GẠO LỨC MUỐI MÈ (bác sĩ Lê Ánh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Phương pháp điều trị bệnh tật bằng cách ăn Gạo lức Muối mè được gọi là “Phương Pháp Trường Sinh” (Macrobiotics) ra đời bởi giáo sư người Nhật Georges Ohsawa, tên thật là Sakurazawa Nyoichi (1893-1966), mà bây giờ, người ta vẫn quen gọi là Phương pháp Trường sinh Ohsawa.

Phương pháp này được ứng dụng khá rầm rộ tại Nhật Bản vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến, sau thời gian hai quả bom nguyên tử nổ tại Hiroshima và Nagasaki, với rất nhiều người sống dở chết dở vì nhiễm chất phóng xạ. Đặc biệt hơn, năm 1982, một số tờ báo có uy tín trên thế giới như tờ Paris Match ở Pháp, tờ Life ở Mỹ, tờ Atarashiki Sekaia ở Nhật đồng loạt đăng tải về một nghiên cứu của bác sĩ Anthony Sattilaro, Bệnh viện Methodist, Philadelphia ở Hoa Kỳ đã chữa lành bệnh ung thư xương bằng cách ăn gạo lứt muối mè, thì Phương pháp Trường sinh Ohsawa trở nên phổ biến rộng rãi. Tiếp theo đó, phương pháp Ohsawa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là một phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh.

Ta thử tuần tự xem những lợi ích sức khỏe của Hạt Mè và Gạo Lức đã giúp trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh tật cho con người như thế nào.

Những lợi ích sức khỏe của Hạt Mè:

Hạt mè cung ứng cao lượng Copper . Copper làm giảm sự phù nề và đau đớn trong bệnh phong thấp (Rheumatoid arthritis), có lợi trong sự viêm tấy. Copper cũng trợ giúp hệ thống mạch máu và xương cốt phát triển tốt.

Magnesium trong hạt mè giúp làm dịu bớt cho những bệnh nhân bị cơn suyễn ác tính, làm giảm bớt cơn đau nhức nửa đầu (migraine). Magnesium làm hạ bớt trong cao huyết áp.

Calcium trong hạt mè che chở tế bào ruột già tránh được những hóa chất tạo ung thư. Calcium ngừa được đau nhức nửa đầu (migraine). Calcium chống được loãng xương.

Hạt mè cũng cung cấp Manganese và Tryptophan, Iron, Phosphorus, và Zinc, Vitamin B1 và Vitamin E.

Hạt mè chứa Sesamin và Sesamolin, những chất thuộc trong nhóm các chất xơ được gọi là Lignants. Lignants làm hạ cholesterol trong máu. Sesamin cũng che chở gan khỏi bị tổn thương oxýt hóa.

Hạt mè bảo vệ cơ thể con người lọai những gốc tự do (free radicals), những thành phần có thể gây bệnh ung thư.

Qua nhóm nghiên cứu Arthritic Association, người ta nhận thấy lợi ích sức khỏe cao nhất trong hạt mè và mầm lúa mì được tìm thấy là chất Phytosterols. Phytosterols làm hạ cholesterol trong máu, tăng cường sinh lực tim mạch, nâng cao sức đề kháng cơ thể và giảm nguy cơ ung thư. Lượng Phytosterol trong hạt mè: 400-413 mg/100grs.

Dầu Mè làm từ Hạt Mè rang sơ rồi đem ép nhưng không lọc, không tẩy màu và mùi.

Một nghiên cứu được thực hiện ở Úc năm 1992 đã đưa ra chứng cớ rằng Oleic acid có thể làm giảm Serum Cholesterol. Dầu mè có khoảng 50% Oleic Acid.

