DỊ ĐOAN (Peter Chánh Trần # Mười Lúa)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

VUI BUỒN NGHỀ MUA BÁN (Bài 13)

Người Tây phương nói chung, không thích con số 13. Người Mỹ thì không thích Thứ Sáu Mười Ba (Friday the thirteenth). Họ không thích thôi, chớ không có tin dị đoan tới cái mức kiêng cữ như người Tàu hay người Việt kỵ những ngày “mùng năm, mười bốn, hăm ba”.
Loạt bài “Vui Buồn Nghề Mua Bán” tôi tạm ngưng khá lâu, để viết những đề tài khác. Một phần cũng do một số bạn bè yêu cầu, một phần tôi cũng muốn thay đổi không khí. Chuyện mua bán 25 năm, có biết bao nhiêu thứ để viết. Nó nằm sẵn trong đầu, viết lúc nào chả được.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, là bài thứ 13 này, tự nhiên tôi nhớ đến chuyện dị đoan của rất nhiều người khách Việt. Thôi thì viết chơi. Nó chẳng dính dáng đến kỹ năng mua bán, nhưng nó cũng là những kỷ niệm khó quên của một thời “làm dâu trăm họ”.
Sau khi đóng một deal, ghi hoá đơn xong, thì người bán lúc nào cũng hỏi khách xem ngày giờ nào thuận tiện để giao hàng. Rất nhiều lần tôi nghe câu trả lời:
– Để về dở lịch Tam Tông Miếu coi ngày nào tốt, giờ nào tốt, thì tui gọi lại cho ông.
Gặp mấy cụ già gần đất xa trời, thường thì tui im ru. Nhưng gặp những người có vẻ cởi mở, dễ tính, thường là lứa tuổi sồn sồn, tuổi nửa chừng xuân, không già, cũng không trẻ, dân miền Tây gọi là “dừa cứng cạy”, thì tui cười cười, nửa đùa nửa thiệt, đối đáp lại liền:
– Trời! Trời! Thời đại này, nhất là ở Mỹ mà cũng còn tin mấy vụ ngày giờ nữa sao trời!?
– Không tin lắm, nhưng ông bà mình hay nói: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành!” Thà tin có, còn hơn không, anh ơi! Vậy anh hỏng tin chút nào hả?
– Chị quởn không? Nếu không bận, ngồi nghe tui kể chuyện tin dị đoan, coi chị nghĩ sao nghen. Tui ngang lắm! Gặp mấy bà thầy bói, câu đầu tiên tui hỏi bả: “Bà có biết chừng nào bà chết không?” Bà nào cũng lắc đầu lia lịa. Tui hỏi tiếp: “Bà hỏng biết chừng nào bà tới số. Vậy làm sao bà biết vận mạng của tui mà bói đây? Nói xong, bả háy tui có nửa con mắt, và dĩ nhiên “đường ai nấy đi!” Làm sao ăn tiền của tui được! Nhưng trong đời, tui đã từng đi coi bói một lần à nghen…
– Anh hỏng tin, sao đi coi chi? Đi phá người ta hả? Bà khách ngắt lời.
– Không tin nhưng phải đi coi, vì bị “triệt buộc”!
– Triệt buộc là sao?
– Chị có đánh cờ domino, thì mới hiểu chữ triệt buộc. Giải thích dài dòng lắm. Đại khái là “chuyện chẳng đặng đừng”. Chuyện vầy: Tui và người yêu, hai đứa đã tới lúc “mùi mẫn”, nhưng nhà tui nghèo, còn nhà nàng khá giả, không “môn đăng hộ đối” tí nào. Dĩ nhiên tui câm như hến, làm sao dám mở miệng. Ba má nàng biết tui khá lâu, biết rõ tui nghèo, rất nghèo, nhưng coi tướng tá, giò cẳng, cái mã nói chung, là coi được, nhứt là tính tình thì hai ông bà rất kết. Một hôm ông kêu tui:
– Mầy ngồi xuống đây nghe tao nói chuyện.
Nghe ông già nói vậy, tui phát run. Hỏng biết chuyện gì. Có phải thấy tụi tui ngày càng “lậm” thì lo sợ, nên ra lệnh “cấm vận”, không được tiếp tục lại gần con gái cưng của ông bà không? Ngồi thì ngồi. Nghe thì nghe. Chuyện gì tới phải tới.
