HÀO KIỆT PHƯƠNG NAM: THIẾU TÁ QLVNCH TRỊNH LAN PHƯƠNG-K21 TRƯỜNG VÕ BỊ QUỐC GIA ĐÀ LẠT (Huy Phương)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: 1 person, hat and text

Image may contain: 2 people, outdoor

Thiếu Tá QLVNCH Trịnh Lan Phương (hàng đứng, thứ ba từ phải)

Image may contain: one or more people, people walking, people standing and outdoor

Một buổi lễ mãn khóa của các Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.

Sáng 30/ 04/ 1975, sau khi TT một ngày Dương Văn Minh lên Đài Phát Thanh Sài Gòn bức tử Quân Đội VNCH buông súng trước bọn giặc thù cộng sản xâm lược, rất nhiều vị anh hùng của chúng ta chọn cái chết thay vì ra hàng với giặc.
Thất vọng, bẽ bàng, căm giận, hàng ngàn Người Lính Miền Nam đã anh dũng tự sát để khỏi rơi vào tay quân địch, tránh nỗi ô nhục của một hàng binh trước cảnh nước mất, nhà tan.
Thế giới đã biết đến những vị tướng lãnh miền Nam, tư lệnh những đại đơn vị đã €can đảm tuẫn tiết khi nghe tin Sài Gòn thất thủ, nhưng đã có biết bao nhiêu anh hùng vô danh, lặng lẽ chọn cái chết về phần mình, mà không hề ai biết đến.
Thiếu Tá Trịnh Lan Phương là một trường hợp như thế !
Hoàn cảnh gia đình của ông mang những nghịch cảnh đau lòng trong chiến tranh. Gia đình bên ngoại ông là một điền chủ giàu có ở Tây Ninh, nhưng thân phụ ông lại là một chàng trai từ miền Bắc phiêu bạt vào Nam.
Sau khi ông ra đời vài năm, thân phụ ông bỏ gia đình tập kết ra Bắc, gây phật lòng cho gia đình bên ngoại của ông, vốn có lập trường kiên quyết không chấp nhận chế độ cộng sản tàn bạo và dối trá.
Không được hỗ trợ của gia đình, cũng không biết tin tức của chồng, với đồng lương giáo viên ít ỏi, mẹ ông cần kiệm nuôi con khôn lớn với nỗi xót xa trong một hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ không chồng, con không cha.
Năm 1964, chiến tranh tại miền Nam bùng phát dữ dội, như hầu hết những thanh niên miền Nam, Trịnh Lan Phương nghe lời gọi của non sông tình nguyện lên đường nhập ngũ, và ông chọn trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, Khóa 21.
Ra trường năm 1966, Thiếu Úy Trịnh Lan Phương được phân phối về chỉ huy một đơn vị Biệt Động Quân và đã từng tham dự những trận đánh ác liệt tại Đắc Tô, Tân Cảnh, Kon Tum. Tháng Mười Hai, 1966, ông được thăng Trung Úy và giữ chức Đại Đội Trưởng. Từ 07/ 1968, cho đến 04/ 1975, ông được chuyển về phục vụ tại Đội Cận Vệ Phủ Tổng Thống VNCH.
Ngày 30/04/1968, ông kết hôn với cô Huỳnh Thị Kim Hoa. Năm 1970, hai vợ chồng ông sinh con gái đầu lòng là Trịnh Thiên Hương. Để giúp đỡ thêm đồng lương với chồng, vợ ông mở thêm một tiệm sách báo nhỏ trong đường hẻm gần trường tiểu học Mạc-Ty-Nho. Tháng Ba, 1975, vợ chồng ông sinh thêm con trai là Trịnh Đức Huy.
Đầu năm 1975, ông được vinh thăng Thiếu Tá.
Trưa 30/04/1975, sau lệnh buông súng của ông Dương Văn Minh, Thiếu Tá Trịnh Lan Phương từ Phủ Tổng Thống buồn bã trở về căn nhà nhỏ của mình ở đường Nguyễn Thiện Thuật, Bàn Cờ, quận 3. Trong tình trạng hỗn loạn của Sài Gòn lúc đó, ai cũng kéo đóng cánh cửa nhà mình, nín lặng hồi hộp chờ đợi những biến cố mới.
Sau bữa cơm trưa qua loa, ông ôm hôn hai đứa con và lặng lẽ leo lên căn gác nhỏ để nghỉ ngơi như thường lệ. Vào khoảng 3 giờ chiều, một tiếng nổ chát chúa vang lên trên căn gác nhỏ.
