DÌ CỪ ( Khánh Đặng)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: 2 people, people smiling, night

Image may contain: 1 person, smiling, sitting and indoor

Sau năm 1975, ba tôi đi tù cộng sản. Nhà tôi nghèo lắm. Mẹ tôi không thể nuôi nỗi năm anh em. Hai anh lớn phải về ở với dì Hải, còn tôi thì về ở với dì Cừ tận Qui Nhơn. Hai người em còn lại thì vẫn ở với má tôi.

Dì Tôi tên thật là Hoàng Thị Ngọc Huệ. Tôi gọi là dì Cừ vì dượng tôi tên là Cừ. Dì Tôi đẹp lắm, nét đẹp sang trọng và quí phái, nhưng không mất đi nét dịu dàng thuỳ mị của người đất kinh thành. Hơn thế nữa, dì là một người đàn bà rất thông minh, người mẹ giỏi giang và là người vợ đảm đang.

Dì tôi có bốn người con. Chị Oanh đi Mỹ cùng chồng ngay ngày mất nước. Gia đình anh Hoà, gia đình anh Sơn và chị Lan đều ở chung với dì dượng và bà ngoại. Bên cạnh đó, dì còn nuôi thêm hai người cháu và cả tôi nữa. Tổng cả thảy là có 16 miệng ăn hàng ngày.

Trước kia, dì buôn bán rất giỏi, nên dì cũng có một cái biệt thự rất đẹp, và lớn nhất nhì lúc bấy giờ ở trên đường Nguyễn Thái Học, thành phố Qui Nhơn. Nhà kín cổng cao tường, và có nhà riêng để đậu xe hơi nữa.

Hôm đó, trong bữa cơm gia đình, tôi không được ăn chung, mà tôi đang đút cơm cho em ăn gần đó. Dì nói, bây giờ cuộc sống rất khó khăn, dì dượng ko thể đi ra ngoài kiếm tiền được nữa. Người ta theo dõi và dòm ngó quá. Bây giờ, mấy con, đứa nào kiếm được việc gì thì cứ làm, chứ ngồi ở nhà ăn không, núi cũng phải lở.

Các anh chị của tôi vốn xuất thân trong gia đình giàu có, nên bây giờ kêu đi ra ngoài kiếm việc làm, ai cũng ngại. Mà lúc bấy giờ, muốn đi làm cũng chẳng ai dám mướn, và cũng chẳng có việc để làm.

Ngày qua ngày. Chẳng ai trong gia đình có việc làm cả.

Một hôm, dì tôi nói tôi đi chợ cùng dì. Ra đến chợ, tôi trải 1 tấm nilon ra. Dì lấy mấy cái tô, mấy cái dĩa kiểu của thời Mỹ, bày ra bán. Không hiểu sao, nhiều người đi qua đi lại dòm ngó, rồi thì thào to nhỏ, chỉ trỏ với nhau. Dì tôi tránh đi như không biết gì hết. Ngồi cũng lâu lắm, chẳng ai đến mua cả. Cái thời đó đói quá, kiếm cái ăn bỏ vào bụng là may lắm rồi, tiền đâu mà mua mấy thứ này. Đó là chưa kể dễ bị ghép vào tội chứa chấp hàng Mỹ nguỵ

Hai dì cháu đang ngồi chờ người mua, bỗng một tiếng nói ở đâu vang lên. Từ ngày giải phóng vào, từ voi xuống chó là chuyện thường, nhìn kìa. Rồi bà ta chỉ tay về phía dì cháu tôi.

Sau câu nói ấy, dì tôi nấc lên từng cơn, dì nghẹn ngào khóc không thành lời. Nước mắt, nước mũi, chảy ra như ko cầm lại được. Tôi thấy dì tôi khóc, tôi cũng khóc theo. Một vài người an ủi. Kệ miệng đời chị ơi, họ nói gì kệ họ, không phải chỉ có mình chị đâu. Thôi nín đi chị…

Một bà cũng trạc tuổi dì tôi, đứng lại. Em rất thích mấy đồ này, em mua hết cho chị, nếu chị còn nữa, mai chị đem đến nhà em, chị đem ra đây, tụi nó thấy, tụi nó nói chứa chấp đồ của Mỹ nguỵ, tụi nó tịch thu hết. Đến lúc này, dì tôi vẫn khóc, nhưng không biết dì khóc vì tủi nhục hay khóc vì vui mừng. Chắc là cả hai.

