêu hùng đó tỏa sáng ra bên ngoài. Nó cũng được phát áo tù như mọi người, những bộ trây-di trụi lủi không còn phù hiệu oai hùng, không còn một mai vàng óng ánh, không còn nhận diện một tổ quốc yêu thương.

Những chiếc áo và quần rộng quá khổ, tóm lưng quần lại kiếm sợi dây nào buộc cho khỏi rơi. Áo cứ đẩy đưa thùng thình những niềm đau tủi hận. Nhưng nó thì không. Nó không túm lưng quần, nó không thùng thình thảm bại. Nó sửa lại tất cả, nó may lại một hiện thực nát tan thành một niềm hy vọng chân thành. Nó đâu đã bỏ cuộc. Nó sửa lại lưng quần để sẵn sàng nhập cuộc thêm một lần nữa nếu cuộc có đến sát bờ rào hay cuộc vang lên tiếng hú gọi như tiếng kèn đồng xưa. “Này công dân ơi, quốc gia đến ngày giải phóng”. Nó đã sửa lại chiếc áo rộng thùng thình thành chiếc áo vest gọn gàng như áo của Konrad Robert trong bộ phim truyền hình The Wild Wild West xưa chiếu trên màn hình TV. Nó chỉnh tề và chuẩn bị tham gia vào đoạn cuối bài Quốc Ca mà nó đã từng say sưa hát “Mau làm cho cõi bờ thoát cơn tàn phá, vẻ vang nòi giống, xứng danh nghìn năm giòng giống Lạc Hồng”.

Nhìn nó, cách ăn mặc không còn là người tù buồn lạc lõng nữa. Mắt vẫn sáng, tinh thần vẫn trong. Nó vào thế chuẩn bị thêm một lần xung phong nữa. Gằn giọng nó nói: – “Cởi áo ra. Tao sửa lại cho mầy thành người tự do. Cả quần nữa, tao giúp mầy sẵn sàng”. Bằng kim chỉ xin mượn của bạn bè. Bằng những gò lưng kiên nhẫn. Nó biến tôi về lại nét oai hùng của một sĩ quan. Một sĩ quan trẻ trong hàng ngàn sĩ quan trẻ vừa nhập cuộc đã buông tay trong nỗi ngậm ngùi. Đáp lại, tôi chỉ đủ khả năng mời nó vài bi thuốc lào và ly nước gạo rang cùng tấm lòng ghi nhớ. Và những cuộc chuyển tù nối tiếp. Tôi, nó vẫn chưa biết nhau cấp bậc đơn vị và khóa nào ra. Chỉ biết tên nhau. Tôi là Trần Thành Kiệt. Nó, Trà Thanh Long.

Và đời tù đưa tôi về Thành Ông Năm. Chiếc áo Tự Do vẫn còn đó dù đã tả tơi theo tháng ngày vác củi trong rừng Kà Tum. Một bạn tù lại gần tấm tắc: “Áo này lạ khác hẵn áo tù”. Nhìn qua, tôi thấy một gương mặt trẻ hiền hòa, một khuôn mặt đẹp đẽ của những người may mắn không bao giờ già, những lạc quan cần thiết trong cuộc đời sa sút buồn đau. Tôi, nó quen nhau kể từ đó. Nó cho tôi miếng bánh in đậu xanh. Tôi mời nó cắn một góc của thẻ đường nâu sẩm. Nó kể tôi nghe ước mơ ngày về. Ngày về nó sẽ tìm Phục Quốc, chiếm lại quê hương, tìm lại Vũ ĐìnhTrường bước bước đi xây dựng ngày mới. Tôi kể nó nghe, tôi theo ngay sau lưng nó, “đón nhau về ta đưa nhau về Gio Linh Cam Lộ Đông Hà, sạch bóng thù” … Tôi biết tên nó, Nhan Điểm Phước. Nhưng vẫn không biết nhau đơn vị cấp bậc và khóa nào. 

Không ngờ 37 năm sau. Chúng tôi, ba thằng cùng một khóa Bất Khuất, cùng còn sống nhăn răng, cùng định cư nơi hải ngoại. Cùng buồn những ước mơ thời trẻ chưa thành. Chào bạn cảm mến,

Kiến Hôi 344