– Tao thấy mầy cũng được. Mày về kêu anh chị qua đây nói chuyện, tao gả nó cho mày. Tao nói trước, tao với bả thương mày lắm, nhưng nếu tuổi hai đứa không hạp, thì tao xù, hỏng gả cưới gì hết. Tao hỏng muốn mày chết, càng hỏng muốn con tao chết. Mày tuổi gì? Nói cho tao ngày giờ năm sanh của mày để tao đi coi thày. Được thì mới tiến tới, không được thì mày phải xa nó.
Tui mừng như trúng số độc đắc cặp mười! Thật không thể ngờ mình lại được ba má nàng chấp nhận dễ dàng như vậy. Tui cũng nghe nàng kể nhiều lần là ba má nàng tin chuyện bói toán dữ lắm, nhứt là ông già. Tui cũng rất lanh trí, nếu không muốn dùng chữ “ma le”, nên tui biết cách ứng phó liền:
– Dạ, con cám ơn hai bác thương con, hỏng chê con nghèo. Tuổi tác, thì nào giờ con dùng giấy khai sanh giả để đi học, nên con không chắc. Bác cho con thời gian, con về hỏi má con ngày tháng năm sanh của con cho chính xác, rồi con sang đây cho bác hay.
– Ừ, chừng nào biết thì cho tao hay.
– Dạ!
Mừng như mở cờ trong bụng. Tui rất rõ ngày sinh của mình, chớ đâu phải ngu ngơ gì tới ngày sinh cũng không biết. Chẳng qua là dùng kế hoãn binh thôi. Tôi là con thứ 9 trong gia đình mười đứa. Tính theo người Nam, thì tui thứ Mười, cho nên tui hay xưng mình là Mười Lúa! Má tui con đông như vậy, nhớ tên là may lắm rồi, ngày sanh làm sao nhớ từng đứa được! Chỉ nhớ đứa nào tuổi con gì là coi như thuộc hạng nhớ dai. Riêng tui, rất đặc biệt, nên ngoài chuyện biết mình tuổi ngọ, tui còn biết luôn ngày tháng và giờ sinh, vì má tui hay nhắc:
– Đêm ba mươi Tết tao đau bụng sanh mày. Mày đạp tao dữ quá! Đau thiếu điều bấm vô sắt cũng thấy mềm! Tao không làm bánh bò ăn Tết được, nên cha mày phải làm….
Người ta nói hoài, chuyện “tứ hành xung”, tui nghe riết cũng thuộc: “Dần thân tỵ hợi, tý ngọ mẹo dậu, thìn tuất sửu mùi”. Người yêu tui tuổi Dậu. Vậy là ngọ và dậu lọt vô khung “tứ hành xung” rồi! Ông già mà biết tui tuổi ngọ, thì khỏi cần coi thầy bà chi cho mệt, đủ để ổng phán liền cái rụp: Xù mày!
Hôm sau hai đứa tui chở nhau đi coi bói. Ai ở Cần Thơ, thời 1975 trở về trước, chắc biết Am Thất Linh, nằm trên đường Mạc Tử Sanh (?), chạy từ Đầu Sấu, ngang qua đài phát thanh, trường Lasan,… để ra Cần Thơ. Ngày nào tui cũng đạp xe từ Cái Răng ra Lasan học, đi trên con đường đó, nên cái bảng hiệu Am Thất Linh bật ra liền trong đầu khi nghĩ tới chuyện coi bói.
Vừa nói ngày tháng năm sanh của hai đứa, bà thày bói phán ngay, không cần nhắm mắt, bấm tay nhẫm tính gì cả:
– Hai tuổi này không hạp đâu! “Tứ hành xung” đó! Hai không chết một, thì cũng khắc khẩu triền miên. Sống với nhau không mục đôi chiếu đâu!
– Chị có hiểu cái thành ngữ của miền Nam “không mục đôi chiếu” không? Tôi ngừng lại, hỏi bà khách.
– Tui biết. Chiếu làm bằng lát ở VN, xài giỏi lắm 5 năm. Có con nhỏ ngủ chung, nó đái dầm, thì càng mau mục! Sau ngày cưới một năm, là có nước đái để vợ chồng cùng hửi rồi! Đêm nào cũng đái, thì chừng một năm sau là mục. Như vậy ý bà ta là, giỏi lắm hai năm sau khi cưới, thì một trong hai người “đi chuyến tàu suốt”! Vậy anh có tin, có run không?
– Còn lâu tui mới run! Tui tỉnh bơ trả lời cho bà thày bói rằng: Chuyện tứ hành xung tui biết. Bữa nay hai đứa tui tới đây, mục đích chính không phải để bà coi tuổi ngọ và tuổi dậu có hạp hay không, chừng nào có đứa chết. Tui muốn bà coi dùm tui, tuổi nào hạp với tuổi dậu?