Cả nhà vẫn chưa ai có việc làm. Rồi trong nhà những món đồ gì có giá trị đều lần lượt ra đi.

Tôi vẫn thường theo dì ra chợ bán mắm cà. Từ ngày đem đồ trong nhà ra chợ bán hết, nhiều người ở chợ thương dì cháu tôi nhiều hơn. Dì tôi làm mắm ngon lắm. Tôi không biết phải diễn tả như thế nào, nhưng cứ nghe người ta nói, mắm cà của bà Huệ người Huế làm rất đặc biệt.

Ở bên cạnh nhà, tôi chơi thân với thằng Tí. Bà của nó cũng bán mắm cà cùng chợ với dì tôi. Nhưng mắm nhà nó bán có màu mắm, chứ ko phải màu đỏ cam như dì tôi làm.

Hôm đó qua nhà nó chơi. Bà nó cho tôi ly chè. Hai đứa đang ăn thì bà nó hỏi tôi tại sao mắm dì tôi làm có màu tươi đẹp và thơm, nhìn vừa ngon vừa hấp dẫn. Tôi nói dì tôi có bỏ riềng hay gừng gì đó, còn màu thì pha màu vào, mà tôi không biết màu mua từ đâu hay làm sao để tạo ra màu đó.

Tối đó cả nhà ăm cơm, tôi lại đang đút cho em ăn. Dì buông chén cơm thở dài. Bà Năm bên cạnh bây giờ cũng làm mắm y chang như mạ, cũng có màu, cũng có tôm nữa. Nghe vậy tôi nói lớn, mấy hôm trước bả hỏi con, con chỉ cho bả đó. Vừa dứt lời, anh Hoà chạy tới, táng cho tôi một cái tát tai đau điếng hồn. Vừa táng xong, anh đưa chân đá tôi một cái văng vào cửa. Văng vào cửa thật đó. Anh la lên, sao mày ngu vậy, mày giết hết cả nhà này rồi. Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà. Tôi đau quá, đau lắm, chỉ ôm đít khóc, không dám nói gì. Dì tôi đến, dẫn tôi ra sau nhà, lấy khăn lau mặt cho tôi. Con có biết như vậy là sai không. Tôi gật đầu nói dạ. Nhưng thật tình, lúc đó, tôi chẳng biết mình đã sai điều gì. Sau này, nhớ lại anh Hoà cứ nói tôi thật thà, ở đời có nhiều lúc, nhiều thứ, nếu người ta không chết thì mình chết.

– Dì ơi nhà mình sắp hết gạo rồi ! Hồi chiều con nấu cơm, con thấy còn vài lon nữa thôi.

Dì tôi buông đôi đũa xuống bàn, nét mặt đượm buồn. Dì đứng dậy, lên nhà trên. Chị Nguyệt vợ anh Hoà đi đến chỗ tôi, định giơ tay lên cú vào đầu tôi. Nhưng bất ngờ, chị Ánh đi xuống. Thấy chị Ánh, chị Nguyệt thụt tay lại và la tôi. Lần sau, nếu muốn nói gì, thì đợi sau bữa ăn rồi hẵn nói. Trời đánh tránh bữa ăn.

Vài ngày sau, cả nhà dì tôi thay đổi khẩu vị. Chén cơm có nhiều màu của khoai lang, khoai mì, hay có khi là của mì sợi. Mấy đứa cháu thì được ăn cơm không độn khoai, vì còn nhỏ. Nhưng tôi cũng nhỏ mà vẫn phải ăn độn như người lớn, vì thân thế của tôi khác nhiều lắm.
Cơm độn ăn hoài lâu ngày nó ngán đến cổ họng. Chị Lan, chị Ánh, chị Nguyệt và vợ anh Sơn, mấy chị này cứ đến bữa cơm là cãi nhau inh ỏi mấy cái vụ, bới cơm cứ lựa cơm ko, còn khoai và mì thì để lại. Hôm nào mà nấu cơm nhiều hơn khoai, cả nhà ai cũng vui cười hết.