Trong âm thanh vô cùng hỗn tạp vào ngày tàn cuộc chiến ở một đô thị lớn như Sài Gòn khi đó, không mấy ai để ý đến tiếng súng nổ ấy; nhưng gia đình Trịnh Lan Phương cảm thấy có sự bất thường. Người em trai vợ, trước tiên, rồi chị ông, cả bà mẹ già chạy vội lên căn gác, thì thấy ông Phương đã chết. Khẩu sung lục Colt 45 còn nằm ở trong tay ông, máu từ thái dương bên phải tuôn ra từng dòng, từng dòng.
Ông được đưa vào bệnh viện Sài Gòn ngay sau đó, để được bác sĩ khám nghiệm và ghi một dòng chữ kết luận: “Plaies par balls du crane” (Thương tích trên sọ do đạn). Giữa cảnh tên bay đạn lạc ngày ấy, ai còn để ý đến viên đạn nổ trong hộp sọ của một người lính bị bức tử phải tan hàng!
Đau thương thay, ngậm ngùi thay, ngày bọn giặc cướp xâm lược từ phương bắc may mắn chiếm được Miền Nam Việt Nam khiến ông quyết chọn cái chết vinh còn hơn đầu hàng quân giặc cũng đúng vào ngày kỷ niệm bảy năm ngày cưới của vợ chồng ông.
Cả một quân đội hùng mạnh tan vỡ trong chốc lát, chí nguyện giữ nước cao cả của người lính chưa thành, hay hình ảnh người cha bên kia chiến tuyến đã quên mặt, trở về như một kẻ xâm lược đắc thắng, là nguyên nhân của viên đạn oan nghiệt cuối cùng.
***
Trong thư của Trịnh Thiên Hương, con gái đầu của ông gửi cho bạn bè ông, có ghi lại:
“Tự hào vì ba của mình, một người cha vĩ đại trong lòng cháu. Từ 5 tuổi cháu đã mồ côi cha, hình ảnh người cha trong tâm trí cháu là một người đàn ông, đẹp trai, cao lớn, hiền lành, vui tính, yêu vợ thương con, sống chân thật với những người thân xung quanh và tình yêu đẹp thật lãng mạn của ba mẹ (đây là những lời kể lại từ bà nội, bà ngoại và các dì của cháu – từ đó hình thành lên một hình ảnh người cha tuyệt vời trong tâm trí cháu).
Cháu không được nghe bất kỳ một lời nói nào của ba từ mẹ cháu cả. Ba cháu tự sát tại nhà, ngay ngày 30 Tháng Tư, 1975, cháu vẫn còn bị ám ảnh mãi trong tâm trí mình những người cậu, ôm ba từ trên gác xuống.
Mẹ cháu, bà ngoại và mọi người thì gào khóc, cháu không được nhìn thấy ba, vì bị mọi người ôm cháu lại và che đi, nhưng cháu vẫn nhớ hoài hình ảnh rối loạn chiều hôm đó. Sau đó thì cháu không gần mẹ cháu nữa, thậm chí đứa em cháu – Trịnh Đức Huy – mới tròn một tháng tuổi cũng không được gần mẹ. Mẹ cháu lúc đó không còn bình thường nữa, do cú sốc quá lớn, tinh thần không ổn định, nên mẹ cháu đã bị khủng hoảng, không chịu đến gần chị em cháu. Kể từ đó cho đến bây giờ, cháu không bao giờ nghe mẹ nhắc về ba. Hai chị em cháu lớn khôn thành người nhờ sự chăm sóc nuôi dưỡng của ông bà ngoại và các dì. Bà nội cháu cũng đi tu sau khi an táng ba cháu.
… Hiện bây giờ chỉ còn mẹ cháu là người duy nhất biết về ba, nhưng trí nhớ của mẹ cháu sau 42 năm, từ khi ba mất đã không còn như xưa nữa. Cách đây 10 năm, mẹ cháu bị tai biến, xuất huyết não, hiện tại đang bị liệt nửa người, tinh thần không còn minh mẫn nữa. Vì vậy, cháu rất buồn và cảm thấy bất lực khi đi tìm thông tin về người cha yêu quý của mình. Ba cháu luôn luôn vẫn là một người tuyệt vời trong lòng cháu, cháu luôn tự hào là đứa con gái ngoan của ba Lan Phương.
Mừng vì được gặp các bạn bè, chiến hữu của ba, được nhìn thấy sự quan tâm của mọi người đối với ba. Cháu rất cảm động về những điều tốt đẹp mà mọi người dành cho ba cháu.”
Bao nhiêu năm đã trôi qua, những cái chết hào hùng, lẫm liệt của những Anh Hùng Liệt Nữ Phương Nam ngay trong giờ phút cuối cùng, phải buông súng trong tức tưởi uất hờn, vẫn là những cái chết đời đời ngời sáng, rửa mặt cho nỗi đau của quê hương Miền Nam và xứng đáng cho Lịch Sử trang trọng nhắc tên và cho ngàn sau hậu thế noi gương.
(Sài Gòn trong tôi/ Huy Phương)