Bà ta trừng mắt trả lời:
– Nè cậu trẻ! Đừng có giỡn với thánh thần nghen. Tui cũng không muốn làm mất danh tiếng của mình. Tui nói hai người hạp tuổi, lỡ cưới hỏi xong rồi đứa này khắc chết đứa kia, thì tui còn hành nghề sao được. Thôi! Tui hỏng coi cho hai người đâu!
Tui bình tỉnh trả lời bà thày bói:
– Bà cứ yên tâm. Tụi tui không bao giờ hé môi để làm mất tiếng tăm của bà. Bà cứ làm theo lời tui, coi tuổi nào hạp với tuổi dậu, là tui hậu tạ bà.
Bà ta bấm bấm, một hồi rồi phán: Tuổi mùi. Tuổi mùi rất hạp với tuổi dậu. Trả tiền cho bà ta, hai đứa tui lên xe đèo nhau đi dạo một vòng phố Cần Thơ. Trên đường đi, tui thủ thỉ với nàng:
– Anh đạo Chúa, không hề tin dị đoan. Chúa nói sợi tóc trên đầu rơi xuống, Ngài cũng biết. Chuyện sống chết là do Chúa định, không ai có thể quyết định cho mình sống hay chết ngoài Chúa. Nếu đến ngày chết, thì nhứt định phải chết. Nếu chưa đến ngày chết, có muốn chết cũng không chết được. “Tử kỳ hữu định”, sách giáo lý Công giáo dạy vậy, Kinh Thánh dạy vậy, và anh tin như vậy. Em có học trường Providence của bà phước mấy năm, ít nhiều em cũng biết giáo lý mà. Trước sau cũng chết, đến ngày chết sẽ chết, không cưới được em, anh cũng phải chết. Cưới người khác, rồi cũng phải chết. Vậy thà anh cưới người mình yêu rồi chết, sướng hơn lấy người mình không yêu, rồi cũng chết, phải hong? Anh không bao giờ sợ chết. Biết là cưới em xong là chết liền, anh cũng không sợ,… bla, bla,… Vậy em có sợ không? Em tin Chúa hay em tin bà thày bói?
Nàng gật đầu đồng ý. Dĩ nhiên! Miệng lưỡi tui như vậy, nàng cho dù có tin dị đoan cũng cũng bị “đốn” như thường, huống hồ hai đứa đang tới hồi yêu đương rất mặn nồng. Tôi chưa ngừng ở đó:
– Chuyện khắc khẩu thì hơi đâu mà tin. Em coi trên đời này có vợ chồng nào không khắc khẩu không? Ba má em có cãi nhau không? Cha má anh có cãi không? Chú thím Tư? Dì dượng Ba? Tất cả những người quen của em? Ai không cãi chỉ cho anh coi? Khắc khẩu, theo anh, là do “hỏng biết điều”, do nói ngang, do bướng bỉnh cứng đầu không phục thiện, do nói dai như đỉa…. Mình làm sai, nhận sai, nói một câu xin lỗi, đối phương có còn muốn gây tiếp không? Bỏ tính nói dai, cũng đâu ai thèm “ăn thua” chi cho sinh chuyện?
Nàng lại gật đầu đồng ý. Vậy là chúng tôi “nhứt trí” về trình với ông già, tui tuổi mùi. Tội nghiệp nhạc phụ tui, vừa nghe tui trình ngày tháng năm sinh là xách xe chở nhạc mẫu đi coi thày liền. Nhiêu đó đủ biết, ông già thương tui tới cỡ nào. Nhắc tới thấy thương nhạc phụ quá. Xem xong, về ông hớn hở khoe:
– Thày nói tuổi tụi bây hạp hết biết luôn. Tụi bây sẽ giàu có, con cái ngoan ngoãn, không bịnh hoạn, không tai ương,… Về kêu anh chị qua nói chuyện cưới hỏi đi.
