JULY 4TH 2020 (Peter Chánh Trần)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Hôm nay July 4th, nhưng nó im lìm đến phát chán! Mọi năm, giờ này hai thằng cháu ngoại đã nô nức, y như ông ngoại nó hồi nhỏ chờ Mồng Một Tết để mừng tuổi, có tiền lì xì, để… mua pháo đốt chơi! Tui buồn, ngồi viết lung tung xèng cho đỡ buồn.
Năm nào vợ chồng con gái tui cũng mua vài trăm tiền pháo bông cho hai thằng boys đốt! Đốt pháo đồng nghĩa với đốt tiền! Lạ cái là con nít mê “đốt tiền” dã man luôn! Ông ngoại nó hồi nhỏ, bao nhiêu tiền lì xì không dám mua đồ ăn, nhưng mua pháo là tui chơi xả láng, mua hết, đốt hết! Đốt bao nhiêu cũng không đủ! Càng đốt càng “lên tinh thần”, càng muốn đốt thêm. Phải chi lượm được cây đèn thần Aladin, ước một cái ra một đống tiền, để mua pháo đốt cho đã đời vân tiên!
Người lớn còn ham đốt pháo, huống hồ là con nít. Pháo ở Mỹ là pháo bông, đủ loại, chớ không phải pháo chuột hay pháo đại như hồi ở VN, nên đốt đã hơn gấp ngàn lần! Dân Mỹ đốt pháo bạo lắm, chi tiền không run tay chút nào. Con tui chi vài trăm để mua tiếng cười của hai thằng con, để cho chúng có cơ hội tận hưởng cái thú “làm con nít”, xem ra là “đồ bỏ” so với dân Mỹ. Có rất nhiều người Mỹ đốt bạc ngàn trong ngày trọng đại này. Trước ngày lễ Độc Lập cả tuần, cứ vài blocks đường là có một kiot dã chiến được dựng lên để bán pháo. Một hai ngày trước lễ, kẻ vào người ra nườm nượp từ sáng đến tối. Người bán lượm tiền không biết mệt! Năm nay kiot thưa hơn, và cái nào cũng vắng như chùa bà đanh!
Viết tới đây lại nhớ tới chuyện “buôn pháo” năm xưa của tui.
Tết 1978 thì phải, tui nghe người ta đồn: buôn pháo lời hơn buôn gạo mà dễ “lọt trạm” hơn, nên tui cũng muốn thử thời vận, kiếm chút tiền ăn học. Từ Cần Thơ đi xe tới “ổ pháo” của dân Bắc Kỳ chín nút (BK9) ở Cái Sắn, trên đường đi Rạch Giá (Kiên Giang), mất chừng vài tiếng đồng hồ. Mùa Tết, nhà nào cũng làm pháo. Mỗi nhà là một xưởng sản xuất pháo. Ghé kinh nào, nhà nào, cũng có thể mua được pháo.
Người miền Nam không biết trồng thuốc lào, cũng không biết làm pháo. Cũng có thể vì lười, tính lè phè, nên sau mùa gặt là lo nhậu, nhậu qua Tết, chờ tới mưa xuống mới cày xới, chuẩn bị cho mùa lúa kế tiếp. Dân BK9 siêng phải nể. Gặt lúa xong là trồng thuốc lào. Nhà nhà đều trồng thuốc lào. Đất không được ở không một ngày nào. Tết đến thì vấn pháo. Cả kinh, cả làng, đều vấn pháo.
Dân BK9 không biết mệt hay sao mà không thấy họ nghỉ? Không lạ gì, họ ở cái vùng đất ngập bị bỏ hoang, dân miền Nam không ai thèm canh tác, nhưng một thời gian sau, nhà tường mọc lên như nấm. Con cái họ cho ra thành học hành tới bến. Không BS, Kỹ sư, Giáo sư, thì đa số vô lính tráng cũng đều là sĩ quan. Dân miền Nam ở xung quanh, nhà lá vẫn nhà lá, và con cái đi lính thì chỉ là binh nhì cho các sĩ quan BK9 chỉ huy! Tôi có nhiều bạn bè dân BK9. Nhận xét của tui không phải là cường điệu hay có ý chà đạp chính dân miền Nam của tui đâu.
