DUYÊN TIỀN ĐỊNH-LÊ VĂN KHOA & UKRAINE (Vương Trùng Dương)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

This image has an empty alt attribute; its file name is lvk-1.jpg

Lời Giới Thiệu: Giáng Sinh năm 1991, Liên Xô tan rã, Ukraine là một trong mười lăm nước được tách khỏi ách thống trị độc tài của Cộng Sản Liên Xô. Ukraine được hồi sinh trong nền tảng tự do và được gọi là xứ sở hoa hướng dương.

Trong ba thập niên qua, người Việt hải ngoại ít biết nhiều về về đất nước nầy, nhưng trong đó có nhạc sĩ Lê Văn Khoa, qua âm nhạc coi như “duyên tiền định”, và niềm hãnh diện với anh cũng như người Việt lưu vong sau ngày mất nước với Quốc Ca VNCH do anh hòa âm cho ban Quân Nhạc cùng những sáng tác của nhạc sĩ được vang vọng trên đất nước hoa hướng dương.

Ngày 24 tháng 2/2022, Putin xua đạo quân xâm lăng đất nước Ukraine, hình ảnh vị nguyên thủ quốc gia Zelensky, chính quyền, toàn quân, toàn dân với tinh thần bất khuất, lòng yêu nước cao độ đã dũng cảm, đồng lòng bất chấp hiểm nguy để chống trả quân xâm lăng, với quyết tâm “một mất một còn” phải bảo vệ lãnh thổ. Trong thế giới tự do, hàng triệu triệu người đều ngưỡng mộ, thán phục.

Vào giữa tháng 3 năm 2022, nhạc sĩ Lê Văn Khoa xuất hiện trong chương trình Jimmy Show, tuy đã vào tuổi chín mươi nhưng trông người nghệ sĩ vẫn quắc thước, minh mẫn và mang hình ảnh lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trên chiếc cravatte thể hiện con người tâm huyết lý tưởng Quốc Gia, Dân Tộc.

Trong các bộ môn giải trí, từ thời chinh chiến tôi thích nhiếp ảnh, âm nhạc… vì nó gắn liền với cuộc sống. Sau nầy được gặp nghệ sĩ Lê Văn Khoa, người đã từng nổi danh với các giải thưởng trên thế giới cũng là cơ hội để học hỏi thêm.

Với sự quý mến đó, qua chương trình talk show, xem được qua Youtube, nhạc sĩ Lê Văn Khoa typset trên Microsoft Word đã phổ biến trên vài website, tôi edit lại với các hình ảnh kèm theo trong bài viết 15 trang và hình ảnh.

Vương Trùng Dương 5/5/2022

 

Sự gắn bó giữa tôi và Ukraine là một huyền nhiệm không hề được sắp đặt trước. Khi đại tấu khúc Việt Nam 1975 của tôi được Pacific Institute Orchestra trích diễn năm 1995 ở phòng hòa nhạc Sergerstrom Performance Center trong khu thương mại của South Coast Plaza, California, tất cả báo chí lớn nhỏ của Hoa Kỳ từ Los Angeles trở xuống phía Nam đều có bài nhận định thuận lợi.Tôi nghĩ phải thu bài nhạc này vào CD để làm tài liệu cho thế hệ sau. Lúc bấy giờ tôi làm cố vấn cho Pacific Symphony Orchestra để họ làm chương trình đánh dấu 20 năm sau chiến tranh Việt Nam. Họ đã biết tôi có viết nhạc, nên khi tôi ngỏ ý nhờ họ giúp thực hiện CD, họ nhận lời ngay. Họ cho biết phải thu thanh trong ba ngày, chi phí tối thiểu cho ban nhạc là 120.000 đô-la, chưa kể tiền thuê phòng thu và chuyên viên thu thanh. Sau khi suy nghĩ tôi cám ơn họ nhưng không thể có tiền để đi tới.

Tôi tạm coi Hoa Kỳ như là trung tâm của địa cầu. Tôi không thành công ở trung tâm thì bước kế là xuống tận phương Nam để thử thời vận. Tôi xuống Úc và liên lạc với ban chấp hành của dàn nhạc giao hưởng Sydney. Cuộc gặp gỡ rất tốt. Họ yêu cầu tôi để nhạc lại cho họ nghiên cứu rồi cho tôi biết sau. Chờ đợi trong nhiều tháng vẫn không có âm tín gì. Rồi sau đó mất liên lạc luôn. Ở trung tâm không xong, xuống phương Nam không kết quả, tôi nghĩ thầm bây giờ sẽ lên tận phương Bắc.

May mắn có Giáo sư Tiến sĩ Vũ Tôn Bình biết sự bối rối của tôi nên mách tôi liên lạc với Kyiv (Kiev) Symphony Orchestra ở Ukraine. Tôi làm theo, viết điện thư cho Kyiv Symphony Orchestra rồi chờ đợi nhiều tháng, mỗi ngày duyệt điện thư hai ba lần mà vẫn chẳng thấy tăm hơi nào. Trong cơn chán nản, tôi định bỏ cuộc, thì nhận được một thư rất lạ, viết bằng thứ chữ tôi không đọc được. Do dự trong nhiều tiếng đồng hồ, cuối cùng tôi quyết định mở thư ra xem. Có thể computer bị hư, mất hết tài liệu tôi giữ trong ấy, nhưng không nín được nữa. Tôi mở thư ra và suý thét to lên vì thư ấy viết cho tôi bằng thứ tiếng Anh lạng quạng lắm. Tôi trả lời ngay, ngỏ ý muốn nhờ ban nhạc thu thanh Symphony Việt Nam 1975 của tôi. Họ không trả lời nhận làm hay không, nhưng biểu tôi gửi nhạc cho họ xem trước khi quyết định. Tôi gửi nhạc qua. Họ xem và trả lời là họ nhận thu thanh. Sau khi biết tôi trên 70 tuổi, họ nói tôi không còn nhiều thì giờ, nên lo thu thanh ngay. Tôi một mặt lo xin sổ thông hành và visa, mặt khác làm việc ngày đêm để chuẩn bị cho kịp để họ in nhạc ra cho từng nhạc sĩ trong ban nhạc.