Chúng tôi nhìn nhau mĩm cười. Vui vì “mộng đã thành”! Khỏi cần “mua bao thuốc chuột uống cho rồi đời!” Có ai biết bài vọng cổ đó không? Tui thuộc mà quên tên: “Em ơi nếu mộng không thành thì sao? Non cao biển rộng biết đâu mà tìm?…” Bọn trẻ tụi tui chế thành: “Em ơi nếu mộng không thành thì sao? Mua bao thuốc chuột uống cho rồi đời!…” Hai đứa cũng vui vì có thể bày trò qua mặt ông già dễ như vậy. Chuyện còn lại là chờ người lớn “coi ngày”, chắc chắn phải chọn ngày lành tháng tốt cho chúng tôi. Chắc chắn, vì ông già tin tới nỗi xây cái chuồng heo cũng coi ngày, coi hướng, huống hồ đám cưới của con cái! Kệ! Đó là niềm tin của người lớn. Chúng tôi có niềm tin của chúng tôi. Mạnh ai nấy tin, thì mọi chuyện sẽ êm đẹp. Nếu tôi dại dột lên tiếng thanh minh thanh nga, hay ngu tới mức dám đả kích lòng tin rất dị đoan, vô căn cứ, của người lớn, thì coi như mọi chuyện đã xoay 180 độ rồi.
– Sau này ông nhạc anh có biết anh gạt ổng không?
– Biết.
– Vậy chắc anh no đòn?
– Không! Ông già không hề trách một câu. Bốn năm sống chung ở VN, ông bà nhạc gia cũng chưa hề nặng nhẹ, la rầy một tiếng. Tui thương ông bà không khác gì cha mẹ đẻ. Ngày tui sang Mỹ, ông còn viết thư cho mấy đứa em vợ, dặn dò: “Tao và má mày có tu mấy kiếp nên mới kiếm được thằng rể tốt như anh Tư tụi bây. Nhờ nó mà mấy đứa bây giờ này mới ở Mỹ….”. Tui tổ chức vượt biên, đưa ba đứa em vợ và một thằng cháu sang đây, nên nhạc gia cảm kích mà viết như vậy.
Tôi quay sang bà khách:
– Giờ chị biết tại sao tui bị triệt buộc, nên phải đi coi bói chưa? Tụi tui sống với nhau không phải chỉ mục một đôi chiếu, mà tới vài chục đôi chiếu rồi, mà chưa có đứa nào chịu chết trước! Hỏng biết còn sống thêm bao lâu nữa đây? Tui có về VN, mà bà ta còn sống, còn mở cửa, tui nhứt định ghé thăm bả, nhân tiện kêu bả “đốt sách”, bỏ nghề luôn! Giỡn thôi!
– Còn chuyện khắc khẩu thì sao? Bả nói trúng không?
– Đương nhiên là trúng! Tui không làm thầy bói, nói còn trúng phóc nữa kìa! Nếu lấy người vợ vừa câm, vừa điếc, vừa mù, có lẽ khỏi khắc khẩu! Câm không nói. Điếc không nghe. Mù không thấy. Làm sao cãi? Nhưng rồi sẽ có cái khổ kèm theo chuyện câm, điếc, và mù! Có khi còn tệ hại hơn chuyện khắc khẩu! Lấy người vợ đầu óc thông minh, miệng lưỡi sắc bén, ngang ngửa với mình, thì khắc bạo, khắc tới chết! Nhà cửa êm thắm, phải coi ai nhịn giỏi hơn ai, chớ hỏng phải ai cãi giỏi hơn ai. Chị có khắc khẩu với ông xã chị không? Có khi nào chị ước ổng có đủ ba cái dị tật tui vừa kể không?
– Sao không! Cãi triền miên luôn! Nhưng thôi, thà cãi còn hơn lấy ông chồng câm điếc mù! Còn chuyện ngày tốt ngày xấu, đâu có giống chuyện kỵ tuổi như anh kể. Ông bà mình nói: “Mùng năm mười bốn hăm ba. Đi chơi còn thiệt, huống là đi buôn!” Hỏng có, sao người xưa viết thành ca dao luôn vậy? Thà tin có còn hơn không, anh ơi!
– Tui hỏi chị nè! Chị nhìn coi, ba ngày đại kỵ đó, người Mỹ có ai không dám bước ra khỏi nhà không? Chị xem freeway bên nầy, mỗi chiều lưu thông có bốn năm lanes, mà lúc nào cũng xe cộ ì xèo, bất kể mùng năm, mười bốn, hay hăm ba. Thậm chí “Friday the thirteenth” là ngày họ không ưa, xe cộ cũng nghẹt đường. Nếu những ngày đó xấu thật, như ông bà mình tin, thì người Mỹ chết rạp trên xa lộ, làm sao chôn cho xuể?
Suy nghĩ một chút, bà ta cũng ráng tìm ra một lý do để bênh vực cho niềm tin của mình:
– Nhưng mà ngày tốt xấu, người ta tính ngày âm lịch, nên nó chỉ trúng cho người mình, không tính cho Mỹ, vì họ xài ngày dương lịch!
