DU LỊCH – LỊCH SỬ: NGÀY LỊCH SỬ CÁCH NAY 77 NĂM: CUỘC ĐỔ BỘ NORMANDIE

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

(6/6/2021)

Nửa đêm ngày 5, rạng sáng ngày 6/6/1944, Chiến dịch Overlord (Đấng quyền lực tối cao) chính thức bắt đầu, đổ bộ lên bờ biển Normandie, miền Bắc nước Pháp, tấn công Bức tường Đại Tây Dương mà quân Đức đã dựng lên theo lệnh của Hitler (kéo dài từ Na Uy xuống đến Tây Ban Nha với 500.000 chướng ngại vật, 6 triệu quả mìn chống chiến xa…) với mục tiêu giải phóng Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Bắc Âu… 

Khoảng hơn 152.000 sĩ quan và binh sĩ phe Đồng Minh (Anh, Mỹ, Canada, Úc, Tân Tây Lan và 213 công dân Pháp) sẵn sàng đối phó với đại bác, cao xạ phòng không, đại liên, trung liên, tiểu liên và súng trường của quân Đức. Vì quân Đồng Minh không chỉ từ các tàu há mồm đổ bộ lên 5 bãi mạng mật danh (từ phía Tây qua phía Đông) Utah, Omaha, Gold, Juno và Sword tức từ làng Sainte Mère Église đến thành phố Caen mà còn nhào ra từ các máy bay vận tải nhẩy dù xuống vài nơi sâu trong đất liền.

*Chiến dịch Overlord huy động đến 11.590 máy bay các loại (3.340 máy bay nem bom hạng nặng; 930 máy nay ném bom hạng trung và nhẹ; 4.190 chiến đấu cơ và phóng pháo cơ; 1.662 máy bay chở lính và 3.500 planeur (máy bay bằng gỗ, không gắn động cơ, chở lính, được máy bay vận tải Dakota C-47 trục kéo bay là là phía sau). 

*Chiến dịch đổ bộ mang tên Neptune huy động 1213 tàu chiến các loại; 4000 tàu đổ bộ và xà lan đổ bộ (landing craft, mà chúng ta quen gọi là tàu há mồm) và 805 tàu chở hàng dân sự được trưng dụng.

*Toàn cuộc đổ bộ, phe Đồng minh tập trung đến  1.222.659 quân lính Mỹ (với 235.682 phương tiện vận chuyển lượng khí tài 1.852.634 tấn) và 829.640 quân lính Khối Thịnh vượng chung (với 202.789 phương tiện vận chuyển lượng khí tài 1.245.625 tấn).

SÚNG BẮT ĐẦU NỔ

-Kim đồng hồ chỉ 10 phút sau 12g đêm 5/6, kíp lính dù Mỹ mở đường ào ra khỏi các vận tải cơ Dakota, dưới chân họ là bán đảo Cotentin. Nhiệm vụ của họ là dọn bãi cho các máy bay là chở lính đến hạ cánh. Chỉ 6 phút sau, chiếc planeur thứ nhất chạm đất, rồi chiếc thứ hai, chiếc thứ ba… lính biệt kích Anh túa ra, đánh chiếm cầu Bénouville. Trận giao chiến trên mặt đất đầu tiên của toàn cuộc Chiến Normandie đã diễn ra.  

-Lúc 1g55 sáng 6/6, từ nhiều căn cứ dọc theo vùng duyên hải Anh, 1.198 máy bay ném bom thi nhau cất cánh, tập trung lại thành từng phi đoàn rồi vượt biển Manche tiến về Normandie.

-Lúc 4g sáng 6/6, lính dù của quân Đồng minh chiếm được làng Sainte-Mère Église; các đoàn máy bay ném bom vẫn tiếp tục rải bom xuống Bức tường Đại Tây dương. Tại Berlin, sau khi nghe nhạc Wagner, Hilter rút về phòng ngủ cùa mình.