Tôi bay qua Kyiv, Ukraine, đầu tháng hai năm 2005. Tuyết vẫn còn phủ trắng khắp nơi. Tôi được ông phó nhạc trưởng ra đón ở phi trường và đưa tôi về ở nhà của ông, tầng 6 trong chung cư có rất nhiều tòa nhà. Ông sắp xếp mọi sự, thuê phòng thu thanh tại Kyiv, lớn thứ nhì trên toàn châu Âu. Ngoài sân khấu rộng có thể để hai hay ba đại dương cầm, có ghế cho độ 100 nhạc sĩ ngồi và còn chỗ cho ban hợp ca 80 người đứng hát. Bên dưới có 300 ghế gắn cứng, để khán giả ngồi xem. Mọi sự giao tiếp, liên lạc của tôi do ông sắp xếp. Nếu không có ông, tôi chẳng làm được gì vì ở Ukraine rất ít người biết nói tiếng Anh, còn tôi chẳng nói được một tiếng Ukraine nào.

Tôi may mắn được gặp nhiều nhạc sĩ xuất chúng của Ukraine. Họ là những người góp tiếng nhạc trong các CD của tôi.

Sáng hôm sau, ông Taras đưa tôi đi gặp cô nhạc sĩ violin để giao bài nhạc cho cô đàn độc tấu. Duyên gặp gỡ giữa tôi và các nhạc sĩ Ukraine bắt đầu từ đây. Tôi đinh ninh sẽ đến nhà cô để nói chuyện, không ngờ điểm hẹn là chiếc ghế trống vắng nơi công viên tuyết phủ. Thật tình tứ. Thật lãng mạn. Hình ảnh ấy gợi ý để tôi viết một chuyện ngắn với tên Nocturne. Phần đầu của câu chuyện, tôi ghi lại từng chi tiết. Phần sau thêm mắm muối nhiều.

Svyatoslava Semchuck, nhạc sĩ độc tấu violin, thu thanh nhiều nhạc phẩm tôi viết cho violin độc tấu. Chiếm giải Quán Quân Nhạc Sĩ Trẻ toàn Liên Bang Sô Viết năm 16 tuổi, chiếm giải cuộc thi quốc tế tại Đức năm 18 tuổi. Giáo Sư Violin nhạc viện Tchaikowsky ở Kyiv, Ukraine, Nga, ĐạiHàn và Nhật Bản. 

“Tôi là Svyatoslava Semchuk, một nghệ sĩ đàn vĩ cầm (Violon) thành danh ở Ukraine. Tôi rất cảm ơn số phận đã đưa chúng tôi biết đến một nhạc sĩ và là soạn nhạc gia tuyệt vời Lê Văn Khoa.

“Ông là một người hết sức linh hoạt, giàu kiến thức và có đời sống tâm linh phong phú. Tôi rất may mắn có cơ hội trình diễn một số nhạc phẩm của ông, đặc biệt là các nhạc phẩm “Nocturne”, “Romance”, và một số tác phẩm khác của người nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng này. 

“Tôi muốn nói ông là một người có nhiệt tình và khả năng làm việc phi thường với một  tâm hồn phong phú. Âm nhạc của ông bao quát các kiến thức và kinh nghiệm của những người làm việc chung với ông.

“Trong nhạc phẩm “Nocturne”, ông kết hợp chủ nghĩa siêu biểu hiện với chủ nghĩa lãng mạn, đó là sự hòa quyện Chopin và âm nhạc Âu Châu. Đó là những dòng nhạc phong phú một cách diệu kỳ, tinh tế và tươi sáng.  Nó cho ta thấy âm nhạc không có biên giới mà đó chính là ngôn ngữ của thế giới.

“Tôi khuyến khích các bạn nên đến các buổi hòa nhạc của Lê Văn Khoa. Khi trực tiếp nghe nhạc của ông, bạn sẽ thấy một độ sâu thẳm, một nguồn cảm xúc tuyệt vời của sự hiệp nhất tinh thần. Ai cũng sẽ tìm thấy một cái gì đó mới lạ trong âm nhạc của ông.

Lyudmila Chychuk là Giáo sư Nhạc Thính Phòng của trường dành cho trẻ em có biệt tài về âm nhạc, và là nhạc sĩ Piano trình diễn độc tấu. Năm 17 tuổi cô thắng giải thưởng sáng tác nhạc Young Composers of The Republic. Đoạt giải Người Đệm Đàn Xuất Sắc trong cuộc thi quốc tế năm 2001-2002. Lyudmila đã thu thanh tập nhạc piano của tôi. Sau đó cô đem nhạc của tôi đi trình diễn ở nhiều nơi, nhờ cô giới thiệu nên có nhiều trường nhạc ở Ukraine đã dạy nhạc của tôi. 

Khi qua Mỹ nhiều năm trước, cô ở nhà tôi, thấy các con gọi tôi là bố, cô xin phép được gọi tôi là bố như các con tôi. Do đó cô trở thành con tôi. Mối tình bố con này rất lạ. Cô thấy trong nhạc piano của bố Khoa có sự hấp dẫn đặc biệt nên dùng cho chương trình biểu diễn piano của cô. Cô tâm tình: “Bên cạnh nhạc kinh điển, tôi còn thêm nhạc lãng mạn, ví dụ như nhạc của Schubert, hoặc những bản nhạc nổi tiếng của Chopin. Và ngay sau phần trình diễn những danh phẩm này thì những nhạc khúc của Lê Văn Khoa được trổi lên. . . 

Khi tôi có một buổi hòa nhạc ở Vienna, Áo, tôi cũng đã trình diễn nhạc của Lê Văn Khoa cho các khán giả của Vienna. Không ngạc nhiên khi nhiều người tìm gặp tôi sau buổi biểu diễn. Họ đã có những nhận xét khá thú vị. Họ nói: ‘Chưa bao giờ chúng tôi có cơ hội nghe bản nhạc piano lý thú đến như thế tại một buổi hòa nhạc cổ điển’.Thực tế mỗi khi tôi đưa một trong những tác phẩm của Lê Văn Khoa lên Internet, tôi thấy thính giả khác nhau đã nghe nó. Và có lần một nghệ sĩ Piano người Ý tên Andrea Bambace, viết thư cho tôi: “Bạn tìm thấy bản nhạc tuyệt vời này ở đâu thế? Ước gì tôi cũng có được để chơi thử.”

“Tôi trả lời tôi không có bản ký âm vào lúc đó và cách hay nhất là ông ấy nên trực tiếp hỏi thẳng Lê Văn Khoa. Như tôi biết, ông ấy đã viết thư tới ông Khoa và đã nhận được trả lời. 

“Andrea Bambace là Nhạc sĩ độc tấu Piano quốc tế,Giáo sư Piano nhiều nhạc Viện Ý và các quốc gia Âu Châu,Giám khảo nhiều cuộc thi trình diễn dương cầm quốc tế. Ông viết:“Bài Piano Solo Cây Trúc Xinh của Lê Văn Khoa rất hay, rất êm dịu. Nó hấp dẫn vô cùng cho tôi là một người Ý. Nó tràn đầy tính chất khêu gợi. Tôi rất thích bài nhạc này.”