Hồi đó tui chỉ nghĩ đơn thuần là do họ siêng năng hơn dân Nam thôi. Khi sang Mỹ, tôi mới biết còn một lý do nữa, khiến dân BK9 nói chung, và cách riêng dân BK9 Cái Sắn rất thành công.
Người Việt sang Mỹ, trừ nhóm người đi trước 75 mang theo tiền bạc, hột soàn cả lon Guizgo, hay có tiền trong nhà bank Thuỵ sĩ, thì đại đa số là “chạy sút quần”, “trên răng dưới lựu đạn sét”, một xu dính túi (như tui) cũng không có. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, người Việt thành công hơn cả dân Mỹ bản xứ.
Nghề xe lunch bán thức ăn cho các hãng xưởng và nghề nail, là hai nghề mà dân Mỹ không ngó tới vì nó vừa cực, vừa nguy hiểm. Xe lunch thì vợ chồng phải thức từ hai ba giờ khuya để lấy hàng. Chạy lòng vòng hết hãng này đến hãng khác như người điên. Ngừng lại là vợ nấu, chồng bán, trong vòng chừng mười phút, lại vắt giò lên chạy tới địa điểm kế. Chiều tối mịt mới về tới nhà. Hệ thống tiệm bánh mì Lee’s Sanwich nổi tiếng khắp nước Mỹ của ông ba Thận (gốc lò đường Long Xuyên), ăn nên làm ra cũng từ một chiếc xe lunch như vậy. Nghề nail thì cả ngày dũa dũa trét trét cho những bàn tay bàn chân, có khi thúi hoắc hôi rình của khách. Nguy hại nhất là mùi hoá chất. Nhất là bột đắp móng giả, hôi nồng nặc không thể chịu thấu. Hít mỗi ngày, năm này sang năm khác, phổi và bộ đồ lòng cũng banh! Tiền lượm thấy ham, nhưng nỗi vất vả, đoạn trường, ít ai thấu hiểu. Họ lập nghiệp cực khổ như vậy đó.
Nói chung, người Việt lăn xả vào bất cứ nghề nào mà dân Mỹ chê, vì lương thấp, cực khổ, hay nguy hiểm. Ki cóp mua nhà, sắm xe, đầu tư cho con cái ăn học. Một thời gian sau, người nào cũng một căn ở, vài căn cho mướn, con cái đều sư với sĩ, trong khi dân địa phương ham nhàn, cứ sống pay check to pay check, và dĩ nhiên ở nhà mướn, đi xe cùi suốt kiếp!
Đó! Dân Việt tỵ nạn cũng y chang dân BK9 đi tị nạn từ Bắc vào Nam. Ngoài Bắc có được bao nhiêu nhà có ruộng lớn để canh tác? Vô Nam, dù cụ Diệm chỉ cấp cho họ vùng đất trũng bỏ hoang, họ cũng chụp lấy cơ hội bằng vàng đó mà thành công vượt bực. Cơ hội, cộng thêm siêng năng, và chịu cực, là chìa khoá thành công.
Cái thứ người này chê, có khi nó là cơ hội, là mỏ vàng cho người khác. Cái cơ hội tiềm ẩn nhưng người ta vì không biết, hay làm biếng mà bỏ qua. Những kẻ siêng năng, không ngại cực, không sợ khổ, thì làm sao mà nghèo? Làm biếng nhớt thây, rồi ngồi than trời trách đất, hoặc đổ thừa người ta kỳ thị, chèn ép, coi thường mình,…? Đồ điên!
Tui kể cho xong chuyện buôn pháo.
