HỮU LOAN – CÂY GỖ VUÔNG MÀU TÍM (Phạm Xuân Nguyên)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tưởng nhớ Hữu Loan – Mười một năm đi xa (18/3/2010-/2021)

Hôm nay đúng mười năm mất của nhà thơ Hữu Loan (1916 – 2010). Với ông, tôi cũng như những người cùng thế hệ, chỉ được biết rất muộn, cả về thơ và đời. Gặp ông ngoài đời còn muộn hơn nữa. Mãi tới năm 2008 tôi mới có dịp lần đầu về nhà ông ở thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, khi ông đã tuổi cao sức yếu. Nhưng từ đó cho đến khi ông qua đời tôi lại có mấy dịp đưa các bạn bè Hà Nội và Sài Gòn về thăm ông.
Ông mất ngày 18/3/2010 tại quê nhà. Tôi được tin ông mất khi đang ở TPHCM dự một hội thảo khoa học quốc tế tại Khoa Ngữ văn, trường Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân văn. Đó là vào trưa 19/3/2010. Báo Tuổi Trẻ đặt tôi viết bài ngay về ông. Thế là trưa đó, sau phiên họp sáng của hội thảo, trong khi các bạn bè đồng nghiệp vui vẻ bữa trưa, tôi rút vào phòng khách sạn ngồi viết. Ngồi mãi một lúc tôi vẫn chưa biết mình sẽ viết gì. Hai bài thơ nổi tiếng nhất của ông “Màu tím hoa sim” và “Đèo Cả” thì hẳn nhiên là phải nói đến. Nhưng viết thế nào cho ra cái chất người và chất thơ Hữu Loan trong khuôn khổ một bài viết ngắn cho báo? May sao, khi nhớ lại bài thơ “Cây gỗ vuông” thì tôi đã có được cái tứ cho bài viết của mình: “Hữu Loan – cây gỗ vuông màu tím”. Bài viết đã lên báo Tuổi Trẻ ngày 20/3/2010. Sau này khi đưa nó vào tập sách của mình “Nhà văn như Thị Nở” tôi đã bổ sung thêm hai bài thơ mới của ông được sưu tầm về sau.)
*
1. Ông là một nhà thơ đích thực của nền thơ hiện đại Việt Nam. Đích thực bởi thơ. Chỉ bằng hai bài “Màu tím hoa sim” và “Đèo Cả”, Hữu Loan đã ghi danh mình cho thơ Việt ở sự riêng tư và mới mẻ. “Màu tím hoa sim” là tiếng khóc của một người chồng cho người vợ xấu số, là một tiếng kêu cho tình yêu trong thời đạn lửa, là lời phẫn uất trước số mệnh phũ phàng của con người. “Nhưng không chết / người trai khói lửa / Mà chết / người gái nhỏ hậu phương / Tôi về / không gặp nàng / Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối / Chiếc bình hoa ngày cưới / thành bình hương / tàn lạnh vây quanh.” Tiếng thơ ấy đã lập tức đồng vọng và lan xa trong lòng bao người, dẫu ở một thời chiến tranh bắt con người phải nén nỗi đau riêng, vùi chôn tâm trạng cá nhân để ra trận và cầm súng, bởi vì đó là tiếng thổn thức thắt nghẹn của con tim. “Đèo Cả” hào hùng, hào sảng tinh thần của một thế hệ dấn thân cho vận nước trong hình ảnh những chiến binh như trượng phu ngang tàng giữa núi rừng, chấp mọi hiểm nguy, đùa cùng gian nan.
Sau mỗi lần thắng
Những người trấn Đèo Cả
Về bên suối đánh cờ
Người hái cam rừng
ăn nheo mắt
Người vá áo
thiếu kim
mài sắt
Người đập mảnh chai
vểnh cằm
cạo râu
Suối mang bóng người
soi
những
.về đâu?