“Nhiều người quan tâm tới loại nhạc này bởi vì nó mang đến một làn gió mới, hết sức thú vị, khác biệt so với văn hóa của chúng tôi, văn hóa châu Âu.”

Bây giờ hãy nghe bà Alla Kulbaba, Nhạc Trưởng chính của Ukrainian National Opera, Nhạc Trưởng của Kyiv Symphony Orchestra, đi trình diễn khắp thế giới. Bà đã chiếm giải thưởng Nhạc Trưởng Xuất Sắc. Đã thu thanh nhiều CD nhạc giao hưởng của Lê Văn Khoa từ năm 2005.

Bà phát biểu: “Tôi đã thu thanh cho Lê Văn Khoa nhiều lần trong nhiều năm. Tôi đã gặp ông cách đây 11 năm khi ông đến Kyiv lần đầu tiên (2005). Chúng tôi đã ghi âm bản nhạc giao hưởng của ông.

Với tôi, đó là một khám phá tuyệt vời, bởi vì tất cả sức mạnh và sự vĩ đại của dân tộc Việt Nam được biểu lộ trong những nét nhạc của bản giao hưởng đặc biệt này [Symphony Vietnam 1975]. Những đoạn về chiến tranh Việt Nam và cuộc đấu tranh của người Việt được diễn tả thật tuyệt diệu. 

 

Âm nhạc của ông Khoa có thể được nhận ra dễ dàng bởi các yếu tố sau đây:

– Nhạc của ông trần đầy ánh sáng, sự ấm áp và lòng nhân hậu. Những nét nhạc lạc quan khiến ta phải nghe một mạch không ngừng, và tâm hồn bỗng thấy êm ả hơn.

– Tính dân tộc luôn hiện diện trong âm nhạc của ông. Đây là điểm hết sức đặc biệt.

Mỗi lần chúng tôi thu thanh nhạc của Lê Văn Khoa thì luôn nhận thấy tiết nhịp và tính chất rất riêng trong âm nhạc của ông.

Mọi chi tiết trong âm nhạc của ông thật rõ ràng nên khi làm việc với ông thì thật khoan khoái. Việc thu thanh tác phẩm của nhà soạn nhạc Việt Nam (mặc dù ông đang sống tại Mỹ) đã giúp đưa hai dân tộc Việt Nam và Ukraine gần lại với nhau. 

Dường như chẳng hề có khoảng cách thời gian, năm, mười năm giữa các cuộc gặp gỡ của chúng tôi với nhà soạn nhạc, bởi vì âm nhạc của ông đã gắn kết tâm hồn chúng tôi. Tất cả các nhạc sĩ chúng tôi luôn luôn hào hứng tham gia vào việc thu thanh nhạc của ông.”

Yuri Ogoretsky là nhạc sĩ độc tấu Cello chiếm nhiều giải thưởng quốc tế và là thành viên của ban Kyiv String Quartet, Ukraine, từng trình diễn khắp Âu châu.

“Tôi xin có đôi lời về một con người tuyệt vời, là nhà soạn nhạc tài danh Lê Văn Khoa. Chúng tôi đã làm việc với nhau từ năm 2005. Có một điều quan trọng trong những sáng tác của ông: Ông rất giỏi về ngôn ngữ âm nhạc. Đó là thứ ngôn ngữ không biên giới.

Ngôn ngữ âm nhạc của ông rất rõ ràng và dễ hiểu, nhờ đó hai quốc gia Ukraine và Việt Nam gặp nhau. Vì vậy, chúng tôi đã thu thanh các tác phẩm của ông. Tôi muốn nhắc tới một đoản khúc đã thu thanh có tên “Ký Ức”. Là một nhà soạn nhạc, ông ấy rất nhạy cảm với các nhạc cụ – trong trường hợp này là đàn Cello. Điều này thể hiện cả trong phần nhạc độc tấu và bản tổng phổ của ông.

Tôi rất vui mừng và đầy ấn tượng về những nhạc khúc chúng tôi đã thu thanh tại phòng thu của Kyiv. Một dàn nhạc quy mô là Kyiv Symphony Orchestra được dùng để thực hiện dự án này. Cho tới tận hôm nay, tôi vẫn thấy ấm lòng mỗi khi nhớ lại thời khắc ấy, công việc ấy, tình thân ấy, và dĩ nhiên, những dòng nhạc tuyệt diệu ấy.”

Irina Starodub là thần đồng âm nhạc Ukraine. Năm 14 tuổi đã đi trình diễn vòng quanh nước Pháp, đã từng chiếm giải thưởng trong cuộc thi tài bên Nga, hiện là giáo sư Piano cho nhạc viện National Tchaikowsky Conservatory ở thủ đô Kyiv, Ukraine. 

Thật thích thú được là bạn của nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Tôi đã trình diễn nhiều nhạc phẩm đa dạng tuyệt vời của ông, khi đơn tấu, lúc độc tấu với dàn nhạc và song tấu với piano. 

Tôi đã thu tanh toàn bộ đĩa CD Piano của ông ở Mỹ. Với tôi, đó là vinh dự lớn lao bởi vì nhạc của ông thật ấm áp, nhân hậu và sâu thẳm.

Tôi đã cố gắng truyền đạt cho khán giả Ukraine và Hoa Kỳ (tôi muốn nói, những người Mỹ gốc Việt) về tấm lòng cao thượng của ông Khoa và tình yêu ông dành cho đất nước của ông. Nhạc của ông thật du dương, thật đẹp và chứa đầy nỗi u hoài thương nhớ quê hương. Đó là những gì tôi nghe và cảm nhận được trong những nhạc khúc của ông.

Tôi xin cảm ơn đất nước Việt Nam đã “sinh ra” một nhà soạn nhạc tuyệt vời. Thông qua âm nhạc của ông, chúng tôi hiểu thêm tâm hồn của các bạn, bản chất, lòng tốt, vẻ đẹp của các bạn bằng sự rung cảm rõ ràng và sâu xa.

Tôi hy vọng sự hợp tác giữa Ukraine và Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và cải thiện theo thời gian. Nhờ các dự án âm nhạc như vậy và nhờ nghệ thuật, chúng ta sẽ đến gần nhau hơn và tìm thấy các giá trị chung. 

Các bạn Việt Nam thân mến, tôi chân thành cảm ơn vì đã vinh dự gặp tận mặt ông Lê Văn Khoa và qua các tác phẩm của ông, tôi biết thêm chút ít về nền văn hóa tuyệt diệu của các bạn. Đối với cá nhân tôi, đó là một điều mới mẻ và tôi muốn nói những lời cảm ơn đến tất cả các bạn vì văn hóa của các bạn quá trong sáng, đầy màu sắc, tinh tế và là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho chúng tôi.”

