HÀNH TRÌNH TÌM TỰ DO

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Những phép lạ từ Buôn Mê Thuột đến Hoa Kỳ

Phép lạ # 10
11.Ngày 18 tháng 3 – 1975

May be an image of 4 people

May be an image of 5 people and train

May be an image of 6 people and helicopter

Ảnh minh họa – đoàn dân theo lính leo núi băng rừng ra Khánh Đương- Tuột núi đến Khánh Dương- Lính dù tại đèo Phượng Hòang

Bỏ xe băng rừng vòng ra Khánh Dương – ngày thứ nhứt
Chúng tôi theo dỏi tình hình chiến sự với các giới chức còn lại của Sư đoàn 23 qua máy truyền tin. Sau khi Cộng sản pháo kích và tấn công dử dội vào đồi Chư Cúc. Quân ta thất thủ và cho lệnh rút lui. Rút quân ra khỏi Chư Cúc có nghỉa là sẽ băng rừng đi bọc qua nút chận của Cộng Sản tại đồi 519 tại Cây Số 52! Bỏ mặc đoàn dân ở lại sau lưng? Tiếng la hét ra lệnh rút quân khẩn thiết trong máy truyền tin.
Thiếu tá K ra lệnh cho chúng tôi chuẩn bị hành trang bảo vệ số vợ con của anh em trong đơn vị băng rừng đi theo họ. Đi vòng quanh chổ địch quân trấn giử trước khi đến Khánh Dương. Năm phút sau, chúng tôi thấy những chiếc xe quân đội với vài xe Jeep có cần câu chở quân và lính chạy ào ào ngược ra phía trước đoàn dân. Điều này cho thấy cấp chỉ huy còn lại đã rút quân thật sự rồi. Chúng tôi vội vả chở đầy đàn bà con nít chạy theo. Các anh em khác thì chạy bộ theo sau. Cấp chỉ huy còn lại của Sư Đoàn 23 hối hả tập họp lại, ra chỉ thị thật nhanh rồi cùng nhau lái xe chạy nhanh về phía bìa rừng. Khi tới bìa rừng họ bỏ lại phía sau tất cả nào: Chiến xa lội nước M113 – xe Jeep và các loại súng đại pháo hạng nặng, chỉ mang súng cá nhân và đồ ăn vừa đủ. Riêng một vài cấp chỉ huy cao cấp thì được trực thăng đón đi, số còn lại phải băng rừng. Chúng tôi cũng vội vã chạy theo sau đám lính hổn hợp băng rừng. Tôi nghiệp cho trên 100 ngàn dân tị nạn vô tình còn chờ đợi tiếp cứu bị bỏ lại sau lưng mà không biết chi cả. Trong số dân sự, có cả hàng trăm lính đủ loại binh chủng không có cấp chỉ huy đang lang thang với họ mà không hay biết gì cả. Dân thấy lính và lính thấy dân thì cứ an lòng chờ tiếp cứu thế thôi. Họ có biết đâu lực lượng chánh quy có trách nhiệm bảo vệ họ đã rút quân và băng rừng trối chết cứu lấy mạng sống mình! Được biết trung sỉ Lưu và trung sỉ Ơn ở lại vì có hai con quá nhỏ mới sanh không thể băng rừng được. Họ hy vọng chờ quân tiếp viện đến giải cứu. Giờ phút này mọi thứ xảy ra quá bất ngờ và cấp tốc, không đủ giờ cắt nghỉa cho ai hết. Nhiều anh em không hiểu chuyện gì! nên dẩn vợ con chạy theo vô rừng một khoảng đường rồi dẩn vợ con mình đi ra lại. Có lẽ họ nghĩ tại sao lại chạy vô rừng? Chờ mở đường rồi đi thì an toàn hơn.