Thời đó tụi cướp mở trạm cướp khắp nơi! Cướp công khai giữa ban ngày. Bọn cướp ngày là ai, ai cũng biết! Dân nào mà gan trời dám đi cướp giữa thanh thiên bạch nhật? Bất cứ thứ nhu yếu phẩm nào, như gạo, đường, thịt,… đều là đồ lậu! Mẹ bà chúng nó, đồ ăn đồ uống sản xuất trong nước, mang từ địa phương này sang địa phương khác, tức khắc chúng “hô biến” thành đồ lậu, để bị đánh thuế sặc máu, để ngang nhiên tịch thu mồ hôi nước mắt của dân lành.
Sinh viên nghèo rớt mồng tơi như tui, vốn liếng đâu có. Chỉ vừa đủ mua chừng 20 phong pháo. Nếu may mắn “lọt trạm”, thì chắc chắn kiếm một mớ tiền lời nhỏ, để có thêm cái trứng vịt, bó rau muống cho bữa ăn “thanh đạm” hằng ngày, đủ sức mà học hành!
Tui xui tận mạng! Vừa lên xe được vài cây số là bị chận xét. Trên đường đi đã quan sát rất kỹ: Không thấy trạm nào, nên rất yên tâm. Nào ngờ chuyến về bị dính chấu! Chúng dựng trạm bất cứ nơi nào chúng muốn. Chỉ cần mấy thằng mang súng, đeo băng đỏ, chận xe, thì đố ai dám không ngừng lại cho chúng thịt! Khỏi năn nỉ mất công! Coi như cúng cô hồn trận buôn pháo, lần đầu cũng là lần cuối! Hơn bốn chục năm sau, nhớ lại vẫn còn thấy hận bọn Lương Sơn Bạc này.
Trở lại July 4th.
July 4th năm nay tiêu điều, không tiệc tùng party, không pháo bông sáng rực trời, cũng vì con Corona của Tập. Không phải chỉ July 4th, mà mấy tháng nay cả nước Mỹ bị trúng đạn, bị thương, đang ê ẩm mình mẩy. Không phải chỉ có Mỹ, mà cả thế giới đang bị thương trận này. Không cần kể tỉ mỉ những tang thương ở đây, vì ai cũng biết, cũng thấy. Không phải thằng Tập ác ôn côn đồ gieo họa, thì ai vô đây?
Những tên “Mỹ gian”, “Việt gian” lợi dụng Corona, lợi dụng đám BLM, Antifa để quậy cho banh nước Mỹ trong vài tuần qua cũng có bàn tay của Tập luôn! Giết người, đốt cờ, giựt tượng, cướp bóc,… Bọn chúng hô hào xây dựng thiên đường XHCN trên đất Mỹ trời ạ! Không có thằng chúa đảng CSTQ rớ tay, chi tiền, tiếp sức, thì ai vô đây “mua đứt” bọn này và mua đứt đám “Mỹ gian”, để chúng nhắm mắt làm ngơ, hay cổ võ cho đám điên cuồng kia quậy phá, hòng đưa đất nước này Xuống Hàng Chó Ngựa?
Tôi thật sự không thể nào hiểu nổi, tại sao vẫn có nhiều người không sáng mắt? Họ vẫn chống lại những người chống Tập? Họ vì cái gì? Không vì tiền, thì cũng vì quyền lợi cá nhân, hay chính họ là đồng bọn của Tập? Trời hãy tru, đất hãy diệt tên gian ác kia cho nhân loại bớt khổ.
Tôi cầu mong cho những người yêu nước thêm sức mạnh, để tiêu diệt luôn đám “Mỹ gian” bán nước, đem lại an bình, thịnh vượng cho nước Mỹ cách riêng, và cho cả thế giới nói chung.
Hy vọng July 4th năm tới, ông cháu tôi có dịp đốt pháo bông thả cửa để chúc mừng một nước Mỹ hùng cường, an lạc, ấm no.
Peter Chánh Trần