Bên trên là một số ghi nhận nét nhạc theo khuynh hướng Tây phương của tôi. Nhớ lại ý niệm ngày xưa, tôi vói qua khía cạnh dân nhạc Ukraine. 

Violetta Dutchak là Tiến Sĩ Nghệ Thuật, Tiến Sĩ Văn Chương, Giáo Sư Khoa Trưởng Phân Khoa Âm Nhạc và Nhạc Khí Dân Tộc, trường Đại Học Quốc Gia Prykarpattya (Vasyl Stefanyk Precarpathian National University). Bà đã đi xe lửa 8 tiếng đồng hồ từ trường học ở miền Tây đến Kyiv để gặp Lê Văn Khoa và tiếng đồng hồ rồi lên xe lửa trở về trường mất 8 tiếng đồng hồ nữa, cho kịp giờ dạy hôm sau. Bà nói:

“Tôi sống tại thành phố Ivano-Frankivsk (miền Tây Ukraine). Tôi là một nhạc sĩ chuyên về đàn Bandura, đồng thời giảng dạy và nghiên cứu về đàn này. Đối với tôi, nghệ thuật đàn Bandura vừa là bộ môn trình diễn nghệthuật vừa là chuyên ngành nghiên cứu khoa học.

 “Mấy năm trước, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Kateryna Mironyuk, tôi nhận được một số nhạc phẩm của nhà soạn nhạc Việt Nam Lê Văn Khoa. Đó thật là một khám phá mới lạ, một cú sốc văn hóa. Từ trước tôi cứ ngỡ chỉ có âm nhạc Ukraine đặc biệt cho đàn Bandura mới thích hợp để trình diễn theo phong cách âm nhạc Tây Phương. Nhiều bản nhạc Tây Phương đã được viết lại để trình tấu với đàn Bandura nhưng tỏ ra không thích hợp với nhạc cụ này. Vậy mà những bản nhạccủa Lê Văn Khoa đã vượt qua được thử thách ấy và trở thành những bản nhạc bổ túc cho các nghiên cứu khoa học của tôi.

 

“Nghệ thuật của Lê Văn Khoa là sự kết hợp giữa âm nhạc Âu Châu và âm nhạc Đông Phương.  Trước tiên, tôi rất kinh ngạc bởi cách sử dụng được sắc điệu rất riêng của đàn Bandura. Sắc điệu là một trong những đặc tính chủ yếu của nhạc cụ này bởi vì đàn Bandura khởi thủy là loại đàn 7 nốt, nó tạo nên những âm sắc đặc biệt cho âm nhạc Ukraine.Vậy mà ngũ cung (pentatonic) và những âm giai lạ lùng với chúng tôi lại được Lê Văn Khoa áp dụng vào trong những bản nhạc soạn cho đàn Bandura để trình tấu trong dàn nhạc giao hưởng. Những bản nhạc ấy là bước đi tiên phong trong việc kết nối và giúp cho các nền văn hóa giao thoa với nhau.

“Ngày nay, người ta thường nói về việc “tổng hợp” các nền văn hóa. Nhưng trong luận án của tôi, tôi dùng chữ “hội tụ”.  Đó là sự thâm nhập sâu xa những yếu tố văn hóa đã kết hợp một cách tự nhiên từ trước. Đối với tôi, những bản nhạc soạn cho đàn Bandura của Lê Văn Khoa quả là biểu tượng cho sự hội tụ này, cho sự kết hợp các quốc gia lại với nhau.

“Nói chung, một nhạc khí nói lên tính cách văn hóa của một quốc gia, một dân tộc; đó là dụng cụ thể hiện cảm tình và một số những sở thích nội tâm. Khi chúng tôi trình diễn những bản nhạc của soạn giả Việt Nam với đàn Bandura thì chúng tôi có cơ hội được hiểu biết và thông cảm với dân tộc Việt Nam.”

Taras Stolyar là Nhạc Sĩ đàn Bandura, một Nghệ Sĩ Ukraine từng được giải thưởng. Ông là Nhạc Trưởng dàn Bandura trong Ban Nhạc Khí Dân Tộc Hàn Lâm Quốc Gia Ukraine. Ông nhận xét về kỹ thuật viết nhạc của Lê Văn Khoa cho đàn Bandura như sau:

“Tôi được vinh dự thực hiện một trong những nhạc phẩm của ông Lê Văn Khoa. Chúng tôi vừa thu thanh bài “Lý Ngựa Ô” do ông viết cho đàn Bandura với dàn nhạc giao hưởng. Tôi phải nói rằng sự hợp tác này hết sức thú vị. Âm nhạc của ông hoàn toàn khác với những gì chúng tôi dùng trước đây với đàn Bandura.“Bandura là một nhạc khí của quốc gia Ukraine vậy mà ở đây tôi trình tấu một bài dân ca Việt Nam. Âm thanh đàn Bandura trong nhạc khúc này nghe rất thuần túy, rất thanh thoát. Ông đã viết cho đàn trình diễn với các bộ giảm chấn khác nhau và với phong cách khác thường. Nhà soạn nhạc rất can đảm khi sử dụng nhạc cụ này, ngay cả các nhạc sĩ Ukraine cũng không mấy ai có thể áp dụng đàn Bandura một cách thú vị như thế. Hơn nữa, lại còn phải tạo âm thanh cho thật gần với âm nhạc truyền thống Việt Nam. Với tôi, dường như ông Khoa đã biết cách làm được tất cả những điều ấy.

“Đàn Bandura ngày nay được kể là “đồ cổ” trong nhạc khí thế giới. Qua sự cộng tác giữa chúng tôi, các tấu khúc của nhạc sĩ Lê Văn Khoa (ông đã viết nhiều tấu khúc cho đàn Bandura) rất có giá trị cho lịch sử của đàn Bandura nói chung. Khi tấu lên những cung điệu khác, đàn Bandura đã tiến đến một phong vị mới, một lịch sử mới. Thính giả quan tâm nhiều hơn. Đàn được nâng cấp cao hơn. Tôi nghĩ rằng khi đàn Bandura chơi những bản nhạc của các nước khác ta sẽ được nghe những thanh âm mới lạ như chưa bao giờ từng nghe trước đó. 

With regards to the Composer Lê Văn Khoa, with great respect and gratitude for the development of cultural contacts between countries and peoples.”