Đoàn người vô trừng đi nối đuôi nhau thành một hàng ngoằn-ngèo dài cả hàng cây số, uống khúc theo triền núi hay bờ đê con suối. Có lúc phải lội sình hay leo đồi. Đi đêm đi ngày không nghỉ. Không ai nói chuyện với ai được, không ai có thể chạy tới chạy lui được. Thế nên có những người bị lạc hay bỏ cuộc đi ra trở lại cũng không ai hay. Đoàn quân băng rừng đi nhanh không chờ ai hết. Những người có vợ và con nít từ từ bị rớt lại tuốt sau lưng và bị lạc thành nhiều khúc khác nhau! Chúng tôi vì có vợ con cũng bị lâm vào tình trạng như thế. Từ từ cũng bị lọt về phía sau. Tôi thì cổng Huỳnh Giao trên lưng và Mai ôm cháu Ru-tơ trước ngực ráo riết bước lê theo. Tôi nghiệp vợ tôi mệt lã người đi không nổi nửa! Nhiều lần tôi phải hối thúc. Mai sanh Ru-tơ mới có hơn 2 tháng còn yếu lắm làm thế nào đi cho lẹ được. Tôi cứ sợ đi chậm quá nhở khi ra đến Khánh Dương trễ thì quận đã bị Việt cộng chiếm mất! Lại kẹt trong vòng tay Cộng Sản. Tôi còn có giày lính, Mai thì không có giày nên tôi lấy nhiều vớ quân đội mang vô cho nàng. Mỗi khi băng qua nước hay qua bùn sình thì nó đùng lên một cục tuột ra tuột vô. Di chuyển trong sự kinh hoàng nên mọi tiếng động, khóc la đều bị cấm vì sợ địch quân phát giác vị trí. Làm sao đây? Khi con nít khóc vì bị gai góc đâm vào – bị ướt nước – bị lạnh – bị đói làm sao mà chúng không khóc được? Mấy anh lính bực mình khi nghe những tiếng khóc la như thế. Họ quát mắng các bà mẹ có con khóc. Họ hăm dọa bắn hay chích thuốc cho con các bà chết nếu còn để cho nó khóc. Thật thương thay cho các bà mẹ có con bú hay con quá nhỏ với sự đe dọa này. Có bà sợ quá khi con khóc, lẹ tay bụm miệng con lại cho nó nín! Khi ra đến chổ an toàn hơn vài giờ sau thì mới hay con đã bị nghẹt thở chết từ hồi nào. Bà la hét khóc than vang động cả rừng làm các anh lính thất kinh lên. Thay vì thương xót, họ lại chưởi rủa và đe dọa bà. Không khóc la sao được khi bà vô tình bụm mũi con mình chết. Không la sao được khi bà la khóc vang động cả vùng làm bại lộ điạ điểm, Việt cộng sẽ bắn vào thì chết cả lủ. Hoàn cảnh thật phức tạp và bi đát quá!
Trời tối thật sớm vì trong rừng cây che rậm rạp. Sự di chuyễn càng khó khăn vì tầm nhìn xa bị giới hạn. Vợ tôi bị té ngả nhiều lần vì đường trơn trợt và quá mệt mỏi nên chân cẳng run rẩy khó bám vào đường đất trơn tru. Có những lúc vượt mương rạch lầy lội té ngả làm ướt cả bé Ru-tơ. Nước lạnh làm Ru-tơ khóc la! Vợ tôi vội vả cho nó bú thì nó nín ngay. Phải nói rằng sức chịu đựng mưa gió của hai con gái nhỏ rất tốt. Cám ơn Chúa nuôi dưởng và bảo vệ chúng. Đêm trong rừng thật là mù mịt, xòe tay ra trước mặt cũng không thấy. Thế mà đoàn người vẫn tiếp tục đi bằng cách người này níu áo người kia. Nếu xảy tay người đi trước mà không nắm lại được thì xem như bị thất lạc từ khúc đó. Thật gian nan cho những bà có 3, 4 con nhỏ, có đứa còn đang ẳm nửa! Làm sao mà đi kịp và không thất lạc. Khi bị thất lạc thì chỉ có nước kêu nhau inh ỏi thôi, còn gì phải sợ chứ? Kêu réo thì may ra có người đến cứu. Sự ồn áo cứ thế tiếp diển khiến các anh lính dẩn đầu càng đi nhanh, cố tình bỏ lại sau lưng những người có con nít nhỏ. Chúng tôi cũng bị bỏ lại sau lưng vì một bà vấp chân té ngả không nắm lại được lưng người đi trước. Trời quá tối. Chúng tôi phải ngủ lại tại chổ lúc 2 giờ khuya. Tội các con ngủ trong rừng lạnh lẻo, mặt đất thì gồ ghề nhột nhạt kiến bò, còn có muổi mòng bu cắn đốt thỏa thê. Tôi và Mai vẫn mang con trên lưng và đeo trước ngực, ngồi ngủ gà ngủ gật qua đêm.