Thỉnh thoảng, dì tôi chỉ im lặng ăn cơm. Nước mắt cứ chảy dài trên gò má. Bây giờ tôi mới hiểu, ăn cơm chan nước mắt là gì. Dì an ủi, gia đình mình còn có miếng ăn. Các con nhìn người ta kìa, đi ăn xin đầy khắp nơi đó.

Tôi nấu cơm cho gia đình lúc trước khoẻ re. Bây giờ thì mệt hơn. Tôi phải lấy cái chai để chính giữa cái thùng thiếc, đổ trấu vào chung quanh, rồi dùng cái chày bự, dọng trấu xuống, nén trấu càng nhiều càng tốt. Mỗi lần nấu cơm, tôi sợ cái khoản này ghê. Vừa mệt, vừa mất thời gian. Cái nấu cơm cũng phải khác, thì nói gì đến cái ăn chứ.

Hôm nay anh Hoà phải đi theo người ta vào núi đập đá. Nghe nói là công tác xã hội gì đó. Nhà nào cũng phải có 1 người đi làm. Ai ko đi thì phải đóng tiền. Dì tôi đi ra đi vào, đứng ngồi ko yên. Dì lo cho đứa con trai cả. Ko biết chuyện lành dữ như thế nào. Khi anh Hoà vừa về, nhìn quần áo anh Hoà lem luốt, dì tôi ứa nước mắt.

Đến giờ cơm tối, anh Hoà bưng chén cơm lên. Không hiểu sao, dì tôi phát hiện ra điều gì đó. Dì la anh Hoà.

– Sao con lại giấu mạ, đưa bàn tay cho mạ coi. Trời ơi, tay con sao vậy nè.

Dì tôi lại khóc. Anh Hoà làm việc chân tay không quen, nên khi đập đá, đập vào ngón tay cái. Nó sưng vù lên, tím rịm, chổ móng tay đen bầm. Dì nói tôi mau lấy chai dầu cù là, để xức cho anh Hoà.

Dượng tôi đem ở đâu về 1 bức hình, treo lên tường. Mấy anh chị tôi phản đối.

– Ba treo hình của ổng lên làm gì.

Dì tôi nói, phải nhịn, phải nhẫn mà sống con à. Tụi nó đang có chiến dịch đánh tư sản mại bản. Dượng tôi còn na về 1 cái tủ bự, trưng toàn là sách, mà tôi nghe anh Sơn nói chủ nghĩa cộng sản Mác Lê gì đó.

Mới đầu, đi ra đi vào, thấy cái hình của cái ông đó, ai cũng chửi nho nhỏ. Riết rồi chẳng còn ai để ý đến ổng nữa.

Tiếng hét bên nhà bà Sáu vang lên.

– Cứu tôi với, chúng giết người bà con ơi.

Lúc đó khoảng ‪4 giờ chiều‬. Cả nhà tôi ai cũng chạy qua coi. Tôi thấy công an nhiều lắm. Có 2 người đang nắm hai chân con gái bà Sáu kéo từ trong nhà ra sân. Hai tay cô con gái nắm chặt lấy 2 tay của bà Sáu. Cô gào lên, má ơi cứu con. Khi công an kéo lê cô ra sân, cô nắm chặt tay má mình, nên bà Sáu cũng bị kéo lê theo. Tuy bà Sáu già yếu, nhưng bà cố giữ chặt tay con mình, ko chịu buông.

Hai kẻ mặc áo vàng xông vào, đạp mạnh vào hai bàn tay đang nắm chặt nhau, miệng quát tháo, bà có thả tay ra không, nó đi thanh niên xung phong vài bữa thì nó về. Người con gái và người mẹ, sức yếu, không thể chống trả lại. Người ta lôi cô gái quăng lên xe. Cô gái gào khóc thãm thiết trong tuyệt vọng, má ơi cứu con, con ko muốn chết. Bà Sáu đau xót, định chạy tới cứu con thì bị công an giữ lại.