Professor Violetta Dutchak

Vasyl Stefanyk Precarpathian National University

Câu bên trên là lời viết của Giáo sư Tiến sĩ Violetta Dutchak trong quyển sách “Lịch sử và sự phát triển của âm nhạc Ukraine trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21” do Đại học đường Vasyl Stefanyk Precarpathian University ấn hành, đã được gửi tặng tôi. Tác giả dành trọn chương sáu của sách để viết bài nhận xét về hai tác phẩm tôi dùng dân ca Việt viết lại cho đàn dân tộc Ukraine là Bandura độc tấu với dàn nhạc giao hưởng Tây phương. Bằng cách đó tên một người Việt Nam được ghi vào lịch sử âm nhạc Ukraine. Hiện có hai quyển sách bằng tiếng Ukraine có đề cập đến Lê Văn Khoa.

Giáo Sư Dmytro Stepovyk, người có ba bằng Tiến Sĩ: Văn Chương, Nghệ Thuật và Tôn Giáo. Ông là tác giả sách nghệ thuật Mosaic. Hiện là giáo sư nhiều trường đại học ở Kyiv, Ukraine và New York, Hoa Kỳ.

Trong một cuộc phỏng vấn thu hình năm 2017, ông đã hé lộ bí ẩn nằm bên sau cái duyên tiền định của Lê Văn Khoa với nhạc sĩ Ukraine và rộng hơn, những điểm tương đồng của Việt Nam Cộng Hà và Ukraine. Mời quí vị xem tiếp và nhận định.

“Ukraine và Việt Nam thuộc các nền văn minh khác nhau. Về mặt địa lý, chúng ta cách nhau hàng ngàn cây số. Nhưng có một thứ kết nối chúng ta với nhau, đó là nền văn hoá và văn minh của chúng ta đều cổ kính. Dĩ nhiên, Đông Nam Á đạt văn minh sớm hơn. Chúng tôi coi văn minh Ukraine bắt đầu từ sự xuất hiện của Đấng Christ, bởi vì Ukraine và đặc biệt Kyiv, đã được chính vị tông đồ đầu tiên của Đức Chúa Jêsus Christ đến thăm. Vị ấy là sứ đồ Andrew. Thậm chí ở đây chúng tôi gọi ông là Người Đầu Tiên Được Ơn Kêu Gọi, vì ông là vị tông đồ đầu tiên được Chúa Giê-Su kêu gọi. Vì vậy, chúng tôi gọi nhà thờ Ukraine là Apostolic (Nhà Thờ Thánh Tông Đồ). Trên thực tế, lịch sử Ukraine hiện đại đã phát triển trong những điều kiện khó khăn. Nước tôi nằm giữa khu vực địa lý của châu Âu. 

 

Tạ ơn Chúa, cuối cùng từ hai mươi năm qua, chúng tôi không còn là nước thuộc địa. Chúng tôi đã bị cai trị bởi các người khác nhau, người Mông Cổ thế kỷ 13, người Ba Lan (hàng xóm của chúng tôi) và cuối cùng là người Moskal (tức là người Nga). “Rus” là tên Ukraine một thời nhưng đã bị người ta cướp mất.

Tạ ơn Chúa, không có quốc gia lân cận nào của các bạn, không phải Lào, Campuchia, cũng không phải Trung Quốc, Đài Loan, hay Indonesia dám xóa đi cái tên nước đẹp đẽ của Việt Nam. Tôi tin rằng tên này có nguồn gốc rất cao quý.

Điều gì làm chúng ta giống nhau?

Nếu nền văn minh của chúng ta bắt đầu từ cùng một mốc thời gian, thì điều gì khiến chúng ta gặp gỡ nhau? Tôi vô cùng hạnh phúc khi năm 2012 nhờ qua Taras Myronyuk, nhạc trưởng của dàn hợp xướng và dàn nhạc Kyiv Symphony Orchestra, tôi được gặp một người tuyệt vời, nhạc sĩ Lê Văn Khoa, một người Mỹ gốc Việt, nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, tác giả những nhạc phẩm mang nét văn hóa Âu Mỹ kết hợp với giai điệu các ca khúc Việt Nam nổi tiếng. 

Điều nào khác nữa khiến chúng ta giống nhau? 

Chúng tôi thuộc về các nhóm sắc tộc khác nhau, chủng tộc Mông Cổ và Âu Châu. Tuy nhiên chúng ta có nhiều điểm chung.

Tôi nhớ lại lúc còn trẻ khi lần đầu tiên viếng thăm một nước tư bản là Na Uy. Ở thị trấn Northgamme trong viện Bảo Tàng Nhạc Cụ, bên cạnh nhạc cụ dân gian Na Uy, tôi thấy một cây đàn Bandura Ukraine. Nhạc cụ này được người Ukraine đem tới bởi vì họ không chấp nhận chế độ Cộng Sản do Nga áp đặt bằng những lời dạy của Engels và Marx. Chế độ đó không thuộc đất nước chúng tôi vì chúng tôi là dân tộc có lý tưởng dân chủ giống như dân tộc Việt Nam. Chế độ Cộng Sản ngày nay ở Việt Nam không phát xuất tự nhiên từ tâm hồn người Việt. Chính những điều này đã đưa hai quốc gia chúng ta đến với nhau bất chấp những khác biệt bên ngoài. . .

Ca Sĩ Ngọc Hà, phu nhân của NS Lê Văn Khoa

Ngày nay thế giới đang trải qua sự toàn cầu hóa, và chúng tôi rất hạnh phúc khi các bạn đến đây để thực hiện những tác phẩm tuyệt đẹp, trong đó Lê Văn Khoa đã sử dụng đàn Bandura – nhạc cụ Ukraine cổ nhất, có nguồn gốc từ đàn Kobza bằng cách thêm nhiều dây đàn hơn. Thật là một món quà tuyệt vời vì nhạc của Lê Văn Khoa giống như âm nhạc dân gian của chúng tôi. 

Chúng tôi hiện đang vui mừng kỷ niệm hai mươi lăm năm nền độc lập. Liệu nước láng giềng Nga có thể sẽ tấn công chúng tôi chăng? Trong hai năm sau chiến tranh dưới thời Tổng Thống Poroshenko, Ukraine đã nâng cao khả năng quân sự để đối phó với các cuộc tấn công hung hăng. Điều đó cho thấy chúng tôi không chỉ có sức mạnh tinh thần và sáng tạo mà còn có cả sức mạnh cơ bắp. Chúng tôi có thể tự bảo vệ chính mình.

Tôi nhớ lúc còn trẻ, cuộc chiến bi thảm và đẫm máu giữa miền Bắc và Nam đang diễn ra tại Việt Nam. Thật không may, nền dân chủ đã không giành chiến thắng. Nhưng tôi thiết nghĩ sự phát triển của Việt Nam sẽ đạt đến thời điểm mà ý chí của các bạn rồi sẽ vượt qua sức mạnh của cái ác, và bắt đầu đi theo con đường các bạn đã bước đi trong những thế kỷ trước.