Ngày 19 tháng 3 – Đêm thứ hai băng rừng
Trời tờ mờ sáng thì mọi người đã thức dậy. Kiểm điểm lại có trên 20 quân nhân và trên 20 thường dân kể cả đàn bà con nít. Các anh em trong đơn vị cũng bị lạc hết cùng với vợ con họ. Kiểm điểm lại thì trong nhóm có một ông trung tá của Tổng nha điều tra, một vài sỉ quan và binh sỉ thiết giáp với các anh biệt động quân. Một trong những người có bản đồ vùng nên thấy an lòng khi di chuyễn. Vì sợ Việt Cộng chận bắt, chúng tôi phải đi vòng xa vô rừng rồi mới đi ngược về phía Khánh Dương. Nếu đi thẳng mất 1 ngày thì đến, song đi vòng thì phải ba ngày mới đến. Không hiểu sao lúc này vợ tôi đi mạnh hơn. Mới vừa sanh con hai tháng mà ôm con trèo non vượt suối phon phon vậy đó. Tôi nghĩ vì bản năng sinh tồn, vì chồng con nên Mai mới mạnh mẻ thế. Nhờ lượm được một ít gạo sấy, mì gói và khoai lang luột trên đường đi nên chúng tôi có tạm đủ thức ăn trong ngày. Khát thì có nước khe, nước suối trên đường di chuyển. Cám ơn Chúa giúp cho chúng tôi mạnh khỏe không bị bệnh tật chi cả.
Rừng âm u, núi đồi trùng điêp song đoàn người đi tìm tự do cứ đi không nao sờn. Mọi người ra sức gánh gồng đi mãi cho đến trời sụp tối. Chúng tôi tạm dừng ngủ trên ngọn đồi trọc chờ sáng. Bản đồ cho thấy chỉ còn 10 cây số đường rừng nửa là tới. Tôi cầu xin Chúa đình trệ sức tiến của cộng quân. Đừng cho nó chiếm Khánh Dương trước khi chúng tôi ra đến nơi.
Ngày 20 Tháng 3- Ngày thứ ba băng rừng
Tất cả chúng tôi thức dây thật sớm trong cái hoang vu và lạnh buốt của núi đồi vùng cao nguyên. Đứng trên đồi cao, nhìn về hướng Khánh Dương mờ mịt trong màn sương trắng xóa. Ăn uống đạm bạc rồi chúng tôi bắt đầu khỡi hành. Chúng tôi đi mãi cho đến giửa trưa thì thấy có vài đường mòn của người sắc tộc đi từ quận Khánh Dương ra đến đây để làm rẩy. Ai nấy mừng rở vì có đường mòn nghỉa là gần quận rồi và dể đi hơn. Một tiếng đồng hồ sau thì chúng tôi phát hiện một đoàn người khác tìm tự do đi song song cùng chiều ở sát bìa rừng bên kia. Họ cũng nhìn thấy chúng tôi và khoác tay chào đón. Tôi nói với Mai là chỉ cần leo qua ngọn đồi này là có thể thấy quận Khánh Dương rồi. Lòng chúng tôi phấn khởi hơn. Lúc này có thể nói chuyện với nhau nên ai nấy nói líu lo kể lể than khóc đủ điều. Vừa đúng lúc này thì Mai cảm thấy cơ thể rả rời! Tay chân bủn rũn! Không thể nào đi nhanh hơn nổi. Có lẽ tâm trí Mai nói rằng sắp thoát thân rồi nên cơ thể nàng cho là đủ nên không cần cố gắng hơn nửa. Tôi phải lừa dối Mai là qua hết ngọn đồi này là tới vùng đồng bằng dể đi hơn. Đôi khi tôi hù dọa là nếu chậm trể thì Việt Cộng tới Khánh Dương trước mình thì sẽ chết thôi. Ngọn đồi nhìn không thấy cao lắm song khi đến gần chân núi mới thấy dóc đứng sừng sựng. Sau hơn 1 giờ cố gắng leo thì lên tới đỉnh. Nghĩ rằng khi xuống đồi sẽ có độ dốc lài ra dể đi xuống! Nào ngờ khi đi xuống cũng dốc đứng sừng sựng. Đáng buồn hơn là lại thấy còn một ngọn đồi nữa cần phải leo mới tới đồng bằng! Leo lên đồi đã khó mà xuống càng khó hơn vì đôi chân không còn đủ sức bám nên cứ để cho hai mông tuột dốc! Ai nấy cứ thế mà dùng mông tuột dốc mặc kệ gai góc hay đất đá. Khi tuột xuống đến chân đồi thì quần áo Mai rách nát. Để