Theo các bác sĩ Ayurveda, tại các Trung tâm Y khoa ở Karachi, Ấn Độ, các bác sĩ đã dùng Dầu Mè để làm tan mỡ trong các mạch máu của tim. Gần đây, bác sĩ Karach đã tường trình một nghiên cứu trước Hội Nghị All-Ukrainian. Tham dự Hội Nghị có nhiều bác sĩ chuyên khoa ung thư, các nhà vi khuẩn học thuộc Hội Khoa Học USSR. Bác sĩ Karach giải thích tiến trình chữa lành bệnh tim mạch bằng cách dùng dầu mè ép (cold pressed sesame oil). Liệu pháp dầu mè có tác dụng cả phòng bệnh lẫn chữa bệnh.

Những lợi ích sức khỏe của Gạo lức:

Gạo lức (brown rice) là một loại gạo chỉ xay bỏ trấu tức vỏ hột lúa chứ không bỏ mầm và cám của hạt gạo bên trong. Quá trình chuyển biến từ gạo lức trở thành gạo trắng đã phá hủy mất 67% sinh tố B3, 80% sinh tố B1, 90% sinh tố B6, mất một nửa lượng manganese, một nửa lượng phosphorus, 60% chất sắt, và hầu hết chất xơ và những chất béo cần thiết cho cơ thể con người. Nhiều nghiên cứu khoa học gần đây cho biết những thực phẩm có nhiều chất xơ như gạo lức và các loại đậu khác có nhiều lợi ích cho sức khỏe:

Gạo lức có nhiều chất Manganese. Manganese rất cần cho sự biến dưỡng cấu trúc xương cốt và dinh dưỡng. Nó cũng cần cho sự hấp thụ Calcium, điều hòa lượng đường trong máu, sự biến dưỡng các chất béo và chức năng của tuyến giáp. Manganese là một chất dinh dưỡng cần thiết của cơ thể.

Gạo lức giàu chất Sắt (iron). Trong cơ thể con người, sắt chuyển dưỡng khí (oxygene) đến tế bào máu (blood cells).

Selium trong gạo lức có khả năng làm giảm thiểu ung thư và mắt cườm. Nó cũng giúp trong sự biến dưỡng của tuyến giáp. Selium cũng còn bảo vệ cơ thể ngăn ngừa được các gốc tư do đầy nguy hiểm (dangerous free radicals).

Niacin trong gạo lức, giữ vai trò chính trong sự điều tiết các chất kích thích tố trong nang thượng thận. Nó cũng làm giảm cholesterol xấu LDL.

Gạo lức chứa nhiều chất Magnesium, một chất giữ vai trò bảo toàn cơ thể qua hệ thần kinh, hệ xương cốt và cơ bắp. Nó rất cần thiết trong việc điều hòa nhịp tim. Magnesium cũng giúp trong sự tổng hợp protein (protein synthesis) và sự biến hóa tế bào. Trong nhiều nghiên cứu khoa học, Magnesium có khả năng ngăn ngừa được bệnh tiểu đường loại 2 và làm giảm được bệnh suyển. Nó cũng làm giảm được chứng đau nhức nửa đầu (migraine headaches).

Gạo lức giàu sinh tố E, một loại sinh tố xúc tiến hệ miễn nhiễm và rất cần thiết cho làn da của chúng ta. Nó cũng chống được viêm nhiễm. Sinh tố E là một chất chống oxýt hóa (antioxidant).

Gạo lức chứa Folacin, một chất cần thiết trong sự sản sinh hồng cầu. Nó cũng cần trong sự phát triển của não bộ và tủy sống ở bào thai.

Potassium trong gạo lức ngừa được tai biến mạch máu não (stroke). Potassium rất cần để giữ được huyết áp ổn định, cơ bắp được cường tráng. Nó ngăn ngừa các xáo trộn về tim và thận.

Thiamine trong gạo lức rất cần thiết để gìn giữ hệ thần kinh và tim mạch hoạt động điều hòa.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy những người dùng những ngũ cốc nguyên hạt (whole grains) như gạo lức làm giảm cân. Ăn gạo lức ngăn ngừa được béo phì.