-Lúc 5g10 sáng 6/6, các họng pháo trên những chiếc thiết giáp hạm, tuần dương hạm, khu trục hạm của hải quân Mỹ, Anh bắt đầu khai hỏa. Không lâu sau đó, 23.500 sĩ quan và lính Sư đoàn 4 Bộ binh Mỹ bắt đầu nhào lên bãi Utah; 4 phút sau, lính Sư đoàn 29 và Sư đoàn 1 Bộ binh Mỹ ào lên bãi Omaha, tổng cộng 34.250 sĩ quan và binh lính. 

-Lúc 7g31 sáng 6/6, vinh dự cho quân lực Pháp sau này được ghi chiến công trong công cuộc giải phóng tổ quốc, 177 tay súng Pháp thuộc đội biệt kích hải quân do viên đại úy hải quân Philippe Kieffer chỉ huy, tiến vào làng Colleville-Montgomery sau khi cùng quân Anh đổ bộ lên bãi Sword.

SAI LẦM VÀ CHẬM PHẢN ỨNG

-Lúc 9g sáng 6/6, Hitler thức giấc, mặc áo khoác trên bộ đồ nghủ và nghe tướng Rudolf Schmundt báo cáo quân Đồng minh đã đổ bộ lên Normandie. Nhưng do còn nghi ngờ đó chỉ là cuộc đổ bộ đánh lạc hướng nên Hitler chậm ra lệnh phản công, một tính toán sai lầm nghiêm trọng!

-Lúc 5g chiều ngày 6/6, cuối cùng Hitler mới ra lệnh cho hai đơn vị đồn trú phía  sâu trong đất liền tức tốc lên đường về chiến tuyến Normandie. Nhưng quá chậm, các tăng và xe thiết giáp của Sư đoàn bọc thép Panzer Lehr và Sư đoàn SS 12 liên tục bị tấn công bởi những chiếc P-51 Mustang, P-38 Lightning của Không quân Mỹ và Spitfire của Không lực Hoàng gia Anh 

-Lúc 7g chiều ngày 6/6, quân Đồng minh xem như đã hoàn tất đặt chân lên được 5 bãi đổ bộ dù tổn thất rắt nặng (10.600 lính tử thương, bi thương và mất tích, trong đó có 6.600 là lính Mỹ và 3.000 lính Anh), nhiều nhất là tại bãi Omaha. Nhưng cũng ít hơn con số dự kiến trước đó là 25.000 đưa ra bởi Ban chỉ huy và tham mưu liên quân Đồng minh, viên tướng tổng chỉ huy chiến dịch là Ike Eisenhower (sau này là tổng thống Mỹ).

-Nửa đêm 6/6, Normandie xem như thuộc về quân Đồng minh. Biết tin sớm, Thống tướng chỉ huy Tập đoàn quân B Erwin Rommel khét tiếng “Cáo già sa mạc” tại chiến trường Bắc Phi trước đó ba mùa chiến dịch, tức tốc lên xe lúc 13g trưa ngày 6/6, từ Berlin (sáng ngày chủ nhật 4/6/1944, ông đã đi xe về thủ đô Đức để mừng sinh nhật vợ) quay trở lại Normandie. Ông ta từng nhận định: “Cuộc chiến sẽ được quyết định thắng thua ngay từ các bãi biển trong vòng 24 tiếng đồng hồ đầu tiên… Đó sẽ là ngày dài nhất”. 

NGÀY DÀI NHẤT đã trở thành tựa phim rất đầy đủ về cuộc đổ bộ Normandie (The longest day, đạo diễn Daryl F. Zanuck, năm 1962). Còn bạn nào muốn hình dung thật rõ nét, sống động cảnh tượng lính Mỹ đổ bộ lên bãi Omaha và đổ máu thế nào thì cứ xem lại Saving Private Ryan (Giải cứu binh nhì Ryan) của đạo diễn Steven Spielberg chiếu năm 1998 và đoạt 5 Oscar 1999 (nhưng hụt mất giải giá trị nhất là Oscar Phim xuất sắc nhất).

Và khi Covid qua đi, nếu có dịp du ngoạn Normandie, hãy dành một buổi viếng các nghĩa trang quân đội với hàng hàng lớp lớp những nấm mồ lính Mỹ đã hy sinh ở Mặt trận Normandie.

  1. NGUYỄN DŨNG, tóm lược từ tập Le Jour Le Plus Long, một ấn bản đặc biệt của Le Figaro