Hai bài thơ khắc ghi dấu ấn rất riêng của Hữu Loan vào một thời thơ. Thơ, chứ không phải cái gì khác, đã làm nên Hữu Loan, đã vinh danh ông. Và ông xứng đáng được vinh danh bằng thơ đó. Những nhát thơ Hữu Loan đục vào thời gian, đục vào tâm khảm, để lại dấu tích không phai.
2. Ông đã sống một cuộc đời dài, thật dài, mà những khổ nạn, thử thách chỉ càng làm bền thêm trong ông những lựa chọn ban đầu khi làm cách mạng và làm thơ. Bỏ phố thị thủ đô về lại quê hương, tự tay vỡ đất vỡ đá lầm lụi tháng ngày nuôi vợ con nuôi mình chống chọi với cuộc sống thiếu thốn vất vả và nhiều chướng ngại, nhưng ông không nề hà, nản chí. Hữu Loan là một con người cương cường. Ai đã một lần gặp ông, nhìn ngắm khuôn mặt ông, nhất là đôi mắt, và nghe giọng ông nói, đều có thể cảm nhận đây là một con người không chịu gục ngã trước thử thách. Trời đã cho ông sức khỏe và ý chí để thọ cao đến vậy sau bao khổ nhọc chồng chất. Nhưng tôi tin trời đã thương ông nên đã ban Thơ cho ông để ông sống được là mình như vậy. Ông tự gọi mình là cây gỗ vuông: “Tôi, cây gỗ vuông chành chạnh suốt đời/ Đã làm thất bại âm mưu/ đẽo tròn/ để muốn tùy tiện/ lăn long lóc/ thế nào/ thì lăn lóc. Chân lý đấy/ hỡi/ rìu/ bào/ phó mộc.” Nhà ông, trên bàn thờ chỉ để một chữ Tâm.
3. Tôi đã thấy chữ Tâm đó mỗi lần bước vào nhà ông ở một vùng quê xứ Thanh. Lần gần đây nhất là trước tết dương lịch 2010 mấy ngày. Khi ấy ông đã yếu nhiều, giọng đã thều thào, nhưng cũng như bao lần có khách đến thăm yêu cầu, ông vẫn cất giọng đọc thơ. Đọc hai bài “Màu tím hoa sim” và “Hoa lúa”. Một bài cho người vợ đầu xấu số mất sớm khiến ông đau xót khôn nguôi hơn sáu mươi năm qua. Một bài cho người vợ sau gắn bó hơn nửa đời người cùng ông trải bao hoạn nạn đắng cay, sinh cho ông mười người con, giữ cho ông tinh thần phải sống. Giọng ông lúc khỏe nghe rõ ràng, khúc triết, sai một chữ một từ là ông sửa lại ngay. Lúc yếu, giọng nghe không rõ, nhưng vẫn thấy tỏa ra trong giọng đọc đó tình cảm sâu nặng sắt son của ông dành cho hai người phụ nữ đã làm nên đời ông – đời một con người và đời một nhà thơ. Nói đến thơ, nhắc lại những năm tháng làm văn nghệ, ông vẫn cương trực với mình trong cách nhìn nhận sự việc, vẫn trung thành với một quan niệm thơ, quan niệm sống đã có từ đầu và từ lâu. Ông như không bận tâm đến việc ra một tập thơ riêng của mình khi mà tập thơ đó nếu ra không đầy đủ, không vẹn con người ông. Nhưng thơ ông đã nằm lòng bao nhiêu độc giả hàng chục năm qua. Không chỉ là một, hai bài đã nổi tiếng, mà còn những bài khác được truyền tụng. Như bài “Tình thủ đô”, mới được nhà thơ Dương Tường và nhà văn Mạc Lân khôi phục lại mấy năm trước. Như bài “Hữu Loan khóc Nguyễn Sơn” năm 1956: “Một đám tang đã diễu hành/ Một đám tang cờ đỏ liệm quan tài/ Nấc lên mầu huyết/ Một đám tang đi/ Không/ bao/ giờ/ tới/ huyệt.”