– Bà mà nhào tới là tôi bắn bà đó.

Rồi hắn rút súng ra chỉa vào đầu bà. Thấy vậy, cô con gái im lặng, nhưng nước mắt chảy ra không ngừng từ đôi mắt đỏ hoe.

Bổng bà Sáu hét lên, mày bắn tao đi, bắn tao đi, tao không muốn sống nữa, trước sau gì tụi tao cũng chết với chúng mày, đồ chó má, đồ việt cộng, đồ giết người.

Một tiếng súng inh óc vang lên.

Image may contain: 1 person, eyeglasses, text and closeup

Nhưng hắn chỉ bắn chỉ thiên.
Dì tôi chạy lại, nắm tay bà Sáu đi qua một nơi khác. Hai người to nhỏ gì đó, xong dì tôi tới chổ hắn, cũng to nhỏ gì đó. Dì tôi vội đi mau về nhà, rồi chạy ngược lại rất nhanh. Dì tôi và hắn đi vào nhà bà Sáu. Khoảng chừng một phút, ba người đi ra sân. Hắn ra lệnh cho đàn em thả con bà Sáu ra. Hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở. Cô con gái, quỳ xuống lạy dì tôi. Nhưng dì tôi cản lại. Đừng làm vậy, chúng ta phải sống, hãy khôn khéo, chúng chỉ muốn ăn thôi. 
Dì nói bà Sáu, khi nào có thì đưa lại em cũng được.

Dì tôi vẫn hàng ngày bán mắm cà. Anh Sơn và chị Ánh, làm ở xí nghiệp làm chén bát sành sứ. Anh Huy chồng chị Ánh, và vợ anh Sơn đi dạy học. Chị Nguyệt thì có tiệm quần áo ở chợ Lớn. Anh Hoà vẫn ở nhà.

Một người mẹ dẫn theo đứa con gái, khoảng chừng 4 tuổi, đứng trước cổng nhà. Nhìn họ lem luốt như ăn xin. Họ nhất định ko chịu đi, cứ đòi gặp dì tôi. Thì ra cô ấy nghèo quá, ko nuôi nổi đứa con. Thấy nhà dì tôi nguy nga lộng lẫy, nghĩ là có của ăn của để, nên muốn cho đứa con cho dì tôi nuôi. Cô ấy nghĩ rằng, có lẽ, con cô ấy sẽ bớt khổ hơn là đi ăn xin với cô. Và cô hứa sau vài năm sẽ quay lại. Dượng tôi không đồng ý. Dì tôi cũng nói với cô gái hết lời, nhưng cô ấy cứ khóc, rồi đứa bé cũng khóc theo. Cuối cùng dì nói, thôi tôi nuôi cháu khoảng 6 tháng, con nhớ quay lại, đừng bỏ con của mình mà tội nghiệp. Cô gái chắp tay lạy và vui mừng lắm. Nhưng khi người mẹ đưa đứa con cho dì tôi ẵm, nó khóc thét lên kinh khủng. Nó giãy đành đạch, và lao đến ôm chầm mẹ nó. Má đừng bỏ con má ơi, con không chịu, con không chịu. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Dì tôi cầm lòng ko được, dì lại khóc theo. 
Dì vào nhà, lấy tiền cho cô gái. Chị Lan nói sao mạ cho nhiều vậy. Dì không nói gì. Đợi cho họ đi khuất, dì tôi lặng lẽ, bước từng bước chậm, vừa đi vừa nói, Nam mô a di đà Phật. Tôi đoán, dì tôi cầu nguyện cho họ thì phải.