Lịch sử hiện đại của chúng tôi bằng cách nào đó đã vang vọng với lịch sử quốc gia tuyệt vời của các bạn.” 

Cái duyên tình tiền định giữa Lê Văn Khoa và nhạc sĩ Ukraine đã bật mở từ lần gặp đầu tiên, năm 2005, khi tôi qua Kyiv, Ukraine để thu thanh Đại Tấu Khúc Việt Nam 1975. Sự thân thiện và cởi mở giữa chúng tôi dường như đã có từ trước rất lâu mà không ai biết, thình lình hiển hiện từ những nốt nhạc đầu tiên khi dàn nhạc khởi tấu lần đầu. Nó hiện ra trong tiếng đàn, hiện ra trên nét mặt của các nhạc sĩ. Nó hàm chứa niềm vui kín đáo khi gặp lại cố nhân. Nhưng rồi hiện ra rõ hơn sau buổi dợt đầu tiên, lúc chúng tôi phải ra đường lớn để đón taxi. 

Phòng thu thanh quốc gia ở trên một ngọn đồi thấp, nhưng một người lạ phải đi lần đầu tiên, trong bóng đêm, trên mặt đất phủ tuyết đã đóng băng, không dễ đi chút nào. Cô Svyatoslava Semchuck,  nhạc sĩ độc tấu violin bên trái, bà nhạc trưởng Alla Kulbaba, bên mặt, hai người hai bên sốc nách tôi, nâng tôi lên khỏi mặt đất để đi, tự nhiên như nâng người “em nhỏ” trong gia đình. 

Trong thời gian thu thanh Symphony VietNam 1975, tôi bị “đứng tim” nhiều lần. Nhưng mối tình nào chẳng có những giây phút hồi hộp?

Trong khi tổng dợt hành âm số 5 có tên “Trong Đêm Thâu”, khi cả ban nhạc yên lặng, rồi có tiếng nhạc thật êm, lạc lõng, lần lần từ xa tiến tới. Lúc đó, một câu nhạc ngắn trổi lên. Thình lình có một nhạc sĩ đứng lên, quơ tay chận nhạc trưởng, nói lớn với giọng gay gắt. Nhiều nhạc sĩ khác đứng lên. Cả sân khấu ồn ào. Tôi đang ở trong phòng thu với chuyên viên âm thanh, không hiểu chuyện gì xảy ra vì tất cả những người lên tiếng đều dùng tiếng Ukraine. Tôi nghĩ không biết mình viết nhạc bết bát thế nào mà bị chống đối dữ vậy? Vì không hiểu tôi chỉ còn biết tiếp tục quan sát. 

Tôi thấy bà nhạc trưởng vừa nói, giọng ôn tồn, vừa lật qua lật lại những trang nhạc trong quyển tổng phổ của tôi. Sau đó các nhạc sĩ ngồi xuống và đàn tiếp. Có đoạn họ gằn tiếng đàn như trút cơn giận trong âm thanh. Thu thanh hành âm đó xong, các nhạc sĩ ra về. Tôi không dám ló mặt ra khỏi phòng thu vì sợ bị hành hung. Đến khi ông phó nhạc trưởng vào phòng thu, tôi hỏi thăm chuyện gì đã xảy ra. Ông cho biết nhạc sĩ phản đối vì có câu nhạc cộng sản quốc tế ca. Bà nhạc trưởng đã nghiên cứu nhạc trước nên hiểu câu chuyện trong âm nhạc và giải thích đây là bài nhạc về lịch sử Việt Nam. Nhạc kể cuộc chiến ở Việt Nam do cộng sản quốc tế xúi giục, nhưng sẽ bị chống trả mãnh liệt của quân dân miền Nam, trong đoạn nhạc sắp tới. Nghe vậy nên nhạc sĩ yên tâm ngồi xuống chơi nhạc tiếp. Nhạc sĩ bày tỏ: “Chúng tôi đã bị bắt chơi bài Quốc tế ca này cả đời rồi, và rất thù ghét nó, tưởng đâu thoát rồi, tại sao bây giờ bị chơi nữa?” Do đó khi trỗi Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa, họ gằn phím đàn để thêm sự cương quyết cho tiếng nhạc. Qua sự việc này, ta thấy sự đồng cảm, đồng thuận của nhạc sĩ Ukraine. Nếu thu thanh ở một quốc gia khác, chắc chắn những rắc rối vừa rồi không xảy ra. Thêm một lần nữa duyên tình ẩn kín giữa Lê Văn Khoa và nhạc sĩ Ukraine đã lộ diện. Họ chơi nhạc với cả tình lẫn lý.

Một rắc rối khác xảy ra đang lúc tổng dợt hành âm số 6 của Symphony VietNam 1975. Lần này bà nhạc trưởng ra lệnh ngưng nửa chừng và chuyển qua bài khác. Tôi tái mặt, nghĩ thầm, không biết mình viết nhạc bị lỗi lầm quan trọng nào đây mà bà nhạc trưởng không cho chơi tiếp. Sau buổi thu thanh, bà nhạc trưởng hẹn tôi gặp riêng với bà hai hôm nữa.

Đến ngày giờ hẹn, tôi gặp bà. Sau lời chào hỏi, bà lật nhạc từ quyển tổng phổ, hành âm số 6, “Trên Biển Cả”.  Bà nói: “Cần phải chỉnh lại hành âm này.” Tôi bối rối vô cùng. Làm sao có đủ thì giờ viết thêm phần nhạc mới để thay phần bị bỏ ra? Nhưng bà nhạc trưởng nói tiếp: “Nhạc lớn quá và kéo dài quá lâu. Không ai chịu nổi.” Tôi yên tâm. Không phải mình viết nhạc sai. Tôi nhớ lại phần đối thoại với thính giả sau buổi trình diễn tác phẩm này tại Trung Tâm Biểu Diễn Nghệ Thuật Orange County, năm 1995. Có một khán giả nêu ý kiến: “Âm thanh không đủ lớn để diễn tả chiến tranh.” Nhạc trưởng Edward Cumming trả lời: “Ông Khoa yêu cầu thêm 6 cái trống lớn, đặt rải rác trong khán giả, để khi bị pháo kích thì tất cả đồng loạt vang lên. Nhưng chúng tôi không chấp thuận.” Tôi nghĩ lại, họ không chấp thuận là đúng. Trong khi chỉ có một tiếng đàn bầu thật êm nhẹ tỉ tê, mọi người đang tập trung lắng nghe âm thanh nhỏ yếu, thật tình cảm, thình lình tiếng trống ầm vang khắp phòng nổi lên điếc tai, thì sẽ có chuyện gì xảy ra, nhất là nếu có người đau tim ngồi gần đó? Hôm nay, ở đây, hoàn cảnh tương tự! 