Tui cười khắc khắc, cũng nửa chơi nửa thiệt:
– Trời! Trời! Trời! Ngày âm, ngày dương gì cũng là cùng một ngày, chỉ khác tên, khác cách tính thôi. Ngày nào cũng là ngày của Thượng Đế ban cho loài người. Người mình sang đây bị kỳ thị đã khổ. Tới thần thánh cũng bày đặt kỳ thị người mình? Ngày xui xẻo chỉ đi giết dân Việt mà tha dân Mỹ? Thần thánh chi mà bất công, mà chơi ép người Việt quá vậy chị?
Bả tỏ vẻ đăm chiêu suy nghĩ rồi trả lời tui:
– Anh nói có lý!
– Bên này mình vật lộn với cuộc sống đã mệt phờ râu cá chốt! Cột thêm chi những thứ vô căn, vô cứ, vào mình cho mệt thêm. Sẵn hỏi luôn: Chị có tin phong thuỷ không?
– Có chớ! Phong thuỷ hay lắm à!
Tui biết bà khách thuộc loại người chịu nói lý lẽ, dám thay đổi, nên cũng nửa đùa nửa thiệt, tặng bả thêm một câu ca dao: “Hòn đất mà biết nói năng. Thì thầy phong thuỷ hàm răng chẳng còn!”
– Anh không tin chút xíu nào phong thuỷ? Anh nói tui nghe thử lý do.
– Tiệm tui mở cửa tính đến hôm nay đã gần 25 năm. Làm ăn có lúc lên như diều gặp gió, tiền vô ào ào, lượm mỏi tay. Cũng có lúc rề rề như lục bình trôi sông lúc nước đứng, phải móc tiền túi trả tiền rent. Lúc đó, có người vào tiệm tui thấy vắng khách như chùa bà đanh, bèn phán rằng: Cái người chủ xây building nầy không biết chút gì về phong thuỷ! Ai đời vừa mở cửa, là nhìn thấy cái toilet liền, làm ăn sao khá! Anh nên khóa cái cửa chính đó lại, rồi dùng cửa bên này làm cửa chính, sẽ phát cho mà thấy đẹp…
– Rồi anh có làm theo không?
Tui cười:
– Không làm, cũng không cãi chi cho khách mất hứng, vì tui biết người già như ông ta cách gì mà thay đổi. Hơn nữa, cãi xong, ông ta quày quả ra khỏi tiệm, thì có phải tôi mất một dịp kiếm tiền lời từ ông ta? Như vậy là ông ta nói ứng nghiệm, mua bán không hanh thông, phải không? Mua bán thành công, phải dựa vào ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Thiên thời là kinh tế nước Mỹ đi lên. Địa lợi là biết chọn địa điểm cho tốt. Nhân hoà là biết bán hàng. Ba yếu tố đó đều rất quan trọng. Kinh tế Mỹ lên: người ta có công ăn việc làm, stock lên ào ào, tiền vô như nước, người ta sẽ mua sắm. Mình hốt bạc. Lúc kinh tế èo ọt, thất nghiệp, stock bị crashed, nhà cửa xuống giá bị nhà bank hốt, thì không ai còn lòng dạ mua sắm, tui ế, đương nhiên. Những lúc như vậy, dù có đóng cái cửa đó, hay đập bỏ cái toilet cho hạp phong thuỷ, thì cũng ngáp ngáp như thường. Chọn địa điểm trong “hóc bà tó”, khách tìm đỏ con mắt cũng hỏng tìm ra, bán buôn với ai? Bán dở ẹc, nói câu nào ra khách nghe cũng không lọt tai, thì bán với buôn gì? Tui cũng biết lựa người để nói chuyện. Nếu chị giống ông khách đó, tui ngu gì ngồi đây nói tầm sàm cho mất giờ, và nhứt là làm phiền lòng chị. Nếu thật sự chỉ cần xoay hướng cái giường, kê lại bộ sofa, chưng lại chậu kiểng cho đúng phương hướng mà phát tài, thì người ta đâu có cần vất vả làm việc cực như trâu, cũng sẽ giàu có như trở bàn tay! Mấy ông thầy phong thuỷ rành phương hướng như vậy, chắc ông nào cũng giàu xụ như Bill Gate hết? Tui chưa thấy ông nào giàu nhờ phong thuỷ cả. Chị có thấy thầy phong thuỷ nào không cần làm việc mà giàu không?
Bà ta lại suy nghĩ. Sau cùng quyết định:
– Thôi, mai anh cho người chở nệm tới cho tui đi. Khỏi coi ngày giờ cho mệt! Phong thuỷ cũng dẹp luôn cho khoẻ!
Peter C. Tran