Mấy người cháu của dượng tôi vào thăm. Nói là thăm cho có tình có nghĩa. Chứ thật ra, họ nghèo quá, vào xin tiền thì đúng hơn. Họ ở lại chơi 2 ngày. Sau đó, nghe nói mỗi người được dì tôi giúp đỡ, nhưng không biết là được bao nhiêu. Cái ngày họ về, tối đó, chị Lan kêu tôi lên hỏi, hồi sáng tao kêu mày lên sân thượng phơi quần áo, mà sao bây giờ tao ko thấy cái nào hết. Tôi nói tôi có phơi mà, và dẫn chị Lan lên sân thượng. Tôi cũng không thấy quần áo đâu. Chính tay tôi còn lấy kẹp, kẹp từng cái một mà, kể cả mấy cái quần nhỏ tôi cũng kẹp luôn. Vậy mà bây giờ chẳng thấy đâu. Chị Lan đi vội xuống lầu, khóc lóc với dì. Khi tôi xuống sau, đến chân cầu thang, nghe chị Lan nói, đến mấy cái quần sì líp mà họ cũng lấy nữa.

Cúng ông ngoại xong, cả nhà đang ăn cơm trưa. Tôi đang đút cơm cho em ăn ở nhà trên. Tôi thấy lấp ló mấy người công an đứng ở ngoài cổng bấm chuông. Tôi chạy ra nhà sau nói với cả nhà là có công an ở trước cổng bấm chuông. Dì tôi lật đật nói, mau dọn dọn, đem thịt gà ra chuồng heo giấu mau. Nhưng anh Sơn bỏ hết thịt gà vào cái bao nilon, đem bỏ vào trong cái máng nước, như vậy an tâm hơn. Đợi mọi việc xong xuôi, dì sai tôi ra mở cổng.

Khi mấy người công an đi xong, cả nhà hỏi dì tôi, chúng nó nói gì. Dì bần thần, chúng muốn mượn căn nhà trên để làm trụ sở uỷ ban trong vòng 3 năm.

Đêm hôm đó, thức dậy đi tiểu. Tôi ko thấy vợ chồng chị Ánh đâu. Tôi ở chung với gia đình chị Ánh ở nhà để xe hơi. Tôi mở cửa đi tìm và lên nhà trên. Tôi thấy cả nhà đang bàn gì đó. tôi nghe không rõ, nhưng nghe được tiếng biên hay biển thì phải. Đang rình, bất thình lình chị Lan đi xuống nhà, tôi chạy ko kịp nên bị bắt tại trận. Chị Lan nhéo tai tôi lôi vào cho cả nhà thấy. Tôi nói, không thấy chị Ánh nên đi tìm. Dì tôi nói chị Lan bỏ tay ra không nhéo tai tôi nữa. Dì hỏi chị Ánh, con có định cho nó đi chung ko. Tôi vẫn ko hiểu gì, nhưng thấy chị Ánh gật đầu.

Chị Ánh ôm tôi vào lòng, chị nói chị rất thương tôi. Chị sẽ đi xa, lúc đầu chị định cho tôi đi, nhưng anh Huy nói để đem em ruột của anh Huy đi chung nên tôi phải ở lại. Chị ôm tôi rồi khóc, tôi thấy chị khóc, và tôi biết tôi phải xa chị, nên tôi cũng khóc dữ lắm. Chị còn dặn, khi chị đi rồi, em sẽ về ở với vợ chồng anh Hoà, em ráng chịu nhịn chứ chị Nguyệt đanh đá lắm. Nói rồi, hai chị em lại ôm nhau khóc.

Vài ngày sau, tôi không thấy gia đinh chị Ánh nữa. Dì tôi ngày nào cũng đi chùa. Tối nào cũng tụng kinh. Nhưng…

1 ngày……..

2 ngày……..

3 ngày……..

4 tuần……..

Hôm đó dì về nhà, dì buồn lắm, nước mắt cứ chảy dài. Nguyên cả chiếc thuyền, chưa có gia đình nào nhận được tin tức gì hết. Dì đã đến hỏi thăm những gia đình đi cùng chuyến tàu với chị Ánh.

Rồi những bữa cơm sau đó, không thấy dì ra ăn. Các anh chị, ăn nuốt cũng không trôi. Còn tôi, cái ngày mà chị Ánh ôm tôi, đó là cái ôm đầu tiên và cũng là cái ôm cuối cùng.

Nếu tôi đi cùng chị, thì chắc tôi đã không còn ngồi đây để viết mấy dòng chữ này. Xin chị hãy nhớ rằng, cứ mỗi lần nhớ đến chị, em lại bùi ngùi. Hơn 30 năm rồi, em vẫn luôn nhớ về chị.