Bà nhạc trưởng nói bằng tiếng Anh: “Tôi đề nghị cắt bỏ từ chỗ này…. Đến chỗ này.”

Tôi góp ý: “Tôi thấy không ổn vì câu nhạc bị phá và hòa âm bị thình lình cắt mất.

Bà vừa lật trang nhạc và bật nói bằng tiếng Ukraine mà không hề ý thức việc mình làm. Đó là phản xạ tự nhiên trong cơn bối rối. Nhưng bằng cách nào đó, tôi hiểu ý bà và đáp lời bằng tiếng Anh. Bà hiểu tiếng Anh nhưng đáp lại bằng tiếng Ukraine. Cuộc tranh luận kỳ quái như vậy kéo dài nhiều phút. Rốt lại chúng tôi đồng ý cắt bớt ba trang nhạc. Với âm nhạc, ngôn ngữ con người dường như không còn cần thiết nữa. Những bối rối của tôi chưa hết.

Có lẽ cảm thông với ý nghĩ thầm kín của tôi, một buổi chiều ông phó nhạc trưởng mời chúng tôi ra ngoài để giải khuây. Ông đưa chúng tôi đến một cơ sở mới. Ông mời mấy người trong phái đoàn người Việt ngồi nghỉ.

Ông vào trong, dẫn ra một nhạc sĩ Ukraine với chiếc đàn accordeon, yêu cầu người nhạc sĩ chơi một bài nhạc để giúp vui chúng tôi. Nhạc sĩ chơi rất điệu nghệ. Hết bài nhạc, ông ấy xếp đàn lại để rời phòng. Ông phó nhạc trưởng giới thiệu với anh ta từng người khách lạ đã nghe ông đàn. Đến tôi, ông nói: “Đây là composer Khoa Lê.” Nghe đến composer, người nhạc sĩ trợn mắt, nói: “Composer à? Vậy thì tôi xin đàn thêm một bài nữa. Bài này do tôi sáng tác, tên là Ave Maria.” Ông ta dạo nhạc rồi cất tiếng hát với tất cả xúc động, đến rơi lệ. Tôi nghĩ ông ấy phải có một tâm sự đau lòng lắm. Khi nhạc sĩ đi khuất, ông phó nhạc trưởng nói nhỏ cho chúng tôi biết người nhạc sĩ ấy tên Aleksandr Dudar, là người hát dạo từ dưới tỉnh lên thủ đô, đi xin ăn ngoài đường phố. Ông ta đã tốt nghiệp âm nhạc từ Kyiv National Tchaikowsky Conservatory of Music. Có người rước ông về đây, cho ở tạm vài tuần lễ để ông ấy định tỉnh tâm thần trước khi trở ra ngoài đời. Tôi choáng váng. Một người hát dạo xin ăn ngoài đường phố là người đã tốt nghiệp nhạc viện danh tiếng quốc gia! Tôi nhớ lại việc Stalin dùng lời giả dối là cần sưu tập những sáng tác của người mù (những bài hát yêu nước) để in thành tập nhạc lưu lại cho hậu thế. Người Nga đã quy tụ được đến ba trăm người ăn xin mù lòa từ khắp Ukraine. Tập trung họ lại một chỗ rồi giết hết một lúc. Tôi tự hỏi: “Như vậy, trình độ âm nhạc của người dân Ukraine đến đâu? Mình có sánh được với họ không?”

Trở lại hành âm cuối của Symphony VietNam 1975 là Ca Ngợi Tự Do. Trong hành âm này tôi cố ý cho ban hợp ca Ukraine thêm vào với phần hòa âm riêng. Tôi muốn dùng ban hợp ca Ukraine hát đệm để về nhờ ban hợp ca Việt hát chồng lên cho đều và đầy. 

Khi tập dợt thì ban hợp ca tập riêng ở địa điểm khác với ban nhạc. Họ chỉ hát u ơ mà không có âm thanh nào khác thì khó biết mình hát gì. Đến khi tổng dợt với ban nhạc để thu thanh, họ được hát với ban nhạc lần đầu. Nhờ hát chung với ban nhạc họ thấy phần nhạc đệm có âm sắc khác thường. Họ nói nhạc có sự thôi thúc và phấn khởi mãnh liệt nhưng họ không hiểu nghĩa của lời ca. Đang hát, họ ngưng, yêu cầu nhạc trưởng giải thích cho họ. Nhạc trưởng không biết tiếng Việt nên gọi Lê Văn Khoa ra để giải thích. Khi được gọi, tôi không hiểu có việc gì xảy ra nữa đây, nhưng không né tránh được nên phải xuất hiện. Được biết ý họ, tôi nói tên bài hát. Chỉ cần chừng đó họ đã hiểu hết vì đã cảm với âm nhạc từ trước. Họ yêu cầu bài hát phải được dịch ra tiếng Ukraine để họ hát. Họ nói không phải chỉ người Việt Nam mới ưa chuộng tự do. Người Ukraine và cả người khác trên thế giới đều mong muốn tự do. Trước khí thế như vậy, tôi chấp nhận cho hoãn thu thanh hành âm cuối để đưa bài Ca Ngợi Tự Do cho người dịch ra tiếng Ukraine. Thế là tất cả ca, nhạc sĩ đều ra về. Điều cảm động là tất cả ca, nhạc sĩ, nhân viên thu thanh, nhạc trưởng, không ai nhận một xu thù lao nào cho buổi thu thanh bất thành đó. Thế mới thấy tinh thần của ca nhạc sĩ Ukraine. Họ tuy nghèo, nhưng rất có tình. Với hành động ấy họ công khai xác nhận mối duyên thầm với Lê Văn Khoa. Và cuộc tình còn dài.

Ngay đêm đó tôi dịch lời bài Ca Ngợi Tự Do ra tiếng Anh. Hôm sau ông phó nhạc trưởng đem bản nhạc và lời tiếng Anh đến nhờ người chuyên dịch các Opera Ý, dịch bài Ca Ngợi Tự Do ra tiếng Ukraine để ban hợp ca hát. Hai ngày sau thì thu thanh. Vì bài ca hoàn toàn mới nên ban hợp ca phải nhìn vào bài để hát. Tuy kém thoải mái, nhưng mọi người thỏa lòng.