Gạo lức chứa nhiều chất xơ. Chất xơ giúp điều hòa nhu động ruột, tránh được táo bón, phòng ngừa được ung thư đường ruột.

Chất dầu trong vỏ ngoài gạo lức làm giảm cholesterol xấu LDL, một chất gây nên bệnh tim mạch cho con người.

Photonutrients trong gạo lức là nguồn lợi ích cho sức khoẻ. Phenolics, một thành phần của Phytonutrients, là chất chống oxýt hóa. Lignants, cũng là một loại của Phytonutrients, ngăn ngừa được ung thư và các bệnh về tim mạch.

Inositol hexaphosphate (IP6) còn được tìm thấy trong gạo lức. IP6 hổ trợ trong sự biến hoá Insulin và Calcium; kích thích sự tăng trưởng của tóc, cùng sự biến hóa tế bào tủy xương và sự phát triển các màng của mắt. IP6 giúp gan chuyển hóa mỡ đến các bộ phận trong cơ thể.

Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA) thường nhấn mạnh đến nhóm ngũ cốc nguyên hạt (whole grains), như gạo lức, là thành phần chủ yếu trong chế độ dinh dưỡng. Gạo lức cung cấp nhiều thành phần carbohydrate, vitamin nhóm B, chất xơ, chất dầu, sắt, kali, kẽm, các yếu tố vi lượng và chất khoáng, được tìm thấy nhiều ở phần bọc ngoài của hạt gạo lức. Một cúp gạo lức nấu chin cung cấp khoảng 230 calories, 3,5 gram chất xơ, 5 gram chất đạm, 50 gram carbohydrate và các chất sinh tố Vitamin B6, B1, B2, B3, Folacin, Vitamin E, cùng các chất khoáng khác. Nhiều nghiên cứu khoa học cho biết chất xơ trong gạo lức giúp phòng ngừa các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và bệnh tim mạch.

Gạo lức (brown rice) là một loại thức phẩm nhiều dinh dưỡng khi so sánh với gạo trắng (white rice). Tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng của gạo lức còn gia tăng hơn nữa khi gạo lức được đem ngâm trong nước ấm, lâu khoảng 22 tiếng đồng hồ.

Một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm thấy gạo lức ngâm lâu trong khoảng 22 tiếng đồng hồ vào nuớc ấm chứa rất nhiều chát bổ dưỡng vì gạo lức ở trạng thái nẩy mầm. Giáo sư Hiroshi Kayahara thuộc Đại học Shinshu (Nagano, Nhật Bản), trưởng nhóm nghiên cứu cho biết “Các enzymes trong hạt gạo ở trong trạng thái này được kích thích hoạt động và cung cấp tối đa các chất dinh dưỡng.” Theo giáo sư Kayahara, “Mầm gạo lức chứa nhiều chất xơ, vitamins và chất khoáng hơn là gạo lức chưa ngâm nước.” Gạo lức đã ngâm nước chứa gấp ba lần chất lysine, một loại amino acid cần thiết cho sự tăng trưởng và bảo trì các mô tế bào cơ thể con người, và chứa mười lần nhiều hơn chất gamma-aminobutyric acid, một chất acid tốt bảo vệ thận (kidney). Các khoa học gia cũng tìm thấy trong mầm gạo lức có chứa một loại enzyme, có tác dụng ngăn chận prolylendopeptidase và điều hòa các hoạt động ở trung ương não bộ. Giáo sư Kayahara nói thêm “Gạo lức nẩy mầm không những chỉ đem lại nhiều chất dinh dưỡng mà còn nấu rất dễ dàng và cung ứng cho chúng ta một khẩu vị hơi ngọt vì các enzymes đã tác động vào các chất đường và chất đạm trong hạt gạo. Gạo trắng không nẩy mầm khi ngâm như vậy.”