Mấy người công an lại đến lần nữa.

Họ vào nhà nói rằng, ba ngày nữa, họ sẽ dọn vào căn nhà trước để làm uỷ ban gì đó. Khi dì tôi đưa cho họ coi tờ giấy, mà do cậu Lào, tức em ruột của dì tôi, gởi từ Sài gòn ra. Cậu Lào đã từng bỏ gia đình nghe lời chiêu dụ đi tập kết ra Bắc trước năm 1975.

Hắn đăm chiêu tức tối, xong buông một câu, tờ giấy này không có giá trị, 3 ngày nữa chúng tôi vẫn phải dọn vào. Rồi cả bọn bỏ đi.

Ba ngày sau đó, cả nhà, ai nấy đều lo lắng. Thấy mấy anh chị, đi đâu đó sáng tối. Nhưng khi họ về nhà, nét mặt ai cũng buồn so. Tuyệt vọng. Dì nói, mượn căn nhà trên chỉ là kế sách, cái mà tụi nó muốn là nuốt trọn căn nhà. Thôi cứ để chúng mượn căn phòng phía trên, còn gia đình mình tạm thời cứ ở phòng dưới.

Chúng kéo đến như chúng nói. Cái mà chúng tưởng là sẽ gặp sự chống đối của gia đình dì tôi. Nhưng dì tôi đã cho dọn hết đồ đạc rồi. Chỉ còn căn phòng trống. Chúng muốn làm gì thì làm.

Sau khi chúng dọn vào xong. Dì tôi, đến thắp hương bàn thờ ngoài trời ở phía trước. Dì quỳ xuống, vái lạy và cầu nguyện. Tên cầm đầu, tức tối. Hắn nói phải nhổ cái bàn thờ này đi, vì bàn thờ chình ình trước nơi làm việc. Hắn không thích. Dì tôi đanh thép, nếu đứa nào mà dám dẹp cái bàn thờ này, thì Thiên chu Địa diệt.

Dì tôi đi chùa thường xuyên hơn. Sáng và tối đều tụng kinh. Dì nói, gia đình chị Ánh chắc đang sống ở đảo hoang nào đó. Có lẽ chưa có cách để gởi thư về. Dì hay đem hình gia đình chị Ánh ra coi, rồi nước mắt lại chảy dài trong thinh lặng. Dì không cho ai được lập bàn thờ của chị Ánh. Mai mốt dì sẽ mướn một chiếc thuyền đi ra đảo hoang để tìm con.

Khoảng năm 1979 hay 1980 thì phải, chị Nguyệt là người Tàu lai, nên gia đình anh Hoà quyết định ra đi. Lúc đó nghe gọi là ra đi bán chính thức. Nghĩa là nếu bạn là người Tàu, bạn đóng tiền cho cán bộ và bạn được đi vượt biên mà không bị bắt.

Chị Nguyệt bắt tôi vắt chanh vào đường rồi đem phơi khô. Cũng khoảng mấy ký. Dì tôi không cản mà cũng không được vui. Trước 1 tuần, ngày mà gia đình anh Hoà ra đi, người ta bàn tán xôn xao, tối qua có 1 tàu vược biên bán chính thức bị nổ tung ngoài biển. Xác chết trôi dạt vào bờ khắp nơi. Dì tôi nhất quyết không cho gia đình anh Hoà đi nữa. Nghe họ nói, chiếc tàu đó có gài bom.

Anh Hoà từ Sài gòn về lại Qui nhơn cùng với cậu Lào. Vừa gặp nhau, dì tôi vào cậu Lào ôm nhau khóc nức nỡ. Cậu tôi đã bỏ vợ con ở miền Nam, đi tập kết ra Bắc. Sau khi chiếm được miền Nam, cậu tôi quay trở lại với người vợ người Bắc và 2 đứa con. Còn người vợ cũ cũng có gia đình riêng. Riêng người con gái chung với người vợ trước, chị Liên, đã đi sang Mỹ từ năm 1975. Và cũng nhờ có chị Liên gởi quà và tiền về giúp cậu Lào, chứ không, gia đình cậu Lào cũng thê thãm lắm.