tránh lỏa lồ, Mai phải lấy cái khăn bàn màu xanh dùng đắp quấn cho Ru-tơ! lúc này đã trở màu vàng của phân em bé để quấn chung quanh mình che thân. Mai chẳng cần để ý đến ai nhìn và thật ra lúc này cũng chẳng ai màn để ý đến. Cứ thế tôi khuyến khích Mai phải đi thêm một ngọn đồi nửa. Lần này Mai không tài nào leo lên nổi vì quá mệt mà còn ôm Ru-tơ trước ngực. Chúa cho một anh lính Biệt Động Quân thương xót, tình nguyện ẳm giúp cháu Ru-tơ đem lên đồi. Anh nói, “khi em mang em bé lên tới đỉnh rồi thì sẽ để cháu nằm ở trên đó chờ anh chị lên, còn em sẽ tiếp tục ra đi chớ không thể chờ đợi.” Chúng tôi mừng quá đồng ý ngay. Hơn một giờ sau thì chúng tôi leo lên tới đỉnh đồi trọc, không một bóng cây ngoại trừ cỏ lau cao ngang lưng quần và đất đá lục cục lòn hòn. Chúng tôi tìm kiếm cháu Ru-tơ không thấy đâu hết. Mai cuống quit lên lục lạo tìm kiếm thì kìa, Ru-tơ đang nằm yên trên sỏi đá ngủ ngon lành, Mừng không thể kể siết. Vợ chồng tôi sau đó nghĩ lại thấy mình dại khờ làm sao! Mệt quá nên thiếu suy nghĩ. Nếu anh lính ẳm đi luôn thì sao? Hoặc ai đó lên trước tưởng con mồ côi bồng đi mất thì sao? Nghĩ lại làm tôi rùng mình!
Đêm nay thật lạnh, người tôi run lên cầm cập vì tất cả áo sống đều phủ trên hai con gái cho đủ ấm sợ chúng bị bệnh. Một anh lính thấy thương tình cho mượn một tấm vải to làm mền đắp. Chúng tôi cảm thấy dể chịu hơn khi cả gia đình nằm chung dưới tấm vải này. Tôi nghiệp Huỳnh Giao trăn trở không ngủ được vì nằm trên đất đá cứng. Tôi phải ẳm cháu cho nằm trên ngực tôi thì nó mới nằm yên ngủ ngon lành. Nửa đêm tấm vải ướt như thấm nước vì sương lạnh. Vợ và hai con ngủ yên giấc còn tôi lẫm bẫm cầu nguyện rồi thiếp đi lúc nào không biết.
Ngày 22 tháng 3- Ngày thứ tư ra đến Khánh Dương
Như lệ thường, chúng tôi thức dậy thật sớm, tuột núi để đi đến Khánh Dương. Đường đi lúc này không còn đồi núi nửa vì đã xuống đến đồng bằng. Chúng tôi cứ thế mà đi theo những con đưởng mòn của người sắc tộc hay đi. Nhìn thấy có những người dân đang làm rẩy? Tôi ngạc nhiên suy nghĩ bộ̣ họ không hay biết gì về Cộng Sản đang đánh đến nơi hay sao? Chúng tôi ngừng lại giây phút hỏi đường ra quận rồi bươn bả đi ngay. Đôi chân của Mai bắt đầu đau hơn và khó khăn lắm để bước đi. Tôi phải hối thúc Mai bằng cách cỏng Huỳnh Giao đi lẹ hơn về phía trước song khi nhìn lại thấy Mai còn tuốt phía sau! Đành trở lại khuyến khích an ủi và nắm tay Mai kéo đi. Tôi nhắc khéo Mai thì giờ không còn nửa, phải cố gắng tới Khánh Dương trước khi địch chiếm thì hóa ra công dã tràng. Mai bảo tôi đi trước đi rồi từ từ nàng ra sau. Bổng từ đâu một chiếc xe Jeep dân sự của một ông chủ đồn điền người sắc tộc chạy ngang sau khi thăm rẩy về. Chúng tôi xin ông cho có dan thì ông ta đồng ý ngay. Ông bảo hai người làm công đi xuống để có chổ chở cả gia đình tôi. Xe chạy mất 30 phút thì đến Quốc lộ L.21, Ông bảo chúng tôi xuống vì Khánh Dương cách đây chỉ có 2 cây số phía trước mặt. Thật Chúa là Đấng sắm sẳng phương tiên cho chúng tôi đi ra. Nếu không có ông này thì không tài nào vợ tôi đi nổi đoạn đường gập gềnh dài 30 phút lái xe như thế. Có thể phải ngủ thêm một đêm trong rừng trong sự hồi hợp và lo lắng.