Một thành phần quan trọng khác là chất dầu trong vỏ ngoài của gạo lức có tác dụng giảm cholesterol trong máu, một yếu tố quan trọng gây nên bệnh tim mạch. Các nhà khoa học đã tìm thấy trong chất cám bọc ngoài hạt gạo lức có chất dầu tên là tocotrienol factor (TRF) có tác dụng khử trừ những chất hóa học gây nên hiện tượng đông máu và đồng thời giảm cholesterol. Bác sĩ Asaf Qureshi thuộc viện đại học Wisconsin, Hoa Kỳ đã thử nghiệm TRF trên một số người và cho kết quả giảm cholesterol từ 12 đến 16%. Ngoài ra, trong chất cám bọc ngoài gạo lức còn có thêm một chất khác có khả năng chống lại chất xúc tác enzyme HMG-CoA, một chất có khuynh hướng giúp gia tăng lượng cholesterol xấu LDL.

Một nghiên cứu được đăng tải trên tờ báo American Journal of Clinical Nutrition nhấn mạnh sự quan trọng của sự dùng ngũ cốc nguyên hạt (whole grains), như gạo lức trong các bữa ăn để giảm trọng lượng cơ thể. Nghiên cứu của trường Y khoa Đại học Harward thực hiện trên 74.000 nữ y tá khoảng tuổi từ 38 đến 63 trong thời gian 12 năm liền. Nhóm nữ y tá dùng gạo lức được giảm cân là 49% so với nhóm dùng gạo trắng.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học thì chất xơ trong gạo lức giúp phòng ngừa các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và bệnh tim mạch. Viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ khuyến cáo nên dùng 25 gram chấc xơ mỗi ngày. Với mõt cúp gạo lức cung cấp 3,5 g, trong khi đó một cúp gạo trắng chỉ có 1g.

Chính vì những lợi ích về sức khỏe, gạo lức là một loại thực phẩm nhiều dinh dưỡng khi so sánh với gạo trằng. Các nghiên cứu khoa học cho thấy những thành phần chứa trong gạo lức giúp cho việc phòng ngừa các bệnh thuộc hệ tiêu hóa và tim mạch. Để giảm cân, có hệ tiêu hóa hoạt động tốt và giảm cholesterol-huyết, nhiều người đã chọn gạo lức thay vì gạo trắng.

Trong những năm 2007-2008, Thầy Thích Tuệ Hải ở Việt Nam có trình bày những báo cáo về “Hiệu nghiệm của Phương Pháp Dưỡng Sinh” và “Phát biểu kết quả Dưỡng Sinh 2008”. Và gần đây, ngày 05 tháng 05 năm 2012, Thầy Thích Tuệ Hải cũng đã trình bày trong một buổi nói chuyện về “Phòng và Trị bệnh Tiểu Đường theo phương pháp Dưỡng Sinh” tại Như Lai Thiền Tự, Phoenix, Arizona, Hoa Kỳ. Trong các buổi nói chuyện này, một số bệnh nhân tự thuật đã được lành bệnh Tiểu Đường sau khi áp dụng Phương Pháp Dưỡng Sinh Ohsawa dùng Gạo Lức Muối Mè do Thầy Tuệ Hải hướng dẫn.

Cách Nấu Gạo lức và Rang Mè:

Thường trên mỗi bao gạo lức có ghi chỉ dẫn cách thức nấu gạo lức. Với loại gạo lức (brown rice) thông thường, cứ 1 cúp gạo lức cần 2 cúp nước và khi chin sẽ cho khoảng 3 cúp cơm. Sau khi đãi sạch gạo, đổ chung với lượng nước tương ứng, đặt vào nồi cơm điện, bật công tắc, chờ cho sôi đều xong là tắt cho đến khi mặt nước cạn bằng với mặt gạo thì bật công tắc lại, rồi để nó tự động tắt (lối nấu này hơi mất công, nhưng khi gạo chin thành cơm thường không bị bể hột). Thời gia nấu mất khoảng 55 phút. Cũng có thể nấu như gạo thường, nghĩa là sau khi đãi sạch gạo, đổ chung với số lượng nước tương ứng, đặt vào nồi cơm điện, bật công tắc là xong.