Nhạc trưởng Andrew Wailes của dàn nhạc The Royal Melbourne Philharmonic Orchestra, Australia, nhận xét bài Ca Ngợi Tự Do như sau: “Trong hành âm cuối, ‘Ca Ngợi Tự Do’, nhạc dàn ra một bài hợp ca thật hay. Nhạc thật lộng lẫy, đồ sộ, thật vĩ đại… Nhạc thật hay, rất sắc xảo, tinh vi. . . .”

Điểm ấm lòng và có dấu hiệu đồng cảm sau mấy ngày thu thanh của chuyến đi Kyiv, Ukraine lần đầu của tôi năm 2005, là các nhạc sĩ của Kyiv Symphony Orchestra and Chorus yêu cầu bà nhạc trưởng xin tôi để nhạc lại cho họ chơi. Phải chăng cái duyên giữa Lê Văn Khoa và nhạc sĩ Ukraine đã đến lúc lộ rõ. Phải chăng nét nhạc của tôi đã nói lên được nỗi lòng âm thầm chịu đựng từ lâu của người Ukraine. Tôi tin phải có sự đồng cảm mà chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu. Nhờ đó mà từ năm 2005 đến 2017 tôi thực hiện được 5 CDs nhạc với Kyiv Symphony Orchestra, một CD nhạc Piano, một bài Quốc Thiều Việt Nam Cộng Hòa và nhiều bản nhạc rời.

Một buổi chiều, sau khi thu thanh xong mấy bài nhạc, nhờ việc làm suông sẽ nên buổi thu thanh được kết thúc sớm. Chúng tôi có khoảng trống vài tiếng đồng hồ, bà nhạc trưởng và hai cô nhạc sĩ trẻ rủ tôi đi dạo phố với họ sau một ngày làm việc căng thẳng quá mức. Hai cô gái này tên Irina Starodub, giáo sư piano Nhạc viện Quốc gia, và Svyatoslava Semchuk, cũng là  giáo sư của Nhạc Viện Quốc gia tại Kyiv mà tôi có đề cập trong phần I, kỳ trước. 

Chúng tôi đi dạo trong công viên của khu đền kỷ niệm 10 triệu người bị Stalin bỏ đói cho chết hết trong hai năm 1932 và 1933, vừa đi vừa nói chuyện về âm nhạc. Có một điểm trùng hợp kỳ lạ, năm 1933 là năm tôi chào đời.

Đi dạo độ một tiếng đồng hồ, chúng tôi ra đón taxi trở về phòng thu thanh để làm việc tiếp. Nơi đây tôi được học một bài học về đẳng cấp trong giới nhạc cổ điển.

Khi taxi tấp vô lề đường, cô Irina bước tới, mở cửa xe để mời tôi lên xe. Như đã nói ở phần trước, cô là một thiên tài âm nhạc. Năm 14 tuổi, cô đã đi trình diễn khắp nước Pháp, hiện là Giáo sư Piano cho Nhạc Viện Quốc Gia Tchaikowsky. Nhưng Irina bị cô Svyatoslava, người từng chiếm giải Quán Quân toàn Liên bang Sô Viết, từng chiếm giải thưởng quốc tế ở Đức, môn violin, Giáo Sư Violin của nhiều nhạc viện ở Ukraine, Đại Hàn và Nhật Bản gạt qua một bên, để cô mời tôi lên xe. Tôi chưa kịp bước lên xe thì bà nhạc trưởng đến gạt Svyatoslava qua, bà mở cửa xe và mời tôi lên xe. Tôi nói cách gì cũng không thể để bà lên xe trước tôi. Sau khi tôi ngồi an toàn rồi, bà đóng cửa xe cho tôi, rồi bà lên ngồi ở phía sau với hai nhạc sĩ trẻ.

 “Tôi thấy có việc lạ, xin giải thích giùm tôi. Tại sao ở Hoa Kỳ thì đàn ông mở cửa xe mời phụ nữ lên xe trước rồi họ mới lên xe sau, ở đây tôi không thể mời ba vị lên xe được?”

Bà nhạc trưởng trả lời một câu ngắn gọn, làm tôi suy nghĩ rất nhiều:

 “Because you are a composer.”

Câu trả lời rất ngắn đó xác định vị thế từng người trong giới nhạc cổ điển Tây phương, nhưng quan trọng hơn, nó minh xác tôi là một người trong nhóm của họ. Cái duyên tiền định giữa tôi và nhạc sĩ Ukraine đã lộ rõ ra ở đây.

Một cái duyên nữa là năm 2012, khi Vietnam Film Club nhờ tôi thực hiện một bài quốc thiều giá trị cho phim tài liệu về Quốc Kỳ và Quốc Ca của Việt Nam Cộng Hòa, tôi nghĩ ngay phải tìm một ban nhạc tầm vốc quốc gia mới xứng hợp. Nhờ duyên tình tôi đã kết hợp với nhạc sĩ Ukraine từ năm 2005, và sau khi vượt mọi khó khăn vào giờ phút cuối, chúng tôi được Ban Quân Lễ Nhạc của Phủ Tổng Thống Ukraine trình diễn cho chúng tôi thu thanh và thu hình bài Quốc Thiều Việt Nam Cộng Hòa. Duyên tình của chúng tôi càng kết chặt hơn.

Trong một buổi họp mặt với nhiều nhạc sĩ từ các trường nhạc lớn ở Ukraine, ông Taras Myronyuk của Kyiv Symphony Orchestra nói trước mặt mọi người: “Ông Khoa ơi, tôi thấy có hai con người bên trong ông, một là Việt Nam, người kia là Ukrainian. Nhưng tâm hồn ông thuộc về Việt Nam.” 

Vâng, tâm hồn tôi mãi mãi thuộc về Việt Nam Cộng Hòa.

Trong đêm cuối cùng ở Kyiv, năm 2017, có sự truyền cảm nào đó làm mọi người bịn rịn, không muốn chia tay. Tôi nói: “Đêm nay là đêm cuối cùng tôi ở Kyiv. Tôi chào từ biệt mọi người, vì sẽ không còn cơ hội để tôi qua Ukraine nữa.”

Bà nhạc trưởng Alla Kulbaba êm ái góp ý: “Xin đừng nói cuối cùng. Chúng ta chờ xem, coi có việc gì xảy ra…”

… Mấy năm sau, ngày 24 tháng Hai 2022, Nga xua quân xâm chiếm Ukraine và tàn phá quốc gia này. Nhưng điểm quan trọng là hai quốc gia đã được thắt chặt bằng sợi dây vô hình: ban Quân Lễ Nhạc Phủ Tổng Thống Ukraine đã trình diễn Quốc Thiều Việt Nam Cộng Hòa. Hình ảnh và Âm thanh của việc này sẽ còn lưu dấu đến ngàn sau.

Lê Văn Khoa