Nhìn thấy Khánh Dương phía trước đông đảo người và xe. Vì chỉ cách có 2 cây số đường nhựa. Chúng tôi hăng hái bước đi nhanh vì biết đã thoát nạn. Mai vui vẻ bước bên tôi và hình như chân nàng đã hết đau, 20 phút sau thì chúng tôi đến trung tâm quận. Nhìn thấy các anh em pháo binh, biệt động quân và nhiều lính bộ binh của Sư Đoàn 23 đi nhởn nhơ trên đường. Có trên hàng chục chiếc xe đò từ Tuy Hoa,Nha Trang vô để chở dân tỵ nạn ra khỏi Khánh Dương. Chúng tôi đến bến xe đò, làm thủ tục an ninh tại chổ để được đưa ra Nha Trang. Nhìn thấy trong mấy trang trước có tên thiếu tá Kiệt. Ông đã tới đây trước chúng tôi một ngày rồi. Đến 11 giờ sáng thì thủ tục hoàn tất, chúng tôi vội vả lên xe đò ra Nha Trang, không dám chần chờ giây phút nào hết. Lên xe thì gặp lại anh lính đã giúp cổng Ru-tơ lên đồi. Anh xin mua cho anh một gói thuốc hút. Chúng tôi cũng không quên cám ơn anh thật nhiều. Trong khi chờ xe chạy, tôi quan sát thấy hầu hết các hàng quán đã đóng cửa. Họ di tản ra Nha Trang hết rồi chăng? Chỉ còn lại những thành phần lính tráng hổn hợp cùng với những người của chánh quyền địa phương.
11:30 sáng
Xe đò chở chúng tôi khởi hành ra Nha Trang. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Bây giờ mới thật sự biết mình còn sống. Khi xe đi qua đèo Phụng Hoàng thì thấy một đoàn xe GMC chở đầy lính dù đi ngược vào Khánh Dương, kéo thêm 7 khẩu đại bác 105 ly. Được biết đó là Lữ Đoàn 3 dù được kéo về từ Quảng trị đến án ngữ đèo Phượng Hoàng, chặn đưởng tiến quân của địch đánh vào Nha Trang.Mọi người trên xe vổ tay hoan hô chào đón lính dù với tấm lòng tri ân và hân hoan. Riêng tôi thầm nghĩ và thương xót cho các anh lính dù đi vào mà không có ngày đi ra! Chúa ơi cứu giúp họ với.
16:00 giờ thì xe chở chúng tôi về đến Ninh Hoà. Bước xuống xe, có những nam nữ học sinh trường trung học tình nguyện đón đưa ân cần săn sóc. Có một cô nhìn thấy vợ tôi choàng khăn hôi thối, quần áo rách nát. Cô khóc và tặng cho một bộ đồ còn tốt để thay đổi khiến chúng tôi rất cảm động. Chúng tôi ở Tuy Hòa một đêm và ngày hôm sau được chở đến trại Nhật Tảo / Nha Trang. Tại đây, chúng tôi gặp lại một số anh em trong đơn vị song cũng thấy buồn vì chỉ có tôi và vài người nửa còn đủ gia đình mà thôi! Họ nhìn chúng tôi mà không nói năng chi! Vì buồn hay ganh tức chăng? Tôi chỉ biết cầu nguyện cho những gia đình thất lạc chưa ra được đến Nha Trang.

Xem tiếp Phép lạ 11 / Bài số 12 Những ngày ở Nha Trang
https://www.facebook.com/groups/747598136286233/?multi_permalinks=941591893553522&ref=share