4. Nhà thơ Hữu Loan đã qua đời ở tuổi 95. Thơ Hữu Loan ở lại với người đời. Thơ đó “có niềm khát khao cháy bỏng cho một đất nước được tự do, cho dân tộc được giải phóng khỏi ách đô hộ. Cái sức sống mạnh mẽ trong mỗi tác phẩm thi ca là ở chỗ phải ghi được dấu ấn trong một thời khắc đặc biệt”, như ông đã nói và đã làm được. Từ thơ, có thêm một màu là màu tím Hữu Loan. Cây gỗ vuông màu tím – đó chính là chân dung Hữu Loan đời và thơ.
Sài Gòn 19.3.2010
(Đăng báo Tuổi Trẻ, 20/3/2010)
*
Hai bài thơ của Hữu Loan
THÁNH MẪU HÀI ĐỒNG
Nhà thơ Hữu Loan suốt đời mình luôn khắc ghi hình bóng người vợ đầu. Sau bài thơ Màu tím hoa sim bốn mươi hai năm, ông lại làm bài thơ này hồi tưởng lại đêm tân hôn đầu tiên của mình. Bài thơ vẫn đúng chất hồn và giọng điệu Hữu Loan, đầy ắp cảm giác cảm xúc đôi lứa tình yêu. Đây còn được gọi là bài Tục Màu tím hoa sim.
Em ngả cánh tay còn nhiều
ngấn sữa
Cho ta làm gối gối đầu
đêm tân hôn
Sao lại không chính là tay ta
đỡ trước lấy vai nàng
Ta râu ria như râu thép gai
như xương chổi
Gân guốc sù xì phong sương
như một gốc cây rừng
Ta lo lắng sợ tay nàng gãy
Tay nàng mảnh mai như một
nhánh huệ trong bình!
Nhưng lạ thay
nàng ghì đầu ta như
chẳng hề hấn chuyện gì!
Chỉ có chuyện là
ta thấy ta càng lúc
càng thêm nhỏ bé trong
vào ngực măng tơ
Chà dụi
Rúc tìm
Tham lam
Cuống quýt
Ngẩn ngơ
như một hài nhi
khát
mẹ
Nàng càng riết chặt
ta càng thấy bé
Vòng tay nàng đánh đai
Nàng thì thào thổn thức
bên tai
– Anh của em!
– Anh vô cùng lớn của em!
Nhưng trái lại
Anh đang rất bé.
Nàng:
– Anh ơi anh!
Ta:
– Mẹ ơi mẹ!
Bằng một giọng học nói
Hài nhi bập bẹ
(trong hơi thở trộn nhau
bốc men)
– Tôi đối thoại hay là
vô thức nói.
*
Sau đêm ấy là
em đi
đi
mãi!
Em đi tím đất chiều hoang
Ta như mất mẹ khóc
tang
hai
lần!
*
Xin kính cẩn hôn chân
Tất cả những đấng gái Việt Nam
Đã sớm mang chất
mẹ
loài
người.
*
Em trong mẹ
Mẹ trong em
em
ngôi
thánh mẫu
hài đồng
1991
TÒNG QUÂN
(Nhà thơ Dương Tường nhớ và ghi lại bài này)
Nếu anh ra đi
Mẹ già anh khóc
Trai thời loạn ly
Thương con khó nhọc
*
Nếu anh ra đi
Người vị hôn thê
Những giọt nước mắt
Đọng trên hàng mi
*
Nhưng
Nếu anh không đi
Mẹ già anh khóc
Trai thời loạn ly
Mà con không đi
*
Mẹ thà thương con tóc trắng
Ngày mai cờ về chiến thắng
Mà con không về
*
Mẹ thà như lá rụng chiều quê
Đến khi con về
Cỏ vàng nấm đất
*
Nhưng khi nước mất
Vì vị hôn thê
Mà con không đi
*
Nếu anh không đi
Người vị hôn thê
Mặt nghiêng tay che
Đêm thương lời thề
Thà đợi người đi
Già trên lời thề
*
Nhưng khi nước mất
Mà anh không đi…
(Khoảng 1947)