– Cậu thấy chưa, cậu hy sinh cho lý tưởng, cho tổ quốc. Bây giờ cậu được cái gì. Sao cậu không bỏ luôn mạ và gia đinh ở ngoài đó luôn đi , cậu quay vào làm gì. Cậu có biết là vì cậu mà ôn buồn ôn bệnh, rồi ôn chết ko. Cậu tàn nhẫn lắm.

Dì tôi khóc như mưa. Bao nhiêu uất ức, bị đè nén, bây giờ nó thoát ra như nước lũ.
Cậu nhìn qua nhìn lại, đều đông đủ mọi người. Rồi cậu hỏi, con Ánh đâu. Như 1 đứa trẻ, dì tôi oà lên rồi lịm xuống. May mà mấy người con chạy đến đỡ kịp.

Cậu Lào nói với dì. Em đã năn nỉ và thương lượng hết rồi. Họ nhất định không chịu trả lại căn phòng phía trước, mà họ còn muốm chiếm hết luôn cả căn biệt thự. Nhưng vì anh có công với cách mạng, nên họ sẽ lấy trọn căn nhà này, và sẽ đổi cho chị căn nhà chung cư nhỏ hơn. Em rất hiểu tụi nó. Chúng muốn là chúng làm, thôi như vậy còn hơn mình mất trắng.

Thế rồi, dì dượng và chị Lan vào Sài gòn sống chung với cậu Lào. Bà ngoại tôi ra ở với dì Hải. Vợ chồng anh Sơn về nhà bên vợ. Vợ chồng anh Hoà và tôi về căn nhà chung cư bị đổi để ở. Hai người cháu, là hai chị em ruột, mỗi người đi mỗi ngã.

Đã có bao nhiêu gia đình, ly tan, chia năm xẻ bảy, trôi nỗi khắp nơi. Đã có bao nhiêu gia đình, mất chồng, mất con, mất cha, mất anh, mất chị ở chốn lao tù, hay ngoài biển khơi. Nói đi, hãy cho tôi 1 lý do, để thuyết phục tôi rằng, tôi phải chôn vùi những quá khứ đau thương này. Tôi cũng như bạn, tôi cũng có trái tim và khối óc. Cũng biết cười, biết khóc. Bạn còn trẻ, tương lai còn dài. tôi thì đã đi hơn nữa đoạn đường. Thì tại sao, bạn không cho phép tôi được cái quyền để nhìn lại quá khứ chứ. Quá khứ, là những sự thật của lịch sử, mà không có bất cứ thứ gì, kể cả con người, có thể chối bỏ được.

Dì dượng tôi và chị Lan đi Mỹ theo diện đoàn tụ năm 1986. Tôi và gia đình đi Mỹ theo diện HO. Gia đình anh Sơn qua Mỹ sau đó. Còn gia đình anh Hoà cũng vào Sài gòn sống.

Ở Mỹ dì tôi vẫn thường để dành tiền già, gởi về giúp đỡ cả gia đình anh Hoà. Dì có về San Jose thăm gia đình tôi 2 lần. Dì vẫn thường nói và dặn với mấy người con, hãy vào mạng, cố tìm tung tích của chị Ánh, và dì vẫn hy vọng, chị Ánh còn sống ở hoang đảo. Một ngày nào đó, chị sẽ trở về.

Sáng hôm đó, sau một giấc ngủ an lành, dì không còn thức dậy nữa. Dì ra đi, nhẹ nhàng như truất bỏ hết những phiền muộn của cuộc đời.
Anh chị của tôi, lập bàn thờ dì tôi. Và lần đầu tiên, tấm hình của chị Ánh, được để gần dì.

Khánh Đặng 

DÌ CỪ.Sau năm 1975, ba tôi đi tù cộng sản. Nhà tôi nghèo lắm. Mẹ tôi không thể nuôi nỗi năm anh em. Hai anh lớn phải…

Posted by Khánh Đặng on Wednesday, April 4, 2018