Rang Mè làm muối mè: Trước khi rang mè, sảy bỏ hạt lép, nhặt sạn, rửa sạch mè bỏ cát, đem phơi thật khô. Khi rang, chảo thật nóng, dùng đũa khuấy đảo đều, thấy mè nổ ran khắp lượt thì cầm chảo xoay tròn 5-7 vòng rồi đổ ra để giã. Tránh rang mè quá cháy thì đen khét, còn sống thì không thơm.

Muối tinh rang khô, trộn với mè tùy theo từng người mà có tỉ lệ mè và muối khác nhau, phụ thuộc vào tuổi tác, bệnh tật. Người lớn bình thường 8-10g mè/1g muối, người già và trẻ em 10-12g mè/1g muối. Sau đó bỏ vào cối đá (hoặc máy xay) giã (hoặc xay), không nên mịn quá, mất ngon.

Tóm lại, Gạo Lức và Hạt Mè có những lợi ích sức khỏe thật phong phú. Việc áp dụng Phương Pháp Trường Sinh Ohsawa bằng Gạo Lức Muối Mè để phòng ngừa và điều trị một số bệnh tật xem ra có hiệu quả qua một số trường hợp, với một số liệu còn quá khiêm nhường. Tuy nhiên, để kết luận rằng Gạo Lức Muối Mè chữa được nhiều bệnh như Tiểu đường hay Ung thư, cần có một công trình nghiên cứu tỉ mỉ, sâu rộng trên nhiều bệnh nhân, với những bệnh nhân đối chứng nhằm đánh giá khách quan chứ không thể chỉ dựa vào vài trường hợp để khẳng định rằng cứ bị Tiểu đường hay Ung thư mà ăn Gạo lức Muối mè thì lành bệnh.

Thêm một vấn đề nữa cũng không kém phần quan trong là việc ăn duy nhất và dài hạn Gạo Lức Muối Mè có thể dẫn đến cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, nhất là các vị cao niên có hệ tiêu hóa hấp thụ kém hoặc những người có cơ thể suy nhược, thiếu dinh dưỡng lâu ngày do bệnh tật (như bệnh đường tiêu hóa hoặc một chứng bệnh mãn tính khác). Để đạt được quân bình cho cơ thể, hãy dùng Gạo Lức (nấu cơm, ăn với nhịp độ bình thường) Muối Mè (10 phần mè, 1phần muối – có thể gia giảm muối để thích hợp với khẩu vị), từng đợt (khoảng 10 ngày hoặc lâu hơn) tùy theo tính chất của mỗi bệnh tật; và nếu thời gian kéo dài, các bữa ăn cần phải được dùng thêm rau củ, đậu hạt, rong biển, thịt súc vật nuôi bằng thực phẩm thiên nhiên và dùng càng ít càng tốt (10% toàn bữa ăn, tuần 2 lần), cá có thể dùng hằng ngày, nên chọn cá nhỏ thịt trắng, trứng (5 quả trứng /1 tuần lễ), nhưng với một giới hạn vừa phải và cần thiết.

Tài liệu tham khảo:

1- www.whfoods.com/genpage.php?tname=foodspice&dbid=128

2- www.youthingstrategies.com/results.htm

3-  www.livestrong/article/448506-what-is-inositol-phosphate

4-  vnthuquan.net/diendan/tm.aspx=42115

5-  www.Kushi institute.org/html/what-is-macro.htm

6-   Phương Pháp Ohsawa.Nguyễn San Hà.15/3/2012,USA

 Bác sĩ LÊ ÁNH